Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Đi Vào Huyền Nghĩa

31/10/201205:20(Xem: 6827)
12. Đi Vào Huyền Nghĩa
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

ĐI VÀO HUYỀN NGHĨA

Họ đều là kẻ lên đường, đang lên đường, lão nghệ sĩ, lão trang chủ, thiếu niên anh tuấn và Quái-đầu-đà. Nhưng họ có thẩm quyền nào về tâm linh, hay chỉ là những kẻ đang lần mò quờ quạng trên lối về tự tánh? Đều có trải qua hoang mang, nghi ngờ, bế tắc, an lạc hoặc khổ đau?

Triết Hựu mơ màng nghĩ ngợi. Trong thời gian quen biết với Quái-đầu-đà, cả hai đã từng bàn cãi với nhau rất nhiều vấn đề. Tình thân êm đềm có đến với họ, nhưng lộ trình đi lên lại càng mù mịt! Câu chuyện về tòa trang viện, về thanh gươm, về sự bất toàn, về chiếc hộp - mà Quái-đầu-đà cho biết bên trong chỉ là một bình trà cổ - đã đưa chàng đến những biên giới mông lung hơn, ảo dị hơn. Chàng cũng mơ hồ rằng là, có thể có nhiều con đường thật, có nhiều phương diện và có nhiều góc cạnh khác nhau của chiếc vạn hoa kính duy nhất thật - nhưng từ nơi ấy chàng thấy gì? Lý trí, luận lý và sự loay hoay! Gã thiếu-niên-anh-tuấn-tịch-mịch trong câu chuyện dù là lão nghệ sĩ tái sanh đi nữa - đúng như lời y kể - thì có giúp cho chàng một ánh sáng nào về sự giải thoát - hay là cả một cái gì quẩn quanh và bi tráng dường bao! Tất cả đều có thật, nhưng những sự thật ấy chỉ giúp thêm dữ kiện cho sự thật này nổi bật thêm lên: sự khổ đau, trống rỗng và tịch mịch của đời sống! Vĩnh cửu và chân phúc ư? Nó vẫn ở đâu đó, trên mây, trong đám sương vàng huyền hoặc; đâu đó, bãng lãng trên lớp khói mù của sông nước chiều hôm; chờn vờn trên ý thức, lãng vãng trong tâm niệm; dấu mặt đâu đó sau cái tà huy và hoàng hôn của cuộc lữ. Khó thay! Khó thay!

Triết Hựu lại thở dài. Biết bao nhiêu lần rồi chàng đã thở dài, sau lần chứng ngộ “nhất thể” ấy! Quái-đầu-đà đã phá vỡ lớp vỏ an toàn của chàng, đã đưa chàng về với cái hoang mang và hỗn loạn đầu đời.

- Không vong ngã thì cũng là đại ngã thôi, lão đệ! Không là cái tôi-vong-tính thì cũng là cái tôi-tuyệt-đối thôi, bạn lành! Tâm thức giải thoát là phải từ nơi cái ý thức thường nghiệm này, thường hằng tiếp xúc với ngoại giới mà nó vẫn an lạc và vô nhiễm! Y bảo thế. Nhưng y đã là kẻ chứng nghiệm chưa hay rốt lại chỉ là nhà luận giải? Chàng hoài nghi quá. Quả thật, họ và chàng đã gặp gỡ nhau ở rất nhiều điểm về kiến giải, suy tư và thiền định. Nhưng nhiều điểm cũng chưa thể nói lên một cái gì chung quyết vì trong chân lý “đa số không tuyệt đối”! Nhà kiến trúc cũng đến được bến bờ, nhà thơ cũng đến được bến bờ, nhà họa sĩ cũng đến được bến bờ – điều đó không sai - nhưng đâu mới thật là bến bờ? Hay bến bờ của người này không phải là bến bờ của người kia?

Lão nghệ sĩ đã lặn lội một đời khá dài trên đường tìm kiếm, tốn khá nhiều sinh lực và tế bào não - rồi cũng chết đứng nơi chỗ “tựu thành” cuối cùng của y. Thế giới đều đi đến chỗ hoàn tất - hoàn tất là sự chết - thế mà lão lại cố buông bỏ cái tâm niệm đeo níu còn lúc nhúc không chịu lặng yên. Nhưng an nghỉ vĩnh viễn theo nghĩa ấy thì có khác gì hư vô? Sự tái sanh, do cường độ năng lực của các tư tưởng - dù lão nghệ sĩ có thể biết được bằng khả năng nào đó của mình - thì lão cũng không thể nào chấm dứt được tâm niệm đeo níu. Lão không thể nào kiểm soát được cái vùng vô thức thâm sâu hằng diễn và bất tức. Và như vậy, mọi nỗ lực của lão, hữu hạn và vô hạn, đạo và đọa tính, hoàn toàn và bất toàn - là một cái gì dường như vô ích và phù phiếm. Một lối chơi của bọn trí thức trưởng giả, khoe khoang và hợm hĩnh làm sao? Một công trình thành tựu cái bất toàn như một thách thức với Thượng đế, một sự vươn vọt vào thế giới bình lặng như chân. Một khước từ hữu hạn để lao thẳng đời mình vào một bến bờ được sự tưởng tượng cao đại và phong phú của trí năng. May mắn thay, lão hỏng chân vì cái tâm thức giải thoát, lão lại với được đầu mối tái sanh. Và gã thiếu niên lại tiếp tục bước tới những bến bờ mà lão đã có công sáng tạo từ kiếp trước. Gã thiếu niên từ chối kiến trúc và bút họa vì nó không phô diễn được tình-cảm-động của pháp giới. Các tâm niệm vẽ vời của gã xem chừng cũng mông lung, mờ mịt và bất thực xiết bao - nhưng bản căn của trí tuệ xem chừng gã đã trưởng thành, biết dung nhiếp hài hòa hai trạng thái động tịnh của vạn hữu! Cái tư duy của gã cũng đi đến bờ vực như ta vậy. Chưa ai bước ra khỏi được thế giới ý nghĩa, biểu tượng hoặc tượng trưng - dù lý trí biết. Chàng đã nói rõ điều ấy với Quái-đầu-đà thì y bảo rằng:

- Vậy thì lão đệ cũng muốn dùng ý nghĩa để vượt qua ý nghĩa. Trùng phức làm sao. Phải là một “hành động tâm linh” mới với tới được cái nền tảng.

- Lão huynh muốn khai dẫn điều gì?

- Cái thấy.

- Cái thấy chính là hành động tâm linh ư?

- Phải. Cái thấy giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề. Cái thấy đảo hoán tận căn mọi sai lầm, chấp thủ cũng như ngu xuẩn của chúng ta. Hình thức biểu tượng, ý nghĩa thì hãy để dành cho các nhà kiến trúc, triết gia… và cuộc đời.

- Cảm ân lão huynh đã chỉ giáo. Nhưng “cái thấy” có như thực chuyển hóa được cá nhân và xã hội? Có thay đổi được tận bản căn những nhiễm ô của chúng ta không?

Khi hỏi như vậy, Triết Hựu đã rùng mình nhớ lại sự sa đọa của chàng. Các pháp diệt nhưng không diệt. Nó vẫn hiện hữu ở đây, đâu đó phía bên trong vô thức, duyên cảnh, nó sẽ hiện hành ngay - đầy đủ bóng dáng, kích thước, màu sắc, âm thanh…

- “Cái thấy” mỗi người mỗi khác. “Cái thấy” thường bị che lấp bởi kiến thức, thói quen, kinh nghiệm riêng tư của mỗi người. Vứt bỏ toàn triệt mọi riêng tư, chủ quan - ta sẽ đạt cái "thấy khách quan". Và cái thấy-khách-quan ấy được gọi là “cái-thấy-vô-nhiễm”, “cái-thấy-trung-thực”, cái thấy-viên-giác”.

Triết Hựu lại thở dài. Chẳng có gì mới lạ cả trong cái mớ chữ nghĩa ấy. Tất cả mọi nỗ lực tư duy của nhân loại hầu như chỉ để nói lên cái bế tắc của hữu hạn, cái cùng đường của hữu hạn, sự bi đát của hữu hạn. Đi vòng quanh hoặc là đến bờ vực rồi đứng đấy. Ở đấy. Nhiễm ô, tục lụy, tội lỗi vẫn đầy ứ bên trong, chật cứng bên trong - không có cái thấy siêu việt nào có khả năng đem chúng ra hết. Một vài trạng thái nào đó của thiền định, một vài ánh sáng nào đó của tâm thức, lóe lên - rồi người ta rêu rao với nhau là đạt cái này, đắc cái nọ, chứng nghiệm cái này, chứng nghiệm cái kia - nhưng khi trở về với thức thường nghiệm, con người vẫn là cái gì bất an và đau khổ.

Buổi chiều hôm đó, chàng kiếm một tảng đá và dựng thẳng lưng như một bức tường. Đây là lần cuối cùng, chàng nghĩ, phải thấu suốt tự ngã hoặc làm chủ tự ngã, không có thể kéo thêm dài ngày một cách vô ích nữa. Nếu không thành công, chàng sẽ từ bỏ nó như từ bỏ một đại họa. Đừng nghĩ đến cái ăn cái uống nữa, sinh tử đang thúc hối bên lưng. Đây là lần cuối cùng, phải nỗ lực để đẩy tư duy đến bến bờ của nó. Không lẽ lý thuyết Vệ-đà chỉ đưa ta đến đó: Hòa đồng với đại-ngã-vũ-trụ? Hòa đồng với đại ngã là để cho cái tôi, cái tiểu ngã mất tích vào một đại dương lớn, rồi tôi sẽ không còn tôi? Chàng đã chứng nghiệm điều này, giây phút ấy không còn xung đột thật, nhưng nó vẫn là cái phù du, thoáng mất. Sau trạng thái ấy, pháp vẫn lôi cuốn chàng đi nếu sự tỉnh giác không đủ chín muồi để tạo một lực tự phát. Hay là chàng phải gạn lọc mọi nhơ bợn, như một mặt nước lắng trong? Khi lắng trong sẽ thấy rõ suốt tự ngã? Cái thấy làm sao thay đổi tận bản căn được? Chàng đã thấy quá nhiều rồi. Và cũng có lúc chàng đã thấy với tâm vô nhiễm. Nhưng chuyện đó hiếm hoi làm sao. Như một khoảng xanh họa hiếm trên bầu trời mùa đông. Như vài giọt nắng họa hiếm dưới đám rừng dày. Sự an lành nhỏ nhoi quá giữa đời sống này, trong tâm thức chàng. Bầu trời mùa xuân vẫn như vậy và mặt trời vẫn huy hoàng và lồng lộng ở trên cao...

Triết Hựu xả thiền khi mặt trời đã gác chân núi. Nội tâm đã yên lặng, dịu dàng. Chàng đi kinh hành dọc theo con đường nhỏ nhìn hoàng hôn bắt đầu sẫm màu trên vạn vật. Ừ! Cứ thế, tâm ta hình như đang lắng lại, những cáu bợn đã ngủ yên. Dòng tâm ta trôi chảy nhẹ nhàng và thanh lặng làm sao. Nếu chàng không hiểu trước thì chàng sẽ tưởng là đang hòa đồng với đại ngã vũ trụ. Ồ! Không phải vậy đâu. Chàng đã lầm lẫn tai hại. Nó chỉ là sự trôi chảy bình lặng của con sông khi chưa qua ghềnh, xuống thác. Nó sẽ reo ca, nó sẽ giận dữ, nó sẽ trải mình đầy dục tính giữa đại dương để giao hoan với mặt trời. Tâm chàng đó. Tự ngã của chàng đó. Nhưng không. Hãy ở yên. Hãy ở yên như vậy.

Với tâm bình lặng, Triết Hựu đi mãi. Một cơn gió mạnh lùa qua làm rơi xào xạc những chiếc lá. Vạn vật như huyền vơi đêm, một màu nhờ nhợ. Tâm chàng ngay giây phút này nó cũng huyền như vậy, không rõ nét. Hãy bỏ tất cả tư duy và chỉ bước, nhìn và lắng nghe. Ồ! Đừng khởi lên vấn đề gì cả. Không có vấn đề gì cả. Nội tâm vốn không có vấn đề, các pháp vốn không có vấn đề: nó duyên sanh rồi diệt. Ồ! Hãy để yên. Đừng hỏi. Đừng trả lời. Chỉ bước, nhìn và lắng nghe.

Mặt trăng ló ra khỏi cụm mây trắng. Có tiếng động lạ sạt về phía trái con đường, một cánh chim tung cánh lên cao và chùm cây lay động… rồi hai bóng người hớt hải bỏ chạy. Ồ! Và chàng sững sờ, kinh ngạc. Đứng lặng: Vì đấy rõ ràng là Quái-đầu-đà và một cô gái!

Chàng đứng lặng như vậy rất lâu.

Đến khuya, Triết Hựu mới về đến am. Chàng cẩn thận trải tấm tọa cụ rồi ngồi thẳng lưng, tham thiền trở lại. Một chốc, chàng lại mở mắt ra. Đứng dậy. Đi kinh hành một chốc rồi quay vào. Chàng không ngồi yên được. Tại sao vậy? Có chuyện gì vậy? Sau cuộc đi dạo chàng thấy gì mà lại bức rức, xốn xang, đăm chiêu và tư lự như vậy?

Không thể như thế được, chàng tự nghĩ. Y là kẻ lên đường, một con người từ bỏ sản nghiệp và vợ con! Rồi cuối cùng lại trở về với cái ấy? Làm sao chàng quên câu chuyện đó được, câu chuyện kể về một nhà luận giải Vệ-đà cấp tiến, một chàng thanh niên đầy dũng khí, kẻ dám thử thách với hư vô, đấu chiến với Sinh Tử, lại sẩy chân và sa đọa một cách đê tiện như vậy!

- Ồ! Bạn thấy không? Tất cả mọi người đều từ chối định mệnh của mình. Nhưng kẻ cưu mang định mệnh mới là kẻ từ chối định mệnh một cách khẳng liệt nhất. Không có gánh nặng nào trên vai y. Bạn thấy đó. Tất cả đều là nụ cười và sự bình yên. Nước mắt ư? Đấy là những hạt ngọc long lanh của cuộc đời. Là vẻ đẹp của một chuyện tình. Đấy là vẻ đẹp xót xa và vẻ đẹp tàn úa của ngọn lá vàng trên cây xanh. Vẻ đẹp! Ồ! Bạn ơi! Sự bất toàn, thanh gươm và đức thần hủy diệt. Thiên thu ở đấy. Đáng kính và đáng yêu xiết bao. Thế mà tôi đã từ giã nó, từ bỏ mái nhà, đồng nội để về đây làm một người rừng. Tôi là một kẻ vô luân.

- Một kẻ vô luân? Huynh đài hãy cẩn thận về danh từ. Kẻ quá khinh xuất về ngôn ngữ, không cân lường được giá trị, thể tính của ngôn ngữ thì y là một kẻ vô luân đích thị. Nhưng kẻ từ bỏ mái nhà và đồng nội không phải là vô luân. Là một cái gì cao vời và miên viễn.

- Cao vời và miên viễn ư? Nói dóc! Cao vời và miên viễn chính là đời sống này. Cái bình thường tâm với mọi tương quan. Bạn đừng lý luận với tôi. Bạn là đứa trẻ con. Tôi đã dẫm lên những thánh tích tâm linh, đền đài, núi, biển, tế bào não, tuổi tác và chữ nghĩa. Tôi đã đi đến chỗ cuối cùng ấy. Và chỗ cuối ấy là hư vô. Tôi đã gặp hư vô, dốc cao, sa mạc và mặt trời cháy lửa. Bạn thử tưởng tượng đi, bạn sẽ bị đốt cháy thành than. Ở đấy. Bạn sẽ bị nuốt chửng. Bạn sẽ bị cuốn lốc vào lòng đại dương sâu. Bạn sẽ bị biến mình thành hư không. Bị chẻ vụn ra bởi lưỡi búa của đức thần hủy diệt. Ồ! Cánh cửa thật hẹp và đỉnh cao ấy, chỉ có giá trị khơi mở một vấn đề, một cánh cửa tự do cho tâm thức. Bạn sẽ đến đấy, đúng, nhưng đấy là ở đây, tại thế gian này! Nói đúng hơn, văn vẻ hơn, quê hương ở chính trong viễn mộng. Điều này để dành phần thưởng cho những hiện sinh can đảm và vô biên liều lĩnh dám rơi tỏm đời mình, tính mệnh mình vào dòng nước xoáy, tung mình giữa khoảng không lồng lộng. Định mệnh thắt buột ta ở mỗi lần mở mắt, chỉ có vậy mới mong bước ra! Đừng bước ra ngoài trái đất. Nên nhớ. Nên nhớ. Đừng bước ra ngoài trái đất! Nên nhớ. Nên nhớ!

- Huynh đài hình như đã phủ nhận trọn vẹn cuộc đời “hành hương tâm linh” của mình, đã dừng lại, đã thất bại hay là đã thỏa hiệp với mộng. Cái đó tùy. Nhưng tôi là kẻ còn ra đi và còn tìm kiếm. Thất bại hoặc thỏa hiệp không có trong tôi. Tôi phải đến đất Hứa dù biết rằng mình sẽ bị cháy thành than…

- Ra đi và tìm kiếm? Hẳn ai không là thế? Tôi vẫn ra đi và tìm kiếm. Nhưng tôi không còn đi tới nữa. Tôi đi lui. Nhưng tôi không đi bằng tư duy và suy tưởng. Trong bước đi của tôi có hơi thở, máu xương, nước mắt và cả ma quỷ. Còn trong bước đi của bạn có mặt trăng, sương mù, hư vô, thánh thần và tế bào não. Ồ! Bạn sẽ ra ngoài trái đất, người em tội nghiệp của tôi?

- Cảm ân huynh đài đã chỉ giáo. Nhưng đấy chỉ là cái thấy của một người. “Cái thấy riêng tư”.

- A ha ha! Hay! Thật là “gậy ông đập lưng ông”.

Được lắm. Này nhé! Cái lối đi ra ngoài trái đất ấy cũng cần thiết lắm. Ồ! Thật là ta không thể nào tưởng tượng được sự hỗn loạn và chật chội khi con người không nhìn ra ngoài trái đất. Ồ! Quả đất sẽ ra sao nếu chẳng có cái hư không nâng đỡ y? Thế giới sẽ như thế nào nếu toàn là ma quỷ? Núi non, sông suối sẽ như thế nào nếu không có gió mưa, cỏ cây và sương mù? Và tâm hồn ta sẽ thế nào nếu không có: “Lung linh nguyệt chiếu đầy sao, mộng mơ hé cửa trần lao mỉm cười”? Cần thiết, cần thiết tất. Nhưng mà, “xin chàng lãng tử vào chơi, đêm nay thu lạnh, đất trời nên duyên!”

Cái trí thì chỉ để mà nương tựa, còn cái tình là để mà sống. Tất cả kinh điển mười phương phải được biến thành những hạt mưa nhỏ long lanh trên mái tóc nhỏ yêu kiều của mùa xuân. Ồ! Thơ, hoa lá, chim, sương khói, mây trời, tư tưởng phải kết dệt thành những thể tính bãng lãng chắp đôi cánh tôi bay lang thang hí du ba ngàn cõi. Ồ! Và bạn ơi! Vậy là hết câu hỏi, hết tư duy, hết ngôn ngữ. Bây giờ tôi chỉ cần sống. Và sống là tình, là thơ, là thiên thu, là chí mỹ. Dĩ nhiên cả chí thiện nữa.

- Huynh đài không còn cả sự buông thả ngông cuồng cho tự ngã ư?

- Ồ! Đừng nói xóc! Người em ôi! Tôi thương người em lắm. Tự ngã ư? Quý giá gì nó? Một con bọ hung cũng có tự ngã vậy. Đại ngã ư? Một con bọ chét cũng có đại ngã vậy. Atman? Bràhman? Tiếng “Om” linh thánh? Cái đó không phải nằm trên mây, không phải ở trong những ngôi đền quanh năm trầm hương nhang khói. Mà nó ở đây, ở trong dòng đời tục lụy này. Bạn phải bơi vào đấy để học tự ngã.

- Đừng điên. Đừng lý luận thân xác như thế. Rồi huynh đài sẽ khổ đau.

- Ai khổ đau? Hả? Ai khổ đau đã chứ? Vả chăng, tự do và đau khổ là một vận hành biện chứng? Nô lệ và hạnh phúc là một vận hành biện chứng thứ hai?

Bạn muốn gì? Tự do? Nô lệ? Hạnh phúc hay đau khổ?

- Có ai lại đi tìm nô lệ và đau khổ bao giờ?

- Ôi! Thật là ngu si làm sao. Ngu si không thể tưởng tượng được. Tự do và hạnh phúc không thể đứng bên nhau. Kẻ nào muốn tự do thì phải kham nhẫn cả triệu mùa hỏa ngục, phải chất nặng cả hằng vạn núi lửa trên vai. Bạn là một hiện sinh tự do ư? Thì bạn cứ kiếm tìm, cứ lên đường, tôn sùng cái tôi tối thượng, cái tôi vô biên, cái tôi tuyệt đối - và bạn phải cắn răng bịt mũi hứng chịu mười sáu ngàn quả trứng thối của thế gian. Được chưa? Hãy là tự do đi! Còn hạnh phúc ư? Muốn hạnh phúc thì cũng phải còng lưng lại, cúi đầu xuống. Tự do thì ngửng mặt mà đạp qua than hồng, niềm sỉ nhục - còn hạnh phúc thì phải biết lòn trôn kẻ chợ. Ồ! Không phải sao? Phải biết quỳ gối lạy vợ. Phải biết nói lời giả dối nịnh nọt người tình. Ồ, em đẹp lắm tuy rằng em xấu như ma. Ồ! Anh cao thượng quá mặc dù anh là tên đĩ bợm. Thế đó, thế đó. Phải nói ngược lại hết. Phải sống ngu như bò, dơ như heo, giả dối như sếu, gù gù như bồ câu, dâm như dê, lệt đệt như vịt, oác oác như quạ, bươi móc như gà… Còn nữa thôi? Hay là phải còn nhịn bụng cho con no? Phải sống nô lệ trong các quy ước của xã hội. Phải lao tâm, lao lực, đầu tắt mặt tối hầu kiếm đồng tiền vàng cho gia đình thân quyến? Đồng ý chưa? Đấy là hạnh phúc. Và hạnh phúc được định nghĩa là nô lệ vậy. Cũng được định nghĩa là đau khổ vậy. Còn ta ư? Tự do và hạnh phúc đều là cỏ rác. Thượng đế và phạm thể đều là dê và trừu. Ta là kẻ tìm về mình. Tìm về mình và học chính mình.

… Ồ! Có lẽ vậy. Hôm đó, y đã trình bày mọi sự một cách thật rõ ràng nhưng chàng đã vô tâm quên bẵng đó thôi. Y đã phơi mở cả con người y để cho ta thấy sự thật bên trong. Nhưng có lẽ nào? Có lẽ nào một con người với trí tuệ và tâm linh dường ấy lại làm những việc lén lút ám muội? Y đã từng từ bỏ hai người vợ xinh như mộng để đến núi rừng này trong hình thức người không phải người, dã thú không phải dã thú để hò hẹn với người đàn bà vô danh nào đó trong bụi rậm? Cái dáng hối hả của y và cái dáng luống cuống của người đàn bà – có một cái gì làm cho chàng ghê tởm. Y tập phạm tội? Phạm tội để làm gì chứ? Để học gì nơi cái phạm tội ấy? Để tìm học chính mình? Chỉ ngụy biện thôi. Chàng không thể nào tha thứ được. Cái đó gọi là học thân xác. Cái đó gọi là học bản năng. Cái đó gọi là học thú vật.

Suốt đêm, Triết Hựu không chợp mắt được. Có quá nhiều hình ảnh lẫn mộng mị lan man đã đến với chàng. Hình ảnh của một người đã đi lên đỉnh núi cao rồi lại phải chúc đầu xuống, rơi vào lòng một chiếc hố đen ngòm, sâu thẳm. Một bóng người đi trên miền gió ngược, tà y phất phới dưới bóng mặt trời hồng, có cái gì hiên ngang và kiêu hãnh quá, rồi chợt sa chân, rồi hút mất, rồi đêm tối đã nuốt chửng y. Ồ! Không phải, y đã gục ngã. Đã nằm ngoan hiền trên chiếc giường thất bảo của nữ vương khoái lạc…! A! Nhưng sao ai rồi cũng như vậy cả? Từ cha, từ mẹ, từ em gái, Vọng Việt, hai người tỳ nữ, hai người con gái giữa đồng? Họ thảy đều là hiện thân của thân xác, nghĩa là bóng tối, địa ngục và tử sinh? Bây giờ là Quái-đầu-đà. Dáng dấp hiên ngang, cường tráng, mặt trời, biển và núi - lịch sử một thời đi khắp miền Trung Ấn vấn đạo, từng cắm những nhánh liễu (tượng trưng sự thách đố) - ở các thị trấn hữu danh có rất nhiều luận sư, chân sư và danh gia. Thế mà… thế mà… y lại gục ngã nơi đây, nơi xó xỉnh hang hốc của một khu rừng, trong vòng tay của một người đàn bà, rồi hối hả, thẹn thùng lủi đi như một tên đạo tặc. Ồ! Thật là không thể hiểu được! Thật là tồi tệ biết bao nhiêu?

May ra, trước mắt chàng vẫn còn hai người là vẫn còn vẹn tuyền, trinh trắng: Sư phụ và vị sa-môn đầu-đà. Ồ! Mà phải. Đá thì nhiều mà ngọc vốn hiếm. Kẻ trí thì ít mà người ngu thì nhiều. Cuộc đời này hơi đâu mà vuốt đuôi chó!

Gần sáng, chàng ngủ được một chốc. Ồ không, chàng mê. Chàng bị một cơn ác mộng. Giữa con đường đầy lửa đỏ rực, nóng cháy sém da thịt, chàng hối hả băng mình chạy. Nhưng kinh hãi thay, một con rắn lớn thè lưỡi đỏ hỏn về phía chàng. Khoảng đường hẹp quá và hai bên là vực thẳm. Rắn càng lúc càng lớn và phì phò tiến lại, mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc. Không còn ngõ thoát, chàng định quay về lối cũ. Lửa đã cháy xèo xèo tóc râu, y áo và da thịt, nhưng chàng đã cắn răng để dẫm qua những cục than hồng. Nhưng ô kìa, đằng sau cũng có một con rắn lớn tương tự đang nằm khoanh tròn bịt mất cả lối đi. Khiếp đảm quá. Đã tuyệt lộ rồi. Chàng hét to lên một tiếng rồi bất tỉnh. Bất tỉnh trong cơn ngủ là tỉnh lại sau cơn mê. Mùi tanh của rắn và mùi khét của da thịt hình như còn phảng phất đâu đây. Trái tim đang còn đập bồi hồi. Vừng trán hâm hấp nóng. Có lẽ chàng đã bị cảm. Đã hai ngày rồi chàng không ăn gì. Giấc ác mộng kinh hoàng quá. Chàng là kẻ đã cùng đường. Mọi cánh cửa đều đã bị chắn lại. Tri ngã. Tri ngã. Chàng chẳng thể tri ngã được nữa rồi. Bây giờ chàng không còn biết gì nữa hết. Không thấy gì nữa hết. Tối om. Vĩnh viễn không còn biết đâu là đến, đâu là đi. Định mệnh săn đuổi sau lưng, niềm bất an sừng sững ở hiện tại và hư vô nghìn nghịt ở đằng trước. Địa ngục nào đây mà chàng đang bị vây tròng? Đâu là cõi miền tịch lặng chân phúc linh thánh? Tự do và đau khổ là một vận hành biện chứng. Ồ! Không phải y đã từng nói như vậy rồi sao? Tự do tâm linh là sự cứu chuộc và đóng đinh trên cây thập tự giá của Christ. Phải mang vác thập tự giá và ra đi hành hương qua hết mọi bến miền biên cõi của đất trích. Cô đơn, bão, vực, lửa, máu, nước mắt, nỗi buồn và hoàng hôn. Biết đâu phải sinh thực cả rễ cây, củ rừng, niềm đau và dã thú? Thế gian đều là bọn ma quỉ ở chung lộn với những tên ác hạnh cùng kẻ phạm tội. Chúng đều là thân quyến với nhau. Muốn làm bậc linh thánh thì ta phải hứng chịu mười sáu ngàn quả trứng thối, vác cả trần gian này lên vai để đi qua sa mạc. Dám lắm. Dám lắm. Ồ! Chết còn sướng hơn là phải đầu hàng, bại trận một cách nhục nhã, vô liêm khiết. Nhưng mà chàng còn có một niềm tin, một hơi sức, một nhịp đập của con tim để lên đường nữa không, hay những chiếc xương sườn của ta đã bắt đầu phế mục?

Triết Hựu ngồi bật dậy, cố đứng thẳng, nhưng rồi lại ngã vật xuống. Tứ chi mỏi rời, xương cốt kêu răng rắc. Đầu óc choáng váng, tai lùng bùng. Mọi vật quay cuồng trước mặt. Thầy ôi! Sư phụ ôi! Sao bây giờ con cô đơn quá, con yếu đuối quá. “Hãy kham nhẫn, hãy kham nhẫn”, con sư tử trong chàng bấy lâu ngủ yên bây giờ chợt gọi lên nho nhỏ. Gọi một tiếng rồi cũng đi đâu mất, bỏ chàng trơ trọi một mình với nỗi buồn khổ vô hạn. Chàng thấy mình trôi nổi đảo lộn giữa màu vàng, sền sệt bùn và máu. Chàng như mê đi, mê đi. Hình ảnh cha, hình ảnh mẹ, hình ảnh em gái lại xuất hiện dịu dàng bên chàng. Ồ! Họ xuất hiện dịu dàng làm sao! Một cánh tay nâng đầu chàng dậy. Cánh tay của người tình hoang, của em gái hay mẹ? Và còn đôi mắt nữa. Đôi mắt bao la, ngọt ngào và ủi an biết mấy. Mẹ ơi, mẹ! Và chàng thấy mình biến thành trẻ thơ trong lòng chiếc nôi nhỏ. Người cha lại xuất hiện, gương mặt nghiêm khắc lạnh lùng. Rồi tất cả mọi người đi cầu kinh, chàng nằm yên lặng hít mùi hương và trầm, bơi lội thoải mái trong chiếc chăn bông ấm cúng. Căn nhà của mẹ và của cha thanh bình và êm ả quá, có cả ngọn khói chiều, bánh kẹo cùng quà xuân xanh đỏ. Một ngày xuân có mưa từng sợi nhỏ li ti, em gái chàng từ Ba-la-nại về khoe với chàng cái y khăn quàng mới thêu kim tuyến, có vị thần ngọc nữ óng ánh chiếc vương miện màu vàng ròng! Ồ! Sao yêu kiều và hoan lạc quá. Mẹ ơi mẹ! Con khát nước. Chàng được uống nước rồi sau đó, uống sữa và cơm đề hồ. Rồi mẹ chàng ca cho chàng nghe khúc ca chiến thắng của thần Krishna trong hiện thân lão đánh xe cho vị vua trẻ ngoài chiến trận. Tiếng ca mỗi lúc một thấp xuống, không còn rõ lời mà chỉ thoang thoảng những âm thanh ngọt ngào quyến rũ. Âm thanh của mẹ hòa lẫn âm thanh của em gái chàng thuở xưa bên suối với khúc ca tình ái! Rồi lại hòa lẫn khúc hát của người con gái chăn dê mỗi buổi chiều nào chàng đi kinh hành qua núi. Người con gái có đôi má hồng và đôi mắt long lanh tình tứ quá. Chàng đã vội cúi xuống tránh làn thu thủy rồi bước đi…! Nhưng sao lạ, dù chàng cố xua đuổi bao nhiêu thì hình ảnh cô gái trong tâm chàng càng hiện rõ nét. Tiếng ca phiếu diễu, phiêu bồng, như vuốt ve, như mơn trớn làm cho ngọn gió chiều đã phải dậy tình nhẹ nhàng đến mơn man vùng ngực cao mịn màng. Triết Hựu nóng bừng mặt và chợt ngồi bật dậy. Ồ! Kinh hoàng quá. Ma vương đã đến quyến rũ ta trong cơn đau ngật ngây nầy. Ồ! Hình như có ai vừa ra khỏi nơi chàng ngụ? Mùi thơm kỳ lạ của tóc, của da thịt con gái - mà chàng không thể đánh hơi lầm - đang còn tản mạn đâu đây. Ồ! Còn cả cơm đề hồ lưng đĩa! Ta đã làm gì trong cơn mê? Ai đã cho ta ăn trong lúc ta bất tỉnh nhân sự? Ai đã nâng đầu ta dậy rồi hát cho ta nghe? Ồ! Còn cả hơi ấm ở đây nữa, hơi ấm của một người con gái. Chàng hoảng quá. Người con gái nào đã đến săn sóc ta khi ta đau? Khi ta cảm thấy cô đơn lẫn thống khổ cùng cực? Khi ta đang thèm khát một mái nhà? Một tuổi thơ? Một sự an ủi dịu dàng của mẹ? “Xin vâng, xin vâng”, con cừu non bên trong chàng lại cất lên tiếng gọi yếu ớt. Bây giờ chàng đã nhu nhược quá rồi…!

Chàng nằm lả xuống và cảm thấy hai cánh tay mình run run. Đến chiều, quả có người con gái trở lại: người con gái chăn dê. Chàng ngước mắt nhìn ra và thản nhiên chờ đợi.

- Cảm tạ thượng đế! Quả là chàng đã qua khỏi cơn nguy hiểm.

Người con gái mang theo một chiếc giỏ, bước đi nhanh nhẹn, đôi chân có những ngón hồng.

- Hồi sáng, thiếp đi qua núi, nghe trong miếu có tiếng người mê sảng la hét. Bước vào thấy chàng. Ồ! Tội nghiệp quá. Phần cơm của thiếp chàng chỉ dùng được một ít. Ồ! Tội nghiệp cậu tuổi trẻ tu hành cô độc.

Người con gái nở nụ cười như đóa hoa hồng nở buổi sáng rồi ngồi xuống bên chàng, đưa tay sờ trán:

- Còn nóng lắm. Lại hâm hấp mồ hôi nữa. Đừng nhúc nhích, cứ nằm im.

Người con gái quay lại, lấy trong giỏ ra một nắm lá, đưa mắt nhìn ngược xuôi, chợt thấy cái bát sắt ở trên bệ thờ, nàng nhanh tay lấy xuống, bỏ lá vào. Triết Hựu định cản lại nhưng không còn kịp nữa. Nàng đang giả nhỏ nắm lá bằng viên đá trong cái bát đi khất thực hằng bữa của chàng! Cử chỉ nào của nàng cũng lanh lẹ, hoạt động, toát ra một sinh lực hồn nhiên, nhịp nhàng, như được tuôn phát bởi một cái gì của tuổi trẻ ở bên trong. Ồ! Nhưng mà rồi, một ngày mai nào đó cũng chỉ còn lại một nắm cốt khô thôi chứ có hay hướm gì! Thân xác đẹp đẽ ngọc ngà ấy chỉ là cái bì da, bên trong đựng máu mủ, nước tiểu, nước dơ, đờm, rải, phẩn, ngu si, tình dục, giận dữ lẫn khinh mạn… mà thôi!

Triết Hựu xoay mình nằm ngửa nhìn lên nóc miếu. Người con gái lại đến bên chàng, mùi thơm tỏa ngát trong không gian, êm đềm và gần gũi. Nàng lại hát véo von một khúc ca tình ái mà chàng đã được nghe thoảng trong cơn mê. Lấy chiếc khăn mặt của mình, nàng bỏ lá vào trong rồi nhẹ nhàng, cẩn thận cột lên trán chàng.

- Rồi sẽ khỏi ngay, cưng ạ! Ồ! Không, sa-môn chứ! Một chú sa-môn tí hon dễ thương! Ồ! Chàng sa-môn ơi! Rồi thiếp sẽ hát cho chàng nghe khúc ca bên núi khi đức huyền mẫu Kàlì tỏ tình với thần Shìva.

- Có đoạn ấy đâu. Thánh kinh Vệ-đà làm gì có đoạn tỏ tình ấy?

- Có chứ! Những kẻ đạo đức giả, giả vờ không thích tình ái, cao thượng rởm đã bỏ đoạn ấy đi. Những tên “cù lần” ấy, chúng chẳng hiểu gì về thú yêu thương cả.

- Đừng đùa thế cô bé ạ! Vệ-đà là thánh kinh, là cõi tinh thần sáng láng.

- Ồ! sa-môn! Đừng lý luận hợm hĩnh. Không có tình ái, yêu thương sao lại có chuyện Kàlì là vợ của thần Shìva? Chàng thông minh đến độ ngốc nghếch. Thôi, im đi cưng! Để thiếp hát cho chàng nghe.

“Đấy chỉ là ý nghĩa tượng trưng.” Chàng định cất tiếng cãi lại nhưng người con gái đã hát rồi.

“Mù sương xuống che mất vòm trời sao lộng lẫy

Ôi! Tình đẹp như mây hồng

Ôi! Tình tuyệt như sao băng

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng chia tay

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng gặp gỡ

Đấng chủ tể là nhất chân

Người chia ta làm hai ngã

Đấng chủ tể là muôn năm

Đem ta về chân ngã

Ôi! Chàng ôi!

Chiếc búa thần của chàng đâu

Bửa cái cầu tạo hóa

Sinh lực Pràna

Niềm hân hoan của cỏ

Ôi! Chàng ôi!

Lời hẹn hò một trăm năm

Thần huy hoàng cùng thần bất tử

Với lọng vàng của Purusha

Ta là thần ngã

Có bao giờ lấp?

Có bao giờ che?

Những vòm trời sao lộng lẫy

Trong khối tình ta vô biên

Trong khối tình ta toàn phúc.

Ôi! Chàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngâu

Ôi! Chàng ôi!

Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây níu khối tình mây

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Ý lực và uyên nguyên

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Tịch viên đâu?

Ai là ngươi, khả lượng?

Hữu tồn là giác linh

Giác linh là nẻo tử

Ai tương hợp

Ấy tương ly

Shìva hỡi, chàng hỡi!

Bắt nhịp cầu mà qua

Bổ nhịp cầu mà đến

Mối tình ta tinh vân

Sao khuê và sao khuyết

Ta làm bản hòa ca

Hủy thể chính So'ham

Thần linh trong thân xác

Shìva hỡi, chàng hỡi

Atman! “Om! Om! Om!”

Đến ngày thứ ba thì Triết Hựu lành hẳn bệnh. Mỗi sáng, mỗi chiều, cô gái chăn dê đều đến săn sóc chàng, cho chàng cơm cháo và thuốc men.

Chàng định đi khất thực trở lại vào ngày thứ tư, sau đó chú tâm vào đề mục thiền định hầu lấy lại sức thăng bằng nội tâm sau mấy ngày ốm bệnh. Chàng đã sa đọa tận cùng. Lại xanh xao quá đỗi. Chàng lên án mình dữ dội, đồng thời lại thấy nhớ nhung, thân thiết làm sao những bước chân, nụ cười, mùi hương, tiếng ca, bàn tay của nàng!

Buổi sáng, chàng để tâm trôi chảy nhịp nhàng, muốn không còn mảy may tư niệm nào, muốn tư tưởng hãy diệt mất đi, muốn vô duy cả cuộc đời. Nhưng chàng đã bất lực - khi một cơn gió qua, rơi rụng xào xạc những chiếc lá khô, chàng lại quay mặt lại nhìn, tưởng là nàng đến. Chàng thẹn đỏ mặt, rồi bần thần, mệt mỏi nằm xuống. Nhưng khi có nàng, chàng lại thấy mình nghiêm trang và đứng đắn dường bao.

- Tôi đã lành bệnh, xin cảm ân nàng. Có lẽ tôi sẽ đi khất thực và trở lại thiền định vào ngày mai. Nàng đừng để mất thì giờ vì tôi nữa.

Người con gái đưa tay sờ trán rồi sờ ngực chàng:

- Ồ! Đã lành bệnh đâu. Người còn nóng mà tim lại đập nhanh quá. Vậy là thêm một cái bệnh yếu tim!

Chàng cố gượng và lách ra xa người con gái.

- Sao vậy? Đừng trở mình. Hãy nằm yên! Rồi thiếp sẽ hát cho chàng nghe.

“- Ôi! Chàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngâu

Ôi! Chàng ôi!

Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện mối tình mây

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Ý lực và uyên nguyên

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Ai là ngươi, khả lượng?

Hữu tồn là giác linh

Giác linh là nẻo tử

Ai tương hợp

Ấy tương ly

Sa-môn hỡi… chàng hỡi!

- Đừng hát nữa! Tôi van cô. Đừng hát nữa. Tôi là sa-môn.

Cô gái cười khúc khích:

- Sa-môn không là người sao? Sa-môn không có tình sao?

- Cô đã làm cho tôi phạm giới, cô có biết không?

Nói xong, chàng chảy nước mắt, người con gái lại lấy khăn lau cho chàng.

- Giới luật gì đâu mà phạm! Hãy thôi khóc đi cưng! Ồ! Chú nhỏ sa-môn hãy nín khóc đi. Sáng nay ta lại có cái ăn tuyệt vời. Đặc ân của chủ mẫu đó!

- Chủ mẫu nào?

- Đức mẹ tình ái của ta. Sáng nay ông chủ bà chủ đi tạ thần vì sinh được con trai. Thiếp là tỳ nữ trong nhà nên cũng được vài cái bánh ngon.

Nói xong, người con gái lấy từ trong xách ra hai chiếc bánh to còn nóng, hương vị mùi nếp thơm nồng ấm và dịu dàng.

- Thiếp đã nhanh tay mượn tạm của nữ thần hai cái thôi. Chàng một, thiếp một. Thế là vừa đôi. Ôi! Mẹ tình ái! Diễm phúc và hoan lạc xiết bao!

Triết Hựu chợt sa sầm mặt lại:

- Nàng lại trộm cắp nữa, không biết xấu hổ ư?

Người con gái lấy ngón tay trỏ “nhí” vào trán chàng:

- Xấu hổ là xấu hổ cái trán này, cái mặt này, con mắt này. Xấu hổ là xấu hổ ở trong ấy!

Triết Hựu đỏ bừng cả đôi má vì thiếu nữ đã thấy chàng nhìn trộm nàng. Chàng nhắm mắt lại, muốn độn thổ đi. Ôi! Xấu hổ quá. Chàng đã sa đọa đến tột cùng tâm tưởng. Tất cả tiếng gọi kêu lý-trí-tinh-thần-sư-tử đều đã vô hiệu lực. Chàng đã hiện nguyên hình là một con người xấu xa, đê tiện. Ô! Mà sao giá trị của tử sinh và bóng tối nó vĩ đại quá. Từ lâu ta đã bao che bên ngoài thế giới này một lớp tinh thần sáng láng, một lớp tinh thần linh thánh và cao thượng. Ta nhốt nó lại. Ta không dám nhìn mặt nó. Ta khỏa lấp hoặc cố tình chối bỏ, nhưng không vì thế mà nó mất đi. Những tình cảm, ghét mẹ, ghét cha, em gái cùng Vọng Việt phải chăng chỉ là phản ảnh của bên trong chàng? Sự xung đột xẩy ra là bởi chàng dối trá không nhìn ra chính mình? Sự khổ đau xẩy ra là do chàng không dám sống thực? Sợ rằng mình là một con người thân xác bản năng? Sợ rằng mình không là kẻ phi thường? Ôi! Rõ ràng là tinh thần và lý trí là những chiếc cạm bẫy bằng vàng. Nó tỏa ra ánh sáng lửa. Ở xa là hào quang trinh tuyền chân phúc mà ở gần là nhiệt độ đốt cháy người. Nó đã lôi cuốn ta, hấp dẫn ta chạy thất điên bát đảo - để cuối cùng, suýt bị đốt thành than! Ô! Nơi cõi tinh thần cũng có cạm bẫy, ngươi sẽ bị hủy diệt ở đấy. Con chim trắng một hôm nào mộng mị đã cất lời tiên tri báo triệu mà ta nào có biết. Ta sẽ không thể bay đến đó bằng sức mình. Ta sẽ bị rơi xuống đại dương sâu. Ngoài đảo xa kia, đấng Guru của ta cất cánh phụng hoàng, nhưng mà quả thật, ngài đang hiện hữu trên mặt đất trần gian này, đầu trần chân đất, ăn xin từ nhà này sang nhà khác, khổ hạnh, vô dục và bình dị xiết bao. “Bần tăng là kẻ bình thường, nên chỉ xin sống cuộc đời bình thường. Xin ăn, bần tăng đã có bát, bước đi, bần tăng đã có đôi chân, suy tư, bần tăng đã có trí vô tri.” Ồ! Ngài đã không nói vậy rồi sao? Ta muốn cao thượng hơn đấng Guru của ta ư? Ồ, Không phải đó sao? Sao bấy lâu ta lại từ chối thân xác? Từ chối thân xác là một cái gì nghịch lý nên khổ đau. Đã bao nhiêu năm ta đã tạo nên một bãi chiến trường khôn nguôi giữa tinh thần và thân xác mà không làm nên được một trạng thái êm dịu bình hòa. Ta lại muốn chạy bắt vô hạn? Ta là gì mà dám chạy bắt vô hạn? Cả tinh thần lẫn thể xác đều là cái hữu hạn, sinh diệt mà ta lại mất công tìm kiếm vô hạn và bất tử. Ồ! Thật là đại ngã mạn làm sao? Rõ ràng là ta đã cuồng vọng thái quá khi từ chối mọi hiện hữu. Cả trần gian há chỉ là cái gì vô ích và phù phiếm, mà ít nhất cũng lập căn từ một giá trị ngàn đời nào chứ?

Ta từ bỏ tất cả và ra đi. Ta oanh liệt quá mà đồng thời lại ngu si quá. Bất tử là ở đây, bây giờ, ở ngay chính trong sinh tử. Chân phúc là ở đây và bây giờ, ở nơi cõi hỗn mang tao loạn và thống khổ này. Dòng đời là sự vận hành nhịp nhàng của tất cả mọi hiện hữu, hỗ tương qua lại xuống lên, vào ra. Ta là một khả thể bất ly, định mệnh buộc chặt từ khi vừa mở mắt. Vậy mà ta đã không thấy. Ta đã làm một nỗ lực đi ra ngoài thế gian để tìm kiếm hư vô. Quái-đầu-đà đã nói đúng: Ở đấy là cái dốc cao, mặt trời lửa và sa mạc - bạn sẽ bị đốt cháy thành than. Ta đã đến đấy và biết. Nó có giá trị khai mở một cánh cửa tự do cho tâm thức, để cho tâm thức vươn đến tuệ giác. Là cái không còn bị nô lệ bởi tư tưởng và thức. Tuệ giác không phải bước đi bằng tế bào não mà phải bước đi bằng hơi thở và trái tim nóng hổi, phải cọ xát lên thực tại bằng cả tứ chi và thân thể. Ồ! Vọng Việt cũng nói đúng nữa. Ta đi bằng đầu óc mà vào cuộc đời. Ồ! Y là Vọng Việt mà thật ra chẳng “vọng việt" chút nào, Ta là Triết Hựu mà ta chăng "triết hựu" chút nào. Ta đã vọng việt qua suốt bao nhiêu chặng đường chỉ để biết rằng tên mình chính là triết hựu từ bao giờ. Cha ta cũng là kẻ tiên tri định mệnh của ta, vậy mà ta đã nguyền rủa ông. Mẹ ta nữa. Ôi! Xin mẹ hãy tha thứ cho con. Và Triết Nguyệt, ta đã khinh bỉ em. Khi em chấp nhận cuộc đời tại thế. Vọng Việt ơi, rồi ngươi vẫn là kẻ minh triết, vẫn đúng là giáo chủ Minh triết giáo, ngươi vẫn là kẻ đến đích trước ta. Ồ! Có lẽ chưa phải là vậy, y chỉ là kẻ mới thấy cái giới hạn của mình. Tuy ta đã biết cảm thông và tha thứ cho tất cả, nhưng biết đâu, điều này cũng là cạm bẫy? Biết đâu con đường lại có cái gì huyền nhiệm nữa? Phía trước con đường, phải tới tận nơi rồi mới thấy, mới biết?

Bây giờ chàng mới như thực thấy rằng, mình đã từ chối tất cả cái gì đang hiện hữu rồi lại đi tìm kiếm một cái gì không rõ mặt. Định mệnh sau lưng, ta thường gọi thế, nhưng định mệnh là định mệnh nào, cái gì làm nên định mệnh? Ta không biết, không ai biết. Bây giờ thì phải biết cảm thông và tha thứ cho cuộc đời vì trong ta cũng chính là cuộc đời. Điều kiện phát sanh đến cho mẹ, cho cha như vậy, nếu là chàng - thì chàng có đi ra ngoài thông lệ? Bước ra khỏi từ lực của nam châm, là sức hút của trần lao và thế tục, mà bản chất của mỗi tự hữu vốn là một cái gì tương ưng - thuộc tính của đại dương sinh tử kia - cái nhấp nhô lên xuống của những hiện hữu trong sức quay điên đảo và vũ cuồng của vô minh và dục tính. Điều kiện phát sanh đến cho chàng, như với người con gái chăn dê, thì ai là kẻ đủ sức để bước ra khỏi tương quan. Chàng nhìn mình và thấy rõ ràng như vậy, mặc dầu, bên ngoài chàng có vẻ là một con người tinh thần ghê gớm và cao thượng nhất - kẻ từ chối thân xác!

Nhưng bên trong vẫn là thế tục, là cuộc đời, là điều kiện tất yếu của mỗi hiện hữu trên mặt đất. Điều ấy ghê gớm quá, nó có thể làm co rúm lại tâm hồn thánh thiện của kẻ lên đường. Nhưng đây là giá trị, là định mệnh của hữu hạn, của mỗi hiện sinh trong dòng trôi chảy vô biên của hữu hạn.

Triết Hựu thở một hơi dài. Mọi vấn đề hầu như đã lắng dứt, đã yên nghỉ!?

Buổi chiều, chàng chờ đợi người con gái chăn dê trở lại để giã từ ra đi. Chàng sẽ trở lại ngôi đại tự để trình bày pháp môn tri ngã cho thầy nghe, đồng thời sám hối những tội lỗi của mình. Ô! Không có vấn đề gì nữa. Ta là một con người tầm thường, bình thường, như thường thôi. Thế là nhẹ hẫng. Ta từ đâu tới ư? Đây là vấn đề của vô hạn. Rồi ta sẽ về đâu ư? Dĩ nhiên là do nhân duyên và điều kiện. Các pháp đều do nhân duyên và điều kiện - thì ta là gì? Không phải là ta đang ở trong dòng pháp ư? Các pháp đều sinh diệt mà ta lại muốn mình phi diệt phi sinh ư? Ồ! Mê vọng quá, đồng thời lại tham lam vô tận vô độ nữa.

Tìm chân phúc, bất tử trong ý nghĩ bấy lâu của ta, chỉ chứng tỏ cuộc đời này không thỏa mãn đủ lòng khát khao vô bờ bến của dục vọng. Tất cả những danh từ như toàn thiện, tuyệt đối, chân ngã, chân đế - sự hiện hữu của chúng là để làm cân bằng lại cán cân cuộc đời, níu kéo lại một cái gì đó đã quá đà, đã nghiêng lệch. Ta phải thấy rõ sự thăng bằng ấy ở trong chính ta - tinh thần ở bên này cực đoan và vật chất ở bên kia cực đoan. Sự bình an không phải là đấu tranh giữa chúng mà là sự giàn hòa. Là sự thấy biết minh triết. Nội tâm phải là khung trời bao dung của tình mẫu, của đất; để cho chúng nhởn nhơ, hát ca, vui đùa hồn nhiên, không hận thù, không ích kỷ, không oan trái, không khi mạn, không tham vọng điên cuồng. Nội tâm phải bát ngát, mênh mông để sẵn sàng tha thứ cho những hạt bụi nổi, những hạt cát bay, mưa sa và gió chướng. Sự thăng bằng ấy cần thiết quá. Sự thăng bằng ấy được gọi là vô tranh và vô dục, là bình an và dừng nghỉ. Trung đạo của đức Phật, trung dung của Khổng cũng không đi ngoài lý trên. Do vậy, không thể có con đường từ chối thân xác, hoặc cưỡng chế nó theo một thể cách, một phương pháp nào. Chỉ có sự hòa điệu, thấy rõ mình một cách như thực để lên đường; nhưng không phải lên đường bằng sự xung đột và cô lập mà phải bằng trái tim mở rộng đầy yêu thương, bao dung và tha thứ; bằng vòng tay mát dịu tình người; bằng nụ cười hồn nhiên lạc phúc như hoa cỏ; bằng đôi mắt sáng ngời tin tưởng và vắng lặng; bằng bước đi vững chãi lẫn khiêm nhu của một người đã bước ra khỏi mọi giá trị; bằng vừng trán mông mênh phăng lặng của bầu trời dịu dàng mùa thu… Và trên tất cả, là giềng mối bản căn, là trí tuệ, đại bi của đức Phật vậy.

Suốt buổi chiều và một đêm, người con gái không thấy đến, Triết Hựu quyết định dời ở lại đến ngày hôm sau. Chàng không có hành trang, hành lý gì lắm: bình bát, tam y và chiếc tọa cụ! Đời sống này giản dị và thanh tịnh xiết bao, như mây trời và cánh hạc. Và hết. Triết Hựu đưa mắt nhìn theo lối mòn quen thuộc. Mặt trời đã lên cao. Thường thì nàng hay đến vào giờ này, cho dê và bò ăn ngoài cánh đồng cỏ rồi nàng đi vào như luồng gió với tiếng ca trong trẻo của những hạt sương mai. Hương hoa rừng, hương nội cỏ tràn vào là nàng xuất hiện. Thường thì ít khi chàng thấy lầm. Phải từ giã nàng, dù sao thì ta cũng nhờ nàng mà vượt qua được cơn bệnh hoạn do sự bế tắc tâm linh mà có. Ồ! Có lẽ nàng cũng sẽ buồn biết bao nhiêu. Nhưng làm sao hơn? Ta đã nguyện đem cuộc đời hèn mọn cỏ rác này hiến dâng cho thượng đế, nghĩa là cho đại ngã và đại thể, thì chắc hẳn không thể để riêng cho một người. Tình yêu tuyệt vời thật nhưng ta đã có tình yêu khác, tình yêu viên dung và viên mãn của đạo lớn. Tình yêu này không phải là dừng chân nơi một quán trọ, một chân cầu; mà mãi mãi lên đường, mãi mãi phong sương và cát bụi, mãi mãi với nhật nguyệt, trời cao, sông hồ và biển rộng. Ta lên đường, chưa hẳn là hóa độ ai, chưa hẳn là để cho mình thành ra cao thượng hơn đời - mà lên đường bằng trọn vẹn con người mình, sự hào sảng của đại dương, sự ngây ngất của núi cùng sự hoan lạc của mùa xuân. Ta là người của mọi bến bờ, mọi quê hương.

Cô gái vẫn không thấy đến. Chàng nôn nao trong lòng. Bước tới bước lui và nhìn. Ồ! Quả thật nàng là một con chim sơn ca nhỏ. Ở bên nàng ta như tươi trẻ lại. Chú nhỏ sa-môn! Ngạo thật. Tóc ta đã có vài sợi lốm đốm bạc. Nàng nhí nhảnh và quá dịu dàng. Ấm cúng biết bao nhiêu là mấy ngày bên góc núi này. Đây là một kỉ niệm đẹp. Đừng nghĩ đây là ma, đây là kỉ niệm đẹp. Thế gian này cần nó như cần mùa xuân và hơi thở. Ta không phải là người ngoài thế gian. Sứ mạng của mùa xuân là cho lộc và cho hoa, sứ mạng của nàng là cho ta thêm sinh lực cùng niềm vui trên cuộc đời này. Nhưng ta là sa-môn, và sa-môn là phạm hạnh. Mà phạm hạnh nghĩa là xả ly, nên ta sẽ không chấp thủ, ái trước bất cứ cái gì trên trần gian này cả. Nàng hãy đến và ta sẽ nói lời xả ly, sẽ giã từ. Chắc nàng sẽ nhìn ta ngạc nhiên, say đắm, đỏ lệ. Rồi ta sẽ giải thích cho nàng nghe thế nào là tình yêu vị kỷ của thế gian, những tình yêu buộc ràng và đau khổ, những tình yêu đem đến nước mắt, đôi khi cả thù hận nữa. Nàng hãy hi sinh tình yêu nhỏ hẹp của mình để rồi sẽ gặp lại ta trong khối tình vô biên.

Triết Hựu một lần nữa lại nôn nóng trong lòng. Bất giác chàng khoa chân bước theo con đường nhỏ về làng, con đường mà hằng bữa chàng đã đi khất thực. Những xóm nhà ở phía dưới xa kia và đây là một vùng hoang quạnh, có những cánh đồng cỏ xanh ven chân núi. Trên cánh đồng, và dọc theo con lộ là nơi gặp gỡ chơi đùa của trẻ chăn dê, chăn bò... Chàng đưa mắt một lượt, cố ý, không hy vọng, kiếm tìm bóng dáng cô gái nơi cánh đồng ấy. Có một bọn trẻ đang đổ xô lại chỗ lùm cây. Triết Hựu lại nôn nao trong lòng rồi bước nhanh đến hướng ấy. Bò và dê vẫn đủng đỉnh gặm cỏ một cách bình yên và thoải mái.

Chàng đã đến nơi đám đông, bọn chúng dạt ra.

- Ông sa-môn đến! Hãy cứu chị Paduma!

- Rắn độc cắn.

- Chị Paduma đã chết rồi.

Chàng đứng sững lại. Paduma! Paduma! Liên Hoa! Liên Hoa! Nàng đã chết ư? Cô gái nằm nghiêng một chân co lên, khuôn mặt tái xanh. Chàng quỳ xuống rồi nắm tay nàng. Cánh tay sưng phù và tím bầm. Chàng nghe như còn nhịp đập yếu ớt ở hổ khâu tay của nàng. Người con gái chợt co rúm người lại, các bắp thịt ở trên mặt cũng thế. Nhân dạng người con gái hoàn toàn biến đổi. Sự sống ở trong nàng như muốn cựa mình để thoát ra. Triết Hựu thấy mình bình tĩnh hơn cả chàng tưởng, tuy trái tim chàng dường như co thắt lại. Chàng không hề chảy một giọt nước mắt. Ô! Thế là dấu hiệu tiêu vong của một cuộc đời! Một kiếp thanh xuân đã đi về hủy diệt! Những cánh bướm trắng nhởn nhơ trong mắt chàng đang bay vào vùng mặt trời lửa. Những cọng cỏ non vừa lên xanh mũm mĩm thì một trận mưa tuyết phủ ập xuống. Triết Hựu muốn che mặt đi nhưng rồi lại mở trừng ra nhìn khuôn mặt đã xám ngoét của cô gái. Chàng không biết mình phải làm gì, bối rối và lúng túng làm sao. Trước cái chết chàng như cảm thấy mình bất lực hơn.

- Paduma! Paduma! Chú sa-môn đây. Chú sa-môn đang ngồi bên nàng đây, Paduma!

Chàng gọi nhỏ, chú tâm vào sự sống mong manh đang còn nhúc nhích ở nơi đôi mắt nàng.

- Paduma! Sa-môn sẽ hát bài ca tình ái của chủ mẫu cho nàng nghe nhé!

Và thế là không kể đến mọi người, trẻ nít, người lớn đã bắt đầu bu lại, chàng cất tiếng hát:

“Ôi! Nàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngân

Ôi! Nàng ôi! Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện khối tình mây…

Tiếng hát của một sa-môn - mới hát lần đầu tiên trong đời này - nghe có một cái gì thật thà, ngô nghê và bi thảm làm sao! Giọng chàng ồ ề, kéo hơi nhừa nhựa, đôi khi lại lên cao đột ngột. Và đôi khi, không phải chàng hát - mà chàng hét! Đám đông cười ồ!

Nhưng không, một lúc sau, họ đã thật sự bị lời ca cuốn hút, vây chặt, nghẹt thở. Ôi! Bài ca tuyệt vời làm sao, nhất là được thở ra, tuôn phát ra từ một lồng ngực trinh tuyền, trong trắng, nhiệt tình, trọn cả tâm hồn. Ồ! Và bây giờ chàng không còn ngồi nữa, mà chàng đứng dậy, mở rộng vòng tay ra như ôm trọn cả vũ trụ vào lòng, như nói chuyện với thượng đế trên cao:

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Tịch viên đâu?

Ai là ngươi, khả lượng?

Ôi! Tình đẹp như mây hồng

Ôi! Tình tuyệt như sao băng

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng gặp gỡ

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng chia tay…

Paduma hỡi! Nàng hỡi!

Mối tình ta tinh vân

Sao khuê và sao khuyết

Ôi! Nàng ôi!

Lời hẹn hò một trăm năm

Thần huy hoàng và thần bất tử

… Ôi! Nàng ôi!

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện khối tình mây…

Chàng hát tới hát lui mãi. Hay chỉ là hát những đoạn nào còn lưu lại trong tâm thức. Chàng hát một cách say sưa, chỉ có chàng, thiên địa và một khối tình. Ngay giây phút ấy, thế gian vắng mặt. Danh lợi, quyền uy, địa vị, vương tước, phải trái, hơn thua, khen chê, atman, bóng tối, ánh sáng, tinh thần, thân xác, vong ngã, đại ngã, chân tri, chân phúc… đều vắng mặt cả. Chỉ có duy nhất một trái tim mở rộng yêu thương, chất ngất, đầy tràn, thổn thức và đau khổ…

Chàng hát. Và bắt đầu những hình ảnh quay cuồng trước mặt. Những giọng nói, tiếng cười, dáng đi của nàng đều hiển hiện rõ ràng trong chàng. Rồi hình ảnh ấy lại vội tan biến bởi những miệng núi lửa, dốc cao và sa mạc. Từng cõi chết đìu hiu, hoang vắng, thê lương lại hiện ra. Nàng ngồi trên con tuấn mã bay qua một miệng vực, lửa từ bên dưới bốc lên cháy xém mái tóc và mảnh sari trắng phần phật theo chiều gió ngược. Những con chim cánh đen chao lượn trên cao rồi đâm bổ xuống những xác chết, hót những tiếng hót não nùng, tha đi những ngón tay hồng, những ngón chân hồng. Con cú đứng chơ vơ trên đầu một mõm đá rúc lên từng hồi dài; mỗi âm thanh là mỗi mũi gai nhọn đâm sâu vào trái tim chàng làm chàng đau nhức, té xỉu rồi ngã xuống.

Ồ! Có những tiếng nói xa xôi nào bên tai, rồi một tiếng hú khác từ xa đến gần. Paduma đã chết. Chị Paduma đã bị “người rừng” cõng đi. Chàng không nghe tiếng rõ lắm, nhưng ý thức trong chàng đã bắt đầu động đậy. Ông sa-môn này điên chắc! Ồ! Điên vì tình, thú vị làm sao. Y ở nơi cái am kia đã mấy tháng nay. Rất nhiều lời bàn tán về chàng như vậy. Chị Paduma cho y bánh, sữa và ái tình; nhưng thật sự chị là vợ của “người rừng” kia, vợ dọc bờ dọc bụi. Triết Hựu lùng bùng trong tai và chàng đã ngồi bật dậy như là một lực tự phát.

- Paduma! Paduma!

Chàng hốt hoảng gọi. Đám đông cười ồ.

- Paduma của ông sa-môn, “người rừng” đã mang đi rồi ạ!

Không còn xác Paduma ở đấy nữa. Đám đông lẻ tẻ bỏ đi. Một vài lời bàn tán là còn lại. Rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà, gớm thật. Không. Một con rắn xanh chỉ nhỏ bằng mút đũa. Tiếc là không có “thầy rắn” ở đây, chị ấy có thể được cứu sống. Tội nghiệp Paduma! Gái chưa chồng. Xí chưa chồng! Chưa chồng mà lại năm ba bảy ông. Năm với ba là tám, tám với bảy là mười lăm; trong đó có kể lão “người rừng hồi nãy không? Chưa kể, lão người rừng với gã sa-môn này chưa kể…

Triết Hựu ngồi trân mặt tại chỗ, cố gắng đừng cho lọt vào tai tất cả những lời bàn tán tục tĩu sau đó của họ. “Người rừng” mà họ vừa nói, chàng dư biết là ai. Ừ! Quả thật ta không ngờ nàng trong trắng dường ấy mà rồi bên trong lại quá tệ hại; một người con gái như nàng có thể là kẻ đồng lõa với bóng tối để làm những việc lén lút được chăng? Chàng đã bị tổn thương quá nặng nề mất rồi. Cuộc đời này chúng đã khinh mạn vấy bùn ô uế lên trái tim trinh bạch của chàng. Ma quỉ đã vỗ tay và cười cợt trong lần thất bại và khánh kiệt toàn diện này. Khánh kiệt tất cả mọi gia tài; niềm tin, hy vọng, lối đến, lối về. Ôi! Thanh gươm của đức Kàlì mới bạo tàn, vô nhân, kinh khiếp dường bao. Một chút yêu thương vừa mới chớm nở thì thần Shìva đã cho người đến tước đoạt đi. Chẳng còn vòm trời nào nữa cả. Những vòm trời đầy sao đã tắt. Những đám mây trôi bàng bạc, nhẹ nhàng, vô ưu, vô lự cũng không còn nữa. “Mây quyện khối tình mây, sương quyện khối tình sương.” Tất cả là mộng. Tất cả đều không thực.

Trái tim, khối óc, mọi quan năng đã bắt đầu đông lại, kết tụ thành một sự sống ráo hoảnh; một sự sống không còn liên hệ với mọi sự sống, hay đã mất hút, mù tăm vào một đại dương nào. Những ý nghĩ cựa quậy sau những lớp tế bào não, nhưng nó không còn đủ sức đứng lên để gọi kêu sự hiện hữu nữa. Chúng đã bệnh hoạn, tật nguyền, ghẻ lở; thân thể chúng đã mọc đầy mụn độc do sự trước nhiễm khi hít thở, va chạm thế giới lý niệm và tư tưởng. Mấy cái mụt đỏ hỏn, bầy nhầy thịt thối, xác ma của quá khứ hắt hiu tương ưng với quạ, kên kên và những chú ruồi xanh. Đó! Thế giới tư duy của chàng! Bịt chặt cửa sổ tâm linh lại, những cái xác tử thi lại thò đầu vào, qua những vuông song bằng kiếng đỏ thúc hối sự hủy diệt và tối tăm lên đường. Và; bây giờ, trong từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc; khi đời sống im tiếng, co mình, lặng lẽ - thì mật nghĩa đời sống lại đến với chàng. Từ trong cái hương vị ẩm ướt và hôi hám của sự chết chóc, qua lớp lá vàng úa phủ đầy, qua những hiện hữu vô danh xa lạ với đôi mắt lờ đờ vẩn đục, dáng đi hớt hải; qua lớp ống khói đã đặc đầy cả hằng triệu kỷ nguyên tâm thức đổ tuôn ra; nức mầm ra: mộng và thực, thiệt và hư - từ trong thai bào một mẹ một cha. Ôi! Vô lượng mật nghĩa cứ thay phiên nhau, thứ lớp, chồng chất; sự êm đềm, sự mỉa mai, sự tủi hổ, khó khăn và quanh vinh - biến đổi từ ánh sáng qua bóng tối; từ bóng tối qua ánh sáng; thiên đường và địa ngục; sống và chết. Những thân thể trần truồng ôm nhau đú đởn, hát ca cuồng loạn; máu rỉ ra từ đôi vú căng sữa; gươm và đao cọ xát nhau bật lên những tiếng cười ngất ngây hoan lạc. Cái thế giới tưởng là riêng biệt có hào quang, trật tự, xán lạn, thiện và mỹ - bỗng dưng đìu hiu và hoang vắng vô cùng - chẳng có thể cứu chuộc được trần gian; khi mà, từ sát na của nọa tính, mọi hiện hữu đã từ chối nhất thể và ra đi; nghĩa là từ “đỉnh cao” để bước xuống cõi “lãng đãng mù sương”.

Khi đã thấy rõ tất cả những điều ấy, chàng thấy mình chìm lắng vào một cõi hoang sâu, tách rời đồng loại, tìm ra chính mình từ một sơ thủy xa xăm, thuở chưa có vũ trụ và tinh cầu. Từ ngón chân lên đến đỉnh đầu chàng, chợt nức ra sự vĩnh cửu - và thân xác đi qua các cuộc hóa sinh phải bị vỡ đi, bị thiêu đốt - để đứa con mới mẻ là chân ngã lộ hiện nguyên hình là “khuôn mặt tôi” - mà chưa ai quen biết, cả trần gian này. Nó bước ra, "con người nội tâm" ấy, kẻ lạ mặt chưa hề có một lịch sử, đời sống, kiến thức, tình yêu thương cũng như lòng cừu hận. Y lặng lẽ đến bên chàng, nụ cười hồn nhiên như đứa con đỏ; quỳ xuống và cảm tạ chàng. Y mấp máy môi - và rồi, địa cầu sụp xuống; lịch sử, thời đại, kỷ nguyên sụp xuống - bởi vì nó không hề có trọng lượng. Nhưng thế giới ba ngàn không chịu đựng nổi sức nặng ghê gớm của đôi chân y: vô dục, vô duy và tịch mặc. Ôi! Nó hoang dã, ngây thơ, vô luân và vô tính làm sao?

Khi Triết Hựu đứng lên thì "cơn mộng lớn" cũng vừa tan biến. Cánh đồng cỏ đã qua một đêm rồi, một đêm hay cả hằng đại kiếp của trái đất thì nó cũng không hề khác hơn. Hình như có sương đọng trên vai chàng, thấm lạnh. Màu xanh lam trải trong tầm mắt. Phía xa xa, trời đất một màu bụi đục, khói mây trộn lẫn, tan nhòa, bàng bạc…

Chàng cất bước chân thứ nhất trong đời! Phải, bây giờ mới chỉ là bước chân thứ nhất thôi! Chàng mới bắt đầu sống lại, tỉnh giấc qua giấc ngủ hằng triệu năm, hay hơn thế nữa; hoặc là qua cơn mộng lê thê của mấy kiếp ngân hà; hoặc hơn thế nữa; từ cõi chết vô danh, kinh khiếp, huy hoàng, lặng lẽ, bí mật và tối đen. Chàng cất bước chân thứ hai, thời gian ngừng lại, như chưa hề qua một sát na nào hay cũng như bước ra từ vĩnh cửu. Ôi! Bước chân không hề máy động, không một niệm nào bị phóng đi! Nó bước đi, trầm tĩnh và kiêu hùng của một đỉnh núi. Nó bước đi mà vẫn yên trụ từ khởi điểm, dường như bôn ba, lưu lạc mà nó vẫn chưa rời quê hương một phút giây nào. Ồ! Nó không hề chiếm một khoảng không gian nào ở phía trước. Bây giờ chàng mới biết rằng, chàng vốn là một chiếc bóng từ bao giờ!...

Đến một ngọn đồi cao thì chàng đứng lại. Chàng đưa mắt nhìn khắp bốn phương trời. Nội tâm chàng bây giờ là vũ trụ, đồng thời là một cái gì trinh tuyền không vấy bẩn một hạt bụi; không nói vạn hữu ở trong hay bên ngoài, nhưng nó đầy đủ cả, sinh đồng thời hay chưa sinh thì cũng y nhau. Nhưng "con người nội tâm" thì quả thật, chưa hề có ý niệm sinh và chưa hề có một quê hương.

Chàng vốn chưa được sinh ra và chưa hề có một quê hương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567