Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Chương 2: Giá Trị Cao Quý Của Phật Pháp

12/09/201223:08(Xem: 15931)
10. Chương 2: Giá Trị Cao Quý Của Phật Pháp
Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 2: Giá Trị Cao Quý Của Phật Pháp

II. Chứng minh giá trị cao quý của Phật pháp để khởi sinh lòng kính trọng những lời giảng dạy

A. Giá trị cao quý trợ giúp người tu học hiểu biết rằng Phật pháp không có gì mâu thuẫn

B. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học hiểu biết rằng tất cả kinh điển là hướng dẫn để thực hành.

C. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học dễ dàng tìm thấy mục tiêu của Bậc Tối Thắng

D. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học tự kiềm chế được những sai lầm trầm trọng

––––\––––

Để giảng giải về giáo pháp của Đức Phật, kinh điển cốt yếu đã tham khảo là Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ. Có rất nhiều kinh điển do các bậc Trưởng Thượng soạn thảo, nhưng Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ {Bồ-đề Đạo Đăng Luận}là dễ hiểu và căn bản nhất. Bởi vì kết hợp được những điểm chủ yếu trong cả hai thừa: Kinh Văn Thừa và Mật thừa {Hiển Giáo và Mật giáo} nên các đề tài thuyết giảng dễ hiểu; bởi vì được nhấn mạnh vào các giai đoạn của luyện tâm, nên dễ dàng thực hành; và bởi vì kinh điển này được trang nghiêm bằng khai thị của hai guru {đạo sư, thiện sư} tinh thông các hệ thống giáo pháp từ hai bậc đại sư tiền phong[1]mà những giáo pháp này vi diệu hơn các hệ thống khác. [12]

II. Chứng minh giá trị cao quý của Phật pháp để khởi sinh lòng kính trọng những lời giảng dạy

Sự cao quý của giáo huấn Phật pháp được biểu thị bằng bốn tính chất hiển lộ nơi người tu học:

1. Hiểu biết rằng Phật pháp không có gì mâu thuẫn

2. Hiểu biết rằng tất cả kinh điển là các hướng dẫn để thực hành.

3. Dễ dàng tìm thấy mục tiêu của Bậc Tối Thắng

4. Tự kiềm chế được những sai lầm trầm trọng

A.Giá trị cao quý trợ giúp người tu học hiểu biết rằng Phật pháp không có gì mâu thuẫn

Về phần giáo pháp, Chú Giải Về Bồ-đề Đạo Đăng Luận (Bohdi-pradîpa-pañjikâ-ṭîkâ)

Ngài Avalokitavrata {Tên dịch nghĩa Quán Vô Giới} giảng giải rằng:[2]

Liên quan đến “giáo pháp”, các kinh điển của Bhagavan[3]{Thế Tôn, Bậc Tối Thắng}giảng giải một cách chính xác những gì mà các vị Phạm Thiên và Phật tử phải biết thấu đáo, những gì cần loại bỏ, những gì nên biết rõ ràng, và tu tập như thế nào nếu muốn đạt được chứng nghiệm như các vị thánh [của vô trụ xứ niết-bàn {skt. apratiṣṭhitanirvâṇa}].

Như thế giáo pháp chính là những gì Bậc Tối Thắng đã giảng giải kỹ càng. Ở đây, [trong nội dung của Bồ-đề Đạo Đăng Luận] hiểu rằng giáo pháp không có gì mâu thuẫn nghĩa là thấu rõ đó chính là đạo lộ {lộ trình, con đường} hướng dẫn người tu tập trở thành Phật. Có một số là những trọng điểm, một số khác là các đường hướng khác nhau của lộ trình giác ngộ.

Bồ-tát dùng đó để làm mục đích thực hành những thiện nghiệp vì thế gian [tất cả các loại chúng sanh]. Bởi vì Bồ-tát phải hướng dẫn các đệ tử tu theo cả bà dòng truyền thừa [Thanh Văn, Phật Độc Giác {Phật Duyên Giác}, và Bồ-tát], nên các vị phải được huấn luyện theo ba dòng truyền thừa đó. Cho nên, Ngài Long Thọ trong Bồ-đề Tâm Luận (Bodhicitta-vivaraṇa) nói rằng[4]:

Do có thể làm khởi sinh điều khác

Nên kiến thức mang theo cần phải

Luôn áp dụng khôn ngoan

Và không lỗi lầm dính mắc.

Và, Nguyệt Xứng trong Nhận Thức Hiệu Quả Luận (Pramâṇa-varttika-kârikâ) {Lượng Thích Luận}đề cập:[5]

Thật khó giải thích cho người

Quả của nhân là chướng ngại cho mình

Vì thế, nếu các vị không biết chắc chắn một điều nào đó, thì không thể hướng dẫn người khác được.

Xác định rằng: “Những người làm việc tốt đó phải là người đã hoàn thành những thiện hạnh bằng hiểu biết về lộ trình giác ngộ….”, Ajita {Di-lặc} trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận đã cho biết thấu hiểu về lộ trình của ba thừa là phương pháp để Bồ-tátđạt được mụcđích mình đã định.[6]Cũng vậy Mẹ của Bậc Tối Thắng[Bát Vạn Tứ Thiên Kệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh {Kinh Bát-nhã Ba-mật-đa 84 Ngàn Câu}]viết rằng:[7][13]

Bồ-tát phải dẫn ra tất cả các lộ trình - bất luận là lộ trình của Thanh Văn, Độc Giác Phật hay Phật – và phải biết tất cả các lộ trình giác ngộ. Bồ-tát phải thực hiện tất cả các hạnh nguyện và đưa tất cả họ đến chỗ hoàn thành.

Vì thế, thật là mâu thuẫn khi đề nghị rằng quý vị không cần phải học kinh điển của Tiểu Thừa vì mình là người tu theo Đại Thừa.

Có những lộ trình có thể và không thể chia sẻ khi tu học theo Đại Thừa. Bởi vì những gì có thể chia sẻ được là từ kinh tập của Tiểu Thừa, làm sao đặt riêng ra một bên được? Thế nên, hành giả theo Đại Thừa phải thực hành những gì được giảng dạy trong kinh tập của Tiểu Thừa, chỉ với vài ngoại lệ, như là tầm cầu tinh tấn một chân lý tối thượng an lạc chỉ mỗi cho riêng mình. Đây chính là lý do để giáo pháp giảng dạy thâm sâu về cả ba thừa trong sưu tập kinh điển quảng đại của Bồ-tát.

Thêm vào đó, một đức Phật toàn hảo không phải chỉ là dập tắt đi được một phần lỗi lầm và hoàn thành chỉ một phần của thiện tánh mà phải là dập tắt hoàn toàn tất cả các loại lỗi lầm và hoàn thành tất cả các đức tính tốt. Người tu theo Đại Thừa phải tầm cầu đạt được điều này. Bởi vì hành giả theo Đại Thừa phải diệt trừ tất cả các lỗi lầm và phát huy các thiện tính từ việc diệt trừ các lỗi lầm và đạt thêm nhiều kiến thức từ giáo pháp của các thừa khác bao gồm Đại Thừa. Thế nên, mọi kinh điển đều được coi là một nhánh của Đại Thừa để đạt được Phật tánh. Nên không có ai nói rằng Thánh nhân chẳng diệt được lỗi lầm và phát huy thiện tánh. Và trên tất cả, không có người theo Đại Thừa nào mà chẳng thực hành.

Nghi vấn: Để có thể tu học theo con đường {lộ trình, đạo pháp} toàn hảo của Đại Thừa, quý vị cần những lộ trình giải thích về sưu tập kinh điển Tiểu Thừa. Tuy nhiên, để tu học theo con đường Kim cang thừa, lộ trình Đại Thừa là không thường có điểm chung tổng quát để chia sẻ, bởi vì hai lộ trình này thuận nhau[8]. [14]

Đáp:Điều này thật vô lý. Chất liệu của lộ trình hoàn chỉnh {đạo pháp Ba-la-mật-đa} bao gồm tư duy cho sự phát triển tâm giác ngộ {Bồ-đề tâm} và hành trạng để thực hiện lục độ Ba-la-mật-đa. Tất cả những điều đó phải phụ thuộc vào mọi cơ hội được chỉ rõ trong Kim Cương Đỉnh Mật Điển (Vajra-śikhara):[9]

Cả khi để cứu đời mình

Đừng làm phai nhạt ý tâm Bồ-đề.

Và:

Không bao giờ bỏ quên hành trạng lục độ Ba-la-mật.

Thêm vào đó, những điều đó cũng được đề cập trong nhiều kinh điển Mật thừa.

Các kinh điển như thế cũng khẳng định trong nhiều dịp của việc nhập vào maṇḍala của Du-già tối thượng Mật tông, các vị phải thọ cả hai giới chung và riêng biệt. Giới chung chỉ đơn giản là Bồ-tát giới, và thọ nhận giới nghĩa là tự mình hứa làm theo hạnh nguyện của Bồ-tát, như là ba quy luật đạo đức[10]Vì thế, con đường tu toàn bích là không có lối nào khác ngoài lời thệ nguyện làm theo Bồ-tát hạnh sau khi phát triển tâm thức giác ngộ.

Ngoài ra, nghi vấn trên là rất không hợp lý bởi vì các vị phải hứa trì giữ tất cả lãnh vực của giáo pháp khi thọ giới Mật thừa. Điều này tương hợp với những gì đề cập trong Kim Cương Không Hành Nam Mật Điển (Vajra-ḍâka), Hợp Nghi Đại Mật Điển (Saṃpuṭi), Kim Cương Đỉnh Mật Điển khi nhận thọ lời nguyện của Phật A-di-đà:

Gìn giữ các giáo pháp tuyệt hay

Ngay cả ba thừa, thuộc hiển và mật[11]

Có một số người nhận ra được sự khác biệt nhỏ giữa điều nên làm và điều không nên và kết luận rằng đây là những điều mâu thuẫn nhau, như nóng và lạnh. Hiển nhiên, đó là một thẩm định vội vàng. Ngoài một số điểm cần thiết phải làm hay không, giáo pháp rất là đồng thuận. Thế nên, khi bước vào mức độ cao nhất của ba thừa hay năm lộ trình, chẳng hạn, các vị phải có tất cả phẩm chất tốt của các thừa và lộ trình căn bản.

Liên quan đến con đường toàn hảo {Ba-la-mật-đa Thừa, Kinh Thừa, Hiển Thừa}, thi kệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tổng Lược Bát Thiên Kệ(Ratna-guṇa-sañcaya-gâthâ)viết rằng:

Lộ trình của các Bậc Tối Thắng trong quá khứ

Của các vị thành tựu trong tương lai, và ngay hiện tại

Là không gì khác, ngoài viên mãn toàn hảo {hay Bát-nhã Ba-la-mật-đa} [15]

Đạo pháp Ba-la-mật-đa là trung tâm chính trụ của con đường đưa đến Phật tánh.Vì thế, thật không thích hợp gì cả khi bỏ chúng qua một bên. Như đã đề cập nhiều lần ngay cả trong Kim Cang Thừa, thì lộ trình của các Ba-la-mật-đa này là con đường chia sẻ chung cho cả Hiển giáo lẫn Mật giáo.

Bằng việc cộng thêm các lộ trình riêng của Mật thừa vào đạo pháp chia sẻ chung này – bao gồm các lễ quán đảnh, các thệ nguyện, thọ giới, hai giai trình {giai trình phát khởi và giai trình hoàn tất}, và các hành trình đi kèm – thì tiến bộ trên con đường về Phật tánh nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, nếu các vị để lộ trình chia sẻ chung qua một bên,thì đó chính là lỗi lầm to lớn.

Nếu quý vị không có được những hiểu biết đó, thì mỗi khi dường như có thể hiểu được một giáo pháp riêng thì sẽ từ bỏ đi giáo pháp kia. Khi các vị phát triển cách quan tâm như thế đối với các thừa cao hơn, các vị lại từ bỏ những kinh điển đã học được từ Tiểu Thừa và Ba-la-mật-đa thừa. Ngay cả trong Mật thừa, các vị sẽ từ bỏ ba Mật thừa thấp[12]và các thừa tương tự. Như thế, các vị sẽ huân tập những chướng ngại của ác nghiệp vì từ bỏ giáo pháp, đó quả là nghiêm trọng. Trong ý này, chướng ngại đã khởi lên rồi và thật là một nguy hiểm khi làm như thế. Các nguồn tạo ra điều này được giải thích sau đây.

Vì vậy, nương nhờ vào sự bảo hộ tuyệt hảo, vững tin vào kinh điển là những yếu tố nhân duyên cho các vị trên đường thành Phật. Vậy thì hãy hành trì những gì các vị có thể làm được bây giờ. Đừng lấy lý do mình không có khả năng để từ bỏ đi những gì mình không thể tiến hành được hay quay lưng lại với điều đó. Tốt hơn là, suy nghĩ với dự liệu: “Khi nào thì tôi sẽ hành trì giáo pháp này thực sự với những gì phải làm và quay lưng với những gì không nên làm?” Tu tập với những nhân như huân tập những lời giảng dạy, xóa trừ các chướng ngại, lập hạnh nguyện. Rồi sức mạnh tâm linh sẽ ngày càng lớn hơn, và các vị có thể hành trì tất cả giáo pháp mà trước đây mình chưa làm được.

Vị Thầy Cao Quý [Drom-dön-ba] nói: “Thầy của tôi [Atiśa {A-đề-Sa, Nhiên Đăng Cát Tường Trí}] là người biết cách mang tất cả các giáo pháp về trong lộ trình có bốn mặt”.[13]Những lời này mang đầy ý nghĩa.

Bởi vì những hướng dẫn trong Bồ-đề Đạo Đăng Luậnchỉ cho người tu học phương cách góp nhặt tất cả những điểm tinh yếu của hiển giáo và Mật giáo trên con đường tu thành Phật, và họ có năng lực cao cả để tạo nên sự chắc chắn rằng trong giáo pháp không có gì mâu thuẫn. [16]

B. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học hiểu biết rằng tất cả kinh điển là hướng dẫn để thực hành

Nói một cách tổng quát, chỉ có kinh điển của Bậc Tối Thắng giảng dạy những phương tiện để đạt được lợi ích tạm thời hay tối hậu và an lạc cho những ai khát vọng được giải thoát, và chỉ có Đức Phật là không có lỗi lầm nào trong việc chỉ dạy những gì phải áp dụng và những gì hãy bỏ qua. Thế nên, trong Tối Thượng Luận (Uttara-tantra)có đề cập:[14]

Bởi vì không ai trên thế giới này trí huệ uyên thâm hơn Bậc Tối Thắng

Không ai biết một cách chính xác với hiểu biết thông suốt [mọi hiện tượng trên thế giới] {nhất thiết trí, toàn giác} và thực tại tối thượng –

Hãy đừng xáo trộn bất cứ gì trong bộ tập kinh điển Thế Tôn đã dạy.

Hủy hoại hệ thống của Thế Tôn, là chính các vị làm hại giáo pháp thiêng liêng.

Vì vậy, những lời của Bậc Tối Thắng, những kinh tập quý báu của hiển giáo và Mật giáo là những lời hướng dẫn {giáo huấn} tối thượng. Cho dù thế, bởi vì người tu học ở thời sau này sẽ không tìm thấy mục đích của các lời giảng dạy đó bằng cách tự mình tìm tòi mà không phụ thuộc vào những lời bàn luận có giá trị và những hướng dẫn trực tiếp từ các bậc cao minh {thiện giả, thiện tri thức}. Từ đó các nhà đại tiền phong trước tác các luận thuyết và những hướng dẫn cá nhân bàn luận về ý nghĩa chủ đích.

Thế nên, đối với những giáo huấn thuần túy cá nhân, thì phải được ban cho tri kiến chắc thật về những kinh sách cổ điển. Không kể các vị học thông suốt bao nhiêu, sự hướng dẫn cá nhân phải từ bỏ đi nếu nó không mang theo tri kiến chắc thật về ý nghĩa của lời Phật dạy và những lời giảng giải cao kiến, hay là nếu nó giảng dạy đạo pháp không phù hợp với các kinh sách này.

Cũng có những người kết luận rằng các kinh sách cổ điển phải chỉ được xem là những giảng giải thôi, nên thiếu hẳn những điểm cơ yếu cho thực hành. Họ cho rằng những hướng dẫn cá nhân riêng biệt chỉ dạy những cốt lõi của giáo pháp và đó là trung tâm điểm của hành trì. Rồi thì họ tưởng tượng rằng có hai hình thức riêng biệt của giáo pháp tuyệt diệu: giáo pháp được giảng dạy và giáo pháp đang hành trì. Phải biết rằng thái độ này ngăn chận sự phát triển của lòng thượng tôn đối với Hiển giáo và Mật giáo vì việc không có tì vết cũng như là vì những luận cứ không sai lầm đã được đề cập. [17] Cũng phải biết rằng các vị cũng tích lũy chướng nghiệp vì từ bỏ giáo pháp và khi tầm cứu về các kinh cổ điển mà cho rằng: “Tất cả những điều ấy chỉ là vì người ta muốn đề cao kiến thức ở bề ngoài và để loại trừ các quan niệm sai lầm của người khác, mà không chỉ dạy ý nghĩa sâu xa”

Vì thế, đối với người mong cầu giải thoát, những hướng dẫn xác thực và tối thượng chính là kinh sách cổ điển. Tuy nhiên, vì sự thông minh có giới hạn và v.v…, các vị có thể không biết được đó là những lời dạy tối thượng dù là phải phụ thuộc vào. Do đó, các vị phải tầm cầu những hướng dẫn cá nhân, hãy nghĩ rằng “Tôi sẽ cầu học những kiến thức từ các kinh điển đó với sự hướng dẫn của bậc xuất chúng”. Đừng nghĩ rằng “Các kinh điển này thiếu thực chất, vì chúng chỉ xiển dương tri kiến bề mặt và loại trừ các nhầm lẫn của các giáo thuyết khác; nhưng các giáo huấn cá nhân thì lại là tối thượng vì chúng biểu lộ ý nghĩa thâm sâu”.

Đại sư Chang-chup-rin-chen (Byang-chub-rin-chen) nói rằng:

Về vấn đề giảng dạy, sự hiểu biết hoàn bị không có nghĩa là đạt đến việc hiểu biết chắc chắn về một khối lượng nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay; mà có nghĩa là hiểu thấu tất cả kinh điển để áp dụng vào thực hành.

Cũng vậy, đệ tử của Đại sư Trưởng lão Gom-ba-rin-chen-la-ma (sGom-pa-rin-chen-bla-ma) nói rằng ông hiểu tất cả kinh điển như là những lời huấn dạy về phương cách thực hành bằng cách “nghiền nát thành bụi” những ác nghiệp của thân, khẩu và ý[15]trong một thời thiền định theo sự hướng dẫn của Atiśa. Các vị rồi sẽ phải đạt được sự hiểu biết như vậy.

Vị Tôn Sư [Drom-dön-ba] nói rằng thật là một lỗi lầm nếu, sau khi học nhiều pháp môn, mà các vị vẫn còn cảm thấy cần phải đi tìm những nơi khác phương cách thực hành. Như thế, nghĩa là vẫn có những người đã học nhiều giáo pháp trong thời gian dài, nhưng vẫn không biết cách thực hành. Khi họ mong ước thực hành thì họ lại tìm kiếm nơi khác. Lỗi lầm của các vị đó là không hiểu những gì tôi đã giảng dạy.

Này đây, giáo pháp được chỉ rõ trong Vi Diệu Pháp Báu Luận (Abhidharma-kośa)của Ngài Thế Thân:[16]

Giáo pháp vi diệu của Đức Thế Tôn có hai phần:

Phần riêng mang bản chất về kinh điển và phần kia

về bản chất của chứng ngộ

Như kệ đề cập, không có nhiều hơn hai loại giáo pháp: kinh điển và chứng ngộ. Giáo pháp về kinh điển quyết định cách các vị hiểu giáo pháp, phương pháp thực hành; giáo pháp về đạt ngộ là sự tu tập của các vị về các phương pháp này theo như các mà các vị đã xác định chúng. [18]

Như vậy, hai giáo pháp này chính là nhân và quả. Thí dụ, giống như giới thiệu trường đua cho con ngựa trước khi cuộc đua bắt đầu. Một khi đã chỉ rõ trường đua rồi thì hãy chạy đua ở đó. Thật là buồn cười khi chỉ con ngựa trường đua này mà lại phải đua ở nơi khác. Tương tự như vậy, tại sao các vị quyết định một phương tiện học hỏi và suy nghiệm, rồi đến khi thực hành lại chọn một phương cách khác? Trong ý này, Ngài Liên Hoa Giới đã đề cập trong quyển ba của bộ ba quyển “Giai Trình Thiền” (Bhâvana-krama):[17]

Xa hơn nữa, những gì các vị thiền quán lên chúng mà từ đó trí huệ khởi sanh thì đó chính là những gì các vị biết bằng trí tuệ khởi lên từ học hỏi và suy nghiệm. Các vị không thiền lên những gì khác. Điều này tương tự như khi các vị chỉ đường chạy đua cho con ngựa và rồi cuộc thi khởi động trên đó.

Như thế, trong hình thức đầy đủ, những hướng dẫn này bao gồm tất cả những điểm chủ yếu của lộ trình từ các kinh điển và những luận giải, từ phương cách phụ thuộc vào giảng sư qua định và tuệ. Và rồi các vị sẽ đưa các vị vào các giai tầng súc tích của hành trì theo đó các vị xúc tiến bình ổn thiền {thiền định, thiền chỉ} đối với những gì cần có thiền chỉ, và phân tích với trí huệ phân biệt[18]cho những gì cần đến thiền quán {thiền phân tích, thiền minh sát}.

Bằng cách như vầy, các vị sẽ hiểu tất cả kinh điển là những hướng dẫn cho việc thực hành. Nếu không, các vị sẽ mất cả một đời mà không có trí huệ phân biệt, thực hành chỉ một phần của lộ trình mà không phải là toàn bộ. Như vậy các vị sẽ không hiểu những kinh điển cổ điển là để thực hành, mà lại bỏ chúng đi, nhận chúng như chỉ là để xiển dương những kiến thức bề mặt và để xóa bỏ những ý niệm sai sót khác. Trong phần lớn, có chứng cứ rõ ràng cho những đề tài được giảng giải, chỉ một số phần đòi hỏi phân tích bằng trí huệ phân biệt. Nếu để chúng sang một bên khi thực hành, thì làm sao các vị có thể phát triển một sự hiểu biết để nhìn thấy chúng là những lời hướng dẫn tối thượng? Nếu đây không phải là những lời hướng dẫn tối thượng thì làm sao các vị có thể tìm được một vị thầy có khả năng giảng dạy vượt qua được những điều này?

Vì thế, một khi rõ ràng rằng tạng kinh điển sâu sắc và bao la này cùng với những luận giải là hướng dẫn để tu tập, thì các vị sẽ nhanh chóng hiểu là các kinh văn cổ điển của tập hợp các mật điển thâm diệu cùng với những chú giải cũng chính là những hướng dẫn để các vị thực hành. [19] Các vị sẽ trở nên vững chắc tin rằng đó chính là những lời giáo huấn tối thượng. Các vị sẽ hoàn toàn vượt qua được ý niệm sai lầm cho rằng các mật điển này nên đặt sang một bên bởi vì đó không phải là giáo huấn để thực hành.

C. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học dễ dàng tìm thấy mục tiêu của Bậc Tối Thắng

Những kinh luận cổ điển, nghĩa là kinh đi kèm với các chú giải của chúng, là giáo huấn tối thượng. Ngay cả đối với người mới bắt đầu - người chưa được huấn luyện nhiều - khi đào sâu vào trong đó, họ cũng sẽ không tìm thấy ý nghĩa chủ đích mà không phụ thuộc sự hướng dẫn riêng biệt của một bậc xuất chúng. Ngay cả khi họ tìm thấy được ý nghĩa chủ đích, thì thời gian bỏ ra rất dài và nỗ lực cũng rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nhờ sự hướng dẫn của một đạo sư {guru}, họ sẽ dễ dàng tìm được ý nghĩa chủ đích.

Những huấn thị từ Bồ-đề Đạo Đăng Luậncó chỉ rõ cho những kiến giải chắc chắn về các điểm chủ yếu của giáo huấn của Đức Phật và đại luận này. Tôi sẽ giải thích làm sao đạt được những điều này ở những phần thích hợp sau đây.

D. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học tự kiềm chế được những sai lầm trầm trọng

Kinh Pháp Hoa (Sad-dharma-puṇḍarîka-sûtra[19]) và chương Người Thuyết Chân Lý {Phẩm Đế Thuyết Nhân}(Satyaka-parivarta)[20]nói rằng tất cả những ngôn từ của Đức Phật trực tiếp hay gián tiếp đều là những phương pháp hướng dẫn để tu thành Phật. Có những người hiểu lầm cho rằng trong các phương pháp tu tập này có một số phương cách để tu tập thành Phật và một số khác lại là chướng ngại cho con đường tu tập thành Phật. Rồi thì họ phân biệt lời dạy của Đức Phật thành tốt và xấu, có lý và vô lý, rồi thì phân biệt Đại Thừa và Tiểu Thừa. Cuối cùng, họ giữ lại những gì phải bỏ qua một bên và nói rằng: “Một vị Bồ-tát phải được huấn luyện như thế này và không được huấn luyện như thế kia”. Kết quả là họ xa rời giáo pháp.

Nhất Thiết Quảng Phá Tập Kinh(Sarva-vaidalya-saṃgraha-sûtra)[21]nói rằng:

Này Văn Thù Sư Lợi, chướng ngại về nghiệp của việc từ bỏ những giáo pháp tuyệt hảo là phức tạp. Này Văn Thù Sư Lợi, bất kỳ ai phân biệt một số ngôn từ của Đức Phật là tốt và một số khác là xấu mà từ bỏ giáo pháp của Ngài. Người từ bỏ giáo pháp, thì việc từ bỏ đó chính là phỉ báng Như Lai[22]và nói xấu về cộng đồng Phật tử. [20]

Nếu các ngươi bảo rằng “Điều này có lý, điều kia vô lý” thì các ngươi sẽ từ bỏ giáo pháp. Nếu các ngươi nói “Đây là những gì được soạn thảo vì lợi ích cho các Bồ-tát, chocác thanh văn”, các vị sẽ từ bỏ giáo pháp. Nếu nói rằng: “Đây là những gì được soạn thảo cho các phật độc giác” các vị sẽ từ bỏ giáo pháp. Nếu nói rằng: “Đây không phải là phương pháp tu cho Bồ-tát”, các vị sẽ từ bỏ giáo pháp

Lỗi lầm của việc từ bỏ giáo pháp rất là trầm trọng. Định Vương Kinh(Samâdhi-râja-sûtra) nói rằng:[23]

Việc làm sai trái của người từ bỏ kinh tập là lớn lao hơn cả người gây nên việc phá hoại tất cả các ngôi tháp[24]ở Nam Thiệm Bộ Châu (Jampudîpa)[25]. Việc làm sai trái của người từ bỏ kinh tập là lớn hơn cả người giết số lượng A-la-hán bằng với cát sông Hằng.

Nói một cách tổng quát, có nhiều cách từ bỏ giáo pháp có thể xảy ra. Tuy nhiên, cách nói trên là tệ nhất, thật hãy chịu đau để loại trừ cách đó. Thêm nữa, khi các vị vượt qua được sự từ bỏ chỉ đề đạt được hai tri kiến cao quý đề cập trên, thì tự động các vị tránh xa được việc sai trái. Để đạt được hiểu biết đó, hãy đọc kỹ Phẩm Đế Thoại Giả{nghĩa làNgười Thuyết Chân Lý}Kinh Pháp Hoa.Trong kinh Nhất Thiết Quảng Phá Tập Kinhquý vị sẽ thấy được những cách khác của việc từ bỏ giáo pháp.

 


[1]BA49 Hai vị đại sư đó là gSer-gling-pa chuyên về hệ thống của ngài Vô Trước {tức là Duy thức Tông}, và một vị trẻ hơn Vidyâkokila (Rjg-pa’i-khu-byug-chung-ba), còn được gọi là Avadhûtipa, người đã học theo hệ thống của Ngài Long Thọ {Tức Trung Quán Tông} (mchan: 34.2-3, A-kya: 106.5-6).

[2]BA50PrajM-pradita-tika, P5259:275.3.7-8.

[3]BA51 Một danh xưng tụng của một vị Phật có nghĩa là “Người đã chiến thắng (bragna) bốn thần linh độc ác” và là Vị có sáu thiện mỹ (bhaga) : vẻ đẹp, danh tiếng, quyền lực, vinh quang, trí tuệ, và sự bền chí đầy hoan hỷ. Các kinh điển thường dịch là Thế Tôn.

[4]BA52 Đây là Bodhicitta-vivaraṇa:38, theo bản dịch của Rab-zhi-chos-kyi-bshes-gnyen (Ra-shi-cho-gyi-shay-nyen) và cộng sự (P5470:273.3.4-5). Lindner (1982: 196-197) đọc là rang la de bzhin gzhan dag la/ nges pa bskyed par bya ba’i phyir, tuy nhiên việc đọc này được ngài Smṛtijñânakîrti {Chánh Niệm Tuệ Xứng} ủng hộ trong Bodhicitta-vivaraṇa-ṭîkâ (Chú Giải về Bồ-đề Tâm Luận {hay Bồ-đề Tâm Luận Thích})(P2694:140.2.3), được đọc là de bas na rang gi nges pa gzhan rnams la nges pa bskyed pa’i don du ni….Thi đoạn này ở giữa của phần Long Thọ bác bỏ về Vijñânavâda {Giáo Thuyết Duy Thức},và sự liên hệ của nó ở đây với nội dung đó không rõ ràng.

[5]BA53Pramana-varttika-karika,Shastri 1968: 50.3; P5709:85.5.1-2.

[6]BA54 AA: 1.1;P5184:3.1.1-2. Các “Lộ trình” này có nghĩa là các lộ trình của Thanh Văn, Độc Giác Phật,Bồ-tát.

[7]BA55 Ârya-aṣṭadaúasâhasrikâ-prajñâpâramitâ-sûtra,P732:129.3.4-6. Nhóm chữ này hơi khác với đoạn trích của Tsongkhapa nhưng ý nghĩa giống nhau.

[8]BA56 Một vài giới thọ trong cách thực hành chung, như không sát sanh, không nói láo, không sinh hoạt tình dục, không uống bia, và v.v..., được đề cập trong Mật Thừa, và như thế, hai thừa này dường như mâu thuẫn.

[9]BA57Vajra-śikhara-guhya-yoga-tantra {Kim Cương Đỉnh Đại Mật Du-già},P113:7.2.7;26.3.8-26.4.1;31.2.5.

[10]BA58 Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 38.6) ba quy luật đạo đức đó là (1) tránh việc ác (nyes spyod sdom pa) ; (2) làm điều lành (dge ba chos bsdus), và (3) hoàn thành những lợi ích cho chúng sanh (sems can don byed).

[11]BA59 Khi thọ nhận giới tu theo Mật tông có 19 lời nguyện (samaya, dam tshig)được liệt kê, trong đó có lời nguyện của Đức Phật A-di-đà, tìm thấy trong Úri-vajra-ḍâka-mahâ-tantra-râja {Kim Cương Không Hành Nam Mật Điển} (P18:107.3.7) là phyi nang gsang ba’i theg pa gsum / dam chos yang dag gsung bar bgyi; trong Saṃpuṭi-nâma-mahâ-tantra {Hợp Nghi Đại Mật Điển} (P26:255.2.8-255.3.1) là phyi dang gsang ba theg pa gsum/dam pa’i choskyang so sor gsung; và trong Vajra-śikhara{Kim Cương Đỉnh Mật Điển} (P113:19.2.8) là phyi nang gsang ba’i theg pa gsum/dam pa’i chos ni gzung bar bgyi. Vajra-śikhara Vajra-ḍâka là rõ ràng hơn và cho rằng giáo pháp phải duy trì là “ba thừa: ngoại, nội và mật”. Mặc dù vậy, phần giảng của Tsongkhapa là gần nhất với bản Saṃpuṭi, ngài đã trích dẫn trong rTsa ltung rnam bshad (Nguồn Gốc Các Suy Trụy Trong Mật Thừa): 3b2. Theo Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 39.2) “ngoại” đề cập đến Mật thừa Hành Động và Mật Thừa Thiện Hạnh, “mật” là đề nói về Du-già và Tối thượng Du-già, và “ba thừa” là để nói về hai thừa này và Thừa Ba-la-mật-đa.

[12]Ba thừa thấp của Mật tông là: Mật thừa Hành Động(Kriyâtantra) — là cỗ xe đầu tiên trong 3 lớp Mật tông ngoại vi. Các Mật điển Hành Động có tên như thế vì chúng chú trọng chính yếu vào các hạnh kiểm bên ngoài, các thực hành về lễ tịnh hóa, tẩy uế và v.v....

Mật thừa Thiện Hạnh(Caryâtantra) còn gọi là Mật thừa Cận Du-già (UpaYogatantra) or hay Mật thừa Lưỡng Thể (Ubhayatantra) — là lớp thứ nhì trong 3 lớp ngoại vi. Được gọi là Mật thừa Thiện Hạnh vì nó nhấn mạnh một cách bình đẳng giữa các hành vi bên ngoài của thân khẩu và sự nuôi dưỡng bên trong của định lực. Do đó tên Mật thừa Lưỡng Thể tương hợp với Mật thừa Du-già trong khi hạnh kiểm của nó lại tương tự như Mật thừa Hành Động.

Mật thừa Du-già(Yogatantra) — thuộc lớp ngoại vi thứ ba của Mật thừa. Được gọi như thế vì nó nhấn mạnh trên thiền du-già nội thể, kết hợp các phương tiện thiện xảo và trí huệ.

Nguồn từ các bài: Kriya Tantra,Charya Tantra, và Yoga Tantra. Rigpa Shedra. <http://www.rigpawiki.org>. Truy cập 19/08/2010.

[13]BA61 A-kya-yongs-‘dzin (A-kya:107.4-108.6) trình bày những giải thích về “lộ trình bốn mặt này”, đó là tam vô lậu học {giới, định và tuệ} và Mật thừa, nhưng dường như những giảng giải về những gì tương tự như vật có bốn mặt, như hột xúc xắc, vốn hoàn chỉnh như chúng sẵn là, bất kể nhìn từ góc cạnh nào cũng vậy. Tương tự như vậy, không là vấn đề gì hết khi ta nhìn các khía cạnh của giai trình giác ngộ mà mình đang hành trì, tự nó là một giáo pháp hoàn chỉnh.

[14]BA62 Mahâyânottara-tantra-úâstra {Đại Thừa Tối Cao Mật Điển Luận},Johnston 1950 (RGV):5.20; P5525:31.5.2-3. Theo truyền thống Tây Tạng bộ kinh này tác giả là Đức Phật Di-lặc, nhưng theo truyền thống Trung Hoa tác giả là ngài Sâramati {Thường Tín}. Về câu hỏi này xin xem Takasaki 1966:6-9 và Ruegg 1969:32-55.

[15]Thân, khẩu và ý là các thuật ngữ chỉ đến nguồn từ đâu tạo ra nghiệp và là cách dùng quen thuộc. Tuy nhiên nếu nói đến phương tiện tạo nghiệp thì có thể dùng các thuật ngữ thân thể, ngôn ngữ và ý thức (hay tâm thức) hay ngắn gọn là thân, ngữ, ý (hay tâm).

[16]BA63 Abhidharma-koúa-kârikâ, Shastri 1972 (AK): 8.39; P5590:127.1.8.

[17]BA64 Bhâvana-krama, P5312:40.1.2-3.

[18]Trí huệ phân biệt (tib. སོར་རྟོགས་ཡེ་ཤེས) còn được gọi là diệu quan sát trí.

[19]BA65Sad-dharma-puṇḍarîka-nâma-mahâyânâ-sûtra {Diệu Pháp Liên Hoa Đại Thừa Kinh},Vaidya 1960a (SP):2.54; P781: 10.5-15.45.

[20]BA66 Satyaka-parivartalà phẩm thứ tư của kinh Ârya-bodhisattva-gocaopâya-viṣaya-vikurvâṇa-nirdeúa-nâma-mahâyânâ-sûtra.{Bồ-tát Diệu Hiển Hóa Pháp Giải Đại Thừa Kinh – Kinh Giải Thích Chi Tiết về Hiển Lộ Sự Siêu Việt Bồ-tát}.

[21]BA67 Ârya-arva-vaidalya-saṃgraha-nâma-mahâyânâ-sûtra,{nghĩa: Kinh Đại thừa về sự thu nhiếp tất cả các mạch. Tên khác: là Biến Nhiếp Nhất Thiết Nghiên Ma Kinh} P893:124.5.4-7. Hàng chữ đầu tiên trích dẫn bởi Tsongkhapa không có trong bản kinh tiếng Tây Tạng, nhưng lại có trong bản tiếng Sanskrit ở chương bốn của Tịch Thiên úikṣâsamuccaya (Bồ-tát Học Luận), Vaidyá 960b: 56. Ở đây và vài kinh khác Tsongkhapa trích dẫn từ bản kinh này, không phải từ bản kinh nguyên thủy.

[22]BA68 Như Lai Là tên gọi khác của Đức Phật. Nghĩa là “người đã đạt được (Tathâgata) giác ngộ theo cách giống như (tathâ)các vị Phật trước đó đã.

[23]BA69 Sarva-dharma-svabhâ-samatâ-vipaṅcita-samâdhi-râja-sûtra, Vaidya 1961 (SR): 18.31-32; P795: 300.3.7-8.

[24]BA70 Một ngôi tháp là tích điểm tưởng niệm về sự giác ngộ của Đức Phật, biểu tượng cho tâm giác ngộ của Đức Phật. Đó cũng là nơi thờ phụng tro cốt của người được tôn kính trong đạo và thân quyến quá vãng.

[25]Nam Thiệm Bộ Châu là một châu lục của núi Tu-di (Sumeru) được xem là trung tâm của mỗi thế giới được bao quanh bởi 4 châu lục {Tứ Châu} là 1. Phất-bà-đề (Pûrvavideha) tại phương đông (cũng dịch là Đông Thắng Thần châu), 2. Cù-da-ni (Aparagodâniya) tại phương tây (cũng dịch là Tây Ngưu Hóa châu), 3. Diêm-phù-đề (Jambudvîpa) tại phương nam (cũng dịch là Nam Thiệm Bộ châu) là nơi cư ngụ của thế giới. 4. Uất-đan-việt (Uttarakuru) tại phương bắc. (cũng dịch là Bắc Cù Lô châu).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]