Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[37 - 48]

05/03/201213:03(Xem: 8867)
[37 - 48]
Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật
Thuật giả: Giang Đô Trịnh Vi Am
Dịch giả: Sa môn Thích Tịnh Lạc

37. TỨC GIÁO TỨC PHẬT

Một Đại tạng kinh đều từ tâm khởi, tâm nếu không Phật thì giáo lý cũng luống mà thôi. Nhưng có tâm ai mà không Phật? Chỉ vì tự mình không niệm vậy. Người có học giáo lý, ắt có coi kinh Lăng Nghiêm, mà có coi kinh Lăng Nghiêm ắt có kẻ chê đức Thế Chí mà trọng đức Quán Âm, một chút chấp trước đó cũng đủ kết thành nguồn gốc sanh tử, dù học hay, thấy xa, hiểu rộng, chẳng qua chỉ giúp cho cái mầm khổ thêm tươi mà thôi, không giúp ích được gì trong việc thoát ly sanh tử. Xin hãy mau bỏ đi, bỏ tất cả, để tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, gần gũi đức Di Đà. Còn nếu không buông bỏ được thì hãy đem công đức học kinh, giảng thuyết này hồi hướng Tây phương, phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn, cũng được kết quả không luống. Thoảng hoặc hoằng dương được pháp môn Tịnh Độ, nói cho người ta hiểu công đức niệm Phật, thời nháy mắt, động niệm đều là trang nghiêm Tịnh Độ, thế thì được vãng sanh thượng phẩm đâu còn nghi gì?

Lời phụ giải:

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Chí tu niệm Phật Tam muội đắc nhập viên thông, còn đức Quán Thế Âm tu nhĩ căn mà được chứng viên thông, hai vị đồng chứng viên thông như nhau. Nhưng vì theo căn tánh tương hợp của chúng sanh Ta bà mà khi vâng lời Phật tuyển trạch viên căn, đức Văn Thù phải chọn nhĩ căn của đức Quán Âm là đệ nhứt, nếu không hiểu hoặc chấp giáo, cho là đức Quán Âm hơn đức Thế Chí, tất sai với tinh thần giáo điển. Thế là vì chấp giáo lý mà có sanh phân biệt hơn kém do cái ngã kiến sẵn có tự hồi nào đến giờ, làm cho ta mê mờ dễ sanh dị kiến, dễ tạo điều khổ ngay trong tự tâm và cái khổ vẫn gắn bó mãi mãi đến vô tận. Thật nguy hiểm thay!

Học, hiểu, giảng hay, nói giỏi mà cứ bị gò bó trong sự học, hiểu, đầu óc phải bị chi ly, phiền toái trong văn tự, ngôn ngữ, có khác gì con tằm mắc trong cái kén, rồi cũng đến chết ở trong đó mà thôi!

Chi bằng đem hết thân mạng để trang nghiêm Tịnh Độ, hay dùng cách lão thật niệm Phật để cầu sanh Cực lạc còn hơn, cứ nói thánh nói tướng, bàn ra tán vào, luận dọc luận ngang đều làm rối đạo niệm, không ích gì cho việc thoát ly sanh tử cả!

Thoảng hoặc tận dụng sở học, sở hiểu cùng tất cả sở năng ra xiển dương pháp môn Tịnh Độ, hay rộng tán thán công đức niệm Phật, phương tiện diễn dụ khắp ba căn đồng tu hành niệm Phật Tam muội, thời thật ngày vãng sanh về Cực lạc không xa mấy đâu!

38. KHÔNG TRÌ MÀ TRÌ

Khi vừa làm xong một việc gì, hay lúc nói dứt một lời nào, còn chưa kịp đá động đến câu niệm Phật, nhưng bốn chữ Hồng danh của Phật đã nổi hiện lên ngay. Đây là trạng thái dễ thành Tam muội (chánh định).

39. TRÌ MÀ KHÔNG TRÌ

Trì danh niệm Phật không mỏi chán, khoan khoái lại càng khoan khoái hơn.

Trong lúc niệm Phật, trì niệm bốn chữ thật rõ ràng, niệm đầu không lay động, bốn chữ bỗng nhiên tạm dừng. Cũng không phải có cái niệm tức bốn chữ, cũng không có cái niệm ngoài bốn chữ, như thế có thể tạm gọi là được thắng cảnh, chớ chưa phải thật tâm không. Nhưng siêng năng niệm Phật, cảnh này thường hiện, thời dần dần được tâm không. Nếu nhơn một niệm tâm không liền bị hôn trầm thì gọi là không có Huệ.

Phải biết rằng: tâm càng không thời niệm càng linh, tâm càng không thời niệm càng tịnh, đem cái ta trong tâm Phật mà niệm Phật ở trong tâm ta, không và bất không (có) đâu còn xứ sở? Ví như mặt trời, mặt trăng rực rỡ nơi bửu cung, vòng quanh núi Tu Di, châu lưu chiếu thiên hạ.

Ôi! Còn gì bằng Diệu giác được viên minh!

Lời phụ giải: (cho cả hai pháp trên)

Niệm Phật khi đã đến mức vô công dụng thì tự tại vô ngại, không cần dụng công, không cần tác ý, không niệm mà vẫn không lìa niệm, có niệm cũng không lìa thể vô niệm của tự tâm.

Như khi chúng ta mới tập đi xe đạp, thì cả đầu, mình, hai tay, hai chân đều như vận dụng tất cả, thế mà xe vẫn nghiêng ngả, lủi đây, lủi kia, quanh qua lộn lại, thế mà khi ta đã thuần thục, tay không cần cầm, thân không cần uốn, chân đạp tự nhiên, không dụng công gì mà chiếc xe chạy ngay đi thẳng, không khó khăn như khi ta mới tập.

“Thế thường vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên,” ở trên đời không có gì là khó, là không làm được, chỉ sợ ta không làm và có làm lại không bền chí, thì chung qui việc gì cũng chẳng ra việc gì cả. Thế mới đáng ân hận!

40. CÔ THÂN NIỆM PHẬT

Tỳ kheo tu hành không cần bạn lữ. Cảnh niệm Phật càng cô tịch càng hay! Cao thấp tùy hợp, hưởn gấp tùy phần, cốt mong cầu được thành một khối (nhứt tâm). Chính lúc bấy giờ nên biết: thân côi nhưng tâm không côi, vì tâm của chư Phật và đức Di Đà chưa từng tạm rời ta. Móng lòng là Phật biết, khởi niệm thì Phật hay, lo gì cô tịch? Nếu Pháp môn Tịnh độ còn điều gì chưa thiệt hiểu rõ, nên tìm kinh sách Tịnh độ mà coi. Như kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Thập Nghi Luận, Thiên Như Hòa Thượng Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Hựu Thiền Sư Tịnh Độ Chỉ Quy, Long Thơ Tịnh Độ Văn, Tịnh Độ Thần Chung, Tây Phương Công Cứ, Tây Phương Xác Chỉ, Di Đà Sớ Sao v.v... Đây chỉ dẫn một ít điều rõ ràng dễ hiểu, ngoài ra, còn nhiều thứ hay ho hơn, không kể xiết. Nên tìm học hỏi nơi các bậc cao minh thông hiểu Tịnh độ.

Lời phụ giải:

Người tu hành cần nơi vắng vẻ để cho tâm niệm được chuyên, nhứt là tu Tịnh độ. Vì không nhứt tâm tức không thể sanh Tịnh độ, mà muốn nhứt tâm, đầu tiên phải tìm chỗ yên lặng để lắng tâm tư. Như mặt nước có đứng lặng thì muôn sao mới hiện, mà muốn mặt nước lặng không gì hơn là đừng có gió. Khi đã nhập vào thể tịch của tự tâm tức đã nhập vào pháp giới thân của chư Phật, bấy giờ không chỉ một ngọn đèn huệ của ta độc hiện, mà ta đã hòa đồng cùng vô lượng vô biên huệ đăng của mười phương chư Phật, ai bảo là cô tịch? Chỉ sợ ta dại dột không hiểu, mãi lo đua chen chốn trần tục lao xao, đến khi bỏ xác thân này, lại một mình một bóng thui thủi vào chốn địa ngục A tỳ, đây mới thiệt là cô tịch.

41. KẾT KỲ NIỆM PHẬT

Kết kỳ là kết thất (7 ngày làm một kỳ), nếu kết kỳ một mình, thì nên sắm bốn thứ để ăn: cơm khô, trái cây, gừng sống, dầu mè; tám thứ để dùng: lư hương, đèn dầu, bồ đoàn (đồ để ngồi thiền), ghế dựa, áo bông (đồ ấm), khăn hay mũ, thùng vệ sinh, giấy vệ sinh (giấy sút). Ngoài 12 thứ đó, không để một thứ gì cả. Có thể trong suốt một tuần, không cho ai lai vãng, để rảnh rang niệm Phật.

Nếu có 5, 6 người đồng phát tâm kết kỳ niệm Phật, thời cần phải thỉnh một vị hộ thất, lập qui điều cho nghiêm chỉnh dán ở trước cửa.

Tất cả mọi cử động, uống ăn, hương hoa đăng quả, đều do vị hộ thất cung cấp đầy đủ, thời những người đồng thất cũng có thể suốt trong bảy ngày chí tâm niệm Phật. Nếu còn hạn cuộc trong tình chấp buộc ràng, chưa biết những điều lợi hại của việc tu hành, thì đừng nên sớm khinh suất mà làm việc này.

Lời phụ giải:

Sợ không vào thất kết kỳ, thì bao nhiêu công chuyện ngoài đời, hoặc khách khứa bạn bè, không sao được yên tịnh mà niệm Phật. Thế nên cần phải kết kỳ, tức là lập thế trốn khách, trốn việc vậy. Những thứ cần dùng phải sắm đủ, để khỏi phải bận tâm, không nghĩ móng, hoặc nhờ nhỏi người ngoài, hầu yên tâm niệm Phật. Đây chỉ nói đến bảy ngày, nhưng nếu người nhiều phương tiện, hoặc rảnh rang, có thể kết hai hoặc ba thất v.v... không hạn cuộc. Khi đã quyết định, thì đừng để ngoại sự chi phối, rồi nửa chừng dở thất, nếu chưa hết kỳ mà vội mở cửa, thì thật là chua! Nên biết rằng: người tu, càng tu nhiều ma càng khảo nhiều, nên không thể lơ mơ được, bởi thế nên phải hiểu và phải nhận định kỹ trước khi làm, không thì thua cuộc mà hỏng việc, lại để cười cho kẻ bàng quan.

42. TỤ HỘI NIỆM PHẬT

4, 5 người hẹn nhau hội họp tu pháp niệm Phật. Trước hết phải đặt điều ước, trật tự, sau mới bắt đầu niệm. Lúc đầu niệm thì một tiếng mõ một tiếng niệm, một người xướng bao nhiêu người niệm theo, đều đều không nên so le, lộn xộn mà làm loạn động tâm người đồng niệm.

(Pháp này không kết thất như pháp trên, mà tùy phương tiện tu tập thế thôi, bao nhiêu người cũng được, bao nhiêu ngày cũng không hạn cuộc.)

43. NIỆM PHẬT ĐỂ THÀNH TỰU CHO NGƯỜI

Hoặc ở yên một chỗ niệm Phật mà cầu nguyện cho người, hoặc đồng với người khác kết kỳ niệm Phật. Hoặc đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy cho người biết, hoặc cho người mượn sách Tịnh Độ mà xem, hoặc phá những mối nghi lầm của người khác trong pháp môn này, hoặc khuyên người bền chí niệm Phật, những việc ấy đều tốt và đều có công đức cả.

Nhưng nếu người trong lúc lâm chung mà có mình đến hộ niệm, khiến cho người bịnh luôn luôn nhớ câu niệm Phật, vừa nhớ vừa niệm, làm cho người ấy sau khi tắt hơi rồi được vãng sanh về cõi Tây phương, đó là thành tựu pháp thân huệ mạng cho người, công đức này lại còn thù thắng hơn.

(Pháp này không có gì là khó hiểu cả.)

44. KHI CÓ TAI NẠN NÊN NIỆM PHẬT

Phàm lúc xảy ra tai nạn, mà nhớ phát tâm niệm Phật, tất có kỳ ứng (ứng nghiệm lạ thường). Tuy rằng một nước bị can qua hay một làng bị dịch lệ, mà niệm Phật để cầu, thì một người niệm một người an, trăm người niệm trăm người an. Không phải Phật có lòng riêng, lúc nào cũng ở trong ánh sáng bình đẳng, vô tâm mà ứng hiện. Vì sao? Vì động niệm thành tiếng tự mình rõ biết hào quang sáng của đức Phật A Di Đà trụ trên đỉnh đầu ta, thời tự nhiên mỗi niệm đầy đủ, mỗi niệm bền chắc, mỗi niệm dài lâu, thời hào quang của Phật chiếu đến gia hộ các vị thiện thần độ trì, tự mình có thể lìa khỏi nạn tai, xin đừng chuyển niệm.

Lời phụ giải:

Có người bảo: niệm Phật làm sao dứt được nạn này, nạn khác? Đó là tại vì mình không tha thiết, hay niệm mà lòng vẫn nghi ngờ, thì bao nhiêu đó cũng chứng tỏ không đem kết quả tốt đến cho mình rồi. Nên hiểu rằng: Tâm mình lúc bấy giờ chỉ nghĩ có một chuyện niệm Phật ngoài ra không nghĩ gì khác, một niệm quên thân, một niệm an tâm ấy càng kéo dài, thì khổ nào đày ải ta được? Câu “Linh tại ngã bất linh tại ngã” có ý vị lắm thay! Một người rồi nhiều người bắt đầu niệm Phật tức là chuyển ác niệm thành thiện niệm, thiện niệm ấy càng kéo dài thì tai nạn nào mà không khỏi, tội khổ gì mà chẳng an?

Ngoài ra trong kinh ghi 10 điều lợi ích của sự niệm Phật, tôi xin kính ghi chép ra đây để quý vị tin mà cố gắng:

1. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, đức Phật A Di Đà phóng quang nhiếp thọ.

2. Thường được 25 vị Đại Bồ Tát như đức Quán Thế Âm thủ hộ.

3. Ngày đêm thường được chư thiên cùng đại lực thần tướng ẩn hình ủng hộ.

4. Tất cả Dạ xoa, ác quỉ, rắn độc, thuốc độc đều không thể làm hại.

5. Không bị những tai nạn: nước, lửa, đao, tên, gông, xiềng, lao ngục, giặc cướp, oan gia cùng các thứ chết dữ.

6. Những tội đã làm thảy đều tiêu diệt, những kẻ chết oan vì mình đều được giải thoát, không còn kết oán ràng buộc.

7. Ban đêm nằm ngủ thường thấy điềm lành, hoặc thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà.

8. Tâm thường vui vẻ, sắc thường tươi nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp lợi ích.

9. Mọi người trông thấy đều vui mừng, cung kính hoặc lễ bái cũng như kỉnh Phật.

10. Khi mạng chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn sanh về Tịnh độ hưởng sự an vui không cùng!”

45. NIỆM PHẬT TRONG LÚC CHIÊM BAO

Nguyện lực bền chắc, công phu tinh nhuần, ban ngày giữ niệm khăn khăn, ban đêm vẫn giữ niệm khư khư, thời trong giấc chiêm bao tự mình có thể niệm Phật, đó là triệu chứng sắp vãng sanh, vậy phải giữ điều hòa và phải cố gắng lên mãi, đừng lui đừng loạn.

Lời phụ giải:

Niệm Phật đến giai đoạn này, thật đã khá tinh nhuần. Có nhiều người niệm được ban đêm, ban ngày không, lúc thức niệm lúc ngủ không. Như vậy tất còn gián đoạn, do công phu chưa thuần. Phải tập thế nào: luôn luôn giữ niệm niệm Phật, dù khi thức hay lúc chiêm bao. Muốn tập điều này thì trước khi đi ngủ hãy cố niệm Phật cho đến khi nào ngủ mòm mới thôi, lại trước khi lên giường phải đánh thức tâm niệm Phật bằng cách tự dặn dò: muốn thoát ly sanh tử không gì hơn ngươi phải luôn nhớ niệm Phật, dù khi thức hay lúc ngủ. Mỗi hôm nhớ dặn thế, sẽ quen dần dần, tự nhiên có kết quả. Quí vị muốn khuya thức dậy đúng giờ nên tập theo cách này: trước khi đi ngủ phải dặn thành tiếng: “Đúng 5 giờ (hay 4 giờ tùy) phải thức dậy,” nói đôi ba lần như thế, sáng ra sẽ dậy đúng giờ, nhưng nên nhớ một vài ngày đầu có khi bị xê dịch ít nhiều, vì ý niệm chưa thuần, nhưng sau đó thi sẽ thức đúng dần dần, rồi thì đúng hẳn, mười hôm như một. Điều này gọi là tập quen thành lệ chớ không có gì lạ cả.

46. NIỆM PHẬT TRONG LÚC BỊNH

Bịnh là cơ sắp chết, chết là mối quan hệ của các thánh, phàm, tịnh, uế. Trong lúc bịnh (bịnh nặng) phải khởi tưởng niệm là sẽ chết (để không sợ chết). Phải siêng niệm Phật, quyết định chờ chết, ắt có hào quang của Phật đến tiếp dẫn, làm toại chí nguyện vãng sanh của ta. Nếu trong lúc bịnh, dừng không niệm Phật thì tất cả sự ái luyến sợ sệt, phiền não hiện lên rần rần, các thứ tạp niệm nhứt tề nổi dậy. Thế thì con đường sanh tử lấy gì cứu vớt? Ngày xưa có một vị Tăng bịnh nặng, rên thành tiếng “Ôi cha.” Bỗng tự biết người tu lúc nghĩ nhớ đến đạo mà lại rên như thế là sai, liền khởi niệm A Di Đà Phật. Nhưng cơn đau không chịu dứt, nên một tiếng rên “ôi cha” là một tiếng niệm Phật tiếp theo, ngày đêm không dứt. Khi bịnh lành, thầy bảo mọi người: “Trong lúc bịnh tôi rên thành tiếng “ôi cha” và chen một tiếng niệm A Di Đà Phật, hôm nay bịnh lành, tiếng A Di Đà Phật hiện còn mà tiếng rên “ôi cha” chẳng biết biến đâu.”

Hy hữu thay! Đây là trường hợp tinh tấn trong lúc bịnh vậy.

Lời phụ giải:

Ở đời, có ai khỏi chết, thế mà có kẻ sợ chết đến thành đốn hèn, hay tham sống đến quên chết, thật khổ thay!

Sợ chết rồi cũng không thoát chết, thì có sợ cũng bằng thừa. Ngày xưa có nhiều vị làm những chuyện có thể gọi là đáng buồn cười, thế mà thật là ý vị: Sắm sẵn một cái hòm (quan tài), đêm đêm vào ngủ trong ấy, thật là một việc mà người đời ai cũng sợ. Một người thân, rất thân, vừa mới dứt hơi có kẻ đã không dám léo hánh đến gần, đừng nói dở mặt để xem. Vào ngủ trong hòm, cho biết rằng vị ấy coi cái chết như một giấc ngủ, không có gì đáng sợ, hơn nữa để thấy rằng: Cái chết nó sẵn sàng đến với ta bất cứ lúc nào, để mà không sợ chết, chỉ có lo vun quén cho mình một kiếp sống không bao giờ chết: con đường giải thoát. Vậy chúng ta hãy cố mà niệm Phật, đừng sợ chết, vì cái chết của một xác thân này chỉ là một sự cởi một cái lốt tạm của vô lượng thân vô thường biến chuyển về sau, nếu ta chưa được giải thoát!

47. PHÚT LÂM CHUNG NÊN NIỆM PHẬT

Phút lâm chung nên cố gắng ghi nhớ 4 chữ A Di Đà Phật đừng để sót quên. Nếu niệm lớn được thời niệm, còn không niệm lớn được thì niệm nhỏ. Trường hợp lớn nhỏ đều không niệm được (vì quá mệt) thì nên ghi khắc thầm tưởng 4 chữ trong thâm tâm, đừng cho quên sót.

Những người hầu hạ chung quanh phải thường nhắc nhở khuyến khích người bịnh nhớ Phật, niệm Phật.

Phải biết rằng: trong nhiều đời, nhiều kiếp, vì ta bị loạn niệm trong lúc này (gần chết) mà phải luân hồi mãi trong vòng ba cõi. Tại sao? Vì sanh tử, luân hồi đều do nhứt niệm làm chủ. Nếu nhứt niệm chuyên chú niệm Phật, thì thân tuy chết nhưng tâm thần không tán loạn, liền theo nhứt niệm ấy vãng sanh Tịnh độ.

Vậy nên hãy nhứt tâm ghi nhớ bốn chữ A Di Đà Phật đừng quên!

Lời phụ giải:

Người tu Tịnh độ khi gần mạng chung, nên phải dự tính rằng: Phút lâm chung là điều quan trọng cuối cùng của đời người tu hành niệm Phật, nếu giữ gìn không kỹ, vận dụng không khéo, thì chẳng những luống uổng công phu trong một đời là vẫn mang cái khổ lụy luân hồi sanh tử, không sao tránh khỏi. Huống chi thân ta đây do nơi nghiệp thức, nhờ chút tinh cha, huyết mẹ tạo nên, hễ có hình phải có hoại, có sanh tất có tử, thật không vĩnh viễn tồn tại.

Còn cõi ta ở đây, đầy đủ uế trược, ác hiểm, cũng từ nơi vọng nghiệp nhơ bẩn mà sanh, không phải là cảnh thanh tịnh, an nhàn đáng cho ta quyến luyến. Ngày nay ta nhứt tâm niệm Phật cầu khi bỏ thân này được vãng sanh Tây phương Cực lạc, chẳng khác nào bỏ áo cũ dơ, mặc áo mới sạch, thì còn mong gì hơn nữa.

Nếu suy nghĩ, dự tính được như thế, thì đến khi sắp chết, trong lòng không còn tham luyến sắc thân, ngoài không còn đắm mến cõi đời, nhứt tâm chánh niệm trực vãng Tây phương, dù sức muôn trâu cũng không kéo lại được.

48. PHÁT NGUYỆN SÁM HỐI NIỆM PHẬT

Than ôi! Trong đời có thiếu gì kẻ không biết niệm Phật, có người cho niệm Phật là dị đoan nên không chịu niệm, người xuất gia cho niệm Phật là việc tất nhiên của mình phải làm, chớ không biết tại sao phải niệm, kẻ cuồng huệ biết có Phật, nhưng lại không khứng niệm, kẻ ngu si không biết Phật nên không niệm. Đây là đem so sánh, còn có những ngu phu, ngu phụ, nghe nói lý nhơn quả cũng biết niệm Phật, nhưng lại mong cầu được phước báo đời sau, vẫn không thoát khỏi hột giống luân hồi.

Tìm kẻ thật vì đường sanh tử mà niệm Phật trong trăm người họa chăng chỉ có một hai! Nên biết rằng, người đã niệm Phật, tức xứng hợp với lòng từ của Phật, phát thệ nguyện rộng lớn tế độ chúng sanh. Tất cả tội cấu oan khiên thảy đều sám hối. Tất cả những công đức dù nhỏ dù lớn đều đem hồi hướng Tây phương, như thế mới là CHÁNH NHƠN NIỆM PHẬT.

Lời phụ giải:

Làm một việc gì đều phải có mục đích và tất nhiên phải có đạt đến kết quả của nó. Một việc niệm Phật, siêu xuất luân hồi, vãng sanh Tịnh độ, với mục đích đã nhắm và với kết quả sẽ đạt thật là cao siêu và thật tế, thời hành nhơn ắt phải rõ thấu và tận dụng tri giác của mình, đâu phải những điều huyễn hoặc, vu vơ hay thiển cận mà khinh hốt.

Nhận thức đúng đắn điểm này thời việc làm ắt không đến đỗi luống. Thiệt lòng niệm Phật cầu thoát sanh tử thời cầu mong phước báo hữu lậu ở thế gian làm gì? Vạn vật vô thường của cõi thế gian nào phải là chỗ gởi thân vĩnh viễn của ta đâu? Nhưng đó chẳng qua vì hoặc nghiệp, phiền não nhiều kiếp sâu dày, mặc dầu cũng có hiểu biết đấy, nhưng lại phải chướng dày huệ mỏng, nên rồi phải tự cam với số phận hẩm hiu. Vậy khi đã rõ thông và phát tâm niệm Phật thì phải hết lòng, hết sức sám hối nguyện tiêu trừ tất cả chướng cấu trần lao để lòng thanh thoát, không còn bị những ảo ảnh gạt lường, mới mong đạt thành sở nguyện.

* Chú thích

(1) Trời Hữu đảnh là cõi trời cao tột cảnh trời Sắc giới.

(2) Phong luân: Sắc gió dưới đáy trái đất. Nhờ sức gió mạnh quay tít không ngừng, gây một sức mạnh vô ngần để duy trì thế giới.

(3) 6 căn, 6 trần, 6 thức.

(4) Khi hạ thủ công phu mà đạt được kết quả thì gọi là đắc thủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]