Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Giã từ Tây Tạng

12/02/201216:01(Xem: 7318)
15. Giã từ Tây Tạng
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ (tt)

GIÃ TỪ TÂY TẠNG

Rồi cũng có ngày tôi rời Lhasa, lên máy bay về lại Tứ Xuyên. Tôi nhớ G.Tucci, nhà Phật học và Tây Tạng học người YÙ. Ông viết: "Từ Lhasa ra đi không giống như từ giã một thành phố nào đó. Dễ trở lại một nơi nào bất kỳ, nhưng Lhasa là không thể đạt tới, hầu như nó nằm ngoài thế giới này. Từ đó ra đi cũng như tan một giấc mơ mà không biết rằng nó có trở lại không".
Lhasa ngày nay còn mong manh hơn thế vì nó đang chết dần chết mòn. Những bước chân rầm rập của lính tráng đang chôn vùi một nền văn minh độc đáo. Và không phải chỉ Lhasa thôi, Shigatse, Gyantse cũng đang thay đổi, những đô thị khác mà tôi chưa tới được hẳn cũng dần dần mất đi gia tài văn hóa của mình. Toàn cả nước Tây Tạng đang từng ngày đáng mất quá khứ của mình, đang trở thành một "khu tự trị" vô danh.

Ngắm nhìn điện Potala lần cuối, tôi nhớ lại một lời tiên tri. Lời đó nói rằng vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay là vị cuối cùng, sẽ không còn vị tái sinh nữa. Đạt-lai là rường cột tinh thần của dân Tây Tạng mà nếu vị hiện nay đã trên 65, không còn vị nào tái sinh nữa thì số phận Tây Tạng coi như an bài. Mà cũng đúng thay, làm sao có ai lật ngược được tình thế của dân tộc Tây Tạng.

Ngày nay Trung Quốc đang ngự trị Tây Tạng, họ ra sức xây dựng miền cao nguyên lạnh lẽo này để dễ đồng hóa. Công bằng mà nói, người Trung Quốc xây đường sá rất giỏi. Tại Trung Quốc, những nơi hẻo lánh và hầu như chỉ có khách Phật tử hành hương như Ngũ Đài sơn, Cửu Hoa sơn đều được xây dựng cầu đường hết sức nghiêm túc. Tôi tới đảnh lễ được những nơi đó là cũng nhờ họ và không quên, xây đường đắp cầu cũng là một công đức lớn, theo quan điểm đạo Phật. Tại Tây Tạng, Trung Quốc xây dựng nhiều công trình hạ tầng như đường xá, bệnh viện, trường học..., đó là điều tôi không thể không nhắc tới.

Điều khách quan hiện nay là Tây Tạng đã đi qua một hướng mới, người dân không thể trở lại đời sống cũ. Tôi từng thấy tu sĩ Tây Tạng mang cả điện thoại di động thì làm sao quay lại bánh xe lịch sử, nếu có ai muốn. Tôi nghĩ rằng nếu Đạt-lai có trở lại Tây Tạng thì ông cũng không hề muốn dân mình sống một cuộc sống lạc hậu. Và nếu ông trở về thì liệu ông và những người Tây Tạng theo ông có đủ trình độ chính trị và kinh tế để đưa một dân tộc đi lên?

Tôi không muốn lạc lối vào những giả định vô bổ và cũng chẳng có "giải pháp" nào cho dân Tây Tạng. Tâm tư của tôi có lẽ cũng giống như những người đã đi Tây Tạng, đó là tiếc thương một nền văn minh thật sự độc đáo đang suy tàn. Hơn nữa đối với tôi, đó không phải là một nền văn minh bất kỳ mà nó là kim cương thừa Phật giáo, nó là bước phát triển tiếp của đạo Phật, sau tiểu thừa Ấn Độ và đại thừa Trung Quốc. Và nếu đại thừa Trung Quốc thu liễm trong mình cả tiểu thừa Ấn Độ thì kim cương thừa Tây Tạng dung chứa cả tiểu thừa lẫn đại thừa. Phật Giáo Tây Tạng nói có lý rằng, tiểu thừa, đại thừa hay kim cương thừa đều là từng bước phát triển cho mỗi cá thể. Phật giáo Tây Tạng là hiện thân đích thực của Kinh Pháp Hoa mà Phật thuyết tại đỉnh Linh Thứu, tất cả các "thừa" đều là phương tiện, là "lấy lá giả vàng" để dẫn độ chúng sinh.

Vì thế mà nền văn minh Tây Tạng chết đi thì đối với tôi là Phật giáo đang suy tàn trên toàn thế giới. Tại Ấn Độ như đã nói, Phật giáo đã diệt vong từ thế kỷ thứ 11, 12. Tại Trung Quốc thời hoàng kim của Thiền Tông cũng bùng lên và tắt lụi cách đây đã nhiều thế kỷ. Và tại Tây Tạng, có lẽ tôi đồng ý với Sangharakshita [24], ông cho rằng đạo Phật sẽ diệt vong trong vài thế hệ nữa.

Nhưng, đức Thế Tôn cũng chẳng đã nói, giáo pháp của Ngài cũng sẽ diệt vong như mọi chuyện trên đời. Cái gì có sinh, cái đó có diệt, đó là qui luật. Còn cái vô sinh, cái miên viễn mà trên cao nguyên này mà có lẽ tôi đã nếm chút mùi vị thì đâu cần còn đạo Phật mới có nó. Nó đâu cần tên gọi, ta có gọi nó là Pháp thân, Phật tính hay Thượng đế, Đại ngã hay bất cứ từ gì khác cũng được.

Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức và hành động của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác, nó "được khám phá lại một cách mới mẻ" [25] . Nhận thức luận của nó vẫn tồn tại vì triết lý Tính Không của nó là ưu việt để nói về cái miên viễn đó, không có nhận thức nào hơn. Triết lý hành động của nó cũng còn tồn tại vì Bồ-tát đạo của Phật giáo là con đường không thể không đi cho những ai có lương tâm. Vì thế nếu trong tương lai xa, nếu Phật giáo có diệt vong thực, ta sẽ không ngạc nhiên nếu triết lý nhận thức và hành động đó vẫn còn lưu truyền, dù người đi trình bày cho nó không hề biết mình là Phật tử, không hề biết có một nhân vật lịch sử tên gọi là Thích-ca mâu-ni.

Ngày đó, người giảng pháp Phật không hề mặc áo tu sĩ mà có thể là một nhà vật lý học hay sinh vật học. Ngày đó người ta sẽ nói về "sắc" và minh họa nó bằng những hạt cơ bản trong ngành vật lý hay bằng nhiễm sắc thể và Genom trong ngành sinh vật. Cũng trong những ngày đó người ta sẽ thấy "không" một cách gần gủi cụ thể như người Tây Tạng thấy Pháp thân và cũng có thể họ sẽ nói "sắc chính là không, không chính là sắc" [26] .

Lời kinh của Đức Thích-ca đã làm tôi bớt băn khoăn với tương lai đạo Phật và Tây Tạng. Đó phải là lý do mà Di-lặc có cái nhìn bí ẩn và hóm hỉnh về những gì xảy ra dưới chân Ngài. Và tôi nhớ lại, tại Bonn, Đạt-lai thứ 14 cũng cho thấy một đầu óc hài hước tinh tế. Tất cả các vị đạo sư xưa nay đều nhìn cuộc đời với cặp mắt xanh biếc của Di-lặc, bí ẩn và hóm hỉnh và hầu như nói, những gì ta đang có rồi cũng sẽ mất nhưng những gì quí nhất thì vô thủy vô chung không bao giờ rời ta.

Máy bay lướt về hướng đông, sau lưng tôi là Lhasa, là Ngân sơn, là Yarlung Tsangpo, ngày càng xa. Tôi đang rời xa man-đa-la Ngân sơn mà tôi chưa được tới, đang xa man-đa-la Kumbum mà tôi đã từng lên tận đỉnh Pháp thân. Có hề gì, ở đâu cũng có "nó" nếu ta biết nhận thức, đó là bài học tôi mang về từ Tây Tạng.

Trước mặt tôi là Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Tại nơi đó có một đỉnh núi mà tôi đã tới chiêm bái, đó là Nga Mi sơn, trú xứ của bồ-tát Phổ Hiền. Tôi bất giác cảm tạ hành nguyện bao la của Phổ Hiền, sẵn sàng cho bất cứ ai thực hiện nguyện ước của mình. Có thể nhờ Phổ Hiền mà tôi đã đi được Tây Tạng.

Máy bay hạ cánh ở Thành Đô, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Tiếng ồn ào tràn ngập sân bay và vô số con người xuôi ngược trên đường. Tôi nhanh chóng về khách sạn. Trong gương soi mặt, môi tôi đã bớt tím. Từ trong chiếc va-li rơi ra chai dầu gội đầu, bây giờ nó đã xẹp lép vì áp lực không khí nơi đây quá cao.

[1] - Sinh năm 1543, mất năm 1588
[2] - Xem chương "Ung Hoà cung và tiểu truyện Trung Quốc-Tây Tạng" trong phần thứ ba
[3] - Trích "Lịch sử Phật giáo thế giới", tập I, Thánh Nghiêm pháp sư (Đài Loan), Nhà xuất bản Hà Nội, 1995
[4] - Sinh năm 1617, mất năm 1682
[5] - Bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn "Die vierzehn Wiedergeburten des Dalai Lama" (Mười bốn lần tái sinh của Đạt-lai lạt-ma) của K.H.Golzio và P.Bandini, Scherz Verlag, 1997
[6] - Gampopa dịch âm là Đạt-bảo Cáp-giải (1079-1153)
[7 ] - Yuan, đơn vị nhân dân tệ, mỗi đô-la Mỹ trị giá khoảng trên 8 "nguyên" (năm 2000)
[8 ] - Một đạo sư quan trọng của dòng Ninh-mã, sinh 1808, mất 1887
[ 9 ] - Xem thêm "Tibetan Buddism" của Sangharakshita, sách đã dẫn
[10] - Nội dung của Thangka thường thấy tại Tây Tạng, trong đó vòng tròn "mười hai nhân duyên" nằm trong sự kềm tỏa của quỉ sứ
[11] - Tranh vẽ trên giấy hay lụa của Tây Tạng. Nội dung của tranh thường là hình tượng Phật, Bồ Tát, hộ pháp, man-đa-la.
[12] - Xem "Sư tử tuyết bờm xanh", sách đã dẫn
[13] - Mahasiddha. Chuyện về 84 vị thành tự giả có thể tìm thấy trong "Từ điển Phật Học", nhà xuất bản Thuận Hoá 1999.
[14] - Mahamudra, một trong những giáo pháp tối thượng của Kim Cương thừa, được truyền dạy trong phái Ca-nhĩ-cư
[15 ] - "The six Yogas of Naropa", đã được Thích Nữ Trí Hải dịch ra Việt ngữ, California 1997
[16 ] - Tổ thứ hai là Naropa, sơ tổ là Tilopa, thầy của Naropa
[17 ] - Dakini. Theo mật thừa Ấn Độ và Tây Tạng, Dakini là các vị thần nữ bảo hộ cho hành giả tu tập Mật tông. Thể nhập vào cõi của Dakini là thoát khỏi sinh tử nhưng chưa hoàn toàn giác ngộ
[18] - Govinda, Grundlagen tibetischer Mystik (Cơ sở mật tông Tây Tạng), Scherz Verlag 1994
[19] - Trong các sách nghiên cứu phương Tây ta hay gặp từ "Archetype"để chỉ các mẫu hình cơ bản này. Từ này do nhà tâm lý học C.G.Jung nêu lên đầu tiên
[20] - Đoạn văn thường thấy trong kinh sách
[21] - Kailash, xem chương "Tháng ngày ấp ủ" trong phần thứ nhất
[22] - Phạn ngữ: svabhavasiddhi (siddhi: thành tựu), Anh ngữ: inherent existence
[23 ] - "Bát phong": Được, mất; vinh, nhục; khen, chê; vui, khổ. Thơ Hàn Sơn "Bát phong xuy bất động" (Tám gió thổi chẳng động)
[24 ] - Sách đã dẫn
[25 ] - Schumann trích lời đức Phật. Xem chương "Từ Linh sơn nhớ về Yên Tử" trong phần hai
[26] - Lời trong Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh
TỔ TIÊN TÂY TẠNG

Nếu ngày trước Govinda hay David-Néel đi Tây Tạng rất khổ nhọc thì ngày nay người ta đến xứ này tương đối dễ dàng, nhất là thủ đô Lhasa. Khách có thể từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay đi Lhasa, mỗi tuần hai chuyến. Nhưng cách đi hay nhất là đến Thành Đôâ, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, từ đây khách có thể dễ dàng đi thăm viếng Tây Tạng. Muốn đến Thành Đô ta có thể lấy máy bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải nhưng tiện nhất cho khách nước ngoài là từ Bangkok. Ngày nay mỗi ngày có một chuyến bay Bangkok-Thành Đô bằng đường bay South West Airlines của Trung Quốc, thời gian bay khoảng gần ba tiếng đồng hồ. Thành Đô lại là kinh đô nước Thục ngày xưa, là nơi khách có thể tham quan Nga Mi sơn, Lạc sơn, nên đến Thành Đô, khách có thể phối hợp nhiều lộ trình tham quan hết sức thú vị [8].

Từ Trung Quốc khách có thể đi Tây Tạng nhưng phải có giấy phép đặc biệt. Vì thế hầu như tất cả mọi người đều phải đi trong các tour do các văn phòng du lịch tổ chức. Thành Đô là nơi tập trung khách đi Lhasa vì từ đó mỗi ngày có một chuyến bay với South West Airlines. Từ Bắc Kinh, Trùng Khánh cũng có chuyến bay đi Lhasa nhưng mỗi tuần chỉ hai ba chuyến không đáng kể.

Từ Thành Đô đi Lhasa, tôi bay từ đông sang tây. Ra khỏi Thành Đô không bao lâu một vùng núi non bát ngát đã xuất hiện, đó là lưng dựa hiểm yếu của nước Thục ngày xưa. Vùng núi non thỉnh thoảng được cắt bởi những hẻm sâu vực thẳm mà một trong những hẻm núi hiểm trở đó là thượng nguồn sông Cửu Long. Ôi, đã có một ngày tôi được bay trên đầu nguồn Cửu Long. Từ Thành Đô ta còn có một con đường bộ đi Lhasa. Tuyệt diệu thay nếu đời tôi được đi con đường đó, con đường băng núi bạt ngàn vượt qua vùng Đông Tây Tạng với những trang huyền sử. Con đường đó cũng dẫn đến suối nguồn của Cửu Long Giang mà tôi mơ ước được một ngày nếm vị ngọt của nó.

Hôm nay tôi sẽ đến Lhasa, "thành phố của chư thiên", nằm trên độ cao 3685m. Trên độ cao này không khí đã khá loãng, tôi chịu nổi không ? Tôi đã lên Zugspitze, đỉnh cao nhất nước Đức chưa đầy 3000m, đã đến Nga Mi sơn cao khoảng 3100m. Thế thì Lhasa phải là chỗ cao nhất xưa nay tôi chưa đến, độ cao của nó vượt hơn đỉnh Hoàng Liên sơn của ta khoảng nửa cây số. Tây Tạng là một một xứ sở kỳ dị, lớn rộng như Tây Âu, độ cao trung bình của nó khoảng 4500m. Dân của họ hết sức thưa thớt, quen sống vùng rẻo cao, ít người xuống được bình nguyên. Nguồn gốc của họ là từ đâu ?

Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci [9] nói, "không có bao nhiêu dữ liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo". Thế nhưng nhiều nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển! Cách đây khoảng 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa châu Á mà đội lên thành Hy-mã lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế mà ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ Tây Tạng là hồ nước mặn.

Tổ tiên người Tây Tạng, theo lời của chính họ, là một con khỉ ! Con khỉ đó không phải tầm thường, nó là một hiện thân của Quán Thế Âm, tìm đến một hang động lạnh lẽo trên núi cao để thiền định. Thế nhưng gần đó có một nàng ma nữ, gặp khỉ nàng khóc lóc than thở về mối cô đơn hiu quạnh của mình. Động lòng từ bi, khỉ chịu chung sống với ma nữ và sinh sáu người con và đó là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Ngày nay người Tây Tạng vẫn tự thấy mình là sự tổng hợp của lòng từ bi dịu hiền của khỉ và sự lì lợm tham lam của ma [10].

Tây Tạng có một số lượng dân cư hết sức thưa thớt. Thủ đô Lhasa ngày xưa, trước khi Trung Quốc xâm nhập năm 1959, chỉ có khoảng 30.000 dân. Thành phố lớn thứ hai là Shigatse với khoảng 12.000 dân, thứ ba là Gyantse với khoảng 8000 dân. Toàn bộ dân tộc Tây Tạng chỉ gồm khoảng 5-6 triệu dân. Có lẽ không ai quan tâm đến dân tộc này và chỉ xem họ chỉ là một chủng tộc hoang sơ sống trên rẻo cao nếu Tây Tạng không có một nền văn hóa độc đáo.

Trong nền văn hóa vô song đó đạo Phật đóng một vai trò chủ đạo, nhưng đạo Phật tại đó cũng không còn là Phật giáo Ấn Độ, cũng chẳng phải là Phật giáo Trung Quốc, mặc dù mối liên hệ với hai vùng văn hóa đó hết sức mật thiết. Từ một xứ sở tưởng chừng như hoang sơ đó đã sinh ra và phát triển thành một trường phái Phật giáo thâm sâu, vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông ảo diệu. Đến thời đại hiện nay Phật Giáo Tây Tạng tương đối còn sức sống trong lúc Phật Giáo tại Ấn Độ và Trung Quốc đã suy tàn.

Máy bay hạ dần độ cao, bay ngược dòng một dòng sông có chiều dài tổng cộng khoảng 2900km. Bên trái dưới máy bay là dòng sông Yarlung Tsangpo, một dòng sông anh em của Trường Giang, Hoàng Hà, Cửu Long. Nguồn của nó là dưới chân Ngân Sơn, ở miền tây Tây Tạng. Đối với Tây Tạng, Tsangpo cũng quan trọng như Trường Giang với Trung Quốc. Nó phát nguồn từ một mạn-đà-la vĩ đại quanh Ngân Sơn [11] , tên của nó có nghĩa "chảy từ hàm ngựa", chảy từ đông qua tây, bọc quanh một ngọn núi tuyết cao trên 7700m rồi thẳng đường phía nam, lúc này nó mang tên Brahmaputra, xuyên qua Bangladesh chảy ra Ấn Độ dương.

Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Theo truyền thuyết, một ngày nọ trong năm 313 trước công nguyên, có một vương tử Ấn Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy-mã lạp sơn. Đó là thời kỳ hùng mạnh của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có lẽ vị vương tử này vì thế mà lánh nạn chăng. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử may mắn này đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.

Khi Nyatri Tsenpo chết thì huyền sử chép "theo một sợi dây mà lên trời"và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Thế nhưng đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì "dây dứt", nhà vua này được chôn tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371 sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, "trên trời bỗng rơi xuống nóc điện nhà vua"kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu được kinh sách. Đó chính là vị Tùng-tán Cương-bố nói trong chương trước.

Tùng-tán Cương-bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những "đọc và hiểu" kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố "Thập thiện" và "Thập lục yếu luật" để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]