Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT
Ngũ Đài Sơn
Còn đâu nước Thục
Nhân kiệt không đời nào thiếu
Nga Mi Sơn
Những kích thước vĩ đại
Đại Túc, thạch động ngủ quên
NGŨ ĐÀI SƠN (Wutaishan)
Năm 67 sau công nguyên, Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan gặp Hán Minh Đế và sau đó như ta đã biết, Bạch mã tự là chùa đầu tiên được xây dựng. Nhà vua người Hán còn hỏi hai vị Phạm tăng: "Pháp Phật chỉ lưu truyền ở Thiên trúc, sao không thấy giảng giải tại Trung nguyên". Hai vị đáp: "Có chứ, ngày nay có vị Bồ-tát Văn-thù đang giảng pháp tại Thanh Lương sơn".
Thanh Lương sơn cũng là địa danh được nhắc tới trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Bồ-tát trụ xứ: "Vùng Đông Bắc [14] có núi Thanh Lương từ xưa đến nay các vị Bồ-tát thường trú ở đó. Hiện có Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi cùng quyến thuộc và các Bồ-tát khác nữa đông tới vạn người thường thuyết pháp ở đây" [15].
Thanh Lương sơn là tên khác của Ngũ Đài sơn, nằm tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Vì những lẽ trên mà từ xưa tới nay, Ngũ Đài sơn được xem là trú xứ, là đạo trường của Văn-thù Sư-lợi. Theo truyền thuyết, Bồ-tát Văn-thù là người cùng với A-nan kết tập bộ kinh Hoa Nghiêm, sau đó trao cho Long Vương cất giữ rồi Long Vương mới trao cho luận sư Long Thụ để phổ biến. Vì thế mà Kinh Hoa Nghiêm rất gần gủi với Văn-thù và Ngũ Đài sơn là nơi các vị tổ của tông Hoa Nghiêm tu học.
Văn-thù Sư-lợi là vị Bồ-tát được gọi là vị "đại trí". Ngài là một vị cổ Phật nhưng đóng vai trò Bồ-tát để giáo hóa, nhiều vị thành Phật là cũng nhờ Ngài. "Văn-thù Sư-lợi vẫn thường làm mẹ của vô lượng chư Phật. Ngài luôn làm thầy của vô lượng Bồ-tát. Ngài giáo hóa vô lượng chúng sinh… Ngài trụ trong trí huệ thâm sâu, thấy biết được tất cả các pháp đúng như thật, Ngài thông đạt thấu suốt tất cả cảnh giới giải thoát" [16]. Đó là lời của Di-lặc nói với Thiện Tài và khuyên Thiện Tài nên đi gặp Văn-thù Sư-lợi. Tại sao Thiện Tài phải tìm đến gặp Văn-thù? "Vì từ trước đến nay, mọi thiện tri thức mà ông gặp để rồi được nghe hành bồ-tát, để vào được cửa giải thoát, để được đầy đủ đại nguyện, đều do thần lực của Văn-thù Sư-lợi"[17].
Tôi từ Đại Đồng, xuống phía nam, đến Ngũ Đài sơn đảnh lễ Văn-thù. Ngũ Đài sơn là một rặng núi cách Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây khoảng 200km. Đây là một rặng núi với năm "đài" mà đỉnh phía Bắc, Bắc đài, cao đến 3058m. Từ thời Hán Minh Đế ở đây đã có một tự viện thờ Văn-thù, về sau nơi đây có hàng trăm đền chùa, bảo tháp. Ngày nay trên núi có 54 đền chùa, nằm rải rác khắp rặng núi. Sau khi đi qua nhiều con đèo hiểm nghèo, xe đến Đài Hoài trấn, đó là thị trấn nằm giữa lòng Ngũ Đài sơn và cũng là nơi đi bộ leo lên nhiều tự viện chủ yếu của núi. Tôi đến Đài Hoài trấn buổi trưa nhưng trời mát lạnh, ở đây có độ cao 1435m. Đường đèo dẫn đến Đài Hoài tuy rất tốt nhưng hết sức vắng xe, có ai ngờ đến đây mới thấy đây là một thị trấn tấp nập toàn cả khách hành hương tham bái. Đường đến Ngũ Đài sơn rất khó khăn và cũng nhờ thế mà các tự viện ở đây thoát khỏi sự tàn phá trong thời cách mạng văn hóa.
Từ làng Đài Hoài ta có thể đi bộ lên phía bắc để đến Hiển Thông tự. Đây là ngôi chùa cổ nhất của Ngũ Đài, được kiến lập trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Theo thời gian Hiển Thông Tự được mở rộng để ngày nay có 7 tự viện nằm trên một trục và nhiều đền nằm xung quanh. Tổng diện tích của Hiển Thông tự lên đến 80.000 m2. Hiển Thông tự là nơi mà Thanh Lương Trừng Quán thời nhà Đường, tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm trụ trì và dịch, chú giải kinh Hoa Nghiêm. Tại đây có câu đối nói về Pháp thân và Văn-thù:
Pháp thân vô khứ vô lai, trụ tịch oai nghi bất động,
Đức tướng phi không phi hữu, ứng tùy cơ dĩ hằng châu.
(Pháp thân không đi không đến, vững yên oai nghi không động,
Đức tướng chẳng không chẳng có, luôn luôn tùy cơ ứng hiện)
Phía bắc của Hiển thông điện là Bồ-tát đỉnh, theo truyền thuyết từ thời Bắc Ngụy (386-534), đó chính là trú xứ của Văn-thù. Tôi leo 108 bậc thang để lên Văn-thù đỉnh, lòng xúc động và cám ơn cơ duyên vô danh nào đã cho mình cái dịp ngàn năm một thuở này. Những bậc thang này chính là nơi mà hàng ngàn năm nay, kể từ đầu công nguyên tới nay, hàng vạn người đã đến đây để đảnh lễ Văn-thù, từ các nhà vua đến các hàng thứ dân, từ các thiền sư đến các cư sĩ, từ vị đại lạt-ma đến các tiểu tăng sa di. Người ta kể rằng, đến Ngũ Đài sơn, ai có lòng tin tưởng thì thế nào cũng sẽ gặp Văn-thù trong một dạng hình nào đó.
Tôi còn nhớ, trong tác phẩm Sư tử tuyết bờm xanh[18], mình có biên dịch câu chuyện của một vị lạt-ma tên là Yahden. Vị này mất sáu tháng để từ Tây Tạng đến Ngũ Đài sơn chiêm bái Văn-thù, trên đường đi ông hết lòng tụng niệm và thiền định liên tục. Và cuối cùng ông được "leo lên 108 bậc thang" để đến Bồ-tát đỉnh. Ông vừa lên gần đến đỉnh thì gặp một người ăn xin cụt chân, người đó nói với ông: "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng". Yahden mở túi xách, lấy một ít tiền cho kẻ ăn xin thì người đó nói tiếp: "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một. Thứ ít ỏi này ta không thèm lấy của ngươi. Ta đòi ngươi cả trái tim!". Yahden vừa biết kẻ đó là ai thì người đó đã biến mất. Yahden mở mắt thật lớn nhìn quanh và nhảy như bay lên những bậc cuối và chỉ còn nghe chuông chùa đánh 108 tiếng.
Tôi lên đến Bồ-tát đỉnh, chỉ nghe tiếng chuông vang ra từ Văn-thù điện xây trên đó. Trên Bồ-tát đỉnh này vua Càn Long đời Thanh đã cho dựng một tấm bia đá cao 6m, với thủ bút của ông viết bốn văn tự: Hán, Mãn Châu, Mông cổ và Tây Tạng, ca tụng trí huệ của Văn-thù. Cách đó khoảng 1km, ta tìm thấy Thù Tượng tự, trong đó là bức tượng nổi tiếng của Văn-thù cao 9m, ngồi trên lưng sư tử. Chùa này được kiến lập trong đời Đường, nhưng bị hư hoại và được xây dựng lại năm 1487.
Yahden được Văn-thù "tùy cơ ứng hiện", được Ngài đọc lại cho nghe yếu nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm. Đến đạo trường của Văn-thù, tôi lấy lại kinh Hoa Nghiêm ra đọc, xem Ngài nói gì với Thiện Tài, khi Thiện Tài vâng lời Di-lặc đi tìm Ngài.
"Lành thay, lành thay! Này thiện nam tử, nếu lìa khỏi lòng tin thì tâm sẽ yếu kém, sẽ lo âu tiếc nuối, nên công hành không tròn đủ, sẽ thối thất tinh cần, mà chỉ bám trước vào một thiện căn. Với chút ít công đức ấy sẽ cho đó là đủ, thế nên sẽ không phát khởi được hành nguyện, sẽ không được thiện tri thức nhiếp thọ, không được chư Như Lai ức niệm, sẽ không biết được Pháp tính (…giảng Pháp tính), Pháp môn (…giảng Pháp môn), công hành (…giảng công hành), cảnh giới (…giảng cảnh giới), sẽ không thể nào biết hết, biết nhiều, biết đến tận cùng, biết rõ, hướng nhập vào giải thoát, cũng như phân biệt, chứng biết và chứng đắc giải thoát. Mọi điều ấy sẽ không sao có được" [19].
Đến đây thì tôi hiểu. Vị đại trí Văn-thù mà cũng cho rằng phải có "lòng tin" mới phát khởi được hạnh nguyện và trí huệ. Chúng ta thường dễ cho rằng dùng trí là có thể hiểu được pháp, thậm chí trí huệ ưu việt hơn lòng tin. Thế nhưng trí nào hiểu được "cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một" ? Trí nào nắm bắt được cái nghịch lý đó? Tư duy logic thông thường của chúng ta không thể hiểu Kinh Hoa Nghiêm, đó là điều tôi dám kết luận. Đó cũng là lý do sau khi Phật thành đạo Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày nhưng không ai hiểu cả, chỉ trừ các bậc đại bồ-tát.
Tư tưởng Hoa Nghiêm nói về Chân Như tuyệt đối, trong đó không còn bóng dáng của sự phân biệt nhị nguyên nữa. Còn tư duy logic của chúng ta lấy nhị nguyên, lấy ta-người làm cơ sở, nó không thể vươn lên, với tới mức độ tuyệt đối. Như thế phải chăng không ai có thể hiểu Hoa Nghiêm? Văn-thù chỉ cho ta một cách, đó là dùng lòng tin mà "phát khởi hành nguyện". Lạ thay, Văn-thù mà cũng cần lòng tin! Lấy hành nguyện thật lớn, "phát tâm bao la không cùng, khởi tâm vô ngại lìa bỏ tất cả các cõi, rời xa tất cả các chấp"[20] .
Vì thân biến theo tâm nên với tâm "bao la không cùng" đó hành giả sẽ có thân vô lượng, siêu việt lên ta-người, bỏ tính cá thể và trực nhận Chân như tuyệt đối hiện lên trong "Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một". Với cách đó Thiện Tài đã siêu việt tâm thân mình, hiểu ngộ tất cả các pháp mà chúng ta thấy là mâu thuẫn không sao hiểu được và đã thể nhập vào hạnh lớn mà kinh sách gọi là thể nhập vào đạo trường của Phổ Hiền Bồ-tát.
Văn-thù là vị đại trí vì Ngài là kẻ chỉ đường tu học cho chúng sinh. Nhưng muốn có trí thì phải dùng lòng tin mà phát tâm học tập, đó là bài tôi học được hôm nay. Vì vậy mà có câu "Ta đòi ngươi cả trái tim". Ngày trước khi biên dịch chuyện Yahden này, tôi chỉ nhớ câu "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một", còn "trái tim" tôi cho là phụ. Bây giờ tôi hiểu, "trái tim" là tiên quyết, "nếu lìa khỏi lòng tin thì tâm sẽ yếu kém", không có trái tim rộng lớn thì không thể hiểu được Văn-thù.
Còn Phổ Hiền là vị "đại hạnh", vì nguyện lực cho hành động (hạnh) của Ngài là rộng lớn vô biên, cũng phải cùng hành động như Ngài mới hiểu được đại trí của Văn-thù. Tôi chỉ là người học trò nhỏ, dùng trí logic thông thường mà đoán mò về các điều nằm ngoài suy luận. Trí huệ và hạnh nguyện của các vị bồ-tát quá to tát, quá xa vời đối với tôi, thế nhưng tôi cũng sẽ đến đạo trường Phổ Hiền để đảnh lễ Ngài. Đạo trường đó nằm trên đỉnh Nga Mi sơn, tỉnh Tứ Xuyên.