Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Lập nên một cái ngã

04/02/201213:08(Xem: 8283)
17. Lập nên một cái ngã
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN III
TINH THẦN CHÁNH NIỆM

17.- LẬP NÊN MỘT CÁI NGÃ

Giá trị thật sự của một con người, được xác định bằng sự đo lường và cảm nhận nơi người ấy, đã giải thoát ra khỏi được cái Tôi của mình bao nhiêu?
[b]Albert Einstein, The World As I See It.

"Tôi" và "của Tôi" là những sản phẩm của tư tưởng chúng ta. Larry Rosenberg, một người bạn của tôi tại thiền viện Cambridge Insight Meditation Center, gọi đó lập Ngã. Ông ta nói rằng, chúng ta có một khuynh hướng không thoát được cũng không thay đổi được, là từ bất cứ một sự việc gì, một hoàn cảnh gì, ta cũng có thể lập nên từ đó một cái "Tôi" và "của Tôi", và ta sinh hoạt trong cuộc đời với ý niệm hạn hẹp ấy, phần lớn chỉ là mộng tưởng, và sự tự vệ. Không có một giây phút trôi qua nào lại không có việc đó xảy ra. Nhưng vì quá thông thường, nó đã trở thành một phần của cơ cấu cuộc đời, hoàn toàn không ai để ý đến, cũng như một con cá không hề biết tới nước, mặc dù nó đang chìm đắm trong đó. Bạn cũng có thể tự mình nhận xét được việc này, dù bạn đang ngồi thiền trong yên lặng hay là sống trong cuộc đời chừng dăm ba phút. Bất cứ trong một giây phút nào, một kinh nghiệm nào, tư tưởng của ta sẽ xây dựng từ đó thành một giây phút "của tôi", kinh nghiệm "của tôi", con "của tôi", ước muốn "của tôi", ý kiến "của tôi", đường lối "của tôi", thẩm quyền "của tôi", tương lai "của tôi", kiến thức "của tôi", thân "của tôi", tâm "của tôi", nhà "của tôi", đất "của tôi", cảm thọ "của tôi", xe "của tôi", hoặc vấn đề "của tôi".

Nếu bạn quan sát quá trình lập ngã ấy trong chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng cái mà ta gọi là Ngã, là Tôi, thật ra chỉ là một cấu tạo của tâm, và nó không thường hằng. Nếu bạn nhìn cho sâu thử tìm kiếm một cái Tôi vững vàng, không thể phân chia, một cái "Tôi" đứng sau những kinh nghiệm "của Tôi", bạn sẽ khám phá ra rằng chúng chỉ là những tư tưởng. Bạn có thể cho rằng ta là cái tên gọi của mình, nhưng việc ấy cũng không đúng. Tên của ta chỉ là một nhãn hiệu. Và tuổi tác, ý kiến của ta, nam hay nữ... thì cũng chỉ có thế thôi. Không có cái nào có thể làm nền tảng cho cái Tôi.

Khi bạn quán sát cho thật sâu sắc, dò theo những đường mối dẫn và để thử xem ta là ai hoặc là gì, chắc chắn bạn sẽ khám phá ra rằng không có một nơi nào thật sự là vững chắc. Giả sử bạn đặt câu hỏi: "Ai là người hỏi tôi là ai?", cuối cùng câu hỏi ấy sẽ dẫn đến câu trả lời là : "Tôi không biết". Cái Tôi ấy dường như là một cấu trúc được biết đến bằng những thuộc tính của nó, mà không có một thuộc tính nào, dù riêng rẽ hoặc cùng chung lại với nhau, lại có thể cấu tạo nên một con người. Hơn nữa, cái cấu trúc "Tôi" ấy lại có một khuynh hướng tan rã và kết tụ lại hầu như trong mỗi giây mỗi phút. Ngoài ra nó cũng còn có một khuynh hướng cảm thấy mình thua sút, nhỏ bé, bất an và bất định, vì tự chính hiện hữu của nó đã quá mong manh. Việc ấy tạo nên những khổ đau cho ta, vì thiếu chánh niệm ta không ý thức được rằng mình đang bị dính mắc vào cái "Tôi" và "của Tôi" sâu đậm đến chừng nào.

Và rồi lại có những vấn đề của các sư việc xảy ra chung quanh ta nữa. Cái "Tôi" của ta sẽ cảm thấy sung sướng khi hoàn cảnh chung quanh ủng hộ cho một niềm tin rằng nó là tốt, và cảm thấy chán nản khi bị chỉ trích, gặp khó khăn, cản trở hoặc thất bại. Có lẽ đây cũng là một nguyên do chánh cho những thương tích trong lòng tự trọng của nhiều người. Thật ra chúng ta không quen với quá trình cấu tạo này của sự lập ngã. Vì thế ta rất dễ bị mất quân bình và cảm thấy bị tổn thương, thua sút, khi nhu cầu được chấp thuận, được cảm thấy quan trọng của ta, không được cung cấp hoặc ủng hộ đầy đủ. Và ta lại đi tìm sự an ổn của nội tâm qua những phần thưởng ở bên ngoài, qua sự chiếm hữu vật chất và nương tựa vào những người thương. Thế nhưng, dù bận rộn cố gắng để thực hiện những việc ấy, ta vẫn không bao giờ cảm thấy được thật sự yên ổn trong lòng. Đạo Phật dạy rằng, thật ra không có một cái Tôi nào riêng rẽ và cô lập hết, chỉ có một tiến trinh xây dựng cái Tôi đang tiếp diễn liên tục mà thôi. Nếu ta ý thức được rằng, quá trình lập ngã ấy là một tập quán thâm căn cố đế và ta tự cho mình một ngày nghỉ, thôi cố gắng trở thành một nhân vật nào đó, chỉ cần giản dị kinh nghiệm, những gì đang thật sự xảy ra, thì có lẽ ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn và thảnh thơi hơn.

Trong thời đại mới này ở Tây phương, người ta thường hay nói "Trước hết bạn phải là một người nào đó (somebody), rồi bạn mới có thể trở thành không là ai hết (nobody) được", đó là một quan niệm theo tôi nghĩ là hết sức sai lầm. Nó có hàm ý là ta cần phải có một cảm nhận vững vàng về một cái ngã, rồi ta mới có thể khám phá được tính chất trống vắng của "vô ngã". Nhưng vô ngã không hề có nghĩa là "không là ai hết". Nó chỉ có nghĩa là mọi việc trên cuộc sống này đều có tương quan liên hệ mật thiết với nhau và không có một cái "Tôi" nào riêng biệt và độc lập. Tôi chỉ có thể là tôi trong sự tương quan với những sự việc và biến cố khác trong đời sống - như cha mẹ, tuổi thơ, tư tưởng, cảm thọ, những sự kiện bên ngoài, thời gian... Hơn thế nữa, ta bao giờ cũng là một nhân vật nào đó rồi, bất cứ là gì đi nữa. Ta là người mà ta đang là. Những người ấy không phải là tên gọi của ta, tuổi tác của ta, tuổi thơ của ta, niềm tin của ta, nỗi sợ của ta. Những sự kiện ấy chỉ là một phần nhỏ, chứ không toàn vẹn.

Vì vậy, khi ta nói rằng mình không nên cố sức để trở thành một nhân vật nào đó, mà chỉ cần kinh nghiệm trực tiếp những gì đang thật sự xảy ra, có nghĩa là ta nên bắt đầu bây giờ và ở đây, với những gì mình đang có. Thiền tập không có nghĩa là ta cố gắng để trở thành một nhân vật nào khác, và cũng không phải là để biến ta trở nên một xác chết vô tri, không có khả năng sống trong cuộc đời và đối phó với những khó khăn của cuộc sống. Thiền tập là để nhìn thấy được thực tại như nó là, không bị bóp méo bởi ý niệm và tư tưởng của ta. Một phần của quá trình đó là ta nhận thấy rằng, mọi vật đều có một sự liên hệ mật thiết với nhau, và mặc dù cảm nhận về cái Tôi cũng không phải là thật, là bền vững và thường hằng. Vì vậy, nếu ta thôi không cố gắng bắt mình trở thành những gi mình không phải, vì một nỗi sợ thua sút nào đó, thì con người của ta sẽ được nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn và dễ thở hơn.

Phương cách xử sự của chúng ta sẽ ít có tính cách cá nhân hơn. Khi có việc gì xảy ra, cố đừng nhìn nó dưới ánh mắt của một cái tôi, thử xem sao. Có thể là nó chỉ xảy ra, thế thôi. Có thể nó không hề nhắm gì tới ta hết. Hãy quan sát tâm ta trong những lúc ấy. Nó có dính mắc gì đến những cái "Tôi" và "của Tôi" không? Hãy tự hỏi mình "Tôi là ai?" hoặc "Cái Tôi cho là của mình đó, nó thật sự là gì?"

Chánh niệm có thể giúp ta quân bình được quá trình lập ngã và làm giảm ảnh hưởng của nó. Bạn hãy nhớ rằng, cái Tôi cũng vô thường như mọi thứ khác. Bất cứ một cái gì ta cố nắm bắt mà có dính líu đến cái tôi, sẽ vuột khỏi bàn tay ta. Ta không thể nào bắt được vì nó luôn luôn thay đổi, tan hoại rồi sinh hợp trở lại, nhưng lúc nào cũng khác đi một chút, tùy theo hoàn cảnh của giây phút ấy. Nó cũng giống như trong thuyết hỗn loạn (Chaos theory), có diễn tả một tình trạng mà trong đó có tàng chứa một trật tự, nhưng chính nó lại không theo một trật tự nào. Và nó không bao giờ tái lập lần thứ hai. Bất cứ khi nào ta nhìn, nó cũng sẽ có một chút khác biệt.

Tự tánh của cái Tôi là vô thường, luôn biến đổi và không bền vững. Nhưng nhờ vậy, nó đem lại cho ta một niềm hy vọng. Nó có nghĩa là ta không cần phải quan trọng hóa mình quá đáng, và biết rằng, những tiểu tiết trong đời sống cá nhân của ta, không nhất thiết phải là trung tâm vận hành của vũ trụ. Khi ta nhìn nhận và buông bỏ những ý tưởng chấp ngã ấy, là ta ban cho vũ trụ này thêm một chút không gian để cho sự việc có thể xảy ra. Và cũng vì ta thể nhập vào vũ trụ và tham dự vào sự biểu lộ của nó, nên những hành động tự kỷ, tự hoại, bất an, lo lắng quá mức của ta, cũng có thể làm trì trệ sự biểu lộ ấy, và khiến cho thế giới mộng tưởng của một cái Tôi có thể được nhìn thấy và cảm nhận như là thật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]