Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Thiền tập phát triển một con người toàn vẹn

04/02/201213:08(Xem: 8818)
27. Thiền tập phát triển một con người toàn vẹn
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN MỘT
SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

27.- THIỀN TẬP PHÁT TRIỂN MỘT CON NGƯỜI TOÀN VẸN

Tôi nghe nói rằng trong tiếng Pali, ngôn ngữ nguyên thủy được xử dụng trong thời đức Phật không có danh từ nào tương đương với chữ "Meditation" của người Tây phương bây giờ. Mặc dù Meditation, ở đây ta tạm dịch là thiền tập, có thể nói rằng đã được cải tiến đến trình độ rất cao trong nền văn hóa cổ Ấn Độ. Danh từ được người ta xử dụng thường xuyên là Bhavana. Bhavana được tạm dịch là "phát triển bằng sự luyện tâm". Đối với tôi thì nghĩa đó lại chính xác vô cùng, vì thiền thật ra là nói về sự phát triển của con người. Nó là một phần tiếp nối của sự thay đổi tự nhiên trong ta như là thay răng, thân thể trưởng thành, làm việc và thành đạt trong xã hội, xây dựng gia đình, vay mượn nợ bằng cách này hoặc cách khác,(bất cứ một sự mặc cả nào làm giam hãm tâm hồn ta, cũng đều là một hình thức mượn), và ý thức rằng mình rồi cũng sẽ già chết và chết. Rồi có một lúc nào đó, ta sẽ bị bắt buộc phải ngồi xuống chiêm nghiệm lại đời mình, tự hỏi ta thật sự là ai và ý nghĩa của cuộc đời này - cuộc đời của chính ta - là gì?

Những truyện cổ tích thường thường là những tấm bản đồ xưa, chúng chỉ cho ta thấy đường lối phát triển một con người toàn vẹn. Sự minh triết của những câu chuyện này được truyền xuống thời đại ta từ một thời mà chữ viết chưa có. Chúng được kể cho nhau nghe trong bóng đêm mập mờ ánh sáng, quanh những đóm lửa hồng, qua mấy nghìn năm nay. Những câu chuyện đời xưa ấy, ngoài tính chất lý thú và hấp dẫn ra, chúng còn là những biểu tượng cho những vở tuồng, chúng ta sẽ gặp trên con đường đi tìm sự toàn vẹn, hạnh phúc và an lạc. Những ông vua, bà hoàng, cậu hoàng tử và cô công chúa không phải chỉ là những nhân vật "ngoài kia". Bằng trực giác, ta biết rằng chúng cũng là những phương tiện khác nhau của tâm hồn mình, những sợi tơ kết cấu nên con người của ta, đang dò dẫm đi tìm hạnh phúc. Ta có trong ta đầy đủ hết, những ông khổng lồ hung dữ, bà phù thủy gian ác, và chúng phải được trực diện và tôn trọng, bằng không ta sẽ tiêu diệt ta. Những chuyện cổ tích là những lời chỉ dẫn xa xưa, ẩn tàng một sự minh triết, được cô động lại qua hàng ngàn năm truyền khẩu. Chúng giúp cho sự sinh tồn, trưởng thành của ta và một sự hội nhập khi đối diện với những con ác quỷ, những con rồng hung dữ, những khu rừng rậm và đầm lầy tối tăm, bên trong cũng như bên ngoài ta. Những câu chuyễn ấy nhắc nhở ta về giá trị của việc cưới hỏi, một sự hợp nhất giữa những phần tử lẻ loi, cô độc trong nội tâm khi chúng tìm được nhau, sẽ đem lại một mức độ hòa hợp và ý thức mới trong cuộc sống. Ta có thể nói rằng, mình có khả năng sống hạnh phúc mãi mãi được, hay nói một cách khác, trong khoảng thời gian muôn thuở của bây giờ và ở đây. Những truyện cổ tích này rất là minh triết, xưa cũ và vô cùng tinh tế, chúng là một tấm bản đồ cho sự phát triển toàn vẹn con người của ta.

Những chuyện cổ tích của Tây phương đa số được xây dựng quanh chủ đề về một đứa trẻ, thường là một vị hoàng tử hay cô công chúa. Dầu nam hay nữ, trẻ hay già, mỗi người trong chúng ta đều có ẩn tàng một vị hoàng tử và một cô công chúa. Và cuộc đời của ta cũng đã từng tỏa sáng một sự ngây thơ và những hứa hẹn vô tận của tuổi trẻ. Sự tỏa sáng ấy vẫn còn tiếp tục, nếu chúng ta biết đừng để cho sự sống của mình bị ngăn ngại.

Trong quyển Iron John, Robert Bly cho rằng chúng ta đánh mất trái châu bằng vàng của mình vào khoảng tám tuổi, và đến khi người ta bắt đầu tìm cách khôi phục lại hoặc ý thức được rằng mình đã đánh mất đến ba, bốn chục năm. Trong truyện người ta chỉ nhắc đến thời điểm ấy như là một "ngày xưa", nó nằm ngoài ý niệm thông thường về thời gian của ta, và chỉ mất có đôi ba ngày mà thôi. Nhưng trong trường hợp nào cũng vậy, trước hết ta cần phải có một sự mặc cả, thương lượng. Ta cần phải thương lượng với những năng lượng còn bị đè nén trong bóng tối của mình, chúng được biểu tượng hóa bằng một con ếch hay có thể là một người rừng lông lá sống dưới ao hồ trong rừng vắng, theo câu chuyện của ông Bly.

Trước khi ta có thể bắt đầu thương lượng, ta phải ý thức rằng tất cả những nhân vật ấy là có thật, hoàng tử và công chúa, con ếch và người rừng. Biết tiếp xúc với những khía cạnh tăm tối của tâm hồn, mà trong quá khứ ta đã từng dồn nhét vào tiềm thức theo bản năng tự nhiên, là một điều kiện tiên quyết. Ta có thể sẽ có một sự sợ hãi, mà đó cũng là cảm giác tự nhiên, khi ta bắt đầu đi vào những vùng đen tối, bí mật mà mình chưa từng biết tới.

Truyền thống Phật giáo Tây Tạng, bắt nguồn từ thế kỷ thứ tám cho đến hiện đại, có lẽ đã phát triển được một sự diễn đạt rất nghệ thuật và tinh tế về những khía cạnh đáng sợ này trong tâm thức của con người. Phật giáo Tây Tạng có nhiều tranh ảnh và hình tượng của những nhân vật rất quái dị và hung tợn, mà họ đều là những vị thánh đáng kính của dòng cổ thần. Nhưng ta nên nhớ rằng, những vị thần này không phải là những vị thần linh có quyền lực theo nghĩa thông thường. Thật ra họ biểu tượng cho những trạng thái tâm thức khác nhau, mỗi trạng thái có một năng lượng thiêng liêng cá biệt mà chúng ta cần phải đối diện, kính trọng và tiếp nhận, nếu ta muốn trưởng thành và được phát triển trọn vẹn như một con người, dù là nam hay nữ. Những vị thần hung tợn này không được coi là xấu, mặc dù bề ngoài của họ rất kinh dị và ghê tởm, họ đeo những xâu chuỗi đầu lâu và mang một bộ mặt dữ dằn. Các biểu tượng bề ngoài ấy thật ra chỉ là những sự cải trang, trá hình của những vị thần đầy lòng từ bi và trí tuệ. Họ muốn xử dụng những hình tướng ấy để giúp ta đạt được một sự hiểu biết về tình thương rộng lớn hơn, đối với chính mình cũng như với người khác, vì tất cả chúng ta đều không khác gì nhau.

Trong đạo Phật, một phương tiện giúp cho sự tu luyện phát triển nội tâm này là thiền tập. Ngay trong những truyện huyền thoại, như ông Bly đã kể, muốn tiếp xúc được với người rừng sống dưới đáy hồ cũng đòi hỏi chúng ta phải tát hết nước trong hồ ra. Việc ấy cần một công phu dài lâu và phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Không có gì là quyến rũ hoặc hấp dẫn trong công việc tát hết nước hồ, hoặc làm việc trong một lò rèn, hay dưới cơn nắng như thiêu ngoài đồng ruộng, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ. Nhưng chính ở sự kiên trì thực hành, để thấy được những năng lực trong tâm mình, tự nó là động lực thúc đẩy ta tiếp tục. Đây là một quá trình tôi luyện và nó có tàng chứa nhiệt lực trong đó. Muốn chịu đựng được sức nóng và được bền gan, đòi hỏi một sự tự chủ. Nhưng đìều có thể giúp chúng ta giữ vững sự tu tập của mình là một sự tinh thông, một trật tự trong nội tâm mà ta không bao giờ có nếu thiếu kỷ luật, nhiệt lực và nếu ta không dám bước vào bóng tối và sự sợ hãi của chính mình. Trong sự tu tập, những thất bại của ta cũng sẽ phục vụ rất nhiều cho sự trau luyện này.

Đây là điều mà những nhà phân tâm học thuộc trường phái Jung gọi là công phu tâm linh, sự phát triển chiều sâu của nhân cách qua sự nhận biết sâu sắc và mở rộng tâm thức. Nhiệt lực sẽ trui rèn, sắp xếp lại mọi nguyên tử trong con người tâm linh của ta và rất có thể, chính con người thể chất của ta nữa.

Sự kỳ diệu của thiền tập là ta có thể dựa trên chính sự tu luyện ấy để dẫn dắt mình qua những mê hồn trận. Nó giúp ta bước vững vàng trên con đường mình di, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, khi ta phải đối diện với những tình cảnh hoang mang trong nội tâm cũng như ngoại cảnh. Nó nhắc nhở với ta rằng, mình bao giờ cũng có một sự chọn lựa. Sự tu tập ấy là một kim chỉ nam cho sự phát triển con người, một bản đồ dẫn ta đến bản thể chiếu sáng của mình, và đó không phải là thời hoàng kim của một tuổi thơ đã qua, mà là của tuổi thành niên trọn vẹn. Nhưng nếu ta muốn thiền tập làm phận sự của nó, thì ta phải biết làm tròn phận sự của mình trước đã. Chúng ta phải dám đối diện với những sự tối tăm và nỗi thất vọng mỗi khi chúng khởi lên, hết lần này đến lần khác, mà không chạy trốn hoặc tự làm tê liệt bằng ngăn cách khác nhau, để tìm cách tránh né những gì không thể tránh được.

Thực tập: Hãy cởi mở ra với những hoàng tử và công chúa, ông vua và bà hoàng, ông khủng lồ và bà phù thủy; người rừng, chú lùn và bà lão xấu xí; vị lương y và kẻ gian manh trong ta. Khi ngồi thiền, bạn nên trải chiếu ra mời đón hết những nhân vật ấy. Hãy tập ngồi vững vàng như một ông chúa, bà hoàng, một dũng sĩ hay một thánh nhân. Trong những hoàn cảnh rối loạn hoặc tăm tối nhất, bạn hãy nhớ xử dụng hơi thở của mình như là một sợi dây dẫn dắt ta ra khỏi mê cung. Giữ vững chánh niệm ngay trong những lúc đen tối nhất, bạn nên nhớ rằng, sự chú ý không phải là một phần của bóng tối hay nỗi đau. Chánh niệm có khả năng ôm ấp được nỗi đau và soi sáng nó. Vì vậy, chánh niệm phải căn bản hơn, gần gũi hơn với những gì là lành mạnh, vững vàng và tỏa sáng trong ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]