Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Nhận lãnh trách nhiệm

17/12/201115:19(Xem: 7029)
08. Nhận lãnh trách nhiệm

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM

Khổ đau hay phiền muộn của chúng ta do chính chúng ta tạo ra, chứ không phải là những tai ách di truyềnhay tội tổ tôngtừ cha ông để lại, hay từ thế giới bên kia trở về ám ảnh chúng ta, như nhiều người quan niệm. Cũng không có thưởng phạt từ một đấng toàn năng tối thượng có quyền xét công xử tội chúng ta. Chínhluật nhân quả nghiệp báomới là cơ quan phán xử công minh, chính xác, vô tư và hợp lý nhất đối với hành vi của mỗi mỗi con người.

Luật nhân quả nghiệp báo tự động vận hành một cách tinh vi nghiêm ngặt ngay trong hành vi tạo tác của mỗi người, vì vậy không thể tránh né trách nhiệm về đời sống của chính mình, phải biết nhìn nhận những ưu khuyết, đúng sai, thiện ác trong mỗi hành vi động tịnh của mình chứ không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai khác dù đó là Thượng Đế. Đổ tội cho kẻ khác hay cho điều kiện bên ngoài thì dễ nhưng thật ra khi hành động như thế chúng ta vô tình rước thêm phiền lụy và tạo cho mình nhiều đối nghịch hơn.

Như người xưa đã nói: "Kẻ tiểu nhân luôn tìm cách chỉ trích kẻ khác, người trung nhân tự khiển trách mình và bậc đại nhân không tự trách mình cũng chẳng trách người".Vì thế, là người trí chúng ta phải tự giải quyết những vấn đề riêng tư của mình không nên phiền trách ai khác. Hơn thế nữa, khi gặp một nghịch cảnh hay bị một người nào đó làm phiền lụy, chúng ta cần phải trầm tĩnh, sáng suốt để quan sát, lắng nghe, suy nghiệm hầu thấy được mối liên hệ nhân quả của sự kiện, từ đó chúng ta học hỏi được chính mình và thế giới xung quanh. Nếu phát hiện nguyên nhân lỗi lầm từ phía chúng ta thì chúng ta có trách nhiệm xin lỗi, đền bù và cần phải tự sửa để đừng gây thêm thiệt hại cho mình và người. Nếu nguyên nhân từ phía bên ngoài thì chúng ta lại càng phải trầm tĩnh, sáng suốt và nhẫn nại hơn để tìm hiểu lý do có sự hiểu lầm. Nhẫn nại, trầm tĩnh, sáng suốt và khoan dung là phong thái được các bậc Thánh hiền từ cổ chí kim áp dụng hữu hiệu nhất để tự chủ, để vượt qua mọi trở lực trên đường đời. Và cũng lắm khi chính nhờ những đức tính nầy mà các ngài đã cảm hóa được những kẻ thù nghịch nguy hiểm nhất.

Khi bị tổn thương chúng ta thường phản ứng thù nghịch do quá tự ái, tự vệ mà quên rằng biết đâu chính kẻ gây tổn hại cũng có hoàn cảnh đáng được thương yêu và thông cảm. Hoàn cảnh, trình độ nhận thức, lòng tham lam, ích kỷ, nóng giận hoặc chỉ là một chút danh dự, một chút hiểu lầm mà người kia không làm chủ được mình và đã không ngần ngại gây thương tổn cho ta. Thực ra, chính chúng ta lắm lúc thiếu sáng suốt tự chủ cũng đã từng hành động như vậy, thế mà ít khi chúng ta thấy được lỗi mình, chỉ lo tìm lỗi đối phương.

Trong Pháp cú kinh Đức Phật dạy rằng:

"Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên xem họ đã làm gì hay không làm gì. Chỉ nên nhìn lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì".

Vì không mấy ai đạt được toàn chân toàn thiện, nên bất cứ người nào cũng có thể phạm lỗi lầm dù vô tình hay cố ý. Nếu quả thật "Nhân vô thập toàn"thì liệu chúng ta đã là người hoàn toàn không có lỗi lầm chưa? Và như thế tại sao chúng ta không cố gắng sửa đổi lỗi lầm của mình mà lại chỉ trích kẻ khác?

Nếu mọi người đều biết tự tu, tự sửa, tự nhận trách nhiệm về mọi hành động của mình chứ không quy trách cho kẻ khác thì thế giới trở nên thái bình, an lạc, không có loạn ly, tranh chấp, không có đố kỵ, oán thù.

Nhưng, như Đức Phật đã dạy: "Nhìn lỗi người thì dễ, song quả thật khó mà thấy được lỗi lầm của chính mình"nên người ta thường chê trách, phê phán kẻ khác hơn là tự phản tỉnh để kiểm điểm chính mình. Thực ra đó là một hình thức trốn tránh trách nhiệm. Tại sao chúng ta không can đảm nhận lỗi lầm và chịu trách nhiệm về những kết quả của lỗi lầm đó.

Lắm khi chúng ta gặp phải một số người tìm cách lợi dụng lòng khoan dung và đức kiên nhẫn của ta và cũng lắm khi thái độ nhường nhịn có thể bị xem là hèn nhát. Chúng ta không nên vì thế mà nản lòng hay khó chịu vì nếu lương tâm chúng ta quang minh, thái độ chúng ta chính trực thì ắt phải được các bậc thiện trí thức ca ngợi. Thực ra, chính kẻ hiếu thắng mới yếu hèn, còn người biết nhường nhịn luôn có một tâm hồn vững mạnh. Quan trọng là hành động đúng chứ không phải là những lời khen chê đàm tiếu.Vả lại Đức Phật dạy rằng: "Không bao giờ có một kẻ hoàn toàn được khen hay hoàn toàn bị chê, dù trong quá khứ, hiện tại hay mãi mãi về sau".Và Ngài dạy tiếp: "Như ngọn núi đá kiên cố không bị gió lay, những lời tán dương hay phỉ báng không lay động được bậc đại trí".

Chúng ta không dám so sánh với các bậc Thánh hiền, nhưng nếu chúng ta luôn cố gắng sống nhẫn nại, trầm tĩnh, sáng suốt thì cũng có thể tự thắng mình và vượt qua được những đối nghịch trong đời. Nếu có kẻ đối nghịch gây rối chúng ta, thì đó là cơ hội để chúng ta trắc nghiệm lại khả năng trí tuệ, đạo đức, lòng kiên nhẫn và đức khiêm từ của mình có đủ sức bao dung và hóa giảihay không. Trái lại, nếu chúng ta cũng cư xử như kẻ điên rồ bằng cách tích lũy lòng oán hận, cố báo thù trả oán, thì hóa ra chúng ta tự hạ phẩm giá của mình xuống ngang hàng hay thấp kém hơn kẻ điên rồ ấy. Căn bản giáo dục và kiến thức đạo đức có ích gì khi ta không biết tùy cơ ứng xử cho hợp tình hợp lý?. Chính vì thấy kẻ khác hành động điên rồ, tội lỗi mà chúng ta không nên giẫm lên vết chân lầm lạc của họ. Đó là lý do vì sao người xưa nói: "Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh giả" (Thấy người tốt nên học theo, thấy kẻ xấu nên tự kiểm lại mình).

Hơn nữa, không có bậc thánh nào không từng lầm lỗi,và cũng không có ai lỗi lầm mãimãi, nên dù là người xấu thì chúng ta cũng nên cảm thông, thương yêu và độ lượng hay ít ra cũng nên chịu khó nhẫn nhịn để tạo cơ hội cho họ cải ác tùng thiện hơn là tìm cách cô lập hay trừ khử họ. Cải thiện người xấu cũng như một lương y chữa trị những căn bệnh dễ tái phát, cần phải nhẫn nại, khoan từ. Đức Phật đã nêu tấm gương sáng cho chúng ta khi Ngài lấy đức trầm tĩnh, nhẫn nại, khoan từ, bi mẫn, chân thật, trí tuệ v.v. để cảm hoá dạ- xoaAlāvaka,tướng cướp Angulimāla, nàngCincā, long vương Nandopanandahay Phạm thiên Bāka... Vì vậy, chúng ta nên nghĩ rằng càng nhiều nghịch cảnh càng có nhiều cơ hội thực hiện ba-la-mật trên đường tự giác, giác tha.

Giữa chúng ta nhiều người có thiện tâm, không bao giờ làm hại kẻ khác, nhưng lắm khi họ vẫn bị chỉ trích và vẫn gặp ít nhiều khó khăn trên đường đời mặc dù họ luôn luôn giúp đở kẻ khác. Vì thế họ nghĩ rằng: Nếu ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ thì tại sao ta làm lành mà lại gặp khó khăn và hành động từ thiện của ta vẫn bị người chỉ trích?

Đức Phật dạy rằng: "Khi thi ân ta không nên cầu được báo đáp", hơn nữa không phải kẻ thọ ơn nào cũng là người biết ơn và đền ơn. Không có gì cao đẹp bằng một người thi ân không mong được đền ơn đáp nghĩa. Nếu làm được như vậy chắc chắn chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn nản, thất vọng khi bị vong ơn bội nghĩa. Tuy vậy, trong một ngày nào đó, dù muốn dù không, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được kết quả xứng đáng do hành động phước thiện mà ta đã làm, đúng như lời cổ nhân đã nói: "Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; nhược hoàn bất báo thời thần vị đáo", nghĩa là nhân lành thì quả lành, nhân ác thì quả dữ, sở dĩ chưa trổ quả là chưa đúng lúc đó thôi.

Mặt khác, việc lành mà chúng ta đang làm như cây mới trồng chưa đến thời đơm hoa kết trái, còn những điều bất hạnh mà chúng ta gánh chịu hiện nay lại là kết quả của những nhân bất thiện nào đó mà ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu biết nghiệp quá khứ đang trổ quả xấu trong hiện tại thì chúng ta nên can đảm và bình tĩnh mà nhận lãnh trách nhiệm của mình. Thái độ chánh trực đó hoá giải được lực đối kháng khiến chúng ta không chịu đựng một cách căng thẳng và làm giảm nhẹ áp lực của phiền não khổ đau. Đồng thời cũng không tạo thêm nhân bất thiện nào khác cho hậu quả tương lai. Nhờ hiểu biết như vậy chúng ta có thể dễ dàng vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục con đường phước thiện.

Đức Phật dạy: "Hạnh phúc thay chúng ta sống không thù hận giữa những người thù hận, giữa những người thù hận chúng ta sống không thù hận. Hạnh phúc thay ta sống tinh cần giữa những người nhu nhược, giữa những người nhu nhược ta sống tinh cần".Trong thực tế đời thường, không ai hoàn toàn thoát khỏi lo âu phiền muộn, trừ phi chúng ta trở thành bậc toàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấu hiểu được bản chất của cuộc sống, không bất mãn phàn nàn, không lo âu sợ hãi mà can đảm nhận lãnh hậu quả của hành động mình thì đau khổ không những không còn làm cho chúng ta sa đọa, mà còn giúp chúng ta vươn đến một đời sống chân - mỹ - thiện.

Gặp nguy khó mà vẫn giữ được trầm tĩnh, sáng suốt. Giải quyết mọi vấn đề mà không tỏ ra bối rối lo âu. Khi sai lầm sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm thì mới thật là phong độ của bậc hiền trí.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]