Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Cúng dường cao thượng

17/12/201115:19(Xem: 7034)
08. Cúng dường cao thượng

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

CÚNG DƯỜNG CAO THƯỢNG

Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là trong tám muôn bốn ngàn giáo pháp của Đức Phật gồm trong Tam Tạng Kinh, Luật, và Vi Diệu Pháp không thấy đề cập đến những hình thức lễ bái, thờ phụng, cúng kính (hiểu theo nghĩa thông thường). Do đó mỗi quốc độ có một lối lễ bái cúng dường riêng. Các hình thức lễ bái này phản ảnh phong tục tập quán của từng địa phương. Cách thiết trí bàn thờ Phật, cách hành lễ, cách tụng kinh, những lễ cụ để điều hòa tiếng kinh câu kệ mỗi nơi một khác. Âm nhạc của quốc gia cũng ảnh hưởng đến lễ nghi thờ lạy ở chùa chiền. Bởi lẽ kinh điển không ấn định một hình thức lễ bái nào nên nhiều nơi, vì ảnh hưởng của các tôn giáo khác, của tục lệ cổ truyền, những nghi thức mang đầy tính cách dị đoan mê tín được thu nhập khiến người bàng quan dễ có một nhận định sai lầm về đạo Phật.

Hiện nay vẫn còn những lối cúng bái, tế lễ mà một số tôn giáo ngày xưa thường dùng đến, những nghi lễ ấy Đức Phật và hàng thánh nhân không chấp nhận. Ở Việt Nam trước kia và mãi đến ngày này, một vài địa phương vẫn còn giữ tục đốt vàng mã ở chùa. Nhiều người đến chùa lễ bái để cầu Phật ban phúc, cầu buôn may bán đắt, cầu sinh quí tử, cầu được mạnh khỏe v.v. Nhưng dầu sao những lối tế lễ cúng bái mang đậm tính nhân gian ấy, những hình thức cúng lễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong tục tạp quán lỗi thời, không thể một sớm một chiều sửa đổi được. Chỉ mong sao những lễ nghi ấy không dẫn đến mê tín dị đoan khiến cho những người thiếu chánh tín bám víu, nô lệ vào những hình thức đó mà sinh ra tham lam, cố chấp, xao lãng con đường giác ngộ giải thoát.

Đức Phật chê trách những lối cúng bái nặng hình thức ấy. Vậy chúng ta phải cúng dường cách nào mới gọi là cúng dường cao thượng?

Trong Kinh Mahāparinibbāna, Dīgha Nikāyanói về những ngày cuối cùng của Đức Phật, có chép lại rằng:

Một bữa nọ Đức Phật đến gần thành Kusinàrà, vào ngụ trong rừng Sàlà của đức vua Malla. Khi đến nơi Ngài nói với Đại Đức Ānanda:

- Này Ānanda, Như Lai mệt mỏi muốn nằm nghỉ, hãy trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu xây về hướng bắc, giữa hai cây long thọ (Sālā).

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Đại Đức Ānandanghe theo lời Đức Phật, trải chỗ nằm đầu hướng về phía bắc, giữa hai cây long thọ. Rồi Đức Thế Tôn nằm xuống, nghiêng mình về bên phải, dáng nằm như con sư tử, chân trái gác trên chân phải, giữ chánh niệm và hoàn toàn giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, mặc dù trái mùa, hai cây Sālā vẫn trổ hoa, hoa nở tràn đầy từ thân đến ngọn. Hoa rơi vãi trên thân Đức Thế Tôn để cúng dường. Hoa Mạn Thù (Mandarava) từ trên không nhẹ nhàng rơi xuống, rồi tung lên gieo vãi trên thân Như Lai, nhạc trời vang lừng, những bản thiên nhạc từ hư không trổi lên để cúng dường Như Lai.

"Thế nhưng, này Ānandakhông phải như vậy là tôn kính, sùng bái, cúng dường, làm vẻ vang Như Lai đâu. Nầy Ānanda, bất luận Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, thiện nam hay tín nữ nào thực hành đúng chánh pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao, ấy là người tôn kính, sùng bái, cúng dường và làm vẻ vang Như Lai bằng cách cao thượng. Thế nên, này Ānanda, phải gắng công tu tập, thực hành theo chánh pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao".

Cao quý thay! Tốt đẹp thay! Lời giáo huấn vàng ngọc cuối cùng của Đức Phật. Cho đến giờ phút chót, Ngài vẫn còn tìm dịp nhắc nhở chúng Tăng:

"Sau khi Như Lai tịch diệt, các con hãy lấy giới luật làm thầy. Thực hiện đúng đắn những lời giáo huấn của Như Lai. Đó là cách cúng dường Như Lai cao thượng nhất".

Vì vậy, khi thắp hương cúng dường Tam Bảo, không phải chúng ta dâng cúng đến chư Phật mùi thơm của hương trầm, hương hoa, mà bằng hương thơm của giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.Bởi vì không có hương nào thơm bằng năm loại hương cao quí ấy. Chúng ta hãy dùng mùi thơm của giới, định, tuệ để kết thành tâm hương tỏa khắp mười phương cúng dường chư Phật. Nhưng làm thế nào để có được những thứ hương tinh khiết ấy?

Muốn có được hương thơm tinh khiết ấy để cúng dường chư Phật, muốn có mùi thơm cao quý ấy để làm phương tiện giác ngộ giải thoát hãy thực hành theo chánh pháp mà Đức Phật đã dạy.

Giáo pháp của Đức Phật rất nhiều nhưng tựu trung không ngoài công việc tu trì giới, định, tuệ để tận diệt tham, sân, si. Đức Phật đã tóm tắt giáo pháp của Ngài bằng bốn câu kệ sau đây:

Sabba pāpassa akarana
Kusalassa upasampadā
Sacitta pariyodapana

Eta
ṁ Buddhāna Sāsanaṁ. (Dhammapādā 183)

Không làm các điều ác
Hãy làm những hạnh lành.
Giữ tâm hồn trong sạch
Là lời chư Phật dạy.

Đây có thể xem là yếu chỉ tóm tắt của Phật giáo, một tuyên ngôn rõ ràng, giản dị, dễ thực hành, dễ thể hiện. Nếu sống đúng như vậy chính là cúng dường Đức Phật một cách cao thượng.

Tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, Đức Phật dạy một pháp hành khác nhau nhưng vẫn đi đến cùng một mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Như hàng tại gia cư sĩ, Ngài dạy thọ tam quy, trì ngũ giới, hành thập thiện, bố thí, tham thiền ... để thoát khỏi luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau, dẫn đến an lạc, thanh tịnh. Thập thiện là:

- Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
- Khẩu không nói dối, không chia rẽ, không nói vô ích, không nói hung ác.
- Ý không tham lam, không sân hận, không tà kiến.

Thực hiện những điều đó là cúng dường Đức Phật bằng cách cao thượng.

Giới là bước đầu của Phật tử. Giới năng sinh định, định năng sinh tuệ. Giới trong sạch mới có định và định vững vàng mới có tuệ. "Ngũ giới bất trì nhơn thiên lộ triệt".Nên không có giới thì tái sanh làm trời, làm người còn khó huống chi là giác ngộ giải thoát.

Giới là nền tảng căn bản. Giới nhằm cải thiện lời nói và hành động, mở đường cho sự chuyển hoá tinh thần. Nhưng muốn thanh lọc nội tâm phải có định và tuệ. Nghĩa là phải hành thiền. Vì chỉ có thiền mới có khả năng chấm dứt phiền não, khổ đau. Có hai loại thiền:

Thiền chỉhay thiền vắng lặng, phát triển định tâm, giúp tâm an trú vắng lặng khắc chế được năm chướng ngại tinh thần: tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên(dã dượi, buồn ngủ), trạo hối (dao động, hối tiếc) và hoài nghi. Thiền quánhay thiền minh sát, phát huy trí tuệ, bứng tận gốc rễ năm chướng ngại, trực giác chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn hữu, đạt cứu cánh giải thoát.

Thực hành giới, định, tuệđể giải thoát là làm đúng theo lời Phật dạy, là cúng dường Chư Phật một cách cao thượng.

Tóm lại, cách cúng dường cao thượng, quý báu hơn mọi cách cúng dường là thực hành giáo pháp mà Đức Phật đã giác ngộ và bi mẫn khai thị cho chúng ta. Tuy thế những hình thức lễ bái không phải là không cần thiết, nó là cơ hội để phát khởi thiện tâm từ trong tiềm thức của con người, là thói quen để con người làm việc thiện, là những giây phút hạnh phúc, là cơ hội để thân, khẩu, ý xa dần với ngũ dục, là dip để cõi lòng mở rộng đón nhận ánh sáng chân lý. Bởi vậy trong những khi Phật tử đến chùa lễ bái, các vị có trách nhiệm hướng dẫn tinh thần cho Phật tử cần nhân dịp này nhắc nhở thiện nam tín nữ làm lành, lánh dữ, bố thí, trì giới, tham thiền... Có như thế việc đến chùa lễ bái của họ mới đem lại nhiều lợi ích cho kiếp hiện tại lẫn vị lai. Những hình thức lễ bái cúng dường thông thường nếu được hỗ trợ bằng cách thực hành chánh pháp, thì con đường đến nơi an ổn thanh tịnh không xa mấy:

"Thực hành giáo pháp Như Lai đã chỉ bày chính là cúng dường Như Lai một cách cao thượng nhất".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]