Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Phật Giáo có phải là tôn giáo không?

17/12/201115:19(Xem: 8659)
03. Phật Giáo có phải là tôn giáo không?

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO KHÔNG?

Tôn giáo là gì?Khi nghiên cứu lịch sử tôn giáo, chúng ta tìm thấy nhiều giải đáp cho câu hỏi này. Vậy đâu là giải đáp thoả đáng nhất. Những giải đáp ấy có thích ứng với đạo Phật không? Chúng ta hãy tìm hiểu một vài định nghĩa thông dụng nhất.

*Một định nghĩa nói rằng tôn giáo là hệ thống các tín điều.Định nghĩa này rất đúng đối với nhiều tôn giáo trên thế giới, nhưng không phù hợp với đạo Phật vì những lý do sau đây:

1- Tín điềuchỉ là những ngôn ngữ qui ướcđược chế địnhmột cách tương đối tùy thuộc vào không gian, thời gian, trình độ văn hóa, và niềm tin của một số người. Ngôn từ tự nó mang đặc tính hạn hữu làm giới hạn chân lý. Chân lý không bao giờ được chứa đựng một cách trọn vẹn trong ngôn từ. Ngôn từ có thể là phương tiện để truyền đạt chân lý, nhưng không phải là phương tiện hoàn hảo. Phật giáo xem ngôn ngữ như ngón tay chỉ trăng, chân lý chỉ đạt được bằng trí tuệ thực chứng chứ không qua tín điều.

2- Tín điềuchỉ là những kết luậnđã trở thành khuôn sáo, khô khan, hạn hẹp, đã suy giảm tính chất sống động, uyển chuyển và trung thực của chân lý. Phật giáo không chấp nhận những kết luận khuôn sáo, vì giác ngộ có tính khám phá, sáng tạo và luôn luôn mới mẻ.

3- Khi đã tinvào một số tín điều nhất định nào đó, người ta dễ sinh ra cố chấp, bảo thủnhững giáo điều ấy, và xem thường hay gạt bỏ những tín điều của tôn giáo khác. Đây là lý do đưa đến tham vọng bắt mọi người chấp nhận tín điều của tôn giáo mình, và cũng từ đó xảy ra chiến tranh tôn giáo mà chúng ta thường thấy trong lịch sử. Mục đích của Phật giáo là phá chấp, dù chấp trước bất kỳ điều gì, kể cả Niết-bàn.

4- Tín điềulà kết quả của những nỗ lực đưa chân lý vào hình thức của các mệnh đề qui phạm thuần lý. Trái lại, Phật giáo không bao gồm một hệ thống mệnh đề thuần lý nào mà là con đường thực nghiệm chân lý của cuộc sống. Chúng ta tìm thấy lời dạy sau đây của Đức Phật trong kinh Pháp cú:

"Người nói nhiều giáo pháp nhưng không tự mình thực hành thì chẳng khác nào đếm bò cho kẻ khác. Người ấy khôngthể hưởng được quả vị thánh nhân. Người không nói được nhiều giáo pháp, nhưng tự mình sống theo pháp, từ bỏ tham lam, sân hận, si mê, có chánh kiến và trầm tĩnh không cố chấp vào thế giới khác, người ấy mới là đệ tử Như Lai".

*Một định nghĩa khác xem tôn giáo là sự mặc khải của Thượng Đế.Hầu hết các tôn giáo nhất thần đều được thiết lập trên nền tảng thiên khảitức là phương tiện giao cảm giữa Thượng Đế với con người, nhờ đó con người biết được Ngài và vạn vật do Ngài sáng tạo.

Phật giáo không tán thành thiên khải vì những lý do sau đây:

1) Thiên khảicó tính cách đặc thù vì chỉ được thực hiện đối với từng cá nhân. Và một khải thị có thể được xem là giá trị đối với người này chưa hẳn đúng với người khác. Vậy mặc khải mang sắc thái chủ quan, không mang tính phổ quát. Điều này đưa đến một sự chia rẽ trầm trọng giữa các tôn giáo tây phương. Mặc dù các tôn giáo ấy đều dựa trên căn bản mặc khải, nhưng xem ra những khải thị của họ lắm lúc mâu thuẫn lẫn nhau. Phật giáo chỉ có khai thịhiểu theo nghĩa là một người đã thấy chân lý chỉ rachân lý ấy cho người chưa thấy có thể tự mình thấy được.

2) Thiên khảiđi ngược lại với những nguyên lý căn bản như nguyên lý túc lý, nguyên lý nhân quả...Giáo sư Christmas Humphreys nói: "Trong Phật giáo, không những chúng ta không tìm thấy thiên khải, mà quan niệm này còn bị bác bỏ nữa là khác".Vì người Phật tử phải thấu hiểu vũ trụ, nhân sinh qua thể nghiệm, trí tuệ và trực giác, như thái độ của nhà khoa học, mà không cần một sự bí mật khải thị. Đơn giản là vì tri thức do khải thị chỉ là kiến thức vay mượn, không phải là tri kiến chân thực tự mình chứng nghiệm.

Thái độ của người Phật tử giống như thái độ của Tất-Đạt trong "Câu Chuyện Dòng Sông" của văn hào Hermann Hesse. Tất-Đạt nhìn nhận Đức Phật là bậc toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, lời dạy của Ngài rất hoàn hảo, nhưng chàng phải thực nghiệm bằng cách riêng của mình, con đường mà chàng trải nghiệm cuối cùng cũng không thể vượt qua lời Phật dạy và cứu cánh tối hậu của nó cũng chỉ là để đạt đến toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ như Đức Phật nhưng phải tự mình khám phá một cách sáng tạo. Cũng thế, người Phật tử không chấp nhận lời dạy của Đức Phật một cách tuyệt đối như tín điều hay mặc khải; họ xem giáo lý của Ngài như những kinh nghiệm của người đi trước và muốn đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát họ phải tự mình chứng nghiệm bằng trí tuệ và trực giác.

* Một định nghĩa nữa coi tôn giáo là những lễ nghi cúng tế, cầu đảo. Sở dĩ có định nghĩa như vậy vì một vài tôn giáo Đông Phương cũng như Âu - Mỹ tỏ ra rất chú trọng đến lễ nghi cúng tế. Những tôn giáo này tin rằng thần thánh có một quyền uy ban ơn giáng họa tuyệt đối. Họ phải tỏ lòng cung kính và phục tùng để được ban ơn phước. Mặt khác, họ tin rằng tội lỗi có thể được ân xá hay tẩy trừ nhờ cúng tế.

Đạo Phật không chú trọng đến lễ nghi cúng tế vì:

1) Những lễ nghi cúng tế nặng hình thức tín ngưỡng hơn là một tôn giáo có mục đích giáo dục để chuyển hoá tâm linh con người. Tất nhiên có những lễ nghi trang nghiêm, giản dị cần được tôn trọng và duy trì vì đó là những biểu hiện sự thành tâm, lòng cung kính của tín đồ, nhưng những hình thức cúng tế rườm rà phức tạp đều không được đạo Phật chấp nhận.

2) Nghi lễ cúng tế có thể gây nên một sự nhầm lẫn nguy hại khi xem lễ nghi quan trọng hơn chính sự tu chỉnh thân tâm, vì tin rằng tội lỗi sẽ được ân xá nhờ nghi thức tế lễ. Thật ra, tội lỗi chỉ có thể tẩy trừ bằng thiện chí cải hóa cụ thể của mỗi cá nhân, trong khi thờ cúng lại chỉ tỏ lòng thành kính đối với thần thánh hay đấng giáo chủ mà thôi.

3) Một khi đã chú trọng đến nghi lễ người ta có thể vấp phải một khó khăn là những nghi lễ dễ bị lỗi thời. Nghi lễ tuỳ thuộc vào thời đại, địa phương, và phong tục tập quán của mỗi cộng đồng, nên chỉ là những hình thức tương đối, có thể được một số người chấp nhận hay bác bỏ vì vậy không phải là chân lý phổ biến.

4) Một tôn giáo chứa đựng quá nhiều hình thức bên ngoài thì nội dung dễ bị quên lãng. Chúng ta nhìn nhận hình thức và nội dung tương quan mật thiết, nhưng khi quá phô trương hình thức thì có thể là để che giấu một nội dung trống rỗng. Thật vậy:

"Cúng tế không đem đến hiệu dụng nào, kinh cầu là những lời lặp đi lặp lại vô bổ và bùa chú không đủ sức mạnh cứu vớt được con người. Chỉ có chế ngự tham dục, trừ bỏ sân niệm và tiêu trừ si mê mới thật là thờ cúng chân thật, sự tế lễ đúng đắn.

Đọc nhiều kinh điển, cúng dường các bậc tu hành, thờ lạy thần linh, tự đày đoạ thân thể hay bất cứ một hình thức khổ hạnh nào cũng không thể làm cho người trở nên thanh tịnh, sáng suốt.

Tụng hồng danh Phật cũng chỉ hữu ích khi nào chuyên tâm nhất niệm để giữ ý trong sạch và cải thiện hành động cho phù hợp với lời Phật dạy".

Chúng ta đã thấy ba định nghĩa trên về tôn giáo không thể áp dụng được đối với Phật giáo. Vậy Đức Phật định nghĩa tôn giáo như thế nào?

Câu trả lời rất giản dị và rõ ràng: Tôn giáo là thái độ chân chính, chứ không phải bao gồm những tín điều, nghi lễ, cũng phải đạt được nhờ thiên khải.

Một người tu hành chân chính được biểu hiện qua thái độ nhận thức, hành động, nói năng đầy đạo đức và trí tuệ. Thái độ nhận thức vô cùng quan trọng, nhận thức đúng đắn (chánh kiến, chánh tư duy) là tiêu chuẩn chính xác để hành động. Đức Phật nhận thấy hành động bắt nguồn từ thái độ nhận thức. Vì vậy một thái độ nhận thức chân chính sẽ đưa đến một hành động đạo đức và ngược lại. Đó là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta muốn trở nên đạo đức phải phát triển một số thái độ chân chính và phải loại bỏ những thái độ đối nghịch. Đôi khi chúng ta căn cứ vào những quy luật đạo đức bên ngoài để đánh giá giá trị thiện ác của một hành động, nhưng giá trị hành động tự nó mang sẵn tính chất đạo đức của thái độ bên trong. Một khi thái độ nhận thức chân chính gắn liền với nhân cách con người thì điều thiện có thể thực hiện được một cách tự nhiên không phải cố gắng nữa. Đó là đạt đến chỗ chí nhân, chí thiện.

Vậy một tôn giáo có mục đích đưa con người đến chỗ toàn chân, toàn thiện phải đặt trọng tâm trong việc chuyển hoá thái độ tri thức và đạo đức.

Phật ngôn đầu tiên trong kinh Dhammapadađã chứng tỏ cho chúng ta tầm quan trọng của thái độ tâm lý đối với đời sống của mỗi cá nhân: "Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm nói năng hay hành động thì sự khổ theo liền như bánh xe lăn theo chân con bò kéo... Nếu nói năng hay hành động với tâm trong lành thì hạnh phúc sẽ theo liền như bóng theo hình".

Như vậy, sự hiện diện của chúng ta là kết quả của những gì ta tư tưởng. Nó được xây dựng trên tư tưởng và kết tinh bằng tư tưởng. Người nói hay làm với tư tưởng sai lầm thì hậu quả chắc chắn sẽ là khổ đau. Nhưng nếu nói hay làm với tư tưởng chân chính thì hậu quả chắc chắn sẽ là hạnh phúc.

Tư tưởng sai lầm và tư tưởng chân chính là hai thái độ tâm lý đối nghịch nhau, mỗi thái độ đem lại một kết quả khác biệt. Mỗi thái độ tâm lý gọi là sai lầm hay bất thiện khi nó mang bản chất tham, sân si... Trái lại thái độ chân chính hay thiện khi nó không bị ba trạng thái tâm lý ấy chi phối.

Vậy muốn chuyển hoá thái độ sai lầm sang chân chính phải diệt trừ ba nhân bất thiện tham, sân, si và những yếu tố liên hệ với chúng.

Sau đây là một vài thái độ tâm lý căn bản được Đức Phật khuyến khích chúng ta nên phát triển.

1) Tín (Saddhā):

Đức tin có hai khía cạnh: Một là tin tưởng nơi Tam Bảo, nơi luật nhân quả, nghiệp báo... Hai là tự tin ở khả năng giác ngộ của mình. Như người muốn tìm đến một nơi nào đó nhưng chưa biết đường cần phải có một người hướng đạo kinh nghiệm, đáng tin, biết rõ nơi người ấy muốn tìm, người ấy phải tin tưởng lời chỉ dẫn cặn kẽ và hợp lý của nhà hướng đạo, phải học hỏi những người đi trước đã đến đích và phải tự tin là mình có đủ khả năng thực hiện chuyến đi. Cũng vậy, muốn giác ngộ giải thoát chúng ta phải tin Phật là bậc thầy hướng đạo có thể chỉ đường cho chúng ta đến cứu cánh niết-bàn. Tin Phậtcũng chính là tin vào đức tính sáng suốtcủa tâm mình. Tin Pháplà tin nơi chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ và chỉ bày. Tin Pháp cũng có nghĩa là tin rằng chúng ta có đủ định tĩnhđể thể nhập chân lý. Tin Tănglà tin những bậc tu hành theo chánh pháp đã được trong lành thanh tịnh. Tin Tăng cũng chính là tự tin nơi khả năng có thể đạt đến toàn thiện, toàn mỹ.

2) Tàm và quý (Hiri-ottappa):

Tàmlà thái độ tâm lý của một người biếthổ thẹn điều ác. Quýlà biết ghê sợ tội lỗi. Hai thái độ này liên kết với nhau tạo nên một bức thành trì vững chắc ngăn chúng ta với điều ác. Một mặt nhờ có tàmchúng ta biết hổ thẹn với lương tâm khi sắp làm một điều ác, lương tâm cảnh báo không cho nhúng tay vào tội lỗi. Mặt khác nhờ có quýchúng ta biết sợ hãi khi phác họa ra trước mắt hậu quả những tai hại do việc ác gây ra cho mình và cho kẻ khác. Ví dụ, một nguời sắp sát nhân, nhưng lương tâm anh ta không cho phép anh làm việc đó (tàm), đồng thời cảnh tượng nạn nhân đau đớn quằn quại trên vũng máu, cảnh nheo nhóc, bi thảm của vợ con nạn nhân v.v. và cảnh tù tội của chính anh hiện ra trước mắt khiến anh dừng tay không dám giết người nữa (quý).

Như vậy tàm (hổ thẹn)quý (ghê sợ)là hai thái độ tâm lý cần thiết ngăn chúng ta không làm điều ác, hoặc đã làm thì không dám tái phạm.

3) Chánh niệm - Tỉnh giác(Sati-sampajanna):

Chánh niệmlà không quên mình, không quên chú tâm trên thực tại. Người thất niệm, vọng niệm hay phóng tâm,ngược lại, luôn hướng tâm ra bên ngoài nên thường bị dính mắc nơi ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối, kết quả là tâm bị dao động, tán loạn và bất an. Chánh niệm giúp chúng ta trầm tĩnh và an nhiên tự tại.

Tỉnh giácsáng suốt thấy rõ, biết rõ thực tạiđang diễn tiến trong thân tâm cũng như ngoại giới một cách trung thực và trực tiếp, không qua bất kỳ một lăng kính nào của tư tưởng, quan niệm hay tư kiến, tư dục, vì vậy một khi đã có tỉnh giác thì chúng ta sẽ không hành động hồ đồ, chủ quan hoặc vô thức.

Một người quá sân hận có thể sát hại đối thủ một cách hoàn toàn mù quáng. Đến khi nguôi giận anh ta mới biết mình đã hành động điên rồ. Sở dĩ như vậy vì hành vi của anh bị thúc giục bởi sân hận (một loại xung động cảm tính) chứ không được nhận thức rõ ràng bằng tỉnh giác, nghĩa là anh ta không kịp thời kiểm sát hành động của mình bằng một thái độ tự tri sáng suốt.

Tỉnh giácthường đi đôi với chánh niệm(sammā sati) tạo thành năng lực (bala)tuệ giác(nāna dassana)trong pháp hành thiền tuệ vipassanā, có khả năng tuệ trithực tánh pháp và diệt tận vô minh ái dục, phiền não khổ đau.

4) Tâm vô luợng (Appamannà):

Con người sở dĩ gây nên tội ác là do tính hẹp hòi, vị kỷ, chấp ngã, khinh mạn... vì vậy muốn hướng thiện, đừng để lòng mình bị giới hạn trong lớp vỏ bản ngã, phải để cho tâm hồn phóng đạt, rộng rãi, bao trùm cả vạn vật chúng sinh.

Tâm thái quảng đại vô lượngđó thường xuất hiện dưới bốn hình thức: Từ, bi, hỷ, và xả.

TỪ (METTĀ):Là lòng mong mỏi cho tất cả chúng sanh đều được an lạc, hạnh phúc. Người có tâm từ có thể chế ngự được lòng sân hận, vì vậy tâm thường mát mẻ, dịu dàng, ngọt ngào, thân thiện.

BI (KARUNĀ):Là lòng mong mỏi cho tất cả chúng sinh đều được thoát khổ và sẵn sàng xoa dịu nỗi khổ đau của họ. Người có tâm bi có thể chế ngự được tính độc ác, vì vậy họ không bao giờ muốn hại ai dù đó là kẻ đối nghịch với mình.

HỶ (MUDITĀ):Là lòng hoan hỷ trước sự thành công hay hạnh phúc của bất cứ chúng sanh nào. Người có tâm hỷ không còn ganh tị, tật đố với những người an lạc hạnh phúc hơn mình.

XẢ (UPEKKHĀ):Là lòng bình đẳng, vô tư thanh thản, quân bình không bị chi phối bởi những tình cảm yêu, ghét, mừng, giận. Người có tâm xả không có thành kiến cố chấp hay thiên vị đối với mọi loài.

Chúng ta không thể làm việc thiện nếu không có những tâm thái từ, bi, hỷ, xả. Vì bao lâu tâm vô lượng chưa có thì ta còn bị những tình cảm sân, hận, đố kỵ, tham dục chi phối, mà những tình cảm này là mầm móng của tội lỗi.

5) Chánh kiến (Sammāditthi):

Chánh kiến là nhận thức dựa trên thấy biếttrung thựcbản chất của vạn pháp ngay nơi cuộc sống nầy. Đó là thái độ lý tính cần thiết làm nền tảng chuẩn xác cho tư tưởng và hành động đúng đắn. Chánh kiến được biểu hiện qua trí tuệ quán chiếu(vipassanā nāna), hay tri kiến thanh tịnh(nānadassanavisuddhi)trên đối tượng thực tánh pháp.

Đức Phật dạy rằng, hai nhận thức sai lầm về vũ trụ và nhân sinh có thể dẫn con người đi vào đường tội lỗi, đó là thường kiếnđoạn kiến.Hai quan điểm nầy phát xuất từ những phán đoán dựa trên niềm tin tôn giáo hay biện luận triết học hơn là thấy biết trung thực nên Đức Phật gọi đó là tà kiến.

Nếu tin rằng bản ngã và thế giới vẫn còn tồn tại bất biếnsau khi chếtthì con người không cần phải chuyển hoá hướng thiện, vì nói đến chuyển hoá là nói đến đổi thay mà bản ngã và thế giới đã bất biến thì làm thế nào chuyển hoá được. Vì vậy thường kiến là thái độ nhận thức làm cản trở bước tiến hoá đến chỗ chí thiện của con người.

Trái lại, nếu cho rằng bản ngã và thế giới hoàn toàn huỷ diệt sau khi chếtthì người ta sẽ hành động tuỳ tiện bất chấp nhân quả, tội phước. Người ta sẽ chỉ nhắm vào cái lợi trước mắt, chỉ hưởng thụ hiện tại, mà không cần biết đến hậu quả lâu dài. Điều nầy chắc chắn đưa đến một xã hội hỗn loạn, và con người sẽ rơi vào vực thẳm tội lỗi.

Để có chánh kiến hay nhận thức đúng đắn chúng ta cần phải có tri kiến trung thực nhờ biết lắng nghe, quan sát, chiêm nghiệm trực tiếp thực chất của ngã và pháp, của Bốn Sự Thật Vi Diệu, của nhân quả nghiệp báo, của thiện ác, phước tội... Vì hành động của mỗi người đúng hay sai tuỳ thuộc tri kiến của người ấy có chính xác hay không.

*

Tóm lại, Phật giáo không phải là một tôn giáo nặng tính tín ngưỡng, mục đích của Phật giáo là chỉ cho mọi người biết khám phá chân lý đã có sẵn nơi mỗi người hầu họ có thể tự mình giác ngộ giải thoát ra khỏi vô minh ái dục, phiền não khổ đau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]