Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên Thứ Mười Bốn: Hai Vị Ðại Ðệ Tử Nhập Niết Bàn

10/11/201115:49(Xem: 7158)
Thiên Thứ Mười Bốn: Hai Vị Ðại Ðệ Tử Nhập Niết Bàn

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ MƯỜI BỐN

HAI VỊ ĐẠI ĐỆ TỬ NHẬP NIẾT BÀN

-ooOoo-

Hạ thứ bốn mươi lăm đức Thế Tôn nhập hạ tại làng Veluvagàma, sau khi ra hạ đức Thế Tôn gọi Đại Đức Xá Lợi Phất dạy: Nầy Xá Lợi Phất, không còn bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn, vậy chúng ta nên đến thành Thất La Phiệt.

- Thiện thay, lành thay!

Khi ấy đức Thế Tôn cùng chư Tăng về thành Thất La Phiệt. Khi đến nơi, Ngài Đại Đức đảnh lễ đức Thế Tôn liền dẫn đệ tử về chùa Divàvihàra. Khi các đệ tử lo sửa soạn chỗ Ngài (Xá Lợi Phất) xong, Ngài liền vào tư thất tham thiền. Khi xả đại định Ngài mới nghĩ: Theo thường lệ của chư Phật lúc quá khứ, đức Chánh đẳng Chánh giác nhập diệt trước hai vị đại đệ tử, hay hai vị đại đệ tử nhập diệt trước chư Phật. Ngài biết rõ rằng: Lẽ thường thì hai đại đệ tử phải nhập diệt trước đức Thế Tôn.

Ngài liền dùng trí tuệ xem coi tuổi thọ của Ngài còn được bao lâu. Ngài thấy rằng: Tuổi thọ của Ngài chỉ còn bảy ngày nữa thôi. Ngài mới nghĩ: Ta phải nhập diệt nơi nào? Đại Đức A Nhã Kiều Trần Như nhập diệt ở tại ao Chaddanta nơi rừng Tuyết Lãnh, còn ông Ra Hầu La nhập diệt ở cõi trời Đạo Lợi, vậy còn ta phải nhập diệt nơi nào? Ngài liền nhớ đến thân mẫu Ngài: Mẹ ta là người sanh ra bảy vị A-la-hán mà đến nay cũng chưa phát tâm tín thành nơi Tam bảo, vậy mẹ ta không có duyên lành để giải thoát chăng? Ngài dùng trí tuệ quan sát thấy mẹ Ngài có duyên đắc Tu-đà-hườn quả; và Ngài tự hỏi: Vậy mẹ ta đắc quả ấy bằng cách nào? Phải đắc quả chung với hàng đại chúng chăng? Ngài thấy rõ mẹ Ngài có duyên với Ngài, nghĩa là phải nghe thời pháp sau cùng của Ngài mà đắc quả. Ngài liền nghĩ rằng: Nếu ta cứ lo hạnh tri túc không về gia đình thì không thể nào độ mẹ ta được. Về sau nầy sẽ có nhiều người chỉ trích ta rằng: Đại Đức Xá Lợi Phất là vị đại đệ tử tay phải của đức Thế Tôn độ rất nhiều tín đồ được các đạo quả Niết bàn và sanh về Thiên cung vô số kể mà Ngài không độ được mẹ Ngài. Kể từ khi ta thuyết thời pháp Cittasutta độ chúng sanh rất nhiều có chư thiên đắc đến A na hàm quả, hạng ít căn cơ nhứt là được sanh về cõi trời. Tại sao ta lại không cứu độ thân mẫu ta thoát khỏi vòng tà kiến? Vậy ta phải gở cái lưới tà kiến ấy cho mẹ ta, rồi ta sẽ nhập diệt nơi phòng khi mẹ ta vừa sanh ta. Ta phải đến xin phép đức Thế Tôn để ta nhập diệt.

Ngài liền gọi Đại Đức Chunda là em Ngài đến dạy rằng: Nầy sư đệ Chunda chúng ta phải về quê thăm mẫu thân. Sư đệ hãy cho năm trăm vị Tỳ khưu biết rằng: Ta về làng Nàlandagàma .

Đại Đức Chunda vâng lời tuyên ngôn cho chư Tăng biết chuyện ấy, để các Ngài chuẩn bị ra đi với Ngài Đại Đức Xá Lợi Phất.

Đại Đức Xá Lợi Phất đến đảnh lễ đức Thế Tôn và nói câu kệ:

CHINNO DÀNI VISSÀSO v.v...

Nghĩa: Bạch hóa đức Thế Tôn, sự hầu hạ của đệ tử đối với Ngài sẽ dứt lìa kể từ ngày hôm nay, đây là lần đảnh lễ cuối cùng của đệ tử đối với Ngài, đệ tử chắc chắn không còn dịp trở lại đảnh lễ Ngài nữa. Đời sống của đệ tử còn chỉ có bảy ngày nữa thôi. Đệ tử sẽ bỏ thân ngũ uẩn nầy, ví như người để được gánh nặng trong đường xa xuống. Xin đức Thế Tôn từ bi cho phép đệ tử xin từ giã Ngài nhập Niết bàn.

Khi đức Thế Tôn nghe vậy mới nghĩ: Lẽ cố nhiên của vị Chánh đẳng Chánh giác không nên nói rằng: Ngươi hãy nhập diệt đi, mà cũng không thể nói rằng: Ngươi hãy khoan nhập Niết bàn, nếu nói như vậy là còn khen hay thích thú sự luân hồi. Bọn tà kiến sẽ nhân cơ hội ấy mà chỉ trích. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy: Nầy Xá Lợi Phất, ngươi đi nhập diệt nơi nào?

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử sẽ nhập diệt tại nơi phòng sanh đệ tử ở nơi làng Nàlandagàma .

- Xá Lợi Phất, khi ngươi thấy thời giờ đã đến với ngươi, thì ngươi hãy tùy thời mà hành sự. Tất cả các sư đệ của ngươi chỉ còn gặp vị sư huynh như ngươi lần chót. Vậy ngươi nên thuyết pháp cho các sư đệ ngươi nghe rồi sẽ nhập diệt.

Đại Đức Xá Lợi Phất liền rõ ý định của đức Thế Tôn rằng: Đức Thế Tôn muốn ta dùng thần thông rồi thuyết pháp sau, Ngài liền bay lên không trung độ cao bằng một cây thốt nốt rồi đáp xuống chỗ cũ đảnh lễ đức Thế Tôn một lạy, rồi Ngài lại bay lên cao hơn lần trước một cây thốt nốt kế lại đáp xuống đảnh lễ đức Thế Tôn, bay như vậy bảy lần mỗi lần cao thêm hơn một cây thốt nốt nghĩa là cao bảy cây thốt nốt. Khi ấy Ngài mới ngồi trên cỏ ấy thuyết pháp cho chư Tăng có cả tín đồ thành Thất La Phiệt đều nghe. Chư Tăng và tín đồ đắc đạo quả rất nhiều. Thuyết xong Ngài đảnh lễ đức Thế Tôn lạy thứ tám và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử đã vâng lời thực hành theo lời Ngài lần chót.

Đức Phật nghĩ: Như Lai phải đưa Xá Lợi Phất một đoạn đường. Ngài liền đứng dậy đưa Đại Đức ra khỏi tư thất, đến trước tư thất Đại Đức liền đảnh lễ đức Thế Tôn bằng cách đi quanh Ngài mỗi hướng lạy một lạy, rồi bạch rằng: Lúc quá khứ đệ tử có đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn có hồng danh là Anomadassì đến nay là một A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp và có phát nguyện để gặp đức Chánh đẳng Chánh giác và là đại đệ tử Phật, hôm nay lời nguyện của đệ tử đã viên mãn. Kể từ khi đệ tử được gặp đức Thế Tôn khi mới thành đạo mà hôm nay là lần yết kiến cuối cùng, đệ tử không bao giờ trở lại gặp đức Thế Tôn nữa. Nói xong, Ngài liền đảnh lễ đức Thế Tôn xong đi lui ra cho đến khi khuất bóng đức Thế Tôn mới lạy thêm một lạy nữa và nói: Kể từ đây ra không còn sanh lại trong cảnh giới nào nữa, sự sanh tử luân hồi không còn làm gì ta được nữa. Khi ấy Ngài mới day mặt lại đi thẳng ra ngoài chùa.

Đức Thế Tôn dạy chư Tỳ khưu đang hầu Ngài rằng: Các thầy nên đi đưa đại sư huynh của các thầy một đoạn đường lần chót nầy đi. Chư Tỳ khưu vâng lời theo đưa Đại Đức ra khỏi cổng chùa.

Đại Đức mới dạy rằng: Các thầy Tỳ khưu ơi, thôi các thầy hãy ngưng lại nơi đây. Ta chỉ xin các thầy nên nhớ rằng: Không nên dễ duôi mặc dầu là trong một sát na. Sau khi dạy xong chư Tỳ khưu trở lại. Đại Đức dẫn năm trăm vị Tỳ khưu là đệ tử của Ngài đi về làng Nàlandagàma .

Những tín đồ hay biết tin Ngài sẽ nhập diệt lấy làm thương Ngài nên than khóc và đồng cùng nhau đi tiễn đưa. Có người than: Khi xưa Đại Đức thường ghé qua nơi nầy để dạy bảo chúng ta cách tu hành, hôm nay Ngài ra đi không bao giờ trở lại. Có rất nhiều người chạy theo Ngài khóc lóc thật là bi thảm.

Đại Đức phải dừng chân lại dạy rằng: Các người ơi! Ta xin các người nên nhớ không nên dễ duôi, trong các pháp hành hằng thay đổi không bền vững, đem lại đau khổ, các người hãy xem ta đây mà làm gương rán lo tu hành.

Tín đồ nghe lời dạy bảo của Ngài liền trở về. Vì sự trở ngại bởi quần chúng theo đưa đón khóc than làm cho Ngài phải thuyết pháp khuyên dạy nên ngài mất bảy ngày mới tới làng Nàlandagàma.

Khi đến cổng làng Ngài ngồi dưới cội cây Nigrodha (cây Dừng) cũng gần nhà Ngài. Khi ấy có người cháu trai của Ngài tên là Uparevatta có chuyện đi ra ngoài làng nên khi đến cổng làng gặp Ngài. Đại Đức kêu cháu lại hỏi: Uparevatta, bà ngươi có nhà không?

- Bạch Đại Đức, bà cháu có ở nhà.

- Vậy ngươi hãy về bảo bà hay ta về và sửa soạn phòng khi bà mới sanh ta cho sạch sẽ, và năm trăm chỗ nghỉ cho năm trăm vị Tỳ khưu cho xong trong ngày hôm nay.

Uparevatta vâng lời về thưa mọi việc với bà rằng: Thưa bà, Sư bá của cháu đã về đến.

- Sư bá của ngươi hiện giờ ở đâu?

- Thưa bà, Sư bá của cháu đang ở ngoài cổng làng.

- Sư bá của ngươi về một mình sao?

- Thưa bà, về với năm trăm vị Tỳ khưu.

- Cháu có biết tại sao chư Tỳ khưu lại về với bác cháu nhiều vậy không?

- Thưa bà cháu không biết, chỉ biết là phải dọn chỗ cho quí Ngài và Sư bá thôi.

Bà Sàrì nghĩ: Con ta muốn trở lại chỗ mới sanh đây chắc là vì con ta xuất gia khi còn trẻ tuổi, giờ đây chắc đã chán với sự tu hành muốn hoàn tục để hưởng an nhàn lúc tuổi già.

Rồi bà dạy người nhà phải sửa sang chỗ ở cho năm trăm vị Đại Đức gấp và chỗ của Ngài Xá Lợi Phất tự bà coi dọn dẹp trang hoàng đốt đèn sáng trưng, rồi bà gọi Uparevatta đến bảo đi thỉnh Đại Đức vào.

Đại Đức và chư Tăng vào nhà. Chư Tăng ngự nơi nhà ngoài, còn Đại Đức vào nơi phòng khi thân mẫu Ngài mới hạ sanh Ngài. Bắt đầu vừa tối thì bịnh kiết lỵ phát sanh, bình dùng đi tiêu phải thay liền liền. Bà Sàri ngồi ở cửa phòng bà gần phòng Ngài Đại Đức.

Trong khi ấy Tứ đại Thiên Vương biết rằng: Ngài Đại Đức Xá Lợi Phất sẽ nhập diệt và đang lâm trọng bịnh tại phòng sanh của Ngài nơi làng Nàlandagàma. Bốn vị đồng nghĩ: Chúng ta nên đến làm lễ Ngài lần chót. Tứ đại Thiên Vương liền hiện đến nơi phòng Ngài làm cho hào quang chiếu sáng. Tứ đại Thiên Vương đảnh lễ Ngài và vấn an.

Đại Đức hỏi: Ai đến vấn an ta đây? Ngài biết nhưng hỏi để thân mẫu Ngài được nghe và được thấy.

- Bạch Đại Đức chúng tôi là Tứ đại Thiên Vương.

- Tứ đại Thiên Vương đến có chuyện chi chăng?

- Bạch Ngài chẳng có chuyện chi hết, chúng tôi đến đây để vấn an Ngài, và để cầu Ngài sai khiến.

- Thiện thay, ta đã có người hầu giúp đỡ rồi, không phiền đến quí vị. Vậy quí vị hãy trở về ngôi vị đi.

Tứ đại Thiên Vương vấn an xong liền trở về ngôi vị.

Khi Tứ đại Thiên Vương vừa đi xong có Thiên Vương Đế Thích là vị Thiên Vương cõi trời Đạo Lợi đến vấn an, hào quang của Ngài còn hơn bốn vị trước. Khi Đế Thích ra về thì các vị Thiên Vương khác tiếp tục đến hầu Ngài là Thiên Vương cõi Dạ Ma, cõi Đẩu Suất, cõi Tha Hóa và cõi Tha Hóa Tự Tại đến vấn an. Đến cả vị Phạm Thiên cõi Đại Phạm cũng đến vấn an Ngài. Đại Đức cũng tuần tự hỏi từng vị như Ngài đã hỏi Tứ đại Thiên Vương vậy.

Chỉ có thân mẫu Ngài là bà Sàrì thấy chư Thiên lần lượt hết vị nầy đến vị khác, vị nào cũng hào quang sáng ngời rực rỡ đến vấn an Ngài Đại Đức, bà nghĩ: Vậy các vị vừa đến đây là ai? Mà cứ tiếp tục hết vị nầy đến vị khác vào nơi giường bệnh vấn an con ta, vị nào cũng hào quang chiếu ngời rực rỡ. Bà liền đến hỏi Đại Đức Chunda là vị hầu Đại Đức Xá Lợi Phất về bịnh tình của Đại Đức Xá Lợi Phất, bà có nhã ý muốn vào thăm Đại Đức. Ngài Chunda cho bà biết bịnh tình và vào bạch hỏi coi Đại Đức có bằng lòng cho bà vào hầu chăng. Đại Đức Xá Lợi Phất bằng lòng cho bà vào.

Khi vào đến nơi bà liền hỏi: Nầy con, vị mà vào vấn an con trước nhất là ai vậy? Tên gì?

- Bà thí chủ, bốn vị đến trước nhất ấy là Tứ đại Thiên Vương.

- Vậy con còn lớn hơn Tứ đại Thiên Vương sao?

- Bà đại thí chủ ơi, Tứ đại Thiên Vương ấy cũng ví như người thiện nam thường trực ở chùa. Kể từ ngày đức đại Bồ Tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu trong kiếp chót thì Tứ đại Thiên Vương phải cầm gươm đứng hầu bên long sàng hay là nơi nào mà Phật mẫu ngự, nghĩa là bốn vị ấy ví như quan Bảo giá.

- Kế đó vị nào đến vấn an con?

- Đó là vị Thiên Vương cõi trời Đạo Lợi tên là Thiên Nhãn hay cũng gọi là Đế Thích, vị ấy không khác nào vị Sa di theo hầu ôm bát hầu Phật khi Ngài từ cõi trời Đạo Lợi xuống.

- Con nầy, còn vị nào đến sau cùng hết, hào quang sáng hơn các vị trước?

- Khi đức đại Bồ Tát vừa mới sanh tại vườn Lumbini vị Phạm Thiên nầy đem lưới thần đến rước Ngài.

Bà Sàrì nghe vậy nghĩ: Chỉ là oai đức của con ta mà còn như vầy, thì oai đức của đấng Đại Từ Bi là thầy của con ta thì còn cao quí đến độ nào nữa. Bà nghĩ vậy làm cho tâm trong sạch phát sanh hỉ lạc đồng thời cũng phát sanh.

Đại Đức biết rõ lòng bà bằng tuệ giác của Ngài, Ngài biết rằng: Đây là dịp may để Ngài thuyết pháp tế độ. Ngài liền hỏi: Nầy bà đại thí chủ, bà nghĩ sao?

Bà liền trả lời một cách không do dự theo như ý nghĩ của bà.

Đại Đức nhân cơ hội ấy Ngài dạy: Bà đại thí chủ, trong khi đức Bổn Sư của bần đạo vừa sanh, khi xuất gia, lúc thành đạo đến ngày Chuyển pháp luân thì tất cả chư Thiên trong thế giới Sa bà và cả thế giới Sa bà đều rung động, nhân vật trong tam giới nầy không còn có một ai sánh bằng với Ngài, vì Ngài có Giới, Định, Huệ tuyệt đối cao thâm và trong sạch, Ngài có Giải thoát và Giải thoát Tri kiến mà người trong tam giới không ai có được. Kế đó Đại Đức giải về mười hồng danh của đức Thế Tôn từ hồng danh Ứng Cúng đến Thế Tôn.

Sau khi dứt thời pháp bà Sàrì đắc quả Tu-đà-hườn, bà liền nói: Nầy Upatissa con ơi, tại sao trước kia con không cho mẹ nếm hương vị giải thoát để đến hôm nay.

Ngài Đại Đức nghĩ: Ta đã cho mẹ ta hưởng Thánh quả. Đây tạm gọi là trả được công ơn bà sanh dưỡng ta. Ngài liền nói: Bà đại thí chủ xin bà vui lòng lui ra khỏi nơi nầy. Ngài lại gọi Đại Đức Chunda đến và hỏi rằng: Đã đến canh mấy rồi?

- Bạch sư huynh đã gần sáng rồi.

Đại Đức dạy hãy hội chư Tăng lại cho đủ. Khi chư Tăng đến đông đủ, Ngài dạy Đại Đức Chunda đỡ Ngài dậy. Khi ngồi dậy xong, Đại Đức dạy: Hỡi các vị, các vị cùng với ta sum hợp đã bốn mươi bốn hạ rồi; điều nào mà ta đã hành động do thân khẩu ý ta bất tịnh phạm vào các vị, xin quí vị vui lòng tha lỗi ấy cho ta.

Chư Đại Đức bạch: Bạch Đại Đức, chúng tôi theo hầu Đại Đức như bóng theo hình từ bấy lâu nay, Ngài không có làm một điều gì làm cho chúng tôi buồn phiền mặc dầu rất ít. Nếu chúng tôi có tội lỗi nào vì vô ý hay dễ duôi đối với Đại Đức, xin Đại Đức từ bi tha thứ.

Vừa rạng đông Đại Đức Xá Lợi Phất nhập Niết bàn. Ngài nhập Niết bàn nhằm tháng mười Âm lịch. Tất cả chư Thiên trong Sa bà thế giới và chư Phạm Thiên đều hội đến nơi Ngài nhập Niết bàn để phụ làm công quả là làm lễ hỏa táng Ngài. Cuộc lễ thật là vô cùng trọng thể.

Sau khi hỏa táng xong, Đại Đức Chunda gom lấy Xá lợi của Ngài gói bằng vải trắng mang cả y bát và Xá lợi của Ngài về chùa Kỳ Viên. Trước hết vào hầu Đại Đức Ananda xin Đại Đức Ananda đưa vào hầu Phật.

Khi ấy, đức Thế Tôn cầm lấy Xá lợi của Đại Đức Xá Lợi Phất lên ca tụng công đức của Đại Đức bằng năm trăm câu kệ ngôn. Xong Ngài liền dạy lập tháp thờ Xá lợi của Ngài Đại Đức tại Kỳ Viên tịnh xá.

Xong việc của Đại Đức Xá Lợi Phất, đức Thế Tôn dạy Đại Đức Ananda chuẩn bị đi đến Vương Xá thành. Đại Đức Ananda tuyên ngôn cho chư Tăng biết rằng: Đức Thế Tôn sắp ngự đi đến thành Vương Xá. Khi đến Vương Xá thành đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá.

Lúc ấy, Đại Đức Mục Kiền Liên đang ở một nơi thanh tịnh là Kàlasilà nơi biên thùy của xứ Ma Kiệt Đà. Bọn ngoại đạo hội nhau lại định kế giết Ngài, vì Ngài là tay trái của đức Thế Tôn, khi Ngài đến nơi nào người ngoại đạo đều sùng bái Ngài và trở nên đệ tử Phật, vì vậy nên bọn ngoại đạo mất rất nhiều nguồn lợi lớn, và cũng bởi nguyên nhân ấy mà bọn ngoại đạo căm hờn oán ghét Ngài rất nặng. Bọn chúng thuê bọn côn đồ giết Đại Đức.

Bọn côn đồ lãnh tiền liền đến nơi tư thất Ngài ở rừng sâu định giết Ngài, Ngài biết trước nên dùng thần thông đi ra theo mé tranh, lần thứ nhì cũng vậy, đến lần thứ ba Đại Đức lấy làm lạ tại sao bọn côn đồ lại cố ý giết hại Ngài, Ngài dùng trí tuệ xem thấy đó là quả kiếp trước của Ngài đã tạo, nên kiếp nầy Ngài phải trả, nên chi Ngài không lẫn tránh nữa. Bọn côn đồ ấy vào bắt Ngài đánh đến chết, và chúng biết rằng: Ngài có nhiều thần thông nên đánh Ngài xương nhừ như bột xong hốt đem bỏ rất xa. Rồi bọn chúng mới đi vì chúng tin chắc rằng: Ngài không bao giờ sống lại được.

Sau khi bọn chúng đi Ngài liền dùng thần thông gom lại những xương vụn thành ra một vị Đại Đức như thường không rách một chéo y. Rồi Ngài nghĩ rằng: Ta đã đến ngày nhập diệt rồi, vậy ta đến xin phép đức Thế Tôn để nhập Niết Bàn. Khi đến nơi đảnh lễ đức Thế Tôn xong bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đệ tử đến đây đảnh lễ Ngài và xin Ngài cho phép đệ tử nhập Niết bàn.

- Nầy Mục Kiền Liên ngươi nhập Niết bàn sao?

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử nhập Niết bàn.

- Ngươi nhập diệt nơi nào?

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử nhập diệt ở Kàlasilà .

- Nầy Mục Kiền Liên, vậy ngươi nên thuyết pháp cho Như Lai nghe lần chót. Vì Như Lai sẽ không còn gặp người đệ tử như ngươi nữa.

Đại Đức liền vâng lời, Ngài làm như Đại Đức Xá Lợi Phất. Khi Ngài thuyết pháp xong đảnh lễ đức Thế Tôn rồi trở về nơi Ngài bị đánh và nhập Niết Bàn nơi ấy.

Đức Thế Tôn ngự đến nơi ấy làm chủ tọa trong cuộc lễ hỏa táng Ngài Đại Đức, có chư Thiên trong Sa bà thế giới đến cúng dường, trong khi đang làm lễ hỏa táng có hoa thơm từ trên hư không rơi xuống như trận mưa hoa. Tín đồ biết đức Thế Tôn có ngự đến nơi ấy nên hội lại rất đông làm cuộc lễ càng thêm long trọng. Cuộc lễ ấy cử hành bảy ngày mưa hoa không ngớt trong vòng một do tuần. Xá lợi của Đại Đức Mục Kiền Liên cũng được lập tháp thờ gần cửa Kỳ Viên tịnh xá.

Chư Tỳ khưu hội nhau lại nói rằng: Vì Đại Đức Xá Lợi Phất nhập diệt nơi quá xa nên không được đức Thế Tôn dự vào và không được Ngài ban bố sự cúng dường vĩ đại như vậy. Còn Đức Mục Kiền Liên được hưởng ân huệ như vầy vì Ngài nhập diệt gần đức Thế Tôn ngự đến nên có mưa hoa lạ và chư Thiên tựu lại rất đông.

Đức Thế Tôn ngự đến hỏi biết chư Tăng đang bàn về hai vụ hỏa táng của hai vị đại đệ tử. Đức Thế Tôn mới dạy rằng: Không phải mới kiếp nầy Mục Kiền Liên được sự cúng dường do có mặt Như Lai, mà trong kiếp quá khứ cũng có được sự cúng dường trọng thể do nơi Như Lai đến dự.

Đại Đức Xá Lợi Phất nhập diệt tháng mười, Đại Đức Mục Kiền Liên nhập diệt tháng chạp. Hai vị đại đệ tử tay phải và tay trái phải nhập diệt trước Phật là lẽ thường của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Đức Thế Tôn chỉ còn lại một mình Đại Đức Ananda theo hầu thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]