Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

(a)

10/11/201115:49(Xem: 5911)
(a)

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ MƯỜI BA (a)

NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
TRUYỀN ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

-ooOoo-

Trong bốn mươi lăm năm truyền đạo đức Thế Tôn ngự cả thảy mười chín nơi. Và cũng có lắm chuyện xảy ra, nhưng trong lịch sử không ghi chép ngày tháng năm thật rõ. Nhứt là có những chuyện lạ khó đem lại trình bày đầy đủ trong phạm vi của một quyển sách nhỏ này. Nơi đây tôi (soạn giả) cố gắng sưu tầm những gì tôi có thể sưu tầm được.

Mười chín nơi của đức Thế Tôn ngự trong bốn mươi lăm hạ.

1) Hạ thứ nhứt, đức Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giã gần thành BÀRÀNASÌ độ năm vị Đại Đức Kiều Trần Như.

2) Hạ thứ nhì, thứ ba và thứ tư, ngự tại VELUNANA (Tàu dịch là Trúc Lâm tịnh xá) độ đức Bình Sa Vương và chúng sanh.

3) Hạ thứ năm, ngự tại KUTÀGÀRASÀLÀ ở rừng MAHÀVANA gần thành Vesàlì.

4) Hạ thứ sáu, ngự tại núi MAKUTA gần thành MAGADHA (Tàu âm là Ma Kiệt Đà).

5) Hạ thứ bảy, Ngài ngự tại cõi trời Đạo Lợi thuyết bộ Vi Diệu Pháp bốn muôn hai ngàn pháp môn độ Phật mẫu.

6) Hạ thứ tám, Ngài ngự tại BHESAKALAVANA tại xứ SUMÀRADÌRA.

7) Hạ thứ chín, Ngài ngự tại chùa GHOSITÀRÀMA gần thành KOSAMBI ở nơi bờ sông YAMUNA .

8) Hạ thứ mười, Ngài ngự tại rừng Parileyyaka gần thành Kosambi độ bạch tượng và khỉ. Sở dĩ mà Ngài ngự tại rừng này vì Ngài khuyên chư Tăng đừng gây nhau, nhưng chư Tăng không nghe lời Ngài.

9) Hạ thứ mười một, Ngài ngự tại làng Bà la môn tên Nàraya gần xứ Narà .

10) Hạ thứ mười hai, Ngài ngự tại cội cây Sầu Đông gần xứ Veranjarà vì ông Bà la môn tên VERANJARÀ thỉnh cầu.

11) Hạ thứ mười ba, Ngài ngự tại núi Càliya .

12) Hạ thứ mười bốn, Ngài ngự tại JETAVANAVIHÀRA (Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành SAVATTHÌ (Thất La Phiệt).

13) Hạ thứ mười lăm, Ngài ngự tại chùa NIGRODHA thành Ca Tỳ La Vệ của quyến thuộc Ngài dâng cúng.

14) Hạ thứ mười sáu, Ngài ngự tại chùa AGALAVA xứ Alavì, độ Dạ xoa ALAVAKA .

15) Hạ thứ mười bảy, ngự tại Trúc Lâm tịnh xá thành Vương Xá (Ràjagaha).

16) Hạ thứ mười tám và mười chín, Ngài ngự tại núi Càla .

17) Hạ thứ hai mươi, Ngài ngự tại Trúc Lâm tịnh xá ở thành Vương Xá.

18) Từ hạ thứ hai mươi mốt tới bốn mươi bốn, Ngài ngự tại Kỳ Viên tịnh xá thành Sàvathi (Thất La Phiệt). Trong thời gian này đức Thế Tôn đi thuyết pháp độ đời mọi nơi nhưng khi nhập hạ Ngài về ngự tại Kỳ Viên tịnh xá.

19) Hạ thứ bốn mươi lăm, Ngài ngự tại làng Veluvagàmakhetta xứ Vesàlì và nhập diệt tại thành Vesàlì .

Trước hết nơi đây tôi xin giải tám điều gọi là BUDDHAJA YAMAN GALAGATHA nghĩa là: Kệ kể lại sự cảm hóa tám nhân vật bằng tám oai đức của đức Thế Tôn. Bài kinh này Đại Đức Hộ Tông có dịch và ấn tống trong Kinh Tụng. Nhưng Ngài chỉ dịch theo lời kinh thôi, riêng tôi viết nguyên một tích. Mỗi câu kệ là mỗi chuyện tích để quí vị dễ thông hiểu. Theo lời dạy thì người nên cố tụng niệm tám câu kệ ấy sẽ được an lành trong gia đình.

THẮNG MA VƯƠNG

Nguyên văn bằng Phạn ngữ

BÀHUM SAHASSAMABHINIMMITASÀVU- DHANTAM.
GRÌMEKHALAM UDITAGHORASASENÀMÀRAM.
DÀNÀDIGHAMMAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO.
TANTEJASA BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI

Nghĩa: Đức Phật cao thượng hơn các bực trí tuệ, Ngài đã cảm thắng Ma vương, Ma vương biến ngàn cánh tay cầm khí giới, cỡi Grimekhala (Cri-mê-khá-lá) đủ cả binh ma, tiếng hét la vang rền. Nhờ phép Thập độ nhứt là phép bố thí mà đức Phật cảm thắng được Ma vương. Do nhờ Phật lực này, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

Lẽ ra tôi không viết đoạn này vào đây vì đã có viết trong lịch sử đức Thái tử Sĩ Đạt Ta, hơn nữa đoạn này còn trong khi là vị Bồ Tát dưới cội Bồ đề. Nhưng vì viết theo bài kinh gọi là Tám điều của đức Thế Tôn thắng tám nhơn vật phi thường nên tôi viết theo đây để không thiếu tám điều trong tám câu kệ.

SƠ LƯỢC CỐT TRUYỆN

Sau khi đức Bồ Tát thọ lãnh lấy cơm đề hồ của cô Sujàtà. Ngài liền đi thẳng đến con sông Neranjarà (Ni Liên Hà) tắm, khi tắm rồi vắt cơm là bốn mươi chín vắt, thọ thực xong, Ngài liền bưng mâm vàng lên phát nguyện rằng: Nếu ta đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì xin cho mâm nầy trôi ngược dòng sông, bằng không thì xin cho mâm nầy chìm ngay nơi nầy. Ngài liền để mâm xuống, lạ thay mâm liền trôi ngược dòng.

Khi Ngài thấy mâm trôi ngược dòng sông thì Ngài biết chắc rằng: Ngài sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài liền trở vào rừng, khi ấy có thầy Bà la môn tên Sotthiya dâng đến Ngài tám bó tranh, Ngài cầm lấy tám bó tranh ấy, đi thẳng đến cây Bồ Đề; trải tranh dưới cội Bồ đề, ngồi day mặt về hướng Đông, và phát nguyện rằng: Nếu thật là ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hôm nay xin cho nơi nầy hóa thành một bảo tọa cho ta ngự.

Liền khi ấy, một bảo tọa màu xanh cao mười bốn hắc tay, từ dưới đất nổi lên. Ngài liền ngự lên bảo tọa và phát nguyện rằng: Bao giờ lòng ta chưa hết thụy miên phiền não, dẩu cho thịt ta có khô, da ta có héo ta cũng không rời khỏi bảo tọa này. Khi ấy có tất cả chư Thiên, Phạm Thiên trong Sa bà thế giới đều hội nơi ấy.

Đồng thời Ma vương đi theo bên Ngài kể từ khi Ngài bỏ Hoàng cung ra đi, thâm tâm Ma vương dò xét coi đức đại Bồ Tát có khi nào mong muốn việc trần là xâm nhập đưa trở lại nẻo luân hồi, nhưng không hề thấy một lỗi lầm nào. Đến khi thấy đức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa dưới cội Bồ đề, tức giận mới nghĩ rằng: Thật Thái tử Sĩ Đạt Ta cố giải thoát ra ngoài vòng thống trị của ta, đối với chúng sanh ta sẽ mất cả uy quyền, vì Thái tử Sĩ Đạt Ta đắc thành quả. Vậy ta phải làm trở ngại đường giải thoát của Thái tử Sĩ Đạt Ta.

Khi ấy có ba người con gái của Ma vương đến nói: Phụ vương đừng bận tâm, khi mà phụ vương có những đứa con như chúng con thì khỏi nhọc lòng lo về chuyện Thái tử Sĩ Đạt Ta. Chúng con có phương pháp đưa chàng ta vào lưới. Ma vương lấy làm hài lòng nên để cho ba nàng đến trêu ghẹo đức đại Bồ Tát.

Ba cô mới bàn với nhau rằng: Phàm người đàn ông có sở thích khác nhau, có người thích cô gái thơ ngây, người thì ưa người vừa lớn tuổi, có kẻ yêu gái lỡ thời. Vậy chị em mình chia ra mỗi người hóa thành một nhóm để cám dỗ Thái tử Sĩ Đạt Ta.

Cô Tanhà (Ái Dục) lãnh sứ mạng đến trước; khi đến nơi đức đại Bồ Tát ngự, múa hát và nói: Tôi tên là Tanhà (Ái dục) vì tôi có thể trói chúng sanh được, và làm cho chúng sanh quên mình chạy theo ý định của tôi.

Đức Bồ Tát liền dạy rằng:

MULHO ÀTTHAM NA JANATI
MULHODHAMMAM NA JANATI
ANDHATAMAM TADA HOTI
YAM MOHO SAHATE NARAM
TASMA ARAHATAM NIHARISSAMÌTI

Nghĩa: Nầy cô Tanhà (Ái dục), ngươi là kẻ si mê không có trí tuệ, không hiểu pháp nào là pháp hữu ích, pháp nào là pháp đê tiện; si mê hằng dày vò chúng sanh quên mình vì Ái dục (nên luân hồi). Như ta đây đã xuất gia tu hành hầu tiêu diệt các ác pháp là Ái dục không hề để Ái dục sống được trong tâm ta. Nầy nàng Tanhà (Ái dục) vậy ngươi nên mau mau tìm đường trốn khỏi nơi nầy.

Khi đức đại Bồ Tát nói vậy cô Ái dục không thể nào ở lại được vì nóng nảy bởi oai đức của bực sắp giác ngộ. Cô lật đật lui ra.

Cô Ràga (Tham ái) liền tiến vào gần đức đại Bồ Tát múa hát trêu ghẹo Ngài.

Đức đại Bồ Tát hỏi:

- Cô tên chi?

- Tôi tên là Ràga (Tham ái) vì tôi là người có uy quyền cực cao, tôi có thể trói chúng sanh trong tam giới và bắt buộc chúng sanh phải tuân theo mạng lịnh của tôi bằng Tham ái.

Đức đại Bồ Tát liền nói:

RATTO ATTHAM NA JÀNÀTI
RATO DHAMMAM NA PASSATI
ANDHATAMAM TAMÀ HOTI
YAM RÀGAM MAHATE NARAM
AHAM RÀGAVIRÀGÀYA
VÀYAVISSÀMIHÀGOTOTI .

Nghĩa: Nầy cô Ràga (Tham ái) người nào có tâm ưa mến Tham ái; ưa thích ngũ trần, người ấy không biết làm lợi ích cũng không có trí tuệ để suy nghĩ thấy và thấu hiểu pháp. Những nguyên nhân ấy cũng do nơi lòng Tham ái mà ra. Lẽ cố nhiên Tham ái hằng làm hại chúng sanh, nhưng ta là người ly gia cắt ái làm vị Sa môn, cố gắng tinh tấn hầu diệt trừ tất cả các ác pháp ngủ ngầm trong tâm. Nầy cô Tham ái kia, cô không nên duy trì ở nơi này, nên mau mau tránh khỏi nơi đây.

Cô Tham ái không thể ở được vì bị đức đại Bồ Tát đuổi, cô lật đật ra đi.

Người con thứ ba của Ma vương là cô Arati (Tật đố) liền đến nơi Ngài múa hát với những lời hoa tình trêu ghẹo cố cám dỗ vị đại Bồ Tát.

Đức đại Bồ Tát hỏi:

- Cô là ai? Đến đây để làm gì?

- Tôi tên là Arati (Tật đố), tôi là người có uy quyền to lớn giam cầm chúng sanh trong vòng luân hồi bằng sự tức giận ganh ghét nên tôi có tên là Tật đố.

Đức đại Bồ Tát liền nói câu kệ đuổi cô đi rằng:

DUTTHO ATTHAM NA JANÀTI
DUTTHO DHAMMAM NA PASSATI
ANDHATAMAM TADÀ HOTI
YAM DOSO PAHATE NARAM
TVASI NIHATO NAYÀTI

Nghĩa: Nầy cô Tật đố, người nào còn ở dưới quyền sân hận, khi sân hận phát sanh trong tâm người ấy làm cho người ấy nóng nảy, bực bội phóng túng, và tối tăm. Người ấy không bao giờ nhận định thấy pháp đem lợi ích đến, mà cũng không nhận thấy tai hại và tội phước nữa, đây là do nơi lòng sân hận che án mất làm cho người không trông thấy ba tướng (Vô thường, khổ não, vô ngã). Thật ra sân hận là một tội lỗi vĩ đại hằng làm hại chúng sanh. Ta đã cố công bồi phước lành là thiện pháp để diệt trừ ác pháp là sân hận cho hết sạch trong tâm ta.

Nầy cô Tật đố, vậy cô hãy mau mau xa lánh nơi nầy lập tức.

Khi ba cô ra khỏi nơi đức đại Bồ Tát ngự thì ba cô trở nên những bà già xấu xí, các cô không còn hãnh diện như xưa nên trở về nơi Ma vương và khóc lóc than van.

Theo chú giải có dạy rằng: Đây không phải là có thật ba nàng nữ Ma vương nầy, nhưng đó là ba điều phiền não hằng nằm trong thâm tâm của chúng sanh, hiện ra để làm trở ngại sự giải thoát thôi.

Ma vương thấy con trở về với bộ mặt già nua đáng thương hại kia, sự tức giận càng tăng thêm lên vô số. Liền hội cả binh ma tướng quỉ đến. Những binh tướng nầy dị hình dị tướng ai trông thấy cũng kinh hồn tán đởm. Khi đến đủ Ma vương liền dẫn nhau đến cội Bồ đề để vấn tội đức đại Bồ Tát và dành lấy bảo tọa.

Khi đức đại Bồ Tát thấy Ma vương xua binh tướng mặt mày thật là hung ác đến trùng trùng điệp điệp, Ngài mới nghĩ rằng:

Khi ta từ thành Ca Tỳ La Vệ ra đi, thì có rất nhiều chư Thiên là bạn đưa ta đi và cùng ở với ta trong khi ta khổ hạnh đến lúc ta ngự lên bảo tọa nầy. Nhưng giờ đây các chư Thiên ấy đều kinh sợ oai lực của Ma vương bỏ ta ra đi nơi khác; giờ đây không ai giúp đỡ ta. Ta chỉ còn trông nhờ nơi oai đức của Ba la mật mà thôi, Ngài nghĩ vậy liền gọi ba mươi phép Ba la mật bằng câu kệ rằng:

AYANTU BHONTO
IDHA DANASÌLA
NEKKHAMMA PANNA
SAHA VIRIYA KHANTI
SACCADITTHANASAMETTUPEKKHA
YUDDHAYA VO GANHATHA AVUDHANITI.

Nghĩa: Hởi nầy các Ba la mật ơi, ta đã cố công đào tạo các người là Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Nguyện vọng, Từ và Xả. Tổng cộng là ba mươi pháp chia ra làm Ba la mật đến bờ bên có mười, Ba la mật đến bờ trên có mười và Ba la mật đến bờ cao thượng có mười. Vậy tất cả Ba la mật xin hãy đến đây cầm lấy khí cụ giúp ta đừng để Ma vương vi phạm đến ta.

Liền trong khi ấy dường như có bảy đạo binh rất dũng mãnh có nhiều thần thông hiện ra đứng giữ quanh bồ đoàn và hình như nói với Ngài rằng: Thưa đấng Đại Giác xin Ngài an lòng, có chúng tôi là người mà Ngài đã nuôi dưỡng từ vô số kiếp. Ngài hãy xem chúng tôi chống với quân ma.

Những vị tướng lãnh điều khiển những đạo binh ấy rất oai; thân hình cao lớn ấy là Tín Lực; cầm lấy gươm báu hào quang chiếu ngời là Tuệ Lực; Tấn Lực và Niệm Lực là khiên đỡ tên đạn và Định Lực là tâm không kinh sợ quân ma.

Đức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa trông thấy binh tướng của mình oai hùng mạnh mẽ thì Ngài không chút chi lo ngại oai lực của quân tướng Ma vương. Ngài ngồi Từ Bi, tham thiền như không có chuyện chi cả. Ngài coi bọn Ma vương không vào đâu.

Sự tự tại của đức đại Bồ Tát làm cho Ma vương càng căm tức xua binh đến gần quyết giết cho được Ngài, nhưng binh ma không dám léo đến gần vì bị binh tướng của Ngài chận lại.

Ma vương tận dụng tất cả tài năng và phép tắc của mình đã có, nhưng không có món phép nào làm hại đức đại Bồ Tát được, trái lại những món ấy hóa thành hoa đẹp mùi thơm bay ra rất xa để cúng dường cho vị sắp Giác Ngộ thôi. Ma vương thấy không làm chi đức đại Bồ Tát được nên đến gần đức Bồ Tát mắng nhiếc Ngài đủ điều nhưng Ngài không lấy đó mà tức giận, trái lại Ngài thương hại Ma vương như người cha thương con và nói:

- Nầy Ma vương ngươi đem hết lực lượng và thần thông của ngươi đến để đánh đuổi ta; nhưng ta không hề kinh sợ, ta có đủ Ba la mật đã đào tạo ra đã đến bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp. Những Ba la mật ấy là chiến tướng của ta, vì vậy nên ta không hề kinh sợ ngươi.

Ma vương nghe đức đại Bồ Tát nói vậy càng tức giận hơn liền lấy pháp bảo quí nhứt của mình là một cái vòng có răng rất bén và rất là lợi hại liệng ra để giết Ngài. Nhưng khi bửu vật đến gần đức đại Bồ Tát thì trở thành tràng hoa để cúng dường đức đại Bồ Tát. Ma vương tức giận, đến gần hét to lên rằng:

- Nầy Sĩ Đạt Ta! Tại sao ngươi vẫn ngồi lỳ nơi đây, sao không đi nơi khác? Bảo tọa nầy không phải của ngươi, là của ta, ngươi không có binh tướng và uy quyền tối cao như ta. Bảo tọa nầy sanh lên nơi đây là của ta không phải do nơi oai đức của ngươi.

- Nầy Ma vương, lời của ngươi nói ấy có thật hay chăng? Nếu thật vậy thì ai là người chứng của ngươi?

- Lời ấy thật như vậy, ta có quan quân binh tướng của ta làm chứng cho ta?

Khi đức đại Bồ Tát nghe Ma vương phân chứng như vậy, Ngài mới hỏi:

- Nầy ma vương, ta xin hỏi ngươi vậy bảo tọa đã có từ trước hay thế nào?

- Bảo tọa ấy không phải đã có từ trước.

- Nếu không phải có từ trước thì ngươi bảo là của người thế nào được? Sở dĩ mà có bảo tọa nầy là do nơi Ba la mật của ta đã đào tạo vun trồng. Vì vậy không bao giờ ta rời khỏi nơi nầy.

Ma vương nghe nói vậy, tức giận liền hỏi Ngài rằng:

- Nầy Sĩ Đạt Ta! Ngươi đừng khoe khoang, ta vẫn còn rất nhiều phép mầu nhiệm để đánh bại ngươi, tại sao ngươi không kinh sợ? Mà còn khoác lác như vậy.

- Nầy Ma vương, ngươi mới thật là người hung ác không có chút trí tuệ, không hiểu rõ nổi công đức của ta. Ta có ba mươi pháp Ba la mật mà ta đã đào tạo từ lâu. Ta có tướng tài quân giỏi là Tín Lực, có Trí Tuệ là khí cụ tối tân. Vì vậy nên ta không kinh sợ chi ngươi.

Ma vương liền truyền cho quân binh tràn vào đánh bắt đức đại Bồ Tát, nhưng vì oai lực của Ba la mật nên quân ma không dám đến gần.

Chư Thiên ở mọi nơi thấy vậy đồng hoan hô đức đại Bồ Tát rằng: Lành thay! Thiện thay!

Ma vương hỏi đức đại Bồ Tát rằng:

- Nầy Sĩ Đạt Ta! Ngươi bảo rằng: Bảo tọa nầy của ngươi; vậy ai làm chứng cho ngươi là của ngươi?

Khi ấy đức đại Bồ Tát nghĩ: Ta không tìm thấy bên ta đây có ai làm chứng cho ta, ta chỉ thấy có quả địa cầu nầy mới có thể làm chứng cho ta được. Ngài liền phát nguyện rằng:

- Nầy quả địa cầu, chính ta đã tạo ba mươi pháp Ba la mật từ vô số kiếp đến kiếp chót sanh làm Vesantara bố thí cả châu ngọc vợ con đó là đại thí mà hẳn không có một vị Sa môn hay Bà la môn nào thực hành nổi. Hỡi nầy địa cầu, tại sao ngươi yên lặng không làm chứng cho ta?

Quả địa cầu là vật vô tri giác, nhưng cũng dường như cảm thông lòng thành thật và biết rõ sự đào tạo Ba la mật của công đức vị đại Bồ tát. Mặt đất liền rung chuyển rồi nứt ra hiện ra một người phụ nữ rất đẹp đứng ngay trước mặt đức đại Bồ Tát và nói rằng:

- Thưa Ngài, chỉ có tôi là người chứng chắc công đức của Ngài, tất cả việc làm của Ngài đều ghi vào đầu tôi đây, vì tôi thường được hưởng lấy sự hồi hướng phước báu của Ngài cho, tôi sẽ vuốt tóc của tôi và nước sẽ chảy ra để chứng chắc rằng: Ngài có đào tạo ra rất nhiều công đức từ vô số kiếp.

Nói xong bà liền vuốt tóc thì bỗng dưng nước trong tóc chảy ra xối xả trôi cả binh ma tướng quỉ của Ma vương. Tượng Grimekhala Ma vương cỡi là tượng có thần thông nhưng vẫn kinh sợ trước sức mạnh của nước ấy.

Ma vương thấy vậy càng kinh sợ nên chấp tay lễ bái và nói câu kệ rằng:

NAMO TE PURISUTTAMA
SADEVAKASMIN LOKASMIN
NATTHI TE PATIPUGGALO
TVAM BUDDHO TVAM SATTHÀ
TVAM MÀRÀBHIPHÙ MUNI
TVAM ANUSAYA CHEKO
TINNO TÀRESI MAM MAJJANTI

Nghĩa: Bạch Ngài, Ngài là đấng có nhiều uy quyền có nhiều đặc ân cao thượng rõ ràng ví như ngựa AJANEYYA. Ngài có tâm trong sạch bởi bốn đức là Từ, Bi, Hỉ, Xả. Tôi xin đảnh lễ Ngài, xin cho Ngài trở nên vị Thiên Nhơn Sư, Ngài là đấng diệt trừ được tất cả các pháp trong tâm. Khi nào Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xin Ngài mở lòng từ bi tế độ tôi là chúng sanh còn mê muội.

Nói xong liền lễ bái rồi ra đi.

Vì uất hận nên Ma vương ngồi bên vệ đường lấy tay gạch xuống đất mười sáu lần và tính rằng: Vì ta không Bố thí Ba la mật bằng Thái tử Sĩ Đạt Ta nên ta không thành Phật như Thái tử. Ta không Trì giới Ba la mật. Ta không có Tinh tấn Ba la mật. Ta không có Nhẫn nại Ba la mật. Ta không có Chân thật Ba la mật. Ta không có phát nguyện Ba la mật. Ta không có Từ Ba la mật. Ta không có Xả Ba la mật nên ta không thành Phật được như Sĩ Đạt Ta. Mỗi lần tính, Ma vương gạch luôn mười lằn. Rồi mới tính thêm nữa rằng ta còn chưa hành thêm sáu điều gọi là ASÀDHÀRANÀĨÀNA (Nghĩa là tuệ đặc biệt riêng của vị Chánh đẳng Chánh giác).

Sáu điều ấy là:

1) INDRIYÀPAROPARIYATTÌNÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Ngũ căn.

2) ÀSÀYANUSAYANÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Thụy miên phiền não, tánh tình của mỗi chúng sanh, và sự giải thoát, nghĩa là biết chúng sanh nào còn ham mê ngũ trần, người nào còn say đắm trong ngũ trần.

3) YAMAKAPATIHARIYANÀNA. Trí tuệ thông hiểu cách dùng thần thông gọi là YAMAKA. (Thần thông nầy đức Thế Tôn dùng khi thắng ngoại đạo).

4) MAHAKARUNANÀNA. Trí tuệ của bực hành theo Đại Bi.

5) SABBANNÙTANÀNA. Trí tuệ của bực Toàn giác hiểu rõ tất cả các pháp hành.

6) ANAVARANÀNA. Trí tuệ của các bậc hiểu thông mọi việc không có vật chi ngăn cản.

Vì ta thiếu mười sáu điều nầy nên ta không sánh bằng Thái tử Sĩ Đạt Ta.

Tóm lại đức đại Bồ Tát thắng Ma vương do nơi oai lực của sự bố thí. Vậy chúng ta muốn thắng hóa mọi nơi nên noi theo gương bố thí của Ngài.

CẢM HÓA DẠ XOA ALAVAKA

MARÀ TIREKAMABHIYUJJITA SABBARATTIM
GHORAMPANÀLAVAKAMAKKHAMATHADDHA- YAKKHAM
KHANTISUDANTAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATUTE JAYAMANGALANI.

Nghĩa: Đức Phật đã cảm thắng Dạ xoa Alavaka(A La Quá Cá) rất can ngạnh không lòng nhẫn nhục, khoe tài trọn đêm cùng Phật. Dạ xoa rất hung ác, cảm dõng hơn Ma vương, đã bị đức Chánh Biến Tri dùng phép nhẫn nhục thâu phục rồi. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

Đức Thế Tôn ngự tại chùa Agàlava xứ Alavì , theo thường lệ của vị Chánh đẳng Chánh giác đến gần sáng, thường dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài trong ngày ấy sẽ đắc được Thánh quả. Ngày ấy đức Thế Tôn thấy Thái tử con vua Alavì sẽ đắc A na hàm quả, nên Ngài lập tức đi độ, mặc dầu Ngài biết rằng: Ngài phải bị Dạ xoa Alavaka hung ác dùng thần thông chiến đấu với Ngài và vấn đạo Ngài, nhưng Ngài vẫn không hề chồn chân thôi bước.

CHUYỆN TÍCH

Đức vua trị vì tại xứ Alavì tên là Alavì. Ngài có tính thích đi săn bắn. Ngày nọ, đức vua truyền chuẩn bị đi săn. Quan quân phải đặt bẫy và vây một khu rừng để đuổi thú ra cho Ngài bắn.

Đồng thời, ngai vàng của đức Đế Thích bỗng dưng cứng rắn lại không còn cảm giác mềm dịu như trước. Thiên vương Đế Thích lấy làm lạ nên Ngài liền dùng Thiên nhãn xem coi. Vì sao? Khi Ngài biết rõ nguyên nhân, Ngài liền hiện ra một con nai lông vàng thật là to và rất đẹp ở trong vòng lưới và chạy ngang qua mặt của đức vua.

Khi đức vua trông thấy nai vàng, Ngài lấy làm ưa thích nai ấy, liền truyền rằng: Nai nầy mà thoát ra khỏi nơi đây trước mặt vị nào thì vị ấy phải bị xử trảm. Các người nên thận trọng bắt cho được nai ấy cho trẫm.

Tất cả quan quân theo cuộc săn ấy lấy làm lo sợ cho mình nên sự canh chừng thật cẩn mật, càng lúc càng siết chặt vòng vây. Nai vàng không còn thấy chỗ nào khả dĩ thoát khỏi ngoài ra chỗ của đức vua, nên nai vàng liền chạy đến trước mặt đức vua và cũng nhờ nơi ấy mà thoát ra được.

Vì đã hạ lịnh rồi mà chính mình để nai vàng chạy thoát đức vua lấy làm cả thẹn nên giục ngựa đuổi theo rất gấp. Nai vàng chạy thật mau nhưng ngựa chạy cũng chẳng kém, còn quan quân ngựa không hay không làm sao theo kịp. Đức vua cố gắng hết sức mình đuổi theo, nhưng dường như bị nai trêu tức khi vừa muốn nghỉ là nai vàng lại ngừng lại như đợi đức vua theo. Đến nơi rừng rậm thì nai vàng biến mất. Khi ấy trời cũng vừa xế chiều, người mệt ngựa mỏi, Ngài cố hết sức tìm đường ra về.

Khi ấy Ngài thấy có một cội cây dừng thật to và rất đẹp lạ thường; Ngài liền ngồi nghỉ nơi ấy. Ngài đâu biết rằng: Trên cây ấy có một con Dạ xoa hung ác khác thường, khi Dạ xoa thấy đức vua ngự vào dưới cội cây của mình, liền hiện ra hình dung thật là hung ác phi thường, hét to lên rằng: Ngươi từ đâu đến? Tại sao lại vào ngồi dưới cội cây của ta? Hôm nay ngươi là vật thực của ta.

Đức vua nghe Dạ xoa nói vậy lấy làm kinh sợ. Nhưng dầu sao sự ngã mạn của một nhà vua không tỏ vẻ kinh sợ, Ngài liền phán hỏi Dạ xoa rằng

- Nầy Dạ xoa, trẫm, có làm gì sai luật nên ngươi lại đòi ăn thịt trẫm?

- Tâu Đại vương, tôi đã ở trên cây nầy mười hai năm nay rồi, nhân vì trước kia tôi có hầu vị Thiên vương, nên Ngài ban cho tôi cây nầy và có dạy rằng: Ngươi có quyền ăn bất cứ nhân vật nào vào dưới cội cây của ngươi. Vì vậy tôi có quyền ăn thịt Ngài khi Ngài ở dưới cội cây của tôi.

- Nầy Dạ xoa, thật ra trẫm không được biết rằng: Cội cây nầy dưới quyền của ngươi.

- Đại vương, tôi không cần biết rằng: Ai biết cội cây của tôi hay không? Tôi chỉ cần biết là ai vào cội cây nầy là vật thực của tôi thôi.

Đức vua nghe như vậy càng lấy làm kinh sợ, mới nghĩ rằng: Hôm nay là ngày tới số của ta rồi. Ngài liền nói với Dạ xoa rằng:

- Nầy Dạ xoa, ngươi là bực có nhiều thần thông, nếu ngươi có lòng từ bi để cho ta về đến hoàng thành, ta sẽ cho người đưa tù nhân đến cho ngươi ăn. Nếu hôm nay ngươi ăn ta thì ngươi chỉ ăn được một bữa nay thôi, ngươi không ăn được hằng ngày.

Dạ xoa nghe đức vua hứa như vậy rất hài lòng, bằng lòng cho đức vua ra về.

Sau khi được Dạ xoa cho ra về tìm đường về thành. Khi về đến thành thuật chuyện ấy lại cho quần thần nghe cũng nói rõ là sẽ hứa đem tù nhân cho Dạ xoa ăn mỗi ngày.

Các quan không biết làm sao, nên đành phải đưa mỗi ngày một tù nhân đến cho Dạ xoa. Lâu ngày tù nhân hết, và người nghe đức vua đem tù nhân cho Dạ xoa ăn, nên người trong xứ không hề dám phạm dầu là một tội rất nhỏ. Sau hết tội nhân, không biết làm sao nên hội quần thần lại tính bắt những người già cho Dạ xoa ăn nhưng quần thần không bằng lòng, vì người còn có con cháu sợ e nó loạn, nên kết cuộc lại bắt trẻ con vì nó chưa làm lợi ích gì và người đời còn đẻ được nhiều con nữa.

Người trong xứ nghe đức vua truyền bắt trẻ con cho Dạ xoa ăn, nên những người có con đều đem giấu hay dọn nhà đi xứ khác. Đến ngày kia quan hầu vào tâu vua rằng: Không còn tìm ra trẻ con nữa. Đức vua lấy làm lo sợ, nghĩ không ra, Ngài nhớ đến Thái tử tên Àlavì truyền quan hầu bắt Thái tử đem cho Dạ xoa ăn.

Các quan lấy làm bất bình nhưng không dám tâu rổi một lời nào, buộc lòng phải vào hoàng cung nói với Hoàng hậu rằng: Tâu Hoàng hậu, Đại vương đã chiếu chỉ cho chúng thần đến đem Thái tử đi cho Dạ xoa ăn; xin lịnh bà tha tội ấy.

Hoàng hậu lấy làm kinh khủng, nhưng cũng chẳng biết làm sao giữ con lại chỉ biết than khóc thôi.

Sáng ngày hôm sau các quan đem Thái tử đến nạp cho Dạ xoa ăn. Đức Thế Tôn đã ngự đến nơi cội cây Dạ xoa chiều hôm trước. Khi đến nơi, đức Thế Tôn ngự vào ngay cửa toà lâu đài của Dạ xoa Alavaka. Ngày ấy nhằm ngày đại hội của Dạ xoa, nên Alavaka Dạ xoa phải đi hầu Thiên vương.

Khi ấy Dạ xoa người giữ lâu đài của Dạ xoa Alavaka tên là Gandhabba thấy đức Thế Tôn ngự đến, ra tiếp rước đảnh lễ và hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài ngự đến nơi rừng nầy có chuyện chi quan trọng chăng?

- Nầy Gandhabba , thật ra có chuyện cần và quan trọng nên Như Lai mới ngự đến đây.

- Vậy xin thỉnh đức Thế Tôn ngự vào nghỉ trong tòa lầu của Dạ xoa Alavaka .

Đức Thế Tôn lặng thinh ngự vào trong tòa lầu và ngự trên ngai của Dạ xoa Alavaka ngồi hằng ngày.

Dạ xoa Gandhabba biết ý Dạ xoa Alavaka là người có tánh nóng nãy và hung ác phi thường, mặc dầu là cha mẹ cũng chẳng kính nể nên bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn cho phép tôi đến cho Dạ xoa Alavaka hay biết rằng: Đức Thế Tôn ngự nơi đây. Đức Thế Tôn nhận lời.

Dạ xoa Gandhabba liền đến nơi hội nói với Dạ xoa Alavaka rằng: Hiện giờ có đức Chánh đẳng Chánh giác đang ngự ở tại lâu đài của ông.

Tất cả Dạ xoa nào chánh kiến có mặt nơi ấy đồng nói với Alavaka rằng: Thật ngươi là người đại phước nên đấng Đại Từ Bi ngự đến lâu đài của ngươi.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy lòng hiếu thắng càng mạnh và vì vậy sự tức giận càng nhiều, nên nói:

- Thôi các ngươi hãy im đi, để thầy Sa môn ấy sẽ thấy oai ta, ta sẽ vò xé y ra từng mảnh, tại sao y dám vào lâu đài của ta khi ta vắng mặt.

Khi ấy có nhiều Dạ xoa đi hội phải bay ngang qua lâu đài của Dạ xoa Alavaka , nhưng khi bay đến nơi ấy không thể nào bay ngang qua được. Vì oai đức của vị Chánh Đẳng Chánh giác khi ngự nơi nào trên chỗ Ngài ngự không có một vị nào có oai lực bay qua được. Các Dạ xoa lấy làm lạ mới vào coi tòa lâu đài nầy có những gì mà phi thường như vậy. Khi thấy đức Thế Tôn ngự trong ấy, các Dạ xoa đảnh lễ Phật rồi lật đật đến nơi hội. Khi gặp Alavaka mới nói rằng:

- Nầy hiền hữu, ngươi thật là người đại phước nên chi đấng Thiên Nhơn Sư ngự đến ở tại lâu đài của ngươi.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy không khác nào đổ thêm dầu vào lửa, y gầm thét vang trời và bảo rằng:

- Xin hãy êm lập tức, các ngươi sẽ thấy ta và thầy Sa môn Cồ Đàm ai hơn.

Đức Thế Tôn ngự tại lầu đài của Alavaka hiện ra hào quang sáng chói. Các cung phi mỹ nữ của Dạ xoa Alavaka đều đến hầu Ngài nghe pháp. Tất cả Thọ thần cùng chư Thiên biết có đức Thế Tôn ngự đến nơi ấy liền rủ nhau đến hầu Phật và nghe pháp, làm cho tòa lâu đài của Alavaka càng náo nhiệt tưng bừng. Có vị chư Thiên hay Dạ xoa nào không biết có chuyện chi nên hỏi:

- Nhân vật nào ở trong lâu đài ấy, mà hào quang sáng không chi sánh bằng vậy?

Có vị biết chuyện ấy nên đáp: Vị ngự trong lâu đài ấy là đấng cao siêu hơn hết trong tam giới, là đấng Đại Giác hôm nay chúng ta có duyên lành lắm mới gặp được Ngài. Ngày thường thì các vị ấy không khi nào đến tòa lâu đài của Alavaka vì ghét người hung bạo cũng có và vì sợ cũng có. Hôm ấy họ bất cần cứ vào đại vì ỷ lại có đấng tối cao của chúng sanh ngự trong ấy.

Khi đức Thế Tôn thấy có nhiều chư Thiên, Càn thát bà và Thọ thần đến hầu Ngài, nên Ngài dạy rằng: Vì trước kia nhờ có Bố thí, Trì giới, Tham thiền, Cúng dường đến Tam bảo, nên hôm nay các người mới được hưởng quả lành như thế nầy. Vậy từ đây trở đi các ngươi không bỏn xẻn; năng làm việc bố thí thì phước thiện đó là vật thực của các ngươi có thể đem về ngày vị lai được.

Sau khi dứt thời pháp, có hai Dạ xoa là Sàtàgiri và Dạ xoa Hemavata mỗi người có năm trăm tùng nhơn theo hầu dẫn nhau đến Kỳ Viên tịnh xá hầu Phật, nhưng không gặp Phật trở về khi bay ngang qua lầu đài của Alavaka bị rớt xuống lấy làm lạ mới vào hầu Phật rồi đi đến nơi hội. Khi gặp Dạ xoa Alavaka liền bảo rằng:

- Nầy hiền hữu, ngươi là người được thoát khổ, nên trong lầu đài của ngươi có một viên ngọc Ma ni bửu châu quí vô lượng vô biên, ngọc ấy sẽ làm cho người mong mỏi vật gì cũng được kết quả mỹ mãn. Vậy bạn nên gấp về lập tức để mau được gặp Ngài.

Alavaka nghe vậy lập tức đứng dậy ra về, khi về đến lầu đài thấy vợ và phi tần của mình cùng chư Thiên và Thọ thần cùng Càn thát bà đang ngồi hầu Phật, đức Phật lại ngự ngay trên chỗ mình hằng ngồi thì càng lấy làm tức giận, liền làm cho mưa đá, mưa cát, mưa lửa, mưa dầu sôi v.v... để giết Phật. Mặc dầu những thứ mưa ấy thật là hung dữ nhưng khi đến gần Phật, mưa đá, mưa gươm đao v.v... đều trở thành hoa thơm cúng dường, còn mưa cát, mưa dầu sôi lửa đỏ đều trở thành những phấn thơm và nước hoa cúng dường dưới chân đức Thế Tôn, những trận gió lớn ấy không làm rung động chéo y của Ngài.

Dạ xoa Alavaka thấy hiện tượng lạ lùng như vậy càng giận dữ truyền binh tướng của mình hãy vào bắt cho được đức Thế Tôn. Nhưng những binh tướng ấy không ai dám đến gần, vì sợ oai lực đức Từ Bi của Ngài.

Dạ xoa Alavaka mới nghĩ: Ta làm sao thắng thầy Sa môn nầy? Vì các pháp mầu của ta từ xưa nay oai danh lừng lẫy hôm nay không còn linh nghiệm nữa. Ta chỉ còn có cái khăn bịt đầu nầy thôi. Ta chỉ hy vọng cái khăn nầy có oai lực vô lượng vô biên sẽ thắng thầy Cồ Đàm. Nghĩ xong mở khăn bịt đầu xuống và liệng ngay vào mình đức Thế Tôn. Sự thật cái khăn ấy thuộc về hạng thần thông mầu nhiệm bằng cái bánh xe của đức Đế Thích và Ma vương. Ít có vật nào cao quí bằng. Nhưng khi khăn ấy vừa đến gần đức Thế Tôn trở thành vật cúng dường. Khăn ấy có mãnh lực sánh còn hơn Ma vương là khác.

Tất cả chư Thiên, Thọ Thần, Càn thát bà có mặt nơi ấy đồng thanh hoan hô đức Thế Tôn rằng: Thiện thay, lành thay!

Dạ xoa Alavaka càng tức giận vì thấy cái khăn của mình liệt vào hàng bảo vật hạng nhất mà trở thành vô dụng, càng lấy làm kinh ngạc hơn khăn ấy lại trở thành tràng hoa cúng dường cho Phật, liền nghĩ rằng: Thôi, ta không thể chiến đấu và thắng thầy Sa môn Cồ Đàm bằng pháp mầu được, ta sẽ tìm thế thắng y bằng cách khác rồi giết y sau. Nghĩ xong Dạ xoa hỏi đức Thế Tôn rằng:

- Nầy thầy Sa môn, tại sao thầy lại vào ngồi trong lầu đài của ta khi chưa được phép ta?

Đức Thế Tôn nghĩ Dạ xoa Alavaka hung ác và rất dũng cảm hơn cả Ma vương, nếu ta dùng thần thông để cảm hóa thì trở thành trận giặc. Sự thật người hung ác thì lại thích sự hiền từ nhã nhặn, ta phải thắng ý bằng pháp Nhẫn nại, nghĩ xong đức Thế Tôn liền đứng dậy ra đi, không nói một lời nào.

Dạ xoa thấy đức Phật đứng dậy ra đi không cãi một lời nào nên nghĩ: Thầy Sa môn nầy thật là hiền từ dễ dạy, biểu ra đi một tiếng thì ra đi, không tỏ vẻ bất bình giận hờn gì cả, chắc đây là hạnh của các bực Sa môn. Thôi ta hãy thử một lần nữa. Alavaka liền gọi: Nầy Ông Sa môn thôi ông hãy trở vào.

Đức Thế Tôn lại trở vào cũng chẳng nói một lời nào.

Dạ xoa Alavaka thấy vậy thì càng tin chắc rằng: Thầy sa môn nầy dễ dạy thật. Nên mới thử nữa, nên lại bảo: Đức Thế Tôn hãy trở ra một lần nữa.

Khi ấy đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Nầy Dạ xoa Alavaka ngươi muốn hành hạ Như Lai như thế nào thì cứ tùy tiện, ngươi không nên bảo Như Lai đi ra đi vào như thế nầy, giờ đây Như Lai không đi ra nữa.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy nổi giận nên dùng lời bất nhã nói với đức Thế Tôn. Nhưng đức Thế Tôn cũng vẫn thản nhiên, Dạ xoa không biết làm sao nên nói:

- Nầy thầy Sa môn, giờ đây ta hỏi ngươi vài vấn đề, ngươi hãy đáp cho ta, nếu ngươi đáp không được ta sẽ bóp đầu ngươi nát như bột.

Đức Thế Tôn đáp: Nầy Dạ xoa Alavaka, mặc tình ngươi làm gì Như Lai, Như Lai cũng không bao giờ biết kinh sợ, đừng nói chi là người dầu cho Thiên vương Đế Thích, Ma vương, Phạm Thiên và ai là người có nhiều thần thông đến nơi nầy chiến đấu với Như Lai thì cũng chẳng làm cho Như Lai rúng động. Hơn nữa hôm nay dầu ngươi có hỏi bao nhiêu vấn đề thì cứ tùy tiện hỏi, Như Lai sẽ giảng giải rõ ràng cho ngươi. Như Lai đã biết rõ những câu hỏi của ngươi không phải do nơi trí tuệ của ngươi phát ra. Như Lai sẽ bảo rõ cho ngươi biết rằng: Ngày nọ, cha ngươi vào hầu thăm ông nội ngươi. Ông nội ngươi mới dạy cha ngươi những câu hỏi ấy, ông nội ngươi học câu hỏi ấy nơi đức Chánh đẳng Chánh giác có hồng danh là CA DIẾP. Sau nầy cha ngươi truyền lại cho ngươi. Vậy ngươi hãy hỏi đi, Như Lai giải cho ngươi hiểu. (Câu hỏi nầy đã thất lạc câu trả lời nên làm cho Dạ xoa Alavaka nghi ngờ từ xưa đến nay).

Dạ xoa Alavaka hỏi:

KIMSU VITTAM PURISASSA SETTHAM .
KIMSU SUCINNO SUKHAMÀVAHÀTI .
KIMSU HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM .
KATHAM JIVÌ JIVITAMÀHUSETTHAM .

Nghĩa: Nầy ông Sa môn, bảo vật nào trong vũ trụ nầy cao quí nhứt mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng? Chúng ta dành để vật gì mới được an vui? Vị nào cao quí hơn tất cả các vị? Đời sống thế nào mà ông gọi là đời sống cao thượng trong đời nầy?

Đức Thế Tôn đáp:

SADDHÌDHA VITTAM PURISASSA SETTHAM .
DHAMMO SUCCINO SUKHAMÀ VAHÀTI.
SACCAM HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM.
PANNÀJÌVÌ JIVITAMÀHU SETTHAM.

Nghĩa: Nầy Dạ xoa Alavaka, đức tin là bảo vật cao quí nhứt trong vũ trụ nầy mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng. Người đành để thiện pháp thì hằng được sự an vui. Lời nói chân thật là lời nói có vị cao quí hơn tất cả các vị. Đời sống bằng trí tuệ là đời sống cao quí nhất trong đời này.

Khi nghe lời giảng của đức Thế Tôn làm cho tâm Dạ xoa Alavaka trở nên trong sạch. Y nhìn thấy đời mình không có thiện pháp, không có chân thật mà cũng không có sống bằng trí tuệ, cả đời chỉ biết làm tội lỗi.

Dạ xoa Alavaka mới ca tụng công đức của Phật rằng: AHO ACCHA RIYAM AHO ABHUTAM BHANTE. Bạch đức Đại Giác, chỉ có Ngài là vị đáp được câu hỏi nầy thật là chuyện phi thường. Vậy tôi xin hỏi Ngài thêm:

KATHAMSU TARATI OGHAM
KATHAMSU TARATI ANNAVAM
KATHAMSU DUKKAM ACCETI
KATHAM PARISUJJHATI.

Nghĩa: Bạch Ngài, người trong tam giới nầy qua được bốn hầm bằng vật gì? Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi bằng vật gì? Lại nữa người giải thoát được khổ bằng phương pháp gì? Và làm cho tâm được trong sạch bằng phương pháp nào?

Đức Thế Tôn liền đáp:

SADDHAYA TARATI OGHAM
APPAMADENA ANNAVAM
VIRIYENA DUKKHA ACCETI
PANNÀYA PARISUJJHATÌ

Nghĩa: Này Dạ xoa Alavaka, Người trong tam thế này qua được bốn hầm bằng ĐỨC TIN. Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi được bằng sự không dễ duôi, Lại nữa người giải thoát khỏi sự thống khổ bằng phương pháp TINH TẤN. Làm cho tâm được sạch bằng phương pháp dùng TRÍ TUỆ quan sát cho thấy rõ ba tướng (là Vô thường, Khổ não và Vô ngã).

Khi đức Thế Tôn đáp xong câu kệ thì Dạ xoa Alavaka cũng vừa đắc quả Tu-đà-hườn trở nên bực Thánh nhơn trong Phật giáo. Liền cúi đảnh lễ dưới chân đức Phật và xin đức Phật tha tội lỗi đã phạm thượng và xin Ngài nhìn nhận là người thiện nam hay một tín đồ của Phật giáo. Xin thọ Tam qui và Ngũ giới.

Trong khi Dạ xoa lễ Phật xin thọ Tam qui và ngũ giới, thì các quan đưa Thái tử tới noi, nghe chư Thiên hoan hô đức Thế Tôn nên lấy làm lạ. Khi đến gần thấy đức Thế Tôn ngự trong lầu đài của Dạ xoa, nên mới bàn với nhau rằng: Đã có đức Thế Tôn ngự nơi đây rồi, thì chắc chắn Ngài đã cảm hóa Dạ xoa, ta hãy nhân cơ hội nầy đem Thái tử dâng đến tay Dạ xoa. Nói xong liền đưa Thái tử đến cho Dạ xoa.

Dạ xoa Alavaka lấy làm hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi của mình đã làm, liền ẵm Thái tử Alavì đến cúng dường Phật bảo và bạch rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử xin dâng Thái tử Alavì đến tay Ngài, xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi nhận lãnh.

Đức Thế Tôn đưa tay mặt ra nhận lãnh vật cúng dường kỳ lạ ấy. Ngài liền cầu chúc cho Thái tử: Dighà Yuko Hoti Ayam Kumàro v.v... Nghĩa: Xin cho Thái tử nầy được trường thọ, nầy Alavaka ngươi cũng được an vui khỏi khổ và xin cho vị Thái tử nầy thọ Tam qui.

Khi dạy xong đức Thế Tôn liền trao Thái tử cho các vị quan đại thần; Các vị bồng lấy Thái tử trở về thành. Người trong thành thấy các vị đại thần đưa Thái tử về, mới hỏi vì mọi người đều sợ Dạ xoa không chịu ăn trẻ con. Các vị đại thần cho biết rằng: Dạ xoa đã phục thiện là nhờ đức Thế Tôn đến hóa độ.

Khi đến hoàng cung, các vị ấy để Thái tử lên tay đức vua, và tâu bày tự sự. Đức vua lấy làm cảm động và rất vui mừng. Hoàng hậu hay được tin ấy sự vui mừng không biết tả sao cho đuợc, lịnh bà lật đật đến nơi đức vua đang ngự ẵm Thái tử vào lòng nựng nịu và bà ca tụng công đức Phật bảo không tiếc lời.

Sau khi độ được Dạ xoa Alavaka xong. Đức Thế Tôn liền đắp y mang bát vào thành có Dạ xoa theo hầu sau Ngài. Khi đến cửa thành, Dạ xoa cảm thấy rất hổ thẹn tội lỗi của mình đã gieo tang tóc cho dân chúng, nên không muốn vào thành. Đức Thế Tôn dùng lời an ủi Dạ xoa làm cho hết sự ăn năn hối tiếc việc làm ấy.

Đức Thế Tôn mới đến ngự dưới cội cây gần cửa thành, Ngài liền dùng thần thông làm cho hào quang sáu màu sáng rực cả một vùng.

Khi đức vua Àlavì nghe tin đức Thế Tôn ngự tại cửa thành, Ngài lật đật xa giá đến nơi ấy có cả các vật cúng dường. Khi đến nới lễ bái đức Thế Tôn và cúng dường cùng ca tụng công đức của Phật. Dân chúng trong thành hay tin ấy lần lượt rủ nhau đến đảnh lễ Ngài đông vô số kể.

Đức Thế Tôn liền thuyết lại câu hỏi của Dạ xoa Alavaka. Đức vua phát tâm tín thành trong sạch và qui y Tam bảo. Riêng Dạ xoa dạy Thái tử đạo đức và làm cho Thái tử trong sạch với Tam bảo vào hầu Phật nghe pháp đắc A na hàm quả.

Đức Thế Tôn thắng được Dạ xoa bằng đức Nhẫn nại.

Vậy người muốn thắng hóa mọi nơi xin đừng quên pháp Nhẫn nại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]