Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên Thứ Bảy: Dòng Thích Ca Xuất Gia

10/11/201115:49(Xem: 5923)
Thiên Thứ Bảy: Dòng Thích Ca Xuất Gia

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ BẢY (a)

DÒNG THÍCH CA XUẤT GIA

-ooOoo-

Đến ngày thứ tư, đức Thế Tôn ngự vào khất thực và thọ thực tại cung của Thái tử Nanda (Nan Đà) là em một cha khác mẹ cùng Ngài, ông Nanda là con của bà Gotami. Cũng là ngày làm lễ cưới của Thái tử Nanda. Khi thọ thực xong, đức Thế Tôn đứng dậy ra về, sẵn có Thái tử Nanda đứng gần bên, đức Thế Tôn liền trao bát của Ngài cho ông và Ngài ngự về chùa.

Sau khi lãnh bát, ông Nanda lấy làm khó xử không biết phải làm sao vì cuộc lễ sắp khởi hành, nhưng ông cũng không dám kêu Phật để cái bát lại cho Ngài. Ôm bát theo sau Phật nhưng lòng vẫn bâng khuâng lo âu mọi việc nhứt là việc làm lễ tơ hồng, nhưng ông lại tự an ủi rằng: Chắc xuống tới thang lầu Ngài thâu bát lại. Khi đến thang lầu đức Thế Tôn vẫn không nói gì và cứ từ từ ngự đi, ông lại bảo lòng rằng: Chắc Ngài sẽ nhận lấy bát lại sau khi ra khỏi vòng rào. Khi ra khỏi hai nơi ấy, đức Thế Tôn cũng chẳng thâu lấy bát lại, ông không biết phải làm sao, nhưng vì lòng rất kính trọng đức Thế Tôn nên không dám nói nửa lời, cúi đầu đếm bước theo sau đức Phật. Nhưng lòng thì ở nơi vị hôn thê trẻ và đẹp tuyệt trần, bà có tên là Jalapadaklyànì nghĩa là Hoàng hậu đẹp nhứt trong xứ. Dầu vậy ông vẫn còn niềm an ủi là khi tới chùa Ngài nhận bát ta vẫn còn nhiều thì giờ cử hành cuộc lễ tơ hồng. Sự an ủi của ông từ đoạn đường cho tới cửa chùa đến vào nơi Phật ngự, nhưng không có nơi nào là nơi Phật thâu bát lại.

Trong khi ông ôm bát theo hầu Phật có các phi tần trông thấy chạy vào cho vị hôn thê của ông hay rằng: Thưa lịnh bà, đức Thế Tôn trao bát cho Hoàng tử ôm theo hầu, vậy lịnh bà phải làm sao?

Bà Jalapadaklyànì nghe vậy lấy làm lo sợ, đang bới đầu, tay còn cầm búi tóc lật đật đứng dậy chạy ra nơi cửa sổ ngó xuống vào bảo ông Nanda rằng: Thái tử ơi, đưa đức Thế Tôn đến nơi rồi hãy quay về cho sớm nhá, cuộc lễ sắp cử hành rồi, nhứt là em nhớ trông chàng lắm đấy.

Khi ông Nanda nghe lời của vị hôn thê bảo vậy ông có cảm giác là có quả núi Tu Di đè trên tim ông, mồ hôi nhỏ giọt, muốn gọi Phật để trao bát cho Ngài, nhưng ngặt nỗi không dám hở môi.

Những gì đang sôi nổi trong tâm của ông Nanda , đức Thế Tôn đều biết nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đi về tới chùa và vào thẳng nơi Phật ngự, Ngài ngự trên bảo tọa gọi Nanda đến và bảo rằng: Nầy Nanda , ngươi nên xuất gia đi!

Mặc dầu lòng không hề muốn tí nào, nhưng không dám cãi lời, nên ông xuất gia. Đây là vị Thái tử em một cha khác mẹ của Phật, là dòng Thích Ca xuất gia trước nhứt trong Phật giáo. Ông xuất gia sau khi đức Thế Tôn ngự về thành Ca Tỳ La Vệ được bốn ngày.

Đến ngày thứ bảy, bà Gia Du Đà La trang điểm cho Thái tử Ra Hầu La thật đẹp rồi dẫn vào cung đức Tịnh Phạn Vương, nơi đức Thế Tôn thọ thực, bà bảo nhỏ con rằng: Ra Hầu La con ơi, con hãy nhìn xem vị Sa môn có hào quang sáu màu chiếu sáng trông thật là oai nghiêm, mặt đầy vẻ từ bi kia, thật là đẹp không khác nào vị Phạm Thiên; có hai muôn vị Sa môn theo hầu. Vị giáo chủ đó chính là phụ vương của con vậy. Phụ vương của con có ngọc ngà châu báu nhiều vô số kể. Từ khi phụ vương con xuất gia thì những hầm trân châu quí báu ấy biến mất. Vậy con nên đến lạy và xin Ngài những của cải đã mất ấy. Con nên tâu với Ngài rằng: Tâu Đại vương, Ngài là đấng có nhiều oai đức sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Vương. Con rất cần được của cải tài sản cùng tiếp lấy ngai vàng của phụ vương. Theo lẽ cố nhiên, của cha thì con được quyền thừa hưởng. Vậy xin Ngài từ bi ban bố của ấy cho con.

Thái tử Ra Hầu La vâng lời mẹ đến gần đức Thế Tôn đảnh lễ Ngài xong, lòng lại phát sanh sự quyến luyến thương yêu Phật, và lấy làm thỏa thích khi được ngồi gần và nói chuyện với Phật.

Ông Ra Hầu La mới nói với đức Thế Tôn rằng: Ngài đại Sa môn thật là một bóng mát mẻ và làm cho người được an vui hạnh phúc vô cùng tận. Rồi ông liền xin ngai vàng và châu báu như mẹ dạy.

Khi thọ thực xong đức Thế Tôn ra về chùa. Thái tử Ra Hầu La lại theo sau đức Phật về chùa để xin ngai vàng và châu ngọc đã mất, nhưng trên thật tế vì ông thương mến đức Thế Tôn, muốn ở bên cha. Khi Thái tử Ra Hầu La theo Phật về chùa tất cả những người có mặt tại nơi ấy, nào là phi tần, quan quân nhưng không một ai dám ra cản hay kêu Thái tử trở lại, vì lẽ Thái tử là con Phật, cháu nội Tịnh Phạn Vương. Nhứt là đức Tịnh Phạn Vương yêu thương Thái tử Ra Hầu La hơn tất cả mọi vật trong cõi đời nầy, nên không ai dám kêu gọi hay ngăn cản gì cả.

Khi đến chùa đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Thái tử Ra Hầu La muốn được di sản của cha, nếu Như Lai cho châu báu ngọc vàng vẫn được, nhưng những của ấy toàn là của còn lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Vậy Như Lai nên cho của báu là thất bửu nhà Phật mà ta đã cố tâm tìm kiếm hàng bao nhiêu A-tăng-kỳ kiếp mới gặp dưới cội Bồ đề. Ta sẽ cho thất bửu nhà Phật để nối theo dòng Phật bảo.

Đức Thế Tôn liền gọi Đại Đức Xá Lợi Phất đến mà dạy rằng: Này Xá lợi Phất, ông nên cho Ra Hầu La xuất gia.

Đại Đức Xá Lợi Phất vâng lời cho xuất gia theo phương pháp thọ Tam qui và Thập giới. Đức Tịnh Phạn Vương hay tin lấy làm buồn khổ. Ngài liền đến hầu Phật mà yêu cầu rằng: Kể từ đây đi giới tử muốn xuất gia, xin đừng cho xuất gia; cần phải có sự ưng thuận của cha mẹ.

Đức Thế Tôn nhận lời, và từ ấy vị nào muốn xuất gia cũng phải có sự ưng thuận của mẹ cha. Đức Thế Tôn kiếu từ đức vua trở về Vương Xá thành.

Trong khi đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá thành có một ông đại Trưởng giả tên Cấp Cô Độc người thành Thất La Phiệt (Savathì) đi đến Vương Xá thành. Ông được dịp cúng dường đến chư Thánh Tăng có đức Phật làm tọa chủ, được nghe đức Phật thuyết pháp đắc Tu-đà-huờn quả. Ông liền xin thỉnh đức Thế Tôn ngự về thành Thất La Phiệt.

Ông Trưởng giả Cấp Cô Độc vội vã ra về Thất La Phiệt để lo lập chùa và tư thất để Phật ngự đến dạy đạo. Ông tìm mãi không ra một nơi nào đủ tiện nghi để đức Thế Tôn ngự được an tĩnh và để cho tín đồ đến thính pháp và cúng dường.

Ông tìm mãi mới gặp được một vườn xoài có đủ tiện nghi đủ mọi phương diện, khi hỏi ra mới biết là của một vị Hoàng tử tên Jeta (Tàu âm là Kỳ Đà). Ông Trưởng giả mới đến nơi hoàng cung của vị Hoàng tử để hỏi mua. Ông Hoàng Jeta ấy bảo rằng: Ta không thể bán vườn xoài ấy cho ngươi được nhưng nếu ngươi có thể đem vàng trải cho đầy vườn xoài của ta tới đâu thì ngươi lấy tới đó, nhưng cây xoài là của ta thôi.

Ông Cấp Cô Độc về truyền mở các kho vàng cho xe bò chở đến vườn xoài và trải khắp mọi nơi. Khi ấy ông Jeta lấy làm lạ và kinh khủng cái giàu và đức tin của ông Trưởng giả. Khi trải còn lại một góc vườn nữa. Ông Trưởng giả đứng vuốt râu và tỏ vẻ tư lự.

Khi ấy ông Jeta mới hỏi ông Trưởng giả rằng: Sao ông Trưởng giả, bộ ông hết vàng rồi sao? Hay tiếc những vàng đã trải vườn?

Ông Trưởng giả đáp: Không bao giờ tôi biết tiếc những khối vàng vô dụng này, mà tôi đang suy nghĩ coi phải lấy kho vàng nào của tôi gần nhứt để đem lại trải cho mau đặng tôi lấy vườn này cho gấp hầu lập tịnh xá và tư thất để thỉnh đức Giác Ngộ đến nơi đây thuyết pháp độ đời.

Ông Hoàng Jeta nghe qua lấy làm kinh khủng và tự bảo rằng: Người nầy có một đức tin rất mạnh; không hề biết tiếc tiền của. Vậy tại sao ta lại tiếc vườn xoài nầy. Ông liền nói với ông Trưởng giả rằng: Nầy ông Trưởng giả, ông là người có đức tin rất dũng mãnh không tiếc hàng bao nhiêu vàng thì ta có tiếc gì vườn xoài nầy. Vậy tôi xin cúng dường vườn xoài nầy đến Tam bảo, tôi chỉ xin ông một việc thôi là tôi xin ông để tên chùa nầy là tên tôi.

Ông Trưởng giả bằng lòng, nên chùa ấy sau này được tên là Jetavana gọi là Kỳ Viên tịnh xá (Nếu dịch ra là vườn của Kỳ Đà) cũng có tên là Bố Kim Tự vì chùa ấy trải vàng.

Khi chùa đã lập xong ông liền thỉnh đức Thế Tôn ngự đến và làm lễ dâng cúng chùa ấy đến Tam bảo.

Riêng ông Nanda thì không thiết gì đến sự tu hành vì ông chỉ nhớ một người là vị hôn thê của ông thôi, và ông thường bảo với các vị Tỳ khưu rằng: ông không thích đời áo bả nâu sòng v.v...

Đức Thế Tôn liền gọi ông Nanda đến hỏi rằng: Nghe nói rằng: Ngươi nhớ vị hôn thê của ngươi không muốn xuất gia có phải vậy không?

Ông Nanda mới bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn thật vậy!

Đức Thế Tôn dạy rằng: - Vậy ngươi hãy theo ta, ta sẽ kén vợ cho ngươi.

Rồi đức Thế Tôn mới nắm tay ông dùng thần thông đưa ông đi lên cõi trời Đạo Lợi mà ông không hay biết gì hết. Khi đang đi theo đường đức Thế Tôn lại dùng thần thông cho ông Nanda trông thấy một con khỉ cái mũi, tai và đuôi đều cụt hết đang ngồi trên một gốc cây cháy đen. Khi đến cõi Trời Đạo Lợi đến nơi lầu của đức Đế Thích, không biết có bao nhiêu vị tiên nữ, mặt thật xinh, hình thật đẹp bàn tay bàn chân đỏ như thoa son.

Khi ấy đức Thế Tôn mới hỏi ông Nanda rằng: Nanda này, các vị tiên nữ này đối với vợ ngươi thì ra thế nào?

- Bạch đức Thế Tôn, hôn thê của tôi làm sao sánh được với quí vị nầy, tôi có thể sánh hôn thê của tôi với con khỉ cái cụt tai, đuôi, mũi ngồi theo đường đi đến đây.

- Nếu ngươi bằng lòng thì ta sẽ cưới cho ngươi một trong những cô mà ngươi đã thấy.

- Bạch đức Thế Tôn, nếu Ngài từ bi giúp tôi được việc nầy, tôi rất bằng lòng và nguyện sẽ ở trong giáo pháp của Ngài không bao giờ hoàn tục.

Khi ấy đức Thế Tôn liền dẫn ông trở về chùa Kỳ Viên. Các vị Tỳ khưu còn phàm nghe biết chuyện đức Thế Tôn đưa ông đi coi vợ ở cõi trời mới ngạo báng ông rằng: Ông Nanda hành phạm hành vì muốn được vợ là tiên nữ, chớ không phải hành đạo vì muốn giải thoát.

Ông Nanda nghe vậy lấy làm hổ thẹn mới tách ra khỏi đám Tăng chúng ở nơi thanh vắng cố hành đạo không dám dễ duôi. Không bao lâu ông đắc A-la-hán quả. Khi ấy có một vị chư Thiên hóa hào quang chói sáng vào đảnh lễ đức Thế Tôn tại Kỳ Viên tịnh xá, và bạch Phật rằng: Hiện giờ em của đức Thế Tôn là ông Nanda đã giải thoát khỏi phiền não rồi.

Sáng ngày, ông Nanda vào hầu Phật đảnh lễ Ngài xong bạch rằng: Chuyện mà tôi đã yêu cầu đức Thế Tôn giúp tôi cưới một vị tiên nữ, chuyện nầy tôi đã tự giải quyết xong rồi.

- Như Lai đã hiểu rõ chuyện ấy bằng Tha tâm thông là ngươi đã giải thoát khỏi phiền não.

Rồi đức Thế Tôn thuyết câu kệ rằng: YASSA TINNO KÀMAPANTO ... Bùn sình là ngũ trần, mà người đã vượt qua khỏi và diệt bỏ được gai góc là phiền não và trần tục, người ấy làm cho tâm không rung động trong việc vui và khổ.

(Ý nói rằng không còn phiền não thì không còn ham mê trong các sự việc vui hoặc khổ của cõi đời nầy).

Về sau các vị Tỳ khưu còn phàm mới hỏi Ngài Nanda rằng: Nầy ông Nanda , ông thường nói với chúng tôi rằng: Tâm ta rất là nóng nảy bực bội vì lửa tình thiêu đốt, bây giờ ra sao rồi? Ngài đáp: Nầy quí ông, hiện giờ tâm ta không còn quyến luyến thế tục nữa.

Vì các vị Tỳ khưu hỏi ấy là phàm nhơn nên không hiểu được tâm của các bực Thánh nhơn, đồng cùng nhau chỉ trích đức Nanda rằng: Ông nói không thật khi thì nói như thế nầy, lúc thì nói như thế khác. Rồi các Ngài lại đem chuyện ấy bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mới dạy rằng: Nầy chư Tăng, khi trước đây thân tâm của thầy Tỳ khưu ấy (chỉ Nanda ) ví như nhà dột. Hôm nay thân tâm của thầy Tỳ khưu Nanda ví như nhà đã lợp rất kỹ rồi. Kể từ ngày Nanda trông thấy tiên nữ thì cố gắng hết sức hành đạo để mau đến nơi cùng tột của người xuất gia, hiện giờ ông đã hoàn toàn giải thoát đạt thành sở nguyệt rồi.

Đức Thế Tôn có dạy câu kệ rằng: YATHÀ ÀGÀRA DUCCHANNAM ... Lẽ cố nhiên nhà lợp không kỹ khi mưa bị dột, cũng như tâm người không hành thiền định thì tham ái và phiền não khác xâm nhập vào tàn phá.

Sau khi dứt thời pháp tất cả chư Tỳ khưu hiện diện nơi ấy đều đắc Thánh quả nhứt là quả Tu-đà-huờn.

Trong khi đức Thế Tôn vân du độ chúng sanh từ làng nhỏ đến đô thị lớn đến khi Ngài ngự đến làng Anupiyamalanigama

Trong khi ấy các vị hoàng tộc dòng Thích Ca có hội nhau và có ý định rằng: Khi Thái tử Si Đạt Ta vừa sanh thì các thầy tướng số đoán rằng: Ngài sẽ thành đạo độ đời hơn là trị vì thiên hạ, trong khi ấy tất cả hoàng tộc đều có ý định rằng: Mỗi gia đình hoàng tộc đều phải cho một người con xuất gia theo giáo pháp của Ngài và để hầu Ngài. Sau khi Ngài thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã có rất nhiều vị Hoàng thân dòng Thích xuất gia theo Ngài. Nhưng chỉ có sáu vị Thế tử và Thái tử trong sáu gia đình chưa xuất gia là:

1) Bhaddiya.
2) Anuruddha (Tàu âm: A Nậu Đa La).
3) Ananda hay A Nan.
4) Bhagga.
5) Kimabila và
6) Thái tử Đề Bà Đạt Đa.

Khi ấy các vị hoàng thân mới hội nhau lại bàn rằng: Chúng ta đều cho con xuất gia theo hầu Phật, chỉ còn có sáu gia đình chưa cho con xuất gia theo lời hứa năm xưa. Chắc sáu gia đình ấy không phải là dòng Thích Ca sao?

Khi ấy ông Mahànàma là con vua Amitodana là cháu gọi đức Tịnh Phạn Vương là bác ruột mới đến nhà Anuruddha để bàn về việc xuất gia.

Ông Mahànàma nói với ông Anuruddha rằng: Tất cả những người theo hầu Phật, vậy trong gia đình chúng ta, anh là người xuất gia theo hầu Phật hay là em.

Ông Anuruddha tỏ vẻ suy nghĩ. Sự thật ông là một vị Thái tử thật là sang trọng cao thượng có phước hơn tất cả các vị Thái tử trong thời ấy, vì ông là người có tạo ra duyên lành để dành trong kiếp trước rất lớn. Từ nhỏ đến chừng ấy tuổi, ông không hề nghe và biết rằng KHÔNG CÓ. Đây là nguyên nhân mà người ta biết ông là người đại phước và thường cho ông những gì gọi là không có.

Ngày nọ sáu vị hoàng thân kể tên trên hội nhau lại chơi trò cỡi ngựa đánh cầu; vị nào thua phải chung bánh rồi cùng nhau ăn chơi.

Ngày ấy ông Anuruddha cứ thua mãi đến đổi người nhà không thể làm kịp bánh để ông chung cho năm vị kia, ông cứ sai người về nhà xin bánh mãi, không có bánh ba mẹ không biết làm sao, lấy mâm không, đậy lại đem ra cho ông. Ông hỏi người đem ra rằng: Đem bánh gì ra đó? Trước khi bưng ra mẹ ông bảo nếu có hỏi nói bánh Không có. Người nhà liền bảo: Kính thưa Thái tử bánh không có.

Từ nhỏ đến lớn ông chưa từng nghe tiếng không có, nên khi ông nghe lấy làm ngạc nhiên nhảy xuống ngựa đến giở mâm ra coi bánh gì là bánh Không có. Khi ông giở ra thì thấy toàn là những bánh rất là lạ mùi hương thơm bay cả thành Ca Tỳ La Vệ, vị thật là ngon. Sở dĩ mà có chuyện phi thường như vậy là do nơi oai đức của ông làm phước thí trong kiếp quá khứ và ông nguyện rằng: Xin đừng cho ông nghe và biết tiếng Không có, vì vậy nên khi mẹ ông dạy bảo cho ông nghe rằng: Bánh không có. Chư Thiên nghe nói vậy lấy làm lo sợ vì oai đức ông, vì lời phát nguyện của ông, nên chư Thiên không thể để vậy được, nên đem thực phẩm để thay vào cho đầy mâm.

Riêng ông Anuruddha thì không biết gì về tiếng không có. Nên khi ông ăn bánh xong trở về cung, ông liền vào hỏi mẹ rằng: Mẹ ơi, từ hồi nào giờ chắc mẹ không thương con phải không mẹ?

Bà mẹ hỏi: Tại sao hôm nay con hỏi câu nầy? Mẹ thương yêu con cũng như thương yêu cặp mắt của mẹ vậy.

- Nếu mẹ thương con tại sao từ hồi nào đến bây giờ mẹ không làm bánh không có cho con ăn?

Bà lấy làm lạ mới hỏi tùng nhơn rằng: Có những gì trong mâm mà ngươi đã đem cho con ta?

- Tâu lịnh bà, trong mâm ấy có đầy bánh lạ, các thứ bánh ấy hạ thần chưa từng thấy trong hoàng cung nầy một lần nào.

Bà biết rằng con bà là bực đại phước đã có đào tạo nhiều phước khi xưa. Từ ngày ấy đi không bao giờ bà làm vật thực cho ông Anuruddha bà chỉ lấy mâm để vật thực và bảo là KHÔNG CÓ, khi giở mâm ra thì có nhiều thức ăn rất quí.

Khi ông Anuruddha nghe anh hỏi trong hai anh em ai đi xuất gia hầu Phật. Ông mới hỏi lại ông anh rằng: Làm thế nào gọi là xuất gia?

Ông Mahànàma nói: Phải cạo râu cạo đầu mặc cà sa khất thực, không được ngủ nơi sang trọng, tóm lại là bỏ cả những sự việc ở đời.

Ông Anuruddha mới nói rằng: Thưa hoàng huynh, em là dòng vua chúa cao sang quyền quí không sao xuất gia hành theo như lời anh đã dạy.

Ông Mahànàma nói: Nầy hoàng đệ, nếu vậy em phải học tất cả mọi việc làm phận sự của người tại gia. Em phải cáng đáng mọi việc trong gia đình để anh đi xuất gia.

- Thưa hoàng huynh, phận sự của người tại gia có những gì?

Sự thật nếu người không phải là đầu bếp thì không biết làm vật thực, cũng như ông Anuruddha từ bé đến trưởng thành mọi việc trong gia đình như ngoài xã hội đều do cha mẹ cáng đáng lo liệu, ông chỉ biết học văn võ và chơi thôi nên ông không biết gì ngoài ra học và chơi.

Ngày kia có ba vị Thái tử hội nhau lại bàn luận việc học và nhân việc ấy mới hỏi nhau rằng: Vật thực mà ta ăn đây từ đâu đem đến?

Ông Kimibila nói: Từ trong kho đến. Ông nói vậy vì ông trông thấy người thường vào kho đem vật thực ra làm đồ ăn.

Ông Bhaddiya nói: Từ trong nồi múc ra. Ông nói vậy vì ông thấy người nhà thường múc đồ vật thực từ trong nồi ra.

Ông Anuruddha : Có từ trên mâm vàng chén ngọc.

Cả ba ông cãi nhau không ngã ngũ vào đâu mới hỏi đến các bực Trưởng lão. Các vị ấy mới dạy rằng: Khi người có được hột cơm ăn ấy phải mất một thời gian lâu và rất nhiều công phu. Nào là phải cày ruộng, bừa ruộng, gieo mạ, cấy, gặt, đập đem về nhà phơi cho khô, xay giã rồi mới đem vào kho, khi cần đem từ kho ra nấu ở nồi xong mới múc ra chén ngọc mâm vàng. Đây còn chưa nói trong khi chưa ra lúa chưa đem về kho còn phải lo thiếu nước vì hạn hán, hay mưa nhiều lúa bị ngập. Tóm lại một hột cơm là một hột máu. Con người phải vất vả làm ăn lắm mới có cơm ăn áo mặc v.v...

Khi các ông nghe kể sơ qua cuộc sanh sống của con người phải khổ sở; các ông lấy làm kinh sợ và nói rằng. Công việc của người tại gia thật là nặng nề cực nhọc, công việc ấy làm không bao giờ hết và cùng, con người sống trong đời sống cơ cực khổ sở nầy; ít vui nhiều khổ, lo cho thân nầy không bao giờ biết đủ và cùng. Vậy ta là người tri túc có trí tuệ thì còn gì ham trong cuộc đời ô trọc đầy đau khổ nầy được.

Ông Anuruddha mới nói với anh là ông Mahànàma rằng: Hoàng huynh có bảo em rằng: Chuyện của người tại gia cư sĩ nhiều không sao kể xiết. Vậy xin hoàng huynh hãy ở tại gia làm người thế tục trong đời ô trọc nầy, còn em thì không còn lòng nào ham muốn địa vị vương hầu khanh tướng, lầu son gác tía nầy nữa. Em sẽ xuất gia tầm đường giải thoát khỏi trầm luân.

Rồi ông đến hầu mẹ và nói với bà rằng: Xin Mẫu hoàng cho phép con được đi xuất gia hầu Ph?t.

Bà khuyên ông rằng: Xuất gia phải khổ cực không có cơm ngon ăn, áo quần xinh đẹp mặc, không được an vui sung sướng như khi tại gia, đau ốm không người chăm nom săn sóc v.v... Ông nhất định xuất gia, bà cản ba lần không được nên đành cho ông xuất gia.

Ông mới đến dinh ông Bhaddiya , năn nỉ ông ấy xuất gia, vì ông Bhaddiya là bạn thân của ông, hai ông chơi với nhau khi còn bé đến trưởng thành. Ông Bhaddiya không bằng lòng nên ông mới hết sức năn nỉ đến bảy lần ông mới nhận lời.

Khi ấy ông mới rủ được năm vị dòng Thích Ca đi xuất gia với ông là sáu: 1) Bhaddiya, 2) Ananda , 3) Bhaggu , 4) Kimibila , 5) Đề Bà Đạt Đa (Devadatta).

Sáu ông lại rủ được người thợ cạo là U Ba Li cùng đi với là bảy vị cả thảy. Trong khi các vị đi có binh gia theo đưa thật là trang nghiêm. Khi đi đến nơi giáp giới xứ Mala các vị ấy cho quan quân trở về còn có các ông thì cởi cả cân đai châu ngọc cạo râu tóc xong gọi ông U Ba Li đến mà bảo rằng: Ông U Ba Li ơi, ông là một vị cận thần tín cẩn nhứt trong dòng của chúng tôi, hôm nay chúng tôi đi xuất gia, ông hãy mang những châu ngọc nầy về mà dùng, những châu ngọc nầy có thể giúp ông sống một đời an nhàn Trưởng giả.

Ông U Ba Li quì xuống nơi chân của các vị Hoàng tử khóc lóc tỏ lòng trung thành và thương mến, rồi xách của cải ấy trở về.

Trên đường đi về ông bỗng nghĩ rằng: Lẽ cố nhiên bọn vua chúa là hạng cương ngạnh, chỉ biết dùng uy quyền không biết gì hơn, khi bọn họ thấy ta mang châu ngọc của sáu vị Hoàng tử về thì tức nhiên sẽ nghĩ rằng: U Ba Li đã hạ sát sáu vị Hoàng tử để cướp lấy của cải tức nhiên ta không bị giết thì cũng vào ngục thất không sao khỏi. Hơn nữa sáu vị Hoàng tử dòng Thích Ca, dứt bỏ sự sang giàu quyền chức ngôi chúa tể mà ai ai trong thế gian nầy cũng đều mong ước không tí nào mến tiếc, như người đã nhổ nước bọt không hề mến tiếc rồi đi xuất gia. Vậy chính ta có của cải gì? Phải chăng là thân nô lệ nầy? Của ấy được bao nhiêu? Có giá trị tới độ nào? Tại sao ta còn mến tiếc đống nước bọt của người ta đã nhổ mà không đi xuất gia?

Sau khi nghĩ vậy, ông liền đem những châu ngọc ấy treo ở cành cây rồi la to lên rằng: Ai cần của cải nầy cứ lấy mà dùng, chủ nhân đã cho phép rồi.

Ông liền chạy theo sáu vị Hoàng tử và thuật lại những gì mà mình đã nghĩ cho sáu vị ấy nghe, rồi xin sáu vị vui lòng cho theo xuất gia để thoát khỏi bể trầm luân. Rồi cùng nhau đến nơi Phật ngự.

Trong khi ấy đức Thế Tôn đang ngự tại Anupiyavana ở xứ Mala. Khi bảy ông đến nơi Phật ngự đồng đảnh lễ. Sáu vị Hoàng tử đồng bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, chúng tôi là dòng Thích Ca, chúng tôi là những người mà ai ai cũng biết rằng: Rất nhiều lòng ngã mạn, ông U Ba Li lại là vị quan hầu. Vậy chúng tôi cầu xin đức Thế Tôn từ bi cho ông U Ba Li xuất gia trước chúng tôi, để ông là người cao hạ hơn đặng chúng tôi lễ bái kính trọng ông, hơn nữa ấy cũng là nhân làm cho chúng tôi diệt lòng ngã mạn.

Thật là lời châu ngọc mà khó tìm thấy ở những hạng người có tiếng là ngã mạn nhứt trong thời kỳ ấy nói ra.

Đức Thế Tôn nhận lời và cho các vị ấy xuất gia sau.

Sau khi xuất gia xong Đại Đức Bhaddiya đắc được ba cái minh trong hạ ấy. Ông Anuruddha đắc được thiên nhãn thông sau lại mới đắc A-la-hán khi nghe bài kinh Mahàpurisavitakkasutta. Đại Đức Ananda đắc Tu-đà-hườn quả. Đại Đức Bhagga và Kimibila hành Minh sát tuệ đắc A-la-hán quả. Riêng ông Đề Bà Đạt Đa không đắc được Thánh Quả nhưng đắc được thần thông.

Sau khi các vị Hoàng tử dòng Thích Ca xuất gia xong. Đức Thế Tôn ngự đi nhiều nơi để thuyết pháp độ đời, khi Ngài ngự đến thành Kosambhi, có rất nhiều tín đồ sùng bái cúng dường chư Tăng được nhiều lợi lộc.

Khi Đại Đức Ananda đắc quả Tu-đà-hườn xong. Đức Thế Tôn nghĩ đến chọn một vị đệ tử hầu Ngài, đức Thế Tôn không chọn phàm nhơn vì vị Tỳ khưu còn phàm phải cần hành đạo để đắc Thánh quả, còn nếu chọn vị A-la-hán thì không nên. Vì vậy từ khi thành đạo đến khi Đại Đức Ananda xuất gia không có vị Đại Đức hay vị Tỳ khưu nào chính thức hầu Phật. Khi có Đại Đức Ananda , đức Thế Tôn liền chọn ngay một vị đệ tử chánh thức theo hầu bên Phật luôn luôn. Nguyên nhân mà đức Thế Tôn chọn Ngài Ananda vì: Đại Đức Ananda có phát nguyện hầu Phật từ kiếp quá khứ được thọ ký và Ngài là vị Thánh hữu học nghĩa là vị Tu-đà-huờn giới hạnh trong sạch. Đức Thế Tôn liền hội Tăng lại để chọn vị đệ tử hầu cận, khi ấy tất cả chư Tăng đồng lòng chọn Đại Đức Ananda .

Khi được chọn làm đệ tử hầu cận, Đại Đức Ananda xin đức Phật tám điều là:

1) Xin đừng cho y phục tốt đến Ananda .

2) Xin đừng cho Ananda vật thực quí.

3) Xin đừng cho Ananda ở chung cùng một tư thất với đức Thế Tôn.

4) Xin đức Thế Tôn đừng đem Ananda theo hầu nơi nào mà người thí chủ chỉ mời đức Thế Tôn (ý nói không mời Ananda).

5) Xin đức Thế Tôn ngự đi đến nơi mà Ananda đã nhận lãnh lời thỉnh cầu của thí chủ.

6) Xin đức Thế Tôn cho phép Ananda được đưa tín đồ ở xa đến hầu đức Thế Tôn được vào hầu đức Thế Tôn.

7) Khi nào Ananda có điều nghi ngờ về pháp luật xin cho Ananda được vào hầu và hỏi.

8) Nếu đức Thế Tôn đi thuyết pháp nơi nào không có mặt Ananda khi về đến tư thất xin thuyết lại cho Ananda nghe.

Đức Thế Tôn liền phán hỏi: Ananda nầy, người thấy lợi và hại của tám điều mà người đã xin ấy, ra thế nào?

Đại đức Ananda đáp: Bạch đức Thế Tôn nếu tôi không xin bốn điều trước thì sẽ có người chỉ trích rằng: Sở dĩ mà Ananda hầu Phật hết lòng vì được lợi lộc như thế ấy, thì việc hầu hạ đức Thế Tôn cũng chẳng cực nhọc nào. Còn nếu tôi không xin ba điều sau thì người sẽ bảo nhau rằng: Ông Ananda hầu Phật để làm gì mà cũng không xin đức Thế Tôn cho phép chúng ta được chừng ấy. Còn tôi xin điều chót vì sẽ có người hỏi Ananda rằng: Pháp nầy đức Thế Tôn thuyết nơi nào? Nếu tôi đáp không xuôi, những người ấy sẽ chỉ trích rằng: Ngài hầu Phật mà chỉ chuyện nhỏ nhen như vầy cũng không biết, vậy mà là người theo kề bên Phật như bóng với hình, vì nguyên nhân trên mà tôi xin tám điều ấy.

Đức Thế tôn bằng lòng cho Đại Đức Ananda được như ý nguyện và nhờ nơi tám điều mà đức Ananda giúp cho nhiều vị Đại Đức hay tín đồ từ xa đến hầu Phật; mà cũng nhờ vậy mà Ngài xin cho bà Gotami xuất gia Tỳ Khưu ni được.

(Từ đoạn dưới đây đi tôi viết đúng theo Tạng Luật bộ Cullavagga dạy về đoạn Sanghabheda - chia rẽ Tăng).

Riêng Đại đức Bhadhiya ở nơi nào chẳng hạn Ngài thường nói: An vui thay! An vui thay! Có nhiều vị Tỳ khưu còn phàm nghe vậy lấy làm lạ mới vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, ông Bhaddiya nói như thế, chắc chắn rằng ông không thích hành phạm hạnh vì ông nhớ đến sự an vui của một vị đế vương của ông khi tại gia.

Đức Thế Tôn liền cho gọi Ông Bhaddiya đến hỏi rằng: Nầy Bhaddiya người có nói An vui hay không?

- Bạch đức Thế Tôn đệ tử có nói vậy.

- Tại sao ngươi lại nói câu ấy?

- Bạch đức Thế Tôn, khi đệ tử còn là vị Đế vương; có giáp sĩ túc trực hầu hạ, phòng vệ từ cung nội đến ngoại thành và cả mọi nơi trong xứ, mặc dầu sự canh phòng nghiêm mật như vậy mà đệ tử vẫn lo âu, luôn luôn phải đề cao cảnh giác. Nhưng hiện giờ đây đệ tử ở nơi cội cây, bóng mát, nơi hang sâu rừng thẩm hay ở nơi tư thất thanh tịnh hoặc nơi nào chẳng hạn, đệ tử vẫn không hề có chút lo âu sợ sệt chi, đệ tử nuôi mạng bằng vật thực bố thí của thí chủ, đệ tử ở nơi nào cũng tự do ví như thú rừng ở nơi rừng sâu. Vì đệ tử trông th?y quả báo như vậy nên mới nói an vui thay!

Nhân cớ ấy đức Thế Tôn liền dạy rằng: Người nào không có sự vọng động bên trong, bỏ cả sự tiến hóa và thối hóa không có sự kinh sợ lo âu thì người ấy không có sự kinh sợ lo rầu, tất cả chư Thiên đều muốn gặp người ấy.

(xin xem tiếp đoạn b, trang kế)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]