HỌC PHẬT
PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông
Phần 3: THỰC HÀNH
Ý Nghĩa Lễ Phật Đản
*
Mỗi năm vào ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch, nhằm ngày Rằm Tháng Tư âm lịch, các tín đồ Phật giáo cử hành lễ Phật Đản, để kỷ niệm ngày đức Phật đã giáng sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni (nay thuộc về nước Népal), năm 624 trước Tây Lịch, tương truyền ngay khi lâm phàm, thái tử Tất Đạt Đa bước đi bảy bước, trên bảy cái hoa sen, tượng trưng cho sáu đức Phật đã qua: Phật Tỳ Bà Thi (Vipacyin), Phật Thi Khí (Cikhin), Phật Tỳ Xá Phù (Visabhũ), Phật Ca La Ca Tôn Đại (Krakacchanda), Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kranahamouni), Phật Ca Diếp (Kacyapa) và Phật hiện tại là ngài, đức Thích Ca Mâu Ni (Cakyamouni).
Ngài dừng ở bước thứ bảy, rồi một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài nói rằng:
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhứt thiết chúng sanh
Sanh, lão, bệnh, tử.
Cho nên vào ngày Phật đản, các chùa thường thiết trí ảnh tượng Phật sơ sanh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, và vào buổi sáng sớm các chùa cũng thường cử hành lễ Mộc dục, tức là lễ tắm Phật, tượng trưng ngày ấy Phật giáng sinh cho nên tắm Phật. Người dự lễ có đức tin rằng mình tắm Phật, dâng lên đức Thế Tôn tấm lòng thành kính sẽ được phước đức, tin vào điều thiện sẽ gieo được chủng tử thiện thì rất quý.
Bài kệ trên, có vẻ đi ngược với tam pháp ấn :
- Chư hành vô thường.
- Chư pháp vô ngã.
- Niết Bàn tịch tĩnh.
Cho nên người ta giải thích rằng, ngã ấy chính là Phật tính mà hết thảy chúng sinh ai cũng đều có Phật tính như nhau, tu tập để làm cho Phật tính ấy ngày càng hiển lộ, để đạt đến quả vị Phật ấy mới là độc tôn.
Bài kệ theo kinh điển Nam Tông ghi tiếng Pali như sau:
Aggohamasmi lokasmim
Setthohamasmi lokasmim
Ayanca antimà jàti
Nathi dàti punabbhavo
Dịch nghĩa như sau:
Khắp trong ba cõi Ta bà,
Chỉ ta quý báu hơn là nhân thiên.
Kiếp nầy đoạn tuyệt căn duyên,
Dứt nguồn sanh tử triền miên luân hồi.
Là một vị thái tử, con vua Tịnh Phạn, nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài cũng có gia đinh, vợ con, nhưng Ngài đã nhìn thấy cảnh Sanh. Lão, Bệnh Tử đều là khổ mà mọi nguời không tránh khỏi, nên năm 29 tuổi, vào một đêm kia Ngài rời bỏ vợ con, cung vàng, điện ngọc để đi tìm chân lý, giải thoát mọi khổ đau của kiếp nhân sinh.
Sau sáu năm khổ hạnh nơi rừng già, Ngài đã thiền định dưới gốc cây bồ đề, ròng rã nghiêm mật bốn mươi chín ngày đêm, cuối cùng Ngài đã tìm ra Chân lý, trở thành bậc đại giác ngộ. Nguời đời tôn xưng Ngài là đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Rồi Ngài đem sự giác ngộ ấy, dạy cho mọi nguời để tu tập, thực hành hầu giải thoát mọi khổ đau, tiến lên chứng quả vị toàn giác như Ngài.
Tu tập theo con đường của Ngài chỉ dạy, từ đó đến nay biết bao nguời đã chứng quả A La Hán, Bồ Tát và Phật quả, nhưng chỉ có đức Di Lặc, trong tương lai sẽ thị hiện để thay thế Ngài chưởng quản quần sanh.
Ngày Phật Đản, mọi nguời con Phật đều thành tâm tưởng niệm đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vì hồng ân Ngài đã mở đường chỉ lối cho chúng ta biết con đường chân chính để đi đến Niết bàn tịch tĩnh, thoát khỏi luân hồi và nguyện cầu cho mọi nhà an lạc, Thế giới hòa bình.
Nam Mổn Su Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mổn Su Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mổn Su Thích Ca Mâu Ni Phật.