Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Lời Giới Thiệu của HT. Thích Thiện Siêu cho ấn bản tại Việt Nam

07/10/201115:10(Xem: 8572)
2. Lời Giới Thiệu của HT. Thích Thiện Siêu cho ấn bản tại Việt Nam

Tìm hiểu
TRUNG LUẬN
NHẬN THỨC LUẬN &
KHÔNG TÁNH TRUNG QUÁN LUẬN
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (Phật lịch 2544)


2. Lời Giới Thiệu của HT. Thích Thiện Siêu cho ấn bản tại Việt Nam

Không luận là nội dung rốt ráo nhất trong Nhận thức luận của Phật giáo. Không tánh là nội dung cốt lõi của Không luận. Trình bày Nhận thức luận Phật giáo để rồi phân tích Không tánh của Không luận, tức Trung Quán Luận là hai phần chính của tác phẩm "Tìm hiểu Trung Quán Luận: Nhận thức và Không tánh" của Hồng Dương Nguyễn Văn Hai.

Đạo hữu Hồng Dương Nguyễn Văn Hai vốn là một nhà giáo dục, tốt nghiệp Tiến sĩ Quốc gia về Toán học tại Sorbonne, Paris, từng giữ chức Hiệu trưởng trường Quốc Học Huế, Giám đốc Học chánh Trung và Cao nguyên Trung phần Việt Nam, Phó Viện trưởng kiêm Khoa trưởng Đại học Khoa học Viện Đại học Huế, Phó Giám đốc Trung tâm Liễu Quán của Phật giáo Huế. Sau đó, Đạo hữu định cư tại Hoa Kỳ và từ năm 1975, là Giáo sư tại Đại học Kentucky. Từ năm 1995, Đạo hữu đã để tâm nghiên cứu chuyên sâu các đề tài Phật học mà nhiều chục năm qua Đạo hữu đã lưu tâm nghiên cứu. Tác phẩm này là phần đầu trong ba phần của một công trình lớn hơn mà tác giả đang nỗ lực hoàn tất, "Tìm hiểu Trung Quán Luận".

Phân tích, trình bày về Trung Quán Luận của Bồ tát Long Thọ là một công việc vô cùng khó khăn bởi vì đây là một trong những bộ luận đặc sắc nhất, lại khó hiểu nhất của Phật giáo. Về căn bản, tác giả có điều kiện tốt để làm công việc này; trước hết, Đạo hữu là một Phật tử chân thành, có niềm tin vững chắc và kiến thức vững vàng về Phật học; lại nữa, Đạo hữu lại là một nhà Sư phạm, nhà Toán học uyên thâm. Trước tiên người đọc dễ dàng nhận thấy tác phẩm có một cấu trúc hợp lý: về Nhận thức luận, tác giả bàn đến ngôn ngữ, biện chứng, đến tính biện chứng siêu việt của Phật giáo, đến lý Duyên khởi; kế đến là Nhận thức luận Phật giáo với Duy thức luận, với phương pháp tư duy biện chứng, đối tượng và hình thái tư duy, đặc biệt về phương pháp luận lý của Nhân minh luận và sau cùng là trở lại vấn đề ngôn ngữ, biện chứng, quan điểm nhận thức và phương pháp tư duy của Trần Na, Thiên Chủ, lấy khiển trừ làm căn bản cho phương pháp giảm trừ (reduction) để tiến đến phương pháp phủ định rồi phủ định tuyệt đối, siêu việt của Long Thọ. Đây cũng là phần chuyển tiếp hợp lý cho phần thứ hai, Không tánh Trung Quán Luận.

Phần thứ hai này rất quan trọng, là nội dung và chủ đề chính của quyển sách. Qua đó, tác giả trình bày về chủ đích của Trung Quán luận, về hai cấp độ của Không tánh, từ Tục đế khả thuyết đến chân đế vô ngôn của cái thực tại vô cùng vi diệu này. Từ đó, tác giả trình bày về biện chứng pháp Trung quán như là một phương pháp đúng đắn nhất để nhận thức thực tại bao gồm một chuỗi phủ định, đi dần đến cái Không của chân thực. Trong chuỗi tư duy để đi đến nhận thức, hành giả phải đối đãi với tứ cú, của bốn cách nhận định đối tượng, vốn phải được đối đãi bằng một phủ định, rồi một phủ định của phủ định và liên tục như thế. Đến đây, tác giả phân tích ý nghĩa của mười ba bài tụng chủ yếu của Trung Luận, một trình bày về cách nhận thức đúng đắn dựa trên phương pháp tư duy biện chứng của phủ định, để đi đến cái Không tối hậu, cái Không với sự phủ định chính nó. Xuyên suốt ý nghĩa Không này luôn luôn là ý nghĩa phủ định, đó là ý nghĩa của "pháp nhĩ như thị", mọi sự vật vốn là không cho nên phủ định chúng là một phủ định, đồng thời không phủ định gì cả, và từ đó, tinh thần vẫn là "vậy mà không phải vậy". Đây là nhị lý của kinh Kim Cang vậy. Và như vậy, tuy đã được phân tích chi li, Không tánh vẫn có thể bị hiểu lầm, bị vi phạm trong tư duy với chất liệu hữu vi. Tác giả thận trọng bàn về "Cái còn lại" trong Không tánh và trưng dẫn kinh Tiểu Không, Lăng già, Luận Duy thức, Luận Đại trí độ để hiểu cái còn lại dây là cái còn lại khi đối tượng bị phủ định, tiến đến ý nghĩa của Chân không Diệu hữu siêu việt khỏi tư duy luận lý.

Tác giả đã nỗ lực tối đa để trình bày Nhận thức luận Phật giáo về Không tánh, lấy nguyên lý Duyên khởi làm cốt lõi, làm căn bản để phân tích Không tánh theo như chỗ y cứ của ngài Long Thọ. Tác giả đã luận giải về một luận giải bằng một hình thức diễn đạt mới, kết hợp chất liệu của kinh luận Phật giáo với của triết học qua ngôn ngữ toán học, vật lý học ... Nỗ lực này của tác giả đôi chỗ có thể không thích hợp với một số độc giả, thậm chí bị xem là gây rắc rối cho một vấn đề rắc rối, hay có chỗ bị xem là rườm rà. Nhưng đối với đông đảo độc giả, tấm lòng chân thật, kiến thức sâu rộng và có cách trình bày mới mẻ, khoa học của tác giả thật đáng trân trọng. Tác phẩm bổ sung cho kiến thức và phương pháp tư duy của người Phật tử trên bước đường tu tập giáo lý giải thoát của đức Phật.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế nhận thấy đây là một tài liệu nghiên cứu phong phú về nội dung và khúc chiết, sáng sủa về hình thức, cần thiết cho giới nghiên cứu Phật học và nhất là cho các Tăng Ni sinh của Học viện tại Huế và các Học viện khác, do đó, đã xin được đứng ra thực hiện các thủ tục xuất bản, ấn hành tác phẩm giá trị này và đã được tác giả thuận ý.

Xin cảm ơn Đạo hữu Hồng Dương Nguyễn Văn Hai và trân trọng giới thiệu tác phẩm đến chư độc giả.

Huế, Trọng Xuân Tân Tỵ, 2001

Hoà thượng Thích Thiện Siêu

Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567