HT Thích Thanh Từ
TẬP 1
3. THIỀN SƯ HUYỀN GIÁC ở Vĩnh Gia (665 - 713)
Sư họ Đới, quê ở Vĩnh Gia Ôn Châu, xuất gia từ thuở nhỏ. Sư xem khắp ba tạng Kinh, trí đức viên mãn, trụ trì chùa Hưng Long. Sư tinh thâm về pháp môn Chỉ Quán của Đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai, trong bốn oai nghi lúc nào cũng khế hợp thiền quán. Thấy cạnh chùa dưới sườn núi có cảnh đẹp, Sư bèn xuống cất một Thiền am, lưng tựa ngọn núi xanh, hông kề dòng suối trong. Sư sống một đời thanh đạm, không hề nghĩ đến việc thế tục.
Sư nhân xem kinh Duy-ma phát minh được tâm địa. Gặp đệ tử của Lục Tổ là Thiền sư Huyền Sách, hai bên nói chuyện nhau đều thích hợp chư Tổ. Huyền Sách hỏi:
- Nhân giả đắc pháp nơi thầy nào?
Sư đáp:
-Tôi nghe trong các kinh luận Phương Đẳng mỗi vị đều có thầy trò trao truyền. Sau xem kinh Duy-ma ngộ được Tâm tông, mà chưa có người chứng minh.
Huyền Sách bảo:
-Từ đức Phật Oai Âm Vương về trước, không có thầy chứng minh thì được. Từ đức Phật Oai Âm Vương về sau, không thầy tự ngộ đều là ngoại đạo thiên nhiên.
Sư nói:- Xin nhân giả vì tôi chứng minh.
Huyền Sách bảo:
-Lời nói tôi nhẹ lắm. Ở Tào Khê có Lục Tổ Đại sư bốn phương học giả tụ họp về thọ pháp, nếu nhân giả muốn đi thì tôi cùng với. Sư bèn theo Huyền Sách đi đến Tào Khê.
Đến nơi, Sư tay cầm tích trượng vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi:
- Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức là người phương nào đến, mà sanh đại ngã mạn như vậy?
Sư thưa:- Sanh tử là việc lớn, vô thường quá nhanh.
Tổ bảo:- Sao không ngay nơi đó thể nhận lấy vô sanh, liễu chẳng mau ư?
Sư thưa:- Thể tức vô sanh, liễu vốn không mau.
Tổ khen:- Đúng thế! đúng thế!
Lúc đó đại chúng nghe nói đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Chốc lát sau Sư xin cáo từ.
Tổ bảo:- Trở về quá nhanh!
Sư thưa:- Vốn tự không động thì đâu có nhanh.
Tổ bảo:- Cái gì biết không động?
Sư thưa:- Ngài tự phân biệt.
Tổ bảo:- Ngươi được ý vô sanh rất sâu.
Sư thưa:- Vô sanh có ý sao?
Tổ bảo:- Không ý, cái gì biết phân biệt?
Sư thưa:- Phân biệt cũng không phải ý.
Tổ khen:- Lành thay! lành thay!
Sưở lại đây một đêm để hỏi thêm đạo lý. Sáng hôm sau, Sư cùng Huyền Sách đồng xuống núi trở về Ôn Giang. Thời nhân gọi Sư là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ).
Từ đây về sau, học chúng bốn phương tìm đến tham vấn Sư thật đông. Sư được tặng hiệu là Chơn Giác Đại sư.
Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên thứ hai (713 T.L.) ngày mười bảy tháng mười,tại viện riêng ở chùa Hưng Long, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ bốn mươi chín tuổi. Vua sắc ban là Vô Tướng Đại sư, tháp hiệu Tịnh Quang.
Tập Chứng Đạo Ca và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ do Sư trước tác, sau này mônđồ là Ngụy Tinh làm Thích sử Khánh Châu, góp lại làm thành mười thiên gọi là Vĩnh Gia Tập.