Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Đêm nghe tiếng chuông chùa Tam Bảo

07/08/201102:51(Xem: 11202)
2. Đêm nghe tiếng chuông chùa Tam Bảo

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG
Trần Kiêm Đoàn

2. Đêm nghe tiếng chuông chùa Tam Bảo

Ngày 30 - 7- 2011

 

chuatambao-baton-rouge-smChùa Tam Bảo được xây dựng trên một rừng sồi xanh (live oaks) rộng hơn 4 mẫu Tây. Những cây sồi cổ thụ tuổi cả trăm năm, vươn cành che bóng nắng như những cây đa cao ngất từng xanh. Với người Việt thì đây là một ngôi chùa có tên Tam Bảo; nhưng người Mỹ lại biết đến nơi nầy như một trung tâm Thiền (Meditation Center). Lối kiến trúc cũng mang một tinh thần “Thiền Tịnh song tu” như thế. Cũng mái cong nhiếp tính âm dương, cũng cổng tam quan chánh phụ tương hòa nhưng những đường nét và bài bản kiến trúc cổ điển truyền thống như “song long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu, long ly quy phụng” thì lại rất mờ nhạt, hầu như không xuất hiện rõ mặt ở nơi nầy. Dáng uy nghi và mạnh mẽ từ cổng tam quan đến chánh điện; từ bảng tên chùa cho đến bệ thờ đức Phật của tổng thể kiến trúc đã làm cho cái nhìn đầu tiên của khách hành hương viếng chùa không trôi vào lối mòn của thế giới chùa viện cổ điển trên quê hương. Tầm nhìn trôi vào nẻo khác. Nẻo về của “sông chảy vào lòng nên đáy rất sâu.”

Đêm đầu tiên ở lại tại Chùa, tôi được ăn bữa cơm chay chiều không sửa soạn vì thức ăn buổi trưa vẫn còn. Tối lại, dự khóa lễ thường xuyên hàng ngày mở rộng cho mọi người, tôi có một cảm giác là lạ trong suốt hơn nửa giờ ngồi xếp bàn yên lặng định tâm – mà nói cho nó “sang” là bán già thiền định – tôi nghe được tiếng chuông chùa. Chuông đánh lên thì ai mà chẳng nghe. Nhưng thường khi, tiếng chuông gióng lên được nửa chừng thì tắt vì lỗ tai người nghe đã đầy ắp. Còn có khoảng trống nào đâu để dung nạp âm vang ngân vọng của hồi chuông cho trọn vẹn. Dư âm nhỏ mềm và uốn lượn của tiếng chuông ngân sẽ tràn ra để nhường chút khoảng trống hiếm hoi nào đó cho tiếng mõ, tiếng tang, tiếng quả lắc; có khi còn thêm tiếng trống, tiếng gõ nhịp trên thành chuông, vành trống nêm vào chật ních.

Thời kinh tối ở chùa Tam Bảo tương đối ngắn. Thời gian quỳ gối chưa quá 2 phút và bái lạy không quá nhiều. Nhưng dài nhất là thời gian tĩnh lặng định tâm. Hầu hết thời gian hành lễ không có sự “mê theo” tiếng tán xếp, tán rơi mà chủ yếu là đọc, hiểu và tin kính. Đồng tụng tối nay là một bài kệ thuần Việt trích từ phần phụ lục của Nghi thức Tụng Niệm giúp làm cho thêm trong sáng ý nghĩa của phẩm kinh Hán Việt Phổ Môn. Đó là bài kinh cầu an quan trọng nhất trong tín lý Đại Thừa; tuy vẫn tụng hằng ngày nhưng ít người hiểu trọn vẹn Phổ Môn Phẩm, tương tự như Bát Nhã Tâm Kinh, Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

Một tâm lý chung rất thông thường là có hiểu mới biết quý; có thấm mới biết thương. Kinh văn tối tăm không hiểu nghĩa mà tụng đọc hằng ngằy để quý và thương là... thương vay quý mướn. Không thật!

Một thời nghi lễ đi qua mà còn lưu lại trong tâm thức người đã dự khóa lễ những khoảng không gian tĩnh lặng của chiêm nghiệm và tin kính là một thành công của vị trú trì chủ lễ. Người đến chùa dự lễ dẫu có bề dày tu học đến đâu cũng thường ở thế bị động. Ngưởi chủ lễ là nhạc trưởng của một dàn đại hợp xướng về nghi lễ.

Sau khóa lễ chiều, tôi trở về phòng nghỉ. Căn phòng nhỏ không có gì ngoài cái giường vải bố dã chiến, chiếc gối đơn sơ và một tấm mền mỏng vửa đủ đắp kín hai phần người. Đơn giản quá nên tôi không bị thứ tâm lý hưởng thụ hay kiểu cách thư giản hoa hòe tới quấy phá. Ở chùa cũng có những nhu cầu không khác ngoài đời: Cũng ăn, cũng mặc, cũng ngủ. Nhưng ngày xưa các bậc minh sư đã dạy: “Sung tài, đạo tán.” (Lắm tiền thì tan đạo.)Và, khuyên nên “Tam thường bất túc”. Nghĩa là phải để cho cái ăn, cái mặc, cái ngủ thiêu thiếu một chút thì đời sống mới thăng hoa về mặt tinh thần.

Đêm về, một chút thao thức đến với tôi vì hồi chiều uống liên tiếp mấy bình trà đậm với thấy Trú trì. Bốn bức tường trống trơn, đôi mắt ngấm nước trà ráo hoảnh. Nhìn đâu cũng chẳng thấy gì. Bụng êm ả không một chút quậy cựa, co thắt vì thịt cá. Cảm giác ngây ngây bia rượu thường ngày của những buổi chiều tối cũng không. Nằm trên giường bố vừa đủ ngã lưng. Vừa nhắm mắt lại để dỗ dành “giấc ngủ nước trà” thì mới cảm nhận cái thân xác “an phận” của mình trãi ra xa. Một thân xác mà phải chứa nhiều chất kích thích và bổ dưỡng sung mãn quá thì phải co lại mà đối phó với phản ứng sinh lý tự nhiên, làm gì còn chỗ cho Chánh Niệm hiện tiền.

Một chút gì thiêu thiếu giữa đêm khuya ở chùa Tam Bảo. “Tam thường bất túc” chăng?!

Tôi nghe như nguồn suối của tâm mình trải dài xa tít tắp. Khi thân tâm chẳng bị cột trói vào những giới hạn đời thường, không gian bên trong sẽ lớn lên vô hạn. Những thiền âm nội kết sẽ không còn bị che chắn mà vang vọng tới cõi vô cùng. Tôi nghe từ trong sâu thẳm của lòng mình có tiếng chuông đêm từ khóa lễ hồi chiều tối, vẫn còn ngân vọng u trầm.

Tiếng chuông là phương tiện thiện xảo của cửa thiền để mở ngõ vào đời sống tâm linh. Chuông không cầu, không chấp, không vọng, không trì. Tiếng đại hồng chung(chuông lớn) treo trên gác chuông đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không. Tiếng trung thính chung(chuông vừa) trên bàn kinh đưa tập thể đạo tràng vào lễ nghi bái niệm. Tiếng tiểu văn chung(chuông nhỏ) giúp từng cá nhân tự mình an trú trong giới hạn hay phối hợp nhịp nhàng với tập thể thiền nhân.

Tiếng súng của cuộc chiến trên quê hương đã im từ hơn 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn còn nổ lách tách, đì đùng đâu đó trong hoài niệm và trong lòng người. Sống cho quá khứ là chối bỏ hiện sinh. Tiếng súng muộn màng sau một cuộc chiến đã tàn thường là ngôn ngữ của hận thù, chối bỏ. Tiếng chuông là biểu tượng của yêu thương, tìm về. Lời ca đầy Bóng Mát của Phạm Thế Mỹ vẳng tới cùng với tiếng chuông đêm giữa quê người thao thức: “Bởi thương tôi, bởi thương em, bởi yêu em, nên ghét hận thù.”Người không thương chính mình trước thì sẽ không thương ai, yêu ai được cả. Có thương mình mới thương em, yêu em. Em là em, là bạn, là người thân, là hơi thở, là tiếng chim, là cây cỏ, là trăng sao mỗi ngày, mỗi đêm thường gặp. Với đạo Phật, làm được thân người thật khó. Trăm nghìn vạn kiếp sinh diệt nổi trôi mong gì một lần gặp lại kiếp người – bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ – nên thử lắng lòng nghe tiếng chuông. Chuông ngân như một cuộc hành hương từ chốn phong ba về vùng rỗng lặng: Tu (?!). Tu là tập sống làm người. Hướng một kiếp người gió bụi, nổi trôi về với ái hòa, an lạc.

Louisiana, chùa Tam Bảo.
Trần Kiêm Đoàn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]