Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

29. “Cỡi lưng cọp”

19/07/201114:19(Xem: 5989)
29. “Cỡi lưng cọp”

TIỂU SỬ CỦA KRISHNAMURTI
Krishnamurti's biography by Pupul Jayakar
Lời dịch: Ông Không
Tháng 4-2011

PHẦN 5

THAY ĐỔI TẦM NHÌN

1962-1977

CHƯƠNG 29

“Cỡi lưng cọp”

L

ần đầu tiên tôi gặp Indira Gandhi năm 1931 tại Anand Bhwan, nhà gia đình bạn ấy tại Allahabad. Tôi mười sáu, bạn ấy mười bốn. Tôi đang yêu, những ngọn lửa bùng cháy trong một thị trấn cổ đó; nhưng tôi nhớ Indira lại mong manh, kín đáo, một cô gái trẻ giản dị đến mức khắc khổ đang sống trong những không gian khép kín của sự tưởng tượng. Tôi tiếp tục gặp bạn ấy nhiều năm tại nhà người cô của bạn ấy, Krisna Huthheesing. Chính ở Bombay mà người con trai của bạn ấy Rajiv được sinh ra ngày 20 tháng tám năm 1944, sau khi tôi đến sống ở Delhi, Indira và tôi trở thành bạn bè. Bạn ấy là người tiếp khách chính thức của người cha, Thủ tướng Jawaharlal Nehru, và họ sống tại Teen Murti House, nơi cư ngụ của Commander-in-Chief trước độc lập.

Indira tiếp tục núp sau một vẻ ngoài cách biệt; một con người háo hức, nhạy cảm, bạn ấy phù hợp với những khác thường, với con người, và với những sự kiện trong thế giới bên ngoài. Krishnaji và những lời giảng của anh là một phần trong sự tồn tại thức giấc của tôi, và tôi thường nói với bạn ấy về sự hiểu rõ về chính mình và sự nhận biết. Chỉ khi những rào cản không còn nữa thì bạn ấy mới bắt đầu hỏi tôi về bản chất của sự hiểu rõ về chính mình và về một quan sát mà không có người quan sát. Bạn ấy rụt rè kể về sự nhận biết được mài bén riêng của bạn ấy. Trong khi còn nhỏ, bạn ấy thấy mình đang quan sát mình nói; thấy những sự vật đằng sau bạn ấy; nhận biết được những sự kiện bạn ấy không thể thấy; thường trải nghiệm sự nhận biết thuộc giác quan lạ lùng. “Bạn biết con đường nhận biết của Huxley?” bạn ấy nói. “Tôi thấy thế giới bằng cùng sự mãnh liệt, nhưng giấu giếm những nhận biết của tôi, bởi vì mọi người chế nhạo tôi và không hiểu rõ.”

Từ niên thiếu bạn ấy cảm thấy bạn ấy có thể “chết đuối trong màu sắc.” Trong nhiều năm một màu sắc nào đó sẽ tràn ngập bạn ấy. Những màu đỏ rực, mọi màu cam, và những màu hồng mờ mờ gợi lên những phản ứng sâu thẳm. Vàng và xanh lơ đánh thức năng lượng, xanh da trời là cảm giác xa lạ.

Khi bạn ấy trở thành Thủ tướng năm 1966, sự nhạy cảm của bạn ấy giảm sút.

Gặp gỡ đầu tiên với Krishnaji của Indira tại bữa ăn tối ở nhà tôi vào cuối những năm 1950. Indira có vẻ ngần ngừ và rụt rè khi nói. Krishnaji cũng rụt rè, nhưng mau mắn kể về những giai thoại. Một câu chuyện về Zen khiến bạn ấy thích thú nhiều lắm. Hai thầy tu Phật giáo đến bờ một con sông và thấy nước chảy rất khó lội qua. Một phụ nữ đang đứng chờ trên bờ và cô ấy nài nỉ họ giúp băng qua sông, bởi vì còn có con cái ở nhà và chúng đang đói. Một thầy tu từ chối, người thầy tu còn lại nhấc bổng cô ấy lên và băng qua sông, cõng cô ấy trên lưng. Khi họ qua sông rồi và bắt đầu hướng đi của họ, người thầy tu đầu tiên phản ứng om sòm. Anh ấy kinh hãi khi một thầy tu lại chạm vào một phụ nữ, huống chi còn cõng cô ấy trên lưng. Người thứ hai hướng về anh ấy và nói, “Bạn có ý bạn vẫn còn cõng cô ấy trong cái trí của bạn? Tôi đã bỏ lại cô ấy trên bờ sông lâu lắm rồi.”

Mùa đông năm 1970, Krishnaji đến ăn tối tại căn hộ của tôi, Indira Gandhi, Kara Singh của Kashmir, em tôi Nandini, G. Parthasarthi[4], và Jim George, cao ủy Canada, có mặt. Nói chuyện ở bàn chuyển đến giới trẻ của thế giới. Giới trẻ ở phương Tây đang phản kháng, không còn chấp nhận những “nhiều hơn nữa” của cha ông họ, đã phủ nhận tất cả sự an toàn, và trở thành những người lang thang – đi đến những quốc gia xa xôi, chia sẻ, hút hashish, đập nát mọi cấm đoán, quan sát và thưởng thức thế giới. Một người tại bàn ăn hỏi, “Tại sao giới trẻ ở Ấn độ quan tâm đến sự an toàn?” K nói về một chủ nghĩa vật chất đang gia tăng ở Ấn độ; chúng tôi bàn luận về sự kiện giới trẻ ở Ấn độ dường như đang mất dần đi những gốc rễ của họ, hướng về phương Tây thịnh vượng cho những nhu cầu phía bên ngoài và phía bên trong của họ. Krishnaji hỏi, “Tại sao có sự thoái hóa này ở Ấn độ trong tất cả mọi mức độ của xã hội?”

Indira lắng nghe, nhưng ít khi nào mở lời. Karan Singh trong một tâm trạng tinh nghịch, và hỏi Krishnaji, “Liệu đúng thực rằng không người chính trị nào có thể nhận biết sự thật?” Indira đang lắng nghe, và sau đó viết cho tôi:

Cám ơn bạn về buổi tối lý thú.

Như thường lệ, thức ăn ngon lắm. Tôi phá vỡ quy luật chỉ ăn món salad đêm và đã ăn quá nhiều!

Tôi rất vui khi có cơ hội gặp lại Krishnaji. Những ý tưởng của anh ấy luôn luôn khơi dậy sự quan tâm. Sau một lúc có vẻ như thể chúng tôi đang chất vấn anh ấy. Nhưng liệu tình huống giới trẻ phản kháng ở Mỹ hay Pháp có thể giống như tình huống ở đây? Trong những quốc gia này, nhiều người trẻ ở trong những gia đình giàu có và có thể dư thừa thời gian ngồi ở bãi biển và tư duy. Ở Ấn độ, những bó buộc nhiều lắm – kiếm sống, nuôi gia đình. Bởi vì gia đình của tôi và những hoàn cảnh đặc biệt nơi tôi lớn lên, trải nghiệm cá nhân của tôi cũng hoàn toàn khác hẳn trải nghiệm của những người khác. Nhưng nếu tôi nói như thế, có vẻ như thể tôi đang tự tách rời mình. Đây chỉ là đang suy nghĩ lung tung.

Chắc chắn Indira không tạo ra ấn tượng đặc biệt nào cho Krishnaji. Anh không bình phẩm gì về sự gặp gỡ của họ. Tôi rời Ấn độ để đi Châu âu và Mỹ vào đầu tháng sáu năm 1975. Khi ở Paris, tôi nghe về quyết định của Tòa án Tối cao Allahabad rằng cuộc tuyển cử của Indira Gandhi đã bị tuyên bố không hợp luật và không có giá trị do bởi điều gì có vẻ là một vấn đề luật pháp, và bạn ấy bị tước quyền ứng cử trong sáu năm. Tờ Times, bình phẩm về nó, đã so sánh nó với một “vi phạm chỗ đậu xe.” Điều không thể tin được đã xảy ra và không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Khi ở Anh, tôi đến ở tại Brockwood với Krishnaji. Anh rất lo ngại cho tương lai của Ấn độ. Chúng tôi có những nói chuyện lâu. Indira Gandhi đang kháng án về quyết định của tòa án và được đồng ý cho ở lại chức vụ; bạn ấy có thể tiếp tục nắm giữ văn phòng của Thủ tướng nhưng không thể bầu cử trong Lok Sabha Nghị viện,bởi vì bà không còn là một nghị viên. Báo chí Anh náo động bởi sự phỏng đoán liệu bạn ấy sẽ từ chức trước khi đơn kháng án được giải quyết.

Một ngày sau khi tôi đến New York, một tình trạng khẩn cấp được tuyên bố ở Ấn độ và tin tức về những bắt giữ đã đến chúng tôi. Ở xa, và không có bao nhiêu tiếp cận đến những thông tin chính xác, chúng tôi nghe những đồn đại rằng nội chiến đã bắt đầu. Tôi đi đến Văn phòng Thường trực Ấn độ và cố gắng liên lạc với Indira Gandhi. Ngạc nhiên thay, điện thoại có thể kết nối với bạn ấy, và chúng tôi nói chuyện. Tôi kể với bạn ấy về những đồn đại và không có tin tức chính xác ở đây. Bạn ấy cố gắng cam đoan với tôi; một tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố, bạn ấy nói, và nhiều người, kể cả Jai PraKash Narain và Morarji Desai đã bị giam giữ. Bạn ấy kể cho tôi rằng có một đe dọa của bạo lực lan tràn, và nhấn mạnh rằng sự khủng hoảng này chỉ trong một thời gian ngắn.

Tôi đã không đến Gstaad để gặp Krishnaji trong chuyến quay về Ấn độ, và cũng không gọi điện thoại cho anh từ London. Tôi rất hoang mang và biết rằng Krishnaji sẽ buồn lắm bởi những biến cố ở Ấn độ.

Ở Delhi, nhiều người nói với tôi về sự khủng hoảng – một ít người ủng hộ, vô số người tức giận và phản đối mạnh mẽ. Sợ hãi và căng thẳng đang gia tăng. Tôi gặp Indira tại Nghị viện, tôi nói về bầu không khí đang lan tràn và sự đau khổ của tôi vì rằng việc này lại xảy ra trong một chính phủ mà bạn ấy là người đứng đầu. Bạn ấy lắng nghe rất cẩn thận và trả lời rằng tôi không thể biết được mức độ của bạo lực vốn có sẵn trong tình huống này cũng như của những nguy hiểm, trong nước cũng như ngoài nước, mà quốc gia này gặp phải. Bạn ấy kể về cuộc đình công xe lửa năm ngoái, mà đã châm ngòi cho bạo lực và không-ổn định.

Bạn ấy cũng kể về phong trào Cách mạng Tổng thể của Jai Prakash Narain, mà vô số những người trẻ đã tập hợp. Thoạt đầu là chủ trương không-bạo lực, đến năm 1975 nó đã bị phá hoại bởi nhiều yếu tố không mong muốn. Bạn ấy nói, Jai Prakash là một người lý tưởng và có vẻ hoàn toàn không nhận biết được sự nguy hiểm. Nhưng nếu những lực lượng này được cho phép củng cố vị trí của chúng, quốc gia này sẽ phải đối diện với thảm họa.

Tôi chờ đợi tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ vào ngày 15 tháng tám – ngày Độc lập – và đi đến Red Fort[5] để nghe bạn ấy nói chuyện. Nhưng ngay trước khi bạn ấy xuất hiện trên Red Fort bạn ấy nhận được tin tức vụ ám sát ở Dacca vị tổng thống đương nhiệm của Bangla Desh Mujib-ur-Rehman và gia đình của ông, gồm cả cậu con trai còn rất trẻ. Tất cả những sợ hãi và những lo âu nằm im lìm của bạn ấy được đánh thức dậy. Bạn ấy chắc chắn rằng những vụ ám sát là thành phần của một âm mưu chính để làm mất ổn định tiểu lục địa và rằng bạn ấy, những người con trai và những người cháu của bạn ấy sẽ là mục tiêu kế tiếp. Tình trạng khẩn cấp được tiếp tục cùng những kết quả bi thương của người cai trị lẫn người bị trị.

Chẳng lâu lắm, tôi nhận được một lá thư từ Krishnaji:

Tôi đang viết cho bạn về một vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ đối với cá nhân bạn nhưng còn cả như chủ tịch của K. F. India. Từ những tường thuật khác nhau trong những tờ bảo ở Mỹ, Anh, và Pháp có vẻ rằng Ấn độ đã trở thành một “chính thể chuyên chế,” hàng ngàn người đang bị tù đầy, tự do ngôn luận và tự do báo chí hầu như bị khóa chặt. Tôi không biết vị trí của bạn là gì? Foundation không làm chính trị và không được quyền liên kết nó với bất kỳ nhóm người chính trị nào, phe tả hay phe hữu. Tôi muốn hỏi bạn vị trí của K là gì nếu và khi anh ấy đến Ấn độ, biết rằng anh ấy sẽ nói về tự do tại mọi mức độ, mà K đã và đang thực hiện trong tất cả những nói chuyện ở đây, tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do diễn tả. Và nếu anh ấy nói chuyện tại những gặp gỡ trước công chúng, họ chắc chắn sẽ đặt ra những câu hỏi nào đó và anh ấy sẽ phải trả lời chúng. Anh ấy cảm thấy anh ấy không thể sửa đổi điều gì anh ấy nói vì bất kỳ lý do nào, để phù hợp vào bất kỳ chính phủ hay bất kỳ nhóm người nào. Anh ấy đã không làm như thế trong quá khứ, anh ấy không thể tự-giới hạn mình vào những mệnh lệnh của bất kỳ nhóm người nào, thuộc chính trị hay không. Anh ấy không thể tự-cho phép mình bị bỏ vô tù hay bị ngăn cản không được rời quốc gia sau khi anh ấy đến. Tôi cũng muốn vạch rõ rằng K sẽ không chấp thuận bất kỳ những ân nghĩa đặc biệt nào hay có một ngoại lệ được thực hiện ưu tiên trong trường hợp của anh…[anh chấm dứt lá thư với những từ ngữ:] Làm ơn, Pupulji, đây là vấn đề thiêng liêng và trách nhiệm của bạn là cũng phải khiến cho nó thiêng liêng.

Trong thư trả lời của tôi, tôi trình bày cho anh tình hình chính xác ở Ấn độ, nhưng cam đoan với anh rằng anh không bao giờ có thể bị bỏ tù ở Ấn độ. Văn hóa của quốc gia này đã kết luận rằng tiếng nói của người thầy tôn giáo đích thực là một ngọn đèn mà không thể bị dập tắt. Ngày 20 tháng tám, tôi nhận được một lá thư thứ hai. Sự quan tâm rất nhiều của anh là điều rõ ràng, và anh đưa ra một câu hỏi mới: “Mục đích, giá trị, và lợi ích về chuyến viếng thăm Ấn độ của tôi là gì?”

Ngoại trừ những cảm giác và thương yêu cá nhân mà có [nguyên văn] sự quan trọng riêng của nó, bởi vì lúc này các cơ quan vật chất đã trên 80 năm tôi đã phải cân nhắc kỹ lưỡng 10 hay 15 năm kế tiếp nên được sử dụng như thế nào cho tốt nhất. Bởi vì tôi đã lặp lại và có thể lặp lại nữa mà không nhàm chán, tôi đã dành nhiều thời gian và nhiều nói chuyện ở Ấn độ hơn bất kỳ nơi nào khác. Tôi không quan tâm đến những kết quả, những Lời giảng có ảnh hưởng ra sao ở Ấn độ, những gốc rễ đã được cắm sâu đến mức nào, nhưng tôi nghĩ người ta có quyền hỏi và nên hỏi, như tôi đang hỏi, tại sao sau những năm này ở Ấn độ lại không có một người mà hoàn toàn và trọn vẹn nằm trong những Lời giảng này, sống cùng chúng và hiến dâng tuyệt đối cho chúng. Trong bất kỳ cách nào tôi không đang khiển trách bất kỳ người nào của các bạn, nhưng nếu tôi được phép, tôi muốn thúc giục các bạn trao trọn sự chú ý nghiêm túc nhất của các bạn vào điều này.

Anh tiếp tục hỏi tôi liệu rằng tôi thực sự sẽ rút lui khỏi công việc còn lại của tôi trước tháng ba năm 1976, như tôi đã nói với anh. Anh chấm dứt lá thư bằng những từ ngữ này:

Bởi vì có lẽ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn nhiều khi nói chuyện tự do ở Ấn độ, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng xem K có thể sử dụng phần còn lại thuộc sống của anh ấy hữu dụng nhất cho những Lời giảng bằng cách nào tốt nhất. Tôi cũng đang vạch rõ điều này cho nhóm ở Mỹ và ở Anh. Bằng bất kỳ cách nào tất cả điều này không nên được giải thích như một vấn đề cá nhân nhưng như điều gì đúng đắn và tốt lành cho những Lời giảng như một tổng thể. Tôi e rằng, toàn sự việc ở Ấn độ đang được thực hiện để phù hợp lợi ích của cá nhân và quá tồi tệ khi việc này đang xảy ra sau 40 năm.

Tôi bị khốn khổ bởi lá thư này. Đối với tôi, lúc này, dường như quá rõ ràng rằng Krishnaji hất hủi Ấn độ và những người là những người bạn đồng hành của anh suốt nhiều năm. Ở Bombay tôi nói chuyện với Nandini, và em cũng cảm thấy như tôi rằng đối thoại với Ấn độ của Krishnaji đã chấm dứt.

Tôi viết lại cho Krishnaji bày tỏ sự buồn bã sâu thẳm của tôi. Tôi nói tôi bị chết điếng bởi lá thư của anh. Balasundaram, người ở Brockwood cùng Krishnaji khi anh nhận lá thư của tôi, viết cho tôi rằng Krishnaji bị bối rối và liên tục hỏi, “Cái gì đã làm chết điếng Pupul?” Krishnaji đang thực hiện những bàn luận chi tiết cùng Balasundaram về sự cần thiết phải thực hiện điều gì ở India Foundation. Thật mau chóng, nó đã trở nên rõ ràng rằng cuối cùng Krishnaji đã quyết định không quay lại Ấn độ vào mùa đông năm 1975. Anh cũng hủy bỏ chuyến viếng thăm hàng năm đến Rome của anh, nhưng sẽ đi Malibu ở California.

Tôi nhận được một lá thư dài của Krishnaji đề ngày 10 tháng mười một từ Malibu, nơi anh đang ở tại nhà của Mary Zimbalist. Giống như một đứa bé anh hỏi, “Bạn viết từ Delhi rằng bạn bị chết điếng bởi một lá thư dài mà tôi đã viết trong đó, ngoại trừ những việc khác, tôi đã nói rằng tất cả mọi việc được vận hành ở Ấn độ đều dựa vào sự lợi ích của cá nhân. Trong tất cả những lá thư của bạn, bạn không giải thích điều gì làm chết điếng bạn. Tôi muốn tìm ra tại sao bạn cảm thấy như thế.” Tôi trả lời rằng ấn tượng đầu tiên trong lá thư của anh là rằng anh đã bỏ rơi Ấn độ và không có ý định quay lại. Có nhiều câu hỏi cần phải trả lời, nhưng dường như không có ích lợi gì khi đề cập những chi tiết và tìm kiếm sự rõ ràng. Chính là ấn tượng của lá thư mà quan trọng.

Tình trạng khẩn cấp đã tiếp tục trên một năm và mặc dù tôi nhận biết sự căng thẳng và sự đau khổ mà nó đã gây ra cho Indira, tôi cũng biết rằng bạn ấy rất cứng rắn, giả đui giả điếc với nhiều việc xảy ra được báo cáo cho bạn ấy. Khi sự khủng hoảng lên đến cao trào, lần đầu tiên trong sống của bạn ấy bạn ấy đã mất đi sự hiệp thông thuộc bản năng cùng những con người của Ấn độ. Bạn ấy cảm thấy cô lập và ngờ vực và sẽ không chấp nhận bất kỳ sự phê bình nào, thậm chí khi những người bạn thân nhất đưa ra những chứng cớ cụ thể rằng những viên chức chính phủ đã vượt quá giới hạn về quyền hành của họ. Chỉ đến mùa thu năm 1976 thì sự căm phẩn và sợ hãi được cảm thấy bởi những con người mới bắt đầu đến được bạn ấy.

Cũng vào thời gian này mà tôi nói với Indira về khả năng Krishnaji đến nói chuyện ở Ấn độ vào mùa đông năm 1976. Bạn ấy trả lời, “Anh rất được hoan nghênh khi đến Ấn độ và anh có thể nói chuyện tự do.” Bạn ấy hiểu rõ sự quan tâm thiết tha của Krishnaji cho sự tự do; anh là một người cách mạng tôn giáo, và đối với anh sống không-tự do là chết. Krishnaji đến Ấn độ vào tháng mười năm 1976 và ở với tôi tại số 1 King George’s Avenue.

Ngày 27 tháng mười, Indira đến nhà tôi ăn tối lúc 7:30, mặc một sariđược in trong những màu hồng dịu. Những người khách khác gồm Achyut; Nandini, con gái của em Devi, và cháu của em Aditi, một vũ công trẻ tuổi và điêu luyện; Sunanda và Pama Patwardhan; và L. K. Jha. Indira bảo với chúng tôi theo lịch Ấn độ hôm nay là sinh nhật của bạn ấy. Bạn ấy bày tỏ ao ước được nói chuyện với Krishnaji, và ở lại cùng anh trong phòng khách của anh mãi đến chín giờ.

Tại bữa ăn tối bạn ấy rất im lặng, hầu như không nhận biết được việc gì đang xảy ra chung quanh. Achyut, người phê bình nghiêm khắc về sự khủng hoảng, cũng im lặng, thậm chí còn nghiêm nghị. L. K. Jha và Krishnaji phải nói suốt. Krishnaji không nhìn Indira hay nói với bạn ấy suốt bữa ăn tối. Anh nhận biết được bạn ấy rất dễ bị tổn thương, và không muốn xúc phạm.

Suốt bữa ăn tối Krishnaji, để xoa dịu sự căng thẳng, bắt đầu kể nhiều giai thoại của St Peter và thiên đàng. Tôi đặc biệt nhớ một câu chuyện. Một người rất giàu đã bố thí nhiều bị chết. Khi ông đến cổng thiên đàng, ông gặp Peter đang gác cổng. Người đàn ông đưa ra những thành tích của mình, và Peter nói ông có thể qua cổng; nhưng trước khi ông vào, liệu ông muốn thấy lại có gì ở dưới quả đất? Người đàn ông giàu nói, “Chắc chắn, liệu dễ dàng để xuống đó chứ?” Peter trả lời, “Chỉ cần nhấn nút này và thang máy sẽ đưa bạn xuống.” Khi xuống dưới, cánh cổng vào quả đất mở ra và người đàn ông trông thấy một ngôi vườn đầy hoa có nước chảy và nhiều phụ nữ xinh đẹp đang chờ tiếp đón ông cùng rượu chọn lọc và những thức ăn hiếm hoi. Sau khi thưởng thức mọi thú vui tuyệt vời nhất, ông trở lên và nói với Peter rằng thế giới bên dưới là một nơi vui vẻ hơn, nhiều hứng thú hơn, và ông quyết định xuống lại đó. Peter trả lời, “Tất nhiên thôi, tôi nghĩ bạn sẽ cảm thấy như thế.” Thế là người đàn ông nhấn nút và quay xuống quả đất. Khi cổng mở, ngôi vườn biến mất và hai người vạm vỡ đang chờ ông và bắt đầu đánh đập ông. Người đàn ông cố gắng ngừng họ lại; khoảng giữa những lần bị đánh đập, ông thở hổn hển, “Chuyện gì đã xảy ra vậy? Cách đây vài phút tôi đã xuống nơi này và được đón tiếp nồng hậu bởi những bàn tay êm ái!” “A,” đứa côn đồ nói, tung ra một nắm đấm nữa. “Vậy là mày là một du khách.”

Mọi người cười, và ngay cả Indira cũng không nín cuời được – mặc dù bạn ấy có vẻ bận tâm bởi những việc khác và thật xa xôi. Sau đó Indira góp vui và kể một câu chuyện về những phi hành gia mà, khi quay về từ một chuyến bay vũ trụ, đến chào Kruschev, và được ông ấy hỏi một cách kín đáo, “Khi bạn ở trên không gian, bạn có thấy những ngọn đèn bí mật, những con người lạ lùng? Bạn có thấy một hình bóng kỳ bí, to lớn có chòm râu trắng được vây quanh bởi ánh sáng?” Những phi hành gia trả lời, “Có, thưa đồng chí, chúng tôi có thấy,” và Kruschev nói, “Tôi cũng nghĩ như thế.” Tiếp theo ông cảnh báo họ, “Chuyện này chỉ được tiết lộ giữa chúng ta thôi nhé, đừng kể cho bất kỳ ai.” Tiếp theo những phi hành gia đi khắp thế giới và gặp đức giáo hoàng. Sau những nghi lễ thành kính, đức giáo hoàng dắt họ qua một bên và hỏi, “Con trai của ta, khi các người ở trên đó, các người có thấy ánh sáng hay bắt gặp một hình bóng to lớn có một bộ râu bạc?” Họ trả lời, “Không thưa cha, chúng con chẳng thấy ánh sáng và cũng chẳng thấy hình bóng có râu nào.” Và đức giáo hoàng nói, “A, con trai của ta, ta cũng nghĩ như thế. Nhưng nhớ nhé, đừng bảo cho ai cả.” Mọi người tại bàn ăn bật cười, nhưng L. K. Jha trông bối rối – bởi vì Krishnaji đã kể cho ông câu chuyện đó, ông kể lại nó cho thủ tướng, và lúc này nó được kể lại cho Krishnaji.

Sau bữa ăn tối, khi mọi người đã rời, Krishnaji đưa tôi đến phòng của anh và bảo với tôi rằng Indira đang trải qua thời điểm rất khó khăn. Rất lâu sau khi họ gặp nhau, họ đã ngồi rất yên lặng. Anh có thể cảm thấy rằng bạn ấy bị bối rối. Bạn ấy nói với Krishnaji rằng tình hình ở Ấn độ đang bùng nổ. Krishnaji đã nhận biết những nét tốt lành nào đó trong bạn ấy, mà chính trị đã hủy hoại. Anh cũng gợi ý một làn sóng bạo lực đang vây bủa bạn ấy.

Sáng kế tiếp, thủ tướng viết cho tôi nói rằng Krishnaji đã hứa gặp bạn ấy lại, và muốn tôi sắp xếp một thời gian thích hợp. Tôi đã gọi điện thoại cho Seshan, trợ tá đặc biệt của bạn ấy, khi bỗng nhiên lúc mười một giờ một chiếc xe hơi ngừng trước cửa và có Indira trong đó. Không có an ninh, và chốc lát sau xe hộ tống của bạn ấy đến cùng những nhân viên an ninh đầy lo lắng.

Indira trải qua trên một tiếng đồng hồ cùng Krishnaji. Bạn ấy ra khỏi phòng bước đi mọi người nhìn thấy, nước mắt lả chả rơi xuống khuôn mặt. Khi Indira thấy cháu gái Aditi của tôi đang ở trong phòng khách, bạn ấy vội vã kiềm chế, hỏi Aditi, cháu đang đọc gì, và nói chuyện với cháu trong chốc lát. Tôi thấy Indira lặng lẽ ra ngoài xe.

Suốt những tháng Krishnaji ở Ấn độ, anh luôn có Indira trong ý thức của anh. Anh hỏi tôi nhiều câu hỏi về bạn ấy và sống thời niên thiếu của bạn ấy. Anh bị tác động sâu thẳm bởi khả năng lắng nghe và sự từ chối để tự-phản ứng cũng như tự-bảo vệ của bạn ấy. Anh bảo với tôi rằng Indira có thể là người duy nhất trong chức vụ đó mà sẵn sàng lắng nghe. Hầu hết mọi người hoặc hung hăng trong chức vụ của họ và vì vậy không thể lắng nghe, hoặc cắt đứt do bởi những điều bất lợi cho họ và bị tổn thương. Dường như bạn ấy lại khác hẳn. Anh sẽ viết cho bạn ấy trước khi anh rời Delhi.

Nhiều năm sau, sau cái chết của người con trai Sanjay của bạn ấy, tôi hỏi Indira liệu bạn ấy dễ dàng khóc. Suy nghĩ chốc lát và bạn ấy nói, “Không, đau khổ không mang những giọt nước mắt. Nhưng khi tôi bị xúc động mãnh liệt, đặc biệt bởi vẻ đẹp vô hạn, tôi khóc.” Bạn ấy nói đã khóc khi gặp Kamakoti Sankaracharya của Kancheepuram[6] và bạn ấy đã tuôn trào những giọt nước mắt không thể kiềm hãm được khi vào tháng mười một năm 1976, bạn ấy đến gặp Krishnaji tại số 1 King George’s Avenue. “Tôi sụt sùi khóc và không thể ngăn cản những giọt nước mắt đang rơi xuống. Tôi đã không khóc như thế này suốt nhiều năm rồi.” Bạn ấy cũng kể cho tôi cái gì đó về điều gì đã xảy ra suốt nói chuyện. Krishnaji và bạn ấy đã nói về những biến cố ở Ấn độ trong vài tháng vừa qua, và Indira đã nói, “Tôi đang cỡi trên lưng cọp, nhưng tôi không biết làm thế nào để nhảy xuống.” Krishnaji trả lời, “Nếu bạn thông minh hơn con cọp, bạn sẽ biết cách giải quyết được con cọp.” Bạn ấy đã hỏi Krishnaji nên làm gì. Anh từ chối trả lời, nhưng nói rằng bạn ấy nên nhìn những xung đột, những hành động, những sai lầm như một vấn đề, và tiếp theo hành động không-động cơ. Anh nói anh không biết rõ những biến cố, nhưng bạn ấy nên hành động một cách đúng đắn, không sợ hãi hậu quả.

Những năm sau, bạn ấy kể với tôi rằng đó là ngày 28 tháng mười năm 1976, ngày bạn ấy gặp Krishnaji lần thứ hai, một chuyển động mong manh đã thức dậy trong bạn ấy, gợi ý một kết thúc cho khủng hoảng, dù bất kỳ hậu quả nào. Bạn ấy đã nghiền ngẫm cảm thấy này, nói chuyện với vài người gần gũi, và cuối cùng quyết định kêu gọi tổng tuyển cử.

Krishnaji ở Bombay, sắp sửa đi Châu âu, khi tuyên bố được thực hiện rằng Indira đã ra lệnh phóng thích cho những người bị giam giữ bởi đạo luật Maintenance of Internal Security Act, và cũng tuyên bố tổng tuyển cử. Krishnaji rất hạnh phúc và nói chuyện với tôi nhiều lắm. Anh bảo với tôi rằng anh mong muốn gặp lại Indira trước khi rời Ấn độ. Thậm chí anh còn sẵn sàng đi đến Delhi, nhưng tôi can ngăn anh, vì biết rằng bạn ấy sẽ phải bận tâm nhiều đến sự đấu tranh sắp sửa xảy ra. Ngày trước khi anh rời đi, anh yêu cầu tôi cho biết tin tức về Indira. Rồi bỗng nhiên anh hỏi, “Chuyện gì xảy ra nếu bạn ấy thua?”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]