Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3: Phơi bày Lời giảng 1950-1959

19/07/201114:19(Xem: 6100)
Phần 3: Phơi bày Lời giảng 1950-1959

TIỂU SỬ CỦA KRISHNAMURTI
Krishnamurti's biography by Pupul Jayakar
Lời dịch: Ông Không
Tháng 4-2011

PHẦN 3

PHƠI BÀY LỜI GIẢNG

1950-1959

CHƯƠNG 16

“Tôn giáo hiện diện khi cái trí đã hiểu rõ những công việc của chính nó”

 

Vào ngày 11 tháng chín năm 1950, Krishnaji viết cho tôi từ Ojai: “Tôi đã ở đây ba tuần lễ hạnh phúc và cần nghỉ ngơi lâu, bởi vì tôi đã nói chuyện ba năm liên tiếp rồi. Cũng vậy tôi đã quyết định ẩn dật hoàn toàn nguyên một năm mà không có bất kỳ phỏng vấn nào, những bàn luận riêng tư hay trước công chúng, hay những nói chuyện trước công chúng. Trong chừng mực nào đó, nó sẽ là một năm yên lặng. Vì vậy, tôi sẽ không đến Ấn độ mùa đông này.”

Sự ẩn dật của anh là tuyệt đối. Không những gặp gỡ, không những phỏng vấn. Chính từ Rajagopal mà chúng tôi đã nghe Krishnaji đang quan sát sự yên lặng hoàn toàn. Từ tháng tám năm 1950 đến tháng mười hai năm 1951, sự tiếp xúc với Ấn độ của Krishnaji chấm dứt. Sau đó, khi được hỏi điều gì anh đã làm trong suốt thời kỳ đó, Krishnaji trở nên mơ màng. Thân thể bị mệt mỏi, phía bên trong anh bị vắt cạn, có lẽ vài tạp nhiễm ô uế, dù tinh tế đến chừng nào, vẫn còn tác động nhè nhẹ trên sự minh bạch trong suốt của ý thức anh. Và vì vậy, trong duy trì truyền thống huyền bí, anh tự rút lui vào chính mình.

Vào đầu mùa xuân năm 1950, tin tức của việc bác bỏ đơn kiện của Nandini liên quan đến việc ly thân và quyền chăm sóc con cái đã bùng nổ trong báo chí ở Ấn độ. Ngay cả tờ tuần báo Timeở Mỹ đã in một đoạn văn có đầu đề, “Revolt of the Doormat.” Sự phản kháng của những người bị chà đạp.Nó nói về Krishnaji như Đấng Cứu thế và trích dẫn những nói chuyện của Krishnaji, trong đó anh nói đầy đam mê về vị trí của những người phụ nữ Ấn độ, rằng họ bị đối xử như những miếng thảm chùi chân ở trước cửa. Nó cũng liên kết tên của Krishnamurti với sự đòi hỏi của Nandini để được ly thân người chồng của em. Rajagopal điện tín cho tôi để tìm hiểu liệu tin tức đã xuất hiện trên tờ Timelà chính xác. Chúng tôi trả lời, đưa ra những chi tiết và bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng vì tên của Krishnamurti đã được đề cập. Khi anh trở lại sau đó vào năm 1950, Krishnaji đối diện một cơn bão. Rosalind và Rajagopal không ngớt chất vấn anh về việc gì đã xảy ra ở Ấn độ. Những lá thư từ những bạn bè của Rajagopal ở Ấn độ đã nói về “những người bạn mới” của Krishnaji. Rosalind và Rajagopal rất tức giận và lo lắng và quả quyết phải biết nhiều thêm nữa về những người này. Krishnaji vẫn giữ vẻ mập mờ.

Những vấn đề cá nhân của Rosalind và Rajagopal đang sâu sắc thêm. Hôn nhân của họ ở tình trạng căng thẳng. Sự yên lặng và không tham gia của anh đã tách anh khỏi trung tâm của cơn bão.

Nhưng Rosalind và Rajagopal đã đoàn kết lại trong quan tâm của họ về Krishnamurti mới mẻ đang trổi dậy. Hiểu rõ được bản chất nhạy cảm, nhút nhát và cá tánh thụ động của anh. Chẳng mấy chốc Rosalind và Rajagopal nhận biết được sự thay đổi trong anh. Họ chối từ chấp nhận rằng anh đã được tự do khỏi họ. Phản ứng của Krishnaji là trở nên thụ động và yên lặng nhiều hơn, và rút sâu vào bên trong anh.

Tuy nhiên, nó đang trở nên rõ ràng cho họ rằng sự ảnh hưởng mạnh mẽ ở Ấn độ, những người anh đã gặp gỡ, sự tự do mà đã phá vỡ tất cả những kiềm hãm được áp đặt vào anh, đã giới thiệu những yếu tố hoàn toàn mới mẻ trong thái độ của anh đối với con người và những hoàn cảnh. Bởi vì lần đầu tiên anh có những người bạn ở Ấn độ, không liên quan gì đến những quan hệ cũ kỹ của anh. Những người này, mà không có những đòi hỏi nào nơi anh, nhận biết được sự bao la của thiêng liêng thể hiện qua anh. Họ thấy anh bằng đôi mắt trong sáng, không gánh nặng, và mang đến anh một liên hệ của tôn trọng, tình cảm, và thân thiện thăm thẳm.

Krishnaji quay lại Ấn độ mùa đông năm 1951, sau khi vắng mặt gần mười tám tháng. Rajagopal theo cùng anh. Nhiều người bạn Krishnaji đã có được trong những năm trước tụ họp thật đông để gặp anh ở Bombay. Krishnaji vào phòng, chào hỏi chúng tôi rất trang trọng, cầm tay chúng tôi, nhưng không nói một lời nào. Anh vẫn còn đang duy trì sự yên lặng tuyệt đối. Rajagopal trông rất bất an. Lần đầu tiên chúng tôi gặp anh ấy, và cả anh ấy lẫn chúng tôi đều thận trọng.

Krishnaji không phá vỡ sự yên lặng của anh ở Bombay, và tiếp tục cho đến Madras, nơi anh sẽ có mười hai nói chuyện giữa ngày 5 tháng giêng và ngày 12 tháng hai. Nandini và tôi đi đến Madras và ở Vasant Vihar. Chúng tôi đang sống trong không gian đã được tạo ra bằng cách sử dụng những cái tủ như những bức vách ngăn hành lang; chúng tôi dùng chung phòng tắm với Madhavachari và ăn riêng không cùng với Krishnaji, anh ăn một mình trong phòng.

Rajagopal đã kiềm chế được nhiều. Sự liên hệ với Madhavachari của anh ấy cũng đang từ từ trở nên rõ ràng. Rajagopal đối xử thân thiện với Madhavachari, nhưng không tiết lộ điều gì anh ấy có trong cái trí. Madhavachari rất kính trọng, gọi anh ấy là Mr. Rajagopal, thâu nhận những hướng dẫn của anh ấy, và thực hiện những mong muốn của anh ấy. Rajagopal đang ở tại Leadbeater Chambers, bởi vì tầng trên của Vasant Vihar đã được cho thuê và không có phòng nào phù hợp.

Krishnaji trở nên mơ hồ khi được hỏi về lý do cho một năm yên lặng của anh, nhưng kể cho Nandini và tôi về Rajagopal. Anh cố gắng thuyết phục chúng tôi hiểu rõ về việc Rajagopal đã hy sinh cho anh như thế nào. Krishnaji rất hối tiếc, lo ngại rằng chúng tôi không trở thành những người bạn với Rajagopal; chẳng mấy chốc, sau bữa ăn tối một gặp gỡ được sắp xếp, và chúng tôi đi đến Leadbeater để gặp anh ấy.

Rajagopal rất lịch sự; nhưng hai mắt của anh ấy, lún vào trong những hốc mắt sâu trong khuôn mặt u ám, ảm đạm, nhìn chúng tôi chằm chằm, đang cố gắng đọc được những sắc thái của ý nghĩa mỗi từ ngữ chúng tôi nói. Anh ấy ngờ vực và dò hỏi, và người ta cần một cái trí tỉnh táo và cảnh giác khi trả lời những câu hỏi có vẻ vô thưởng vô phạt của anh ấy. Dường như anh ấy đang cố gắng nắm bắt những không tỉnh táo của chúng tôi. Anh ấy gợi ý rằng, Krishnaji không thể trông cậy được bởi vì anh luôn luôn đang thay đổi cái trí của anh. Rajagopal đã nghe từ Velu, một người hầu đã chăm sóc Krishnaji ở Sedgemoor, điều gì đã xảy ra tại Ootacamund. Vì vậy Rajagopal đã chất vấn chúng tôi trên bốn tiếng đồng hồ, muốn biết mọi chi tiết về điều gì đã xảy ra. Nó là một trải nghiệm gay go và cả chúng tôi lẫn anh ấy đều bị kiệt sức khi sự chất vấn kết thúc.

Về sau chúng tôi sẽ khám phá một khía cạnh khác của Rajagopal. Anh ấy có vẻ chú ý nhiều đến chúng tôi. Anh ấy nồng nhiệt và biểu lộ sự trìu mến với chúng tôi và chúng tôi trở thành những người bạn. Những năm sau, anh ấy sẽ nói với Nandini rằng thật đáng tiếc khi họ gặp nhau dưới cái bóng của Krishnaji. Anh ấy có một cái trí sâu sắc và thông minh cực kỳ của miền Nam Ấn độ. Nhạy cảm với sự vô trật tự và dơ bẩn thuộc bất kỳ loại nào, mặc sạch sẽ trong một pyjamakurtatrắng tinh được hồ cứng, anh ấy nói và chuyển động bằng sự đứng đắn thanh lịch.

Krishnaji và Rajagopal sẽ đi đến Châu âu và Mỹ trước mùa xuân năm 1952.

Tháng bảy năm 1952, thân thể của Nandini, mà đã chịu đựng sự căng thẳng của năm năm bị nhục nhã và sự đau khổ phải xa cách con cái, bị kiệt sức. Em phải chịu áp lực từ nhiều phía: thái độ độc đoán của người chồng cũ khi Nandini được phép gặp con cái; thái độ không bằng lòng của những người lớn tuổi quanh Krishnaji. Em bị bệnh nguy kịch bởi ca ung thư cổ tử cung phát triển nhanh và phải được chuyển sang Anh để giải phẫu khẩn cấp.

Tôi gửi một điện tín đến Krishnaji báo về tin tức đó. Không thư trả lời. Như thể là anh đã biến mất, và tất cả mọi liên hệ với chúng tôi ở mức độ phía bên ngoài đã chấm dứt. Tuy nhiên, sự hiện diện yên lặng của anh có thể cảm thấy được suốt những thời điểm bị rắc rối của chúng tôi, và cùng nó có một sức mạnh vô biên và năng lực để đối diện với tai họa.

Ở London, Nandini được cho biết về căn bệnh ung thư tàn phá mà đang hủy hoại thân thể của em. Phải đối diện với cái chết chắc chắn xảy ra, em nhận tin tức này bằng sự yên lặng thăm thẳm. Em kể cho tôi rằng, trong những khoảnh khắc nào đó, bộ não của em trở nên hoàn toàn bất động và được tự do khỏi tất cả suy nghĩ và cảm giác. Suốt thời gian chờ giải phẫu trong một căn phòng ở khách sạn, nơi em đã trải qua một ca xuất huyết nặng, chẳng có bao nhiêu suy nghĩ – không-sợ hãi, không-lo âu, không-quan tâm đến ngày mai. Ngày hôm trước giải phẫu, qua điện thoại em nói chuyện với con cái ở Bombay bằng sự dịu dàng và quan tâm về hạnh phúc của chúng.

Sau đó, em kể cho tôi rằng khi em ở trong trạng thái bị gây mê em nghe âm thanh của tiếng cười vang rền, mà tiếp tục suốt ca giải phẫu. Không bị ngăn cản khỏi ý thức. Em biết điều gì đang xảy ra. Em thấy mình đang đi bộ trong những cánh đồng cỏ xanh mướt, những cơn gió dìu dịu, đang vờn vờn em, và âm thanh của những tiếng chim hót phủ kín hai tai em. Em cảm thấy một hiện diện bảo vệ vây quanh và ôm ấp em. Sự bảo vệ không phải để giữ gìn cho em sống, nhưng ở cùng em trong chết hay sống. Sự bảo vệ, sự hiện diện, ở trong con dao của người bác sĩ giải phẫu.

Tôi ở cùng em ngày hôm sau, khi em được báo cho biết rằng bác sĩ giải phẫu cho em đã bị đột quỵ và mất hết khả năng. Trong hai ngày em không có sự chăm sóc về y tế. Sau giải phẫu, bất kỳ nơi nào em quay mặt, sự bảo vệ ở đó – bên trái của em, bên phải, trên và dưới, em cảm thấy sự tiếp xúc của nó. Một vài ngày sau giải phẫu, em ngồi thẳng trên giường, chân kiết già, và hơi thở của yên lặng đi vào em. Có một ngày người bác sĩ phụ tá trẻ bất ngờ vào phòng. Thấy em, anh ấy hỏi, “Cô là một yogi à?”

Giống như một con suối ngầm có nước chảy trong xanh, không trông thấy được tuy nhiên lại tràn đầy sức sống, những năm tháng của Nandini đã trôi qua. Sống cùng người mẹ trong những năm 1950, em bất ngờ tìm được hai bé gái mồ côi nhỏ xíu của vùng lân cận. Cơ cực, chúng sống với một bà cô xa, nhưng lang thang suốt ngày ngoài đường phố. Bị tước đoạt khỏi con cái riêng của mình, Nandini đã nhận nuôi hai bé gái và bắt đầu một trường chơi đùa nhỏ cho chúng và cho những trẻ em nghèo khổ khác ở vùng lân cận. Sau đó, trường này chuyển đến hai garage gần bên. Chẳng mấy chốc trẻ em những vùng chung quanh bắt đầu tràn vào – ngày nay có 150 đứa trẻ. Những giáo viên và những người giúp đỡ cùng đến. Ngôi trường, Bal Anand, cung cấp cho những trẻ em đường phố một không gian sáng tạo trong một vùng đất trái ngược hẳn được xây dựng bằng bê tông buồn thảm. Sống một mình trong nhiều năm, Nandini đã là điểm nút yên lặng của trường. Những đứa trẻ ngồi quanh em nói chuyện, giỡn cợt, và vui đùa. Chúng được dạy nhạc, múa, đan, vẽ, ngôn ngữ, kịch, khoa học, và chút ít số học. Sau hai mươi năm, Bal Anand đã trở thành bộ phận của Krishnamurti Foundation, Ấn độ, và Nandini đã trở thành một thành viên của tổ chức. Bởi vì con cái của em đã trưởng thành, chúng đã quay lại với em, tuôn tràn tình thương và sự bảo vệ.

Nandini vẫn còn là một trong những người bạn thân của Krishnaji, theo cùng anh đến một số trung tâm khi anh ở Ấn độ và tiếp tục thư từ khi anh không ở đây. Tóc của em đã bạc. Em vẫn giữ vẻ yếu đuối, đẹp, vô danh.

Như một phần trong chương trình ở Ấn độ của anh, người ta quyết định rằng Krishnaji và Rajagopal sẽ tham gia một bàn luận nhóm ở Poona mùa đông năm 1952. Rao Sahib Patwardhan đã sắp xếp một gặp gỡ của những bạn bè của ông tại Vithal Wadi, nơi Achyut đang sống trong một ngôi nhà vùng quê nhỏ lẫn trong những quả đồi có rừng, sau khi anh chia tay Đảng Xã hội năm 1950.

Những người tụ họp tại Vithal Wadi cho những bàn luận xuất thân từ những nền quá khứ khác nhau. Giáo sư Dhopeshwarkar dạy triết học tại Poona Univesity. S. M. Joshi là một người Brahmin Chitpavan khổ hạnh, chính trực, một người Xã hội và một thành viên hoạt động của Sarva Seva Sangh. Anh ấy và Rao Sahib Patwardhan là những người bạn thân và đã tham gia nhiều trại làm việc với những hội viên tự nguyện của Sarva Seva Sangh. Mangesh Padgounkar, một thi sĩ, là một trong những người tham dự, cùng Durga Bhagwat. Durga Bhagwat, một người viết văn và nhân loại học đã làm việc với Verrier Elwin ở Madhya Pradesh, là một phụ nữ gầy và lùn có một khuôn mặt xương xẩu. Cứng rắn cả phần thân thể lẫn tinh thần, bà không lập gia đình, có năng lượng vô hạn, và cảm thấy mãnh liệt về những vấn đề nghèo khổ ở Ấn độ. Bà tận tụy làm việc giúp Rao Sahib. Madhavachari từ Madras đến tham gia những bàn luận, cùng Padmabai và Sanjeeva Rao. Pandit Iqbal Narain Gurtu từ Varanasi và L. V. Bhave từ Thana. Tôi là một phụ nữ thứ hai có mặt.

Rao Patwardhan chấp thuận tôi, và qua hai năm anh ấy đã trở thành một người bạn thân. Một cách cuốn hút và sâu thẳm, bản chất khắc khổ của anh ấy đã đáp ứng nền quá khứ và những thái độ hoàn toàn trái ngược của tôi. Chúng tôi bàn luận về vẻ đẹp, nghệ thuật, cái trí phương Tây, và những sáng tạo huyền ảo của Ấn độ. Lần đầu tiên, tôi đã thiết lập một tiếp xúc mật thiết với một người trí năng Brahmin truyền thống, một cách sống không liên quan gì đến những năm đầu đời của tôi như người con gái của một công chức hay đối với cuộc sống tôi theo đuổi trong môi trường xã hội của Bombay.

Sunanda, người trước đó đã kết hôn với Pama, một trong những người em của Rao Sahib và Achyut, được nhận xét bởi Rao Sahib, tộc trưởng, là không đủ chín chắn và không được mời tham dự hội thảo. Nandini cũng không được mời. Vẻ đẹp kinh ngạc, tánh đơn giản, và chất lượng trẻ con của em được kết hợp với sự kiện rằng em đã kết hôn trong một gia đình giàu có, khiến cho Rao rất khó khăn để chấp nhận sự kiện rằng em nghiêm túc. Sumanda đã được yêu cầu bởi Rao để chăm lo những sắp xếp cho ăn uống và những nhu cầu khác của Krishnaji. Sống rất thanh đạm, những căn phòng nhỏ xíu; chẳng có bao nhiêu thú vị.

Krishnaji, nhận biết được sự đau khổ của Sunanda khi không được tham gia bàn luận nhóm, biểu lộ nhiều thông cảm. Anh nói chuyện nhiều với em ấy và cùng em ấy dạo bộ trong rừng. Thái độ của anh đối với em ấy giống như đối với một người con gái ruột thịt yêu quý của anh. Rajagopal rất thận trọng, cảnh giác, nôn nóng. Người ta có thể nghe được giọng nói của Rajagopal sang sảng trong tranh luận sôi nổi trong căn phòng của Krishnaji. Giọng nói của Krishnaji không bao giờ được nghe rõ.

Những bàn luận tiếp tục trên một tuần lễ. Mỗi buổi sáng và buổi chiều chúng tôi tập họp tại Vithal Wadi. Krishnaji đang đối diện với những cái trí ương ngạnh bám rễ và cố thủ trong những nguyên tắc về phục vụ xã hội của chủ nghĩa Marx. Bàn luận luôn luôn chạm đến chủ đề nghèo khổ và nhu cầu cho hành động xã hội. Điều này có thể hiểu được trong một quốc gia nghèo khổ cực kỳ như thế. Nhưng những cái trí đã thâu lượm hiểu biết thuộc trí năng cũng dư thừa thông minh để nhận ra rằng tại một mấu chốt nào đó sự tiếp cận theo hướng của họ bị ngăn cản bởi những xung đột, những thôi thúc, và những nghèo khó bên trong riêng của họ. Dần dần, bằng sự kiên nhẫn vô hạn, Krishnaji dò dẫm vào bản chất của cái trí, hành động xã hội, suy nghĩ và người suy nghĩ, và sự yên lặng. Anh nói với những người Xã hội rằng vấn đề của lương thực, chỗ ở, và quần áo không bao giờ có thể giải quyết được tại những mức độ thuộc học thuyết. Nó chỉ có thể kết thúc khi những nhu cầu không được sử dụng cho những mục đích thuộc tâm lý, nhưng giải quyết trên mức độ cần thiết riêng của nó. Mặc dù những người Xã hội cứng đầu vẫn còn bị trói buộc vào những chỗ ẩn núp của họ, họ không còn cảm thấy an toàn trong những vị trí của họ nữa.

Vào cuối tuần chúng tôi đi theo những phương cách riêng của chúng tôi. Trong nhóm người đã tập họp lại, tất cả đều có thái độ thụ động buông trôi ngoại trừ Patwardhans, Friedman, tôi, và những người bạn cũ của Krishnaji đã theo cùng anh từ những ngày ở Tổ chức Thông thái. Sự kiện rằng những bàn luận có một tác động vào những cái trí ương ngạnh của những người Xã hội và những người học thức là điều hiển nhiên. Giáo sư Dhopeshwarkar đã viết nhiều quyển sách về những lời giảng của Krishnaji. Nhiều năm sau, S. M. Joshi sẽ nói với tôi rằng những người Xã hội ở Ấn độ từ năm 1934 bị chi phối bởi sự suy nghĩ của phương Tây và những lý luận biện chứng của nó. Marx trở thành điểm trọng tâm từ đó tất cả những suy nghĩ Xã hội tỏa ra. Họ không thể thấy rằng khi áp dụng vào những điều kiện của Ấn độ, vị trí của Marx thiếu một nền tảng quan trọng. Chủ nghĩa Marx phương Tây không có vị trí cho chủ nghĩa nhân đạo. S. M. Joshi nói sự quan tâm đến chủ nghĩa xã hội của anh ấy đã luôn luôn kèm theo liệu rằng con người có thể phát triển trọn vẹn. Vì vậy có một yếu tố đạo đức được kết hợp vào quan điểm của Xã hội. Năm 1948, những người Xã hội bị hoang mang và ở trong một trạng thái tiến thối lưỡng nan. Họ thấy rằng những mục đích biện minh cho những phương tiện trong tư tưởng của Marx. Điều này không thể hoàn toàn được chấp nhận đối với S. M. Joshi. Trong khi ở tù, giữa năm 1944 và 1945, trong chốc lát có lẽ anh ấy đã cảm thấy rằng những kết thúc có biện minh cho những phương tiện; nhưng điều này không làm thỏa mãn anh ấy và anh ấy rất bị hoang mang. Những bàn luận cùng Krishnaji của anh ấy có một ảnh hưởng giải thoát vào anh ấy. Anh ấy nói, chúng “đã giúp đỡ làm minh bạch thái độ của tôi đối với sự bất công – giúp đỡ tôi đối diện với sự hoang mang và thắng thế nó bằng sự minh bạch.”

Trong khi tôi ở Poona để tham gia những bàn luận tại Vithal Wadi, tôi phát giác chính mình đang nhìn ngắm bằng sự chú ý liên tục. Tôi đang nhìn ngắm chuyển động của suy nghĩ và cảm giác khi chúng nảy sinh bên trong tôi. Tôi cũng nhìn ngắm việc gì ở phía bên ngoài của tôi – những khuôn mặt của mọi người, một chiếc lá, một viên đá. Khi đang dạo bộ một mình trong cánh rừng quanh Vithal Wadi, bỗng nhiên tôi phát giác chính mình đang chạy. Nó là một buổi chiều bất động. Tiếng hót của một con chim chồng lên những tiếng hót của những con chim khác; tiếng vo ve của những con muỗi và tiếng gáy của những con dế, một tiếng nói xa xa, âm thanh của những nhịp tim đập của tôi xuyên thủng vào tôi, trong khi mùi hương nồng của hoa xoan, hoa tulsi, và vô số hoa nhài quét qua tôi như một cơn gió mạnh. Tôi trôi nổi trong một đại dương của màu sắc đang bùng nổ. Màu xanh sinh động của chiếc lá cây đa, màu xanh tươi sáng của cây sung, màu xanh chớm hồng của nụ xoài, màu xanh ửng nhạt của một chồi xương rồng, trở thành một cùng âm thanh; lấp kín hai lỗ mũi của tôi, hai tai của tôi, hai mắt của tôi, miệng của tôi. Tôi phát giác rằng tôi đang đứng trước một bụi xương rồng và đang khóc sụt sùi, không đủ sức gánh vác hay chứa đựng sinh lực của một buổi chiều mùa xuân đó. Sự phong phú của vẻ đẹp, đậm đặc như mật ong, nằm trong hai mắt và hai tai của tôi trong nhiều ngày. Trong đang thấy, vẻ đẹp đã thức dậy; cái gì được thấy không quan trọng. Sự mãnh liệt tan biến từ từ khi ngày qua ngày, nhưng vẻ đẹp đang đảm đương những lối ra vào của giác quan, đã sinh ra một nhận biết mà hiếm khi nào từ bỏ hai mắt của tôi.

Từ Vithal Wadi ở Poona, Krishnaji và Rajagopal đi đến Rishi Valley. Ngôi trường đã mở cửa lại với Pearce, một người giáo dục và thuộc Tổ chức Thông thái cũ, đảm trách vị trí hiệu trưởng. Ông đã tập họp được một nhóm những giáo viên trẻ tuổi nhiệt huyết quanh ông. Rishi Valley nằm tại vành đai nghèo khổ của Rayalaseema ở Andhra Pradesh. Miếng đất rất cằn cỗi. Miss Payne đã đào những cái giếng, nhưng cây cối vẫn còn phải được trồng – hàng ngàn cây cối trong nhiều năm đã biến thung lũng này thành một ốc đảo xanh tươi từ miếng đất cằn cỗi. Những quả đồi chung quanh được hình thành từ đá và đá láng có kích cỡ to lớn. Bị xé nát và tạo thành gồ ghề bởi gió và thời gian, chúng đã có được hình dáng như điêu khắc; những đá láng khổng lồ được thăng bằng một cách chòng chành trên những tảng đá, một trong số những tảng đá cổ xưa nhất trong thế giới. Những màu sắc của bình minh và hoàng hôn trên thung lũng là những tấm thảm của màu cà sa và màu tím của thạch anh; không khí trong xanh và không bụi bặm. Bất kể sự cằn cỗi của đất đai và dân

số thưa thớt, vùng đất này trải dài từ Anantpur ở một đầu và Tirupati ở đầu còn lại và được điểm tô bởi những điện thờ siddhas.[1] Madanapalle cách ngôi trường hai mươi cây số.

Tại trung tâm của Rishi Valley là một cây bồ đề rất lâu năm, giống như một ngôi đền; những rễ của nó đã hình thành những cái cột, những cành cây của nó là nơi ẩn náu của những chú khỉ, và những con rắn hổ mang trú ngụ trong những cái hố tại chân của nó. Một sân khấu đã được dựng lên quanh cái cây, nơi trẻ em nhảy múa giữa nhiều thân cây và núp trong những cái hố. Chẳng có bao nhiêu chim chóc, bởi vì cây cối dùng để thu hút chúng vẫn chưa được trồng.

Chỉ có ba mươi trẻ em theo học tại trường, nhưng những vấn đề của trường đó lại quá nhiều. Những giáo viên tổ chức những bàn luận lâu về vai trò của uy quyền, tự do và trật tự. Không giải pháp nào có thể chấp nhận được, bởi vì những vấn đề đang sống, đang chuyển động trong dòng chảy; và những quan sát của những người tham gia phải chuyển động, chất vấn, theo dõi – với cùng sự mau lẹ như vấn đề và nhiều sắc thái của nó. Trong khi đó, những báo cáo đã đến Krishnaji về những xung đột đang nảy ra ở Rajghat, và anh gửi một điện tín cho Achyut tại Vithal Wadi, yêu cầu anh ấy đến Rishi Valley để gặp anh.

Achyut hồi âm mau lẹ đến điện tín của Krishnaji và đến Rishi Valley. Dắt anh ấy qua một phía, Krishnaji đề nghị với Achyut rằng anh ấy nên làm việc tại Rajghat ở Varanasi. Mảnh đất bên kia sông đang nằm yên không được sử dụng. Mặc dù đã tìm được những thông tin để bắt đầu vài đề án về nghiên cứu nông nghiệp, sự thiếu thốn công nhân đã khiến cho những mảnh đất vẫn còn chưa được canh tác. Sanjeeva Rao và Pandit Iqbal Narain Gurtu, cả hai đều là những người kết giao thân thiết của Mrs. Besant, người đã rời Tổ chức Thông thái cùng Krishnaji, đã điều hành Rishi Valley Trust từ khởi đầu của nó. Họ đang già nua và một người mới được cần đến. Krishnaji bảo với Achyut rằng anh ấy sẽ phải làm nhiều việc, những học viện sẽ phải được xây dựng, đất đai phải được cứu thoát. Nhưng đó không là và không nên là lý do cho Achyut đi đến Rajghat.

Cái trí của Achyut, Krishnaji nói, bị tắc nghẽn bởi hội chứng về công việc xã hội. Nó ở trong máu huyết của anh ấy.

“Lấy nó ra khỏi máu huyết của bạn. Chuyển động sâu thẳm của sự thay đổi phải xảy ra tại trung tâm. Nếu trung tâm không thay đổi, tất cả công việc xã hội đều vô ích. Không bao giờ mất đi tầm nhìn này, trong khi bạn ở tại Rajghat. Đừng để công việc chôn vùi bạn và làm tối tăm chức năng cơ bản của bạn, mà là thay đổi tổng thể tại trung tâm. Một trạng thái cảnh giác của cái trí phải hiện diện ở đó.”

Achyut đồng ý đi. Những từ ngữ của Krishnaji đã thấm sâu. Anh ấy thấy sự vô hạn của Krishnaji như một người thầy; nhưng đối với Achyut, cùng nền quá khứ Xã hội của anh, lời giảng của Krishnaji có thể chỉ dành cho một ít người. Anh ấy cảm thấy rằng sự hiện diện của Krishnaji phải ngấm vào mảnh đất Rajghat. Nó là mảnh đất thiêng liêng – Buddha đã đi trên đó. Krishnaji đã đứng và nhìn ngắm bình minh trên khúc quanh của con sông, vị trí thiêng liêng nơi sông Ganga bắt đầu chuyến hành trình về hướng bắc – quay trở lại nguồn của nó. Thiêng liêng này, cái nằm sau từ ngữ của Krishnaji, từ bi chan chứa này, phải được chuyển tải không từ ngữ sang người dân làng, người chài lưới, người dệt vải, người nông dân canh tác trên mảnh đất thiêng liêng của con sông Ganga. Cái trí có giáo dục về chính trị của Achyut thấy rằng nếu không có cái này, không thể có sự ổn định ở Rajghat và không công việc với lời giảng có thể xảy ra được. Nền quá khứ và đời sống chính trị của Achyut là một huyền thoại. Được chuẩn bị đấu tranh cho sự tự do qua việc sử dụng bạo lực, anh ấy đã trải qua tất cả hành động cách mạng phía bên ngoài lẫn bên trong. Tên của anh ấy được vang dội bởi sự đam mê và ngọn lửa của sự đấu tranh cho tự do. Và lúc này vira, người chiến binh, trong tinh thần đã khoác vào chiếc áo cà sa – một thay đổi hoàn toàn của những vai trò mà kích thích sự suy nghĩ của Pandit Jawaharlal Nehru, và nhiều đồng chí Xã hội của anh. Không thể có một vật liệu tốt lành hơn Achyut để làm việc trong những ngôi làng của Ấn độ.

Achyut đi đến Rajghat. Từ khoảnh khắc đầu tiên, anh ấy hoàn toàn không hài lòng với ngôi trường tầm thường dành cho trẻ em giai cấp trung lưu được điều hành bởi Trust; và thế là anh quyết định làm việc để thành lập một bệnh viện nông thôn dùng phục vụ những nhu cầu của những ngôi làng ở vùng chung quanh. Đây là phản ứng xã hội đầu tiên của Achyut đối với sự xây dựng một trung tâm tôn giáo. Anh ấy bảo với tôi rằng “nó là một cử chỉ thân thiện khi đáp ứng không điều kiện cho những người nghèo khổ và thiếu thốn.” Sau đó, Dr. Kalle, một F.R.C.S.[2], một viện sĩ thuộc viện giải phẫu của hoàng gia nước Anh và một người có nhiều từ bi, tham gia cùng Achyut để làm việc trong bệnh viện.

Achyut, giống như tất cả những người Ấn độ, có một tình yêu mãnh liệt của đất đai. Đối với anh, đất là mẹ. Thế là bây giờ cái trí của anh hướng về mảnh đất. Đất của sông Ganga màu mỡ, hoa màu lại kém cỏi. Những hẻm núi và không có sự chăm sóc đang làm cằn cỗi mảnh đất màu mỡ. Nó đã bị bỏ bê và bóc lột. Anh ấy lên kế hoạch xây dựng trường nông nghiệp cho những người con trai của nông dân – Sir V. T. Krishnamachari, phó chủ tịch của ủy ban kế hoạch, ưng ý sự tiếp cận của Achyut. Chẳng mấy chốc trường nông nghiệp bên kia sông Vanura hiện diện, mảnh đất được làm đường vòng quanh đồi núi, những cái giếng được đào. Ở đó Achyut sống trong một căn nhà nhỏ, không điện và phương tiện vệ sinh nguyên thủy. Người bạn đồng hành chính của anh ấy là Dr. Kalle, người cũng sống trong một căn nhà nhỏ đối diện nhà của Achyut. Chính là Dr. Kalle, cùng sự ủng hộ của Achyut, sẽ thành lập trung tâm y tế và bệnh viện cho những người nghèo sống nơi những ngôi làng quanh Rajghat.

Đối với Achyut, bắt đầu trường nông nghiệp là một hành động tượng trưng, mang chứng cớ rằng mảnh đất, mảnh đất cổ xưa thiêng liêng, con sông, chu kỳ bốn mùa, đang sống, tánh thiêng liêng đang tự hồi sinh. Kasi, thành phố thiêng liêng nhất và cổ xưa nhất trong những thành phố ở Ấn độ, là mảnh đất trong đó hạt giống của cái mới mẻ nằm ngủ im lìm. Nó đã chờ đợi sự xuất hiện của Người Thầy trong hàng thế kỷ. Tiếng nói của Krishnamurti được nghe lại, và hạt giống đang ngủ im lìm thức dậy.

Khoảng thời gian này Dr. Ram Dhar Misra, một người toán học khoa trưởng khoa toán của Lucknow University, sẽ tham gia cùng Achyut trong công việc của anh ấy. Ram Dhar Misra là một cử nhân, và đã quyết định từ bỏ nghề nghiệp của anh ấy để trở thành một thầy tu Phật giáo. Anh ấy đã gặp Achyut, nghe về những lời giảng của Krishnamurti, từ bỏ quyết định khoác vào chiếc áo cà sa, và đến Rajghat. Anh ấy chia sẻ căn nhà nhỏ cùng Achyut. Và khi Dr. Kalle bắt đầu bệnh viện, Dr. Misra làm trợ tá, lau chùi những vết thương, băng bó những bệnh nhân. Không công việc nào hèn hạ; bằng mọi phương cách, nhiệm vụ của anh ấy là làm cho bệnh viện nông thôn có thể vận hành được. Mộc mạc, uyên bác trong toán học và trong những quyển sách thiêng liêng của Ấn độ, anh ấy có một đồng cảm gần gũi cùng những sự vật tăng trưởng – cây cối, những bụi cây, hay đám cỏ đang nở hoa. Anh ấy rất khó tính về thức ăn và thường mời bạn bè dùng một bữa điểm tâm của Varanasi gồm có jalebis(mứt si rô thơm ngát), kachoris(bánh bột mì nhồi rau thơm), và đậu tươi ngon, mà anh ấy nấu rất khéo.

Khoảng thời gian này Vinoba Bhave, một trong những người trợ lý được tin cậy nhất của Gandhiji, đã bắt đầu phong trào Bhoodan của anh ấy. Anh ấy đã bắt đầu pada yatras, một hành hương, đi bộ từ làng này qua làng khác, xin những người chủ đất quà tặng đất đai cho những người nghèo khổ và những người không có đất canh tác. Phong trào phù hợp những đặc điểm của Ấn độ, nơi cách cư xử hào hiệp, hành động của thần thánh, hy sinh, và những thái độ đạo đức được đan dệt vững chắc trên khung cửi của truyền thống và hành động xã hội.

Vô số những người trẻ, bị đảo lộn bởi sự ám sát Gandhiji và không biết quay về đâu, theo sau Vinoba Bhave. “Sarva bhoomi gopal ki, tất cả đất đai đều thuộc về Thượng đế,” những môn đệ của anh ấy hát lên. Vinobaji, một người khổ hạnh có râu quai nón, gầy dơ xương, hốc hác đi bộ theo những con đường đầy bụi bặm của làng mạc Ấn độ, ăn đạm bạc, không đòi hỏi bất kỳ thứ gì cho anh ấy. Chỉ ở Ấn độ mới có thể nhìn khi người ta hài lòng, mà không có ý thức của cái tôi. Thật ra, cách cư xử khác thường được hiểu là hòa hợp với chất lượng của thần thánh. Trong một khoảng thời gian, phong trào Bhoodan bùng nổ ở Ấn độ. Ảnh hưởng lan tràn dần dần được cảm thấy khắp mọi nơi. Những bộ trưởng chính và những người trí thức, những người nghèo khổ và những người giàu có, đi bộ rất xa xôi, cùng vị thánh của Paunar, một ngôi làng ở Maharashtra nơi Vinobaji có ashramcủa anh ấy. Rao Sahib và Achyut Patwardhan bị tác động rất nhiều bởi phong trào Bhoodan. Họ cảm thấy rằng Vinoba đang giới thiệu một cách mạng mới, thái độ không bạo lực đối với sự nghèo khổ. Từ những ngày xa xưa nhất những ngôi làng của Ấn độ đã trao tặng sự hào phóng của chúng, sức lao động của chúng, và những khả năng tinh xảo của chúng cho những người cư ngụ của thành phố. Achyut cảm thấy qui trình này phải được đảo ngược.

Qua công việc của Achyut tại Rajghat, trong một ý nghĩa nào đó, anh ấy đang bắc nhịp cầu giữa ảnh hưởng những lời giảng của Krishnaji đối với những phản ứng bị quy định riêng thuộc nền quá khứ Xã hội của anh ấy và ảnh hưởng tức khắc của Vinoba Bhave.

Krishnaji đi cùng Rajagopal đến Bombay đầu năm 1953. Họ ở với Ratansi Morarji trên Carmichael Road. Bầu không khí thương yêu của những ngày xa xưa đã không còn nữa. Krishnaji rút lui và dành nhiều thời gian trong phòng của anh, một mình. Hiếm khi nào nghe được tiếng cười của anh, nhưng giọng nói đang bị khích động và tức giận của Rajagopal lại thường được nghe thấy từ căn phòng của Krishnaji.

Krishnaji đang thực hiện vô số những phỏng vấn, gặp gỡ những khất sĩ, những sinh viên học sinh, những người đàn ông và đàn bà chất đầy đau khổ và sự cô độc của tuổi già. Anh đang tổ chức những nói chuyện tại khuôn viên của J. J. School of Art; những nhóm bàn luận nhỏ đã bắt đầu, nhưng anh không còn đến và ngồi trong phòng khách mỗi buổi sáng và buổi chiều nữa. Những buổi hát Krishnmurti tham gia cũng kết thúc. Rajagopal có vẻ đang quyết định việc gì Krishnaji có thể làm hay không thể làm. Tại thời điểm đó, Rajagopal rất thân thiện với Jamnadas Dwarkadas, người, với tình yêu và sự thành tâm sâu kín về Krishnaji, phản ứng lại rất mạnh mẽ và tức giận bởi những lời nói bóng gió của Rajagopal. Jamnadas không bao giờ kể cho chúng tôi những gì Rajagopal đã nói nhưng ám chỉ rằng anh ấy đã buộc tội Krishnaji rất gay gắt. Rajagopal rất thân thiện với tôi, nhưng chúng tôi có những tranh luận lâu về những công việc xuất bản sách, những tổ chức, và sự ưa thích. Thỉnh thoảng chúng tôi bất đồng ghê lắm. Tôi không quen thuộc với những thái độ lén lút trong những học viện công chúng. Rajagopal hung hăng và chối từ trả lời những câu hỏi. Anh ấy muốn biết mọi thứ, nhưng lại không sẵn sàng để tiết lộ bất kỳ điều gì. Tôi nói với anh ấy rằng tôi không thể làm việc với anh ấy nếu vẫn còn có những tình trạng như thế.

Tuy nhiên, những nói chuyện của Krishnaji lại không mang bất kỳ dấu vết nào của vũng xoáy đang quay cuồng tại nơi cư ngụ của Ratansi.

Khoảng thời gian này xảy ra một biến cố sẽ phóng ra một mũi tên của nguyên nhân mà cuối cùng dẫn đến một tan vỡ hoàn toàn giữa Krishnaji và Rajagopal. Bị quấy rầy bởi Rajagopal, với những cãi cọ đang xảy ra hàng ngày, Krishnaji bị bắt buộc phải nói điều gì đó mà đã gây ảnh hưởng sự hòa hợp cá nhân của Krishnaji. Sau khi đã nói nó, Krishnaji nhận thức ra được toàn bộ những hàm ý của nó. Đó là lần duy nhất tôi thấy Krishnaji đau khổ vô cùng.

Anh yêu cầu chúng tôi lái xe đưa anh đến bờ biển Worli. Chúng tôi dạo bộ dọc theo bãi biển; thủy triều đang lên và có gió mạnh. Trong những ngày đó bãi biển Worli bị bỏ hoang. Krishnaji đi trước chúng tôi thật xa, hoàn toàn yên lặng, cách biệt. Anh ngừng lại và chờ chúng tôi. Quay mặt về hướng chúng tôi, anh đứng yên một lúc, sau đó chắp hai tay trước ngực và nói, “Meaculpa.” “Lỗi lầm riêng của tôi.” Anh biết rằng chúng tôi đã hiểu. Sau đó, như thể từ thật xa, chúng tôi nghe tiếng nói của anh, “Những từ ngữ đã được nói ra, mũi tên đã tăng tốc độ, tôi không thể làm bất kỳ việc gì về nó. Nó sẽ tìm ra mục tiêu của nó.” Anh sẽ không bao giờ nhắc lại biến cố đó nữa.

Trong suốt những ngày tiếp theo, những nói chuyện và những bàn luận ít người bắt đầu lại. Krishnaji nói về sự cần thiết phải được chú ý bất động trong bất kỳ trạng thái nào nảy ra tại một khoảnh khắc – hận thù, tức giận, tham lam, thương yêu, rộng lượng. “Liệu có thể,” anh hỏi, “là những trạng thái này một cách tuyệt đối mà không có bất kỳ chuyển động nào của cái trí rời khỏi nó, mà không có bất kỳ chuyển động nào hoặc thay đổi hoặc củng cố nó?”

Krishnaji nói đặt ra những nghi vấn cơ bản là việc quan trọng nhất; chúng hiếm khi nào nảy ra một cách tự phát. Cái trí, quan tâm đến những nhỏ nhen, hiếm khi nào ngừng lại để đặt ra nghi vấn cơ bản. Và khi nó đặt ra, luôn luôn nó có đáp án dễ dàng nảy sinh từ điều gì nó đã trải nghiệm rồi.

“Chúng ta đã được giáo dục để kiềm chế những cảm xúc mạnh, sự kháng cự cho chúng sức mạnh và chất dinh dưỡng. Liệu có thể nghi vấn, mà không có một chuyển động của cái trí? Liệu người ta có thể đặt ra nghi vấn cơ bản và thả nó trong ý thức – ở lại cùng nó – không cho phép sự chú ý lang thang khỏi nó? Nắm chặt nghi vấn đó hay vấn đề đó đến độ nó bắt đầu tự-bộc lộ những sắc màu tinh tế của nó, tự-phơi bày chính nó – trong ánh sáng của sự chú ý – đến độ, nở hoa trọn vẹn, có một kết thúc tuyệt đối?”

Năm 1953, người cháu trai của Krishnamurti, G. Narayan đến Bombay thăm anh. Con trai người anh cả của Krishnaji, Narayan đã tốt nghiệp Cao học và là một luật sư. Krishnaji đưa anh ấy đến phòng của anh. Đó là buổi chiều và Krishnaji mở những cửa sổ phòng để cho mặt trời hoàng hôn vào trong phòng, sáng lên khuôn mặt của Krishnaji. Anh hỏi Narayan rằng anh ấy sẽ làm gì. Narayan do dự, và Krishnaji đề nghị anh ấy nên đi dạy học tại Rishi Valley. Narayan trả lời anh ấy sẽ suy nghĩ về nó. Đêm đó, Narayan kể với tôi rằng anh ấy cảm thấy toàn thân thể phủ đầy anh sáng xanh dịu, mát mẻ và an lành. Anh ấy đấu tranh và xua đuổi nó đi, nhưng nửa tiếng đồng hồ sau nó lại hiện diện ở đó. Narayan cảm thấy rằng trải nghiệm này đã xóa sạch tất cả những vấn đề của anh ấy. Anh ấy đi đến Rishi Valley, đầu tiên như một giáo viên và sau đó phó hiệu trưởng.

Từ Rishi Valley, Nayaran đi Oxford để chuyển bằng Cao học của anh ấy trong tiêu chuẩn giáo dục. Sau một năm anh ấy về lại Rishi Valley, nhưng sau đó ra nước ngoài. Anh ấy dạy tại một trong những trường học của Rudolph Steiner trong nhiều năm. Mê say Phật giáo, anh ấy tiếp xúc nhiều với những người Phật giáo ở nước Anh. Đáp lại sự yêu cầu từ Krishnaji, anh ấy quay lại Ấn độ năm 1978 và nắm chức vụ hiệu trưởng của Rishi Valley School.

Krishnaji đi đến Varanasi cùng Rajagopal cuối mùa đông năm 1953. Kitty và Shiva Rao đã đi Mỹ, và Krishnaji viết thư hỏi tôi liệu anh và Rajagopal có thể ở trong những căn phòng của chúng tôi ở Delhi Gymkhana Club, một trong những dấu vết còn lại của quá khứ thuộc địa ở Delhi. Krishnaji và Rajagopal ở đó một đêm trên đường đến Rajghat ở Varanasi, nơi Krishnaji sẽ có mười lăm nói chuyện cùng các em học sinh của Rajghat School.

Những nói chuyện là một thách thức cho Krishnaji. Anh phải khám phá những từ ngữ trong đó anh có thể diễn tả về anh và được hiểu rõ bởi các trẻ em nói tiếng Anh ngắc ngứ. Những vấn đề phức tạp của uy quyền, sợ hãi, đau khổ, và chết đang được chuyển tải. Những khoảng ngừng của Krishnaji, sự mãnh liệt của chú ý, sự nhận biết vô hạn, sự trìu mến được chứa đựng trong những từ ngữ của anh, chạm đến đáy sâu những cái trí của những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất. Giọng nói của Krishnaji dịu dàng, những từ ngữ của anh ngập ngừng; anh mỉm cười cùng quả tim của anh và đôi mắt của anh và các em lắng nghe mê mải và yên lặng.

Nói về ngày 4 tháng giêng năm 1954, Krishnaji nói, “Giáo dục không phải ngừng lại khi bạn hai mươi mốt tuổi, nhưng tiếp tục đến khi bạn chết. Sự sống giống như một con sông, nó luôn luôn đang chuyển động, không bao giờ đứng yên. Nó đang sống. Nếu người ta bám vào một phần của con sông và nghĩ rằng người ta hiểu rõ, vậy thì nó giống như đang nhốt lại dòng nước chết rồi. Bởi vì con sông đang chảy và nếu người ta không trôi cùng nó, người ta bị bỏ lại đằng sau. Liệu người ta có thể nhìn ngắm những chuyển động của con sông? Liệu người ta có thể thấy những sự việc đang diễn ra trên hai bờ sông, liệu người ta có thể hiểu rõ, có thể đối diện với sự sống là gì?”

Nói về sợ hãi bằng sự đơn giản nhất, anh mở toang những phức tạp của nó. Anh thâm nhập vào những sợ hãi đang vây chặt cái trí của một đứa trẻ. Anh nói về bản chất của sợ hãi và hình phạt, sự cần thiết phải có thông minh. Thấy và nhận biết được những gia đình bảo thủ mà những đứa trẻ đến từ đó, anh dò dẫm vào những từ ngữ “bảo thủ”, nhốt chặt, bảo vệ. Anh đào sâu vào từ ngữ “truyền thống.” Nó là gì mà phải được tôn trọng? “Nếu,” anh nói, “bạn tìm hiểu nó rất sâu thẳm, bạn sẽ thấy nó nảy sinh từ sự sợ hãi tạo ra một lỗi lầm.”

“Tại sao không tạo ra một lỗi lầm?” anh hỏi. “Tại sao không tìm ra? Những người lớn tuổi đã không sáng tạo một thế giới tốt lành, họ ngập tràn sự tối tăm, sự sợ hãi, sự thoái hóa, sự ép buộc; họ không sáng tạo một thế giới tốt lành. Và có lẽ nếu bạn được tự do khỏi sợ hãi trong chính nó và có thể đối diện sợ hãi trong một biến cố khác, thế giới sẽ hoàn toàn khác hẳn.”

“Đau khổ là gì?” một em bé mười tuổi hỏi. Krishnaji, đầy đau khổ, hướng về những giáo viên và nói, “Liệu đó không là một việc quá kinh khủng khi một em bé như thế phải đặt ra câu hỏi này?” Sau đó hướng về em bé anh nói về hiểu rõ đau khổ, sợ hãi. “Bạn không thể lẩn trốn đau khổ hay tẩu thoát nó. Bạn phải hiểu rõ nó. Và giúp đỡ bạn hiểu rõ là chức năng của người giáo viên.”

Một em gái nhỏ xíu hỏi, “Thượng đế là gì?” và Krishnaji trả lời, “Trong trả lời câu hỏi đó, chúng ta đang nói với em gái, và cũng với những người già nua, yêu cầu những giáo viên vui lòng lắng nghe. Bạn có khi nào nhìn ngắm một chiếc lá đang nhảy múa dưới ánh mặt trời, một chiếc lá cô đơn? Bạn có khi nào nhìn ngắm ánh trăng trên dòng nước và một đêm khác bạn thấy một mặt trăng đỏ? Bạn có để ý con chim đang bay? Bạn có tình yêu sâu đậm cho cha mẹ của bạn? Tôi không đang nói về sợ hãi, về lo âu, về vâng lời, nhưng về cảm giác, sự đồng cảm vô cùng mà bạn trải qua khi bạn nhìn một người ăn xin, hay một con chim bị chết, hay khi bạn nhìn một thân thể được hỏa thiêu trên bờ sông. Liệu bạn có thể thấy tất cả việc này và có sự đồng cảm và sự hiểu rõ cho những người giàu sang đi qua trong những chiếc xe hơi to, và cho những người ăn xin cơ cực cũng như cho con ngựa ekkatội nghiệp hầu như chỉ còn là bộ xương đang bước đi? Liệu bạn có thể có cảm giác rằng quả đất này là quả đất của chúng ta – quả đất của bạn và của tôiphải được làm cho đẹp đẽ?

“Vậy thì, đằng sau tất cả nó có cái gì đó thăm thẳm hơn nhiều. Nhưng muốn hiểu rõ cái thăm thẳm và vượt khỏi cái trí, cái trí phải được tự do, yên lặng. Cái trí không thể yên lặng nếu không hiểu rõ thế giới quanh bạn. Vì vậy bạn phải bắt đầu rất gần, bắt đầu bằng những sự việc nhỏ xíu, thay vì cố gắng tìm ra Thượng đế là gì.”

Trong một trong những nói chuyện, anh giải thích sự cần thiết cho đứa trẻ phải ngồi yên lặng, “Người ta càng già nua bao nhiêu, người ta càng trở nên lo âu, khích động, sốt ruột bấy nhiêu. Họ không thể ngồi yên lặng.”

Anh bảo cho trẻ em làm thế nào để ngăn ngừa cái trí không bị bắt chước; làm thế nào cái trí tự-tạo tác cho chính nó truyền thống mà là phương cách của bắt chước. “Liệu cái trí có thể được tự do?” anh hỏi. “Không phải tự do khỏi trải nghiệm, nhưng tự do để trải nghiệm. Tự do hiện diện khi cái trí trải nghiệm mà không có truyền thống.”

Trong nói chuyện lần cuối cùng trẻ em, anh nói về tôn giáo. “Tôn giáo hiện diện khi cái trí hiểu rõ công việc của chính nó. Khi cái trí yên lặng, rất tĩnh – yên lặng không là sự yên nghỉ của chết, yên lặng này rất năng động, rất tỉnh táo, rất cảnh giác. Muốn tìm được Thượng đế – Sự thật là gì, người ta phải hiểu rõ đau khổ, và sự đấu tranh cho sự tồn tại của con người. Muốn vượt khỏi cái trí phải có một kết thúc của cái ngã, ‘cái tôi.’ Vậy thì, chỉ đến lúc đó, cái mà tất cả chúng ta tôn sùng, tìm kiếm, hiện diện.”

Ở Varanasi, chúng tôi hỏi Krishnaji anh sẽ làm gì để sáng tạo một ngôi trường sẽ phản ảnh những lời giảng của anh. Anh trả lời, “Trước hết phải có bầu không khí của vô hạn. Cảm thấy rằng tôi đang đi vào một ngôi đền. Phải có vẻ đẹp, không gian, sự yên lặng, sự trang nghiêm. Phải có một trạng thái của cùng nhau trong học sinh và giáo viên, một trạng thái của hương thơm, một ý thức của nở hoa, một cảm giác của thiêng liêng lạ thường. Phải có tính chân thật, không sợ hãi. Đứa trẻ phải chung vai gánh sức cùng quả đất, phải có trong em một chất lượng của cái khác lạ.”

“Làm thế nào ông sáng tạo điều này một cách cụ thể?”

“Tôi sẽ xem xét phương cách của sự dạy học, chất lượng của sự chú ý,” Krishnaji trả lời. “Tôi sẽ tìm hiểu phương cách dạy đứa trẻ học hành mà không có ký ức đang chi phối. Tôi sẽ nói về chú ý và không-tập trung. Tôi sẽ trình bày về cách đứa trẻ nghỉ ngơi, thức ăn của em, những trò chơi em ấy có, đồ đạc trong phòng của em; tôi sẽ thấy rằng đứa trẻ chú ý đến cây cối, chim chóc, không gian quanh em. Tôi sẽ thấy rằng em lớn lên trong bầu không khí của sự chú ý.”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]