Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười bảy

10/07/201103:30(Xem: 10013)
Chương mười bảy

KINH KIM CANG CHƯ GIA

KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

99.-ÂM:

Nhĩ thời, Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?".

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, đương sanh như thị tâm: "Ngã ưng diệt độ nhứt thiết chúng sanh, diệt độ nhứt thiết chúng sanh dĩ, nhi vô hữu nhứt chúng sanh thiệt diệt độ giả".

NGHĨA:

Khi ấy Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Như có trai lành, gái tín nào, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trụ thế nào? Nên hàng phục cái vọng tâm thế nào?".

Phật bảo Tu Bồ Đề: "Như có trai lành, gái tín nào, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải sanh tâm như vầy: "Ta phải diệt độ cả thảy chúng sanh, nhưng đã diệt độ cả thảy chúng sanh, mà không có một chúng sanh nào thiệt diệt độ cả".

Giải :Sớ Sao giải: Diệt độ nhứt thế chúng sanh là trong khi vọng tưởng chấp bỏ nhơn ngã, tham, sân, ganh ghét, và cả thảy lòng chẳng lành; ấy là cả thảy chúng sanh. Dùng cái lòng không ta, đem sự nhẫn nhục hàng phục, khiến cho tà ác chẳng sanh, tức là diệt độ cả thảy chúng sanh.

Dĩ là hết - Nhi vô hữu nhứt v.v... là phiền não vọng tưởng, chấp bỏ, tham sân, cả thảy lòng chẳng lành vốn chẳng tự có, bởi các tình tham tài, sắc, ân ái quá trọng, mới có lòng ấy. Nay đã giác ngộ, nên dùng lấy chánh tri diệt độ. Nhưng cũng không thấy có thiệt diệt độ đặng, là vốn chẳng sanh nên cũng chẳng có diệt. Cho nên nói: "Mà không có một chúng sanh nào thiệt diệt độ cả".

Trần Hùng giải: Kinh Đại Niết Bàn có nói: "Khi mình chưa đặng độ, thì trước phải độ người".

Trong Sám Pháp có nói: "Trước độ chúng sanh, sau mới thành Phật, cho nên cái điều diệt độ cả thảy chúng sanh đó, là phần của Phật ta phải làm, nếu chẳng vậy thì thành ra tuyệt vật ([132]) rồi, làm sao mà làm Phật?".

Phật đã tỏ ngộ cái lý không tướng của chơn không, năng sở đều vắng lặng, nên tuy đã diệt độ cho chúng sanh, mà không khởi một niệm nào về sự đã diệt độ đó, lại cũng chẳng thấy có chúng sanh nào mà mình đã độ. Cho nên nói: "Không có một chúng sanh nào thiệt diệt độ cả".

Lý Văn Hội giải: Vân hà ưng trụ v.v... đã có chú giải trong phần Thiện Hiện khởi thỉnh, đệ thứ 2.

Đương sanh như thị tâm là hai bực thừa còn chấp trước các tướng, khởi các vọng niệm, nên Như Lai chỉ dạy, khiến cho lòng thường vắng lặng, rỗng rang thanh tịnh.

Ông Mã Tổ có nói: "Thường khiến cho lòng như người mê không phân biệt phương hướng".

Ông Văn Thù Sư Lợi có nói: "Bởi lòng như hư không, không cần chi sự kỉnh lễ ".

Ông Bách Trượng Thiền Sư có nói: "Lòng tợ như hư không thì học mới thành".

Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Dùng lòng mà tịnh lòng, không có pháp chi khác, ấy là Chơn Phật.

Phật với chúng sanh cũng một cái tâm, không có chi khác. Ví như cõi hư không, không xen không nhiễm, như mặt nhựt soi khắp bốn châu. Khi mọc lên sáng cả thiên hạ, mà hư không vẫn chẳng có chi là sáng, đến khi lặng khuất, tối cả thiên hạ, mà hư không vẫn chẳng có chi là tối. Ấy là tại sự sáng tối nó xâu xé lẫn lộn với nhau đó thôi.

Tánh của hư không lộng lộng chẳng biến, cái tâm của Phật với chúng sanh cũng như thế.

Ngã ưng diệt độ v.v... là Phật nói: Ta muốn khiến cả thảy chúng sanh diệt trừ vọng niệm đặng rõ chơn tánh.

Ông Bạch Lạc Thiên có câu thơ:

Rỗng rang không một niệm,

Vắng lặng thiệt Thầy ta.

Khuê Phong Thiền sư giải: Hiểu thấu đặng các tướng không, thì lòng tự nhiên không niệm. Niệm khởi thì ngộ, ngộ rồi thì không; pháp mônđúng nhứt trong đạo tu hành, duy tại nơi ấy.

Từ Thọ Thiền sư giải: Hạng người căn tánh đĩnh đạc, một phen phát động liền Chuyển pháp luân, còn kẻ căn tánh ngu độn chỉ cứ ngẩn ngơ trong giấc mộng hồn.

Sơn Tăng này có cái đạo lý để thức tỉnh sự chiêm bao ngủ gục ấy - Không có thế nào mà chẳng khuynh tâm thổ đởm (dĩ hơi) cho đặng, đặng mà thuyết phá cho các ngươi.

Giây lâu lại nói: Hãy cần chiếu cố lấy cái lỗ mũi (sự suy nghĩ).

Kẻ ngu nghe lý ấy,

Như gặp khách qua đàng.

Người trí bấy giờ hội,

Cũng bằng đói đặng ăn.

Diệt độ nhứt thiết v.v... là chẳng thấy có chúng sanh nào mà mình độ cả. Nếu chẳng như thế, thì bị trước bốn tướng ngã, nhơn, sanh, thọ, tức là chẳng phải lòng thanh tịnh của Bồ Tát.

Xuyên Thiền sư giải: Nhân khi mê thưởng nguyện, bất ý đến Thương Châu (Cảnh tiên)

Tụng:

Nếu hỏi làm sao trụ, Chớ thiên trung hữu, vô;

Thân không nương vũ trụ, Chơn chẳng đạp Diêm phù,

Nhỏ tợ hình lân tích ([133]), Nhẹ như cánh điệp thu ([134]).

Chúng sanh độ hết, nhưng không độ,

Mới gọi tùy cơ đại trượng phu.

100.ÂM:

Hà dĩ cố? - Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát.

Sở dĩ giả hà? - Tu Bồ Đề! Thiệt vô hữu pháp, phát A nậu đa la tam muội tam bồ đề tâm giả.

NGHĨA:

Bởi cớ sao? - Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát mà có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì chẳng phải là Bồ Tát. Sở dĩ sao? - Này Tu Bồ Đề! Thiệt không có pháp chi mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả".

Giải :Lục Tổ giải: Tu Bồ Đề hỏi Phật: "Như Lai tịch diệt sau năm trăm sau, như có người phát tâm Vô thượng nên trụ thế nào, nên hàng phục cái vọng tâm thế nào?".

Đáp : "Phải phát tâm độ thoát cho cả thảy chúng sanh đặng thành Phật, nhưng chẳng nên thấy có một chúng sanh nào là độ thoát cả".

Bởi sao vậy? Là bởi trừ cái lòng năng sở, trừ cái lòng có chúng sanh, cũng trừ cái lòng ngã kiến nữa.

Vương Nhựt Hưu giải: Phần này đại khái cũng như trong phần thứ 3 đã nói. Đến đây Tu Bồ Đềlại hỏi nữa, là vì những thính giả mới đến sau, rồi Phật lại nói thêm một câu: "Thiệt không có pháp chi mà phát tâm Vô thượng cả nữa".

Vả lại, trước đã nói phát tâm Vô thượng nên sanh tâm như vầy, sanh tâm như vầy thì tức là có pháp, nếu không pháp thì làm sao cho rõ chơn tánh mà thành Phật đặng!

Vậy mà đây lại nói thiệt không có pháp chi mà phát tâm Vô thượng, là sao vậy? Là trước đã nói: "Nên sanh tâm như vầy", tâm ấy cũng chẳng phải ở trong chơn tánh mà có, cũng là cái tâm vọng vậy thôi. Nên nói "Thiệt không có pháp chi", là cốt ở tại chữ "thiệt". Xét cho kỹ thì trong chơn tánh không có pháp ấy, bởi Phật e cho đệ tử nhận lầm câu "nên sanh tâm vầy" đó là chơn thiệt, nên đến đây lại thuyết phá là chẳng phải thiệt.

Vậy thì, chẳng phải luống có một việc "vốn không có". Cả thảy chúng sanh nào mà phát cái tâm cầu chơn tánh, mà cái pháp ấy, lại cũng "Vốn không có nữa".

Bởi trong chơn tánh bổn lai rỗng rang không không. Nên nói một pháp chẳng lập, một bụi trần chẳng nhiễm là vậy.

Nhan Bính giải: Đương sanh như thị tâm là nên phát cái tâm ấy.

Phật độ chúng sanh đã hết, nhưng bởi tánh vốn không nên thiệt không có một chúng sanh nào mà đặng diệt độ cả. Nếu có sanh tâm chấp tướng mà cầu phước báu tức chẳng phải là Bồ Tát.

Thiệt vô hữu pháp v.v... là sự thiệt thì không có nhiễm lấy một chút trần ô, mà làm sao lại có pháp!

Lý Văn Hội giải: Tức phi Bồ Tát là hai bực thừa chấp trước bốn tướng ngã, nhơn, sanh, thọ đã có chú giải nơi trước rồi.

Thiệt vô hữu pháp là người mới ngộ đạo thì hãy còn có bốn tướng vi tế.

Còn có mảy may chấp lòng ngộ đạo là Ngã tướng; thấy có trí huệ mà hàng phục phiền não đặng là Nhơn tướng; thấy có cái ý hàng phục phiền não Chúng sanh tướng; thấy có cái lòng thanh tịnh là Thọ giả tướng - Nếu không trừ bốn thứ vọng niệm ấy, thì đều là chấp pháp. Cho nên nói: "Thiệt không có pháp chi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả ".

Phó Đại Sĩ giải:

Tụng:

Không sanh xin hỏi lại, Chẳng phải vị cho thân.

Muốn phát tâm A nậu, Nên tường nghiệp quả nhân.

Chấp từ bi cũng vọng, Dùng tự tánh mới chân.

Pháp lập quyền mà độ, Xưa nay ít kẻ phân.

Xuyên Thiền sư giải: Thiếu hết một phần, đâu có đặng.

Tụng:

Ngồi tại giữa nhà trống lỗng lông,

Chẳng Nam chẳng Bắc chẳng Tây Đông.

Bằng không ôn độ của dương khí,

Đâu đặng đào hoa chói sắc hồng.

101.ÂM:

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? - Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề phủ?

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? - Khi Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp chi mà đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Như Lai là Phật tự xưng. Nhiên Đăng Phật Bổn sư của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật kêu ông Tu Bồ Đề mà hỏi: "Khi trước ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng Bổn sư, có pháp chi mà đặng cái chơn tánh Vô thượng Chánh giác chăng?".

102.ÂM:

"Phất dã, Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề".

NGHĨA:

"Bạch đức Thế Tôn ! Không - Như con mà tỏ đặng nghĩa của Phật nói thì, thuở Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không có pháp chi mà đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả".

Giải :Lục Tổ giải: Phật bảo ông Tu Bồ Đề: "Ta ở chỗ Sư ta, nếu không diệt trừ bốn tướng thì có đặng thọ ký chăng?". - Ông Tu Bồ Đề rất rõ cái lý không tướng cho nên nói: "Không".

Lý Văn Hội giải: Phật hỏi: "Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp chi đặng đạoVô thượngchăng?". - Ông Tu Bồ Đề đáp: "Nếu còn chấp cái lòng tỏ ngộ tánh Bát Nhã, tức là có pháp thì còn có lòng sở đắc ". Cho nên nói: Không có pháp chi đặng đạo Vô thượng cả.

103.ÂM:

Phật ngôn: "Như thị! Như thị !".

NGHĨA:

Phật nói: "Như vậy ! như vậy !".

Giải :Lý Văn Hội giải: Phật ngôn: Như thị! như thị !là rất hiệp với các pháp ý của Như Lai.

Xuyên Thiền sư giải: Nếu chẳng nằm chung một chõng giường, đâu tường chút ít đồ ăn mặc.

Tụng:

Đánh trống khảy tỳ bà, Hai đàng hội một nhà.

Chàng nương bờ lục liễu, Ta ngụ bãi phù sa.

Cảnh chiều lãi rải luồng mưa rưới,

Ngút núi xanh xanh, ráng chói lòa.

104.ÂM:

Tu Bồ Đề! Thiệt vô hữu pháp, Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Thiệt không có pháp chi mà Như Lai đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả.

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Phật nhận lời của ông Tu Bồ Đề là rất phải, nên mới nói hai lần "như vậy"; rồi lại kêu ông Tu Bồ Đề mà nói theo lời ấy: "Thiệt không có pháp chi mà ta đặng chơn tánh Vô thượng cả", là cái ý rất nhận lời ấy vậy.

105.ÂM:

Tu Bồ Đề! Nhược hữu pháp, Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề giả, Nhiên Đăng Phật tức bất dữ ngã thọ ký: "Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu: Thích Ca Mâu Ni".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Bằng có pháp chi mà Như Lai đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì Phật Nhiên Đăng, chẳng thọ ký cho ta: "Ngươi qua đời sau, sẽ đặng làm Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni".

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Nếu có pháp chi mà đặng, thì Phật Nhiên Đăng đã truyền rồi sao còn thọ ký rằng: Đời sau sẽ đặng làm Phật.

Thích Ca: Năng Nhơn ; Mâu Ni: Tịch Mặc. Năng Nhơn là tâm tánh bao la, hàm dung cả thảy. Tịch Mặc là tâm thể vắng lặng, động tịnh không can.

Hồi đời Châu vua Chiêu Vươngnăm thứ 26 nhằm ngày mồng 8, tháng 4, năm Giáp Dần (trước Chúa giáng sanh 624 năm) là ngày Thích Ca giáng sanh. Ngài sanh ra tại nách phía hữu của bà mẹ, liền đi bảy bước, chỉ tay mặt, hét giọng Sư tử hẩu mà nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn (Trên trời dưới trời duy có Chơn lý là tôn trọng hơn hết). Chín vị Long thần ở trên không trung, phun ra thứ nước trong sạch đặng tắm cho Ngài.

Ngài tên tộc là Tất Đạt Đa dịch là Đốn Kiết, kêu là Thái tử Tất Đạt Đa.

Đến đời vua Mục Vương thứ 53 nhằm ngày 15, tháng 2, năm Nhâm Thân (trước Chúa giáng sanh 544 năm), Ngài nhập Niết bàn ở tại giữa cụm cây Ta La; nơi đại thành nước Cu Thi Lahưởng thọ đặng 80 tuổi.

Có một bộ giải nghĩa, không đề tên tác giả (Vô Danh thị) có nói: "Muôn pháp vốn không, nếu cho rằng pháp mà có chỗ đặng, ấy là chấp tướng, thì lòng còn ngăn ngại; nếu cho rằnggiác tánh mà có chỗ chứng, ấy là lòng chấp có Ta, và năng sở cũng chưa trừ. Phật há có ấn chứng chi đâu?".

Thọ ký: là tỏ ngộ chơn tánh thì hẳn đặng thành Phật.

Lý Văn Hộigiải: Bằng có cả thảy pháp là có cả thảy lòng, nên nói: chẳng phải Phật pháp. Bằng không cả thảy pháp là không cả thảy lòng, làm sao mà không phải Phật.

Nên ông Long Nha Hòa Thượng có nói:

Sum suê cụm đại thụ, Chiu chít chim về đổ.

Đi, tự ý không cần, Tới, vô tâm chẳng rủ.

Nếu lòng đặng thế này, Lý đạo nơi trong đủ!

Dữ ngã thọ ký v.v... là trước nhớtrí huệmà đặng kiến tánh. Bằng có lòng năng sở, tức là cái pháp mới chứng đắc, thì tánh đồng với kẻ phàm phu, đâu có thọ ký đặng. Vậy thì, không có chi thọ ký mới là thọ ký. Nếu lòng còn mảy mún đình lưu, hẳn không pháp chi mà đặng cả. Tự tánh vốn thanh tịnh, cho nên nói: "Đời sau sẽ đặng làm Phật".

Từ Thọ Thiền sưgiải:

Tụng:

Linh dược nhà tiên một ít hoàn,

Uống vào thân thể đặng khinh thăng.

Trần duyên ví bằng còn may mảy,

Cách nẻo Bồng lai dặm tám ngàn,

Phó Đại sĩgiải:

Tụng:

Cả hai nhơn với pháp, Nguyên thể cũng đồng như.

Pháp diệt nhơn liền dứt. Nhân không pháp hẳn trừ.

Pháp, nhân bằng có thiệt, Thọ ký chẳng là hư?

Nhứt thiết danh đều vọng. Lấy chi gọi hữu, vô.

Xuyên Thiền sưgiải: Nghèo tợ Phạm Đan, gan nhưHạng Võ.

Tụng:

Chẳng còn miếng ngói, Không chỗ cầm chùy (dùi).

Ngày qua tháng lại. Ai biết là gì!

Ỳ! Y!

106.ÂM:

Dĩ thiệt vô hữu pháp đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, thị cố, Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn: "Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu: Thích Ca Mâu Ni". Hà dĩ cố ? Như Lai giả, Đức chư pháp như nghĩa .

NGHĨA:

Bởi thiệt chẳng có pháp chi mà đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ta, mà nói như vầy: "Ngươi qua đời sau, sẽ đặng làm Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni". Bởi cớ sao? - Như Lai ấy là, các pháp đều như như.

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Bài này nói Như Lai chơn tánh Phật. Bởi như là chơn tánh, khắp cả hư không thế giới mà thường tự như; nếu muốn hiện ra làm cả thảy đều chi, thì không chi là chẳng đặng nên nói Như; lại tùy sự cảm cách mà hiện ra nên nói: Như Lai, Như Lai: là chơn tánh. Nếu nói rõ là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nói đại lược là Như, đại lược nữa là: Phật.

Vậy thì, Phật Như Lai cũng có khi chỉ sắc thân mà nói. Như nói: "Như Lai nhục nhãn chăng". Như Lai dùng trí huệ của Phật biết tất cả người ấy v.v... Còn đây là nói chơn tánh. Chơn tánh cũng kêu là chơn như. Là ngoại vật thảy đều giả vọng, duy có cái tánh mới chơn; còn nói là Như thì đoạn chú giải trước đây nói: chơn tánh tự như, mà không có chi chẳng hiện ra đặng đó! Cho nên gọi tánh chơn thiệt là chơn như, mà cũng gọi là Như Lai nữa.

Tăng Nhược Nộtgiải: Như Lai tức chơn như; chơn như chẳng lìa các pháp cho nên nói: "Các pháp đều như như ".

Trần Hùng giải: Phật thường biện luận về Ngài đặng cái tôn hiệu Thích Ca đó, là cớ sao? Bởi Ngài tỏ thấu các pháp không, nên mới đặng cái nghĩa như như. Như tức là chơn như.

Kinh Lăng Già có nói: "Lìa sự vọng tưởng chẳng thiệt ấy là trụ vào chỗ như như, như như ấy là đặng cái cảnh giới không có chỗ có".

Cho nên kinh Duy Macó nói: "Như là chẳng hai, chẳng lạ; cả thảy pháp cũng đều như, các Thánh Hiền cũng là như, cho đến Phật Di Lặc cũng là như nữa".

Lý Văn Hộigiải: Cả thảy các pháp bổn lai thanh tịnh, bởi tại chấp bỏ phân biệt các pháp, cho nên trược loạn chẳng đặng tự như. Nếu lòng thanh tịnh thì tự nhiên như mặt nhựt chói. Giữa trời tỏ rõ rạch ròi, đối với các pháp đều không chấp bỏ phân biệt, tức là "Các pháp đều như như ".

Lại nói: Nếu chẳng tu nhân, hẳn không chứng quả. Nhưng phải biết chẳng có cái pháp nhân quả chi mà đặng. Các pháp đều như như, mà lý nhưtức là Phật.

Xuyên Thiền sư giải: Trụ đi, trụ đi!

Phật Văn Thù với Tịnh Danh cùng nhau luận về lý Bất nhị.

- Thế nào là Bất nhị?

- Chẳng đặng động chấp; động chấp thì phạt ba mươi roi.

Tụng:

Trên là trời, dưới là đất,

Trai thật trai, mà gái gái thật,

Thằng mục đồng cùng đứa giữ trâu,

Hát (la la lý) cười ngân ngất.

Ấy, là khúc điệu gì mà vui khoái cả muôn năm?

107.ÂM:

Nhược hữu nhơn ngôn: Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. - Tu Bồ Đề! -Thiệt vô hữu pháp, Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

NGHĨA:

Nếu có người nói : Như Lai đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác...

Này Tu Bồ Đề! Thiệt không có pháp chi Phật đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả.

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Phật nói: Hằng có người nói Phật đặng cái chơn tánh Vô thượng Chánh giác, ấy là vọng ngữ, sao vậy? - Là chơn tánhNgài vốn đã tự có, chỉ có diệt hết ngoại vọng thì rõ chơn tánh.

Phàm nói đặng, là đặng ở ngoài; còn chơn tánh có đâu ở ngoài mà đặng! Cho nên, hỏi nói đặng tức là không thiệt.

Phật lại kêu ông Tu Bồ Đề mà tự đáp: "Như Lai đặng cái không có pháp chi đó, pháp đó mới là pháp chơn tánh Vô thượng Chánh giác. Bởi tánh thì vốn tự có, còn pháp thì cầu ở ngoài, chỉ mượn pháp mà diệt trừ ngoại vọng đặng minh chơn tánh đó thôi".

Há có cái pháp chi lại đặng, mà kêu là chơn tánhhay sao?

Trần Hùng giải: Như Lai đã đặng cái lý tâm truyền về đạo Vô thượng Bồ đề, mà cái pháp vốn không chi là đặng.

Kẻ chưa hiểu lý của Như Lai nói: "Như Lai là có chỗ đặng", ấy là chẳng rõ cái lời tâm truyền của Như Lai; nên Phật bảo ông Tu Bồ Đề: "Thiệt không có chi mà đặng cả". Ấy là ngăn ngừa những lời lầm lạc của người đời vậy.

108.ÂM:

Tu Bồ Đề! Như Lai sở đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ư thị trung vô thiệt vô hư.

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Như Lai đặng cái đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi trong đấy không thiệt không hư.

Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Như Lai đặng cái pháp chánh giác đó, là chỉ cái chỗ đặng của Phật, cho rõ cái pháp của chơn tánh. Ấy là chẳng phải chỗ có trong chơn tánh, cho nên nói: "Chẳng phải thiệt". Vậy mà cũng phải nhờ đó mà tỏ chơn tánh, cho nên nói : "Chẳng phải hư".

Trần Hùnggiải: Như Lai tỏ ngộ cái lý không có chi mà đặng; mà chỗ đặng ấy tức đạo Vô thượng Bồ Đề; bởi đạoVô thượng Bồ Đề có cái lý mầu diệu của chơn không; thiệt mà không thiệt; hư mà không hư; đồng nghĩa với bài Như Lai đặng pháp, trong phần thứ mười bốn.

Tăng Vi Sư giải : Vô thiệt là pháp Bồ Đề không có sắc tướng - Vô hư :là chỗ không của sắc tướng tức là Bồ Đề. Nên biết cái pháp của Như Lai chứng quả Bồ Đề, chẳng không chẳng có, cho nên nói: "Không thiệt không hư".

Lý Văn Hội giải: Ư thị trung :là đồng thanh tịnh - Vô thiệt :là chơn không, không có chi phân biệt. Kinh Cảnh Giới có nói: "Các thứ vọng dục chẳng nhiễm, nên sự kính lễ không lấy làm đều" - Vô hư là diệu dụng: là đủ cả hà sa đức dụng.

Xuyên Thiền sưgiải: Giàu hiềm ngàn miệng ít, nghèo hận một mình nhiều.

Tụng:

Người đời kiếp sống tợ phù vân.

Họa thế đều không, tuyệt lục thân.

Để mắt coi đời cho sáng suốt,

Đắm chìm đàng bỉ kẻ thời nhơn.

109.ÂM:

Thị cố, Như Lai thuyết: Nhứt thiết pháp giai thị Phật Pháp.

NGĨA:

Bởi vậy Như Lai nói : Cả thảy pháp, đều là Phật Pháp.

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Bởi cớ ấy nên Phật nói các pháp đều là pháp dùng để tu hành mà thành Phật. Vậy thì, cho là không có pháp đặng sao?

Nay nhà thiền đoạn tuyệt không dùng pháp, thì trái hẳn với lý trong kinh.

Phật sở dĩ nói rồi liền bỏ, là bởi chẳng nên câu nệ theo pháp, chớ phải là đoạn tuyệt đâu?

Ông Phó Đại Sĩcó tụng: "Nên mượn bè qua biển, đến bờ khỏi dùng thuyền". Nay nhà thiền không dùng pháp là như chưa đến bờ mà chẳng dùng thuyền. Vậy thì mình đã không khỏi đắm chìm trong biển khổ, mà lại làm cho người cũng bắt chước theo mà đắm chìm trong biển khổ nữa.

Trần Hùng giải: Phật tức tâm, tâm tức pháp. Có tâm Phật thì hẳn có pháp Phật.

Như Lainói cả thảy pháp không có cả thảy ngoại đạo, tà thuyết xen lẫn ở trong, cho nên đoán ngay rằng: đều là Phật Pháp.

Lý Văn Hội giải: Cả thảy thế pháp đều là Phật Pháp.

Kinh Niết Bàn có nói: "Phật tức là Pháp, Pháp tức là Phật".

Mã Tổ giải: Cả thảy chúng sanh, từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng khỏi đặng cái pháp tánh tam muội, ăn mặc nói năng, cũng ở trong cái pháp tánh; sáu căn vận dụng cả thảy sự thi vi cũng đều ở trong cái pháp tánh. Chẳng biết phản bổn huờn nguyên, cứ bay nhảy theo dòng danh tướng, vọng khởi mê tình là tạo ra cả thảy. Nếu biết nhứt niệm hồi quang phản chiếu, toàn thể thành tâm, thì chỗ nào chẳng phải là Phật Pháp?

Xuyên Thiền sưgiải: Rõ ràng trăm thứ cỏ, rõ ràng ý Tổ sư.

Tụng:

Biết trồng hoa khoảnh khắc, Hay đặt rượu tu du.

Đờn khảy xanh bích ngọc, Lò cao thuốc bạch châu.

Thường những hạng hiền tài trí xảo.

Tự nhiên xuất sân cửa phong lưu.

110.ÂM:

Tu Bồ Đề! Sở ngôn nhứt thiết pháp giả, tức phi nhứt thiết pháp, thị cố, danh nhứt thiết pháp.

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Gọi là cả thảy pháp ấy, nhưng chẳng phải cả thảy pháp, chỉ cưỡng danh là cả thảy pháp.

Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Phật lại e cho người nê cố theo pháp, nên lại bảo ông Tu Bồ Đề: " Nói cả thảy pháp đó là chẳng phải cả thảy pháp chơn thiệt, chỉ mượn đặng mà tu hành chớ chẳng phải sự có trong chơn tánh, cho nên cưỡng danh là cả thảy pháp vậy thôi".

Nhan Bínhgiải: Như Lailà cái pháp đều Như như, cũng cái ý nghĩa như như chẳng động.

Ư thị trung vô thiệt vô hư: vô thiệt là có chỗ nào mà rờ kiếm đặng. Vô hưlà chỗ nào mà chẳng phân minh, hư thiệt đoạn thường, nên ông Phó Đại Sĩ có tụng: "Đoạn thường đều chẳng nhiễm", cho nên nói: "Chẳng phải cả thảy pháp".

Lý Văn Hội giải: Đối với các pháp, lòng không có sở đắc. Tỏ đặng các pháp là không, vốn không cả thảy pháp.

Kinh Pháp Hoa có nói:

Các pháp tự xưa nay,

Tướng thường thường vắng lặng.

Cổ Đứccó nói: "Dùng thì tự biết mà thường vắng lặng, chẳng dùng thì vắng lặng mà thường tự biết", vậy mới hiệp với cái tánh diệu giác. Cho nên nói: "Cả thảy pháp".

Xuyên Thiền sưgiải: Bực thượng đại nhơn chỉ có một ông Khưu (Đức Khổng Tử).

Tụng:

Pháp với không pháp, chẳng phải pháp,

Rồng ẩn trong ao đương ngút ngoắc,

Tâm với không tâm, chẳng phải tâm,

Ngăn lấp hư không tự cổ câm (kim).

Ấy là tuyệt nẻo truy tầm.

Tứ hướng mây giăng luồng gió vẹt,

Khắp trời tỏ rạng bóng trăng trong.

111.ÂM:

Tu Bồ Đề! Thí như nhơn thân trường đại...".

Tu Bồ Đề ngôn: "Thế Tôn! Như Lai thuyết: Nhơn thân trường đại, tức vi phi đại thân, thị danh đại thân".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Ví như thân người to lớn...".

Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Như Lai có nói thân người to lớn nhưng chẳng phải thân lớn mới là thân lớn".

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Ông Tu Bồ Đề, bởi thường nghe Phật nói lời ấy, nên hiểu đặng, bèn thưa đức Thế Tôn mà đáp: "Như Lai nói thân người to lớn là chẳng phải thiệt thân lớn chỉ cưỡng danh vậy thôi", cũng như nói trong phần thứ mười đó vậy.

Lý Văn Hội giải: Sắc thân có tướng là chẳng phải thân lớn. Pháp thân không tướng, to lớn không ngằn, cho nên nói "Thân lớn".

Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Hư không tức Pháp thân, Pháp thân tức hư không. Cho nên nói: "Thân lớn".

Xuyên Thiền sư giải: Kêu là một vật thì chẳng trúng.

Tụng:

Trời sanh hình tướng sắc thân này.

Văn võ gồm tài học cho hay.

Bổn địa bấy giờ tìm đặng gặp,

Mới tường danh hiệu khắp Đông Tây.

112.ÂM:

Tu Bồ Đề! Bồ Tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: "Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh, tức bất danh Bồ Tát".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng như thế (thân lớn). Nếu có lời này: "Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh thì chẳng gọi là Bồ Tát".

Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Bồ Tát giác chúng sanh.

Phật lại bảo ông Tu Bồ Đề: Bồ Tát diệc như thị: như thị là chỉ bài trên, là nói giác ngộ cho chúng sanh, chẳng phải là chơn thiệt, cũng như thân lớn không chơn thiệt vậy, chỉ cưỡng danh mà thôi. Sao vậy? Là không chơn tánh đâu có chi là giác ngộ chúng sanh, duy có Phật mới là giác, mà giác tức là chơn tánh.

Nhược tức thị ngôn: thị ngônlà chỉ bài dưới, là nói Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh, thì chẳng phải là giác ngộ chúng sanh, vì cho chúng sanh là có, mà ta diệt độ cho đặng thành Phật. Kiến thức như thế thì chẳng đặng gọi là giác ngộ chúng sanh, bởi cả thảy chúng sanh, chơn tánh vốn không, tùy nghiệp duyên mà hiện ra. Cho nên chẳng cho là "có".

Lý Văn Hộigiải: Tức bất danh Bồ Tátlà hai bực thừa mà chưa trừ bỏ sự phiền não vọng tưởng thì đồng với phàm phu; bỏ sắc chấp không, chẳng tỏ sắc tánh, tức là chẳng phải Bồ Tát.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Sắc tánh vẫn không; chẳng chấp sắc, đoạn diệt không, ví người đau con mắt thấy hoa trên không, hẳn không phải lẽ".

Phó Đại Sĩ giải:

Tụng:

Tùy nghiệp hiện ra hình,

Đều là vật ký sanh.

Chơn không như tỏ ngộ,

Bực tự tại anh danh.

113.ÂM:

Hà dĩ cố? - Tu Bồ Đề! Thiệt vô hữu pháp, danh vi Bồ Tát.

NGHĨA:

Bởi cớ sao? - Này Tu Bồ Đề Thiệt chẳng có nghĩa pháp chi gọi là Bồ Tát cả.

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Phật lại tự hỏi: "Cớ sao bài trước nói cả thảy chúng sanh cho là có diệt độ, thì chẳng phải là giác ngộ chúng sanh", rồi tự đáp: "Thiệt không có pháp chi, mà gọi là giác ngộ chúng sanh, là bởi trong chơn tánh thiệt không có pháp chi gọi là giác ngộ chúng sanh cả".

Vả lại tu hành đến bực Bồ Tát, là nhờ cái pháp của Phật thuyết, mới biết đặng mà làm theo, mà lại nói thiệt không có pháp chi, là nói riêng cái pháp ở trong chơn tánh thiệt là không có đó thôi.

Lý văn Hộigiải: Thiệt vô hữu pháp v.v... là cả thảy tánh vắng lặng xưa nay chẳng sanh, chẳng thấy có sanh tử, chẳng thấy có Niết Bàn, chẳng thấy có lành dữ, chẳng thấy có phàm Thánh, chẳng thấy có cả thảy pháp, mới gọi là thấy pháp. Chính trong lúc thấy đó cũng không có chi mà thấy, thì tức là Bồ Tát. Cho nên nói: "Thiệt không có pháp chi gọi là Bồ Tát ".

114.ÂM:

Thị cố, Phật thuyết nhứt thiết pháp: Vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả.

NGHĨA:

Bởi vậy, Phật nói cả thảy pháp không có tướng: Ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.

Giải : Vương Nhựt Hưugiải: Thị cố là những lời của bài trên nói, là nói thiệt không có pháp chi gọi là giác ngộ cho chúng sanh cả.

Phật thuyết nhứt thiết v.v...là Phật nói các pháp, đều gọi ngã, nhơn, sanh, thọ ấy vốn là không có; bốn tướng ấy nói chung lại, đều gọi là chúng sanh; mà chúng sanh vốn không có, thì đâu có cái pháp giác ngộ chúng sanh!

Trần Hùnggiải: Bài trước đã nói :"Thiệt không có pháp" thì đâu có pháp chi mà thuyết?

Phật vốn không ngôn thuyết, mà có thuyết, bất quá là cái không tướng của chơn không vậy thôi.

Kinh Duy Ma có nói: "Pháp không có chúng sanh, nên bỏ chúng sanh cấu, pháp không có Ta, nên bỏ ngã cấu, pháp không có thọ mạng, nên bỏ cái lý sanh tử, pháp không có người nên bỏ những cái đời trước và sau". Ấy là cái pháp không tướng của chơn không - Phật nói :"Cả thảy pháp" là vậy đó, ngoài ấy thì Phật ta không có chỗ chi thuyết cả.

Nhan Bính giải: Sắc thân tuy lớn mà đâu khỏi cái nẻo sanh diệt! Có hạn lượng là chẳng phải thân lớn. Nếu tạo ra lời này: "Ta phải diệt độvô lượng chúng sanh" thì chẳng phải Bồ Tát. Mê thì Phật là chúng sanh, ngộ thì chúng sanh là Phật. Thiệt không có pháp chi gọi là Bồ Tát. Cho nên Phật nói: "Cả thảy pháp có bốn tướng đâu mà đặng".

Xuyên Thiền sưgiải: Kêu trâu thì trâu, gọi ngựa thì ngựa.

Tụng:

Mượn đồ làm lễ dạ ân cần,

Pháp tắc trang nghiêm đúng thập phần.

Bóng trúc quét sân trần chẳng động,

Vừng trăng vượt biển nước không quầng.

115.ÂM:

Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát tác thị ngôn: "Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ Tát".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có nói lời này: "Ta phải có trang nghiêm Phật độ", thì chẳng phải là Bồ Tát.

Giải : Sớ Saogiải: Phật độlà tâm độ. Phật độ không có tướng, sao rằng trang nghiêm? Bằng có trang nghiêm thì tức là có thêm cái pháp!?

Trần Hùnggiải: Dùng báu của định huệ mà trang nghiêm Phật độ của cái tâm, ấy là Bồ Tát; chẳng kể là có công mà người cũng không thấy đặng tông tích. Còn dùng báu của kim châu mà trang nghiêm Phật độ của thế gian, ấy là phàm phu; hay khoe công mà cần muốn cho người biết.

Kinh Văn Thù Bát Nhã có nói: "Vì cả thảy chúng sanh khai mở sự trang nghiêm lớn, mà lòng không thấy có tướng trang nghiêm"; Bồ Tát cũng như thế, nào có chịu khoe công mình. Nếu nói như thế là chưa trừ bốn tướng, tức kiến thức của phàm phu, đâu phải là Bồ Tát!

Lý Văn Hội giải :Ngã đương trang nghiêm v.v... trong kinh Diệu Định có nói: "Bằng có người làm nhà tịnh xá, bằng vàng bạc đầy cả tam thiên thế giới, tuy đặng phước đức bố thí vô lượng, mà lòng còn năng sở, tức chẳng phải Bồ Tát, không bằng nhứt niệm không lòng năng sở, thì đặng công đức hơn công đức trước kia cả trăm ngàn muôn bội".

116.ÂM:

Hà dĩ cố? - Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.

NGHĨA:

Bởi cớ sao? - Như Lai nói trang nghiêm Phật độ, nhưng chẳng phải trang nghiêm, chỉ cưỡng danh là trang nghiêm.

Giải : Triệu Pháp sưgiải: Đó là nói rõ về chẳng thông cái lý Pháp không, chấp có Tịnh độ trang nghiêm, thì chẳng phải Bồ Tát. Lại nói rõ cái lý Vô vi lìa tướng Phật độ trang nghiêm.

Vương Nhựt Hưugiải: Bài này đồng một ý với bài trong phẩm thứ 10, đến đây còn nói lại nữa là vì những thính giả mới đến sau, rồi lại nói tiếp luôn bài sau này nữa.

Trần Hùnggiải: Như Lai sở thuyết là trang nghiêm Phật độ của cái tâm. Phật độcủa cái tâm vốn thanh tịnh không có tướng, nào có cần chi sự trang sức, nên nói: "Là chẳng phải trang nghiêm".

Thường nhơn dùng trang nghiêm làm trang nghiêm, còn Như Lailại dùng chẳng phải trang nghiêm làm trang ngiêm, thì trong ấy có sự trang nghiêm mầu diệu; nên mới gọi rằng trang nghiêm.

Tịnh Độ Luận có nói:

"Đủ các tánh trân bửu".

"Trang nghiêm đẹp vẹn toàn".

Người đời chấp lấy Phật độcủa thế gian mà chẳng biết xét. Trước kia Phậtđã có nói, mà đây còn nói nữa là cứu chữa chỗ tệ vậy.

Nhan Bính giải: Lòng thường thanh tịnh, chẳng nhiễm trần duyên, ấy là Phật độtrang nghiêm. Tuy nói là trang nghiêm, chớ chẳng nên chấp tướng trang nghiêm. Cho nên nói: "Chẳng phải trang nghiêm chỉ cưỡng danh vậy thôi".

Lý Văn Hội giải: Tức phi trang nghiêm v.v... là thiệt không có pháp chi đặng đạo Bồ đề,thiệt không có pháp chi gọi là Bồ Tát, thì đâu còn chấp tướng trang nghiêm? Như thế, thì tiêu diêu tự tại, không còn mảy may nào quái ngại nữa.

Thế nào là trang nghiêm, thế nào là chẳng phải trang nghiêm? Cho nên nói: "Chẳng phải trang nghiêm chỉ cưỡng danh là trang nghiêm".

117.ÂM:

Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát thông đạt "vô ngã" pháp giả, Như Lai thuyết danh chơn thị Bồ Tát".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát tỏ thấu pháp "Vô Ngã", Như Lai mới gọi hẳn thiệt là Bồ Tát".

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Cứ theo trong kinh Lăng Già nói về cái lý Nhị Vô ngã là: Nhơn vô ngã Pháp vô ngã ([135]).Nhơn vô ngã là người vốn không bổn thể, bởi nơi nghiệp mà sanh ra, Pháp vô ngã là pháp vốn không bổn thể, bởi nơi sự mà lập ra; cũng như làm cái nghiệp giàu sang thì sanh ở chỗ nghèo hèn; ấy là người vốn không bổn thể. Còn muốn qua sông thì tạo ra thuyền bè, muốn đi bộ thì tạo ra xe cộ. Ấy là pháp vốn không bổn thể, cả thảy pháp đều tùy duyên mà lập ra, thì tức là giả hiệp; mà giả hiệp tức là hư vọng. Bằng hiểu lý ấy mà ngộ đặng, ấy là kiến thức của bực Bồ Tát. Cho nên nói:Như Lai mới gọi là hẳn thiệt là Bồ Tát.

Nhan Bính giải: Thông đạt Vô ngã pháp là bấy giờ liền tỏ ngộ, như thùng (sơn) không đáy, trống rỗng tư bề, rỗng rang không có Ta. Thân ta đã không, pháp đâu lại có? Nhơn pháp đều không: ấy tức là Bồ Tát, còn cầu ở đâu nữa?

Lý Văn Hội giải: Thông đạt Vô ngã pháp là đối với các pháp tướng đều không chỗ ngăn ngại, mới gọi "thông đạt". Bằng còn chấp cái chỗ hay biết, ấy là ngã tướng. Không chấp có chỗ hay biết, thì rỗng rang thanh tịnh, ấy là không ngã tướng. Cho nên nói: "Hẳn thiệt là Bồ Tát ".

Có ông Tăng hỏi ông Mã Tổ : "Thấy hiểu thế nào mới đạt đạo đặng?".

Đáp: Tự tánh bổn lai sẵn đủ, chỉ không chấp những việc lành dữ, mới gọi là "Người hành đạo".

Chấp lành, bỏ dữ, quán không, nhập định, đều thuộc về tạo tác cả. Nếu cứ tìm cầu ở ngoài, thì trở nên xa cách. Còn nhứt niệm vọng tưởng là căn bổn của nẻo sanh tử trong ba cõi, chỉ không có nhứt niệm nào mới trừ cái căn bổn của nẻo sanh tử đặng, ấy mới là một vị Pháp vương trân báu Vô thượng.

Phó Đại Sĩ giải:

Tụng:

Cả hai nhơn với pháp, Nguyên thể cũng đồng như.

Pháp diệt nhơn liền dứt, Nhơn không pháp hẳn trừ.

Pháp nhơn bằng có thiệt, Thọ kỳ chẳng là hư?

Nhứt thiết danh đều vọng, Lấy chi gọi hữu vô!

Xuyên Thiền sư giải: Lạnh cả trời đều lạnh, nực cả trời đều nực.

Tụng:

Chơn ngã nguyên không Lạnh nhờ hơ đặng lửa. ngã,

Bổn tâm nhận có tâm, Trong chỗ tối mò kim.

Không ngã không tâm phân tỏ rõ. Hả hả !

Hạng người dường ấy có bao lăm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]