Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Tìm hiểu Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ

03/05/201115:33(Xem: 10543)
Phần Tìm hiểu Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm hiểu Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ

 

Chuyển tiếp: Trong sáu Phẩm vừa qua, Luận văn nêu các sự chuẩn bị cần thiết của hành giả để dấn bước trên con đường giải thoát, như giữ Giới, tập Định, tìm gặp Thiện tri thức, quan sát tánh hạnh, v.v. Đến Phẩm nầy và các Phẩm tiếp theo, Luận đi sâu vào chi tiết của sự thực hành.

Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ liệt kê ra ba mươi tám đề mục quán tưởng mà hành giả cần lựa chọn để thực hành, cho đến ngày đạt được mục tiêu giải thoát.

040. Nhận định về danh từ: Hành xứ, Hành môn.

Hai danh từ Hành xứ Hành môn giống nhau ở chữ Hành, khác nhau ở hai chữ Xứ Môn. Phẩm 7 được gọi là Phân biệt Hành xứ; còn Phẩm 8 được đặt tên là Hành môn. Hai Phẩm Hành xứ Hành môn đó khác nhau ra sao?

Hành là sự thực hành, các thể thức thi hành, cách ứng dụng, để đạt mục tiêu. Thực hànhđối ngược với Lý thuyết.

Xứ là nơi chốn, vùng hay phạm vi hoặc lãnh vực. Môn là cửa, là chỗ để bước vào, là bước vào cửa của sự thực hành.

Như thế, Hành xứ có nghiã là những lãnh vực thực hành; còn Hành môn là những cửa, có nhiều ngõ, nhiều nẻo, đều nằm trong Hành xứ. Nói cách khác, Hành xứ bao trùm hết các Hành môn; tuy đang đi qua các hành môn khác nhau, nhưng vẫn còn đứng trong hành xứ vậy.

Sở dĩ có sự phân biệt Hành xứ Hành môn, là vì Luận văn, dài hơn 300 trang, đã dành cho việc thực hành trên 200 trang, gần hai phần ba của quyển Luận, để nói lên: "Thực hành quan trọng hơn là bàn lý thuyết suông."

041. Ý chánh và Dàn bài của Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ.

Phẩm 7 liệt kê ba mươi tám đề mục quán tưởng, gọi đó là Hành xứ, hiệu lực tối thắng, thấy rõ được qua chín cách.

38 đề mục quán tưởng gồm có:

10 nhứt thiết nhập,
10 tưởng bất tịnh,
10 niệm,
04 tâm vô lượng,
04 quán tưởng: về tứ
đại, về thức ăn bất tịnh, về vô sở hữu xứ và về phi phi tưởng xứ.

9 cách để thấy rõ hiệu lực tối thắng của 38 hành xứ là:

1) Thiền,
2) vượt thẳng,
3) t
ăng lên,
4) nhân duyên,
5) sự tướng,
6) thù thắng,
7) cảnh giới,
8) nắm giữ,
9) tánh hạnh người.

Các đề mục quán tưởng được nói ở Phần thứ nhứt của Phẩm 7. Chín cách để thấy rõ hiệu lực tối thắng của sự thực hành các hành xứ là Phần thứ hai.

Phần Nhập đề rất giản dị: Sau khi xét xong tánh hạnh của người đệ tử, vị Thầy đem 38 đề mục quán tưởng ra dạy.

Chẳng thấy có Phần Kết luận trong Phẩm 7 nầy.

042. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:

Quán tưởng: Quán = cũng đọc là Quan, có nghiã là xem xét thật kỹ lưỡng; Tưởng = tư tưởng. Quán tưởng là tình trạng của tâm đang chú ý, quan sát, suy tư về một đối tượng.

Đề mục = đầu đề, đối tượng đang cứu xét, sự việc đang được nói đến.

Nhứt thiết nhập: Nhứt thiết = tất cả; Nhập = vào. Tiếng Pàli là Kasina, có nghiã là toàn bộ, trọn phần, tất cả. Nhứt thiết nhập là dụng cụ, hay phương tiện dùng làm đối tượng để quán tưởng khiến cho tâm trí tập trung lại và nhập vào Định. Kasina còn được dịch là Biến xứ (biến = khắp tất cả). (Phẩm 8 về Hành môn sẽ giải thích rõ thêm và chỉ các cách tạo ra các nhứt thiết nhập,dựa theo đó mà thực tập quán tưởng).

Không-xứ: Không = Hư-không, nơi trỗng rỗng và vắng lặng.

Thức xứ: Thức = sự hiểu biết. Thức xứ là phạm vi, lãnh vực của Thức. Giáo lý Nam tông có sáu thức: nhãn thức (mắt), nhĩ thức (tai), tị thức (mũi), thiệt thức (lưỡi), thân thức và ý thức. Giáo lý Bắc tông thêm hai thức nữa: mạt-na thức (Pàli: mana, ý thức; còn gọi là truyền tống thức), và a-lại-da thức (Pàli: Àlaya, nhà, kho; còn gọi là tàng thức).

Tưởng bất tịnh: Tưởng = tư tưởng; Bất = chẳng; Tịnh = sạch. Tưởng bất tịnh là những tư tưởng về các vật chẳng được sạch và đáng tởm.

Tưởng trùng hôi = tư tưởng bất tịnh khởi lên khi nhìn thấy các chỗ bị loài trùng, bọ hôi thúi bám vào.

Niệm Giới = tưởng niệm đến Giới luật.

Niệm Thí = suy tư về sự bố thí.

Niệm an tịch: tư tưởng về sự vắng lặng. (Nguyên văn trong bộ Luận là niệm tịch tịch.) (An = yên; Tịch = vắng vẻ)

Tâm vô lượng: Tâm vô cùng rộng rãi, mở ra đón nhận tất cả muôn loài, vạn vật.

Tứ đại: Tứ = bốn; Đại = lớn, nguyên tố. Tứ đại là bốn nguyên tố: đất, nước, gió, lửa.

Vô sở hữu xứ: Vô = chẳng; Sở = chỗ; Hữu = có; Xứ = nơi. Vô sở hữu xứ nghiã đen là nơi chẳng có gì cả; nghiã về Thiền học là một cảnh giới cao hơn Không-xứ, nhưng còn thấp hơn cõi Phi tưởng phi phi tưởng. (Ph. 8 sẽ nói rõ các cõi nầy)

Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Phi tưởng = chẳng phải là tư tưởng; Phi phi tưởng = chẳng phải chẳng phải là tư tưởng. Cõi phi tưởng phi phi tưởng là cảnh giới mà chúng sanh chỉ còn tư tưởng, rất tế nhị, gọi đó là tư tưởng cũng chẳng đúng, mà bảo là chẳng phải tư tưởng cũng sai. Phẩm 8 về Hành môn sẽ nói rõ thêm.

Vượt thẳng: Nguyên văn là Chính Việt; chính = thẳng, ngay; việt = vượt qua, vươn lên. Ở đây, chính tâm đang vượt.

Thù thắng: Thù = rất; Thắng = hơn. Thù thắng là hơn nhứt, cao đẹp nhứt, rất hay.

Ngoại hành: Ngoại = ngoài, ở gần nhưng còn bên ngoài chưa vào hẳn; hành = hành động. Nói Thiền ngoại hành là nói tập Thiền đã đến mức gần nhập vào Định, nhưng chưa vào hẳn trong Định, còn ở gần phía bên ngoài.

Tỳ-bà-xá-na: Pàli: Vipassanà, Huệ kiến. Huệ = trí huệ; Kiến = thấy. Nhờ phép tu Thiền, quán chiếu nội tâm mà đắc định lực cao, nhờ đó Trí huệ hiển lộ lên.

Sự tướng: Sự = sự việc, sự vật; Tướng = hình tướng, hình dạng. Sự tướng trái ngược với bản thể.

Bản thể: Bản = Bổn = gốc, cốt lõi; Thể = hình dạng, thể chất. Một sự vật có hình tướng bản thể. Hình tướng bên ngoài có thể thay đổi; còn bản thể là chỗ cốt lõi, chẳng thay đổi; do bản thể mà vật nầy khác hẳn vật kia, dầu hình tướng có giống nhau.

Nội doanh: Nội = bên trong; Doanh = dinh = xây dựng, tạo thành. Việc nội doanh là việc lo toan, xây dựng trong tâm. Trái nghiã với ngoại doanh là việc tạo tác bên ngoài, thấy được. Cùng nghiã với nội doanh sự, hoặc nội sự.

Định thắng: Định = tâm vào Định, tình trạng yên vắng tâm trụ lại; Thắng = hơn hết. Chữ Định thắng đây có nghiã là việc thực tập môn nầy sẽ đưa đến Định lực, vì ở môn nầy, Định lực chiếm điạ vị ưu thắng hơn là với Tưởng và Huệ.

Cảnh giới: Cảnh = hoàn cảnh; giới = vùng, nơi. Có ba cảnh giới, còn gọi là ba cõi: (1) cảnh dục giới, nơi chúng ta sanh sống còn nhiều dục vọng; (2) cảnh sắc giới, ở cõi Trời thấp, nơi mà sắc chất rất tế nhị, (3) cảnh vô sắc giới, ở cõi Trời cao, nơi mà hình sắc chẳng còn, chỉ còn tư tưởng và thức.

Tâm xả: Xả = xả bỏ, lại có nghiã là chẳng có sự phân biệt kỳ thị, tâm trở nên bình đẳng. Tâm xả là tâm chẳng dính mắc, chẳng kỳ thị, chẳng phân biệt, đối xử thật bình đẳng giữa mọi sự vật tốt xấu khác nhau mà lại xem như nhau. Nơi tâm xả, niệm xả chiếm ưu thế.

Thiếu mạch lạc: nói về ý tưởng hay buông lung, chạy lang bang, chẳng thành đầu đuôi gốc ngọn chi cả.

Niệm xứ: Niệm = một tư tưởng khởi lên trong tâm. Chữ Niệm xứ đây nói về bốn lãnh vực của pháp quán tưởng, gọi là Tứ niệm xứ: (1) quán Thân thì bất tịnh, (2) quán Thọ là khổ (thọ = cảm thọ), (3) quán Tâm là vô thường, và (4) quán Pháp là vô ngã (pháp = sự vật). Do đó, niệm xứ là bốn lãnh vực quán tưởng về: thân, thọ, tâm pháp.

Pháp bảo: Pháp = đây là Chánh pháp, tất cả Tam tạng kinh điển của Đức Phật chỉ dạy; Bảo = qúi báu. Pháp bảo là một trong ba ngôi Tam bảo; hai ngôi kia là Phật bảo (= Đức Phật) và Tăng bảo (= chư Tăng ni).

043. Tìm hiểu về nội dung của Phẩm 7.

1) Tu Phước và tu Huệ khác nhau ra sao? Người Phật tử khi vừa bước chơn vào cửa Đạo, thường được nghe nói đến bài Kệ căn bản của Phật giáo:

Chư ác mạc tác,Việc ác chớ làm,
Chư thiện phụng hành,
Điều lành tuân theo,
Tự tịnh kỳ ý,
Thanh lọc tâm ý
Thị chư Phật giáo.
Là lời Phật dạy

Trong ba điều căn bản Phật dạy: (1) chớ làm ác, (2) tuân điều lành, và (3) thanh lọc tâm ý, thì điều thứ nhứt giúp tránh khỏi sa vào cõi dữ và điều thứ hai khiến được sanh vào các đường lành. Đó là con đường tu phước, tu để được hưởng phước đức trong đời nầy và cho kiếp sau. Đó là tu để tạo phước báo hữu lậu, hưởng riết rồi sẽ hết, vẫn còn phải chịu nỗi khổ của cuộc Luân hồi sanh tử.

Điều thứ ba thanh lọc tâm ý sẽ đưa ta đến nơi giải thoát, tạo nên phước báo vô lậu, vĩnh viễn thoát khỏi vòng ràng buộc khổ đau của việc tái sanh. Đó là con đường tu huệ, tu để mở mang trí huệ sẵn có của mình, phá tan màn vô minh che lấp và vượt thoát khỏi sợi dây nghiệp lực. Tại sao vậy? Vì trí huệ, với sức chiếu sáng, sớm đưa đến sự giác ngộ, thấy rõ đâu là phiền não cần dẹp bỏ, đâu là chướng ngại cần vượt qua, để chóng di trọn con đường giải thoát.

Làm cho trí huệ chiếu sáng rực rỡ lên là nhờ tâm ý từbên trong đã được thanh lọc kỹ càng, gột rửa hết các tà kiến và vọng tưởng, hội tụ được ánh quang minh rọi thẳng đến mục tiêu, nào khác chi ngọn hải đăng chọc thủng màn sương trong đêm tối. Làm tròn nhiệm vụ hội tụ ánh sáng đó chính là công dụng của ba mươi tám đề mục quán tưởng được liệt kê trong Phẩm 7 nầy. Càng quán tưởng, tâm ý càng được thanh lọc, định lực mới khởi phát lên mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận tiện cho trí huệ soi sáng con đường giải thoát.

Đấy là chỗ khác nhau giữa tu phước tu huệ. Đó là điều ta nên ghi nhớ khi đọc lướt qua các hành xứ được nêu ra ngay ở phần đầu của Phẩm 7.

2) 38 hành xứ chú trọng đến việc gì?

Sắp lại theo thứ tự ở trang 400, nơi Phần Tìm hiểu, ta thấy được rõ ràng các hành xứ nầy chia ra làm năm nhóm:

(1) nhóm mười nhứt thiết nhập: các đề mục quán tưởng nầy có mục đích tập cho hành giả phải quan sát thật kỹ càngvề đối tượng, được cụ thể hoá dưới hình thức vật chất như Đất, Nước, v.v (trừ hai nhứt thiết nhập Không-xứ Thức xứ),khiếntâm phải trụ lạingay trên đối tượng, (hết chạy lông bông được nữa) để sớm đắc đuợc Định tâm.

(2) nhóm mười tưởng bất tịnh: các đề mục quán tưởng nầy dựa trên sự quan sát một thây ma rã rời ngày qua ngày, cho đến khi chỉ còn lại những khúc xương vụn trắng hếu. Đối tượng quán sát như thế vừa dơ, vừa gớm ghiếc tất làm khởi lên trong tâm hành giả tư tưởng nhàm chán và tư tưởng vô thường, nhờ đó mà diệt được ái kiến và thường kiến.

(3) nhóm mười niệm: các đề mục quán tưởng nầy khả ái hơn mười đề mục trước; từ niệm Phậtcho đến niệm an tịch,hành giả giữ được nhứt tâm về đề tài đang niệm, đồng thời phát triển được niềm tin đã sẵn có về Phật pháp.

(4) nhóm bốn tâm vô lượng: các đề mục quán tưởng nầy cần đi đôi với sự thực hành, và nhờ đó mà mở rộng được tâm đi từ việc tự lợichuyển sang sự lợi tha, dẹp bỏ được mối độc to lớn là sân hận, tạo được bốn đức tánh cao quí.

(5) nhóm thứ năm có vẻ "linh tinh", nêu bốn đề mục chẳng liên quan với nhau chặt chẽ:

- quán về Tứ đại, quan trọng ở chỗ giúp hành giả nhìn thấy và nhận ra được bản thể của muôn pháp;

- quán về thức ăn bất tịnh (có lẽ ta nên xếp vào nhóm thứ hai) để khiến hành giả tập nhàm chán về sự ăn uống;

- hai đề mục quán tưởng chót, xét về hai cõi vô sở hữu xứ và phi tưởng xứ, dành cho các bực đã tu hành cao.

3) Khó mà nhìn thấy hiệu lực của hành xứ khi còn chưa thực tập về hành xứ đó.

Phần thứ hai của Phẩm 7 nói về chín cáchdo theo đó mà ta biết rõ được các hành xứ cùng hiệu lực của chúng đối với việc tu tập. Điều nầy hơi khó, vì chưa biết các hành xứ ra thế nào thì làm sao hiểu được hiệu lực của chúng, hoạ chăng nghe nói, thì hiểu theo trên lý thuyết vậy thôi!

Tuy nhiên, cũng xin cố gắng tìm hiểu thêm về chín cách:

(1) do Thiền:

-đưa đến thiền ngoại hành: các đề mục niệm (trừ niệm thân và niệm hơi thở), quán tứ đại và quán thức ăn bất tịnh;

- đưa đến Sơ thiền: mười tưởng bất tịnhvà niệm thân;

-đưa đến Tam thiền: quán ba tâm vô lượng: từ, bi, hỉ.

-đưa đến Tứ thiền: tám nhứt thiết nhập đầu, và niệm hơi thở, quán tâm xả.

- đưa đến Định ở cõi vô sắc: hai nhứt thiết nhập chót và hai quán tưởng cuối cùng, về Không-xứ và Vô sở hữu xứ.

(2) do sự vượt lên thẳng:

Vượt thẳng lênlà muốn nói tâm thoát được ràng buộc của cõi dục giới, lần lượt vươn lên các cõi sắc giới, vô sắc giới. Như thế, khi thực tập, đề mục quán tưởng nào còn liên hệ đến cõi dục giới, với hình sắc thô, thì tâm chẳng vượt lên thẳng đến hai cõi kia được. Luận văn có kể rõ đề mục nào giúp tâm vươn lên được, đề mục nào không.

(3) do tăng trưởng:

Tăng trưởng là làm cho lớn thêm lên. Cái gì được sự thực tập các hành xứ làm cho tăng trưởng? Đó là tâm. Luận văn có nêu các hành xứ nào làm tâm tăng trưởng.

(4) do nhân duyên:

Tiểu mục nầy ý muốn nói, các hành xứ tạo điều kiện (= nhân duyên) cho việc chứng đắc thần thông, hay phát triển Huệ kiến (= Tì-bà-xá-na, Vipassanà). Luận văn cho biết tám nhứt thiết nhập đầu và nhứt thiết nhập về Hư-không thì tạo điều kiện cho sự chứng đắc thần thông. Và, trừ đề mục phi tưởng xứ ra, 37 hành xứ khác đều tạo điều kiện cho sự phát triển Tì-bà-xá-na (= huệ kiến).

(5) do sự tướng:

Muốn hiểu tiểu mục nầy, trước phải hiểu sự phân biệt giữa sự tướng bản thể (xin xem lại Phần giải nghiã các chữ khó ở hai chữ sự tướng bản thể).Luận văn cho biết:

- 21 hành xứ lấy sự tướng làm đối tượng quán tưởng: 9 nhứt thiết nhập đầu + 10 tưởng bất tịnh + 2 niệm về thân hơi thở

- 12 hành xứ lấy bản thể làm đối tượng quán tưởng: 10 thiền ngoại hành (xem lại tiểu mục (1) về do Thiền ở trước) + nhứt thiết nhập về thức + phi tưởng xứ.

- 5 hành xứ lấy sự chẳng phân biệt sự tướng và bản thể làm đối tượng quán tưởng: 4 tâm vô lượng + vô sở hữu xứ.

Muốn hiểu được phần còn lại của tiểu mục nầy (trang 67, 68), cần phải có sự thực hành về các hành xứ, mới thấy được rõ nội sự, ngoại sự xảy ra trong và ngoài tâm. Chỉ nên đọc lướt qua; một khi thực hành xong, sẽ xem đoạn nầy kỹ lại.

(6) do thù thắng:

Trong tiểu mục nầy, Luận văn cho biết hành xứ nào dễ đưa đến Định lực nhứt, hoặc Niệm. Tưởng hay Huệ, và gọi các hành xứ đó là định thắng, niệm thắng, tưởng thắng, hoặchuệ thắng. Tại sao lại được như thế, lý do có nêu trong Luận văn, khi thực tập xong, ta sẽ chứng thấy rõ thêm.

(7) do cảnh giới:

Tiểu mục nầy trùng với tiểu mục số (2) vượt thẳng lên: các hành xứ do sự tu tập mà khiến tâmhành giả vươn lên từ cảnh giới dục lên đến các cảnh giới sắc vô sắc trên các từng Trời. Do vì đối tượng quán tưởng thuộc về dục giới như quán tưởng bất tịnh, nên các hành xứ về tưởng bất tịnh chẳng thể khiến sanh lên cõi sắc và vô sắc được. Kể cũng dễ hiểu.

(8) do nắm giữ:

Nắm giữ đây là tâm đang nắm giữ tướng khi thực tập. Thí dụ quán niệm hơi thở, tâm theo dõi hơi thở khi vào thì đụng vào mũi, khi ra cũng chạm vào mũi, lấy chỗ đụng chạm đó mà quan sát sự di động của hơi thở, đó là nắm lấy tướng của hơi thở. Về các hành xứ khác, đọc kỹ Luận văn sẽ thấy rõ ràng và biết lối nắm giữ để kềm tâm phải trụ lại vào tướngđó.

(9) do tánh hạnh:

Trong Phật giáo có một nguyên tắc căn bản và một phương pháp giáo dục, mà người Phật tử cần nắm vững:

Quán tưởng để thanh lọc tâm ý, nhờ tâm ý thanh tịnh để sửa đổi tánh hạnh theo đúng con đường giải thoát.

Nguyên tắc căn bản trên đây được áp dụng bằng phương pháp giáo dục nầy:

Lập đi lập lại nhiều lần cho thật thuần thục.

Nắm vững được nguyên tắc và phương pháp nêu trên, rồi đọc tiểu mục Do tánh hạnh người (các trang 70 và kế tiếp) trong Luận văn, mới thấy tầm quan trọng của Phẩm 7 nầy; vì cốt lõi của Phẩm nằm tại đây: dùng quán tưởng sửa tánh hạnh.

Như đã học qua ở Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh, có hai hạng tánh hạnh, (1) tánh có khuyết điểm, (2) tánh có ưu điểm.

(1) sửa khuyết điểm:

- người tham dục:dùng quán bất tịnh tưởng để đối trị lòng ham muốn; chưa nên tu bốn tâm vô lượng;

-người sân hận:dùng quán tâm vô lượng từ, bi, để đối trị lại sự giận hờn; chẳng nên tu bất tịnh tưởng.

-người si mê:dùng quán niệm tử, quán tứ đại để thêm nỗ lực làm tăng trưởng trí huệ.

(2) tăng ưu điểm:

- người tánh hay tin:tu mười niệm, nhứt là niệm Phật khiến tăng lòng tin sẵn có nơi Tam bảo

- người tánh ý trí:nên quán tứ đại, niệm an tịch, để gia tăng ý trí sẵn thâm sâu;

- người tánh ham hiểu biết:nên niệm hơi thở để an định các loạn tưởng, và quán giới phân biệt (tứ đại) để làm tăng trưởng thêm sự hiểu biết vốn sẵn có.

Ở cuối Phẩm 7, có sự phân biệt giữa các hạng người tùy theo trí thông minh có bén nhạy cùng không, sắp thành người độn căn, người lợi căn. Dường như ý trong Luận văn cho rằng với các ngườì quá ngu si, gọi là vô căn, thì chẳng nên dạy tu các hành xứ. Tôi chẳng nghĩ như vậy, vì bất cứ ai cũng tu theo Đạo Phật được cả, chẳng qua chưa gặp được một vị Thầy giỏi biết cách dạy mà thôi. Thiển nghĩ, dầu ít thông minh cách mấy đi nữa, bền chí mà dạy cho người ấy tu niệm hơi thở chắc cũng được ít nhiều hiệu quả.

044. Suy gẫm về Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ.

1) Mâm cơm quá thịnh soạn:Phẩm 7 liệt kê có đến 38 đề mục quán tưởng để cho hành giả, hay vị Thầy lựa chọn mà dạy, hay tu tập. Thật là quá thịnh soạn, một mâm cơm thật đầy, khiến người sơ cơ có sự bối rối, chẳng biết ăn món nào trước, món nào sau!

Việc chọn lựa đề mục để quán tưởng trước nhứt là phải xét rõ tánh hạnhnào phù hợpvới đề mụcnào; nếu chọn sai, hay chọn sót, chẳng những lâu đem lại kết quả, mà nhiều khi còn gây lắm trở ngại, dễ sanh ra chán nản, rồi phải bỏ cuộc giữa đường.

Đâu cần thực tập đủ 38 đề mục, nếu may chọn đúng một đề mục sớm đưa đến Định tâm, thì các đề mục khác còn lại, nếu có đủ thời giờ, thử tập qua cho biết vậy thôi, vì mình đã "có đủ vốn"rồi. Vấn đề là ngay buổi đầu, chọn phải đúng. Nếu kém may mắn thì sao? Thì cứ chọn lại, rồi thử tới, thử lui, rút kinh nghiệm, và bền chíthì thế nào rồi cũng... gặp.

2) Có hai đề mục dễ cho ta thí nghiệm và rút lấy kinh nghiệm: (1) niệm hơi thở, (2) niệm mười danh hiệu Phật.

Đến Phẩm 8: Phân biệt Hành môn, hai đề mục nầy sẽ được giải thích cặn kẽ và chỉ cách áp dụng tường tận. Điều nên suy gẫm ngay bây giờ là, đừng thấy sự giản dị của đề mục, nhứt là về hơi thở, mà xem thường, vì pháp quán nầy một khi đã thành tựu thì chứng đến cấp Tứ Thiền.

Phép niệm Phật đây, mới xem qua tưởng đâu chẳng khác với pháp môn Tịnh độ. Tuy có chỗ giống, vì cùng một đề tài niệm Phật, nhưng có nhiều điểm tế nhị khác nhau, nhứt là giai đoạn chuyển từ thiền ngoại hành sang an định. Phẩm 8 kế tiếp đây sẽ vạch rõ cách áp dụng niệm mười danh hiệu Phật sao cho chóng đến kết quả.

3) Để tạm chấm dứt Phần Suy gẫm về Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ, xin thưa thêm một điều: Liệt kê 38 đề mục quán tưởng, Luận văn chỉ nói phớt qua, đọc thấy khó hiểu, xin đợi đến Phẩm 8: Phân biệt Hành môn, mỗi đề mục sẽ được giải thích thêm. Điều quan trọng lúc nầy là: đừng thấy nhiều mà ngại. Đã đọc Luận văn và Phần Tìm hiểu đến trang nầy rồi mà còn muốn đọc thêm nữa, đó là dấu hiệu của sự bền chí, sớm muộn chi cũng sẽ đưa đến thành công, chẳng nhiều thì ít, hay nói cho cùng mà nghe, dầu chẳng tu tập được chút gì, cái "việc đọc sơ sơ qua"cũng đã là nhân duyên tốt tạo ra được chút chút phước báo vô lậu rồi đó. Xin hãy cố gắng tiếp!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]