Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6: Đơn Giản Và Thuần Khiết

19/04/201114:05(Xem: 6338)
Chương 6: Đơn Giản Và Thuần Khiết

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 6

Đơn Giản Và Thuần Khiết

Vào tháng 6, 1973, cộng đồng Khao Suan Luang làm lễ thượng thọ Upasika Kee được 72 tuổi - một nghi thức quan trọng trong một nền văn hóa mà mỗi thế hệ là 12 năm - bằng cách in tập hợp những lời trích ra từ các bài Pháp của Upasika Kee. Dưới đây là những phần được trích ra từ tổng hợp đó.

Muốn tu tập, trước hết bạn phải là người yêu chân lý và bạn cần phải biết chịu đựng, kiên nhẫn để làm những gì bạn thấy đúng. Chỉ có như thế thì sự tu tập của bạn mới được tiến bộ. Nếu không, tất cả sẽ thất bại và bạn lại trở về làm kẻ nô lệ cho các uế nhiễm và tham ái của bạn giống như trước đó.

Không thực hành quán chiếu là bạn đã tự tạo cho bản thân bao khổ đau? Đã tạo cho tha nhân bao khổ đau? Đây là những điều mà chúng ta cần phải quán chiếu càng nhiều càng tốt. Nếu không, chúng ta cứ muốn có thêm, có thêm nữa. Chúng ta không cố gắng buông xả, không cố gắng gạt bỏ mọi chuyện qua một bên, không muốn hy sinh bất cứ thứ gì. Chúng ta sẽ cứ tiếp tục gom góp, tích lũy thêm, vì càng có nhiều, ta càng muốn nhiều hơn nữa.

&

Nếu chúng ta tham lam, bủn xỉn, thì dầu ta có bao nhiều tiền của, Đức Phật vẫn coi ta là người nghèo: nghèo các tài sản cao thượng, nghèo các tài sản tâm linh. Dầu có nhiều của cải vật chất bên ngoài, nhưng khi chúng ta mất đi, tất cả đều sang qua tay người khác, tất cả trở thành tài sản chung, chỉ có bản thân chúng ta bị bỏ rơi trong sự nghèo nàn đức hạnh, nghèo nàn giáo Pháp.

&

Tâm không có mái nhà – tâm không có Pháp làm nơi nương tựa – phải chung sống với các uế nhiễm. Khi một uế nhiễm phát khởi, tâm liền chạy đuổi theo nó. Khi uế nhiễm đó biến mất, thì một uế nhiễm khác lại khởi lên và tâm lại chạy đuổi theo uế nhiễm này. Vì tâm không có nơi nương tựa của riêng mình, nó phải chạy lăng xăng khắp chốn.

&

Tu tập để chấm dứt các uế nhiễm và khổ đau là một phương cách tu tập bậc thượng, vì thế trước hết chúng ta cần phải dọn dẹp, chuẩn bị cái nền, sắp xếp cho nó thứ tự. Chớ nghĩ rằng chúng ta có thể tu tập mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào. Nếu chúng ta sống vì dục lạc, thì chúng ta chỉ luôn nghĩ đến việc làm thế nào để có thể thõa mản các dục vọng của mình. Nếu chúng ta không phát triển tâm biết đủ, hay biết hổ thẹn lúc ban đầu, thì càng về sau, ta sẽ càng khó tu tập lên cao.

&

Quán chiếu là một pháp hành quan trọng. Nếu chúng ta không thực hành quán chiếu thì trí tuệ không thể phát sinh. Đức Phật dạy chúng ta phải quán chiếu và trải nghiệm sự vật đến mức độ mà chúng ta có thể tự mình thấy rõ ràng như thế. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có chỗ nương trú đích thực. Đức Phật chẳng bao giờ dạy ta nương trú vào những thứ mà bản thân ta không thể nhìn thấy hay thực hành.

&

Nếu chúng ta thực sự muốn thoát khỏi khổ đau, thì ta phải thực sự tu tập, phải có nỗ lực chân chánh. Chúng ta phải tập buông xả, bắt đầu với những thứ bên ngoài và dần đi vào bên trong. Chúng ta phải tự giải thoát mình khỏi ảo tưởng do các dục lạc quyến rũ tạo ra.

&

Điều quan trọng trong việc buông xả là chúng ta phải thấy được mặt tiêu cực của những gì ta buông xả. Chỉ khi đó ta mới có thể thực sự buông xả một lần và mãi mãi. Nếu không thấy được sự tiêu cực, thì chúng ta vẫn bám víu và tiếc nuối dầu đã buông xả.

&

Nếu muốn buông xả điều gì, chúng ta phải thấy được mặt tiêu cực của nó. Nếu chúng ta chỉ tự nhủ mình, “Hãy buông xả, hãy buông xả”, thì tâm sẽ không dễ dàng nghe theo. Chúng ta phải thực sự nhìn thấy mối hiểm họa trong cái mà chúng ta đang bám víu vào, sau đó thì tâm sẽ tự buông xả lúc thích hợp. Cũng như khi tay chạm vào lửa, khi cảm thấy nóng, thì ta tự động buông tay ra và chẳng bao giờ chạm vào nó nữa.

&

Rất khó nhìn ra được những mặt tiêu cực của ái dục, và càng khó hơn đối với những thứ vi tế hơn, như là cảm giác về ngã.

&

Lúc mới bắt đầu tu tập, chúng ta phải rèn luyện cách nào để kiềm chế lời nói và hành động của mình - tiêu chuẩn của đức hạnh - để chúng ta có thể giữ cho lời nói và hành động của mình ở mức độ bình thường, điểm tĩnh và có kiểm soát. Bằng cách đó, tâm sẽ không chạy theo uy lực của các uế nhiễm thô tháo. Khi sân giận, hung bạo chực phát khởi, trước hết phải dừng chúng lại bằng sức mạnh của kham nhẫn. Sau khi chúng ta đã có thể tập nhẫn nhịn một thời gian, thì nội tâm của chúng ta sẽ đạt được sức mạnh mà nó cần để phát triển sự cảm nhận về đúng, sai, và qua đó chúng ta sẽ nhìn ra được giá trị của sự kham nhẫn. Đó thực sự là một điều tuyệt vời!

&

Khi chúng ta hành thiện, hãy để cái thiện đó hòa đồng với thiên nhiên. Đừng bám vào ý nghĩ rằng chúng ta tốt. Nếu chúng ta bám víu vào ý nghĩ rằng chúng ta là người tốt, nó sẽ khiến rất nhiều thứ chấp thủ khác phát khởi.

&

Khi tâm không tự ái hay ngã mạn bị khiển trách, nó sẽ co mình lại giống như một con bò bị đánh bằng gậy. Cảm giác về ngã sẽ biến mất ngay trước mắt chúng ta. Một con bò được huấn luyện tốt, dầu thấy bóng của cây roi, vẫn đứng yên và tự tại, sẵn sàng hoàn thành những gì nó đã được chỉ dạy. Một thiền sinh nếu có thể giảm thiểu ngã mạn và tự ái thì chắc chắn là người đó sẽ tiến bộ và sẽ không có gì đủ sức mạnh để trì kéo tâm người đó xuống. Tâm sẽ được yên tĩnh và trống không –thoát khỏi bất cứ sự bám víu nào vào “tôi” hay “cái của tôi”. Đó là cách tâm phát triển để trở nên trống không.

&

Nếu chúng ta là người cởi mở và chân thật, chúng ta sẽ thấy cánh cửa nơi ta có thể buông bỏ khổ đau và uế nhiễm ngay khi chúng ta chân thật với bản thân, ngay khi chúng ta tỉnh giác. Chúng ta không cần phải đi giải thích Pháp cao siêu với bất cứ ai. Tất cả những gì chúng ta cần là sự chân thật với bản thân ở mức độ bình thường về khổ đau và những lỗi lầm trong hành động, để chúng ta có thể dừng chúng lại, để chúng ta phát triển một cảm nhận của lòng hối hận, một cảm giác xấu hổ. Điều đó còn tốt hơn là ta nói về những Pháp cao siêu, nhưng rồi thì cứ bất cần, dễ duôi và không biết xấu hổ.

&

Khi thực sự quán chiếu, chúng ta sẽ thấy tất cả những sự phóng dật của tâm. Dầu rằng chúng ta có hiểu biết về giáo lý của Đức Phật và có thể giảng giải chúng đúng đi nữa, thì tâm và trí chúng ta vẫn có thể phóng dật. Thật ra những người biết nhiều về Pháp và thường khoe khoang về sự hiểu biết của họ, có thể còn phóng dật, vô tâm hơn những người chỉ biết chút ít Phật Pháp. Những người chưa từng đọc sách Phật thường có khuynh hướng chú tâm hơn vì họ khiêm cung hơn và biết rằng họ cần phải quán niệm ngay nơi tâm mình. Trong khi những người đã đọc nhiều sách hay đã nghe nhiều bài Pháp thường tỏ ra dễ duôi. Do đó họ trở nên lơ là và bất kính đối với Phật Pháp.

&

Chúng ta cần phải biết làm thế nào để sử dụng tâm chánh niệm tỉnh giác của mình để luôn nhìn vào nội tâm, vì không có ai khác có thể biết hay nhìn thấy những điều này cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình biết lấy.

&

Khi sự vật yếu ớt, lỏng lẻo, thì chúng chảy đi. Khi sự vật cứng rắn, chúng không chảy. Khi tâm yếu đuối, thiếu sức mạnh, thì nó luôn sẵn sàng để chảy đi như nước. Nhưng khi tâm đầy chánh niệm tỉnh giác, khi nó vững chãi và chân chính trong nỗ lực của mình, nó có thể kháng cự dòng chảy của uế nhiễm.

&

Khi chúng ta mới bắt đầu hành thiền, thì cũng giống như chúng ta đang bắt khỉ để xích nó lại một chỗ. Lúc đầu khi mới bị cột xuống, khỉ sẽ vùng vẫy với tất cả sức lực để chạy thoát. Tương tự, khi tâm mới bắt đầu bị cột vào đối tượng thiền quán, thì nó không thích điều đó. Nó sẽ vùng vẫy nhiều hơn bình thường, khiến ta cảm thấy mỏi mệt và chán nản. Vì thế ở giai đoạn bắt đầu chúng ta chỉ cần sử dụng sự kham nhẫn của mình để chống lại khuynh hướng muốn bỏ ngang nhằm chạy đuổi theo những đối tượng khác của tâm. Với thời gian, tâm sẽ dần dần được kiềm chế.

&

Chúng ta muốn tâm yên tĩnh nhưng nó không yên. Vậy thì chúng ta phải làm gì, chúng ta phải chú tâm vào điều gì, biết điều gì, để nhìn thấy sự phát khởi và hoại diệt của các tâm hành? Hãy cố gắng quán sát kỹ càng, chắc chắn là tự bản thân chúng ta sẽ hiểu, vì ở đây không có điều gì là bí mật hay bị che giấu. Nó là một cái gì đó mà chỉ có ta mới có thể nhìn thấy những nguyên tắc cơ bản của nó.

&

Chúng ta có thể làm gì để cho tâm không phóng theo các định kiến hay vọng tưởng của nó? Chúng ta phải đặt sự chú tâm vào một đối tượng nào đó, vì nếu tâm không trụ vào một đối tượng nào đó, thì nó sẽ lang thang để tìm hiểu những thứ khác, những vấn đề khác. Đó là lý do tại sao chúng ta thực hành đặt sự chú tâm vào thân, hay vào hơi thở, đem hơi thở làm cái trụ để cột con khỉ tâm của mình vào đó. Nói cách khác, chúng ta dùng chánh niệm để giữ tâm trụ vào hơi thở. Đó là bước đầu tiên trong pháp hành này.

Rèn luyện để tâm trụ vào hơi thở là điều chúng ta phải liên tục thực hành với mỗi hơi thở vào ra, trong mọi tư thế - ngồi, đứng, đi hay nằm. Bất cứ chúng ta đang làm gì, hãy chú tâm vào hơi thở. Nếu muốn, có thể chúng ta không cần chú tâm vào bất cứ thứ gì khác ngoài sự cảm nhận về hơi thở, không cần phải xác định là nó dài hay ngắn. Chỉ cần thở bình thường. Đừng gò ép hơi thở, nín giữ hơi thở hay ngồi với thân quá căng. Ngồi thẳng và hướng về phía trước một cách thoải mái. Nếu sắp quay sang trái, hãy chắc rằng chúng ta vẫn chú tâm vào hơi thở khi chúng ta quay. Nếu chúng ta quay qua phải, cũng chú trọng vào hơi thở khi quay người.

Chúng ta muốn giữ tư thế nào là tùy mình, nhưng phải luôn chú tâm vào hơi thở. Nếu sự chú tâm bị gián đoạn, hãy đem nó trở về với hơi thở. Bất cứ chúng ta đang làm gì trong lúc này, hãy quán sát hơi thở với mỗi hơi thở vào, ra thì chúng ta sẽ phát triển chánh niệm tỉnh giác –sự tự ý thức về thân- đồng thời chúng ta cũng ý thức đến hơi thở.

Khi đi, chúng ta không cần phải chú ý đến những bước chân. Hãy chú tâm vào hơi thở và để bàn chân tự bước tới. Hãy để mỗi bộ phận của thân vận hành theo nhịp độ riêng của nó. Chúng ta chỉ cần chú tâm vào hơi thở mà vẫn ý thức được toàn thân.

Dầu mắt đang nhìn thấy sắc hay tai đang lắng nghe âm thanh, hãy vẫn chú tâm vào hơi thở. Khi chúng ta nhìn một quang cảnh, hãy chắc chắn rằng cái biết về hơi thở nằm dưới cái nhìn đó. Khi chúng ta lắng nghe một âm thânh, hãy chắc chắn rằng cái biết về hơi thở tiềm tàng trong cái nghe. Hơi thở là phương tiện để làm cho tâm tĩnh lặng, vì thế trước hết chúng ta phải rèn luyện hơi thở. Không cần phải vội vã để đạt được những kết quả tốt hơn. Hãy luyện tâm để nó ở trong vòng kiềm chế của chánh niệm liên tục, suốt ngày đêm – đến điểm mà tâm không còn để sự chú ý của nó bị gián đoạn. Càng lúc nó càng trụ lâu hơn trên hơi thở, chú tâm vào cái biết hơi thở liên tục và rồi mọi thứ khác sẽ tự động dừng lại: suy tư dừng lại, nói năng dừng lại. Bất cứ công việc gì chúng ta phải làm, chúng ta vẫn làm, đồng thời chúng ta vẫn để tâm vào hơi thở trong từng giây phút. Nếu có bất cứ sự gián đoạn nào, chúng ta sẽ lại trở về với cái biết hơi thở một lần nữa. Chúng ta không cần phải suy nghĩ về bất cứ điều gì khác. Hãy theo dõi hơi thở khi chúng ta ý thức đến trạng thái tâm bình thường.

&

Khi tâm có thể duy trì vị thế của nó trong trạng thái bình thường, chúng ta có thể quán sát hơi thở và nhận ra rằng nó cũng bình thường. Khi mức độ bình thường của chúng cân bằng, chúng ta chú tâm vào cái biết rằng hơi thở đơn giản chỉ là một hiện tượng tự nhiên – là yếu tố gió. Thân là tổng hợp của bốn yếu tố: đất, nước, gió, và lửa. Ở đây chúng ta chú tâm vào yếu tố gió. Yếu tố gió là một hiện tượng tự nhiên không phải là “ta” hay “của ta”. Lúc đó, tâm bình thường, không suy tư hay vọng tưởng bất cứ điều gì, không bị điều gì khuấy động lên. Lúc đó, nó cũng là một hiện tượng tự nhiên, đơn giản và thuần khiết. Nếu tâm không dính dáng đến bất cứ điều gì khác, nếu nó không bị thiêu đốt bởi các uế nhiễm, thì nó có thể duy trì sự tĩnh lặng, quân bình.

Khi chúng ta duy trì được sự chú tâm vào hơi thở trong mọi tư thế, đó là một phương tiện để ngăn cản tâm không chạy đuổi theo vọng tưởng và việc đặt tên chúng. Chúng ta phải có ý muốn luyện tâm trụ vào hơi thở trong mọi tư thế: đó là cách giúp chúng ta hiểu tâm giống như thế nào khi nó có được hơi thở chánh niệm như là nơi nương trú của nó.

&

Trụ vào hơi thở giúp tâm trở nên bình lặng hơn bất cứ phương pháp nào khác mà nó cũng không đòi hỏi sức lực. Chúng ta chỉ cần thở một cách bình thường. Nếu chúng ta để hơi thở vào ra mạnh mẽ, nó sẽ giúp cho năng lực của hơi thở và sự lưu thông của máu đi khắp thân. Nếu chúng ta thở thật sâu để các cơ bụng thư giãn, thì nó sẽ giúp tránh bị táo bón.

Khi chúng ta rèn luyện hơi thở, đó là một họat động của cả thân và tâm, và với cách đó mọi thứ sẽ được lắng dịu một cách tự nhiên, dễ dàng hơn là khi chúng ta cố gắng để lắng đọng mọi thứ bằng sức lực hay căng thẳng. Chúng ta có đe dọa tâm đến thế nào, nó cũng sẽ không đầu hàng. Nó sẽ chạy tứ tán. Vì thế ta nên luyện tâm ở mức độ tự nhiên –vì suy cho cùng, hơi thở cũng là một yếu tố, một khía cạnh của thiên nhiên. Dầu chúng ta có ý thức về điều đó hay không, hơi thở vẫn ở cùng với thiên nhiên của nó. Chỉ khi nào chúng ta chú tâm đến hơi thở, ta mới ý thức về điều đó. Thân là một khía cạnh của thiên nhiên. Tâm cũng là một khía cạnh của thiên nhiên. Khi chúng được huân tập đúng cách, thì chúng ta không còn nhiều vấn đề phải giải quyết nữa. Sự luân chuyển của máu và năng lượng của hơi thở trong thân sẽ rất tốt cho các dây thần kinh của ta. Nếu chúng ta rèn luyện chánh niệm tỉnh giác để cảm nhận toàn thân, đồng thời ta cũng ý thức đến hơi thở, thì hơi thở sẽ ra vào không cần cố sức.

Nếu chúng ta ngồi thiền một thời gian dài, sự rèn luyện này sẽ giúp làm cho máu và năng lượng của hơi thở chảy một cách tự nhiên. Chúng ta không cần phải điều khiển hơi thở hay giữ nó lại. Khi chúng ta đặt chân và tay trong tư thế tọa thiền đừng căng thẳng chúng. Nếu chúng ta có thể thư giãn chúng để cho máu và năng lượng của hơi thở có thể chảy dễ dàng thì điều đó rất ích lợi.

Giử vững chánh niệm trên hơi thở thích hợp cho tất cả mọi thứ - thích hợp cho thân, thích hợp cho tâm. Trước khi đạt được Giác ngộ, khi vẫn còn là vị Bồ tát, Đức Phật thường chánh niệm về hơi thở nhiều hơn bất cứ phương pháp nào khác, xem đó là nơi nương trú của tâm. Vì thế khi chúng ta thực hành điều đó, chúng ta cũng sẽ có chánh niệm về hơi thở làm nơi nương trú của tâm. Bằng cách đó tâm không lang thang chạy theo vọng tưởng, rồi để bị chúng kích động. Chúng ta cần phải kiềm chế tâm, giữ nó yên. Ngay khi có bất cứ điều gì khởi lên, hãy tập trung vào hơi thở. Nếu ngay từ đầu, chúng ta đã cố gắng trụ ngay chính nơi tâm, điều đó có thể quá khó để chúng ta kiểm soát, nếu chúng ta chưa vững vàng.

Nhưng nếu chúng ta muốn trụ ngay nơi tâm, điều đó cũng tốt thôi, nhưng chúng ta phải ý thức về nó với mỗi hơi thở vào và ra. Hãy giữ cho sự tỉnh giác của chúng ta liên tục trong một thời gian dài.

&

Hãy thực hành điều này trong tất cả mọi tư thế và xem kết quả gì sẽ phát sinh. Lúc đầu chúng ta phải tích hợp tất cả các các nhân – nói cách khác, chúng ta cần phải nỗ lực để nhìn và biết cho đúng. Còn việc buông bỏ, điều đó sẽ đến sau này.

&

Đức Phật đã so sánh việc rèn luyện tâm với việc giữ một con chim trong tay. Tâm giống như một chú chim nhỏ và vấn đề là làm sao để giữ cho nó không bay đi. Nếu nắm quá chặt, thì nó sẽ chết trong tay chúng ta. Nếu nắm quá lỏng thì chú chim nhỏ sẽ vuột khỏi tay ta. Vậy chúng ta phải nắm giữ nó như thế nào đế nó không chết mà cũng không bay đi mất? Việc luyện tâm của chúng ta cũng giống như thế, sao cho nó không quá căng thẳng, mà cũng không quá dễ duôi, chỉ vừa đúng.

Có nhiều điều chúng ta cần biết trong việc rèn luyện tâm và chúng ta phải làm đúng theo như thế. Về phương diện thân, chúng ta phải thay đổi tư thế làm sao cho nó cân bằng và vừa đúng để tâm có thể ở mức bình thường, để nó có thể ở một mức độ tĩnh lặng hay trống không tự nhiên một cách liên tục.

Tập thể dục cũng cần thiết. Ngay chính các vị du già thực hành nhiếp tâm cao cũng phải vận động cơ thể bằng cách co kéo, uốn lượn nó trong nhiều tư thế khác nhau. Chúng ta không cần phải cực đoan như họ, nhưng chúng ta có thể tập vừa đủ để tâm có thể duy trì được sự tĩnh lặng của nó một cách tự nhiên, trong một cung cách mà nó có thể quán sát những hiện tượng tâm sinh lý và coi chúng như vô ngã, vô thường và khổ.

Nếu chúng ta o ép tâm quá nhiều, nó sẽ chết giống như chú chim bị nắm quá chặt. Nói cách khác, nó sẽ trở nên đờ đẫn, vô cảm và sẽ chỉ đông cứng trong sự tĩnh lặng mà không có sự quán chiếu để xem vô thường, khổ và vô ngã là như thế nào.

Sự tu tập của chúng ta là để tâm đủ tĩnh lặng để có thể quán chiếu về vô thường, khổ và vô ngã. Đó là mục đích của việc tu tập, quán chiếu của ta và nó giúp cho sự tu tập trở nên dễ dàng. Còn về việc thay đổi thế ngồi hay vận động, tập thể dục, chúng ta làm những việc này với tâm buông xả.

Khi chúng ta tu tập ở nơi hoàn toàn vắng vẻ, chúng ta cần phải vận động thân thể. Nếu chúng ta chỉ ngồi và nằm, sự luân chuyển của máu và năng lượng hơi thở sẽ trở nên bất bình thường.

&

Điều thứ tư trong phần hướng dẫn để giữ hơi thở trong tâm bắt đầu với việc theo dõi sự vô thường của từng hơi thở ra-vào. Duy trì sự tỉnh giác này lâu là điều khó vì thường chúng ta không duy trì sự tỉnh giác của chúng ta với mỗi hơi thở vào-ra. Khi sự vật (các pháp) trở nên trống vắng, chúng ta chỉ để tâm trở nên yên tĩnh, mà không chánh niệm hay quán chiếu, vì thế mọi thứ đều trôi qua hay trở thành mờ nhạt. Hoặc là một vọng tưởng nào đó khởi lên nên ta không thể trụ trên tâm trống rỗng.

Vì thế khi một pháp bất thiện khởi lên, hãy chặn nó lại bằng cách chú tâm vào hơi thở. Dùng hơi thở để phá tan nó. Dầu pháp đó mong manh hay mạnh mẽ, hãy quay về với hơi thở là điều ta phải làm trước tiên để bảo vệ bản thân. Chúng ta càng thực hành điều này thường xuyên bao nhiêu, thì nó càng trở nên là một thói quen bình thường – và nó sẽ càng trở nên hữu ích.

Chỉ trụ vào hơi thở có thể giúp ta tránh được bao vọng tưởng – nói cách khác, nó có thể giữ tâm không tạo tác các tư tưởng bất thiện. Bằng cách đó, các tham ái đối với cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị và sự xúc chạm không thể thành hình. Khi ý thức bất cứ điều gì đang khởi lên trong tâm, hãy nhanh chóng trụ vào hơi thở, thì dầu đó là gì, nó cũng lập tức dừng lại và tan rã.

&

Khi tâm rất tĩnh lặng và vi tế, nếu chúng ta không duy trì sự chú tâm thì sự tỉnh giác của chúng ta có thể suy yếu hay trở nên lạc hướng. Vì thế chúng ta phải luôn giữ tâm chánh niệm. Thở sâu và mạnh là một cách để thức tỉnh tâm. Đừng để nó trở nên tĩnh lặng trong sự thiếu chú tâm.

Chúng ta phải tập trung vào việc thấy được trạng thái trống rỗng trong nội tâm, là đặc tính cơ bản của tâm. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó, thì không cần phải tu tập chi nhiều. Chỉ cần giữ tâm dưới sự kiểm soát của chánh niệm và hơi thở. Nói cách khác, cứ liên tục theo dõi tâm, biết tâm. Ngay nếu như có cần tư duy để giúp ta trong cái biết của mình, thì cũng làm cho nó ngắn gọn. Đừng để nó kéo dài ra. Bất cứ sự hồi tưởng hay quán chiếu gì cũng cần ngắn thôi. Đừng để nó kéo dài ra. Nếu kéo dài ra, nó sẽ làm ta xao lãng.

Hãy dùng hơi thở như là một phương tiện để chấm dứt điều đó. Khi sự suy tưởng của chúng ta bắt đầu trở nên dông dài, hãy dừng nó lại. Hãy giữ cho nó càng ngắn càng tốt. Hãy giữ cho sự tỉnh giác của chúng ta càng tĩnh lặng, rõ ràng và trong sáng càng tốt, và hãy nhìn ra rằng nó không có bất cứ bản ngã nào.

&

Khi tâm duy trì được bản thể của nó trong trạng thái bình thường thì giống như một mảnh vải hay tờ giấy trắng. Chúng ta phải tiếp tục tập trung vào việc quán sát tâm để xem khi có bất cứ sự xúc chạm giác quan nào, tâm sẽ phản ứng như thế nào, nó sẽ đặt tên cho những thứ đó là “tốt”, “xấu” hay “có ngã” như thế nào. Đây là điều chúng ta cần phải rèn luyện để quán sát ở mức độ vi tế.

&

Một khi tâm đã tĩnh lặng và trống rỗng thì sự tỉnh giác của chúng ta trở nên sắc bén hơn. “Sắc bén” ở đây có nghĩa là nó thực sự nhìn thấy sự việc vì cái nhìn của nó tập trung, nên nó thấy rất rõ ràng. Nếu chúng ta nhìn vật gì đó mà không thật sự thấy rõ ràng, đừng đi tìm kiếm ở chỗ khác. Cứ tiếp tục nhìn ngay nơi đó cho đến khi chúng ta biết.

Cái biết này biết điều gì? Nó biết sự sinh, sự trụ và sự hoại diệt. Và nó không chấp thủ. Để biết bằng cách này chúng ta phải rõ ràng về sự hình thành của các tâm hành, dù tốt hay xấu hay trung tính (không tốt không xấu).

Nếu chúng ta chưa có khả năng quán sát tâm, thì hãy quán sát thân để xem nó kết hợp bởi bốn yếu tố : đất, nước, gió và lửa, như thế nào. Chúng ta cứ phải ăn và tiêu hóa, bỏ vào và loại ra các chất. Ngay chỉ những vấn đề của thân – của cái xác biết đi này - cũng đã là một gánh nặng. Khi trời nóng, ta phải tắm rửa nó; khi trời lạnh, ta phải đắp chăn cho nó; khi nó bệnh, phải cho uống thuốc; khi nó đói, phải cho ăn. Chúng ta phải trông coi chăm sóc nó đúng cách, nếu không nó sẽ gây ra đủ thứ phiền não.

Người ta cho rằng tâm là chủ, và thân chỉ là đầy tớ. Nhưng nếu ái dục trở thành là chủ của tâm, thì thân sẽ có đến hai người chủ. Hãy thử tưởng tượng điều đó sẽ tạo ra biết bao xung đột! Tâm sẽ khốn đốn và thân cũng thế.

&

Thân xác này tự nó đã rất khổ sở, phiền não. Nếu ta chấp vào nó thì sẽ càng làm cho nó khổ sở, phiền não hơn. Vì thế hãy quán niệm về thân cho cẩn thận. Hãy thấy đó chỉ là cái khổcủa các duyên hợp, của các uẫn, nhưng cái khổ đó không thuộc về ai - và không có uế nhiễm nào có thể thiêu đốt tâm ta.

&

Hãy buông bỏ sự bám víu vào những điều phù phiếm, với những tốt, xấu của quá khứ. Hãy gom góp chúng lại và vứt chúng đi. Hãy để tâm không còn chất chứa. Và một khi tâm đã không còn chất chứa, thì đừng đi thu nhặt những thứ khác để lấp vào. Thí dụ, ngay lúc này, tâm chúng ta đang trống rỗng. Hãy nhìn vào đó để xem các pháp đã thành hình, phát khởi như thế nào; hãy xem chúng hủy diệt như thế nào. Hãy nhìn vào bản chất thực sự ngay đó. Nhìn vào bản chất thực sự để xem tâm đón nhận đối tượng của nó như thế nào, hoặc nó đón nhận sự tiếp xúc như thế nào. Nếu chúng ta nhìn đúng như sự thật, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những thứ đó đều trống rỗng. Không có gì thật hay thường hằng về chúng cả. Chỉ cần nhìn mà không đánh giá. Khi mắt nhìn thấy sắc, hay tai nghe âm thanh, hãy xem những thứ này chỉ như là các hiện tượng tự nhiên. Đối với tâm, hãy để nó đứng yên, tách khỏi bất cứ khuynh hướng muốn tham gia vào việc đánh giá sự vật tốt, xấu nào. Nhờ thế lòng tham ái sẽ không khởi lên để quấy rối tâm.

Hãy tự hỏi bản thân: Nếu chúng ta chấp vào những thứ này và đau khổ sẽ theo sau, thì chúng ta được gì từ đó? Chúng ta sẽ thấy rằng mình không được gì cả. Tất cả đều trống không. Cái mà chúng ta được là sự khổ đau khiến tâm phải bấn loạn. Vì thế bất cứ chúng ta quán sát điều gì, hãy thấy cho rốt ráo tính vô thường của nó, từ bên ngoài vào bên trong. Chỉ như thế cũng đủ để giúp chúng ta không bám víu vào bất cứ điều gì.

&

Khi ý thức về các xúc chạm giác quan, chúng ta không muốn dừng việc quán sát lại chỉ ở chỗ mắt thấy sắc hay tai nghe âm thanh. Chúng ta phải nhìn sâu hơn vào cái nhãn thức đã ghi nhận sắc. Sau đó chú tâm vào cảm giác do thấy sắc tạo ra, xem nó thay đổi như thế nào, nó hoại diệt, tan rã như thế nào.

&

Nếu biết cách nhìn đúng, chúng ta có thể thấy sự biến đổi trong các hiện tượng vật lý và tâm lý của tất cả mọi thứ. Các sắc pháp chúng ta có thể nhận thấy bằng mắt. Thí dụ, một bông hoa vẫn còn tươi, chứa đựng sự thay đổi và hoại diệt ngay trong lúc vẫn còn tươi. Nếu chúng ta chỉ thấy sự hoại diệt đó khi bông hoa đã úa tàn, thì sự quán sát của chúng ta vẫn còn thô thiển, vẫn còn xa rời chân lý.

Rất khó có điều gì do duyên hợp mà bền vững, lâu dài, nhưng chúng ta tự tạo ra các giả định về chúng. Sự vật thay đổi trong chiều hướng phát triển và trong chiều hướng của hoại diệt. Chúng ta xem những điều này như là hai quá trình tách biệt, nhưng thật ra cả hai đều là hoại diệt.

&

Bất cứ khi nào có sự xúc chạm giác quan, hãy quay sự chú tâm vào bên trong không dừng dứt. Hãy giữ tâm yên tĩnh và ở mức độ bình thường. Còn về sự xúc chạm, chỉ cần biết nó là xúc chạm, nhưng giữ chánh niệm về tâm càng liên tục càng tốt cho đến khi tất cả sự chú tâm của chúng ta đều dồn lại một chỗ. Hãy để nó tụ hợp lại trong sự tỉnh thức đơn giản và thuần khiết. Nếu sự tỉnh thức đơn thuần này có thể duy trì vị thế của nó liên tục, nó sẽ trở thành một phương tiện để đọc và giải mã tất cả mọi thứ bên trong ta. Chúng ta không cần chú tâm tới các cảm giác của sự phát khởi và hoại diệt. Thay vào đó hãy chú tâm vào sự tỉnh giác đơn thuần –nói cách khác, sự tỉnh giác ở ngay tâm hay ở các sở hữu tâm là đơn giản và thuần khiết. Ngay cả khi chúng ta chánh niệm về sự vật bên ngoài, hãy giữ tâm chánh niệm đó đơn thuần.

Chúng ta phải làm người quán sát khi tâm đã thiết lập được chánh niệm vững vàng và sự thức tỉnh tập trung cao để chúng ta có thể ý thức được các sở hữu tâm đơn thuần, mà không có bất cứ sự tạo tác nào –một sự tỉnh giác đơn thuần ngay nơi nó. Hãy coi đây là nền tảng của ta.

Lúc đầu chúng ta trụ vào hơi thở để giữ cho tâm không đi lang thang. Chúng ta càng tập trung vào hơi thở, tâm càng trở nên vi tế, đến mức độ ta không còn cần phải để tâm đến hơi thở nữa. Sau đó chúng ta quán tâm không dừng dứt. Chúng ta quán ngay trên tâm đơn giản và thuần khiết, mà không có bất kỳ tâm hành nào, không có bất kỳ sự dán nhãn, đặt tên nào. Bất cứ điều gì khởi lên, chỉ cần biết như thế, không cần biết xa hơn thế và giữ cho tâm chánh niệm liên tục.

&

Khi tâm nằm dưới sự kiểm soát của chánh niệm, không vọng tưởng hay bị xao lãng, bị chi phối, nó sẽ tĩnh lặng và tỉnh giác bên trong. Khi chúng ta quán ngay nơi tâm, nó sẽ dừng lại và trở nên tĩnh lặng một cách tự nhiên. Chúng ta sẽ thấy rằng tâm chỉ là một khía cạnh của thiên nhiên, không phải là “tự ngã” hay bất cứ thứ gì giống như thế. Khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng rằng tâm chỉ là một khía cạnh của thiên nhiên, thì điều đó sẽ hủy diệt mọi bám víu vào nó như là “ta”, hay “của ta”.

Dầu chúng ta có ý thức được sắc hay thọ, chỉ cần xem chúng là những khía cạnh, yếu tố của thiên nhiên – tất cả vạn pháp. Tâm sẽ không bị rối rắm, không bị các vọng tưởng hay các tâm hành nào kích động. Hãy để tâm dừng lại, trở nên yên tĩnh, chỉ đơn giản bằng cách để cho nó tự biết mình trong từng giây phút.

&

Để kiềm chế tâm không phát khởi các cảm thọ do xúc chạm giác quan, hãy dừng lại trong địa phận của nó. Nói cách khác, chỉ cần biết khi ta quán tâm, điều ấy sẽ giúp cho các cảm thọ qua đi một cách tự nhiên ngay trong hiện tại. Đó là lý do tại sao người vô tâm, không phát triển sự kiềm chế qua chánh niệm, dễ dàng bị khuất phục trước quyền lực của uế nhiễm.

Kiềm chế bằng chánh niệm là bước khởi đầu. Chúng ta duy trì sự kiềm chế bằng tâm chánh niệm. Khi tâm chánh niệm trở nên liên tục đến mức độ nó trở thành cái biết rõ ràng, thì đó được gọi là kiềm chế bằng trí tuệ. Hãy cố gắng duy trì trạng thái của sự hiểu biết rõ ràng trong nội tâm.

&

Kiềm chế các căn là với mục đích thấy được các chuyển động của tâm – để nhận biết cảm giác của sự tiếp xúc ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chuyển thành các cảm thọ như thế nào.

&

Việc học pháp của chúng ta phải là việc học từ bên trong, không phải chỉ là việc học của văn tự hay thuyết ngôn. Nó phải là việc học của tâm đơn giản và thuần khiết để nó có thể biết dáng vẻ và đặc tính của bản thân trong khi vẫn duy trì sự quân bình hay tự giữ mình trong sự trống rỗng, một thứ trống rỗng không bám víu vào bất cứ gì.

Giả như, khi tâm sôi động, chúng ta bám víu vào ý nghĩ rằng, “Tâm tôi đang sôi động” -hay nếu khi tâm trống rỗng, chúng ta bám víu vào ý nghĩ rằng, “Tâm tôi đang trống rỗng” – hãy thấy rằng cả hai đều giống nhau, vì vấn đề là khi chấp vào điều gì, thì chúng ta cũng khổ. Vì thế dầu sự vật chuyển đổi như thế nào, nếu chúng ta biết đúng chân lý của Đức Phật về sabbe dhamma anatta- vạn pháp đều vô ngã- thì chúng ta mới có thể buông xả.

&

Hãy dừng lại để quán sát, dừng lại để biết chính tâm mình, thì tốt hơn là lang thang đi tìm hiểu sự vật ở bên ngoài, vì khi chúng ta dừng lại để quán sát, để biết, chúng ta sẽ tự nhìn thấy vô thường, khổ và vô ngã mà không cần nói lên điều đó. Đây sẽ là cái biết hoàn toàn im lặng và tịch tĩnh bên trong. Loại trí tuệ mà phải dùng ngôn từ “vô thường”, “khổ” và “vô ngã” là cái biết giả tạo, không phải chân thực. Cái biết chân chánh nhìn thấy sự biến đổi xảy ra trong từng sát na, ngay trước mắt chúng ta, ngay tại đây và ngay bây giờ. Chúng ta thực sự nhìn thấy sự vật phát khởi và hoại diệt như thế nào. Và nó luôn ở đó để chúng ta có thể nhìn thấy ngay bây giờ. Điều đó không có gì khó cả. Vì thế nếu chúng ta biết làm thế nào để dừng lại quán sát, dừng lại để biết chính tâm mình, chúng ta sẽ trở nên quen thuộc, sẽ biết Pháp đúng cách.

Nếu quán sát đúng, nhìn thấu đáo, chúng ta sẽ thấy sự sinh, trụ và hoại diệt biến đổi như thế nào trong từng sát na. Chúng ta sẽ thấy khổ tiềm ẩn trong sự chuyển đổi như thế nào. Nhưng chúng ta phải biết nhìn thấu đáo, nhìn một cách sâu sắc. Chứ không phải chỉ cứ tự nhủ rằng vạn pháp đều vô thường, khổ và vô ngã.

Chúng ta phải thực sự quán sát để có thể nhìn thấy sự biến đổi, vô thường thực sự là khổ. Chúng ta không cần phải nói nó là “khổ” trong tâm mình, nhưng chúng ta phải thấy chân lý này rõ ràng trong chính cái khổ. Một khi chúng ta đã thấy vô thường là khổ, chúng ta sẽ thấy vô ngã cũng tiềm ẩn ngay nơi đó.

&

Nếu chúng ta chú tâm vào việc loại bỏ cái này, cái kia hay cái nọ, là chúng ta đã rơi vào cái bẫy của vô thường.

&

Khi chúng ta quán sát vô thường, hay sự phát khởi và biến diệt, với tâm chánh niệm và tỉnh giác thực sự, thì chúng ta sẽ có cảm giác mất hứng thú, nhàm chán, thờ ơ. Nếu chúng ta biết điều đó, nhưng thản nhiên, bất cần, thì không thể gọi là biết. Chúng ta chỉ tự lừa dối rằng mình biết trong khi chúng ta thực sự không biết. Cái biết chân chánh, sáng tỏ, rõ ràng trong tâm, hoàn toàn khác biệt – không phải cái biết lơ là mà người ta thường coi là ảo giác.

&

Nếu thực sự biết, thì chúng ta phải có cảm giác nhàm chán, cảm giác thôi thúc phải loại bỏ mọi thứ ra ngoài, trả mọi thứ về chỗ cũ, một cảm giác thôi thúc trong việc nhìn thấy sự vật không đáng bám víu như thế nào. Đó là loại hiểu biết mà chúng ta cần phát triển. Nếu chúng ta chưa phát triển được sự hiểu biết này, chúng ta cần liên tục quán chiếu sự vật, dầu là chúng ta đang đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, đi vệ sinh hay bất cứ thứ gì. Chúng ta cần phải quán chiếu sâu sắc những điều này càng nhiều càng tốt. Khi chúng ta có thể làm được như thế, chúng ta sẽ vào được Pháp. Nếu tâm vẫn còn xao lãng, xa vắng, nếu nó vẫn còn quan tâm đến điều này, việc nọ, thứ kia, thì nó sẽ thụt lùi ngày càng nhiều cho đến khi nó trở thành nô lệ của ái dục và uế nhiễm như trước kia.

&

Bài kinh tụng để quán chiếu về bốn nhu cầu là rất hữu ích. Chúng ta phải luôn huân tập để không bị quá đà trong việc thỏa mãn những nhu cầu này. Chánh niệm phát khởi từ sự quán chiếu này sẽ đầy trí tuệ sáng suốt. Ở đâu có chánh niệm, ở đó có tỉnh thức và tự giác – cũng giống như trí tuệ sáng suốt.

&

Mọi khía cạnh của sự tu tập là nhằm giúp chúng ta bằng lòng với cái mình có, để giúp tâm bớt vướng bận. Một khi chúng ta đã nhìn thấy giá trị của những sự thực hành này, chúng ta phải tập luyện từ bỏ lòng ham muốn. Nếu chúng ta chỉ biết chạy theo ham muốn của mình, thì khi được cái mình muốn thì chúng ta vui vẻ, hạnh phúc. Bằng không, thì chúng ta sẽ nổi sân, và phiền não. Vì thế hãy quán chiếu về lòng ái dục để thấy nó là khổ – để thấy nó vừa là khổ, vừa là nguyên nhân gây ra khổ như thế nào.

&

Rèn luyện tâm là một việc vi tế. Ngay cả khi sự hiểu biết đã phát sinh, nếu chúng ta tự nghĩ rằng cái biết đó chắc chắn đúng, thì chúng ta đã thất bại. Dầu sự hiểu biết đó là gì, nếu nó chưa thật vững, thì nó là cái biết giả tạo, lừa lọc, không phải cái biết tuyệt đối.

&

Khi chúng ta chấp vào cái biết của mình, cho nó là đúng, thì đó là cơ hội để tà kiến phát sinh ngay thời điểm đó. Vì thế chúng ta phải tiếp tục dừng lại, quán sát, và truy nguyên cho đến khi chúng ta thấy cái biết của mình đã chuyển thành cái không biết như thế nào. Đó là vì chánh kiến và tà kiến, tự chúng đã hòa quyện vào nhau. Trái lại, cái biết đích thực không có gì ngoại trừ sự hiểu biết chân chánh. Chúng ta phải tìm ra góc cạnh mà từ đó chúng ta có thể nhìn thấy sự hiểu biết sai lầm, tà kiến sẽ phát khởi như thế nào.

&

Khi ngã mạn và lòng cao ngạo phát sinh, chúng ta phải khiến chúng quay ngược lại, quán sát chúng để thấy rằng không có “tự ngã” ở trong chúng –và trong trường hợp đó, ta được gì khi ba hoa tự đại? Thực sự ngã ở đâu? Khi quán chiếu về điều đó, chúng ta sẽ không biết trả lời làm sao. Chính điều đó sẽ giúp chúng ta bỏ thói khoe khoang.

Khi chúng ta tìm ra được nguyên nhân phát khởi cái “tôi biết, tôi đúng, tôi thật tốt”, thì đó là tiếng nói làm cho chúng ta khó sống trên đời. Nếu chúng ta làm khó các tiếng nói khác trong tâm, thì chúng ta đã lạc đường, vì tất cả chỉ là các tùy tùng của tâm.

Tiếng nói cho rằng đó là tốt, là đúng: Hãy mổ xẻ ngay tiếng nói đó. Chúng ta không cần đến bất cứ tiếng nói nào khác. Hãy khiến tiếng nói đó quay ngược trở vào và đào sâu nguồn gốc của nó.

&

Nếu chúng ta không biết làm thế nào để nhận ra lỗi của mình, là chúng ta không biết hành Pháp. Chú tâm vào lỗi của mình là đi ngược lại với dòng chảy. Nguyên tắc căn bản trong quán niệm là chúng ta không thể đặt mình lên trên Pháp. Pháp phải là trên tất cả.

Càng có nhiều hiểu biết, chúng ta càng trở nên khiêm cung: đó là bản chất của Pháp. Ai có nói rằng chúng ta ngu si, hãy để họ nói, nhưng chúng ta phải chắc chắn rằng trong tâm chúng ta tràn đầy Pháp. Duy trì Pháp trong tâm bằng bất cứ mọi giá, giống như người ta cẩn thận gìn giữ một thư phòng trong đó chứa đựng các bản kinh. Hãy chú tâm đến việc tập hợp Pháp lại một điểm, giữ tâm ở vị thế thích hợp, mà không bám víu vào bất cứ điều gì. Còn như chúng ta phải bảo vệ tâm như thế nào, và tâm đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc, gìn giữ nó như thế nào, thì đó là những điều chúng ta phải tự khám phá.

&

Chánh kiến và chánh niệm xem mọi thứ là Pháp (Dhamma). Nói cách khác, chúng nhìn tất cả mọi duyên hợp đều nằm trong tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã).

&

Chúng ta phải quán tưởng về bản chất đích thực của Pháp để khi nhìn ra bên ngoài, ta thấy tất cả đều là Pháp, mà không cho chúng là tốt, xấu. Hãy nhìn sao cho chúng ta không sa vào việc đánh giá. Hãy nhìn mọi thứ như là tự nhiên theo đúng nhân duyên của nó. Hoặc nhìn mọi thứ như là Pháp đơn thuần. Sau đó xét xem tâm có cảm thấy cởi mở, nhẹ nhàng và trống rỗng không.

Pháp mà chúng ta học qua sách vở không phải bản chất đích thực của Pháp. Để nhìn thấy được bản chất đích thực của Pháp, chúng ta phải tước bỏ mọi ước lệ, chỉ còn lại sự đơn giản và thuần khiết, không có bất cứ “hữu” hay “thủ” nào.

&

Sự quán niệm còn dùng đến tư duy là vẫn còn ở bên ngoài. Sự quán niệm nội tâm phải là cái nhìn chăm chú, bất động và tịch tịnh. Đó là sự quán niệm bao gồm cái nhìn thấu đáo, chứ không phải cái nhìn thoáng qua.

&

Sự quán niệm của chúng ta phải trải qua nhiều mức độ, không phải một. Mức độ đầu tiên là quán sát trên bình diện của tưởng và sự đặt tên. Tiếp đến chúng ta quán sát tư tưởng. Rồi chúng ta quán sát sự tỉnh thức.

Nếu chúng ta quán sát sự đặt tên, thì hãy coi chúng đơn giản chỉ là những tên gọi: hành động nhận biết, sự ý thức rằng chúng ta đã nhận biết điều gì đó. Rồi thì cái tên gọi sẽ qua đi. Nếu chúng ta quán sát tư tưởng, thấy tư tưởng phát khởi như thế nào, về điều gì, và rồi nó đã qua đi như thế nào. Sau đó một tư tưởng khác lại khởi lên, rồi nó cũng qua đi. Đó là mức độ thứ hai. Rồi chúng ta sẽ quán sát sự tỉnh thức, sự tỉnh thức của tâm đơn thuần, một cảm giác phát khởi ngay nơi tâm. Hãy quán sát cảm giác đó ngay ở tâm và xem nó qua đi như thế nào cũng bằng cách đó.

&

Chúng ta cần sử dụng chánh niệm tỉnh giác, giống như cái xuổng hay đồ xúc rất sắc bén, để đào sâu vào bản ngã của mình. Sau đó chúng ta có thể lật tung nó lên, quán sát nó ở mọi góc cạnh để có thể thấy chính xác tự ngã của ta là ở đâu. Hãy cố gắng quán niệm về thân, thọ, tưởng, hành và thức mà chúng ta bám víu vào quá chặt, để nhìn thấy chính xác đâu là thường, lạc hay ngã.

&

Chúng ta chưa quán niệm về nhóm năm uẩn – là cái luôn thay đổi ngay trước mắt ta – để có thể nhìn thấy chính xác các hiện tượng tự nhiên của chúng khi chúng xuất hiện. Đó là lý do chúng ta thất bại trước sự quyến rủ của bám víu, chấp chặt, làm phát khởi cảm giác của ngã dưới hình thức là người “tiếp thu”, người “tiêu thụ”, kẻ “lãnh hậu quả”. Để rồi sau đó chúng ta phải đau khổ vì đi vào trong lãnh vực của sự tiêu thụ và tiếp nhận – tất cả những điều đó mà không mảy mayý thức. Thật ra, chúng ta còn muốn nhiều hơn nữa. Thí dụ, khi ta nhận được quả của một tâm yên tĩnh, tự tại, thì ta muốn ở trong trạng thái đó mãi. Khi có sự biến đổi, ta cảm thấy bị xáo trộn. Nhưng nếu chúng ta hiểu các quy luật của vô thường, khổ và vô ngã, thì chúng ta có thể buông bỏ. Chúng ta không cần phải bám chặt vào đó. Ngay đó là con đường để giải thoát.

&

Chúng ta đến đây tu tập nhằm mục đích chấm dứt khổ đau và uế nhiễm, vì thế chúng ta phải quên tất cả mọi thứ khác. Chúng ta không cần phải khiến mình bận tâm với nhiều việc. Chỉ cần chúng ta quán niệm về thân và tâm, thì mọi thứ tự chúng sẽ trở nên trống rỗng. Chúng ta không cần phải ao ước được có sự trống rỗng đó. Đừng để bản thân chúng ta bị nung nấu vì ham muốn này.

&

Thay vì buông xả những thứ chúng ta cần phải buông xả, chúng ta lại cung cấp cho nó thêm năng lượng để nó có thể bùng phát lên mạnh mẽ hơn. Thay vì phải đối phó với những thứ mà chúng ta cần phải tránh xa, buông bỏ, làm yếu đi hay hủy diệt chúng, thì chúng ta phớt lờ đi. Nhưng chúng ta lại đi săn lùng các phương pháp hành thiền mới! Uế nhiễm của chúng ta đang phát sinh ngay trước mặt chúng ta, ngay trong tâm chúng ta, trong từng giây phút, vậy mà chúng ta không đối diện với chúng. Cái chúng ta làm lại là lo đi tìm những thứ ở bên ngoài để tự dối mình.

&

Thực hành Pháp là một phương cách để chữa trị chứng bệnh bên trong thân và tâm, vì thế chúng ta phải dốc hết sức lực vào việc thực hành với hết khả năng của mình. Chúng ta phải tập luyện hết sức cẩn thận để các uế nhiễm, tham ái và chấp thủ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng ta phải chú tâm quán chiếu không dừng để có thể hủy diệt sự bám víu vào ngã. Đây là công việc quan trọng nhất trong đời ta: quán sát về những hiện tượng tâm sinh lý để thấy sự vô thường, khổ và vô ngã trong đó. Khi uế nhiễm còn chưa được diệt trừ hết thì chúng ta còn phải tiếp tục công việc này suốt đời. Chúng ta cứ phải tiếp tục quán sát, niệm, và buông xả không dừng.

&

Các uế nhiễm thô, nặng nề thì dễ thấy, nhưng các uế nhiễm vi tế, nhẹ nhàng – như là tình yêu, dục vọng, đam mê - đốt cháy tâm ta với ngọn lửa nhẹ nhàng, nhưng vẫn độc hại như acid, những thứ này thì khó thấy hơn. Chúng ta phải quán sát bản thân để biết bản chất thật của chúng. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tích trữ thêm các nấm mốc khiến cho sự ẩm mốc đó tàn rữa bên trong chúng ta.

&

Chúng ta càng hướng sự chú tâm ra ngoài, chúng ta càng trở nên u mê. Ngược lại, chúng ta càng soi rọi nội tâm, thì chúng ta càng trở nên sắc bén – và chúng ta càng có thể rũ bỏ những đau khổ và uế nhiễm của mình. Càng nhìn ra bên ngoài, chúng ta càng thâu thập thêm nấm mốc gây thối rữa, thì chúng ta càng trở nên là một đống rác thải.

&

Khi nhìn thấy những uế nhiễm ở nơi người khác, chúng ta thấy chúng ô uế làm sao. Nhưng khi chúng xuất hiện nơi bản thân mình thì ta thấy là chúng đúng và tốt. Đây là nơi ta tỏ ra rất mâu thuẫn, coi các uế nhiễm của mình như là những người bạn thân -đúng với câu nói “Coi mấy đĩa sắt mòn rỉ như những cánh hoa sen”. Có phải đó là thái độ của chúng ta không? Đây là điều đáng cho chúng ta xem xét lại.

&

Nếu chúng ta biết cách quán sát sự phát sinh của uế nhiễm – dầu đó là tham hay sân - ngay cả khi nó rất yếu ớt, chúng ta cũng cần nhìn tận mặt nó cho đến khi chúng ta có thể dẹp nó qua một bên. Nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ khó có sức mạnh để chiến thắng. Nếu chúng ta nạp thêm năng lượng cho nó, cho đến khi nó bắt đầu lan tỏa ra khắp nơi, thì nó sẽ bùng lên như là một đám cháy lớn, và chúng ta sẽ không còn có khả năng dập tắt nó nữa. Nếu muốn dập tắt một uế nhiễm, chúng ta cần phải dẹp nó ngay ở giai đoạn khởi đầu, khi nó xuất hiện như một chút cảm giác của việc ưa hay ghét.

Khi tâm trống rỗng, như hiện có, hãy tiếp tục quán sát xem các cảm giác này đã phát khởi như thế nào. Xem chúng qua đi như thế nào và chúng ta phải làm cách nào để có thể chắc chắn rằng không có thứ gì khác phát sinh để tiếp sức cho nó. Sự ý thức của chúng ta về điểm-khởi-đầu của một hành là cách để dẹp bỏ, đánh tan khổ đau ngay từ lúc bắt đầu – một phương pháp không những đúng đắn mà còn đòi hỏi ít năng lượng nhất.

&

Dẹp tan những ham muốn và sân hận âm ỉ thì không dễ, vì gốc rễ của chúng vẫn còn đó; chúng vẫn còn được phân bón dung dưỡng. Đó là lý do tại sao chúng cứ nở hoa và đậu quả. Vì thế nếu thực sự muốn áp dụng một phương pháp nhanh nhất và đứng đắn nhất, chúng ta phải tập trung vào việc hủy diệt ảo tưởng – vào việc đối mặt với sự thật.

&

Chú tâm thẳng vào việc làm thế nào mà uế nhiễm có thể khiến tâm trở nên mê muội, phiền não và nóng nảy. Sau đó quán chiếu xem ta phải làm thế nào để hủy diệt chúng. Khi chúng rã tan, tâm có cảm thấy nhẹ nhõm, mát mẻ không? Hãy cứ nhìn ngay nơi đó.

Sự nhẹ nhõm, mát mẻ ở đây không phải do ta làm. Mà đó chính là sự nhẹ nhõm, mát mẻ từ bên trong và từ chính tâm, chứ không cần phải tưới nước lên. Đó là cảm giác của tâm khi nó có thể buông bỏ điều gì đó. Nó nhẹ nhõm, mát mẻ từ bên trong và từ chính nó.

&

Không dừng quán chiếu bản tâm giúp chúng ta có được tăng thượng tâm hầu đi đến giải thoát. Đó là một phương cách để phá vỡ thói quen bám víu của tâm, khiến tâm trở nên yếu đuối hơn. Ta có thể buông bỏ được là nhờ vào uy lực của tâm chánh niệm tỉnh giác, chứ không phải bằng uy lực của uế nhiễm, ái dục hay chấp thủ.

&

Khi tâm cố gắng để đạt được điều gì đó, ta phải bắt đầu quán tâm. Chỉ đến khi tâm lắng đọng, lúc đó ta mới nên giải quyết vấn đề sao cho thích hợp. Nhờ thế, tham ái sẽ trở nên yếu hơn, và hành động của chúng ta sẽ được kiểm soát dưới uy lực của chánh niệm tỉnh giác.

&

Nếu chúng ta không thử nghiệm việc sử dụng uy lực của chánh niệm tỉnh giác để chiến thắng uế nhiễm, thì chúng ta sẽ mãi u mê, tăm tối. Chúng ta sẽ tiếp tục ăn uống, sống sao cho thỏa thích, nhưng khi có việc không như ý xảy ra thì ta bắt đầu chao đảo, bám víu vào tất cả mọi thứ. Đó là vì chúng ta chưa thực hành phát triển sự chịu đựng và kham nhẫn. Chúng ta chưa rèn luyện bản thân để chịu đựng sự đau đớn, khổ sở, để kéo dài sự chú tâm vào khổ đau, để nhìn xem chúng nặng nề như thế nào, để nhìn xem chúng là của ai. Nếu chúng ta có thể chịu đựng khi quán sát cái đau, cái khổ cho đến khi chúng qua đi thì chúng ta mới được ích lợi lớn trong việc tu tập của mình.

&

Chúng ta phải tự rèn luyện bản thân để có thể quán tưởng về cái đau, chú tâm vào nó đến độ tâm không còn ở đó nữa và có thể buông bỏ nó. Như thế thì sự đau đớn không thể đi xa hơn cái thân này. Với dục lạc, chúng ta cũng không nên bám vào nó. Chúng ta không cần phải thỏa mãn dục lạc. Chúng ta phải nhìn dục lạc và khổ đau giống như nhau. Chúng đều vô thường và khổ, như chúng vẫn từng là như thế tự bao giờ.

&

Trong lúc ngồi thiền, dầu có đau đớn thế nào, chúng ta cũng phải chịu đựng để tiếp tục nhìn cái đau cho tới khi nó qua đi. Hãy xem nó như là cái khổ của danh sắc hay cái khổ của ngũ uẩn. Còn tâm thì chúng ta hãy giữ nó ở trạng thái bình thường, tự tại. Bằng cách đó, tham ái sẽ không phát khởi. Nếu chúng ta để tham ái phát khởi, chúng ta sẽ khó mà buông bỏ nó. Nó sẽ chạy lung tung khắp nơi.

Chỉ cần quán sát cái đau. Khi nó phát sinh, hãy để cho nó phát sinh. Nếu nó mạnh mẽ, chỉ cần biết như thế. Đừng để tâm ham muốn phát khởi. Hãy để cái đau chỉ là một cảm giác vẹn toàn. Hãy chú ý xem nó đã tượng hình như thế nào, biến đổi ra sao, và chỉ cần quán sát nó như thế. Đừng để bất cứ ái dục nào phát khởi.

Hoặc nếu muốn, chúng ta có thể quay nhìn lại tâm đơn giản và thuần khiết. Nếu tâm đang bấn loạn, chúng ta có thể biết rằng ái dục đã phát sinh. Nếu tâm ở trạng thái bình thường, hãy quán sát nó kỹ lưỡng, vì nó có thể nhanh chóng thay đổi trạng thái. Nếu sự tập trung của chúng ta bị gián đoạn, tâm sẽ chạy theo bất cứ trạng thái nào khởi lên lúc ấy.

&

Khi chúng ta chạy theo sự tốt và xấu, và bám víu vào cảm giác của ngã, chúng ta tạo ra bao hỗn loạn. Nhưng khi chúng ta thực sự biết rõ ràng, chúng ta giải quyết các vấn đề rồi để cho chúng qua đi. Khi chúng ta thực sự phân tíchmọi yếu tố, chúng ta sẽ thấy rằng không có tốt hay xấu phát sinh. Tất cả đều qua đi. Nhưng rồi các vọng tưởng mới lại phát sinh, rồi qua đi, phát sinh rồi qua đi. Chúng cứ tiếp tục xuất hiện và dường như chúng liên quan đến nhiều, rất nhiều vấn đề. Nhưng thực sự ra không có nhiều vấn đề. Chỉ có sinh, trụ và hoại diệt. Chỉ vì chúng ta không chú tâm để biết điều này, nên ta nghĩ là có nhiều vấn đề. Nhưng dầu có bao nhiêu vấn đề, cũng chỉ có từng ấy thứ này: phát sinh, có mặt, và rồi qua đi, cái này kế tiếp cái kia, như là một dòng nước cuộn chảy, mà sự cuộn chảy không phải là một vấn đề.

Nếu nhìn vào dòng suy nghĩ cuộn chảy của chúng ta, dù tốt hay xấu, chúng ta sẽ thấy rằng không có gì thực sự có một bản chất mà chúng ta có thể bám víu vào, vì tất cả những suy nghĩ này khởi lên, rồi qua đi, biến mất. Nếu chúng ta biết nhìn một cách khôn ngoan như thế, thì tâm chúng ta sẽ trống rỗng, vì chúng ta nhìn thấy sự thật là tất cả những thứ này đều phát sinh, có mặt và rồi qua đi. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai thì chưa tới. Hãy chỉ nhìn vào hiện tại phát sinh và qua đi ngay trước mắt của chúng ta và đừng bám víu vào đó.

Khi chúng ta nhìn thấy sự sinh, trụ và hoại diệt đơn thuần như thế, ngay trong giây phút hiện tại, để rồi có thể buông xả, khi đó là chúng ta đã được giải thoát.

&

Có câu cổ ngữ:

Một trụ cờ được đóng

Dưới một dòng nước chảy xiết:

Ngay đó có Đức Phật

Với giáo Pháp thật vi diệu

Dưới một dòng nước chảy xiết ám chỉ thời hiện tại, nơi có vọng tưởng, có biến đổi, cósinh và có diệt. Ngay đó có Đức Phật mà Pháp của Ngài thật vi diệu có nghĩa rằng tuệ giác, sự hiểu biết rõ ràng đã được phát hiện ngay nơi đó. Buông bỏ mọi chấp thủ cũng xảy ra ngay tại đó.

Hãy quán sát tâm của ta để xem nó đang cuộn chảy về đâu. Hãy dừng lại và quán sát. Hãy ý thức về các dòng chảy. Cuối cùng rồi chúng ta sẽ thấy thực ra không có gì ở đó, chỉ có sự phát sinh, rồi qua đi trong cái không, giống như một hình ảnh phản chiếu chợp lóe lên, rồi biến mất đi, không có bản thể.

&

Nếu chúng ta soi rọi nội tâm và nhìn thấu suốt, chúng ta sẽ thấy rằng không có gì trên thế gian này có bất cứ giá trị gì, vì giá trị cao nhất nằm trong tâm, trong cái thấy biết rõ ràng, sáng suốt và thuần khiết. Ngay nếu như sự hiểu biết này chỉ là tạm bợ, điều đó cũng có nghĩa rằng sự tu hành của chúng ta không phải là vô ích. Chúng ta có thể coi đó là chuẩn mựcđể chúng ta tiếp tục tu hành cho tới khi chúng ta phá vỡ được mọi khổ đau và uế nhiễm mà không để lại dấu vết gì.

&

Cảm giác nội tại của tâm sẽ tự hiển lộ theo nhịp độ riêng của nó. Nó giống như một viên kim cương ẩn mình trong đá. Khi lớp đá được cắt bỏ đi, thì viên kim cương sẽ hiện ra lấp lánh và chiếu sáng. Cũng thế, khi tâm bị chôn vùi trong uế nhiễm, tham ái, và bám víu, nó hoàn toàn ở trong bóng tối, hoàn toàn tối tâm. Không có ánh sáng hay sự chiếu sáng nào đến nó cả. Nhưng khi những dụng cụ cắt sẻ của chúng ta – chánh niệm tỉnh giác - phô bày các cạnh sắc bén, thì tâm tự nó sẽ tỏa sáng rực rỡ.

&

Pháp Phật bao gồm nhiều chủ đề, nhưng tất cả đều tụ về tâm. Uế nhiễm cũng là một loại pháp, giống như tuệ giác và năm uẩn. Tất cả mọi thứ đều là pháp. Hiện tại, cái mà chúng ta cần là Pháp tối thượng, Pháp không phải do tạo tác mà có. Chúng ta muốn biết nó giống như thế nào, vị thế nó nằm ở đâu? Nó nằm ngay trong tâm. Cái tâm không tạo tác, hoàn toàn trống rỗng: đó mới là Chân Pháp.

&

Khi quán tưởng về hiện tại – cách mà sự việc phát sinh, có mặt, và qua đi - chúng ta phải tiếp tục quán sát cho đến khi chúng ta có thể nhìn xuyên thấu tới cái không sinh, không diệt. Khi chúng ta hoàn toàn thấu hiểu về sự sinh, trụ và hoại diệt, chúng ta sẽ giáp mặt với cái Không.

&

Cái Không đó không phải là sự trống không như khi chúng ta ngồi và suy nghĩ, “Không có gì ở đó cả”. Dĩ nhiên là có gì ở đó. Mắt nhìn thấy sắc, tai nghe tiếng động, vân vân. Nhưng chúng trống không chỉ vì tâm không xen vào đó để đặt tên, để suy diễn điều gì, để bám víu vào chúng, hoặc để thích hay không thích chúng. Chúng trống không vì tâm đã được giải thoát khỏi sự bám víu, chỉ đơn thuần như thế.

&

Nếu chúng ta không biết làm sao để dẹp bỏ sự việc, làm sao để buông xả, chúng ta sẽ bị dính mắc trong từng giai đoạn trên con đường đạo. Nếu chúng ta chấp vào hương vị ngọt ngào của sự tĩnh lặng hay trống không, thì đó là Niết Bàn trong mộng ảo.

&

Sự tu tập, rèn luyện đòi hỏi chúng ta phải trải qua nhiều thứ. Nếu chúng ta đạt được một sự hiểu biết mới mẻ nào đó và chấp vào đó, thì nó sẽ tạo ra chướng ngại trên đường chúng ta đi. Giống như trong một cuộc hành trình. Nếu chúng ta khám phá được điều gì đó mới lạ khiến chúng ta không muốn tiếp tục đi tới, vì chúng ta đã bằng lòng với cái vừa có, thì cuối cùng là chúng ta sẽ dựng nhà ở lại đó luôn. Khả năng để tiếp tục cuộc hành trình tùy thuộc vào sự tỉnh thức để thấy rõ ràng, xuyên suốt con đường. Nếu chúng ta dựng nhà nơi đây, nghĩ rằng Niết Bàn ở ngay nơi trống không, thì điều đó đã chặn đứng đường đi của ta. Nhưng nếu chúng ta coi cảm giác tĩnh lặng và trống không chỉ như một điểm dừng chân, thì nó sẽ không nguy hiểm gì, vì chúng ta vẫn còn cơ hội để tiếp tục đi con đường của mình. Con đường diệt trừ uế nhiễm phải hướng đến việc phá vỡ khuynh hướng chấp vào sự hiểu biết và các quan điểm.

Chúng ta phải nhận biết các giai đoạn trên con đường đạo mà chúng ta cần đến như là những điểm dừng chân nghỉ ngơi và phải ý thức rằng chúng ta chỉ coi chúng như là những chỗ nghỉ ngơi tạm bợ. Nếu chúng ta bám vào chúng quá chặt, chúng ta sẽ dính vào đó và không thể đi xa hơn nữa.

&

Nếu chánh niệm của chúng ta luôn trụ vững như thế, thì cuối cùng tâm cũng phải đầu hàng. Thói quen lang thang đó đây để biết điều này, điều kia sẽ dần dần lắng xuống và trở nên tĩnh lặng mà chúng ta không cần phải o ép nó, vì tâm không thể chịu đựng cái nhìn soi mói thường trực của chúng ta. Mỗi lần chúng ta nhìn nó, chúng ta sẽ thấy được sự giả tạo của nó. Chúng ta sẽ thấy là nó không đáng tin, không đáng để bám víu, vì thế sự giả tạo đó cũng sẽ teo tóp đi.

Cũng giống như có người đến để tâng bốc chúng ta. Ngay khi chúng ta nhìn hắn chằm chặp và nhận biết hắn định làm gì, thì hắn sẽ phải quay đi trong tủi hổ.

Để tập trung vào nơi cảm giác về ngã phát sinh, sự chánh niệm tỉnh giác của chúng ta phải hoạch ra nhiều phương cách từ nhiều góc độ, sử dụng sự khôn khéo mà chúng ta phải tự mình nghĩ ra.

Bí quyết Ccăn bản nhất là: Hãy tìm nơi mà cảm giác về ngã tự tan rã.

Nếu tuệ giác của chúng ta không tiến sâu hơn vào sự hoại diệt của sở hữu tâm , thì không có cách gì chúng ta có thể biết các trạng thái tâm phát sinh và qua đi như thế nào. Không có cách gì chúng ta có thể biết chúng lang thang đó đây để nắm bắt sự vật như thế nào, chúng đã rơi vào vòng xoáy của các tâm hành tốt, xấu như thế nào, hay chúng đã tự gây thương tích trong những cơn hỗn loạn đó như thế nào. Vì thế khi chúng ta chọn tầm ngắm, hãy tập trung thẳng vào việc hủy diệt các trạng thái tâm. Khi chúng đi theo một đối tượng, sau đó chúng có hoại diệt không? Hãy tiếp tục quán sát cho đến khi chúng ta có thể thấy chúng tự tan rã như thế nào. Nếu chúng ta không làm được điều này thì trước hết hãy chú tâm vào sự tan rã của các trạng thái tâm sinh lý. Khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng sự hoại diệt của các hiện tượng tâm sinh lý, chúng ta cũng sẽ tự biết thức uẩn (mà) biết được sự hoại diệt, cũng tự hoại diệt như thế nào, trong từng và mỗi giây phút (mà) nó biết những điều này.

Biết được sự hoại diệt của tâm thức rất hữu ích. Không cần biết tâm thức đó phát khởi như thế nào, nhưng bao giờ nó cũng tự tan rã. Khi chúng ta nhìn thấy được điều này, chúng ta sẽ không bám víu vào ý nghĩ rằng nó có bất cứ tự ngã nào.

Biết được sự tan rã của tâm thức đơn giản và thuần khiết là biết được sự tan rã của tất cả mọi thứ khác. Cứ như là chúng ta mở ra cả vũ trụ, hay hoàn toàn tháo dỡ cả vũ trụ và vứt nó đi.

Khi chúng ta có thể tháo dở, vứt bỏ, và buông xả thế giới thì không có gì ngoài sự trống rỗng, một sự trống rỗng rõ ràng, sáng chói. Từ ngữ “thế giới” và “năm uẩn” chỉ đơn giản là phương tiện giúp chúng ta thấy có sự thay đổi như thế nào.

&

Để trở nên quen thuộc với sở hữu tâm đơn giản và thuần khiết, chúng ta phải quán sát các chuyển đổi của tâm do xúc chạm. Chúng ta phải biết sự sinh, diệt của sự vật và chúng ta phải quán sát sự tỉnh giác, nằm sâu trong tâm hay trong sở hữu tâm. Nếu nó không bị tạo tác hay đặt tên, nó sẽ nằm im. Nó sẽ duy trì vị thế này. Nếu chúng ta muốn xem nó có thể duy trì trạng thái này trong bao lâu, chúng ta phải quán sát sự biến đổi của nó khi phản ứng với sự xúc chạm hay phản ứng với sự đặt tên khởi lên trong tâm. Khi những thứ này phát khởi thì sự tỉnh giác có duy trì được vị thế của nó không? Nếu không, nó sẽ bị xao lãng. Đến lúc mọi việc lắng dịu lại thì chúng ta cũng đã mệt nhoài.

Nếu chúng ta có thể quán xét duyên sinh của sự tỉnh giác đơn giản và thuần khiết, chúng ta sẽ biết nền tảng nội tâm của chúng ta. Lúc đầu chúng ta phải dựa vào chánh niệm, lấy đó làm nền tảng cho sự chú tâm. Sau đó chúng ta tập trung vào việc biết tính chất của sự biến đổi, của sinh và diệt. Đây là cái nhìn tập trung, không phải là cái nhìn bình thường.

Cái nhìn bình thường không đưa đến bất cứ sự hiểu biết nào, đó là ảo giác. Cái nhìn tập trung đưa đến chỗ tạo ra cái biết rõ ràng, và cái biết rõ ràng đó chính là phương tiện để hủy diệt ảo tưởng. Dầu chúng ta đang ở giai đoạn tu tập nào, một khi chúng ta không còn đặt tên, tạo tác hoặc bám víu, thì đó là một biểu hiện của cái biết rõ ràng trong tâm hay trong tiềm thức.

&

Để cho sự tỉnh giác của chúng ta có thể đạt đến điểm tập hợp của tâm hay của sở hữu tâm đơn giản và thuần khiết, chúng ta phải chú tâm vào điều kiện biến đổi trong nội tâm. Chúng ta làm như thế để hủy diệt các hạt giống nằm sâu trong sở hữu tâm. Các hạt giống vi tế này luôn nằm trong sở hữu tâm.

Chúng là những hạt giống của ái dục, lòng ham muốn được hiện hữu hay không hiện hữu. Không khó để nhận ra ái dục. Cách mà nó hướng đến để tạo ra ham muốn đối với sắc, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm, là điều khá dễ nhận biết. Nhưng đối với những hạt giống tiềm ẩn như ham muốn được hiện hữu -ham muốn được có mặt hay có một cái ngã, hay những thứ thuộc về ngã - những thứ này nằm sâu dưới đáy. Vì thế chúng ta cần phải nhìn thật sâu, nếu ta muốn hủy diệt chúng.

Nếu chúng ta có thể nhìn xuyên suốt, thấu đến các hạt giống này và hủy diệt chúng, thì đó chính là con đường để giải thoát khỏi khổ đau của chúng ta. Điểm tập hợp của sở hữu tâm đơn giản và thuần khiết, , do đó, là cái đáng để chúng ta thực sự đào sâu, tìm hiểu. Nếu chúng ta không tập hợp sự tỉnh giác để quán sát điểm này, chúng ta sẽ thấy là rất khó để hủy diệt những hạt giống đó. Bất cứ hạt giống nào chúng ta đã hủy diệt được cũng chỉ là những hạt giống ở bên ngoài, như là những hạt giống của dục lạc. Nhưng những hạt giống có khuynh hướng tiềm ẩn trong tâm hay trong sở hữu tâm không có chủ đích riêng. Đó là lý do tại sao chúng ta ít nhìn thấu suốt được chúng, ít biết về chúng. Đó là vì chúng ta chỉ quẩn quanh đùa giỡn với con cái của chúng, tùy tùng của chúng: là các dục lạc. Chúng ta không quay nhìn vào bên trong để có được chút khái niệm nào cả.

&

Những khuynh hướng vô thức giấu mình trong cá tính của chúng ta. Chúng ta không thể tự ý hủy bỏ chúng trong nháy mắt. Cách duy nhất để hủy diệt chúng là quán chiếu nội tâm từng bước để chúng ta có thể biết chúng rõ ràng. Chúng ta phải đạt được mức độ căn bản của cái biết vô thức nếu chúng ta muốngạt bỏ những điều vô thức trong tâm.

&

Tâm sở chứa đựng trong nó cảm giác của sự hiện hữu hay có một cái ngã. Nó chứa đựng những hạt giống làm phát khởi sự có mặt hay hữu cũng giống như một hạt giống chứa đựng rễ, cành và lá. Nếu chúng ta chú tâm vào việc tìm hiểu duyên sinh của danh và sắc đơn thuần, chính việc đó sẽ hủy diệt những hạt giống tái sinh.

&

Chúng ta phải quán các hiện tượng tự nhiên của hai thứ: hiện tượng biến đổi (hữu vi) của những thứ như là ngũ uẩn và hiện tượng không biến đổi (vô vi) của sự hoàn toàn hủy diệt khổ đau.

Loại thứ nhất luôn thay đổi sự trá hình của nó không dừng dứt, lèo lái chúng ta vào việc bám vào đó như là thực có, như là chính xác. Việc chấp vào các cảm giác dễ chịu của chúng ta thật giả tạo. Ngay cả khi chúng ta rèn luyện tâm thanh tịnh, chúng ta vẫn hy vọng được nếm vị ngọt của các cảm giác dễ chịu. Đó là vì chúng ta chưa quán chiếu sâu xa về sự giả tạo của tất cả mọi loại cảm thọ.

Một số vị A-la-hán đạt được Giác Ngộ bằng việc làm chủ các cảm thọ và hủy diệt được sự tham đắm giấu mình trong ba loại cảm giác: khổ, lạc, và trung tính.

Chấp vào sân ẩn tiềm trong cảm giác đớn đau. Ngay khi cảm giác đau khởi lên, dầu đó là cái đau trong tâm hay ở thân, thì sự bức rức, khó chịu cũng phát khởi trong tâm.

Chấp vào si ẩn chứa trong các cảm giác dễ chịu. Chúng ta thích sự dễ chịu của tất cả mọi thứ, muốn nó ở với chúng ta một thời gian dài.

Khi một cảm giác trung tính – không khổ, không vui - phát khởi, chúng ta chìm đắm trong cảm giác này, vì chúng ta không biết rằng nó chỉ là một cảm giác đã phát khởi và sẽ qua đi đúng theo nhân duyên của nó. Đây là lý do tại sao chấp vào si tiềm ẩn trong cảm giác trung tính.

Làm sao buông xả tâm chấp này? Đây là những điều mà chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận, vì cảm giác có rất nhiều cách để hấp dẫn ta, khiến tâm tham ái phát sinh.

Thí dụ khi tâm đang bình lặng và trống rỗng, sau đó nó biến đổi, không còn bình lặng và trống rỗng nữa, khiến ta muốn nó trở lại bình lặng và trống không. Nhưng ta càng muốn như thế thì tâm càng không được bình lặng và trống không.

Nếu chúng ta có thể gạt bỏ ước muốn được bình lặng, trống không thì điều đó khiến tâm lại trở nên trống vắng. Lòng ham muốn là cái khiến tâm sôi sục trong khổ đau, vì thế lòng ham muốn là cái ta cần hủy diệt.

Chúng ta thực hành kiềm chế các căn để có thể hủy diệt lòng ham muốn, vì tâm luôn muốn nhìn thấy sắc, nghe âm thanh, ngửi mùi hương, nếm vị và cảm nhận những xúc chạm quanh nó.

Vì chúng ta không biết ái dục gây ra khổ đau như thế nào, nên chúng ta cố gắng để thỏa mãn các dục vọng của mình – và rồi đủ mọi thứ khổ đau, phiền não sẽ đi theo.

&

Thuật ngữ sankhata-dhamma–pháp hữu vi ám chỉ tất cả các pháp mang dấu ấn của tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Những điều chúng ta cần tu tập có thể tóm gọn trong hai từ: sankhata-dhammaasankhata-dhamma. Cả hai từ này đều có ý nghĩa rộng lớn và sâu xa, nhất là sankhata-dhamma, là luôn biến chuyển, khổ và vô ngã. Các pháp hữu vi không dừng đi theo dòng xoáy của chính chúng. Trong khi asankhata-dhamma–pháp vô vi không thay đổi, không khổ, nhưng vẫn là vô ngã. Nhưng ngay pháp vi tế, thâm thúy này cũng là cái mà chúng ta không nên bám víu vào.

&

Khi tâm dừng lại, trở nên tĩnh lặng và có sự tự ý thức, hãy để nó chú tâm sâu sắc hơn về chính nó, vì trạng thái dừng lại của nó là trạng thái tâm định hay xả: tĩnh lặng, trung tính, không khổ, không lạc. Loại tâm hành này được gọi là anenjabhisankhara–tâm hành định tĩnh- hay nếu muốn, chúng ta có thể gọi nó là tâm hành trung tính. Khi chúng ta chú tâm đến nó, hãy xem nó như là một yếu tố tự nhiên. Đừng bám víu vào sự tĩnh lặng, sự trung tính hay sự buông xả. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta phải dựa vào tâm xả, để nhìn mọi thứ đều là những yếu tố tự nhiên thuần khiết và đơn giản. Đây là một cách để hủy diệt bất cứ sự hình thành của tâm ưa thích hay không ưa thích, tốt hay xấu. Vì lý do này chúng ta không chỉ dừng lại ở tâm buông xả. Chúng ta phải nhìn xuyên suốt nó và nhận biết rằng đó chỉ là một yếu tố tự nhiên, không có ngã.

&

Khi các tâm hành tan rả, tâm sẽ trụ vào sự tỉnh giác của xả. Từ đó chúng ta chú tâm vào xả, như là một hiện tượng tự nhiên, mà không sử dụng bất cứ sự đặt tên nào. Chỉ đơn giản chú ý đến nó, quán sát nó và trở nên quen thuộc với hiện tượng tự nhiên nằm sâu bên trong, mà không đặt tên bất cứ điều gì.

Khi chúng ta nhìn vào từng mức độ của trạng thái đơn giản và thuần khiết, thì mọi sự sẽ trở nên thâm thẩm và sâu sắc hơn. Chúng ta biết và buông xả, biết và buông xả, biết và buông xả – trống không!

Bất cứ điều gì phát khởi, chúng ta buông xả. Nguyên tắc quan trọng trong cái nhìn nội tâm chỉ là buông xả.

Chúng ta nhìn, quán sát và buông xả. Hãy hướng tâm đến chỗ buông xả. Hãy nhìn vào sự tĩnh lặng tuyệt đối, không có những cuộc đối thoại nội tâm. Biết và buông xả. Chánh niệm luôn có mặt qua việc buông xả mọi thứ. Hơi thở không biến mất. Dầu tâm có vắng lặng hay trống không đến thế nào, chúng ta vẫn ý thức đến từng hơi thở. Nếu chúng ta không biết như thế, chẳng bao lâu chúng ta sẽ đánh mất sự chú tâm, trở nên xao lãng hay một tâm hành nào đó sẽ cản trở khiến chúng ta đánh mất sự chú tâm của mình.

&

Khi tâm tạo tác những ý nghĩ bất thiện – ý nghĩ về đam mê dục lạc, về sân, đầy tác hại - tất cả những thứ này đều được gọi là những tâm hành bất thiện (apunnabhisankhara).

Khi tâm thối lui khỏi sự đam mê dục lạc và phát triển một cảm giác nhàm chán, ghê tởm, lợm giọng đối với sự si mê dục lạc, đó là phương cách chúng ta thanh lọc tâm để nó không dính vào sự đam mê dục lạc, mà thay vào đó nó sẽ trụ trên sự nhàm chán. Khi tâm nhìn thấy được những tai hại của sân và thay vào đó có thiện ý, muốn tha thứ, đó là cách chúng ta hủy diệt sân hận. Khi nhìn thấy được những sự tai hại của lòng hiểm ác, chúng ta suy nghĩ hay hành động trong những phương cách không gây hại cho ai. Tất cả những điều này được gọi là tâm hành thiện (punnabhisankhara).

Khi tâm tạo tác những điều này, dầu thiện hay bất thiện, nó cũng tự làm xáo trộn mình. Ý nghĩ thiện phải luôn hoạt động để ngăn cản ý nghĩ bất thiện. Nếu chúng ta suy nghĩ nhiều quá, nó có thể khiến chúng ta mệt mỏi, cả trong thân và tâm. Khi điều này xảy ra, chúng ta phải trụ vào một điều duy nhất để mang tâm trở về định tĩnh.

Khi chúng ta chú tâm trong định, buông bỏ cả hai tâm hành thiện hay bất thiện, và thay vào đó tiếp tục trụ trên một đối tượng, điều đó thuộc vào đặc tính của tâm hành bất biến (anenjabhisankhara).

Cảm giác được hoàn toàn yên tĩnh hay xả trong một thời gian dài có thể không nằm trong định nghĩa của tâm hành bất biến như là jhanahay những bậc thiền cao hơn. Nó chỉ là một trạng thái không chuyển dịch đi kèm với chánh niệm và tỉnh giác. Tâm tự ý thức về bản thân, tự nhìn vào mình, và luôn tự biết bản thân, mà không tạo tác ý nghĩ thiện hay bất thiện. Nhưng điều này cũng có thể được bao gồm dưới tâm hành bất biến.

Vì lý do đó, chúng ta phải tìm ra trạng thái tâm vững chãi để có thể quán sát sâu hơn, để nó không bám víu vào tâm hành bất biến. Chúng ta phải tiến đến điểm mà chúng ta có thể thấy rõ ràng sự sinh, trụ, diệt, vô thường, khổ não và vô ngã cũng có mặt ở ngay đó.

&

Chúng ta cần phải làm cho nguyên tắc cơ bản này của cái biết trở nên thật sắc bén như dao – để chúng ta có thể nhìn thấy sự thật rằng không gì có một bản chất thật, tất cả đều là ảo tưởng.

“Biết” và “không biết” đổi chỗ nhau (hoán vị) nên chúng dường như khác nhau, nhưng nếu chúng ta dính vào hai mặt này, thì chúng ta sẽ bị dính vào tự ngã.

Thực sự, nếu chúng ta biết, chúng ta phải biết cả hai mặt: mặt biết và mặt không biết, để thấy rằng cả hai đều biến chuyển trong cùng một cách, cả hai đều giả tạo trong cùng một cách.

&

Cảm nhận của chúng ta về hiện tượng tâm sinh lý, là tất cả đều thuộc tâm hành. Chánh niệm là một tâm hành, tỉnh giác cũng là một tâm hành. Ngay cả tâm vắng lặng hay không vắng lặng cũng là tâm hành. Vì thế hãy nhìn vào sự vận hành của tâm cho cặn kẻ, chính xác, từ mọi góc độ, từ bên trong đến bên ngoài.

Sự hiểu biết – của người quán sát, hay người biết- cũng là một hành. Tất cả đều là hành, dầu chúng đúng hay sai, tốt hay xấu. Vì thế chúng ta phải rèn luyện tâm thấu đáo, rốt ráo với hành. Khi chúng ta biết tâm hành rõ ràng, một cách sâu sắc, thì cảm giác nhàm chán sẽ phát sinh. Nếu chúng ta không làm như thế, chúng ta sẽ bám víu vào các tâm hành thiện và xua đuổi các ác hành đi.

&

Chúng ta có thể nhận ra các tâm hành, vì chúng luôn biến đổi và hoại diệt. Lúc đó chúng ta mới ý thức rằng suốt một thời gian dài, chúng ta đã chạy đuổi theo những thứ giả tạo, những món hàng nhái.

Ngay cả sự hiểu biết rõ ràng cũng là một hành. Nó thay đổi tùy theo các điều kiện tâm sinh lý. Chánh niệm, tỉnh giác và cái thấy biết bằng trực giác, tất cả đều là các hành – chỉ là chúng là các hành thiện, và chúng ta phải tùy thuộc vào chúng trong lúc này.

Chúng ta phải hiểu các hành, biết cách sử dụng chúng cho đúng, và rồi để chúng ra đi. Ta không cần phải tiếp tục bám víu vào chúng.

&

Cái biết là một hành. Không biết cũng là hành. Khi quán sát chúng từ bên trong, chúng ta thấy rằng cả hai đều sinh và diệt. Ngay chính các chân lý mà ta biết bằng cách này cũng không kéo dài. Chúng luôn trở thành cái không biết.

Từ đó ta có thể thấy là các tâm hành có đủ mọi trò ở rất nhiều mức độ và chúng ta bị dẫn dắt vào cuộc chơi với chúng.

Khi chúng ta có thể biết được các trò của tâm hành ở mọi mức độ, thì điều đó thực sự hữu ích. Chúng ta sẽ thực sự biết đúng như những gì Đức Phật đã dạy: “Sabbe sankhara aniccati-tất cả các pháp hữu vi đều vô thường”. Đây là một nguyên tắc quan trọng giúp chúng ta nhìn thấy khổ trong tất cả các hành.

Ngay cả các thiện hành, như chánh niệm tỉnh giác, tự chúng và trong chúng cũng chứa khổ vì chúng phải thay đổi luôn. Hiện tại, ta có thể sử dụng chúng như các dụng cụ cần thiết, nhưng ta không nên bám riết vào chúng.

&

Dầu chúng ta phải gìn giữ căn bản trí của mình, sử dụng chánh niệm tỉnh giác để kiềm chế tâm, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng tâm cũng là một hành. Chánh niệm, tỉnh giác là các hành. Nếu chúng ta chỉ biết một cách phiến diện, rồi đi khắp nơi rêu rao về những gì chúng ta có thể buông xả khi tu tập, thì chúng ta đã không nhìn sâu vào các hành. Nếu đó là sự thật, thì chúng ta vẫn sống trong dòng cuộn chảy của hành.

Chánh trí, một tâm hành thiện, cần phải được rèn luyện để đọc và giãi mã sự việc ở bên trong và bên ngoài, kể cả bản thân nó, trên nhiều bình diện.

Một khi chúng ta đã nhìn thấy được vô thường, và khổ, chúng ta phải nhìn thấu suốt đến sự thiếu vắng của ngã trong tất cả các hành.

&

Chúng ta cần phải biết rằng tất cả các pháp là vô thường, khổ và vô ngã. Hãy tiếp tục quán chiếu như thế cho đến khi chúng ta nhập tâm điều này. Chỉ có như thế chúng ta mới phát triển được cảm giác nhàm chán, vô si. Chúng ta sẽ không chấp vào các pháp thiện hoặc xua đuổi pháp bất thiện, vì chúng ta đã biết cả hai đều cùng một loại và cả hai đều biến đổi như nhau.

Dầu chúng ta có duy trì được vị thế của cái biết của mình, biết chắc rằng tâm không tạo tác gì thêm, chúng ta cũng không bám vào cái biết ấy, vì chính nó cũng phải biến đổi.

Có nhiều lúc khi ta nghĩ rằng mình biết sự thật về một vấn đề nào đó, nhưng rồi ở một lúc khác hay sau lúc đó cái biết rõ ràng hơn lại phát sinh. Điều này giúp ta ý thức rằng có cái ta nghĩ là cái biết đúng nhưng thật ra nó không đúng. Cái biết đó có thể thay đổi. Dầu cái biết đó có cao tột thế nào, khi nó biến đổi, chúng ta cũng phải nhớ rằng nó cũng chỉ là một tâm hành; nó vẫn có thể thay đổi ở bất cứ mức độ nào. Dầu nó có vi tế hay thô, chúng ta phải biết nó rốt ráo. Nếu không chúng ta sẽ dính vào đó.

Nếu chúng ta có thể nhìn thấu suốt tất cả các pháp – tốt, xấu, đúng, sai, người biết, người không biết - đều như nhau, thì trí tuệ của chúng ta dần tăng vượt lên tất cả những thứ này. Nhưng dầu cho nó có ở vị trí cao hơn, nó vẫn chỉ là một tâm hành. Nó vẫn chưa thoát ra được các hành. Ngay cả con đường đạo cũng là một hành. Vì thế khi ta tiến bộ trên con đường đạo, khi ta đạt được yếu tố của chánh kiến, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề này, nhìn thấu suốt các loại tâm hành, không cần biết đặc tính của cái biết của chúng ta là gì. Dầu chúng ta nhìn một hiện tượng vật lý hay tâm lý sinh diệt, tất cả cũng là các hành. Ngay cả tâm an định, đó cũng là một loại tâm hành, cũng như các tầng thiền định jhana.

&

Nếu không nhìn vào bên trong, chúng ta khiến tâm tăm tối, ù lì. Rồi khi có sự xúc chạm của giác quan, tâm có thể dễ dàng bị xáo trộn. Vì thế hãy cố gắng quán chiếu nội tâm cẩn thận để xem có gì trong tâm, để xem sự vật phát sinh như thế nào, xem tâm phán đoán và tạo tác như thế nào. Bằng cách đó chúng ta sẽ có thể hủy diệt chúng, phá vỡ chúng, đem cho tâm sự đơn giản và thuần khiết, không có sự đặt tên hay chấp thủ gì cả. Rồi tâm sẽ được giải thoát khỏi các uế nhiễm. Chúng ta có thể coi đó là vẻ đẹp nội tâm của chúng ta, “Hoa Hậu Trống Vắng”, người không già, không bệnh, không chết - một vẻ đẹp thuần khiết không biến đổi. Đó là cái chúng ta phải nắm bắt được ngay trong tâm. Đó không phải là tâm, mà chính tâm là cái tiếp xúc với nó.

&

Khi tu tập, chúng ta giống như những người thợ cắt kim cương. Viên kim cương của chúng ta – cái tâm - bị chôn vùi trong đống uế nhiễm gớm ghiếc. Chúng ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác – hay giới, định và tuệ - làm dụng cụ cắt xẻ để làm tâm trong sạch trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động. Sau đó chúng ta luyện tâm trở nên lắng đọng và định tĩnh để cái biết sáng suốt có thể phát sinh. Ở đó chúng ta sẽ gặp một tâm hoàn toàn thuần khiết, không còn uế nhiễm, không còn tâm náo động: “Hoa Hậu Trống Vắng” của chúng ta, người thật xinh đẹp, không còn biến đổi, người mà Thần Chết không thể để mắt đến.

Không biết đây có là điều đáng để chúng ta ngưỡng vọng không, xin để các hành giả tự mình quyết định điều đó.


Hiệu Đính & Tài Liệu Tham Khảo

Xin Chân thành cảm ơn các tác giả/dịch giả của các sách/tư liệu mà chúng tôi tham khảo.

Thư Viện Hoa Sen: Giới Thiệu Đạo Phật - Tiến Sĩ Bình Anson – Mọi Pháp Đều Vô Ngã, Upasika Kee Nanayon.(C.13).

Thư Viện Điện Tử Phật Học – Buddha Sasana – Binh Anson: Dịch giả Nguyên Mỹ: Đi Ngược Dòng (Going Against the Flow), Upasika Kee Nanayon.

Danh Từ Phật Học Thực Dụng, Tâm Tuệ Hỷ Biên Soạn, NXB Tôn Giáo, 2004

Minh Sát Tu Tập, Tỳ Khưu Pháp Thông dịch, NXB Phương Đông, 2006
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]