Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Cuộc Nội Chiến

19/04/201114:05(Xem: 6183)
4. Cuộc Nội Chiến

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 3

Đi Ngược Dòng

Cuộc Nội Chiến

Khi phát triển chánh niệm như một nền tảng để quán sát sâu vào chân lý bên trong ta, ta phải có một mức độ tinh tấn, kiên trì tương xứng với pháp hành. Như tất cả chúng ta đều biết, đây là vì tâm bị bao phủ trong phiền não và bất an. Nếu ta không rèn luyện, kiềm chế tâm, nó sẽ trở nên yếu đuối, phóng túng. Nó sẽ không còn sức mạnh. Ta phải luôn kiên trì nếu việc quán sát, truy nguyên của ta là để tiến đến tuệ giác.

Tuệ giác không xuất phát từ tư duy và suy đoán. Mà do sự quán chiếu tâm khi tâm đã an trụ ở một mức độ yên tĩnh và vững chắc đầy đủ. Lúc đó ta quán sát sâu xa mọi khía cạnh của tâm khi tâm an định, quân bình, không còn các tâm hành hay những chuyện ưa ghét. Ta phải tìm cách duy trì tình trạng này đồng thời quán sát sâu thêm, vì sự hiểu biết phiến diện không phải là sự hiểu biết đích thực. Chừng nào ta còn chưa quán chiếu sâu xa vào trong tâm, ta còn chưa thật sự biết gì cả. Tâm có thể yên tĩnh trên bề mặt, nhưng cái biết của ta về các tâm vọng tưởng còn trong vòng kiềm tỏa của uế nhiễm, tham ái và chấp thủ, thì chưa được rõ ràng.

Vì vậy ta phải nhìn kỹ vào bên trong cho đến khi ta đạt đến một mức độ tỉnh thức (mà nó) có thể duy trì sự quân bình và cho phép ta quán chiếu xuyên suốt đến sự hiểu biết sắc bén hơn. Nếu ta không quán chiếu để phát triển sự hiểu biết chân chính, thì chánh niệm của ta sẽ chỉ ở trên bề mặt mà thôi.

Khi quán thân cũng thế. Ta phải quán niệm sâu vào các phản ứng của thân và những yếu tố vật chất kết hợp như thế nào. Đây chính là nghĩa của chữ "đọc" thân, hiểu thân. Bằng cách tự khám phá mình trong tất cả mọi hoạt động, ta ngăn không cho tâm lạc lối. Ta tập trung vào việc khám phá chánh niệm hủy diệt các uế nhiễm như thế nào khi chúng phát khởi là một việc rất tinh tế.

Với sự cẩn trọng và không để sự việc bên ngoài làm ta xao lãng là điều sẽ giúp cho việc tu tập của ta được trôi chảy. Nó giúp ta quan sát những mầm bệnh trong tâm một cách khéo léo, để giúp ta loại đi những mầm bệnh tinh tế nhất: vô minh và si. Thường chúng ta còn không biết đến cả những mầm bệnh trước mắt, nhưng giờ chúng đã bị vô hiệu hoá vì sự tập trung cao độ của tâm, nên chúng ta có thể nhìn sâu hơn để thấy được những sự gian dối của ái dục và uế nhiễm trong các họat động của chúng. Nếu ta quan sát chúng, trở nên thông thuộc chúng là ta ở trong một vị thế thuận lới để buông bỏ chúng ngay khi chúng đang lang thang đi tìm những sắc, thanh, hương và vị hấp dẫn. Dẫu chúng đang đi tìm những hương vị vật chất hấp dẫn -sắc dục- hay hương vị tâm linh tuyệt diệu, ta phải quán sát chúng dưới mọi góc độ, dầu không dễ biết chúng vì lòng tham muốn sắc dục của chúng ta. Khát vọng hạnh phúc và tất cả những tưởng, hành, và thức uẩn ngập tràn lạc thọ không là chi cả ngoại trừ là lòng ham muốn đuổi theo ảo tưởng, đuổi theo những thứ làm ta say đắm và cuồng loạn. Do đó, không dễ để ta hiểu được nhiều điều.

Đây là những điều tế nhị và tất cả đựơc xếp vào "ái dục": ham muốn, khát khao, lòng yêu thích, khích động tâm khiến tâm đi lang thang tìm kiếm sự hưởng thụ mà nó còn nhớ từ những sắc, thanh, hương, vị, và xúc chạm trong quá khứ. Dầu những thứ này có thể đã xảy ra lâu lắm rồi, tưởng uẩn cũng mang chúng trở lại để đánh lừa chúng ta với ý nghĩ là chúng tốt hay xấu. Một khi chúng ta bám vào chúng, chúng sẽ khiến tâm bất ổn và nhiễm ô.

Như vậy không dễ gì quan sát và hiểu tất cả những mầm bệnh trong tâm. Những thứ bên ngoài mà chúng ta có thể biết và buông xả chỉ là những nhân vật phụ. Những nhân vật quan trọng đã tập hợp lại để nắm quyền kiểm sóat trong tâm và không chịu nhúc nhích dầu ta cố gắng cách nào đi nữa để xua đuổi chúng. Chúng ngoan cố và quyết tâm ở lại nắm quyền kiểm soát. Nếu ta đối đầu với chúng khi chánh niệm tỉnh giác của ta chưa cân sức, thì rốt cuộc ta sẽ đánh mất sự yên tĩnh nội tâm.

Vì vậy ta phải chắc rằng sự tu tập của ta không quá dồn ép, mà cũng không chểnh mảng. Hãy tìm con đường Trung Đạo phù hợp. Khi ta tu tập theo cách đó, ta sẽ có thể quan sát thấy tâm như thế nào khi chánh niệm tỉnh giác ngự trị trong tâm, sau đó ta cố gắng duytrì trạng thái đó một cách liên tục. Đấy là lúc tâm sẽ có cơ hội để dừng lại, lắng đọng, vững chãi và an trụ trong thời gian dài cho đến khi nó đã quen thuộc với cách này.

Có vài phạm vi chúng ta cần bó buộc tâm và nghiêm khắc với nó. Nếu chúng ta yếu đuối và lỏng lẻo, thường đầu hàng trước những ham muốn, thì không có cách gì chúng ta có thể thành công. Nếu ta cứ nhượng bộ điều đó sẽ trở thành là một thói quen. Vì lẽ đó ta phải dùng sức mạnh của ý chí và sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác. Ngay cả khi ta bị dồn vào thế nguy hiểm đến tính mạng ta cũng phải vui lòng. Khi cần nghiêm túc ta phải chống chọi cho đến khi chiến thắng. Nếu không thắng, ta cũng đừng bỏ cuộc. Đôi khi ta cần phát nguyện như một cách để buộc ta phải chiến thắng những ham muốn sắc dục khó trị đang quyến rũ và đưa ta đi lạc lối.

Nếu ta yếu hèn và chấp nhận bất cứ khoái lạc nào xảy ra ngay trong hiện tại, rồi khi dục vọng nổi lên, ta sẽ bị nó cám dỗ. Nếu ta thường khuất phục trước những ham muốn của mình, nó sẽ trở thành thói quen, vì uế nhiễm luôn tìm cơ hội để dụ dỗ, kích thích ta. Như khi chúng ta cố gắng bỏ tính nghiện cà phê, thuốc, hay thịt - rất khó bỏ vì ái dục luôn quyến rũ ta. "Dùng một chút thôi mà", nó bảo. "Nếm thử thôi. Không hệ gì". Ái dục biết cách lường gạt chúng ta, giống như cách con cá bị lường gạt mắc vào lưỡi câu vì miếng mồi bao quanh lưỡi câu, lấy hết cam đảm để chỉ ăn một chút ít, rồi một chút nữa, rồi một chút nữa cho đến khi bị mắc câu. Những cám dỗ của uế nhiễm bao vây chúng ta từ mọi phía. Một khi ta khuất phục trước những hương vị tuyệt vời của chúng thì chắc chắn là ta bị mắc câu. Lúc ấy dầu chúng ta vùng vẫy, oằn oại đến đâu, chúng ta cũng không thoát được.

Ta phải ý thức rằng thắng được kẻ thù của ta -ái dục và uế nhiễm trong tâm - không phải là chuyện nhỏ, không phải là việc tình cờ. Điều đó đòi hỏi ta không những phải mạnh mẽ, không chểng mảng, mà còn phải biết lượng sức mình. Vì uế nhiễm và ái dục có sức mạnh của ác ma, nên ta phải làm thế nào để có thể sử dụng nỗ lực của mình một cách tốt nhất để khống chế và hủy diệt chúng. Không cần phải chiến đấu sinh tử trong mọi trường hợp. Đối với một số vần đề như từ bỏ nghiện ngập ta phải vận dụng một chiến dịch toàn diện và đạt chiến thắng mà không hại đến thân mạng trong tiến trình đó. Nhưng với một số vần đề khác, sâu xa và vi tế hơn, ta phải bén nhạy hơn. Ta phải tìm phương cách chế ngự chúng về lâu về dài, bằng cách bứng gốc rễ chúng để chúng yếu dần đến độ chánh niệm tỉnh giác của ta có thể trấn áp chúng. Nếu còn chưa thành công ở lĩnh vực nào đó, ta phải quán xét lại bản thân với sự nhạy cảm và tìm ra lý do. Nếu không, ta sẽ tiếp tục thất bại, vì khi uế nhiễm thật sự muốn điều gì, chúng sẽ giẫm đạp lên cả chánh niệm tỉnh giác của ta với quyết tâm lấy cho bằng được điều chúng muốn. "Đó là điều tôi muốn. Tôi không kể ai nói gì". Chúng thật sự bướng bĩnh đến độ đó! Vì thế tìm phương cách để chế ngự chúng không phải là chuyện nhỏ. Nó giống như đâm đầu vào kẻ thù hay đối mặt với một con dã thú đang chạy đến để nuốt chửng ta. Ta sẽ làm gì đây?

Khi uế nhiễm khởi lên ngay trước mắt ta, ta phải cảnh giác. Giả sử ta đang hoàn toàn tỉnh táo, đột nhiên chúng xuất hiện và đe dọa ta: Ta sẽ dùng loại chánh niệm tỉnh giác nào để hủy diệt chúng? "Đây là bè lủ của Ma vương đến để đốt ta, ăn ta. Ta sẽ tống khứ chúng bằng cách nào đây?" Ta có thể tự nhủ mình như thế không? Nói cách khác, ta có thể tìm phương cách khéo léo để quán về chúng hầu tiêu diệt chúng ngay lúc đó không?

Chúng ta phải tìm phương cách như thế đó, dầu ta đối mặt với cái đau hay sự dễ chịu nơi thân tâm. Thật ra, sự dễ chịu còn khó trị hơn cái đau đớn vì ta khó thấu hiểu nó, nhưng lại dễ sa bẫy của nó. Còn về cái đau, không ai muốn vì nó rất khó chịu. Vậy chúng ta phải quán niệm như thế nào để buông bỏ cả khoái lạc lẫn đau đớn? Đây là vấn đề chúng ta đối diện từng giây phút. Chứ không phải khi tu tập là chúng ta chỉ chấp nhận sự dễ chịu và dừng lại khi gặp đớn đau. Không phải như thế chút nào. Chúng ta phải học làm sao để đọc cả hai mặt, để thấy rằng đau đớn là vô thường và khổ, mà khoái lạc cũng vô thường và khổ. Chúng ta phải thấu suốt rõ ràng những điều này. Nếu không, chúng ta sẽ bị ái dục gian ngoan lừa dối. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta -ngồi, đứng, đi, nằm xuống- thật sự chỉ để được thoải mái, dễ chịu, có phải thế không?

Đây là lý do tại sao có nhiều, quá nhiều cách qua đó chúng ta bị khoái lạc lừa gạt. Bất cứ chúng ta làm việc gì, chúng ta làm vì khoái lạc mà không ý thức rằng chúng ta đang bị sa lầy trong đau khổ và phiền muộn sâu đến chừng nào. Khi quán niệm về vô thường, khổ, và vô ngã, chúng ta chưa đạt được kết quả gì, vì chúng ta chưa nhìn thấu suốt khoái lạc. Chúng ta vẫn còn nghĩ đó là chuyện tốt. Chúng ta phải quán chiếu sâu vào sự kiện là khoái lạc vật chất hay tinh thần đều không mang lại thoãi mái thật sự. Tất cả đều là khổ. Khi ta thấy được khoái lạc dưới khía cạnh này, chính là lúc ta sẽ có thể hiểu vô thường.

Rồi một khi tâm không còn tập trung vào việc hướng đến dục lạc, tâm sẽ bớt khổ và bất an. Ta sẽ có thể thấy những bất như ý (khổ) là chuyện bình thường. Thấy rằng dầu ta cố gắng đến bao nhiêu để hoán chuyển cái đau bằng sự thoải mái, ta cũng không tìm được sự thoải mái. Do đấy, ta sẽ không quá bận tâm cố gắng thay đổi các khổ thọ, vì ta thấy rằng không thể có sự thích thú hay dễ chịu đối với các uẩn, rằng chúng chỉ mang lại cho ta khổ và bất an. Như trong lời dạy của Đức Phật mà chúng ta đọc tụng hằng ngày: "Sắc là khổ, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là khổ". Vấn đề là chúng ta chưa quán sát sâu xa vào chân lý của sắc, thọ, tưởng, hành và thức.Sự hiểu biết của chúng ta chưa sâu sắc vì chúng ta không nhìn ở góc độ của sự hiểu biết chân chính. Và vì thế chúng ta bị lừa dối và mải mê lang thang tìm kiếm khoái lạc, để rồi chẳng thấy gì ngoài khổ mà lại tưởng lầm là khoái lạc. Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn còn chưa thật sự mở tai, mắt của mình; chúng ta vẫn còn chưa biết chân lý. Tuy nhiên, khi chúng ta thật sự biết chân lý, tâm sẽ có khuynh hướng trở nên yên tĩnh, tự tại nhiều hơn là lang thang đi tìm khoái lạc. Một khi tâm ý thức được rằng không thể tìm được khoái lạc thật sự bằng cách đó, tâm sẽ trở nên lắng đọng và yên tĩnh.

Tất cả những ái dục kích thích và khuấy động tâm chung qui chỉ là lòng ham muốn khoái lạc. Vì vậy chúng ta phải quán niệm để thấy rằng các uẩn chẳng thể mang lại khoái lạc, vì bản chất của chúng là khổ. Chúng không phải là ta hay của ta. Hãy phân tích và quán sát chúng kỹ lưỡng, bắt đầu với thân. Phân tích thân đến tận các phân tử để tâm không còn bám vào nó như là "ta" hay "của ta". Chúng ta phải thực hành như thế mãi cho đến khi ta thực sự hiểu.

Mỗi ngày chúng ta tụng về Quán tưởng trong khi thọ dụng tứ vật dụng- thực phẩm, y phục, trú xứ, và thuốc men - để đạt được sự hiểu biết thật sự. Nếu không tu tập như thế mỗi ngày, chúng ta sẽ quên và rơi vào vọng tưởng sinh ra yêu quí, lo lắng cho thân, tin rằng nó là "thân ta", "ngã của ta". Dầu chúng ta đã bám víu vào thân bấy lâu nay, chúng ta khó ý thức được việc mình làm, dẫu rằng chúng ta có sẵn những lời dạy của Đức Phật giải thích cặn kẽ tất cả mọi thứ. Hoặc là chúng ta có thể đã quán niệm đến một mức độ nào đó, nhưng vẫn chưa thấy sự vật rõ ràng. Chúng ta chỉ thấy một cách mơ hồ, nhòa nhạt, để rồi quay lưng lãng quên không quán chiếu đủ sâu sắc để thấy xuyên suốt. Chúng ta hành động như thế đó là vì tâm chưa an trụ vững chắc. Nó không yên tĩnh. Nó vẫn còn lang thang đi tìm điều này, điều nọ để suy tư, rồi tự khiến mình rối lên. Vì thế nó không thể hiểu được gì cả. Những điều nó biết chỉ là một vài tư duy. Tâm đã như thế không biết bao năm rồi, cũng giống như thị giác của chúng ta bị vết nhơ che mờ nhưng ta chưa rửa sạch nó ra khỏi mắt.

Những người không quan tâm đến việc tìm hiểu, khám phá, không cố gắng để đạt kết quả, không thắc mắc về bất cứ chuyện gì. Họ không nghi ngờ và cho rằng tất cả đều tốt đẹp, nhưng đó là vì hồ nghi của họ bị mê lầm che phủ. Nếu chúng ta bắt đầu thám xét và suy ngẫm, chúng ta sẽ phải thắc mắc về những điều chúng ta chưa biết: "Đây là cái gì? Cái này nghĩa là sao? Làm sao giải quyết vần đề?" Đây là những câu hỏi đưa chúng ta đến chỗ quán xét tỉ mỉ. Nếu chúng ta không tìm tòi quán xét, đấy là vì chúng ta không có chút thông minh nào. Hoặc có thể chúng ta đạt đựơc đôi chút hiểu biết, nhưng rồi chúng ta để chúng qua đi mà không bao giờ quán xét sâu xa vào các nguyên tắc căn bản của pháp hành này. Những sự hiểu biết nhỏ nhoi đó không đưa chúng ta đến đâu cả, không giúp ta tiến sâu đến các Diệu Đế (Noble Truths), vì chánh niệm tỉnh giác của chúng ta không còn sức mạnh. Quyết tâm của chúng ta không đủ bền bĩ, không đủ can đảm. Chúng ta không dám nhìn sâu vào nội tâm mình.

Dựa theo sự ước lượng của chúng ta trong việc tu tập đến đâu là đủ là tự dối mình. Nó ngăn chúng ta không thể đạt được giải thoát khỏi khổ đau, phiền não. Nếu tình cờ khám phá được vài hiểu biết sâu sắc, đừng đi khoe khoang về chúng, nếu không, rốt cục ta sẽ tự lừa dối mình bằng trăm ngàn cách khác nhau. Những người thật sự có trí tuệ, ngay cả khi họ đã đạt đến nhiều tầng tuệ khác nhau, cũng tiếp tục khám phá một cách thận trọng. Họ không bị kẹt vào mức độ này hay mức độ khác. Dầu tuệ giác của họ chân chánh, họ cũng không dừng lại ở đấy và bắt đầu khoe khoang, vì đấy là cách hành xử của người ngu.

Người khôn ngoan, dầu họ thấy sự vật rõ ràng, cũng luôn đề cao cảnh giác kẻ thù đang nằm chờ họ phía trước, ở những mức độ sâu xa hơn, tinh tế hơn. Họ phải tiếp tục quán chiếu sâu hơn. Họ không có nghĩ mức độ này hay mức độ nọ là quá đủ - vì làm sao có thể đủ được? Uế nhiễm vẫn còn thiêu đốt chúng ta, sao ta có thể huênh hoang? Dầu sự hiểu biết của ta có đúng, làm sao ta có thể tự mãn được khi tâm ta còn chưa tự thiết lập được một nền tảng?

Khi ta quán sát với tâm chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ thấy sự tự mãn là vấn đề chính. Ta phải cẩn trọng trong việc tu hành nếu ta muốn nắm bắt được chân lý là đời sống đang ngắn dần đi, ngắn dần trong từng giây phút. Và ta nên sống như thế nào để người ta có thể bảo là ta cẩn trọng? Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng, vì nếu ta không hiểu rõ, thì dầu ta có hành thiền hay chế ngự các căn trong bao nhiêu năm tháng đi nữa, thì đó cũng chỉ là sự tu tập nhất thời. Khi xong việc, ta lại trở về với sự loạn động trước kia.

Và hãy giữ miệng. Không dễ tránh sự khoe khoang, vì uế nhiễm sẽ kích động ta làm điều đó. Chúng muốn nói, chúng muốn khoe khoang, chúng không để cho ta im lặng.

Vì thế, việc hành Pháp không phải là chuyện ta có thể nhắm mắt làm bừa. Mà là việc ta phải làm với sự cảnh giác đầy trí tuệ. Khi quán chiếu đủ mọi mặt, ta sẽ thấy rằng chẳng có gì đáng để ta đắm say, rằng tất cả mọi sự - cả trong lẫn ngoài - đều chỉ là ảo tưởng. Giống như khi ta đang trôi giạt một mình giữa biển khơi, không thấy bóng dáng hòn đảo hay bãi biển nào. Ta có thể ngồi buông thư, cố gắng trong chốc lát, rồi khoe khoang được chăng? Dĩ nhiên là không! Khi sự quán sát của ta tiến sâu đến các tầng lớp vi tế hơn nữa của tâm, ta sẽ càng lúc càng trở nên yên tĩnh và thận trọng hơn, cũng giống như khi trưởng thành, người ta trở nên dè dặt hơn. Chánh niệm và tỉnh giác của ta phải trở nên chín chắn để có thể hiểu những điều đúng, sai, chân thật hay giả dối, trong bất cứ hiện tượng nào khởi lên: Đấy chính là điều có thể giúp ta buông bỏ và tìm đựơc giải thoát. Và đấy cũng chính là điều sẽ làm cho cuộc đời tu hành theo Phật pháp của ta được trôi chảy êm đẹp. Nếu không, ta sẽ ngốc nghếch khoe khoang rằng mình đã hành thiền trong bao nhiêu năm, nhưng dần dần ta thấy mình còn tệ hơn trước nữa, với bao uế nhiễm bùng phát dữ dội. Nếu đấy là con đường ta đi, thì kết cục là ta sẽ té nhào vô lửa - vì khi ta kiêu hãnh ngẩng cao đầu, là lúc ta chạy ùa vào những ngọn lửa đang bừng cháy bên trong.

Tu hành nghĩa là dùng lửa chánh niệm tỉnh giác làm ngọn lửa phản công để dập tắt sự bùng cháy của uế nhiễm, vì tâm trí ta đang hừng cháy những uế nhiễm, nên khi ta dùng ngọn lửa chánh niệm tỉnh giác để dập tắt lửa uế nhiễm, tâm có thể dịu mát lại. Thực hiện điều này bằng cách ngày càng thành thật với bản thân hơn, không chừa chỗ trống nào để uế nhiễm, ái dục có thể len lỏi vào hầu kiểm soát tâm. Ta phải cảnh giác. Thận trọng. Khôn ngoan với chúng. Đừng để chúng lừa gạt! Nếu ta nghe theo bất cứ lý luận nào chúng đưa ra, có nghĩa là chánh niệm tỉnh giác của ta còn yếu kém. Chúng sẽ lôi mũi ta đi, thiêu đốt ta trong lửa ngay trước mắt ta, vậy mà ta còn có thể mở miệng khoe khoang!

Vì vậy, hãy quay vào, kiểm tra lại tất cả mọi thứ bên trong ta. Kiểm tra lại mọi khía cạnh, vì tất cả những đúng sai, chân thật hay giả dối, đều nằm trong ta. Ta không thể tìm chúng ở bên ngoài. Sự phỉ báng của kẻ khác dành cho ta chẳng thể so sánh được với thương tổn do uế nhiễm thiêu đốt từ bên trong, khi cảm giác về "cái tôi" và "cái của tôi" bắt đầu trỗi dậy.

Nếu ta không thật sự biết phải trái, không có cách gì khiến sự tu hành của ta có thể mang lại giải thoát cho ta khỏi khổ đau, phiền não trùng trùng. Tuy ta có thể đạt được chút hiểu biết và buông xả được đôi điều, nhưng gốc rễ vấn đề sẽ vẫn còn nằm chôn tận dưới sâu. Vì vậy ta phải đào chúng lên. Ta không thể thư giãn sau những khoảnh khắc rỗng không và buông xả. Sẽ không có thành tựu gì trong đó. Uế nhiễm và các tâm hành ẩn chứa trong cá tính của mỗi người, vì thế ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác sâu sắc để quan sát chính xác và thấu đáo. Có vậy ta mới gặt được kết quả. Bằng không, nếu chỉ dừng lại ở trên bề mặt, thì ta có thể tu tập cho đến khi thân ta thối rữa trong quan tài nhưng ta vẫn không thể thay đổi bất cứ thói quen nào.

Những người bản tính thận trọng, biết suy ngẫm về những lỗi lầm của mình, sẽ đề cao cảnh giác với bất cứ dấu hiệu tự mãn nào trong họ. Họ sẽ cố gắng kiểm soát và hủy bỏ tính tự phụ về mọi mặt, và không để nó trương phình lên. Những phương cách chúng ta cần sử dụng trong việc tập luyện quan sát và hủy diệt các mầm bệnh trong tâm không dễ gì quán triệt. Đối với những người không tự quán niệm thấu đáo, thì sự tu hành thật sự còn có thể khiến họ tăng thêm ngã mạn, thêm phô trương, thêm ham thích dạy người khác. Nhưng nếu chúng ta quay vào bên trong và nhận rõ được những sự lừa dối, cao ngạo của cái ngã, thì cảm giác sững sờ, nhàm chán tột cùng khởi lên, khiến ta tự thương hại mình vì đã chất chứa bao si mê, vì từ lâu ta đã tự lừa dối mình đến mức độ nào, vì ta còn cần đến bao nỗ lực trong công phu tu tập của mình.

Vi thế, dầu đau đớn, khổ não đến nhường nào, dầu bao nhiêu nước mắt đã đẫm ướt má, hãy kiên trì! Công phu tu tập không đơn giản chỉ là việc đi tìm lạc thú vật chất và tinh thần. "Cứ để cho nước mắt tôi rơi, nhưng ngày nào còn sống, tôi sẽ còn tiếp tục phấn đấu nỗ lực cho một cuộc sống thánh thiện!” Phải như thế đó! Đừng bỏ cuộc chỉ vì một khó khăn nhỏ mọn nào đó, với ý nghĩ, "Chỉ phí thời gian. Tốt hơn tôi cứ sống theo ý thích của mình”. Ta không thể suy nghĩ theo cách đó! Ta phải có lập trường trái ngược lại: "Khi chúng quyến rũ tôi vơ cái này, lấy cho nhiều cái khác -tôi sẽ không làm! Dầu cho vật đó tuyệt vời đến đâu đi nữa, tôi sẽ không mắc bẫy". Hãy tuyên bố chắc nịch như thế! Đó là cách duy nhất để thành công. Nếu không, ta sẽ không bao giờ tự giải thoát đựơc, vì uế nhiễm có đủ tất cả các trò lường gạt ta. Nếu ta biết một mánh khóe, chúng chỉ cần đổi qua cái khác, rồi cái khác nữa.

Nếu chúng ta không tinh mắt để thấy các uế nhiễm đã lừa gạt chúng ta biết bao lần, bằng đủ mọi cách, chúng ta sẽ không thể biết chân lý bên trong ta. Thỉnh thoảng ta có thể bị người khác đánh lừa, nhưng uế nhiễm luôn gạt lừa được ta. Chúng ta tin chúng, mắc bẫy, làm theo và đắm chìm theo chúng. Chúng ta tin chúng còn hơn tin Phật. Vì chúng ta là đệ tử của bọn quỉ tham ái, để chúng đưa chúng ta đi sâu mãi vào rừng tội lỗi của chúng.

Nếu không tự mình thấy được điều này, chúng ta sẽ bị lạc vào khu rừng tha ma nơi bọn quỉ tiếp tục quay nướng ta khiến ta oằn oại vì dục vọng và đủ mọi loại phiền não. Ngay cả khi ta ở chỗ có ít phiền toái, như trung tâm thiền này, bọn quỉ vẫn có cách quyến rũ ta. Như khi thấy món ngon ta vẫn thèm chảy nước miếng! Như vậy, ta phải quyết định hoặc làm chiến sĩ hay làm kẻ chiến bại. Sự tu hành đòi hỏi ta phải chiến đấu với uế nhiễm và ái dục. Hãy giữ mình, dầu bọn quỉ dùng phương thức nào để cám dỗ và đánh lừa ta. Người khác khó thể dẫn dụ ta theo họ, nhưng ma vương của chính các uế nhiễm của ta có thể làm được, vì ta tin chúng, bằng lòng làm nô lệ cho chúng. Chúng ta phải quán niệm cẩn thận để không còn làm nô lệ cho chúng và có thể đạt đựơc giải thoát hoàn toàn. Hãy phát triển tâm chánh niệm tỉnh giác, đạt trí tuệ sáng suốt và rồi buông xả cho đến khi khổ đau và ưu phiền bị đập vỡ tan tành!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]