- LỜI NÓI ÐẦU
- LỜI NGƯỜI DỊCH
- Chương I: VẤN ÐỀ NHỊ ÐẾ TRONG TỨ ÐẠI THUYẾT PHÁI
- Chương II: TRƯỜNG PHÁI PHÂN BIỆT THUYẾT (ÐẠI TỲ BÀ SA)
- Chương III: TRƯỜNG PHÁI KINH LƯỢNG BỘ
- Chương IV: NHỮNG TRƯỜNG PHÁI ÐẠI THỪA
- Chương V: TRƯỜNG PHÁI DUY THỨC
- Chương VI : TRƯỜNG PHÁI TRUNG QUÁN TÔNG
- Chương VII: TRUNG QUÁN TÔNG: ÐỘC LẬP BIỆN CHỨNG PHÁI
- Chương VIII: TRUNG QUÁN TÔNG: QUY MẬU BIỆN CHỨNG PHÁI
- Chương IX: NHỊ ÐẾ VÀ BỒ TÁT ÐẠO
SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG
Vấnđề Nhị Đế trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo
Prof. Guy Newland, Ph.D.
Việt dịch Tâm Hà Lê Công Đa
---o0o---
Nếu có người tìm đến bạn và ngỏ ý muốn tìm hiểu về Phật Giáo, bạn sẽ nên bắt đầu như thế nào? Ta nên trình bày tỉ mỉ với họ thế nào là ý nghĩa của quy y Tam Bảo? Hay là thuyết giảng cho họ nghe về Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên của Đức Bổn Sư?
Joshua Cutler (Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Tây Tạng tại Washington, New Jersey) đã nêu lên câu hỏi này với Đức Đạt Lai Lạt Ma và được Ngài đề nghị rằng, đối với giới Tây phương trong thời đại này, tốt hơn là ta nên bắt đầu với vấn đề Nhị Đế: Tục Đế (Sự thực ước lệ) và Chân Đế (Sự thực rốt ráo). Ngài quan niệm rằng để dẫn dắt con người đến với Giáo Pháp tốt nhất là nên thông qua luận lý triết học và phân tích bản chất của thực tại. Trên căn bản của lời khuyên này, Joshua đã tổ chức một cuộc hội luận, mời gọi những bậc thức giả Tây Tạng và phương Tây đến tham dự và trình bày những kiến giải liên quan đến vấn đề Nhị Đế theo truyền thống Phật giáo mà họ nắm vững nhất. Joshua đã gởi đến tôi những cuốn băng này; Tôi đã chăm chú lắng nghe và đó là nguồn cảm hứng để tôi viết lên bản sơ thảo đầu tiên của cuốn sách này dùng tại Trung Tâm. Một số người nhận thấy giá trị của tập bản thảo và đề nghị tôi nên xuất bản nó.
THẾ NÀO LÀ THỰC TẠI ?
Khi Đức Phật tỉnh thức bước ra khỏi cơn mê mà chúng ta vẫn còn đang chìm đắm, Ngài đã nhận thức được sự thực rốt ráo của muôn vật y như chân tướng của chúng. Thế nhưng, thúc đẩy bởi mối quan tâm đến phúc lợi của toàn thể chúng sanh, Ngài đã hành hoạt trong khuôn khổ của thế giới sắc tướng, ước lệ, vận dụng mọi khả năng của ngôn ngữ ước lệ để dẫn dắt chúng ta đi đúng hướng. Triết lý Phật giáo có ý hướng làm sáng tỏ nội dung triết học và tri thức của một vấn đề cốt tủy của Phật giáo, và cũng là vấn đề muôn thuở của nhân loại: tính hai mặt của thế giới hiện tượng. Trong cái thế giới đa dạng và phong phú này, ta đang sống với những hóa tướng và ước lệ, những tập tục và truyền thống; tuy nhiên điều này không có nghĩa là không có sự thôi thúc ta đi tìm sự bí mật về chân tướng của sự vật, cái thực tại tuyệt đối. Hẵn nhiên là chúng ta không thể tìm ra cái thực tại này ở bất cứ nơi nào khác mà phải ngay chính từ những hóa tướng này. Những triết gia Phật giáo gọi tính hai mặt này là Nhị Đế: Tục đế và Chân đế. Mỗi trường phái triết học Phật giáo đều đã cố gắng đưa ra những lý giải một cách chân xác nhất theo đường hướng của mình về thế nào là Nhị Đế và mối liên hệ giữa chúng như thế nào. Đi vào việc khám phá những trường phái này, chúng ta đang ghé mắt nhìn vào công việc của các nhà tư tưởng Phật giáo đang nắm bắt một vấn đề cơ bản: Thực tại là gì?
Dĩ nhiên đây không phải là một câu hỏi vớ vẩn mang tính trí thức mà là một vấn đề xuyên suốt tận cùng cốt tuỷ của đời sống tu tập chúng ta. Nếu một sự phân tích thấu đáo về thực tại đưa đến việc không có sự hiện hữu của thế giới vật chất, của bản ngã cá nhân, thế thì chúng ta là ai đây? Và nếu như sự phân tích thực tại đưa đến việc không có sự hiện hữu của một thiết định tuyệt đối về tiêu chuẩn đạo lý, thì cái gì sẽ hướng dẫn ta trong cuộc sống chung với đồng loại? Trong hành trình tu tập, đi xuyên qua giữa cái mớ bòng bong rối rắm này, một cái gì đó chợt bùng vỡ, thế là ta được giải thoát và giác ngộ.
Thực tại là gì? Đó là một câu hỏi đòi hỏi những phân tích trí tuệ. Tu tập chuyển hoá con người một cách toàn diện, kể cả mặt tinh thần. Đối với một vài tông phái Phật Giáo Tây Tạng, kể cả truyền thống Hoàng Mạo phái của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tu tập bao gồm cả việc trau dồi sắc bén trí óc, biến nó thành một lưỡi gươm của trí tuệ viên mãn. Những tín đồ của truyền thống Hoàng Mạo phái khẳng định rằng trí huệ bát nhã không bao giờ là việc rời bỏ vô minh, mê vọng để rơi vào một tình trạng hư không, vô thức. Nếu giác ngộ được quan niệm một cách đơn giản như là chấm dứt dòng suy tưởng nhận thức, thì một nhát búa đánh vào đầu chắc chắn sẽ tạo ra trí tuệ bát nhã ngay lập tức! (1)
Thế thì thay vì chạy trốn khỏi sự rối rắm của tư tưởng nhị nguyên, chúng ta phải đối đầu và tìm cách nhận ra sự vật y như là chân tướng của chúng, vận dụng luận lý để phân tích sự mê chấp của chính mình. Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ được thật tướng của sự vật chúng ta mới có thể bắt đầu thanh lọc trí tuệ bát nhã này để tiến đến tình trạng thể nhập trực tiếp vào cảnh giới vô vi của niết bàn. Thế nên, theo Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người thuộc truyền thống Hoàng Mạo phái, vấn đề nghiên cứu một cách nghiêm túc các trường phái triết học Phật giáo không phải là chuyện sinh hoạt học thuật phụ thuộc bên cạnh hành trì tu tập mà đó chính là sự tu tập, cơ bản và sống động nhất. Trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Phật dạy:
Giáo thuyết của ta có hai dạng:
Khuyến tấn và những học thuyết
Đối với kẻ sơ cơ ta cho họ những lời khuyên
Đối với bậc du già sư, ta cho họ học thuyết. (2)
NHỮNG THUYẾT PHÁI
Cấu trúc của tứ đại thuyết phái Phật giáo được trình bày ở đây không đặt cơ sở trên sự phát triển theo tính niên đại của các học thuyết này tại Ấn Độ, cũng như nếu ta liên hệ chúng với truyền thống Phật giáo mang tính niên đại của Tây Tạng hay nhìn theo quan điểm của ngành niên đại học Tây phương đương đại (3). Thế nên khi bạn bắt đầu nghiên cứu triết học Phật giáo một cách có hệ thống, bắt đầu bằng tứ đại thuyết phái này, bạn không dùng phương thức tiếp cận của khoa sử học. Bởi lý do này, một số học giả đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng các học thuyết này như là một chìa khóa nhận thức để hiểu biết về triết học Phật giáo. Họ lập luận rằng việc làm này đã xóa nhoà đi những dị biệt giữa các tổ sư Ấn Độ có thể đã sống xa cách nhau hàng trăm năm. Họ cũng cho rằng những “thuyết phái” này đã xuất hiện một cách khúc chiết và mạch lạc qua sự tưởng tượng phong phú của người Tây Tạng hơn là nội dung thực sự của chúng được trình bày dưới thời của các vị Tổ Ấn Độ, nay đã bị họ xếp loại một cách có ý đồ. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến việc tránh đừng để cho việc nghiên cứu các nguồn mạch chính thống cuả chúng ta liên quan đến những kiến thức về triết học Phật giáo bị che mờ bởi các thuyết phái đã bị sắp xếp.
Dĩ nhiên là tôi rất thiện cảm với những phê phán này. Nghiên cứu về các thuyết phái sẽ không là mục tiêu tối hậu của những khám phá về triết học; đây cũng không phải là cách thế lựa chọn tốt nhất thay vì chúng ta có thể đọc thẳng các tác phẩm của các ngài Long Thọ, hay Thế Thân chẳng hạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các nhà học giả Tây phương cũng đã đi hơi quá xa khi phủ nhận các tư liệu của Phật giáo Tây Tạng trình bày về các thuyết phái. Mặc dù nó không dính chặt với lịch sử của những tư tưởng này, thế nhưng nó đã trình bày, cống hiến cho ta một khung sườn để suy nghĩ về triết học Phật giáo. Đánh giá thấp sự uyên bác của một số người Tây Tạng trong những phân tích của họ về triết học Phật giáo Ấn Độ, như Jamyang Shayba chẳng hạn, các nhà học giả đã phải bỏ công ra cả hàng năm trời để đi đến những kết luận mà lẽ ra họ có thể đạt đến chỉ trong khoảng vài tuần, vài ngày, thậm chí là vài tiếng đồng hồ.
Như vậy, trừ phi mối quan tâm của chúng ta nghiêng về mặt học thuật, ta không thể nào đặt nặng đến khía cạnh lịch sử của những tư tưởng cho đến khi nào ta có thể hiểu được những tư tưởng này là gì. Thế nên tư liệu về các thuyết phái là nơi tốt nhất trang bị cho ta hiểu biết, nhận thức. Và nếu chúng ta lưu ý rằng sự sắp xếp đặc biệt này được hình thành tại Tây Tạng như là một cách thế để cấu trúc một cái nhìn toàn diện mạch lạc, có thể dung hợp được tính cách đa dạng của triết học Phật giáo Ấn Độ, chúng ta sẽ sử dụng nó một cách đúng đắn đầy lợi ích. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các nhà học giả Tây Tạng, những người đã làm công việc này, từ vị trí cái nhìn của họ, không phải là không cống hiến cho chúng ta nhiều phúc lợi.
Thế cho nên, một điều cũng rất rõ ràng rằng, cuốn sách này không có mục đích trình bày một cái nhìn tổng quát về triết học Phật giáo, càng không phải là một tổng quan về triết học Phật giáo Tây Tạng. Cuốn sách này được viết cho những độc giả đã có một số hiểu biết về Phật giáo và đặc biệt là đối với những ai đang thật tình quan tâm đến việc tìm hiểu những khía cạnh triết học của Phật giáo Ấn Độ hay Tây Tạng nhưng có thể đã bị bối rối trước những dịch phẩm của những tư liệu mang nặng tính học thuật. Những điều mà tôi muốn trình bày trong tập sách nhỏ này -những tư tưởng cốt tủy của tứ đại thuyết phái được lý giải dưới cái nhìn của Hoàng Mạo phái- hy vọng có thể là một chiếc cầu hay ít ra là một viên gạch lót đường để đưa đến một nhận thức rộng mở và một nghiên cứu sâu sắc hơn.
ĐÔI HÀNG CẢM TẠ
Trong tập sách này, xin được chia xẻ những điều mà tôi đã được học từ những vị tôn sư của Phật giáo Tây Tạng còn sống hay đã qua đời, cũng như từ các đồng nghiệp và các bậc thầy của tôi. Một số vị mà tôi nghĩ là có những đóng góp rất quan trọng cụ thể như Harvey Aronson, Anne Klein, Elizabeth Napper, Joe Wilson, Don Lopez, Dan Cozort, John Buescher, Kensur Yesche Tupden, và Geshe Palden Dragpa. Đồng thời cũng xin được gởi lời cảm tạ đến Susan Kyser (của Snow Lion) và Nathan Lamphier về những góp ý đối với bản thảo. Cuốn sách này sẽ không được hình thành nếu không có những nỗ lực của Jeffrey Hopkins, Joshua Cutler (người thực hiện dự án), Sidney Piburn (người thúc đẩy tôi hoàn thành và xuất bản tác phẩm này), cũng như của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
GHI CHÚ
Trong tập sách này, một số thuật ngữ Tây Tạng và Sanskrit được chuyển qua dạng Anh ngữ được trình bày trong dấu ngoặc đơn. Những chuyển ngữ này đặt căn bản trên hệ thống đã được Turrel Wylie giới thiệu trong bài viết , “A standard System of Tibetan Transcription” (Havard Journal of Asiatic Studies, 22, 1959, 261-276). Ngoài ra, những danh từ riêng Tây Tạng đượcviết dưới dạng ngữ âm học nguyên thuỷ, dĩ nhiên không hẵn là giúp người đọc phát âm một cách đúng đắn mà chỉ có mục đích duy nhất là tạo một âm hưởng tương đối gần đúng với tên gọi của Tây Tạng.
GUY NEWLAND
Là một Phật tử bình thường có thể chúng ta không cần phải bận tâm đến việc thế giới này là có thực hay hư vọng, cũng không cần phải biết đến Chân đế hay tục đế, hoặc bản tánh chân thực của con người và vạn pháp là cái gì... Đây là những vấn đề thuộc về triết học, nghĩa là những vấn đề dễ làm cho ta nhức đầu, chưa kể một khi đi sâu vào lãnh vực này, nhận chân được tánh Không là thực tướng của muôn vật, người Phật tử sẽ không khỏi hoang mang tự đặt cho mình một câu hỏi: Nếu con người chỉ là một giả lập của những sắc uẩn và tưởng uẩn thì những khổ đau của con người cũng chỉ là những huyễn giả, tại sao chư Phật và chư Bồ Tát lại phải thị hiện ra giữa cõi đời này, mà mục đích là để giúp đỡ cứu độ cho muôn loài chúng sanh -vốn dĩ không có thật?
Nhưng thưa bạn, Đạo Phật là đạo của GIÁC NGỘ, trừ phi bạn chọn cho mình trở thành một người Phật tử bình thường để có thể dễ dàng quay lưng lại với những vấn nạn nói trên và an vui -cũng như đau khổ- với những dục lạc của cõi thế gian này thì không nói làm gì; tuy nhiên nếu như bạn là một người thiết tha tìm cầu giải thoát và đang là một hành giả cô đơn, nỗ lực tinh tấn trên hành trình vươn đến giác ngộ, trong niềm tin tưởng vững chắc rằng mình có khả năng để vươn đến, thì bất cứ bạn là ai, nếu muốn chạy thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của luân hồi sinh tử, cũng đều phải vượt qua cửa ải của thực chứng tánh Không. Không có một con đường nào khác. Chư Phật, chư Bồ Tát, chư đại thánh Tăng, tổ sư đều cũng phải đi qua con đường này. Từ đây, trên vách núi cheo leo của Tánh Không, hành giả tha hồ nhảy múa mà không còn phải sợ hãi phải rơi xuống vực thẳm của chủ nghĩa hư vô, đoạn kiến. Và cũng từ đây, trên đỉnh núi cao của tỉnh thức và trí tuệ, không còn mây mờ của vô minh che phủ, hành giả có thể phóng tầm mắt nhìn rõ thực tướng của muôn loài, để sẽ không còn như người mê ngủ hoang mang giưã hai bờ Chân đế và Tục đế, để rồi suốt đời cứ phải loay hoay bỏ vọng tìm chân, làm nhọc lòng đến Tuệ Trung Thượng Sĩ , một thiền gia xuất sắc đời Trần phải lên tiếng cảnh cáo:
Người đời bỏ vọng để cầu chân
Chân vọng tâm kia cũng pháp trần
Hãy vượt cao lên bờ bến ấy
Tham cùng đồng tử đối tiền nhân
Nếu Phật đạo có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn thì con đường đi vào thực chứng tánh Không cũng có rất nhiều cánh cửa, kể cả cánh cửa trực nghiệm bằng ý thức loại suy, thiền quán phân tích. Tốt hơn hết là ta nên bắt đầu bằng Nhị Đế. Khi đối đầu với vấn nạn triết lý sắc tướng và thực tướng của vạn pháp, tức Nhị Đế, những trường phái triết học lớn của Phật giáo, được biết đến như Tứ đại thuyết phái: Đại Tỳ Bà Sa, Kinh Lượng Bộ, Duy Thức, và Trung Quán- đã đưa ra những lý giải khác nhau. Trong những lý giải này, có những điểm người ta đã đồng ý với nhau, nhưng cũng có những điểm đã gây nên những tranh cãi kịch liệt. Hoàng Mạo phái của Phật Giáo Tây Tạng, một môn phái sở trường về thiền quán phân tích do Đại sư Tông Kha Ba sáng lập mà vị tổ sư thừa kế đương đại là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn, đã duyệt qua tất cả những kiến giải của tất cả những trường phái này và đưa ra những lý giải, phân tích rất xuất sắc và có hệ thống. Những kiến giải này đã được Tiến sĩ Guy Newland, đương kim Khoa trưởng Phân khoa Triết học và Tôn giáo Đại học Công lập Central Michigan, bang Michigan, tóm tắt lại trong tác phẩm “SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG,Vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo” do nhà xuất bản Snow Lion phát hành gần đây và hiện được dùng như là một tài liệu giảng dạy và tham khảo chính trong các Đại học Phật giáo, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng. Là một nhà sư phạm, GS Newland đã trình bày một cách rõ ràng, khúc chiết về những vấn đề cốt tuỷ của triết học Phật giáo như Nhị Đế, Vô Ngã, Tánh Không thông qua quan điểm của bốn trường phái triết học chính của Phật giáo: Phân Biệt Thuyết (Đại Tỳ Bà Sa), Kinh Lượng Bộ, Duy Thức và Trung Quán, hy vọng sẽ giúp cho người đọc lãnh hội những vấn đề này không mấy khó khăn.
Nhận thấy trong khu rừng tài liệu Phật học tiếng Việt, các tài liệu nghiên cứu về lãnh vực triết học Phật giáo còn rất hạn chế, người dịch -dù khả năng còn hạn hẹp- cũng đã phát tâm chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt, hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào kho tài liệu tham khảo cho những người có nhu cầu nghiên cứu. Tuy rằng qua tác phẩm này, Tứ đại thuyết phái đã được nhìn dưới lăng kính của Hoàng Mạo phái, nhưng trừ phi bạn là người có trí tuệ siêu việt, đối với những Phật tử trung bình như chúng ta, cái nhìn của Hoàng Mạo phái có thể được coi như là một khởi điểm tốt để bắt đầu, bởi vì như GS. Newland nhận định: “Cách tiếp cận của Hoàng Mạo phái là cố gắng tránh bớt đi những mâu thuẫn, mập mờ khó hiểu càng nhiều càng tốt, cũng như nói về tánh Không bằng một ngôn ngữ thông tục, ngôn ngữ mà chúng ta trao đổi trong cuộc sống đời thường. Do phẩm tánh hoàn toàn bất nhị của nó, trực nghiệm về tánh không là một kinh nghiệm nhận thức khác biệt tận căn bản với tất cả những gì mà chúng ta đã từng biết qua. Tuy nhiên để có thể xây dựng nên một hệ thống thuyết lý mạch lạc phù hợp với kinh nghiệm đời thường, cũng như nhằm mục đích nhấn mạnh đến tính khả đắc của thực chứng rốt ráo (ngay cả bằng ý thức loại suy), những nhà Hoàng Mạo phái đã thuyết giảng về tánh Không như là cái gì khả tri, có thể nhận biết được, một cái gì đó có thể đạt đến và hiểu thấu được.”
Trong khi dịch thuật tác phẩm này, nếu gặp phải những điểm nào không được rõ ràng cần làm sáng tỏ, chúng tôi đã được may mắn trực tiếp trao đổi với GS. Newland, và như vậy hy vọng nội dung bản dịch của tác phẩm này được truyền đạt một cách trung thực đến độc giả. Chúng tôi vì thế nhân đây xin được bày tỏ sự biết ơn của mình đối với sự chấp thuận và khuyến khích của GS. Newland, cũng là một cao đồ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn, trong việc hình thành bản dịch Việt ngữ này. Đối với một số thuật ngữ Phật giáo trong tác phẩm này, chúng tôi vừa sử dụng từ Hán Việt -để qúy vị đã từng quen với thuật ngữ Phật giáo dễ lãnh hội- nhưng đồng thời cũng đã diễn giải ý niệm này ra một cách dễ hiểu hơn và không quên kèm theo các danh từ Tạng ngữ, Phạn ngữ và Anh ngữ tương đương để tiện cho việc tra cứu. Tuy nhiên dù có cố gắng đến mức nào đi nữa, chắc chắn là bản dịch này cũng sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, hy vọng được chư Tôn đức, chư thiện hữu trí thức đóng góp ý kiến để sửa chữa vì phúc lợi chung.
Một điểm cuối cùng cũng xin được nêu ra ở đây là, như qúy vị biết, tác phẩm này thuộc bản quyền của nhà xuất bản Snow Lion, bởi vậy nếu như bản dịch này được dùng để làm tài liệu giảng dạy, nghiên cứu, hoặc bất cứ vị Phật tử nào phát tâm muốn ấn tống miễn phí thì không có vấn đề; tuy nhiên nếu bất cứ qúy vị hay nhà xuất bản nào có nhã ý muốn xuất bản bản dịch này đưa vào thị trường sách vở, xin vui lòng thương thảo với nhà xuất bản nói trên.
Trân trọng.
Tâm Hà Lê Công Đa.
lecongda@aol.com
--------------
CHÚ THÍCH:
(1) Thí dụ này được gợi ý từ lời chú giải của một vị Thiền sư đương đại, Shengyen: “Không phải khi một người không còn những ý nghĩ phân tán tức là vấn nạn của đương sự đã được giải quyết. Nếu bạn cãm thấy thích thú được ở trong tình trạng như thế, thì cứ việc nhờ ai đó đánh mạnh vào đầu. Có rất nhiều người không phân biệt được giữa trí tuệ chân thực và trạng thái tịch tĩnh. Nếu bạn không hiểu được sự khác biệt này, cho dù là bạn dày công tu tập, cũng chỉ uổng phí thôi.” -Trích từ Faith in Mind in Deborah Sommer’s Chinese Religion. New York: Oxford, 1995. 337.
(2) Lankavatarasutra (Descent into Lanka Sutra) trích dẫn trong Practice and Theory of Tibetan Buddhism, bản dịch của Sopa & Hopkins. New York: Grove Press, 1976. 53.
(3) Muốn có một thí dụ về những kiến giải theo truyền thống Tây Tạng, có thể đọc thêm: Meditation on Emptiness. Jeffrey Hopkins. London: Wisdom, 1983. 353-364. Muốn cómột thí dụ về những kiến giải theo truyền thống kinh viện Tây phương, có thể đọc thêm: Mahayana Buddhism. Paul Williams. New York: Routledge, 1989.
---o0o---
Trình bày: Diệu Tường - Cát Tường