Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Giới thiệu

08/04/201115:23(Xem: 9931)
1. Giới thiệu

BỒ TÁT VÀ TÁNH KHÔNG
TRONG KINH TẠNG PALI VÀ ĐẠI THỪA

Luận án Tiến Sĩ của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Giới Hương

GIỚI THIỆU

Lý do chọn Đề tài

Con người đã quên rằng mình có một trái tim. Nếu mình đối xử thế giới ân cần thì thế giới sẽ đáp lại như vậy.

Ngày nay, sự định nghĩa về nền phát triển và tăng trưởng cần phải được xem xét lại. Giả thiết cho rằng xã hội càng văn minh hơn thì con người càng trở nên đơn độc, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và bất an hơn. Khoa học đã có những khả năng để tạo ra cả về chất lượng lẫn số lượng nhưng cũng còn có vô số người đi ngủ với dạ dày trống rỗng, vô số người đã chết mà không có thuốc men, vô số trẻ con đã phải sớm dấn thân đi làm và ngừng bớt bước chân đến cổng nhà trường. Thế giới con người càng nghe thông báo nhiều hơn về hậu quả của sự thoái hoá giảm phẩm chất môi trường, ô nhiễm… Nhưng trong khi đó, cơ chế đầu tư phòng thủ về những cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày càng tăng nhanh, số lượng xe cộ cơ giới được sản xuất và sử dụng càng tăng nhanh thì diện tích của rừng rậm nhiệt đới càng bị xâm lấn phá hoại trầm trọng. Tóm lại, có thể nói ngắn gọn rằng thế giới hiện nay tràn đầy những khủng hoảng.

Trong kỷ nguyên của vệ tinh-truyền thông và kỹ thuật tiến triển, con người đã gặt hái những tiến bộ lớn trong lãnh vực khoa học để có thể giải quyết nhiều vấn đề vật chất nhưng cũng để lại nhiều vấn đề không giải quyết được như sự đau khổ, nghèo nàn, bịnh tật, bất đồng quan điểm, lòng thù ghét, lòng ghen tỵ, nghi ngờ và chiến tranh. Trevor Ling trong cuốn Buddha, Marx và God (Đức Phật, Marx và Chúa trời)3đã nói rằng người phương Tây đã tạo nhiều của cải vật chất giàu có, nhưng họ cũng đã giết hàng triệu người trong những cuộc bùng nổ tuần hoàn của những cuộc bạo động mà họ thường đề cao với những mệnh danh của chiến tranh và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, con người đã phải giáp mặt với sự hăm doạ tiêu diệt chủng tộc con người và tất cả những đời sống trên hành tinh này bằng những chiến tranh hạt nhân, bom nguyên tử và những đại loại khác.

Và hôm nay chúng ta cũng đã thừa nhận rằng xã hội chúng ta như một tổng thể, một khối chìm ngập đầy những khủng hoảng. Chúng ta có thể đọc và nghe thấy những biểu hiện vô số của nó mỗi ngày ở trên báo chí và đài radio. Chúng ta đang giáp mặt với sự lạm phát và nạn thất nghiệp cao, chúng ta bị khủng hoảng về năng lực, về vấn đề y tế, ô nhiễm, về làn sóng khởi dậy của những bạo động, tội ác và vô số những tai họa môi trường khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới có mối liên hệ toàn cầu trong đó tất cả những hiện tượng môi trường, xã hội, tâm lý và sinh vật học đều phụ thuộc lẫn nhau. Và ngày nay chúng ta tìm thấy mình trong tình trạng khủng hoảng ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thế giới. Chính là sự khủng hoảng đa chiều và sâu sắc mà những khía cạnh này có liên quan đến mỗi mặt trong đời sống của chúng ta như sức khoẻ, sinh kế, chất lượng của môi trường, kinh tế, kỹ thuật và chính trị... Nói cách khác, trong kỷ nguyên này con người chính đang giáp mặt với những vấn đề như chiến tranh, tăng dân số, ô nhiễm môi trường, suy thoái đạo đức, ảnh hưởng từ sự trao đổi tư tưởng Đông và Tây, sự chuyển đổi nhanh đến thế giới hiện đại…

1. Khủng hoảng Chiến tranh

Fritjof Capra, tác giả nổi tiếng của cuốn ‘The Tao of Physic’ (Đạo Vật lý) và ‘The Turning Point’ (Bước Ngoặc)4đã đề cập về cuộc khủng hoảng chiến tranh rằng con người đã dự trữ hàng ngàn những vũ khí hạt nhân đủ để phá huỷ toàn bộ thế giới vài lần và cuộc chạy đua lực lượng vũ trang đang tiếp tục với một tốc độ khủng khiếp.

Vào tháng 11, 1978 trong khi Hoa kỳ và Liên bang Sô Viết đang hoàn thành cuộc thương lượng thứ hai của họ về Hiệp ước Giới hạn Chiến lược Vũ khí, Pentagon đã tung ra một chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân đầy tham vọng nhất trong hai thập niên. Hai năm sau đó, chương trình này đã phát triển lên đến cực điểm trong sự bùng nổ quân đội lớn nhất trong lịch sử: Ngân sách 1,000 tỷ đô la cho sự phòng thủ. Chi phí cho chương trình hạt nhân này thật sự đã gây đầy sững sốt.

Trong khi đó, mỗi năm hơn 15 triệu người hầu hết là trẻ con đã chết đói vì thiếu ăn, 500 triệu người khác đã suy dinh dưỡng trầm trọng. Gần 40% dân số thế giới đã không có những cơ sở y tế chuyên nghiệp. 35% nhân loại thiếu nước sạch uống, thì hơn một nửa những nhà khoa học và kỹ sư trên thế giới đã dấn mình vào kỹ thuật sáng tạo vũ khí.

Sự hăm doạ của chiến tranh hạt nhân là mối nguy hiểm nhất mà nhân loại ngày nay đang giáp mặt… 360 lò vũ khí hạt nhân đang hoạt động toàn cầu và hơn hàng trăm những kế hoạch tương tự đã trở thành mối đe doạ chính cho hành tinh chúng ta.5

Thực tế, ngày nay thế giới chia con người thành nhiều ý thức hệ khác nhau theo khối quyền lực của

chính họ, họ đã cống hiến hầu hết những tâm trí và năng lực vào cuộc chiến tàn khốc, tiêu cực và vô ích. Thế giới không thể nào có hoà bình cho đến khi nào con người và quốc gia từ bỏ lòng tham muốn ích kỷ, từ bỏ tính ngạo mạn chủng tộc và tẩy sạch những tham vọng ích kỷ về quyền sở hữu và sức mạnh của chính bản thân họ. Sự chia chẻ ý thức hệ đã dẫn đến mâu thuẫn. Ý thức hệ dưới những hình thức đa dạng như chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội và giáo dục. Ýù thức hệ là một sự né tránh khỏi thực tế. Nó làm con người thành hung ác và giữ anh ta trong tình trạng nô lệ của sự cuồng tín và bạo động.

Vì thế, họ tin rằng cách duy nhất để ‘đấu tranh lại quyền lực là ứng dụng nhiều quyền lực nữa’ đã dẫn đến những cuộc chay đua lực lượng vũ trang giữa các cường quốc. Và cuộc cạnh tranh để nâng cao vũ khí chiến tranh đã mang nhân loại đến chính bờ vực thẳm nhanh chóng của sự tự huỷ diệt hoàn toàn. Nếu chúng ta không làm gì cả đối với vấn đề này, thì chiến tranh sắp tới sẽ chấm dứt thế giới, con người và mọi vật trên hành tinh này bị tiêu huỷ và thế giới sẽ không có kẻ chiến thắng mà cũng không có những nạn nhân – duy có những thây chết.

Chúng ta cần ý thức mối thiệt hại lớn lao ở đây, nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta và mang hạnh phúc cũng như hoà bình đến bằng cách chấp nhận phương pháp có văn hoá này và bằng cách hy sinh lòng tự hào kiêu hãnh nguy hiểm của chúng ta.

Khi Liên hiệp quốc được hình thành sau những cơn rùng mình của chiến tranh thế giới thứ hai, lãnh tụ của những quốc gia đã họp lại để ký hiệp ước với lời nói khai mạc là:

"Từ chính tâm con người mà chiến tranh bắt đầu, thì cũng chính từ tâm con người mà thành luỹ của hoà bình được xây đắp."6

2. Khủng hoảng về gia tăng Dân số

Thật không thể tưởng tượng rằng chỉ trong một thời gian ngắn mà dân số của thế giới đã tăng khủng khiếp. Không thể so sánh với bất cứ thời kỳ nào của lịch sử cổ đại. Những nền văn minh rộng lớn hiện hữu và đã biến mất ở Trung á, Trung đông, Châu phi và Châu mỹ cổ đại. Không có những điều tra dân số của những nền văn minh này thậm chí là ở mức rất ít. Dân số cũng như mọi thứ khác trong vũ trụ bị chi phối bởi chu trình của vòng sanh và diệt. Trong vài ngàn năm vừa rồi, không có bằng chứng để chứng minh rằng ở vài nơi trên trái đất đã có nhiều người ở hơn bây giờ. Số lượng con người hiện hữu trong nhiều hệ thống thế giới khác nhau thật sự là vô tận.

Một trong những nguyên nhân chính của sự khủng hoảng này là dục vọng mạnh mẽ của con người như Hoà thượng K.Ri. Dhammananda trong tác phẩm ‘What the Buddhist believe’ (Phật tử chánh tín) đã chỉ ra nguyên nhân chính của việc tăng nhanh tỷ lệ sanh sản là dâm dục hoặc khát ái và Hoà thượng đưa ra một giải pháp cho vấn đề này là:

"Dân số sẽ tăng nhanh hơn, trừ khi nếu con người biết chế ngự lòng khát ái của chính mình."7

Như thế, sự ảnh hưởng hoặc trách nhiệm của tăng dân số hầu như được quy cho là sự hưởng thụ dục lạc thái quá, hoặc không biết các kiến thức khác hoặc những môn giải trí tiêu khiển lành mạnh có sẵn khác. Sự ảnh hưởng hoặc trách nhiệm của tăng dân số là không phải định phần cho bất cứ một tôn giáo riêng biệt nào hoặc bất cứ một năng lực bên ngoài nào như quần chúng tin rằng con người được Chúa trời hoặc Thượng đế tạo ra. Nếu tin rằng Chúa trời sanh ra tất cả, thế thì tại sao lại có nhiều đau khổ như nghèo nàn, buồn rầu, chiến tranh, đói thiếu, bịnh tật, tai hoạ… giáng cho những chúng sanh do ngài tạo? Tất cả những biến cố không may này đã phá huỷ mạng sống con người là không liên quan đến ý của Chúa trời hoặc ý thích bất thường của một số ma quỷ, thay vì vậy tại sao Chúa trời không điều khiển dân số cho giảm xuống?8

3. Khủng hoảng sinh thái

Một nguyên nhân khác đã làm cho nhiều người lo lắng là những tai họa mà con người trên khắp thế giới phải chịu trong khoảng thời gian gần đây. Điều này đã chứng minh rằng bây giờ bản thân thiên nhiên đã để sự giận dữ tự vệ của mình chống lại con người với những hình thức như bão lụt, hạn hán, động đất, núi lửa… Đây là kết quả của sự huỷ diệt với nhiều hình thức đa dạng của hệ thực vật và hệ động vật đã làm cho môi trường bị ô nhiễm và tương lai bản thân quả đất này không an toàn.

Như chúng ta biết, khủng hoảng nền sinh thái hiện tại là khủng hoảng môi trường bao gồm: không khí, nước, đất do những thử nghiệm chất nguyên tử, thử nghiệm những vũ khí hoá học, những ga độc từ những xí nghiệp công trình và do bởi sự tăng nhanh của dân số vv...

Giám đốc của Bộ Ô-nhiễm nền sinh thái trong bản báo cáo ‘Hồi phục lại chất lượng của nền sinh thái chúng ta’ (Restoring the Quality of our Environment) tại Ủy ban Tư vấn Nền sinh thái đã tổ chức vào tháng 11, 1965 đã định nghĩa thuật từ ‘ô nhiễm’ như sau:

"Ô nhiễm nền sinh thái là một sự thay đổi bất lợi cho môi trường xung quanh chúng ta, toàn thể hoặc phần lớn - sản phẩm của con người qua những hiệu ứng thay đổi trực tiếp hay gián tiếp trong những mẫu năng lượng, những tầng phóng xạ, cơ chế vật lý hay hoá học và những tổ chức đa dạng khác. Những sự thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người hoặc ngang qua việc cung cấp nước, hợp chất sinh vật học và nông nghiệp của con người, những sở hữu hoặc đối thể vật lý của con người hoặc những cơ hội giải trí và thưởng thức thiên nhiên của con người."9

Đề cập vấn đề ‘Năng lượng nguyên tử’, nhà vật lý học nổi tiếng Fritjof Carpa nói rằng:

"Năng lực phóng xạ tiết ra từ những lò phản ứng hạt nhân thì cũng giống như những lò sản xuất bụi phóng xạ bom nguyên tử. Hàng nghìn tấn những chất độc thải ra trong nền sinh thái do những cuộc bùng nổ hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân tràn ra. Khi chúng được tích luỹ trong không khí chúng ta thở, thực phẩm chúng ta ăn và nước chúng ta uống đã tạo thành bịnh ung thư và những bịnh di truyền học tiếp tục tăng nhanh. Hầu hết chất độc nhất của chất độc phóng xạ, chất hoá học Pluton là có thể phân hạch, có nghĩa là nó được dùng để tạo bom nguyên tử. Vì vậy, công suất hạt nhân và vũ khí hạt nhân đã có liên hệ chặt chẽ, đã xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau nhưng đều cùng ảnh hưởng đến mạng sống con người. Với sự tiếp tục phát triển của chúng, rất có khả năng sự tiêu diệt toàn cầu mỗi ngày trở thành lớn hơn."10

Đối với vấn đề ô nhiễm nước và thực phẩm, Fritjof Capra đã thêm vào như sau:

"Cả nước chúng ta uống và thực phẩm chúng ta dùng đã bị ô uế bởi một số lượng chất độc. Ở Hoa kỳ, sự gia tăng thực phẩm tổng hợp, thuốc trừ sâu, chất dẽo và những chất hoá học khác đã đánh dấu tỷ lệ hiện nay mỗi năm có tới hàng ngàn hợp chất hoá học mới. Như là hậu quả, chất độc hoá học đã trở thành một phần tăng nhanh của đời sống phong phú của chúng ta. Hơn nữa, sự đe dọa đến sức khoẻ chúng ta qua sự ô nhiễm không khí, nước và thực phẩm là thấy rõ ràng nhất, hiệu ứng trực tiếp của công nghệ con người trên nền sinh thái tự nhiên. Ít thấy nhưng hậu quả hiệu ứng vô cùng nguy hiểm này, con người chỉ nhận ra mới đây và vẫn chưa được hiểu hoàn toàn."11

Thêm vào đó, việc sử dụng xăng dầu thái quá mới đây đưa đến việc buôn bán lậu, các tàu chở dầu với những sự cố va chạm thường xuyên, khiến cho một số lớn xăng dầu bị đổ tràn ra biển. Những dầu bị đổ này không chỉ làm ô nhiễm những bờ và bãi biển ở Châu âu mà còn phá hoại những sinh vật dưới biển và vì vậy đã tạo nên mối nguy sinh thái học mà những điều này con người vẫn chưa hiểu hoàn toàn. Việc tạo điện từ than thì nguy hiểm hơn và ô nhiễm hơn điện được làm ra từ dầu. Những mỏ dầu dưới đất tạo ra nhiều sự nguy hại cho những thợ mỏ và sự khai mỏ bằng máy tạo ra hậu quả môi trường trầm trọng, từ đó những mỏ thường bị huỷ bỏ, một khi than đã hết hạn, với hậu quả là số lượng đất đai để lại đã bị tan hoang. Sự nguy hại trầm trọng hơn tất cả do việc đốt than là ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người. Những kế hoạch đốt than đá đã tải ra một số lượng khói, tro, khí và những hợp chất hữu cơ, nhiều loại trong chúng được biết là chất độc hoặc chất gây ung thư. Sự nguy hiểm của khí là chất đioxyt lưu huỳnh có thể làm suy yếu phổi trầm trọng. Một chất thải ô nhiễm khác từ việc đốt than là chất Oxit Nito, nó cũng là thành tố chính làm ô nhiễm không khí từ khói ô tô. Kế hoạch đốt than có thể loại ra nhiều chất Oxit Nito như là vài trăm ngàn xe hơi tải ra… Nguyên nhân chính thường là quy cho sự hiểu biết quá thiển cận về hệ sinh thái, kết hợp với lòng tham vọng tột độ của con người.

Ở Los Angeles, 60 thành viên của trường Đại học Y khoa California12đã đề cập như sau: "Sự ô nhiễm không khí đã trở thành mối nguy cho sức khoẻ đối với hầu hết cộng đồng này suốt trong nhiều năm". Sự ô nhiễm không khí liên tục không chỉ ảnh hưởng con người mà còn phá vỡ những hệ thống sinh thái. Nó đã gây thương tổn và giết nhiều cây cối và những sự thay đổi trong đời sống thực vật này có thể tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về tỷ số động vật mà sống tuỳ thuộc vào những thực vật này.

Và họ đã tuyên bố rằng không tính đến sự đe dọa của những thảm hoạ hạt nhân, nền sinh thái toàn cầu và sự thăng hoa đời sống hơn nữa trên hành tinh của chúng ta đã bị nguy hiểm nghiêm trọng và có thể kết thúc tốt đẹp trong một quy mô lớn của tai họa sinh thái giáng xuống. Dân số tăng nhanh và kỹ thuật công nghiệp góp phần trong nhiều cách làm suy thoái trầm trọng nền sinh thái tự nhiên mà trong đó chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào. Hậu quả mang đến là sức khoẻ của chúng ta và những người khác đang bị nguy hiểm nghiêm trọng.

Điều rõ ràng và chắc chắn là công nghệ của chúng ta đang quấy rầy dữ dội và có thể thậm chí tiêu diệt những hệ sinh thái mà chúng ta đang tồn tại trong đó. Chúng ta có thể hình dung sự nguy hiểm biết bao cho vấn đề ô nhiễm môi trường hiện tại trên hành tinh này! Không có sự an toàn cũng không có sự công bằng được tìm thấy ở khắp nơi. Sự không bảo đãm và không an toàn đã trở thành một tai ương cùng khắp. Khát vọng ‘chinh phục thiên nhiên’ đã không thành công trong việc đem sự sung túc hoặc hoà bình đến cho mọi người. Sự ô nhiễm này hẳn là một hậu quả hiển nhiên của một nền văn minh khoa học hiện đại với vận tốc khủng khiếp, không thể kiểm soát được của nền phát triển công nghiệp và kinh tế. Trong vòng quay ngược lại, nền văn minh là kết quả của đỉnh cao tư duy, cách nghĩ và hưởng thụ niềm vui. Như vậy, những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng môi trường như đã được cảnh báo chính là tham vọng và vô minh của con người.

4. Khủng hoảng nền Đạo đức Con người

Một trong những cuộc tranh luận khá sôi nổi ở phương tây hiện nay, đặc biệt ở nước Hoa kỳ là liên quan đến vấn đề suy thoái nền đạo đức.

Thật sự rằng những nước phát triển đã chuyển biến nhanh để thoả mãn tham vọng của họ, để mang sự giàu có thịnh vượng ngang qua sự tiến bộ của tất cả thành đạt kỹ thuật-khoa học-vi tính-không gian, họ được gọi là những xã hội lành mạnh, nhưng với sự nghiên cứu đúng đắn, chúng ta sẽ thấy rằng chính những xã hội này đã bị bịnh hoạn, với tỷ lệ cao của những vấn đề tự tử, giết người, du côn, bài bạc, cần sa, tệ nghiện rượu, côcain và những hình thức trụy lạc trác táng khác vv… Sự ảnh hưởng đã tăng nhanh cùng với việc tăng số lượng của rượu, tự tử… và những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã phá huỷ cơ sở vững chắc của đời sống có tính cách đạo đức của chính nó… Sự giáo dục đạo đức ở xã hội công nghiệp thì không được coi trọng. Hầu hết mọi người chỉ có coi trọng làm thế nào đạt được nhiều tiền. Họ đánh giá con người qua bao nhiêu tiền mà người ấy có được, bất kể nghề nghiệp và phương tiện gì. Trong những đất nước xã hội nơi mà tính chuyên chế, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng bè phái thịnh hành, thì phúc lợi phần lớn của quần chúng bị chuyên chế và tộc người thiểu số bị loại ra, tất cả những nguồn kinh tế đều nằm trong tay những người có quyền lực. Các khuynh hướng xã hội trên đã đề cao giá trị vật chất, đã chuyển con người thành những cái máy cho sự sản xuất và tiền thù lao mà không màng đến lý tưởng hoặc đạo đức.

Nói một cách khác, những đất nước mà cho là "dân chủ, hoà bình và thịnh vượng nhất" đang trở nên bị khổ sở với những bịnh tật nguy hiểm. Nhà tâm lý học Mỹ nổi tiếng Erich Fromn, trong tác phẩm ‘The Sane Society’ (Xã hội lành mạnh) đã cho rằng bức tranh đơn giản của một xã hội điên cuồng liên quan phần lớn đến nước Hoa kỳ hơn những nước ở Châu âu.13

Để khẳng định điều này, Erich Fromn thêm rằng:

"Con người đã thống lĩnh thiên nhiên và sản xuất ngày càng nhiều những của cải vật chất đã trở thành một mục đích tối cao trong đời sống. Trong tiến trình này, con người đã chuyển mình thành vật, đời sống đã trở thành phụ thuộc với vật chất, ‘là’ đã bị ‘có’ thống trị. Nguồn gốc của văn hoá phương Tây, kể cả Hy-lạp và Do- thái, đã coi trọng mục đích của đời sống, sự hoàn thiện con người, con người hiện đại qua sự hoàn thiện của vật chất và kiến thức thế nào để sản xuất vật chất."14

Và Erich Fromn đã đi đến kết luận rằng tuy nước Hoa kỳ là cường quốc, thịnh vượng và tiến bộ nhất nhưng lại cho thấy mức độ lớn nhất về nạn tinh thần suy sụp và mất thăng bằng.15

Đứng về mặt tâm lý học, khi đối mặt với những mặt khó khăn ngày càng tăng nhanh, con người cảm thấy hồi hộp, lo lắng, hoài nghi hơn và vì muốn lãng quên thực tế đó, bằng cách họ đã lao vào thọ hưởng khoái lạc đời sống và chôn vùi mình trong tệ nghiện rượu, thuốc phiện, giết người và tự vẫn… Thật là hợp lý, khi Erich Fromn đã gợi ý rằng mặc dù có sự tăng nhanh trong sản xuất, tiện nghi, kỹ thuật, khoa học… ở phương Tây, nhưng thật ra hạnh phúc của phương Tây chỉ dựa trên vọng tưởng của đầy vật chất và tiền bạc, từ từ con người cảm thấy mất bản thân họ và cảm thấy sống không mục đích, trống lỗng, đơn độc đến nỗi họ đã than lên rằng thế kỷ XX là thế kỷ con người đã chết.16

Rõ ràng cuộc khủng hoảng chiến tranh, tăng nhanh dân số và ô nhiễm môi trường tạo ra sự nguy hiểm cho con người trên hành tinh và làm suy thoái đạo đức dẫn đến khủng hoảng xã hội trong nhiều cách. Những cuộc khủng bố tấn công, những chiến tranh, tham nhũng, tội ác với trẻ con, phụ nữ và người già đã xảy ra trong thế giới này thật sự là một nơi đau khổ, không có hạnh phúc để sống và con người trở thành xa lạ, trung lập với mọi điều xảy ra trên thế giới này. Thái độ trung lập, lãnh đạm, tàn bạo đã lót một con đường cho một kiểu đời sống nhẫn tâm, không bình đẳng và bạo động ngay cả có nhiều tiến bộ khoa học nhưng vẫn không quản lý được như J. Krishnamurti trong tác phẩm nổi tiếng ‘Education and Signification of Life’ (Giáo dục và Ý nghĩa của cuộc sống) đã viết rằng:

"Những tiến bộ kỹ thuật đã giải quyết tức thì vài loại vấn đề nào đó của con người ở một trình độ nào đó, nhưng nó cũng làm cho vấn đề trở nên phức tạp và sâu hơn. Để sống ở một mức độ nào đó mà không quan tâm đến tổng thể đời sống là tự tạo thêm sự đau khổ và huỷ diệt. Nhu cầu lớn nhất và vấn đề đè nén nhất của từng cá nhân là hội nhập vào tổng thể đời sống để có thể giúp cho vị ấy đương đầu với những phức tạp đang gia tăng không ngừng.

Tất nhiên, kiến thức công nghệ sẽ không có phương hướng để giải quyết vấn đề bên trong chúng ta, những sức ép, xung đột tâm lý và chính vì chúng ta thu nhận kiến thức công nghiệp mà không có sự hiểu thấu tiến trình tổng thể của đời sống nên công nghệ đã trở thành một phương tiện để tự tiêu diệt chúng ta. Con người biết làm thế nào để chia chẻ bom nguyên tử nhưng nếu không có tình thương hiện hữu trong trái tim thì người ấy sẽ trở thành một quái vật."17

5. Tốc độ Tiến triển đến Thế giới hiện đại

Thế giới bây giờ chuyển nhanh với một tốc độ không thể tưởng tượng được trong thời hiện đại. Chúng ta thấy một sự chuyển đổi nhanh trong hoạt động và tổ chức của con người đến nổi những vấn đề đã trở thành vấn đề quốc tế. Nhưng có một sự kiện không thể chối bỏ là những thành đạt trong khoa học và kỹ thuật đã phá huỷ nếp sống đạo đức vững chắc và đã chuyển con người trôi dạt tới một thế giới xa lạ và khó khăn. Thế giới đang thay đổi nhanh đến không ngờ.

Thật ra, những thuận lợi trong khoa học đã mang sự giải phóng đến cho loài người và đã làm giàu thêm nền văn hoá của chúng ta chẳng hạn nó đã làm cho chân trời kiến thức rộng ra nhưng nó cũng làm cho cuộc sống chúng ta trở nên phức tạp và khó khăn ở nhiều lãnh vực nào đó.

6. Vấn đề Trao đổi Tư duy

Sự thành đạt của cái gọi là ‘Văn minh kỹ thuật khoa học’ của thế kỷ XXI đã làm cho các xã hội trên thế giới gần với nhau hơn trước đó và có thể đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của nhau hơn. Đặc biệt với sự thành đạt cao của kỹ thuật - khoa học - vi tính - không gian, phương Tây và Đông, phương Nam và Bắc đã có thể trao đổi lẫn nhau về tư duy, ý kiến, cũng như các mặt của đời sống như tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý và văn hoá… Họ có thể gặp nhau và trao đổi lẫn nhau trong một phạm vi rất lớn và sâu sắc mà trước đó chưa từng có và chính vì lý do đó mà nhà vật lý học Fritjof Capra thường gọi là ‘Hệ biến hoá’- một sự chuyển đổi sâu sắc trong tư duy, khái niệm và giá trị đã hình thành một cái nhìn đặc biệt về thực tế và ông đã cho một sự ghi chú ngắn về lịch sử của sự trao đổi như sau:

"Hệ biến hoá bây giờ đang chuyển đổi đã thống trị nền văn hoá của chúng ta vài hàng trăm năm, suốt trong thời kỳ đó nó đã hình thành xã hội phương Tây hiện đại và đã có ảnh hưởng đáng kể đến những phần còn lại của thế giới. Mô hình hệ biến hoá này bao gồm một số những ý tưởng, giá trị đã kết hợp với những dòng khác nhau của nền văn hoá phương tây, bao gồm sự Cách mạng khoa học, sự Khai sáng và Cách mạng công nghiệp. Chúng bao gồm lòng tin trong phương pháp khoa học như là một sự tiếp cận đúng đắn duy nhất đối với kiến thức, lòng tin về vũ trụ quan như là một hệ thống cơ khí bao gồm những khối hợp nhất vật chất cơ bản, sự tồn tại và lòng tin qua sự phát triển kỹ thuật và kinh tế để đạt được vật chất vô tận."18

Nhà xã hội học Pitirim Sorokin19đã chú giải mô hình hệ biến hoá hiện đại như là một phần của tiến trình nhất quán, một giao động liên tục của những hệ thống giá trị có thể thấy trong xã hội phương Tây. Sorokin đã bắt đầu thảo luận về việc đánh giá lại các giá trị mà không gì ngoài quỹ đạo thuyết động lực của văn hoá và xã hội.

Bảng I

Tuy nhiên, ngày nay trong quá trình biến đổi tìm hiểu lẫn nhau giữa những nền văn hoá đang tiếp tục ở vài nơi, thì sự hợp nhất của thế giới đã làm cho nhiều xã hội con người và ý thức hệ đa dạng càng nổi bật hơn, gây ra sự căng thẳng và đối kháng chưa hề thấy trong tất cả lãnh vực của đời sống. Thời đại toàn cầu sắp đến đang tạo ra mối bất đồng, tạo ra sự truy tìm cái gọi là đồng nhất hơn và hoà hợp hơn. Sự khác biệt, đối lập và mâu thuẫn giữa các ý thức hệ, những hệ thống giá trị và cách suy nghĩ đa dạng đã trở nên càng nhiều hơn trên khắp thế giới. Mỗi nền văn minh hay văn hoá được kết cấu với nhiều giá trị đa dạng, một số giá trị căn bản và một số thường thay đổi. Những giá trị và ý tưởng này có thể khác nhau thậm chí trong cùng một nền văn hoá ở bất cứ giai đoạn nào theo sự thay đổi bất thường của vị trí địa lý hoặc sự thay đổi thời gian theo hệ tư tưởng nổi bật của thời đại.

Xã hội con người một khi đã duy trì những mẫu tri thức và văn hoá của chính họ mà bây giờ đã kết hợp với nhau trong một dòng lớn mạnh xô đẩy của lịch sử thế giới, tạo thành những làn sóng vỗ hăm hỡ va mạnh dội ngược lại nhau. Sự đồng bộ hoá toàn cầu bằng những công nghệ vận chuyển và thông tin đòi hỏi tất cả mọi người đóng vai trò quan trọng trong diễn đàn chung của lịch sử thế giới và hy vọng rằng họ ý thức được vai tuồng của họ trên nghệ thuật sân khấu này. Tuy nhiên, chỉ sau khi những phân chia và đối lập được khắc phục thì chân trời tinh thần mới của nhân loại được mở ra: một cuộc sống chân thật hoà hợp với nhau.

Chúng ta biết rõ ràng lịch sử thế giới sẽ không đơn giản được thành lập nếu không có những lực lượng lao động của sự tiến bộ kỹ thuật khoa học và lực lượng hoạt động của tinh thần bên trong thâm tâm con người.

Làm thế nào để chúng ta tìm thấy một nền tảng tinh thần chung trong thế giới đa nguyên mà không làm tổn hại những đặc trưng độc đáo của mỗi truyền thống văn hoá và tinh thần? Đây cũng là một trong những vấn đề khẩn cấp mà nhân loại ngày nay đối mặt.

Hướng Đề nghị

1. Trách nhiệm Thế giới

Sự khủng hoảng của con người quá sâu sắc và gây kinh sợ đến nổi đã ảnh hưởng tất cả những lãnh vực xã hội trong những mối liên quan từ cá thể trong gia đình đến cộng đồng của cá thể đó, không nơi nào trên trái đất này thoát khỏi sự nguy hiểm của những vấn đề không thể rút lui đang đe dọa chính sự hiện hữu trên trái đất như vậy. Điều này bao gồm nhiều khái niệm mới của những mối quan hệ và ràng buộc trong xã hội đã tác động đến quan điểm giáo dục toàn cầu và chỉ điều này mới có thể làm giảm đi tính chất hạn hẹp của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bá quyền của cường quốc bắt nguồn từ những vòng lẩn quẩn của mối thù hận, nạn phân biệt chủng tộc và những thành kiến bóp chết bản chất thiện trong chúng ta, trong tất cả tôn giáo và trong văn hoá (góp phần hình thành những di sản phong phú cho mọi thời đại). Nếu chúng ta hy vọng mang hoà bình đến cho chính mình và người khác, thì chúng ta nên khép mình vào kỷ luật trong một cách nào đó để mang lại hạnh phúc và hoà bình chân thật.

Để hiểu những khủng hoảng văn hoá đa dạng, chúng ta cần phải chấp nhận một tầm nhìn rộng lớn và thấy chính mình trong ngữ cảnh của sự tiến hoá văn minh con người. Chúng ta phải chuyển quan điểm của chúng ta tới một hướng tốt đẹp hơn.

2. Khuynh hướng Tôn giáo

Như chúng ta thấy mặc dù kỹ thuật và khoa học đã có tiến bộ nhiều nhưng không thể chuyển đổi cảm hoá tâm trí con người. Khoa học có thể giải quyết những vấn đề tức thời, có thể nuôi dưỡng nhiều người, để mà có nhiều người hơn để nuôi dưỡng; Khoa học có thể kéo dài mạng sống con người nhưng ngược lại khoa học cũng có nhiều phương pháp hiệu quả hơn để phá huỷ mạng sống con người. Theo Robert F. Spencer trong tác phẩm ‘The Relation of Buddhism to Modern Science’(Mối quan hệ Phật giáo với Khoa học hiện đại) nói rằng:

"Quan điểm ngày nay cho rằng khoa học không gì khác hơn là một phương pháp và tìm cách đào sâu để đáp ứng những vấn đề và câu hỏi về trạng thái tuyệt đối của vận mệnh con người. Đây là quan niệm lầm lạc, vì nó hình thành một khoa học giáo điều mà nơi đó không có mặt của tác động tôn giáo."20

Vì vậy, mục đích của khoa học là vật chất để thỏa mãn tham vọng của con người hơn là tinh thần để cải thiện đạo đức con người. Để giải quyết những sự không thăng bằng hiển nhiên này giữa khoa học, công nghệ, đạo đức và tinh thần, thì không có cách nào khác là trở lại nền tảng của triết học đời sống mà A.J. Toynbee đã diễn tả như sau:

"Tôi tin rằng hình thức của một nền văn minh là sự biểu hiện tôn giáo của nó và đó là một nền văn minh được quyết định trên nền tảng tôn giáo."21

Nghĩa là tôn giáo ứng dụng cho những nhu cầu tinh thần của con người và là cơ sở của nền văn hoá nước đó như H.G. Wells đã trình bày rằng:

"Tôn giáo là phần trung tâm của nền giáo dục đã xác định tư cách đạo đức của chúng ta." 22

Kant, nhà triết học Đức nổi tiếng phát biểu rằng:

"Tôn giáo là những nguyên lý đạo đức như là luật lệ không được vi phạm." 23

Và thông điệp của Đức Phật về đời sống đạo đức tôn giáo như sau:

"Không làm các điều ác,
Gắng làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch.
Đó lời chư Phật dạy."

(Sabba pāpassa akaraṇam, kusalassa upasampadā, sacittapariyodapanaṁ, etaṁ buddhāna sāsanaṁ).24

Nói rộng hơn, chúng ta nên hiểu rằng tôn giáo nếu thật sự là tôn giáo cần phải lấy toàn con người làm trung tâm chớ không phải lấy một lãnh vực nào đó của đời sống con người. Con người tốt nghĩa là một người phải theo tôn giáo của mình, biết rằng sẽ không có hạnh phúc và hoà bình nào trên trái đất, khi nơi đó còn có sự nghèo nàn, đói khát, bất bình đẳng và đàn áp, nạn phân biệt chủng tộc, sự bất lực, sự không công minh, nổi sợ hãi, sự không tin cậy và nghi ngờ lẫn nhau. Lòng tự trọng không gây chiến tranh với kẻ khác là cần thiết đối với hạnh phúc như thực phẩm và nếu ở đó không còn có sự tự trọng thì họ không thể đạt được sự tiến triển đầy đủ nhân cách của họ.

Tuy nhiên, một sự kiện không thể phủ nhận rằng không phải tất cả tôn giáo đều hữu dụng và tốt cho mọi người. Nhưng lịch sử là một bằng chứng khi một tôn giáo nào đó thành công trong việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tu tập có thể thật sự dẫn con người đến thân và tâm an lạc, thì tôn giáo đó tồn tại và sống lâu dài. Tôn giáo đa nguyên cũng là một hiện tượng tôn giáo và văn hoá nổi bật trong thời đại chúng ta và một trong những vấn đề quan trọng được các nhà tôn giáo và nhà tư tưởng của mọi truyền thống đề cập đến. Tôn giáo đa nguyên là một vấn đề thông thường thách thức với mọi tôn giáo trong kỷ nguyên của chúng ta nhưng mức độ nghiêm trọng và sự thách thức của nó thì không phải là đồng nhất tất yếu với tất cả tôn giáo.

Tuy nhiên, đứng về phương diện khác biệt giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo, mặc dù trong vài thế kỷ trước kia, Thiên chúa giáo đã đương đầu với vấn đề tôn giáo đa nguyên, và trong vài thế kỷ gần đây, hưởng được sự độc quyền tôn giáo ở Châu âu và Châu mỹ. Chỉ mới đây, với sự sụp đổ quan điểm Châu âu trung tâm thế giới và sự phát triển nhanh của quan hệ tương tác quốc tế trong nhiều lãnh vực của cuộc sống con người, những tín đồ Cơ đốc đến và lần nữa thấy thực tế mạnh mẽ của tôn giáo đa nguyên. Họ mới nhận ra sự tồn tại tín ngưỡng và giá trị của những hệ thống tôn giáo-không phải Thiên chúa giáo, không chỉ ở các nước ngoài mà còn ở Châu âu và Châu mỹ. Thế là đối với những tín đồ Cơ đốc, tôn giáo đa nguyên bấy giờ đã xuất hiện như là một thách đố trầm trọng đối với thuyết một thần của Thiên chúa giáo.

Mặc khác, Phật giáo ngang qua lịch sử lâu dài đã tồn tại và trải rộng khắp Châu á trong một bối cảnh đa tôn giáo: ở Ấn độ, Phật giáo đã cùng tồn tại với Bà-la-môn giáo, đạo Loã thể và nhiều hình thức khác của đạo Hindu; ở Trung hoa, Phật giáo kết hợp với Khổng giáo và Lão giáo; ở Nhật bản, Phật giáo hoà nhập với Shinto và Khổng giáo... Vì vậy, đối với hầu hết các Phật tử, ‘đa tôn giáo’đã không làm chấn động như các con chiên Thiên chúa giáo.25

Trong sự nối kết để giải quyết những vấn đề không thăng bằng trong tôn giáo, khoa học, kinh tế… ở trên, Albert Einstein - nhà khoa học nổi tiếng với Thuyết Tương đối của thế kỷ XX đã có lời khuyên rất khôn ngoan rằng chúng ta nên kết hợp tôn giáo và khoa học như sau:

"Khoa học chỉ được sáng tạo từ những người hoàn toàn hướng đến chân lý và hiểu biết. Song điều này xuất phát từ phạm trù tôn giáo và từ niềm tin về những quy luật giá trị phù hợp với cuộc sống thực tại, nghĩa là có thể lý giải để suy luận. Tôi không thể hiểu một nhà khoa học chân chính lại không có lòng tin sâu sắc đó. Trạng thái này có thể diễn tả qua hình ảnh: khoa học không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không có khoa học thì mù loàø." 26

Trong khi Trevor Ling, giáo sư dạy môn Tôn-giáo-học ở trường đại-học Manchester tự hỏi rằng: "Sau cuộc chạm trán này, tôn giáo nào có thể thích hợp nhất?" Theo ông ta, thật là rất hữu dụng để trả lời câu hỏi này với sự tham khảo về Phật giáo. Một, bởi vì Phật giáo là một mẫu tôn giáo được nhiều người công nhận là tương hợp với xu hướng thế tục hiện đại hơn là các tôn giáo khác và mặt khác, cuộc gặp gỡ với chủ nghĩa thế tục, sự biến cải tư tưởng của nó đối với Phật giáo như là sự thử thách và điều này đối với các tín đồ tôn giáo khác kể cả Phật tử có vẽ có ý nghĩa đáng kể.27Cũng cùng ý này, Tiến sĩ Radhakrishman đã nhấn mạnh rằng:

"Phật giáo thu hút được tư tưởng hiện đại, bởi lẽ Phật giáo là khoa học thực nghiệm và không dựa trên bất cứ giáo điều nào."28

3. Khuynh hướng Cụ thể của Phật giáo

Thiết nghĩ, điều mà chúng ta cần để khắc phục những khủng hoảng đa dạng là không chỉ bằng năng lực mà còn là sự thay đổi sâu sắc về giá trị, thái độ và cách sống tương ứng với hoàn cảnh hiện tại, Phật giáo (佛 教) đặc biệt Đại-thừa (大 乘) hoặc Bồ-tát thừa (菩 薩 乘) với học thuyết Tánh-không (空 性) và Từ bi (慈 悲) dường như là thích hợp với điều này.

Nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể thấy có hai khái niệm rất sâu sắc, tế nhị và ảnh hưởng rất nhiều đến các kinh điển Đại-thừa (大 乘 經), đó là khái niệm Bồ-tát (菩 薩) và Tánh-không (空 性) như kinh Kim-cang bát-nhã ba-la-mật (金 剛 般 若 波 羅 密 經) dạy rằng: "Chưa bao giờ rời bỏ tất cả chúng sanh và thấy như thật các pháp là không."29

Vào khoảng thế kỷ I, II trước tây lịch (sau khi Đức Phật nhập niết bàn 3, 4 thế kỷ), Đại-thừa đã bắt đầu phát triển và học thuyết Bồ-tát (Bodhisattva) được kế thừa từ khái niệm Bồ-tát (Bodhisatta) trong kinh điển Pāli trở thành lý tưởng chủ đạo đóng vai trò chính trong phong trào Đại-thừa này. Học thuyết Bồ-tát được từ từ chuyển đến phía Đông-bắc như Châu á, Đại hàn, đặc biệt là ở Trung hoa, Nhật bản và Việt nam… Và quan điểm của lý tưởng Bồ-tát (菩 薩 理 想), một hình thức của Đại-thừa Phật giáo được chào đón và ảnh hưởng rộng đến mọi tầng lớp của đời sống qua các mặt tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý và văn hoá từ thời cổ đại đến thời hiện đại như Edward Conze đã nói rằng có hai điều cống hiến lớn mà Đại-thừa đã cống hiến cho tư tưởng nhân loại là việc sáng tạo ra lý tưởng Bồ-tát và chi tiết hóa học thuyết Tánh-không.30

Tuy nhiên, có nhiều điều mà chúng ta cần phải khẳng định để hiểu sâu hơn về mục đích của Phật giáo cũng như ý nghĩa và sự thích ứng của khái niệm Bồ-tát và Tánh-không này như sau:

a. Quan điểm không Giáo điều

Như chúng ta biết, Thiên chúa giáo là một tôn giáo cứu rỗi trong khi đạo Phật là con đường tuệ giác. Nói một cách khác, sự giải thoát của Thiên chúa giáo là cứu giúp khỏi tội lỗi ngang qua vị Cứu tinh, dựa trên những giáo điều nào đó mà tín đồ phải tin tưởng nếu họ ước mơ được lên thiên đàng sau khi chết. Trong tín điều của Apostle đã liệt kê những lòng tin như vậy và trong ‘Crossing the Threshold of Hope’, John Paul II đã đưa ra nhiều tín điều và tuyên bố rằng chúng là tối hậu mà những con chiên Thiên chúa giáo chỉ phải tuân theo hoặc từ chối.

Và cũng trong những tôn giáo phương Tây, người ta tin rằng Chúa trời có những thuộc tính của công lý, hoặc sự công bằng như quan toàn, hoặc tình yêu hoặc lòng nhân từ, tha thứ. Chúa trời là suối nguồn công lý, như vậy mọi điều Chúa trời làm đều được tin cậy là đúng đắn. Lời phán quyết hoặc giáo điều của Chúa trời là hoàn toàn đúng tuyệt đối, nhân quyền chỉ được định nghĩa dưới sự phán xử của Chúa trời.

Khái niệm công lý hoặc sự công bằng là một thanh gươm hai lưỡi. Một mặt, nó giúp mọi thứ phải đúng theo thứ tự, nhưng mặt khác nó phân biệt rõ ràng giữa chính và bất chính, hứa hẹn cho người chân chính một hạnh phúc vĩnh viễn, nhưng sẽ kết án người bất chính bị sự trừng phạt vĩnh cửu. Hơn nữa, Chúa trời trong những tôn giáo Xê-mít không chỉ là một Chúa trời tuyệt đối trong ý nghĩa bản thể học mà còn là một vị Chúa trời đích thực và sống động, người đã dạy con người qua sách Phúc âm của Chúa và yêu cầu con chiên phải đáp lại.

Theo học thuyết của một số tôn giáo, ngang qua lòng tin tuyệt đối vào đấng Sáng tạo hoặc Chúa trời, sự truyền thông giữa những tín đồ và Chúa trời hoặc đấng sáng tạo được thành lập và những con chiên sẽ được ngài ban ân cho may mắn hay hạnh phúc trong hiện tại cũng như tương lai.

Đức Phật không ủng hộ quan điểm cho rằng những nghi lễ và nghi thức của tôn giáo là phương tiện duy nhất cho con người giải thoát.

Theo Đức Phật, sự phát triển giới-định-tuệ là những yếu tố quan trọng trong đời sống phạm hạnh đưa đến giải thoát tối hậu.

Ngài đã chỉ ra rằng người có đạo phải sống một đời sống vô hại, không thể chê trách, kính trọng, đứng đắn, cao thượng và thanh tịnh. Hành động cầu nguyện dâng cúng lễ vật hoặc tuân theo tín điều bản thân nó không làm cho con người thành có đạo hoặc đạt được sự hoàn thiện giải thoát.

Đức Phật khuyên chúng ta tránh xa những hành động tội lỗi. Như thế sẽ mang lại an lạc cho các chúng sanh chớ không phải bởi vì sợ Chúa trời hay sợ bị phạm vào những giới điều của Chúa.

Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, người đã chỉ cho con người có lòng tin vào trí tuệ của chính mình. Người đã khuyên chúng ta không nên trở thành nô lệ cho những đối tượng bên ngoài, trái lại phải phát triển những năng lực ẩn tàng bên trong chúng ta với lòng tự tin.

b. Quan điểm Trí tuệ

Điều mà chúng ta gọi là trí tuệ, đó là sự hiểu và suy nghĩ đúng để thấy các pháp như thật. Trong kinh Pháp-cú, Đức Phật đã nhận thức về hậu quả của người không có trí tuệ như sau:

"Đêm dài đối với kẻ mất ngủ, đường xa đối với lữ khách mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi vô tận đối với người ngu không hiểu chánh pháp tối thượng."

(Dīghā jāgarato ratti, dīghaṁ santassa yojanaṁ,
dīgho bālānaṁ saṁsāro, saddhammaṁ avijānatam).
31

Đây là tiếng than van thống thiết của người tìm cầu hạnh phúc, chân lý tối hậu vĩnh viễn. Chính sự khát ngưỡng này là một cảm hứng sống động cho sự xuất hiện các nguyên lý triết học, đạo đức, tâm lý cũng như những tư tưởng tôn giáo trên thế giới.

Nếu ý nghĩa của trí tuệ này là vâng theo ý Chúa trời nghĩa là lòng tin, là tín điều căn bản của các tôn giáo khác thì Đức Phật dạy rằng lòng tin như vậy không hướng dẫn Phật tử tiêu diệt các phiền não, hoài nghi, khát ái, phiền não và đau khổ, cũng không dẫn con người đi đến hạnh phúc chân thật. Lòng tin mà chỉ dựa vào trí tuệ, tu tập, tự kinh nghiệm và nỗ lực của chính bản thân thì vị ấy mới có thể tự từ bỏ đau khổ để duy trì thế giới hạnh phúc, thịnh vượng và hoà bình cho vị ấy và mọi người trên hành tinh này. Đó là lý do K.N. Jayatillaka trong tác phẩm nổi tiếng ‘Early Buddhist Theory of Knowledge’ (Tri thức luận trong Phật giáo Nguyên thủy) đã viết rằng:

"Đối với người có trí, Đức Phật dạy rằng không nên chấp nhận lời tuyên bố của bất cứ ai dựa trên quyền lực mà không xem xét nó trước. Vị ấy hãy nên quán sát nó bằng chính trí tuệ và kinh nghiệm của chính mình với mục đích quán chiếu mối quan hệ của chúng đối với chân lý, rồi mới chấp nhận. Và nhất định chỉ trả lời bằng kinh nghiệm của chính mình."32

Trong kinh Trung bộ có một câu rất hay để biện chứng cho vấn đề trí tuệ như sau: ‘Chánh pháp của ta không phải là đến để tin mà đến để thấy và tu tập’. Rõ ràng rằng thông điệp này rất đơn giản, đầy ý nghĩa và thực tiễn, đã chứng minh Đức Phật đánh giá cao khái niệm ‘biết và thấy’ hơn là ‘thuần lòng tin’ và đây là một trong những điểm khác nhau giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Đức Phật dạy thêm rằng:

"Ai đầy đủ trí và hạnh sẽ là bậc tối cao giữa trời và người."
(Vijjācaraṇa-sampanno so seṭṭho devamānuse).
33

c. Lòng Tin

Trong Phật giáo, không có nghi thức trang trọng của ‘lễ rửa tội’ mặc dù có hơi giống với hình thức ‘quy y’ của Phật giáo. Thật ra, lễ quy y cũng chỉ là phương tiện để những Phật tử chấp nhận Đức Phật như một bậc thầy chỉ đường, chánh pháp như chân lý như thật hay con đường đi đến đời sống giải thoát an lạc và tăng chúng là những vị đi theo con đường phạm hạnh đó.

Niềm tin (Saddhā, 信 心) của Phật tử đồng nghĩa với niềm tin có trí tuệ dẫn dắt tin tưởng ba ngôi báu (Tam bảo) là nơi xứng đáng nương tựa. Nơi đây không có lòng tin mù quáng, cũng không có phải ‘tin hoặc bị đọa đày’. Thật ra, có những trường hợp khi đệ tử của những đạo sư này từ bỏ thầy của họ và hướng lòng trung thành của họ muốn đến quy y với Đức Phật. Đức Phật đã can ngăn và khuyên họ nên suy nghĩ kỹ hơn nữa. Khi họ cứ khăng khăng theo ý họ thì Đức Phật khuyên họ nên tiếp tục gieo trồng công đức và tín tâm vào các bậc thầy của họ.

Đoạn văn bất hủ trong kinh Kālāma đã dạy bài học đáng ghi nhớ như sau:

"Này Kālāma, ông có thể nghi ngờ, có thể lưỡng lực. Hãy để vấn đề nghi ngờ khởi lên. Này Kālāmas hãy tự hỏi mình: Chớ có tin vì nghe theo lời người ta nói, hoặc do đồn đại, hoặc do kinh tạng truyền tụng. Chớ có tin vì đó là sự bắt chước, hợp lý hoặc sự suy diễn cạn cợt. Chớ có tin vì đó là sự phù hợp với chủ trương, hoặc xuất phát nơi có quyền uy hoặc vì bậc sa môn là thầy của mình. Nhưng Kālāmas, khi chính ông tự biết: những điều này là không ích lợi, đáng khiển trách, bị người trí phê bình; những điều này khi thực hành sẽ góp phần sinh ra sự mất mát và đau buồn thì thật sự nên từ bỏ chúng, Kālāmas."34

(Alaṁ hi vo Kālāmā kaṇkhituṁ alaṁ vicikicchituṁ. Kaṇkhāniye va pana vo ṭhāne vicikicchā uppannā. Etha tumhe Kālāmā mā anussavena mā paramparāya mā itikirāya mā piṭakasampadānena mā takkahetu ma nayahetu mā ākāraparivitakkena mā diṭṭhinijjhānakkhantiyā, mā bhavyarūpatāya mā samaṇo no garū ti, yadā tumhe Kālāmā attanā va jāneyyātha—ime dhammā akusalā ime dhammā sāvajjā ime dhammā viññgarahitā ime dhammā samattā samādinnā ahitāya dukkhāya saṁvattantī ti—atha tumhe Kālāmā pajaheyyātha).35

Một bằng chứng không thể tranh cải được là con người có quyền tự do lựa chọn. Điều này đã trình bày khá dứt khoát, ở đây không có sự chấp nhận do dựa trên nền tảng của truyền thống, hoặc quyền lực của bậc đạo sư, hoặc bởi vì quan niệm này được số đông hay những người nổi tiếng… chấp nhận. Mọi vấn đề đều phải được cân nhấc, thực nghiệm và đánh giá liệu là nó thật hay sai trong ánh sáng của chính sự tin chắc của mình. Nếu điều đó là sai thì chúng ta không nên chối bỏ thẳng thừng mà để xem xét lại. Chẳng những nghi ngờ không coi là một cái tội trầm trọng mà còn được khuyến khích một cách tích cực.

Đó là quan điểm về lòng tin của Phật giáo.

d. Quan điểm về Con người

Thật ra, thế giới ngày nay rối rắm với những sự hiểu sai về ý thức hệ, chủng tộc, tôn giáo, chính trị và xã hội. Để giải quyết những vấn đề phức tạp này, con người (我) đóng vai trò trung tâm và chủ yếu. Con người hẳn phải biết mình và chính mình là kiến trúc sư xây dựng vận mệnh của mình chớ không ai khác như kinh Pháp cú minh hoạ như sau:

"Chính mình là chỗ nương cho mình, chứ làm sao nương người khác được? Tự mình tu tập đầy đủ sẽ đạt đến chỗ nương tựa cao quý."

(Attā hi attano nātho, ko hi nātho paro siyā?
attanā‘va sudantena nātham labhati dullabhaṁ.)
36

Cũng giống ý trên, một bài kệ khác trình bày như sau:

"Bởi chính ta làm điều ác, bởi chính ta làm ô nhiễm. Bởi chính ta mà điều lành được làm, bởi chính ta mà thanh tịnh. Thanh tịnh hay ô nhiễm đều do mình, chớ không ai có thể làm cho người khác thanh tịnh được."

(Attanā‘va kataṁ papaṁ attanā saṇkilissati;
attanā akataṁ papaṁ attanā‘va visujjhati;
Suddhī asuddhī paccattaṁ; nāñño aññaṁ visodhaye).
37

Vì vậy, con người có khả năng tạo ra mọi điều tốt đẹp nếu vị ấy biết thế nào để phát triển và điều khiển tâm đúng đắn. Nhiều người vẫn cứ khư khư chấp lấy quan niệm sai lầm, đặc biệt là đạo Bà-la-môn và Thiên chúa giáo đã tuyên bố rằng mọi vật trên thế giới này liệu là tồn tại hay không tồn tại, tốt hoặc xấu, may mắn hoặc không may mắn… tất cả đều từ năng lực của Đấng sáng tạo tối cao. Đấng sáng tạo duy nhất này có năng lực thưởng phạt, hoặc con người trên hành tinh này là những chúng sanh đau khổ cần phải được năng lực siêu nhiên cứu rỗi.

Và dường như rằng theo các tôn giáo hữu thần như Thiên chúa giáo và Hindu giáo, Bồ-tát trong Phật giáo được xem giống như Chúa trời là người có thể cứu và giải thoát đau khổ của chúng sanh trên hành tinh này. Đây là sự hiểu sai lầm trong pháp thoại của Đức Phật sẽ đưa đến sự suy giảm Phật giáo nếu không có sự điều chỉnh kịp thời. Giải pháp chính yếu nhấn mạnh rằng chúng ta phải điều chỉnh quan điểm và lòng tin rằng vị trí con người trong Phật giáo là tối thượng bởi vì con người có ba phẩm chất: trí nhớ, cách đối xử tốt và tính kiên nhẫn. Trí nhớ của con người mạnh hơn các loài khác. Biết kềm chế nhục dục tham đắm, thực hiện hành động đạo đức vì lợi ích của người khác, thường hy sinh lợi ích bản thân mình là điều đặc biệt trong cách cư xử của con người. Con người có khả năng chịu đựng nhiều đau khổ và khắc phục hầu hết bất cứ khó khăn nào tồn tại trong thế gian này. Ý chí và kiên nhẫn là phẩm chất tối cao khác mà con người sở hữu. Nói một cách khác, con người là chủ nhân ông của chính mình và không có chúng sanh hoặc năng lực nào cao hơn có thể phán xét vận mệnh của vị ấy.

Bởi vì những tánh cách này, Đức Phật dạy, khuyến khích và khuyên chính mỗi con người phải phát triển bản thân mình để đưa đến sự giải thoát của chính mình. Con người có năng lực giải thoát mình khỏi những ràng buộc qua sự nỗ lực và trí tuệ của chính mình.

Từ nền tảng ấy, chúng ta nhớ rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo trong ý nghĩa như mọi người hiểu, vì Phật giáo không phải là hệ thống của lòng tin và thờ phượng. Trong Phật giáo, không có những điều như lòng tín trong giáo điều, lòng tin vào Đấng cứu rỗi, Đấng sáng tạo ra vũ trụ, thực thể của một linh hồn bất tử hoặc thiên sứ - người thực hiện theo mệnh lệnh của Chúa. Trong Phật giáo, có nhiều Bồ-tát (菩 薩) được xem như là chư thiên (諸 天) hoặc thánh thần, nhưng bồ tát là những chúng sanh giống như chúng ta bị chi phối bởi luật sanh và diệt, nhân và quả. Bồ tát không phải bất tử, cũng không phải thống lĩnh và làm chủ định mệnh của nhân loại. Đức Phật đã không yêu cầu chúng ta chấp nhận lòng tin vào bất cứ đấng tối cao nào hoặc bất cứ điều gì mà không trải qua sự thực nghiệm của chính mình.

e. Quan điểm Tánh-không

Giáo sư Masao trong tác phẩm Buddhism and Interfaith Dialogue (Đối thoại về Đạo Phật và Lòng tin) đã kịch liệt phản đối những suy luận không hoàn chỉnh của đa số các nhà phê bình phương Tây khi bàn luận về tôn giáo trong một cách tương phản giữa thần học tự nhiên và đạo đức (C.P.Tile), giữa tôn giáo huyền bí và tiên tri (F.Heiler) và giữa tôn giáo phiếm thần và một thần (W.F. Albright A. Lang). Đưa ra những sự tương phản như vậy, những nhà phê bình phương Tây nói chung đã bàn luận về những đặc điểm lớn của Đạo Do thái-Thiên chúa giáo-Hindu giáo và ngược lại, tất cả tôn giáo khác có nguồn gốc xuất phát ở phương đông.

Bằng phương pháp này, các học giả phương Tây đã tìm thấy sự khuây khoả trong việc hình thành một cuộc đánh giá tương đối để ước lượng những phẩm chất của một tôn giáo, mà ít quan tâm đến liệu sự tiếp cận này đã làm xáo trộn họ khi tìm hiểu những tôn giáo trong tinh thần xác thật của những nhà sáng lập đề xướng và sự phong thánh được truyền đạt qua phương tiện truyền khẩu. Sự kết tập kinh điển ở thời điểm sau khi Đức phật nhập diệt, trước hết trong hình thức kinh tạng, rồi luật tạng. Khoảng thời gian giữa cuộc kiết tập lần thứ nhất và sự thành lập kinh điển, giữa kinh tạng tồn tại hiện nay và như khi được biên tập ở thời ban đầu là hoàn toàn không rõ ràng. Kinh và luật tạng là những nguồn tài liệu chính của việc nghiên cứu hiện đại về Phật giáo Nguyên thuỷ.

Thật ra, về bản chất Phật giáo không chủ trương Đấng tuyệt đối là siêu việt hơn con người. Thay vì vậy, Đức Phật dạy lý 12 Nhân duyên hoặc gọi là Duyên khởi (緣 起, 因 緣 生 起). Lý Duyên khởi nhấn mạnh tất cả các pháp trong và ngoài vũ trụ này là tuỳ thuộc lẫn nhau, cùng đồng sanh và đồng diệt với tất cả các pháp khác (chẳng những về mặt hiện tượng mà cả về bản thể). Không có gì tồn tại độc lập hoặc có thể nói là tự tồn tại. Cho nên, các pháp là tương đối, liên quan, không thực thể và thay đổi. Ngay cả Đức Phật cũng không tự tồn tại mà phải hoàn toàn có mối liên hệ qua lại với con người và thiên nhiên. Đấy là tại sao mà Đức Phật Cù-đàm (瞿 曇 佛), nhà sáng lập ra Phật giáo đã không chấp nhận Kinh Vệ-đà của Bà-la-môn giáo, vì tin rằng có một thực thể duy nhất trong vũ trụ. Tương tự như vậy, Phật giáo không chấp nhận khái niệm thuyết một thần của Đấng tuyệt đối như là một thực thể tối hậu, thay vì đó chủ trương Tánh-không và Chân như (真 如) như là một thực thể.

Tánh-không (空 性) là một thực tế tối hậu hay là một phương pháp tu tập cụ thể của Phật giáo. Nghĩa đen là ‘không’ hoặc ‘trống rỗng’ và có thể biểu thị cho ‘Tánh-không tuyệt đối’. Bởi vì Tánh-không là hoàn toàn không có đối thể, không có khái niệm và không thể đạt được do lý luận hoặc ý chí. Nó cũng chỉ ra sự vắng mặt của ngã và pháp. Nó vượt ra ngoài nhị biên mà cũng bao gồm chúng.

Tuệ giác Tánh-không là không chấp vào chúng sanh và Đức Phật, luân hồi (輪 迴) và niết bàn (涅 槃)... Như thế, không có Đức Phật cũng không có niết bàn và cũng không có sự giác ngộ của Tánh-không, bản thể các pháp – đó là tuệ giác Tánh-không tối hậu.

Tuệ giác Tánh-không của các pháp không có chủ thể là không ngoài lý Duyên khởi (緣 起, 因 緣 生 起). Chỉ khi nào hiểu được các pháp thế gian không có thực thể cố định (mặc dù nó có tánh cách tạm thời, biến đổi) và các pháp này tương quan lẫn nhau thì mới giác ngộ được lý nhân duyên. Chúng ta đã lâu đời thực thể hoá các pháp cũng như tự ngã như thực thể chúng ta và các pháp là thường còn vĩnh viễn và không thay đổi, thực thể hoá tự ngã (dẫn đến chấp ngã) và thực thể hoá tôn giáo của tự ngã (đưa đến chủ nghĩa tôn giáo). Thực thể hoá này và những tâm chấp thủ là nguồn gốc tạo ra đau khổ cho chúng ta. Phật giáo nhấn mạnh sự tỉnh thức Tánh-không (空 性), sự không bản thể của mọi pháp bao gồm ngã và ngay cả bản thân Đức phật để có thể giải thoát khổ đau. Do đó, Đức Phật chủ trương vô ngã (無 我) và tỉnh thức các pháp (法), hơn là lòng tin vào Đức Phật (佛 陀).

Với ý nghĩa đó, tác giả muốn trình bày Phật giáo hiện tại ngang qua tác phẩm với tựa đề: Bồ-tát và Tánh-không trong Kinh tạng Pāli và Đại-thừa.

3. Biện pháp Giải quyết

Trong phần này, chúng ta cần phải khẳng định một điểm then chốt là khái niệm Bồ-tát được coi như là một con người với nghiệp của chính mình ở cõi đời này như những người khác, nhưng vị Bồ-tát bằng chính sự nỗ lực của mình (không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài) tu tập theo phương pháp cụ thể và thực tế – Tánh không – do Đức Phật khám phá và hướng dẫn, đã vượt qua những xung đột bên trong tâm (nghiệp xấu, 業 và đau khổ, 苦) và những khủng hoảng bên ngoài (chiến tranh, dân số tăng, ô nhiễm môi trường, tai hoạ, suy thoái đạo đức…) để có thể thay đổi trạng thái mất thăng bằng và để tất cả cùng sống với nhau trong một thế giới bình an, thịnh vượng và hạnh phúc.

Để hiểu vấn đề này, chúng ta không nên xem Bồ-tát như một chư thiên (諸 天), thánh thần hoặc một thực thể vĩnh viễn để có sự hiện hữu thực cho mục đích thờ phượng, mà Bồ-tát chỉ là một tính chất tượng trưng của Phật pháp (佛 法) do các vị tổ sáng suốt tạo ra sau khi Đức Phật nhập niết bàn, để thoã mãn nhu cầu tôn giáo của các Phật tử và để duy trì Phật giáo tương ứng với hoàn cảnh ‘thuyết đa thần’ hoặc ‘đa tôn giáo’ xuất hiện trong một hay nhiều xã hội mà ở một giai đoạn lịch sử nào đó tại Ấn độ và các nước Châu á.

Và khái niệm Tánh-không là phương pháp tu tập truyền thống của Bồ-tát trong đạo Phật để giác ngộ thực thể của đời sống và vũ trụ, cá thể và môi trường, tinh thần và vật chất... mà tất cả cùng cộng sanh và cộng diệt bởi lý Duyên khởi. Điều này đã phủ định sự hiện diện của một Đấng sáng tạo và giúp cho chúng ta một cái nhìn khách quan và khoa học hơn về thế giới hiện hữu liên quan tới lý nhân duyên. Nói một cách khác, nơi đây không có một cái gì tự sáng tạo và tự tồn tại, mà pháp này phải tuỳ thuộc với những pháp khác. Tất cả ngã, nhân, pháp, yếu tố… trong thế giới này được định đoạt bởi lý duyên khởi, dưới hình thức của sự sanh, thành, hoại và diệt. Con người là một vũ trụ nhỏ. Con người được tồn tại không chỉ bởi vị ấy mà bởi sự hoạt hoá của luật biến đổi vô thường.

Với ánh sáng của Tánh-không, Bồ-tát là một con người, có thể vượt qua mọi chấp thủ của những tà kiến, tà tư duy, những hệ thống chính trị, phong tục, cách sống, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, giới tính và môi trường…, và với tuệ giác Tánh-không, chúng ta có thể trả lời cho những khái niệm sai lầm về Phật giáo, thượng đế, ngã, con người, nghiệp, thế giới… với những câu hỏi chẳng hạn như: ‘Tôi là ai?’, ‘Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?’, ‘Tại sao con người lại sanh, già, bịnh, chết?’, ‘Con người sẽ đi đâu sau khi chết?’, ‘Thế giới này là tạm bợ hay thường hằng?, ‘Ai tạo ra thế giới ?’vv… và từ đó, con người trong nhiều đất nước hay nhiều tôn giáo có thể liên kết với nhau trong mối quan hệ thân thiết, có thể ngồi lại cạnh nhau, thông cảm và yêu thương lẫn nhau để cùng xây một thế giới tốt đẹp hơn.

*

GHI CHÚ:

3Trevor Ling, Buddha, Marx and God, London, 1979, trang 5-6.

4Fritjof Capra, The Turning Point, London, 1982, trang 1.

5Như trên, trang 2-3.

6Xem Hoà thượng K. Sri Dhammananda, ‘What Buddhists Believe’, CBBEF, Taipei, 1999, trang 285.

7Cùng trang sách đã dẫn.

8Như trên.

9Edward J. Kormondy, Concept of Ecology, New Delhi, 1991, trang 246.

10Fritjof Capra, The Turning Point, London, 1982, trang 3.

11Paul R Ehrlich and Anna H. Ehrlich, Population Resources Environmental, San Francisco, 1972, trang 147.

12Cùng trang sách đã dẫn.

13Trevor Ling, Buddha, Marx and God, London: 1979, trang 5.

14Erich Fromm, Psychoanalysis and Zen Buddhism, trang 79.

15Trover Ling, như trên, trang 6.

16Minh Chi-Hà Thúc Minh, Đại Cương Triết Học Đông Phương, Trường Đại học Tổng Hợp, TPHCM, 1993, trang 32-3.

17J. Krishnamurti, Education and the Signification of Life, 1994, trang 19.

18Như trên, trang 17.

19Pitirim A. Sorokin, Social and Cultural Dynamics, 4 tập, New York, 1937-41.

20Ed. Buddhadasa P. Kirthisinghe, Buddhism and Science, Delhi, 1996, trang 18.

21A. Toynbee - Daisaku-Ikeda, Man Himself Must Choose, Tokyo, 1976, trang 288-0.

22Hoà thượng Dr. K. Sri Dhammananda, Buddhism as a Religion, Malaysia, 2000, trang 7.

23Hoà thượng Dr. K. Sri Dhammananda, Buddhism as a Religion, Malaysia, 2000, trang 7.

24Dhammapala, câu 183, trang 97-8.

25Masao Abe, Buddhism and Interfaith Dialogue, ed. by Steven Heine, Hong Kong, 1995, trang 17-8.

26Albert Einstein, Ideas and Opinions, London, 1973, trang 46.

27Xem chi tiết trong ‘Buddha, Marx and God’, như trên, trang 8-9.

28Wang Chi Buu, "A Scientist’s Report on Study of Buddhist Scripture", CBBEF, Taipei, R.O.C.

29Edward Conze, Buddhism: Its Essence and Development, Delhi, 1994, trang 130.

30Edward Conze, Thirty Years of Buddhist Studies, London, 1967, tr. 54.

31Dha, câu 60, trang 33-4.

32K.N. Jayatillaka, Early Buddhist Theory of Knowledge, 1963, trang 391.

33Trích trong The Nature of Buddhist Ethics, Damien Koewn, London, 1992, p. vii.

34BGS, tập I, Chương Ba pháp, Phẩm 5, Mục 66. Salha, số 7, trang 171-2.

35A, tập I, trang 189.

36Dha, câu 160, trang 83-4.

35Dha, câu 165, trang 87-8.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com