Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Thứ Tư: A Nan Nghi “Chơn Tâm” Đồng Với Thuyết “Tự Nhiên” Của Ngoại Đạo

02/04/201110:17(Xem: 9119)
Chương Thứ Tư: A Nan Nghi “Chơn Tâm” Đồng Với Thuyết “Tự Nhiên” Của Ngoại Đạo

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI
SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Một

Chương Thứ Tư - A Nan Nghi “Chơn Tâm”
Đồng Với Thuyết “Tự Nhiên” Của Ngoại Đạo


A Nan bạch Phật rằng :


- Bạch Thế Tôn! Đúng như lời pháp vương dạy : tâm tánh cùng khắp mười phương thế giới, yên lặng thường trụ, không có sinh diệt. Song nếu đem lời dạy này, so sánh với thuyết của Phạm Chí Sa Tỳ Ca La về “minh đế” và thuyết của bọn ngoại đạo Đầu Khôi về “chân ngã” khắp cùng, khác nhau chỗ nào?


Vào thời Đức Phật còn tại thế đã có trên 96 tôn giáo với rất nhiều giáo điều khác nhau. Vì thế không có gì ngạc nhiên trước khi thời Đức Phật đã có và ngay cả vào thời với Đức Phật cũng có rất nhiều dị phái triết gia đưa ra những chủ thuyết để giải thích nhân sinh và vũ trụ quan dựa theo sở kiến của họ. Chủ thuyết thì nhiều, nhưng đại để có những tư tưởng chính như sau :


1) Nhóm phạm chí Satìcala : Nhóm này chủ trương rằng có một minh đế tạo ra vạn vật trên thế gian này. Minh đế là một đấng thiêng liêng có công năng sáng tạo ra tất cả vạn vật mà con người không thể thấu biết được mà nhóm này gọi là đại ngã. Còn tất cả chúng sinh trong thế gian này là tiểu ngã. Do đó minh đế sinh ra tiểu ngã và sự tiến hóa cùng cực của tiểu ngã sẽ nhập vào đại ngã này. Chính Đức Phật không hề nói đến tiểu ngã hay đại ngã vì giáo lý Đức Phật dạy chúng sinh phá cho được ngã chấp và pháp chấp thì tâm sẽ được an trụ vĩnh viễn nơi tự tánh Niết bàn.


2) Nhóm thứ hai lại chủ trương thần ngã : Nhóm này có tên là “Đầu Khôi” và họ tin rằng từ thần ngã mới sinh ra vạn vật bao gồm cả con người.


3) Nhóm thứ ba đề xướng thuyết “Tự Nhiên” : Họ lý luận rằng vạn vật trên thế gian này tự nhiên sinh chớ không có nguyên nhân hay quả báo gì cả. Cùng thời với Đức Phật, ở Trung Hoa có Lão Tử cũng đề xướng thuyết “Tự Nhiên” như vậy. Thuyết này lý luận rằng con người, vạn vật, thế gian vũ trụ tự nhiên sinh, tự nhiên diệt, tự nhiên có mưa, tự nhiên có nắng. Thử hỏi nếu không ăn con người có tự nhiên được no không? Không đi làm tự nhiên tiền của có vào nhà mình không? Không học, không nghiên cứu tự nhiên có biết được không? Đức Phật phủ nhận hoàn toàn thuyết này mà đưa ra thuyết duyên khởi, nhân quả luân hồi. Đó là con người bây giờ là thọ báo của những tác nhân mà chính họ đã tạo ra từ những kiếp quá khứ chớ không phải tự nhiên mà có hay do trời đất nào tạo ra cả. Có trồng cây mới có trái, có ăn mới được no, làm ác thì phải thọ báo quả dữ còn làm lành thì được hưởng phước, thế thôi.


4) Nhóm thứ tư chủ trương tôn sùng Phạm thiên vì chỉ có Phạm thiên mới có đủ công năng sinh ra muôn loài vạn vật. Đó là những tôn giáo

chủ trương “Thiên chủ tạo vật” có nghĩa là tất cả nhân sinh vạn vật đều do một đấng Thượng đế tạo ra. Ở Ấn Độ có đạo Bà la môn, ở trung Đông và thế giới Tây phương có đạo Thiên chúa giáo và đạo Tin lành.
Nếu đứng về mặt hiện tượng tức là thế giới hữu hình thì vạn pháp là do nhân duyên sanh. Phật giáo đối với nhân sinh quan và vũ trụ quan tức là thế giới hữu vi có một giải thích rất rõ ràng vì tất cả chỉ là những hiện tượng trong pháp giới duyên khởi. Duyên khởi là pháp tắc phổ biến về tính nhân quả. Tất cả mọi pháp tồn tại đều là duyên khởi chẳng hạn to lớn như trăng sao hoặc nhỏ như vi trần, một cành hoa, một cọng cỏ không có pháp nào không là pháp duyên khởi. Đó là “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này không nên cái kia không và cái này diệt nên cái kia diệt”.


Còn đứng bên mặt bản thể chơn như thì Phật giáo chỉ chú trọng vào “Pháp nhĩ như thị” nghĩa là vạn vật thế gian thế nào thì biết như thế đó thì tâm sẽ an tịnh mà không cần phải thêm ngã kiến hay tâm phân biệt vào. Bởi vì tất cả vạn pháp duyên danh như huyển nên chẳng có cái gì là thật cả vì tất cả sinh diệt thay đổi theo luật vô thường vô ngã. Đức Phật dạy rằng : ”Phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị” nghĩa là vạn pháp chẳng do nhân duyên, cũng chẳng tự nhiên sanh, cái này hòa hợp với cái khác cũng không đúng mà thật ra vạn pháp sinh ra như thế nào thì phải thấy biết như thế ấy.


Lúc ở núi Lăng Già, Thế Tôn dạy cho ông Đại Huệ rằng : Bọn ngoại đạo thường nói “tự nhiên” còn Phật thì nói “nhân duyên”. Con nay suy nghĩ cái tâm tánh vốn tự nhiên vì nó không phải sanh cũng không phải diệt. Nó xa rời tất cả điên đảo hư vọng. Con nghĩ cái tự nhiên này khác với thuyết tự nhiên của bọn ngoại đạo. Xin Thế Tôn khai thị cho chúng con để được tâm tánh sáng suốt, khỏi rơi vào tà kiến.


Nếu đã nói đến thuyết tự nhiên thì tất cả đều là tự nhiên đâu có lý do gì mà thuyết tự nhiên của ngoại đạo lại sai còn thuyết tự nhiên của Đức Phật lại đúng. Tại núi Lăng Già, Đức Phật đã bác bỏ thuyết tự nhiên của ngoại đạo vì trên thế gian này chẳng có cái gì tự nhiên mà có vì tất cả vạn pháp là do nhơn duyên sinh ra. Nhưng ông A Nan khi nghe Phật nói thuyết nhơn duyên cũng chưa phải là đệ nhất nghĩa tức là thế giới bản thể chơn như vì thuyết nhân duyên chỉ đúng đứng về mặt hiện tượng vạn hữu tức là của thế giới hữu vi. Còn đứng về mặt bản thể chơn như thì phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị mới là chân lý. Vì sao? Nếu đứng về bên “Tục đế” mà quan sát hiện tượng vạn hữu qua cái lý “nhơn duyên sanh” thì hoàn toàn đúng. Không những nó đúng riêng đối với Phật giáo mà nó còn đúng sự thật với cuộc đời, đúng với tất cả những quy luật khách quan của thế giới hiện tượng.

Tuy nhiên, nếu đứng bên “Chơn đế” mà nhìn nghĩa là tư duy quán chiếu rộng rãi hơn để quán triệt căn nguyên, xuyên suốt bản thể của tất cả hiện tượng vạn hữu thì hiện tượng nào cũng là hiện tượng của bản thể và bản thể nào cũng không ngoài hiện tượng. Cũng như sóng nào cũng là sóng của thể nước yên lặng, nhưng sóng và thể nước yên lặng cũng đều là nước, bất ly mà bất tức. Nói cách khác, tâm chỉ có một, nhưng khi tâm động thì từ bản tâm vô vi thanh tịnh biến thành thế giới hiện tượng, ngược lại nếu tâm tịnh thì thế giới hiện tượng biến mất mà được thay vào bằng sự thanh tịnh an lạc của Niết bàn. Ông A Nan một lần nữa lại hiểu lầm thế giới hiện tượng hữu hình và thế giới của bản thể chân như nên ông đem thuyết nhơn duyên của thế giới hữu vi mà so sánh với bản thể chơn tâm tức thế giới vô vi thanh tịnh. Như thế thì làm sao đúng được.


Phật dạy rằng :


- Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy mà ông còn chưa tỏ ngộ, lại lầm là “tự nhiên”. Này A Nan! Nếu là tự nhiên thì ông thử chứng minh cái gì là tự thể của cái tự nhiên ấy? Ông hãy xét kỹ tánh thấy nhiệm mầu lấy cái gì làm tự thể? Lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể? Lấy rỗng không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể?


A Nan! Nếu lấy sáng làm tự thể lẽ ra không thấy được tối. Nếu lấy rỗng làm tự thể lẽ ra không thấy được ngăn bít. Bởi vì nếu lấy sáng làm tự thể thì khi đến khi tối tánh thấy đã diệt mất đi rồi làm sao thấy được tối?


Tự nhiên ở đây không có nghĩa là từ trên trời rơi xuống mà bất cứ cái tự nhiên nào cũng phải có cái tự thể tức là bản tánh chân thật nằm bên trong. Thí dụ một này nọ cả cha lẫn mẹ đều đi làm về trễ. Khi vừa mở cửa vào họ đã ngửi mùi thơm của nồi cơm cùng thức ăn dọn sẳn trên bàn. Quá ngạc nhiên họ hỏi đứa con gái mới lớn rằng ai dạy con nấu cơm ngon quá vậy? Đứa bé gái trả lời: ”Tự nhiên con làm chớ có ai dạy con đâu”. Vậy thế nào là tự nhiên? Tự nhiên dựa theo lời đứa bé gái là tuy không có người trực tiếp chỉ cách nấu nướng, nhưng đứa bé gái trong quá khứ đã bao lần học cách nấu nướng từ người mẹ bằng cách quan sát và để ý. Vậy cái khả năng để đứa bé gái có thể nấu, mà cháu gọi là tự nhiên thật ra chỉ là cái kinh nghiệm cháu đã có sẳn trong tâm thức của mình mà nhà Phật gọi là tự thể. Nếu không có những kinh nghiệm này chắc chắn đứa bé gái không thể nào “tự nhiên” mà nấu những món ăn ngon giống mẹ nó được.

Nếu lý luận như vậy thì tự thể của tự nhiên là gì? Thí dụ như tự thể của mặt trời là sáng tức là không bao giờ có tối. Khi có mặt trời là có ánh sáng và không có mặt trời thì bóng tối mới xuất hiện. Nhưng ở đây tánh thấy đâu có tự nhiên được. Tại sao? Bởi vì nếu tánh thấy cũng giống như tự nhiên thì khi sáng không thấy được tối hoặc khi trống rỗng không thể thấy ngăn bít. Nhưng tánh thấy có thể thấy ánh sáng mặt trời và cũng có thể thấy được bóng tối ban đêm. Hoặc tánh thấy có thể thấy được trống rỗng cũng như ngăn bít. Nếu nói tự thể của tánh thấy là xanh thì nó không thể thấy được màu đỏ hay màu hồng, nhưng tánh thấy thì thấy tất cả mọi sắc mọi màu. Do đó tánh thấy không thể gọi là tự nhiên được.

A Nan bạch Phật rằng :


- Bạch Thế Tôn! Tánh thấy nhiệm mầu này chắc không phải tự nhiên. Nay con phát minh tánh thấy do “nhân duyên” sanh. Xin Như Lai dạy cho, con phải hiểu thế nào cho hợp với tánh “nhân duyên” của Phật?


Phật dạy :


- Ông nói tánh thấy do nhân duyên. Vậy tôi hỏi ông : Tánh thấy đó, nhân sáng mà thấy hay nhân tối mà thấy? Nhân trống không mà thấy hay nhân ngăn bít mà thấy? Nếu nhân nơi sáng mà có thấy thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nơi ngăn bít cũng giống như sáng và tối. Lại nữa A Nan! Cái thấy này lại duyên nơi sáng mà có thấy hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy? A Nan! Nếu duyên nơi hư không mà có thấy, lẽ ra không thấy chỗ bít lấp; nếu duyên nơi bít lấp mà có, lẽ ra không thấy nơi hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối cũng giống như hư không và bít lấp.


A Nan! Ông nên biết: tánh thấy nhiệm mầu, sáng suốt, không phải “nhân” không phải “duyên”, không phải “tự nhiên” không phải “không tự nhiên”; không có cái “phải” hay “không phải”. Nó rời tất cả tướng, nhưng nó không ngoài tất cả pháp. Ông đem các danh tướng hí luận thế gian mà nhận thức phân biệt chẳng khác lấy tay nắm bắt hư không chỉ thêm nhọc sức chớ hư không làm sao để ông bắt được.


Sau khi bị Phật bác bỏ thuyết tự nhiên, bây giờ ông A Nan quay sang thuyết nhân duyên để so sánh với tánh thấy. Thuyết nhân duyên là đứng về mặt hiện tượng vạn hữu nghĩa là thế giới hữu vi sinh diệt tức là sự tướng trong khi đó tánh thấy thuộc về mặt bản thể chơn như tức là thế giới thật tướng vô tướng thì làm sao so sánh được. Do đó nếu muốn biết được tánh thấy nhiệm mầu thì ông A Nan phải lìa sự tướng sinh diệt mà quay về với bản thể chơn như, phải lìa xa ngôn thuyết sắc tướng thì thức tâm không còn chỗ bám víu vào tâm phan duyên thì chơn tâm, Phật tánh mới có thể hiện bày.


Trong Nhiếp Đại Thừa luận có câu chuyện “Kẻ mù rờ voi”. Người thứ nhất rờ nhằm cái chân thì nói con voi như cột nhà, người khác rờ nhằm lỗ tai thì nói con voi như cái quạt và người mù thứ ba rờ nhằm cái đuôi thì nói con voi như cây chổi quét nhà… Do đó, nếu những người mù kia không thấy được chân tướng của con voi, cho dù có rờ trúng, thì họ nói cách nào cũng sai cả.


Vậy nên biết nếu con người chưa ngộ được thể tánh chơn tâm thì cho dù nói cách nào cũng sai. Vì thế mà trong kinh Duy Ma Cật khi được hỏi về chứng nhập nguyên lý bất nhị, ông Duy Ma Cật chỉ biết lặng thinh. Sự im lặng của ông tức là ông không còn dựa vào hình tướng sinh diệt của thế gian mà diễn tả sự tịch diệt của thế giới vô vi thanh tịnh được. Biết mà không nói được thì đây mới là cái biết tột cùng rốt ráo vậy.


A Nan thưa :


- Bạch Thế Tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế Tôn thường chỉ dạy các Tỳ kheo : tánh thấy thường đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy thế nào?


Phật bảo A Nan :

- Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải đệ nhất nghĩa.


Đức Phật dùng pháp thế gian để dạy chúng tỳ kheo bốn pháp nhân duyên để họ quán chiếu tu hành. Nhưng đây chỉ là phương tiện để dạy chúng đệ tử trong giai đoạn đầu vì giáo pháp này không giúp họ thấy được thật tướng vạn pháp nên Đức Phật mới nhấn mạnh đây không phải là đệ nhất nghĩa. Nhưng ông A Nan lại lấy giả làm chân nên áp dụng sai lầm cũng như thuốc tuy có hay mà không trị đúng bệnh thì chẳng những không có giá trị mà còn tai hại thêm. Sự huyền diệu của giáo lý Đức Phật là không cứng ngắc cố định, mà tùy duyên hóa độ chúng sinh. Đó là có khi Phật nói “khai” và cũng có khi Ngài nói “hợp”. Khi căn cơ chúng sinh còn thấp thì Đức Phật dạy Tứ Diệu Đế nghĩa là có Khổ, Tập, Diệt, Đạo tức là khai. Khi chúng sinh đã thấu hiểu thế giới hữu vi sinh sinh diệt diệt thì bây giờ Đức Phật lại phủ định không có cái gì là Tứ Diệu Đế cả mà chỉ còn lại Tam Đế để chuyển tâm thức con người sang một hệ tư tưởng mới là tánh Không. Đó là Chân Đế, Tục Đế và Trung Đạo Đế nghĩa là Ngài chuyển từ khai đến hợp tức là gom lại. Sau đó Ngài lại nói bây giờ không còn Tam Đế mà chỉ là Nhị đế tức là Chân Đế và Tục Đế. Đến đây chúng sinh đã thấu hiểu giáo lý tối thượng thừa thì Đức Phật lại nói rằng không có cái gì là Nhị Đế cả mà chung quy chỉ có Đệ Nhất Nghĩa Đế mà thôi tức là trăm sông cùng đổ về biển lớn đó là Nhất thừa Phật đạo vậy.


A Nan! Các người thế gian khi họ nói : “tôi thấy”. Vậy thế nào họ gọi là thấy, thế nào gọi là không thấy?


A Nan thưa :


- Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng hoặc đèn mà thấy các sắc tướng, họ gọi đó là thấy. Nếu không có các thứ ánh sáng đó, họ gọi là không thấy.
Phật bảo :


- Nếu lúc không có ánh sáng mà gọi là không thấy thì lẽ ra lúc đó không thấy tối. Nếu đã thấy tối thì đó chỉ là không sáng, chớ không phải không thấy. Nếu lúc tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy thì lúc sáng không thấy tối cũng nên gọi là không thấy. Vậy thì sáng tối cả hai đều là không thấy!


A Nan! Thực tế không phải vậy. Tối và sáng tự lấn át nhau, tánh thấy của ông chẳng có lúc tạm không. Như thế đủ biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy. Sao gọi là không thấy?

Thế nên A Nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít. A Nan! ông lại nên biết, khi ông thấy được tánh thấy thì tánh thấy không phải là cái bị thấy. Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp được tánh thấy. Tại sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?

Các ông là hàng Thanh Văn, kiến thức hẹp hòi thiếu hiểu biết, không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như Lai chỉ dạy, ông khéo suy nghĩ, không được biếng trễ trên đường Bồ-đề!
Tánh thấy thì lúc nào cũng có. Có ánh sáng hay không có ánh sáng thì tánh thấy vẫn còn đó vì nếu không có ánh sáng thì bây giờ thấy bóng tối chớ đâu phải không thấy gì hết. Con người thế gian thường lầm lẫn là phải có sắc tướng mới gọi là thấy. Vì khi thấy sáng thì con người tin chắc là thấy còn ban đêm thì họ nghĩ rằng không thấy chi hết. Thật ra khi thấy sáng thì chúng sinh không thấy tối và ngược lại khi thấy bóng tối thì dĩ nhiên con người không thấy ánh sáng. Tuy ánh sáng và bóng tối thay đổi theo không gian và thời gian, nhưng tánh thấy lúc nào cũng còn ở đó, không thay đổi. Cũng như mặt trời lên, áng sáng ban mai dần dần lấn áp màn đêm đen hút nhưng tánh thấy trước sau như vậy, không thêm không bớt.

Tại vì nếu thấy sáng thì bóng tối không còn và khi màn đêm buông xuống làm ánh sáng tan biến thì bóng tối xuất hiện vậy thôi. Vì vậy ánh sáng, bóng tối, màu sắc, hình tướng ngay cả hư không đều là đối tượng tức là vật bị thấy. Chúng sinh cần phân biệt cho rõ ràng rằng tánh thấy không phải là cái thấy. Tại sao? Khi mắt của con người tức là nhãn căn tiếp xúc với tiền trần tức là vật bị thấy mà nhận ra cái thấy. Còn tánh thấy là khả năng nhận biết được đối tượng của mình lúc nào cũng ở đó, không thay đổi, là tánh duyên giác nên nó là vô hình vô tướng thì làm sao thấy được. Do đó nếu ông A Nan thấy được tánh thấy của ông thì tánh thấy ấy bây giờ biến thành vật bị thấy tức là tánh thấy trở thành ngoại cảnh, tiền trần. Điều này chắc chắn không đúng. Khi chúng sinh lìa xa tất cả mọi vọng thức trong tâm để có được pháp nhãn thanh tịnh thì mới thấy được tánh thấy. Ông A Nan và hàng đại chúng hữu học chưa chứng được thánh quả nên tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh vì thế ông không thể nào thấy được tánh thấy của chính mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]