Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ

25/03/201101:36(Xem: 8349)
Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 17
THẮP SÁNG TRÍ TUỆ

Thưa đại chúng,
Thắp Sáng Trí Tuệ là tên của chương kinh thứ mười bảy tôi chia xẻ cùng quý vị hôm nay.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Phù kiến đạo giả. Thí như trì cự nhập minh thất trung, kỳ minh tức diệt nhi minh độc tồn. Học đạo kiến đế, vô minh tức diệt, nhi minh thường tồn hỷ”

Đức Phật dạy: “Người thấy được Đạo như người cầm đuốc đi vào trong nhà tối, bóng tối liền mất chỉ còn lại ánh sáng. Người học đạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn lại trí tuệ.”

B. ĐẠI Ý.

Đại ý của đoạn Kinh muốn nói đến bản hoài của người tu là thắp sáng trí tuệ, thành tựu quả giác ngộ.

C. NỘI DUNG.

1. Đi qua nhiều lớp cửa.

Qua chương mười sáu vừa rồi chúng ta còn nhớ đoạn cuối với một câu rất hay “Ái dục đoạn tận, thì có thể thấy được Đạo.”

Tôi muốn nhắc lại câu nầy vì trọng tâm ban đầu Đức Phật nhấn mạnh đến “người thấy được Đạo.” Người tu muốn thấy được đạo phải đoạn sạch tâm ái dục. Chúng ta cần lưu ý, tâm ái dục có rất nhiều tầng, và đoạn được nó không phải dễ.

Thưa quí vị, chúng ta biết sinh thân nầy có mặt trong cuộc đời là do tâm ái dục ban đầu mà sinh khởi. Ngay trong cuộc sống nầy, niềm vui, nỗi buồn của con người cũng gắn liền với tâm ái dục, nên ta gọi đây là chặng đường khó vượt nhất trong các chặng đường mà người tu phải vượt qua. Tôi phân ra những tầng hay những chặng ái dục để quí vị lưu ý.

Bước đầu là ái dục thô rất dễ cho ta nhận biết. Trong đời sống thế nhân thì họ đi vào sự chìm đắm nầy gọi là sắc ái. Sắc ái là đam mê nặng nề có hình thức, có đối tượng, có hình thể vật lý.

Thứ hai là phần ái dục rất tinh tế, trong từ ngữ Phật học gọi là loại đam mê không cần ngoại hình của đối tượng, của hình thể vật lý mà ở tầng sâu của tính tình, phẩm chất con người như duyên dáng, nết na hiền dịu, tài ba... Đây là loại đam mê khó nhàm chán. Tục ngữ Việt Namcó câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp.” Người đó không đẹp gì nhưng cái nết làm lu mờ nhan sắc không được đẹp của họ. Thông thường chúng ta chìm vào sắc ái là phần thô, nhưng nếu chìm vào vòng vô sắc ái là đam mê vào lãnh vực rất tinh tế, khả năng vượt thoát rất khó.

Chúng ta ái về sắc tức ái dục thô đến một lúc nào đó tự nhiên loại trừ được, nhưng ở mức độ tinh tế của ái vô sắc thì cho đến tám mươi tuổi ta vẫn chìm đắm trong ái dục, và nỗi đam mê khó dứt trừ.

Một tầng sâu hơn nữa của ái dục là “ái kiến đại bi.” Ái kiến đại bi là lòng yêu thương có điều kiện, chưa phải là vô duyên từ. Khi ta bước vào lãnh vực, vào thế giới của sự tu tập, của người hướng tâm về con đường tâm linh thực sự, tuy không còn là loại thương yêu của thế gian nữa, nhưng trên con đường tu lòng Đại Bi của ta chưa phải là vô duyên từ. Ví dụ ta có một trăm đệ tử, những đệ tử nào hợp với mình, có hiếu với mình, mình thương nhiều hơn; những người kia ngỗ nghịch, không tuân phục mình, mình cũng thương nhưng ít hơn. Cũng là “bi” nhưng trong lòng yêu thương còn chất ái kiến, còn đặt điều kiện nên ta gọi nó là ái kiến đại bi, một loại ái rất mịn trong phạm vi của con đường tu tập và làm đạo. Trong khi đó thì thương yêu thật sự của “đại bi tâm” hiện khởi là loại tình thương không đòi hỏi điều kiện gì nơi đối tượng cả. Tâm từ mênh mông và trải rộng ban phát tự nhiên như sương mù ướt đầm đại địa, như ánh nắng sưởi ấm hành tinh không phân biệt nên gọi “vô duyên từ.”

Nếu lưu ý, chúng ta thấy chặng đường ái kiến đại bi rất khó vượt. Sở dĩ người ta gọi ái kiến đại bi vì nó là loại rất tinh tế trên con đường ái, khó thấy được. Và cũng từ ái kiến đại bi cho nên chúng ta còn chìm đắm trong cõi tử sinh.

Tột cùng nhất của người tu là để thành tựu đạo nghiệp, phải đạt tới sự vô ngã. Nhưng tại sao ta thương người nầy nhiều, kẻ kia ít? Do vì bản ngã ta còn. Bản ngã dù khó nhận biết, nhưng khi còn một chút bản ngã là ta còn khởi niệm ghét và thương, tâm bình đẳng chưa có mặt. Và một chút bản ngã còn là chưa thể nhập được đạo quả giác ngộ một cách trọn vẹn, chưa thể nhập được tâm Phật. Do vậy, tầng sâu nhất, mịn nhất, tinh vi nhất, khó đoạn trừ nhất là tầng ái kiến đại bi nầy. Nó tuy không phải là loại ái dục thường hay mịn của thế nhân nhưng ta có một chút tinh tế của công phu thực tập thì có thể cảm nhận được.

Chúng ta có thể phân ái kiến đại bi ra làm hai tầng. Thứ nhất là tâm đại bi không bình đẳng. Thứ hai còn mê đắm quả vị. Ví như khi chứng được từng Thiền gì mà an lạc thì không chịu rời để tiến lên nữa. Hay khi thực tập chánh niệm, có chút an bình do pháp hành khi hít thở trao lại cho mình và cứ nghĩ đây là pháp tối hậu, không chịu bước xa hơn cũng gọi là dạng còn chìm đắm trong ái chấp quả vị.

Có một vị Thiền sư Trung Hoa một hôm thấy một người mũ cao, áo rộng đến chào, Ngài hỏi: “Ông là ai?” Vị Thần trả lời: “Ta là Thần của núi nầy.” Thiền Sư bảo: “Ông là Thần ư? Mời ngồi.” Vị Thần nói: “Ông phải đối xử với tôi trân trọng hơn vì tôi là Thần.” Thiền sư trả lời: “Kể từ khi tôi thể nhập được đạo, tôi nhìn Thần, Thánh, phàm phu, kẻ phạm tội, người tốt lành đều như nhau. Trên từ Đức Phật, dưới đến con kiến, cỏ cây đều bình đẳng nhất mực không ai trọng, không ai khinh cả, ông là Thần, mặc ông.”

Vị Thần khó chịu: “Tôi không bằng lòng chuyện như vậy. Dù sao ông là người ở trên vùng núi của tôi. Tôi chăm sóc, hỗ trợ ông, ông phải nhìn tôi bằng con mắt đặc biệt. Thiền sư nói: “Khi đã thể nhập đại bi tâm rồi thì người ta đoạn tận ái kiến, không hề có sự phân biệt cao sang, thánh phàm gì cả.” Qua lại vài lời một lúc sau, vị Thần núi mới cảm phục, đảnh lễ.

Thưa đại chúng, điều cần thiết cuối cùng của người tu đạt đến chỗ tinh vi nhất, là đoạn tận ái kiến đại bi. Dĩ nhiên lòng thương chúng ta không còn chìm đắm, mắt thương nhìn đời rất mênh mông không có ái niệm trong mắt, nhưng nếu trong tâm còn dù một chút ý niệm người thương kẻ ghét là chúng ta đang chìm trong ái kiến, chứ chưa vượt thoát được. Trên con đường tu, đây là chặng đường cuối cùng người tu phải đi qua, nên khi nào chúng khởi tâm thương ghét, kẻ trọng người khinh, hãy nhìn lại lòng mình và biết rằng chất ái trong ta đang có mặt. Và khi đã có dù rất là nhỏ, nó vẫn có khả năng lớn dậy và dẫn dắt mình đắm chìm thôi.

Khi bước chân vào với đạo, đời sống người tu tự nhiên đã khác. Chúng ta chọn con đường cắt đứt những hệ lụy thế nhân và cách hành xử của chúng ta dĩ nhiên cũng phải khác.

Điều khác đầu tiên như mức độ tôi vừa chia xẻ chỉ là nhẹ, ai cũng làm được. Nhưng khi ở trong đạo lâu dần, chúng ta sẽ nhận diện được một điều là sự tiềm phục của tâm ganh tị hay những tâm hành tiêu cực nhỏ nhiệm có gốc rễ rất sâu xa nằm ở tầng tinh tế của ái kiến. Chúng ta phải thực tập giỏi mới nhận ra được, nếu không thì lòng ta vẫn còn thị phi thương ghét. Nếu tâm ta có độ chênh nghiêng sẽ gây ảnh hưởng đến người chung quanh rất lớn, làm cho sự tôn nghiêm của Già lam, đạo tràng bị tổn giảm. Chúng ta tu thế nào để đóng góp năng lượng của mình cho đại chúng thì tuy không làm gì cũng tạo được phước lành. Nếu tu mà chúng ta vẫn còn ôm chặt niệm tinh tế của ái thì dù cho làm bao nhiêu việc với danh xưng đẹp đẽ cũng thất bại.

Tầng thâm sâu hơn của lòng yêu thương được biểu hiện từ thành quả của sự tu tập là đạo hạnh của vị Thầy, nhưng vẫn còn ái kiến bên trong thì vẫn chưa đóng góp thực sự cho Đạo. Ta chỉ cống hiến được khi tâm đại bi vô điều kiện có mặt mới thành công. Thế nên ở cuối chương mười sáu, Đức Phật dạy: “Người muốn thấy Đạo phải đoạn tận tâm ái dục.”

2. Bước vào nhà.

Thưa đại chúng từ “kiến Đạo” nầy trong Thiền tông thường hay xử dụng.

Kiến đạo hay ngộ đạo có cùng một nghĩa. Thông thường chúng ta hay nghĩ thấy đạo, ngộ đạo là những người có cảm tình với đạo Phật, giác ngộ vô thường đến với đạo được gọi là người ngộ đạo. Nhưng đối với Thiền Đông Độ thì kiến đạo là nhận ra tự thể tâm không sinh, không diệt của mình gọi là thấy đạo. Người xưa gọi là Nhập lưu tức chứng sơ quả Tu Đà Hoàn gọi là thấy Đạo.

Trong văn học A Hàm có một bài kinh về củi mục: Một hôm Đức Phật đi ngang qua dòng sông Hằng, nhìn thấy dòng nước chảy Ngài nói: “Nếu khúc gỗ kia không bị người ta vớt lên bờ, không bị chìm xuống lòng sông, không tấp vào cồn bãi mà nó cứ trôi mãi như thế thì nhất định khúc gỗ sẽ trôi tới biển. Cũng như thế, người tu không vướng vào các quả vị thấp nhỏ, không vướng vào lợi, vào danh làm đắm chìm, ngã gục... thì trôi thẳng vào biển Niết Bàn. Và cũng trong kinh A Hàm có nói: sau một thời thuyết pháp của Đức Phật cư sĩ cũng chứng được quả Tu Đà Hoàn rất dễ. Đức Phật khi nghe vua Tịnh Phạn bệnh, Ngài về thăm và trong một thời pháp chỉ mấy câu ngắn nhà vua cũng chứng được quả Tu Đà Hoàn.

Con đường tu của chúng ta là con đường thực tập chánh niệm. Chánh niệm là gì? Chánh niệm là năng lượng nhận biết dòng ý thức chạy về quá khứ, chạy về tương lai. Khi có mặt một niệm lăng xăng, ta chỉ cần nhận biết sự có mặt của nó gọi là chánh niệm. Người ta chỉ cần làm một điều là mời gọi năng lượng chánh niệm tức là sự “nhận biết đơn thuần”có mặt thường xuyên và vững niềm tin thì gọi là người thấy được Đạo. Khả năng nhận biết vốn là tâm Phật bản nhiên, chưa từng sanh, chưa từng diệt và quí vị dừng lại được ngay nơi đây là năng lực chánh niệm đang có mặt, cũng có nghĩa là chúng ta đang an trú trong quả vị Nhập lưu nầy.

Chúng ta có thể khởi nghi ngờ là Nhập lưu dễ vậy sao? Thưa đơn giản chứ không khó gì cả. Khó là vì ta quên, ta không làm cho nó có mặt thường xuyên thôi. Khả năng nhận biết nầy không có chữ nghĩa, không cần khởi ý thức suy nghĩ thầm thì. Nó là trạng thái rỗng lặng, mênh mông.

Tôi xin đọc lên một đoạn trong Tương Ưng Bộ Kinh rất hay như sau: “Đức Thế Tôn hỏi có pháp tu nào mà các vị tỳ kheo không cần lòng tin, không cần lắng nghe, không cần suy tư, không cần khả năng biện luận mà có thể xác chứng rằng, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành không còn sinh tử nữa?”

Đoạn nầy rất quan trọng, mở ra con đường thấy Đạo. Chúng ta đừng hiểu lầm không cần lòng tin là không còn tin vào tự thể tâm. Không cần lòng tin là không cần đến tín ngưỡng vào đấng thần linh tức là loại niềm tin hướng ra ngoài. Lắng nghe có nghĩa là không cần sự học hỏi, không cần vận dụng suy tư lầm thầm, không cần phải khổ hạnh, chịu đựng hành hạ xác thân, không cần phải biện luận nhiều lời mà pháp môn ấy có thể làm cho vị tỳ kheo, tỳ kheo ni thực tập, tin chắc mình đã đoạn tận được sinh tử, không còn sinh trở lại luân hồi nầy nữa. Đức Phật hỏi có pháp môn nào như thế hay không?

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: “Đối với chúng con, tất cả những pháp tu học đều nương vào lời dạy của Thế Tôn làm căn bản, xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con chưa biết pháp môn nào như thế cả. Đức Thế Tôn nói tiếp: “Có một pháp môn không cần lắng nghe, không cần suy tư, không cần khổ hạnh, không cần biện luận, mà vị tỳ kheo ấy có thể đi ngang qua dòng sinh tử, chứng nhập Niết Bàn ngay hiện thời. Đây là pháp môn: “Khi trong tâm ta có một niệm sân, vị tỳ kheo ấy biết trong tâm ta có niệm sân. Khi tâm ta có một niệm u buồn, vị tỳ kheo ấy biết trong tâm có một niệm u buồn. Khi trong tâm không có tham, không có sân, không có si thì vị đó nhận biết là trong tâm ta không có tham, không có sân, không có si.”

Thưa quí vị, Đức Phật nói một tràng dài như thế, yếu chỉ chính của vấn đề là gì? Thưa, đó là sự “nhận biết.”

Chúng ta qui chiếu trở lại, thử hình dung trước mắt ta một người không biết bơi rớt xuống dòng sông bị nước nhận chìm. Tuy không biết bơi nhưng vì nhu cầu cần sống, vì bản năng sinh tồn họ cố ngoi lên để thở, nhưng lại bị sóng dìm xuống, và dòng nước là một dòng cuồng lưu đẩy họ xuống lên, lên xuống rồi cuối cùng họ chìm trong lòng sông.

Tâm thức của chúng ta cũng như thế, khi trong lòng có nỗi buồn, điều vụng về là ta thấy ta là nỗi buồn nên nhào vào dòng sông buồn để nỗi buồn nhận mình chết chìm trong đó. Thế nên trong câu Kinh Ngài dạy chúng ta không phải làm gì cả. Chúng ta không cần khởi lòng tin, không cần phải khổ hạnh, không cần lắng nghe, không cần học tập cho nhiều, không cần phải suy tư cho mệt óc, lý sự dài dòng... Thông minh thì chúng ta mời năng lượng chánh niệm có mặt, nhận biết từng cảm thọ, từng ý niệm đang có mặt hay không có mặt trong tâm thức ta. Đó là con đường thực tập đưa chúng ta đến chỗ biết rằng sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành tựu, không còn luân hồi trong ba cõi. Đây chính là pháp môn tuyệt vời nhất.

Tôi chia xẻ điều nầy để quí vị hiểu rằng, thấy được đạo, nhận ra được đạo chủ yếu là chúng ta chỉ cần quay lại nhận biết; đó là năng lực chánh niệm. Đời sống không đủ dài để chúng ta ôm mãi nỗi niềm buồn giận, thương ghét vu vơ. Tất cả rồi cũng đi qua. Một ngày của chúng ta phải là một ngày của sự thực tập, ta đang trên con đường thực tập chánh niệm. Chúng ta phải làm cho được điều duy nhất trong đời nầy là nắm lấy giây phút hiện tại, sống liên tục rỡ ràng với năng lượng chánh niệm là chúng ta đang trôi vào biển Niết Bàn, thành đạt giải thoát ngay trong hiện đời.

Người xưa cách đây hai ngàn sáu trăm năm, chắc cũng không giỏi gì hơn chúng ta. Cũng hình hài nầy, ngũ uẩn nầy nhưng bằng niềm đam mê cao tột, trong một đời họ có thể giải quyết xong việc tử sinh. Chúng ta cũng thế, chúng ta không thua gì người xưa, đừng nghĩ những ông tổ mới tu giỏi, tu hay. Tổ Qui Sơn nói trong Qui Sơn cảnh sách “Bĩ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”: “Ông đã trượng phu thì tôi cũng như thế.” Và Thiền sư Việt Namcũng có hai câu “Namnhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành khứ hành”: “Làm trai có chí xông trời thẳm. Dẫm vết Như Lai cũng nhọc mình.”

Chúng ta đã đi tắt ngang qua con đường thấy Đạo, sau đây chúng ta lần lượt đi vào từng cấp độ một của từ “kiến đạo” nầy: thứ nhất là nhận được lý Vô thường, thứ hai thấu được lý Tứ Đế, và thứ ba là nhận ra được tự thể tâm.

3. Thể nghiệm vô thường.

Chúng ta chưa cần nói đến chuyện đẩy tâm thức ta lên tầng cao. Ở tầng cạn chỉ làm một người tu bình thường thôi nếu chưa thể nhận được lý vô thường thì chưa thể gắn bó cuộc đời tu của mình với Đạo sâu sắc được. Vô thường đến với ta là một nỗi khổ, và trong đạo nếu chúng ta nếm được hương vị khổ đau thì nhu yếu thực tập, kinh nghiệm của sự thực tập mới đủ mạnh. Chúng ta thử nhìn vào các vị Thầy, nếu họ đã từng trải nghiệm những khổ đau, đọa đày của cuộc sống mà vươn vai đứng lên được đều là những người tài giỏi.

Ví dụ, Đức Đạt Lai lạt Ma là một bậc Thầy có năng lượng lành rất lớn, sở dĩ Ngài có tâm từ bi mênh mông là vì khổ đau quá lớn đã đè nặng lên vai Ngài.

Vừa là Quốc vương vừa là vị Thầy tâm linh lãnh đạo dân tộc Tây Tạng, Ngài đã cùng gánh chịu tai họa, đau khổ phủ trùm lên đất nước mình, dân tộc mình do Trung Hoa gieo rắc. Làn sóng đỏ đã làm cho một đất nước với hơn hai ngàn năm Đạo Phật có mặt tan tác, chia lìa và cuối cùng Ngài phải lưu vong. Nếu không qua sự tu tập, tự chuyển hóa rất lớn của mình thì Ngài không thể nào trở thành một vị lãnh đạo, một bậc Thầy nổi tiếng trên thế giới như ngày hôm nay. Bất cứ nơi đâu mà Ngài đặt chân đến, năng lượng từ bi, khiêm nhẫn của Ngài đều cảm hóa được mọi người.

Cho nên, chúng ta nhận được lý vô thường sâu bao nhiêu thì tâm Bồ Đề của chúng ta vững bấy nhiêu.

4. Thấu lý Tứ Đế.

Có một đệ tử hỏi Đức Phật: “Thế nào là vô minh.” Đức Phật trả lời: “Không thấu lý Tứ Đế là vô minh.” và “Thế nào là vô minh đoạn tận chứng được quả Niết Bàn.” Đức Phật nói tiếp: “Thấu đạt lý Tứ Đế thì đoạn tận vô minh, chứng được quả Niết Bàn.” Có dịp chúng ta sẽ đi sâu vào Lý Tứ Đế để thấy chiều rộng, chiều sâu và là nền tảng cho tuệ giác, cho quả vị Niết Bàn.

Tất nhiên chúng ta có thể đứng trên nền tảng của giáo lý Nguyên thủy, Đại thừa hay Thiền tông để giải thích câu “Thấu lý Tứ Đế” của Đức Phật dạy.

Nếu ta nhìn vạn pháp và trực nhận mọi hiện tượng vật lý, tâm lý đều có mặt từ nhân duyên sinh khởi, chưa hề có một pháp nào không hình thành từ yếu tố nhân duyên. Trực nhận và sáng tỏ được điều nầy tức đoạn được sầu, bi, khổ, ưu, não, ái nhiễm, chấp trước ngã, pháp. Đây là nền tảng đoạn tận vô minh trên căn bản giáo lý Nguyên Thủy triển khai.

Nếu ta thấu đạt được vạn pháp trùng trùng duyên khởi kia đều như mộng; tự bản chất nó vốn không thật. Nó là sóng biển, là bọt bóng, là hơi sương từ đại dương mênh mông, trong lặng; thì những thành bại, nhục vinh, nào sinh, nào diệt, nào chứng Thánh quả, nào nhập Niết Bàn, nào nghiệp thức nổi chìm, phàm phu u tối tất cả đều được biểu hiện ra từ biển giác tánh vô sinh bất động. Đây là con đường thể nghiệm đoạn tận vô minh vi tế chứng nghiệm Phật tâm của Đại thừa Bồ Tát đạo.

Dĩ nhiên với cái nhìn của Thiền nhân, vấn đề giản dị hơn nhiều vì không đi vào chữ nghĩa, lý sự rườm rà. Chúng ta chỉ cần an trú được ngay nơi sự “nhận biết tỉnh sáng hiện tiền, vô niệm” liên tục, tức khắc đoạn dứt được vô minh, chứng nghiệm tự tánh Niết Bàn hằng hữu nơi ta mà thôi.

5. Nhận ra được tự thể tâm.

Các vị thiện trí thức của Thiền môn ngày xưa hoặc đánh, hoặc hét, hoặc vỗ vai, hoặc xử dụng những ngữ cú kỳ đặc, hoặc giản dị chất trực bình thường nhưng đều có chung một qui kết. Đó là muốn cho người tu quay trở lại chính mình nhận ra tự thể tâm vô sinh, bất động hiện tiền, sáng ngời mà họ đang xử dụng.

Ngoài ra văn học Đại thừa cũng khai triển rất rõ. Trong “đoạn khách và chủ, bụi lao xao và không gian bất động” của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là cánh cửa mở cho chúng ta đi vào nhận ra được tự thể tâm bất sinh, bất diệt rất dễ. Thể nghiệm được căn bản nầy gọi là “thấy Đạo”, “ngộ Đạo” hay ngôn ngữ mang đậm chất Thiền nhất là: “Biết được mặt mũi thật của chính ta.”

Tóm lại, thưa đại chúng, chương nầy phần đầu đã dẫn chứng cho ta khi thấy Đạo là ánh sáng trí tuệ có mặt. Câu quan trọng nhất là: “Người học Đạo thấy được chân lý thì vô minh dứt sạch và trí tuệ hiện tiền. Người thấy được Đạo như người cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất chỉ còn ánh sáng.”

Chân lý hay Đạo có mặt nơi thân năm uẩn ngay đây, phút giây nầy. Thấy được chân lý hay không tùy thuộc tâm tha thiết của chúng ta. Có một vị Thiền sư Trung Hoa đã nói câu rất hay: “Cửa hàng của ta có đủ loại thuốc trị đủ thứ bệnh. Từ bệnh của cơ thể vật lý, đến bên trong nội tạng và có cả thuốc trường sinh bất tử.”

Trong giáo lý của đạo Phật, Đức Phật cũng bày bán đủ các loại thuốc giống như thế, có loại thuốc giải trừ phiền não để đời sống có được niềm vui. Đồng thời, có loại thuốc ban tặng cho chúng ta món quà vĩ đại vượt thoát sinh tử, chứng được Niết Bàn. Tất cả đều do chúng ta, nếu biết cách, khéo dùng thì cũng một loại thuốc đó mà thành thượng vị, còn nếu không khéo dùng thì sẽ trở thành đất cát, hoặc tệ hơn là trở thành thuốc độc.

Tôi xin lấy ví dụ. Từ xưa cho đến bây giờ, theo truyền thống Phật giáo Việt Nam lúc quí thầy vào chùa đều được dạy kinh văn chữ Hán, và đi vào các văn hệ từ vỡ lòng Luật tiểu đến Di giáo Tứ Thập Nhị Chương và lên Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Niết Bàn... mà xem nhẹ những Kinh căn bản ngày xưa để thực tập như Kinh Tứ Niệm Xứ. Trong khi cả một truyền thống Nguyên Thủy hiện tại rất thịnh hành đã sinh ra những bậc Thầy, Đạo sư lớn. Tất cả đều đặt trên nền tảng thực tập “Tứ Niệm Xứ.” Con đường quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp, là bốn pháp hành Thiền cương lĩnh bao trùm các pháp thực tập khác. Vậy mà chúng ta được dạy chỉ giáo lý Đại Thừa mới tuyệt vời, mà không nghĩ rằng hạnh phúc, an lạc, đời sống giải thoát thực sự có được là từ sự thực tập rất căn bản đi lên. Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ của truyền thống Nguyên Thủy không những bao trùm các truyền thống Phật giáo Tịnh, Mật mà còn bao trùm cả truyền thống thiền Đông Độ của Trung Hoa. Ấy vậy mà chúng ta xem nhẹ.

Trong pháp thực tập, đôi lúc chúng ta nghĩ phải làm điều gì quan trọng mới có thể đưa tới con đường hạnh phúc, sự an lạc. Nhưng thực sự điều quan trọng nhất là làm thế nào phục hồi năng lượng chánh niệm. Và trong những phương pháp phục hồi chánh niệm, không có pháp nào tuyệt vời bằng phương pháp nắm hơi thở hay niệm thân hành để thực tập cả.

Chúng ta thông minh thì mời gọi năng lượng chánh niệm đến, và không có cách gì hay hơn cho người mới thực tập là an trú tâm nơi hơi thở. Đầu tiên chúng ta nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra. Sau đến chúng ta nhận biết tất cả những động thái của thân. Rồi từ năng lượng chánh niệm hùng hậu nầy ta sẽ nhận diện từng cảm thọ vui buồn sinh khởi nơi tâm, nhận biết những biến động của tâm hành. Tất cả những xao động, bất an, căng thẳng, lo âu, phiền muộn, giận tức đều có chung một con đường là có hình ảnh và có tiếng nói thì thầm độc thoại, đối thoại của tâm hành. Nó là đối tượng cho ta nhận biết. Ta chính là “cái biết” mà không phải là “cái bị biết.”

Khả năng nhận biết là năng lượng chánh niệm. Nó thường trụ vĩnh hằng, là tâm Phật bản nhiên, rỡ ràng, chiếu sáng. Chỉ cần sống liên tục với nó thì gọi đó là người thấy được chân lý. Con đường học đạo mênh mông nhưng chỉ cần chúng ta quay lại làm việc nầy mà thôi. Từ đó con đường mở ra lồng lộng, chúng ta đi thênh thang vượt thẳng trời cao.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]