Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quang Nghiêm Đồng tử

23/03/201107:55(Xem: 9795)
Quang Nghiêm Đồng tử

GIẢNG GIẢI KINH DUY MA CẬT
Tác giả Lê Sỹ Minh Tùng

Chương Thứ Tư
Phẩm BỒ TÁT
(The Reluctance of the Bodhisattvas)
2) Quang Nghiêm Đồng tử.
Vấn Đề Đạo Tràng.

Đức Phật gọi Quang Nghiêm Đồng Tử bảo:

- Quang Nghiêm! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Quang Nghiêm thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật! Bởi vì trước đây vào một hôm nọ, con từ thành Tỳ Xá Ly đi ra, Ngài Duy Ma Cật thì từ ngoài thành đi vào. Con lễ phép chào và hỏi”

- Thưa cư sĩ! Ngài từ đâu đến đây?

Ông Duy Ma Cật đáp:

- Tôi từ đạo tràng đến.

Con lấy làm lạ hỏi:

- Ngài nói đạo tràng, vậy đạo tràng nào? Ở đâu?

Thông thường trong kinh điển Phật giáo thì Đồng Tử là người tu hành từ khi còn nhỏ, không phạm dâm dục và giữ giới hạnh thanh tịnh trọn đời. Đồng Tử cũng còn có nghĩa là người đang tu theo Bồ-tát đạo nhưng chưa được giác ngộ hoàn toàn vì như đứa trẻ chưa thành người lớn. Một nghĩa khác là người tu hành chân chánh, tẩy trừ sạch mọi trần cấu, phiền não khổ đau và có tâm hồn thanh tịnh trong sáng như trẻ thơ.

Nhưng Đồng Tử trong kinh nầy là một vị Bồ-tát tu hành chứng đắc. Ngài dùng ánh sáng của trí tuệ và công đức để trang nghiêm nên mới có tên là Quang Nghiêm. Phàm nhân thì dùng vàng ngọc, kim cương, châu báu, áo quần, phấn son…để trang sức cho báo thân tứ đại của họ. Còn Quang Nghiêm Đồng Tử lại dùng trí tuệ sáng suốt và công đức tu hành để trang nghiêm cho Pháp Thân làm cho chúng sinh đều kính phục. Khi nhìn hình tượng của các chư Phật hay Bồ-tát thì có hào quang rực rỡ vì đây là tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt thanh tịnh tỏa ra vô cùng vô tận để cứu giúp chúng sinh còn đang lặn hụp trong bến bờ mê muội.

Đứng về Sự Tướng mà nói thì đạo tràng là nơi Đức Phật Thích Ca tĩnh tọa trên tòa Kim Cương mà thành đạo nên được gọi là Bồ-đề đạo tràng. Các tịnh xá như Trúc Lâm, Kỳ Viên…là nơi Phật và chư đệ tử trú ngụ trong mùa an cư kiết hạ cũng là đạo tràng. Ngày nay các Phật Học Đường, các chùa để phổ biến Phật pháp đều là đạo tràng cả. Nhưng ở đây ông Duy Ma Cật đứng về Thể Tánh mà nói thì bất cứ pháp môn, hạnh tu nào mà lợi ích cho chúng sinh, đưa đến chỗ giải thoát giác ngộ đều là đạo tràng. Vì thế ông Duy Ma Cật mới nói:

Trực tâm là đạo tràng: Tâm hạnh thành thật, thẳng thắn không hư dối quanh co. Khi một người có tâm thẳng thắn, thành thật thì đây là người tốt, là trực tâm của nhơn thừa Phật giáo. Còn trực tâm của Đại thừa là không có trí phân biệt để chạy theo cái tốt mà chê cái dở, tâm phải bình đẳng không cao không thấp đối với tất cả vạn pháp. Nhìn đúng là Như thị chớ đừng phân biệt khen chê theo sở thích của mình. Không thương, không ghét, không giận không hờn, thấy sao biết vậy thì đây mới là trực tâm để có Bồ-đề.

Phát hạnh là đạo tràng: Siêng năng tinh tấn làm tất cả việc.

Thâm tâm là đạo tràng: Luôn luôn vun bồi công đức và làm tăng trưởng công đức.

Bồ-đề tâm là đạo tràng: Vận dụng trí tuệ trong sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết...để tránh mọi si mê lầm lạc.

Bố thí là đạo tràng: Thí tái, thí pháp và thí cả vô úy cho chúng sinh mà không hy vọng đền đáp ơn nghĩa.

Trì giới là đạo tràng: Giữ giới thanh tịnh đúng như chí nguyện mong ước lúc phát khởi sơ tâm.

Nhẫn nhục là đạo tràng: Tâm được điều thuận, nhu nhuyễn đối với tất cả chúng sinh không còn bị chướng ngại.

Tinh tấn là đạo tràng: Không lúc nào giải đãi trong việc học chánh pháp, hành chánh pháp và sống trong chánh pháp.

Thiền định là đạo tràng: Tâm nhu hòa an ổn, không rong rủi ở lục dục thất tình. Hằng ngày con người nên kiểm soát lại những ý nghĩ của mình. Nếu có ý nghĩ thiện thì nên làm tức là chứng thiện phụng hành, những ý nghĩ bất thiện như tham lam, giận hờn, si mê, tật đố tức là chư ác mạc tác thì nên loại bỏ nó đi, còn những ý nghĩ lăng xăng thì nên chận đứng nó đi để tâm được thanh tịnh tức là tự tịnh kỳ ý. Làm được như thế tức là thiền cho nên bất cứ ở đâu mà có những đức tính trên thì có đạo tràng.

Trí tuệ là đạo tràng: Thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã và bất tịnh của các pháp đúng như thật.

Từ là đạo tràng: Đối với tất cả chúng sinh đều thương như con một của mình thì người đó ở đâu là có đạo tràng đến đó.

Bi là đạo tràng: Vận dụng mọi phương tiện cứu khổ cho chúng sinh.

Hỉ là đạo tràng: Lúc nào cũng vui mừng khi thấy người khác được vui.

Xả là đạo tràng: Đoạn hết mọi ý niệm ghét thương trong lòng.

Thần thông là đạo tràng: Thành tựu đầy đủ lục thông.

Giải thoát là đạo tràng: Luôn luôn vận dụng pháp bội xả và sống trong pháp bội xả.

Phương tiện là đạo tràng: Giáo hóa chúng sinh bằng nhiều hình thức, tùy căn cơ, đối tượng.

Tứ nhiếp là đạo tràng: Thuyết pháp độ chúng sinh bằng nhiều cách và tùy cơ duyên mà hóa độ.

Đa văn là đạo tràng: Chúng ta học Phật tức là nghe chánh pháp rồi tư duy chánh pháp. Sau đó có thực hành chánh pháp và sống đúng theo chánh pháp là chúng ta ở trong đạo tràng rồi đó.

Phục tâm là đạo ràng: Vận dụng chánh quán mà quán các pháp.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng: Rời bỏ hết pháp hữu vi. Nếu luôn quán niệm về Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề và Bát chánh đạo là chúng ta đang ở trong đạo tràng vậy.

Tứ diệu đế là đạo tràng: Thấy đúng như thật, biết đúng như thật, nói đúng như thật các pháp thế gian. Thấy biết rõ thế gian là tam khổ, bát khổ mà cái gốc chính là tham-sân-si, mạn, nghi…và nếu diệt được cái gốc tư hoặc và kiến hoặc để cảm nhận được sự tịch diệt của Niết bàn thì người đó đang ở trong đạo tràng.

Duyên khởi là đạo tràng: Biết rõ từ vô minh cho đến lão tử đều không có cái hết. Biết quán tưởng pháp mười hai nhân duyên để tu hành là ở trong đạo tràng.

Các phiền não là đạo tràng: Vì nhận biết sự tác hại của phiền não một cách quyết định.

Chúng sinh là đạo tràng: Vì nhận biết sự hòa hợp, sự nương gá tạm bợ, biết rõ tánh chất vô thường vô ngã của chúng.

Tất cả Pháp là đạo tràng: Vì biết rõ tất cả pháp vốn Không.

Hàng ma là đạo tràng: Vì biết trước các thế lực bất hảo của ma.

Tam giới là đạo tràng: Dù nhận có tam giới mà không bị ràng buộc trong tam giới. Người nào dù ở trong tam giới mà không bị các dục vọng của cõi dục, không bị các vật chất của cõi sắc, không bị các khái niệm tư tưởng hoang đường của cõi vô sắc làm mê muội thì tuy ở trong tam giới mà không dính mắc tam giới. Cho nên cũng là con người đó mà nếu không còn bị các dục vọng thiêu đốt thì ra khỏi dục giới, không còn lệ thuộc vào vật chất thì ra khỏi sắc giới và tâm không còn gởi gắm vào những tư tưởng mơ hồ, hoang đường mê tín dị đoan thì người đó ra khỏi vô sắc giới. Thế thì tam giới vẫn là đạo tràng.

Sư tử hống là đạo tràng: Vì sự thuyết pháp độ sanh đạt đến vô sở úy.

Thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cọng pháp là đạo tràng: Vì thân, khẩu, ý đã thuần thục đạt đến chỗ tột cùng của thanh tịnh, không còn có sự sai lầm.

Tam minh là đạo tràng: Nhận thức các pháp thấu suốt tận gốc, tột nguồn.

Nhất niệm tri nhất thiết pháp là đạo tràng: Vì thành tựu nhất thiết chủng trí.

Như thế thì tất cả các pháp đều là đạo tràng mà tất cả các pháp đều là Phật pháp, là Chơn Tâm, là Phật Tánh. Chơn Tâm, Phật pháp thì ở cùng khắp mọi nơi cho nên đạo tràng cũng vậy. Nơi nào có Phật pháp là nơi ấy có đạo tràng. Vì thế người Phật tử tu đâu cũng được không nhất thiết phải vào chùa mới tu. Khi đã lìa Tướng nhập Thể thì đâu đâu cũng là đạo tràng. Ở nhà, ở chợ, ở sở làm là những đạo tràng rất tốt để tu. Sống trong thế giới ô trược mà chúng ta biết tu tâm dưỡng tánh có nghĩa là biết lìa bỏ tâm vọng tưởng cuồng loạn để quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì gia đình mình chính là đạo tràng vậy. Nhưng đạo tràng lớn nhất, cao siêu nhất chính là Tâm của mình và chùa lớn nhất, vĩ đại nhất và thanh tịnh nhất chính là Phật Tâm của chúng ta vậy.

Các vị Bồ-tát đã dùng trực tâm tức là tâm ngay thẳng chân chánh, không hư dối quanh co mà thực hành Lục độ Ba-la-mật, tứ vô lượng tâm, tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên…để giáo hóa chúng sinh. Các Ngài đem chánh pháp của Phật đến với chúng sinh tức là các Ngài đã đem đạo tràng đến với mọi người cho nên bất cứ nơi nào các Ngài đến thì nơi đó là đạo tràng. Vì thế mà ông Duy Ma Cật mới nói với Quang Nghiêm Đồng Tử :”Tôi từ đạo tràng đến” là vậy.

Ông Duy Ma Cật đáp:

Thế đấy! Quang Nghiêm Đồng tử! Bồ-tát nếu ứng dụng trí tuệ Ba-la-mật giáo hóa chúng sinh thì mọi hành động giở chân lên, hạ chân xuống đều từ đạo tràng đến và lúc nào cũng ở trong Phật pháp vậy.

Muốn có đạo tràng nầy thì phải ứng dụng câu:”Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc” của Tâm Kinh làm tiêu chuẩn cho mọi sinh hoạt của cuộc đời mình thì giở chân lên, hạ chân xuống đều từ trong đạo tràng mà xuất phát.

Bạch Thế Tôn! Quang Nghiêm thưa. Trưởng giả Duy Ma Cật nói thời pháp ấy rồi có năm trăm trời, người đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vì vậy con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

Tuy Ông Duy Ma Cật chỉ nói một câu đơn giản và rất bình thường là:”Tôi từ đạo tràng đến” mà nó có một sức mạnh vô song có thể phá tan cái màn vô minh còn che lấp trong tâm trí của tất cả chúng sinh. Vì từ đây con người sẽ không còn lầm lẩn về ý nghĩa của chữ “đạo tràng” nửa. Chúng ta sẽ không còn nghĩ rằng đạo tràng là chỗ Phật ngồi, đạo tràng là chỗ Phật tử tu theo Tịnh độ, Mật tông, Thiền tông…hay là chỗ tu tập cúng kiến làm đàn làm chay…mà Trực tâm mới là đạo tràng, thâm tâm là đạo tràng, Bố thí là đạo tràng, Từ là đạo tràng, Giải thoát là đạo tràng…. Do đó chúng ta không cần phải đi đâu xa để tìm đạo tràng mà một khi chúng ta biết sống với những đức tính như Thiền định, Duyên khởi…là chúng ta đang ở trong đạo tràng đó.

Quang Nghiêm Đồng Tử còn chấp hình tướng bề ngoài, còn chấp có pháp lành để độ chúng sinh và còn chấp có hình tướng người xuất gia tu trong đạo tràng nên cư sĩ Duy Ma Cật dựa theo Pháp Tánh mà nói thì tất cả nhất cử nhất động là từ nơi đạo tràng mà ra vì tất cả các pháp đều là Phật pháp. Chủ đích của đoạn kinh nầy là phá cái chấp phải vào chùa mới tu, phải xuất gia mới là đi tu mà thật ra tu ở đâu cũng được. Tu hành không phải là hình thức bề ngoài, không quan trọng vấn đề đầu tròn áo vuông, không nhất thiết phải vào chùa, thấy tượng Phật mà chính là tu sửa tự tâm. Vì thế cái đạo tràng thanh tịnh nhất, lớn nhất, huyền diệu nhất vẫn chính là tâm của chúng ta và không tượng Phật nào trên thế gian nầy mà to hay mầu nhiệm bằng Phật tâm của chúng ta vậy.

Thời Đức Phật còn tại thế không hề có chùa chiền, am tự mà chỉ có tu viện. Tại sao? Tu viện là nơi chư Tăng tu học Phật pháp với nhau và sau đó thuyết giảng những chân lý đó cho Phật tử tại gia. Họ sống với nhau trong Lục hòa, bình đẳng với mục đích cao cả là cùng hướng về giải thoát giác ngộ. Ngày nay có rất nhiều chùa chiền ở khắp mọi nơi. Ngay cả một khu phố có hai ba cái chùa mà không chùa nào hòa hợp với nhau. Nhiều chùa chiền, nhiều giáo hội có phải là Phật giáo đang trên đà phát triển cực thịnh không? Nhìn ngược lại vào lịch sử của Phật giáo thì thời kỳ nào có những vị cao tăng đắc đạo làm sáng danh đạo Phật thì thời kỳ đó mới là cực thịnh. Vì chúng sinh nhìn vào tấm gương sáng đó mà quay về tu tâm dưỡng tánh. Ngược lại nếu chúng sinh thấy cảnh chia rẻ, bất hòa làm họ chán ngán. Ngày nay trong bất cứ xã hội nào trên thế giới cũng có rất nhiều tôn giáo. Nếu tôn giáo nào biết phát triển bằng cách mở mang những khóa tu học, thiết lập những hệ thống giáo dục để hướng dẫn con người tiến theo đà văn minh của thế giới mà không đánh mất đi những đạo đức căn bản, những chân lý huyền diệu có thể đưa họ đến chỗ giải thoát giác ngộ thì tôn giáo đó phát triển cực mạnh. Trong khi đó các tu sĩ Phật giáo vẫn mơ mộng những chuyện viễn vông, lo cầu an cầu siêu, hay các hình thức mê tín dị đoan vốn thật ra không hề có trong truyền thống Phật giáo. Việt Nam vào thời chấn hưng Phật giáo, có những trường Trung Đẳng và Cao Đẳng như Phật Học đường Liên Hải và Nam Việt…đã đào tạo rất nhiều Tăng Ni xuất sắc làm cho Phật giáo được rạng ngời.

Tiền tài, danh vọng, vật chất là những chướng ngại lớn cho những người tu. Câu chuyện như thế nầy:

“Có một đệ tử quyết tâm học đạo với một vị đạo sư. Sau một thời gian dài thọ giáo, vị đại sư vì có việc phải đi xa nên căn dặn người đệ tử tiếp tục tinh tấn tu hành. Người học trò nghe lời thầy dặn công phu sớm tối không bê trễ. Vì nếp sống thanh bần người đệ tử chỉ có duy nhất một chiếc áo cà sa mà cứ bị chuột cắn rách hoài nên lại phải đi xin mảnh vải khác để vá vào. Phật tử thấy vậy bèn cúng dường cho tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Từ ngày có con mèo, lũ chuột không dám lộng hành nữa, nhưng muốn giữ con mèo thì tu sĩ ngoài việc xin thêm cơm chay còn phải xin thêm sửa để nuôi con mèo. Có vị Phật tử hảo tâm cúng dường con bò để lấy sửa cho con mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò, nhưng bây giờ tu sĩ phải xin cỏ cho bò ăn. Thấy vậy dân làng biếu tu sĩ một mãnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ lo canh tác mà nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy, trồng rất nhiều rau cỏ, bò ăn hoài không hết nên phải đem ra chợ bán bớt. Miếng đất quá phì nhiêu nên tu sĩ làm không xuể và phải nhờ người đến làm giúp. Tu sĩ bây giờ có nhiều hoa lợi nên tiền bạc dồi dào bèn thuê thợ xây một cái chùa thật lớn. Ngày nào cũng lo mướn người khắc tượng, đúc chuông thật là vĩ đại nhưng thời gian tu hành không còn như trước. Bây giờ tu sĩ phải lo đồn điền, chùa to, tượng lớn, lo giao dịch buôn bán. Có tiền nhiều thì lo mua thêm đất mới để khai thác đầu tư.

Một hôm sư phụ trở về không thấy túp lều tranh mộc mạc mà thay vào đó là một ngôi chùa khang trang tráng lệ. Khách hành hương nô nức, ồn ào cúng vái vang xin. Sau khi nghe người đệ tử giải thích nguồn cơn, sư phụ chỉ thở dài mà nói:”Xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tu tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Than ôi chỉ vì một chiếc áo ránh mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lạc đường lúc nào không hay. Nếu mình bị trói buộc vào các thứ đó rồi thì làm sao có thể giải thoát được?”.

Ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng sau khi được ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền Tổ vị thì đi về phương Nam và phải sống trên 16 năm ròng rả với bọn thợ săn để mai danh ẩn tích. Hằng ngày Ngài phải hái rau cải mà đem nấu chung trong nồi thịt của những người thợ săn. Khi ăn thì Ngài chỉ lựa rau mà ăn chớ không ăn thịt. Mãi đến năm 676 tây lịch khi biết thời cơ hoằng pháp đã đến nên Ngài mới rời rừng núi đi Quảng Châu và sau đó xuống Quảng Đông đến chùa Bửu Lâm miền Tào Khê để hoằng pháp độ sinh. Ngài qua đời năm 713 tây lịch thọ 76 tuổi. Khi ra đi Ngài chỉ ngồi xếp bằng và an nhiên thị tịch. Vua Đường Hiến Tông truy phong Ngài là Đại Giám thiền sư và đổi tên chùa Bửu Lâm thành Nam Hoa tự. Trải qua hơn một ngàn năm mà nhục thể của Ngài vẫn còn y nguyên không hề bị hư hại. Nam Hoa tự là một ngôi chùa khá lớn nằm ẩn giữa hai ngọn đồi. Phía sau chùa là một rừng tùng bách xanh um, phong cảnh thiên nhiên vắng lặng. Con đường dẫn vào chùa với những hàng trúc chạy dài. Phía sau chánh điện là một căn phòng nhỏ, trình bày rất giản dị, không có đồ đạc gì đặc biệt ngoài một chiếc ngai lớn bằng gổ có màn trướng bao bọc chung quanh. Bên trong là nhục thân của Lục Tổ, thân hình đen bóng như gỗ mun ngồi xếp bằng trên chiếc ngai. Khác với những xác ướp Ai Cập thì bên ngoài thường được quấn vải liệm rất kỹ nhưng khi cởi các tấm vải đó ra thì thể xác bên trong bị hư hại rất nhiều. Phần lớn da thịt đều nát vụn ra từng mảnh, dù nó được ướp bằng những chất hóa học rất tốt. Và sau khi khai quật thì những xác ướp nầy phải được đặt trong phòng có máy điều hòa không khí để chống lại sự tàn phá của thời gian. Trong khi nhục thể của Lục Tổ không hề quấn vải liệm và toàn thân nguyên vẹn không có một dấu vết hư hại nào. Năm 1966 giáo sư Koshiro, viện trưởng viện đại học y khoa Washeda của Nhật Bản đã cầm đầu một phái đoàn qua Trung Hoa để khảo sát về hiện tượng nầy. Ông đã được phép dùng một cái khoan nhỏ đâm vào nhục thân Lục Tổ để lấy ra một mẩu thịt đem về Nhật khảo sát. Kết quả cho thấy đó quả là một xác người chớ không phải là một pho tượng và cũng không có bằng chứng gì nhục thể của Lục Tổ được ướp bằng chất thuốc nào. Giáo sư Koshiro đã xác định là vì một lý do nào đó mà thể xác đã hóa thạch một cách tự nhiên.

Phải chăng đây là một phép lạ? hay là sức mạnh kỳ diệu của nội tâm của Ngài đã tỏa ra khiến da thịt Ngài trở nên rắn chắc như Kim Cương và trường tồn bất hoại?

Nhắc lại trước đó hai trăm năm khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào Trung Quốc thì Ngài rất thất vọng vì Phật giáo thời bấy giờ quá chú trọng về hình thức, lấy phương tiện làm cứu cánh mà quên đi giải thoát giác ngộ mới là điều tối thượng. Tuy đã được ban Tổ vị nhưng rất nhiều người không tin một kẻ thất học, xuất thân từ miền biên thùy hoang dả như Huệ Năng lại có thể tu hành chứng đắc được. Mặc dù Lục Tổ có kiến thức về tuệ giác bát nhã thâm sâu nhưng số người theo Thần Tú quá đông nên họ không bao giờ chấp nhận việc Tổ Hoằng Nhẫn truyền trao y bát cho Huệ Năng. Có lẽ Ngài để lại nhục thân bất hoại là một bằng chứng hùng hồn rằng cái kiến thức mà con người có thể học được từ sách vở từ chương so với cái trí tuệ siêu tuyệt của người tu chứng đắc vốn khác nhau rất xa. Cái trí thức của kẻ phàm phu và cái trí tuệ của bậc thượng trí có thể ví như đom đóm mà so với trăng rằm vậy.

Đối với Phật giáo Việt Nam thì tại Chùa Đậu tỉnh Hà Tây (miền Bắc) cũng có hai anh em thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật. Sau 100 ngày các thiện tín Phật tử mở cửa am thấy hai vị thiền sư vẫn ngồi theo thế nhập thiền và có mùi thơm. Nhục thể biến thành đá và ngày nay vẫn còn tại chùa để Phật tử chiêm bái.

Phật giáo Tây tạng (Tibetan Budhism) có một lịch sử rất thăng trầm. Đạo Phật truyền vào Tây tạng từ thế kỷ thứ bảy dưới triều đại vua Songsen Gampo, nhưng mãi đến thế kỷ thứ tám dưới triều đại vua Trisong Detsen, Phật giáo mới bắt đầu phát triển nhờ sự giúp đở của một nhà sư Mật tông (Tantrism) Ấn độ tên là Padmasambhata. Nhưng mãi đến năm 1041 có đại sư Atisha lúc bấy giờ đang trụ trì tại tu viện Vrikamasila ở Ần độ nhận lời mời của vua Yeshe-O đến Tây Tạng mà hoằng dương Phật pháp và Phật giáo bắt đầu phát triển rất mạnh. Ở Tây tạng tất cả các tu sĩ đều phải trải qua một kỳ thi về Phật học. Nếu thi đậu thì họ được gọi là “Trappa” tương đương với chữ “Bhiksu” tức là Tỳ Kheo. Còn danh từ Lạt Ma có nghĩa là một vị học giả, dùng gọi cho tất cả những người thi đậu kỳ thi về Phật học. Lạt Ma gồm có cư sĩ và tăng sĩ. Trước khi đạo Phật du nhập thì Tây tạng đã có đạo Bon Pa chuyên về huyền học, thần thông. Để chống lại sự đàn áp của nhóm Bon Pa, Phật giáo Tây tạng đã được tổ chức thành những môn phái, giáo hội, nhưng chính sự tổ chức nầy đã đưa Phật giáo vào con đường suy vong. Vì có nhiều giáo hội, dần dần các tu sĩ đã trở nên lười biếng, không giữ gìn giới luật và coi việc tu hành như một nghề nghiệp hướng dẫn tinh thần cho quần chúng hơn là tu thân cầu giải thoát. Tệ hại hơn nữa, các nghi thức hành lễ để suy gẫm lời Phật dạy đã biến thành cúng vái, xin xỏ, lên đồng, nhập cốt, giải đáp là số tử vi, bùa chú thư phù…Các tinh hoa Phật pháp được cất giữ không mang ra giảng dạy mà chỉ đề cao hình thức bề ngoài. Các tu sĩ không chịu tu học mà chỉ đặt trọng tâm vào việc sắc tướng như kêu gọi Phật tử xây chùa, đúc tượng để được phước. Truyền bá những chuyện mê tín hoang đường để lôi kéo tín đồ thay vì giúp họ tu hành để được giải thoát giác ngộ. Họ còn cho phép các tu sĩ được lấy vợ và được thừa kế tức là nếu cha là Lạt Ma thì con đương nhiên cũng thành Lạt Ma khỏi cần tu học. Cho đến thế kỷ thứ 14 có vị tu sĩ tên Tsong Khapa (1357-1419) mới bắt đầu phong trào chấn hưng Phật giáo và đưa lại sự hòa giải giữa hai phái Mũ Vàng (Gelugpas) và Mũ Đỏ (Dugpas). Tất cả 14 vị Đạt Lai Lạt Ma đều xuất thân từ phái Mũ Vàng nhưng phái Mũ Đỏ vẫn được tôn trọng và vẫn chiếm số đông. Mãi cho đến vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 là Lobsang Gyatso (La bốc tạng Gia mục thố) thì việc chấn hưng mới được hoàn mãn. Tục lệ thừa kế bị loại bỏ và nhiều kỳ thi về Phật học được tổ chức để gạt bỏ những người mượn áo tu hành làm bậy. Những kinh điển từ trước vẫn được cất kỹ thì nay được mang ra truyền bá sâu rộng để khuyến khích phong trào tu học trong nước. Mọi gia đình được khuyến khích gởi con cái vào các tu viện để trở thành các vị Lạt Ma. Sau đó họ có thể lập gia đình và sống như một người thường. Chỉ khi nào họ phát nguyện xuất gia thì mới được gọi là tu sĩ (Trappa). Các tu sĩ phải thi đậu những kỳ thi Phật học mới được bổ nhiệm làm trụ trì tại các tu viện nhưng cũng chỉ ở đây một thời gian ấn định để tránh sự quyến luyến, tham ái tức là chùa của bá tánh mà xem là của mình. Sau thời gian hoằng dương giáo pháp, các tu sĩ được đưa đến những tu viện khác để học hỏi thêm. Phật giáo Tây tạng tiếp tục phát triển cho đến năm 1950 khi Trung Cộng đưa quân xâm chiếm đất Tây tạng khiến cho vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là Tenzin Gyatso (Đăng châu Gia mục thố) bị giam lỏng tại Potala trong chín năm liền cho đến tháng tư năm 1959 mới trốn thoát và tỵ nạn tại Dharamsala mà sau nầy có tên là “Little Lhassa”, gần biên giới Tây tạng và Ấn Độ sau dãy Hy Mã Lạp Sơn, cho tới ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]