Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Phẩm Bồ-Tát

23/03/201107:55(Xem: 7256)
04. Phẩm Bồ-Tát

GIẢNG GIẢI KINH DUY MA CẬT
Tác giả Lê Sỹ Minh Tùng

Chương Thứ Tư
Phẩm BỒ TÁT
(The Reluctance of the Bodhisattvas)

1) Bồ-tát Di Lặc (Maitreya).
Vấn Đề Thọ Ký:

Bồ-tát Di Lặc tên là A Dật Đa (Ajita) và họ là Từ Thị. Trong vô lượng kiếp quá khứ, có Đức Phật hiệu là Đại Thống Trí Như Lai ra đời thì cả Đức Thích Ca (tiền kiếp) và Bồ-tát Di Lặc (tiền kiếp) cùng phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng mãi đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì ngài Di Lặc mới phát tâm xuất gia. Tuy xuất gia nhưng ngài Di Lặc không chú tâm tu hành nên ngài sẽ thành Phật sau Đức Phật Thích Ca gần mười tiểu kiếp. Về sau nhờ Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp tu Duy Thức nên ngài mới chứng được”Tam giới duy tâm, Vạn pháp duy thức” và được thọ ký đời sau sẽ thành Phật ở hội Long Hoa tại thế giới Ta bà nầy. Hiện nay Bồ-tát Di Lặc đang tu ở cung trời Đầu Xuất, chuyên giảng môn Duy Thức Học. Ngài đã thị hiện thành nhiều thân ở cõi trần để hóa độ chúng sinh, nhưng không ai hay biết. Một hiện thân rất quen thuộc đối với người Việt Nam và Trung Hoa là Bố Đại Hòa Thượng. Ngài thường quẩy cái đáy bằng vải và đi khắp chợ búa xóm làng để giảng giải Phật pháp cho thính chúng và phát kẹo bánh cho trẻ con. Mãi cho đến đời Lương Niên Hiếu Trịnh Minh năm thứ ba thì ngài tu hợp thính chúng tại chùa Nhạc Lâm và nói một bài kệ:

Di Lặc chơn Di Lặc

Hóa thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn giai bất thức.

Nghĩa là:

Di Lặc thật là Di Lặc

Biến hóa trăm ngàn hóa thân

Thường hiện trong đời

Mà người đời chẳng ai biết.

Bố Đại Hòa Thượng có thân hình mập mạp, bụng phệ, cười hoan hỷ. Ngày nay có những bức tượng tạc Bồ-tát Di Lặc với sáu đứa trẻ bu quanh. Sáu đứa trẻ nầy là ám chỉ cho Lục tặc thi nhau quấy phá lục căn làm tâm bất tịnh.

Dựa theo Duy Thức Luận thì nếu con người biết chuyển Thức thành Trí thì sáu tên Lục tặc nầy tức là đại diện cho sáu thức sẽ được chuyển thành hai trí. Ý thức hay thức thứ sáu có tác dụng phân biệt sẽ biến thành “Diệu Quan Sát Trí” tức là trí có năng lực quan sát thâm diệu có thể thấy được hằng sa thế giới và thấy được tất cả tâm niệm sở cầu trong mỗi chúng sinh. Nhờ sự quan sát huyền diệu rốt ráo như thế mà tùy theo nguyện vọng, tâm lý, sở cầu mà Bồ-tát làm lợi lạc cho chúng sinh. Còn nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức sẽ biến thành “Thành Sở Tác Trí” tức là cái trí nầy có những công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông, biến hóa, hiện ra ba món hóa thân để tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ.

Khi nói về Duy thức thì người học Phật phải thấu hiểu là thức thì chưa siêu việt bằng trí vì thức còn phân biệt còn trí thì biết trực tiếp mà không cần phân biệt. Thí dụ khi nhìn một cành hoa. Nếu chúng ta khởi niệm phân biệt hoa tốt, xấu…là thức tức là Tri. Còn không khởi niệm phân biệt hoa tốt xấu là Trí. Do đó Tri cạn Trí sâu.

Trong Phật giáo thì Duy thức nói về Có còn Bát nhã thì nói về Không. Tuy khác nhau về hình tướng, phương tiện nhưng cứu cánh vẫn như nhau. Người học Phật vì có bệnh chấp vào văn tự nên mới nói có sự khác biệt vì thế khi nghe nói Có thì tin thật có và khi nghe nói Không thì tin thật không mà không chịu suy tư quán chiếu để thấy cái cứu cánh của nó. Để phá hai căn bệnh chấp Có chấp Không của người học Phật, Ngài Long Thọ căn cứ vào giáo phá tướng (Kinh Bát Nhã) mà rộng nghĩa Không để phá bệnh chấp Có. Còn Ngài Vô Trước thì hiễn bày lý diệu hữu để phá bệnh chấp Không. Do đó mà Phật giáo có hai tông: Không tông là tông Bát nhã và Tướng tông là duy thức tông hay còn gọi là Hữu tông. Thí dụ cái nhà của chúng ta. Nếu dựa theo Hữu tông thì cái nhà là do gạch, ngói, cây, gổ, công thợ…tức là do duyên hợp mà thành nên tuy cái nhà là Có mà tự tánh là Không. Tuy nói diệu hữu nhưng cuối cùng cũng hiển bày lý chơn không. Còn theo Không tông thì cái nhà là do nhơn duyên sanh giả có nên cái nhà là Không. Trên văn tự chúng ta thấy như có khác, Hữu tông nói Có, Không tông nói Không, nhưng trên chỗ dung hội thì tuy hai nhưng mà một. Đó là nói Không thì biết cái Không của diệu hữu, còn nói Có thì biết chỉ cái Diệu hữu của Chơn không.

Bồ-tát là viết tắc của chữ Bồ-đề Tát Đỏa mà Phạn ngữ là Bodhisatwa có nghĩa là Giác Hữu Tình tức là loài hữu tình đã giác ngộ và phát nguyện làm cho chúng sinh cũng được giác ngộ như mình tức là Hữu Tình Giác. Bồ-tát phải trãi qua 55 giai đoạn từ khi phát tâm Bồ-đề thì mới đạt được quả vị đẳng giác là thành Phật. Đừng nên hiểu lầm là Bồ-tát thì lúc nào trí tuệ hay tâm thanh tịnh cũng cao hơn các vị A La Hán trong Thanh Văn.

Khi chúng ta mới phát tâm tu theo Đại thừa, làm việc vì người quên mình tức là lấy lợi tha làm phương châm hành động thì được gọi chung là Bồ-tát. Tất cả Phật tử không phân biệt tại gia hay xuất gia, nam hay nữ muốn phát tâm tu theo Bồ-tát đạo, giữ Bồ-tát giới tức là 10 giới trọng và 48 giới khinh để phá trừ tập khí ngã mạn, chấp ngã chấp pháp và nguyện hy sinh mình mà lo cứu giúp chúng sinh đều là Bồ-tát cả. Muốn thọ Bồ-tát giới thì người tu bắt buộc phải ăn chay trường vì đã là Bồ-tát thì sao lại còn ăn thịt chúng sinh? Càng quên mình, càng hy sinh vì chúng sinh thì càng tiến sâu trong Bồ-tát đạo. Nếu hy sinh những vật ngoài thân như tiền của, nhà cửa, xe cộ, cúng dường để in kinh viết sách, vật dụng…thì tương đối dễ làm nhưng Bồ-tát còn dám hy sinh những gì về nội thân như hiến tặng tim, gan, thận, máu huyết…đôi khi ngay cả thân xát của mình mà họ vẫn hoan hỷ thực hành.

Giai đoạn đầu kể từ khi mới phát tâm Đại thừa là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Tứ Gia Hạnh thì gọi là Đệ Nhất A Tăng Kỳ Kiếp tức là Bồ-tát Địa Tiền có nghĩa là chưa bước vào Thập Địa. Trí tuệ và tâm thanh tịnh của Bồ-tát Địa Tiền không bằng các vị A La Hán vì họ đã vượt ra khỏi tam giới, chứng đắc Niết bàn nên tâm rất thanh tịnh.

Giai đoạn thứ hai là Bồ-tát tu từ Sơ Địa đến Thất Địa tức là họ đã đạt được Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa và Viễn hành Địa thì gọi là Đệ Nhị A Tăng Kỳ Kiếp.

Giai đoạn thứ ba là họ tu từ Bát Địa đến Thập Địa tức là Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa và Pháp Vân Địa thì gọi là Đệ Tam A Tăng Kỳ Kiếp.

Khi mãn Thập Địa đến địa vị Đẳng giác, qua Đẳng giác đến Diệu giác tức là thành Phật. Bồ-tát Đẳng giác và Diệu giác đã dứt trừ Trần sa hoặc và Vô minh hoặc để đến chỗ giác ngộ hoàn toàn là Phật. Khi chỉ còn một đời nữa là sẽ thành Phật như Bồ-tát Di Lặc thì gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ.

Thông thường các vị Bồ-tát đã chứng quả vị cao trong Thập Địa tức là chứng được Đệ Tam A Tăng Kỳ Kiếp thì họ thường thị hiện trong thế gian nầy để giáo hóa và cứu độ chúng sinh dưới nhiều hình tướng khác nhau, nhưng không bao giờ để lộ tung tích thì chúng ta gọi họ là Siêu phàm Bồ-tát. Bố Đại Hòa thượng là hiện thân của Bồ-tát Di Lặc vậy.

Bấy giờ Đức Phật gọi Bồ-tát Di Lặc bảo:

- Di Lặc! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Bồ-tát Di Lặc thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả! Bởi vì trước đây, trong một hôm nọ con vì Đầu Suất Thiên Vương và một số chư Thiên quyến thuộc, dạy cho họ về hạnh bất thối chuyển đối với quả Vô thượng Bồ-đề. Bấy giờ, ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng:

- Thưa ngài Di Lặc! Thế Tôn thọ ký cho ngài một đời sẽ thành Vô thượng Bồ-đề. Vậy ngài định dùng đời nào khi ngài nhận sự thọ ký ấy? Đời quá khứ? Đời hiện tại? Hay đời vị lai ư? Nếu đời quá khứ thì quá khứ đã qua rồi! Đời vị lai thì chưa đến! Đời hiện tại? Có hiện tại nào lại không vận động biến chuyển? Có hiện tại nào tồn tại cố định? Đức Phật đã thường dạy:”Này các Tỳ Kheo! Ngay bây giờ, các ông vừa có sanh, vừa có lão, vừa có diệt vong!” Hay là ngài định sử dụng cái vô sanh mà cho rằng được thọ ký ư? Nói đến vô sanh tức là chánh vị. Đã là chánh vị thì không có vấn đề thọ ký và cũng không có cái gì gọi là “được” quả vô thượng Bồ-đề. Thế thì làm sao ngài Di Lặc lại “được thọ ký” một đời? Hay là ngài dựa theo đời của chân như sanh mà được thọ ký? Hay là đời của chân như diệt mà được thọ ký? Nếu dựa theo đời của chân như sanh thì không được. Vì chân như không có sanh. Nếu dựa theo đời của chân như diệt thì cũng không được. Vì chân như không có diệt. Ngài nên biết tất cả chúng sinh đều NHƯ. Tất cả pháp đều NHƯ. Các thánh hiền cũng NHƯ. Chính Di Lặc ngài cũng NHƯ. Nếu ngài được thọ ký thì tất cả chúng sinh lẽ ra cũng được thọ ký. Vì luận về nghĩa NHƯ thì không còn có cái hai. Không có cái nào khác với cái nào. Nếu ngài được Vô thượng Bồ-đề lẽ ra tất cả chúng sinh cũng được quả Vô thượng Bồ-đề! Vì tất cả chúng sinh là tướng của Bồ-đề. Nếu ngài được diệt độ thì tất cả chúng sinh cũng phải được diệt độ. Vì chư Phật biết tất cả chúng sinh là tướng của Niết bàn vốn đã vĩnh cửu tịch diệt. Cho nên chẳng còn gì để diệt nữa. Vì vậy, ngài không nên lấy pháp bất thối chuyển mà dạy cho các Thiên tử. Thật ra không có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề và cũng không có người thối thất với quả Vô thượng Bồ-đề. Ngài nên hướng dẫn cho các chư Thiên nầy xả bỏ quan niệm chấp mắc về quả Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-đề không phải được từ nơi thân, cũng không phải được từ nơi tâm. Tịch diệt là Bồ-đề, vì diệt diệt hết các tướng chấp. Bất quán là Bồ-đề, vì xa lìa hết các trần duyên. Bất hành là Bồ-đề, vì không lưu một ức niệm, một hy vọng nào. Đoạn là Bồ-đề, vì xa lìa kiến chấp. Ly là Bồ-đề, vì lìa xa tất cả vọng tưởng. Chướng là Bồ-đề, vì chống lại tất cả mong muốn. Bất nhập là Bồ-đề, vì không dính dáng vào chuyện tục lụy. Thuận là Bồ-đề, vì thuận theo chân như. Trụ là Bồ-đề, vì hằng trụ pháp tánh. Chí là Bồ-đề, vì đạt đến chỗ thực tế của chân lý. Bất nhị là Bồ-đề, vì xa rời ý căn và pháp trần. Đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không sanh, không trụ, không dị, không diệt. Tri là Bồ-đề, vì rõ biết hết tâm hành của chúng sinh. Bất hội là Bồ-đề, vì các nhập không nhóm được. Bất hiệp là Bồ-đề, vì dẹp tan hết các phiền não. Giả danh là Bồ-đề, vì biết rõ tánh của ngôn ngữ văn tự vốn không. Như hóa là Bồ-đề, vì không còn dính ở thủ, xả hai bên. Vô loạn là Bồ-đề, vì tự tâm thường trụ tướng tịch tĩnh. Thiện tịch là Bồ-đề, vì thể tự tánh lúc nào cũng vắng lặng. Bất thủ là Bồ-đề, vì xa lìa hết các phan duyên. Bất dị là Bồ-đề, vì nhìn các pháp bằng cái thấy bình đẳng. Vô tỉ là Bồ-đề, vì các pháp không có tướng đối đải để so sánh. Vi diệu là Bồ-đề, vì các pháp khó biết mà biết rõ tất cả.

Khi được Đức Phật Thích Ca thọ ký cho một đời nữa sẽ thành Phật thì Bồ-tát Di Lặc tin như vậy vì Phật nói không sai. Ngay cả khi đem hạnh bất thối chuyển có nghĩa là sự tinh tấn nổ lực tu hành, không nên thoái bước để tiến về chỗ giải thoát giác ngộ cho các vị Trời thì cũng là lời Phật dạy. Tu hành rốt ráo, thanh lọc thân tâm để chứng quả Vô thượng Bồ-đề cũng là Phật nói. Như thế Bồ-tát Di Lặc chỉ lập lại những lời Phật dạy để thuyết cho mấy vị Trời thì hoàn toàn đúng như lời dạy của Phật thì tại sao ông Duy Ma Cật lại bảo là sai?

Nếu đứng về Pháp Tướng mà nói thì thời gian là tương đối, là sinh diệt, là vô thường nên quá khứ đã qua, hiện tại không dừng và vị lai chưa đến. Nhưng thật ra ngay trong hiện tại đã ngầm chứa quá khứ và vị lai rồi chẳng hạn như trong một đời hiện tại của con người thì cũng đã có đủ quá khứ, hiện tại và vị lai là sinh, già, chết. Như vậy nếu nói một đời thì dựa vào cái móc thời gian nào? Còn trưởng giả Duy Ma Cật thì dựa vào Pháp Tánh mà nói nên Pháp Tánh là tuyệt đối, không thay đổi, bất sanh bất diệt là Như nên không phân biệt thời gian có quá khứ, hiện tại hay vị lai. Thời gian được con người đặt ra là dựa theo khái niệm tương đối. Thí dụ như Tây phương thì họ chia là ngày, giờ, phút, giây, năm, tháng. Còn người Đông phương thì có giờ ngọ, giờ thìn…hay tháng tỵ, tháng mẹo…Cũng như nếu chúng ta ở Mỷ thì tháng 12 là mùa Đông lạnh giá trong khi ở Úc Đại Lợi lại là mùa hè nóng bức. Khi con người đang hạnh phúc vui tươi thì tâm hồn lúc nào cũng như mùa Xuân hoa nở. Còn gặp cảnh bất hạnh đớn đau thì cho dù đang ở mùa Xuân họ vẫn thấy ảm đạm u buồn như mùa Đông giá rét. Thế thì chẳng có cái gì là đồng nhất cố định cả. Cho nên khi còn thấy có sự phân biệt, thay đổi thì tâm còn vọng động tức là còn đau khổ. Vì thế nếu dựa theo Pháp Tánh thì không còn phân biệt thời gian và không gian nên không có vấn đề một đời hay một kiếp mà trước sau như một tức là không có quá khứ, hiện tại hay vị lai. Vì thế không có cái gì gọi là một đời cả.

Trong lịch sử Việt Nam có ngài Thiền Lão Thiền Sư mang sắc thái của thiền Mã Tổ. Một hôm, vua Lý Nhân Tông vào núi gặp ngài bèn hỏi:

- Hòa thượng ở đây được bao lâu rồi?

Ngài đáp:

Đản tri kim nhật nguyệt

Thùy thức cựu xuân thu

Nghĩa là:

Chỉ biết ngày tháng này

Còn xuân thu trước ai hay làm gì

Vua hỏi tiếp:

- Hòa thượng ở đây làm gì?

Ngài đáp:

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Nghĩa là:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây trắng hiện toàn chân.

Qua bốn câu thơ trả lời của ngài, chúng ta thấy ngài đang sống với thực tại chớ không bị lệ thuộc vào thời gian. Ngài không nghĩ về quá khứ mà cũng chẳng quan tâm đến tương lai và tất cả cảnh vật trước mắt ngài đều từ chơn tâm hiển lộ. Vậy người biết sống trong giây phút hiện tại là người có hạnh phúc, có an lạc. Suy nghĩ về quá khứ hoặc lo lắng quá nhiều cho tương lai chưa đến là đánh đổi cái hạnh phúc an lạc trong tay mình bằng những phiền não khổ đau không thể nắm bắt được. Thí dụ như nếu chúng ta đang nấu nồi cơm thật nóng thật ngon thì cứ thưởng thức hương vị thơm ngon của cơm bây giờ, tại sao lại phải lo lắng về quá khứ hay tương lai thì cũng như cơm đang nóng không ăn mà lại ăn cơm ngụi hay cơm sống chưa nấu.

Còn nếu nói về vô sanh mà được thọ ký thì vô sanh là cái bất sanh bất diệt, là khả năng để thành Phật có sẳn trong tất cả mọi người. Do đó nếu Di Lặc được thọ ký thì chúng sinh cũng được thọ ký. Nếu Di Lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chúng sinh cũng được quả vị Vô thượng Bồ-đề vì tất cả chúng sinh chính là tướng Bồ-đề.

Đứng về Pháp Tướng thì Di Lặc là vị đại Bồ-tát sắp thành Phật còn chúng sinh thì vẫn trầm luân trong lục đạo luân hồi. Nhưng nếu dựa vào Pháp Tánh thì Di Lặc và chúng sinh đâu có khác gì nhau bởi vì hai bên đều có Phật Tánh bình đẳng như nhau, không hơn không kém. Di Lặc có trí tuệ thì chúng sinh cũng sẳn có cái trí tuệ sáng suốt nầy. Di Lặc được diệt độ thì chúng sinh cũng được diệt độ. Đứng về Tướng thì thấy có chúng sinh để độ, có pháp môn để tu, có quả vị để chứng, có phân biệt thời gian, không gian, có phân biệt tốt xấu, thiện ác, có tu bất thối chuyển…Đây chính là cái nhìn của Tiểu thừa tức là giáo lý phương tiện để hướng dẫn những người sơ cơ tu tâm sửa tánh, bỏ ác phục thiện. Họ thấy có quả vị để chứng, có trí tuệ phát sinh nên mới cố gắng tu hành. Đây cũng còn gọi là giáo lý bất liễu nghĩa.

Nhưng thật ra dựa theo tư tưởng Đại thừa tức là giáo lý liễu nghĩa thì Bồ-đề phát xuất từ tự tánh thanh tịnh nên không có cái gì là thối chuyển hay bất thối chuyển. Thật ra quả Bồ-đề không là cái gì cả vì nó chẳng ở xa, chẳng ở gần, chẳng ở thấp, chẳng ở cao, chẳng ở trên, chẳng ở dưới. Nó không có kích thước nặng nhẹ, lớn nhỏ, vuông tròn, không có màu sắc, hình tướng cho nên khi Bồ-tát Di Lặc dạy các vị Thiên tử tu hạnh bất thối chuyển để đạt quả vị Bồ-đề thì ngài dạy họ đạt cái gì? Bởi vì Bồ-đề phát xuất từ trong tự tánh của mọi chúng sinh. Nếu tự tánh của mình hoàn toàn thanh tịnh, không còn phiền não vô minh, không còn các dục vọng ô nhiễm thì có Bồ-đề nên không có vấn đề thối chuyển hay không thối chuyển. Mọi người đều có tự tánh Bồ-đề vì Bồ-đề là về mặt trí tuệ giác ngộ, nhận thức chân lý và nhìn đời bằng con mắt khách quan đứng đắn chớ không phải do ý niệm chủ quan thiên lệch. Còn Niết bàn là về mặt giải thoát cho nên không còn phiền não khổ đau thì có Niết bàn ngay. Do đó cái tự tánh thanh tịnh khách quan cùng với nhận thức chân lý khách quan trong sáng và không sai lầm thì chính là Bồ-đề vậy. Vì thế dựa theo tư tưởng Duy Ma Cật thì:

Tịch diệt là Bồ-đề. Tịch diệt là vắng lặng tất cả những tham vọng, những lục dục thất tình, những tham-sân-si, mạn nghi, phiền não cho nên có tịch diệt là có Bồ-đề.

Bất quán là Bồ-đề. Quán là tưởng tượng nhớ lại những chuyện về quá khứ hay tương lai, chuyện gần chuyện xa, chuyện giàu chuyện nghèo, chuyện mình chuyện người làm cho tâm bất tịnh. Nếu không quán tưởng như thế tức là đừng có ảo tưởng về quá khứ, đừng có mù quán về hiện tại và đừng mộng tưởng về tương lai thì tâm thanh tịnh tức là có Bồ-đề.

Bất hành là Bồ-đề. Hành tức là tâm hành. Bất hành là tâm không còn nghĩ chuyện quá khứ, chuyện hiện tại hay chuyện tương lai và không còn nhớ thiện nhớ ác, nhớ tốt nhớ xấu. Vì thế Lục Tổ cũng nói không nghĩ thiện, nghĩ ác thì thấy được Chơn tâm tức là có Bồ-đề.

Đoạn là Bồ-đề. Đoạn là xa lìa kiến chấp và lìa các vọng tưởng thì có Bồ-đề.

Ly là Bồ-đề. Nếu con người lìa xa vô minh phiền não, lìa xa dục vọng là có Bồ-đề.

Chướng là Bồ-đề. Chướng là ngăn trở những mong muốn, tham vọng. Đánh tan những ước vọng ảo huyền thì có Bồ-đề.

Bất nhập là Bồ-đề. Nhập tức là sáu căn còn tham đắm nơi sáu trần nên gọi là lục nhập. Sáu trần có sức hấp dẩn, quyến rủ làm sáu căn ham thích mà thâu nhập nó vào làm tâm chất đầy vọng tưởng. Bất nhập là mắt tai mũi lưỡi thân và ý vẫn còn nguyên mà không bị sắc thanh hương vị xúc pháp ảnh hưởng, tác động mà tạo ý niệm tham dục. Bất nhập là không còn tham trước nên tâm được thanh tịnh tức là có Bồ-đề.

Thuận là Bồ-đề. Thuận là tùy thuận Pháp Tánh. Theo giáo lý của đạo Phật thì tự tánh của mọi người là thanh tịnh bản nhiên cho nên tùy thuận với tự tánh thanh tịnh bản nhiên là có Bồ-đề.

Trụ là Bồ-đề. Khi lìa tâm vọng tưởng, điên đảo mà quay về với Pháp Tánh thanh tịnh thì có Bồ-đề.

Bất nhị là Bồ-đề. Bỏ tánh phân biệt tốt xấu, cao thấp, thiện ác. Con người có xóa bỏ được biên giới nhị nguyên để quay về với chân lý Nhất Như tức là tất cả là một và một là tất cả thì có Bồ-đề.

Đẳng là Bồ-đề. Bình đẳng tức là không còn chấp ngã, chấp pháp. Mình cũng không mà người và vũ trụ cũng không nên tâm thanh tịnh tức là có Bồ-đề.

Vô vi là Bồ-đề. Vô vi là không sanh diệt, không tạo tác, không thay đổi, xa lìa Tướng hư vọng và là Thể Tánh của các pháp nên rất thanh tịnh tức là Bồ-đề.

Trí tuệ của mọi người là thật tánh để có khả năng trực nhận chân lý mà Tự tánh thanh tịnh hay Phật Tánh là có sẳn trong tất cả mọi người. Tự tánh luôn vắng lặng thanh tịnh thì cần gì phải chứng đắc Niết bàn. Bồ-đề, Phật Tánh là có sẳn chớ đâu phải tu hành đắc đạo mới có. Khi mê vọng điên đảo thì không biết mình có Phật Tánh thanh tịnh. Lúc thức tỉnh thì nó hiện ra cũng như trong túi luôn có viên ngọc quý Ma ni mà không biết, chỉ cần thò tay vô lấy thì sẽ hết nghèo đói, điên đảo khổ đau ngay. Trong tánh Không tức là Tự Tánh thanh tịnh bản nhiên thì không có trí tuệ hay chứng đắc gì cả. Vì thế Tâm Kinh mới có câu:”Vô trí diệc vô đắc” và “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Trong Chân Không Diệu Tánh, Phật Tánh thì luôn sẳn có cho nên chứng đắc chỉ là cách nói, là giả danh để tìm thấy được con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của mình mà thôi. Vì thế mà Kinh Hoa Nghiêm trong thời Nhật xuất tiên chiếu thì Phật đã xác định là”Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật vì trong tất cả chúng sinh đều có đủ phước đức trí tuệ Phật”. Và Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Hoa trước khi Ngài nhập Niết bàn trong thời Nhật một hoàn chiếu là” Tất cả chúng sinh đã thành Phật”.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật Thích Ca dạy rằng “Như Lai không chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gì cả”. Sở dĩ Ngài không chứng mà thế gian đều tôn trọng Ngài là vì Như Lai không có tướng ngã, không có tướng nhơn, không có tướng chúng sinh và cũng không có tướng thọ giả. Như Lai nhìn vạn pháp đều bình đẳng không thương, không ghét, không giận không hờn, không thiên không vị. Và Như Lai luôn sống trong thiện pháp chớ không lọt vào trong quỷ đạo của ác pháp cho nên người đời gọi Như Lai chứng quả Vô thượng Bồ-đề chớ thật ra Như Lai đâu có chứng đắc gì đâu. Nhưng Như Lai nói không chứng đắc mà thật ra Như Lai có chứng đắc. Cái chứng đắc nầy là vô thực và vô hư tức là không phải thật và cũng không phải là không. Tại sao không là thật? Bởi vì cái mà Như Lai chứng đắc thì không có hình tướng, không có màu sắc, không có kích thước, nặng nhẹ, không có văn tự ngôn ngữ để diễn tả. Thế thì cái mà Như lai chứng đắc là không thật có. Nhưng nếu không thật thì phải là hư. Vậy mà cái quả chứng đắc của Như Lai lại là vô hư. Tại sao? Là vì Như Lai có đầy đủ trí tuệ để nhận thức chân lý hoàn toàn đúng, đúng theo tự tánh Bồ-đề và tự tánh thanh tịnh Niết bàn của sự vật hiện tượng, đúng theo Thật Tánh của con người, đúng theo Pháp Tánh của vạn pháp cho nên Như Lai không bao giờ có vô minh phiền não khổ đau, tâm luôn thường trụ Niết bàn. Thế thì quả chứng đắc chính là vô hư tức là không phải là không có. Cho nên Tâm Kinh mới có câu:”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” có nghĩa là Có tức là Không và Không mới chính là Có vậy. Khi vào chùa gặp các vị Tăng thì làm sao chúng ta biết vị nào chứng đắc và vị nào chưa chứng đắc? Trong Phật giáo thì chứng đắc là vô thực thì đâu có ai cấp bằng hay chứng chỉ chứng đắc cho ai đâu. Thượng Tọa, Hòa thượng là những danh xưng, là những giả danh để gọi chớ nó không phản ảnh đúng con người thật hay Bản tâm của họ được. Vì tu hành là vô cầu vô sở đắc tức là ngay cả chứng đắc cũng không mong cầu thì Thượng tọa hay Hòa thượng có sá gì. Nhưng vô hư thì nó sẽ phản ảnh tướng mạo uy nghi đạo đức, tư tưởng chân chính, lời nói thanh cao hòa nhả, hành động đúng với chân lý, không còn tánh tham tật đố, loại bỏ tập khí ngã mạn, làm việc vì chúng sinh chớ không mong cầu lợi ích gì cho riêng mình. Vị nào đạt được những đặc tính đó thì là người chứng đạo. Có vô hư mới thành vô thực được. Chỉ có tư tưởng Đại thừa tức là giáo lý liễu nghĩa thượng thừa mới cho chúng ta cái nhìn thâm sâu huyền diệu như vậy.

Như thế thì không riêng gì Bồ-tát Di Lặc được Phật thọ ký mà chính Đức Phật cũng đã thọ ký cho tất cả chúng sinh từ lâu rồi.

Thế là:

Chẳng cần chờ đến “Long Hoa hội”

Tự tánh đã từng “thọ ký” xong.

Nếu nói theo giáo lý phương tiện là có pháp môn để tu, có Bồ-đề để chứng tức là vẫn còn có chấp. Cũng vì còn chấp ngã, chấp pháp nên Phật tử tại gia cúng vái cầu xin, còn người xuất gia thì chấp cứng vào hình tướng, lấy phương tiện làm cứu cánh, càng thêm ràng buộc thì làm sao có thể giải thoát mà thấy được Bồ-đề? Vì thấy chỗ mắc kẹt nầy mà tư tưởng Duy Ma Cật sẽ dẫn dắt chúng sinh đến một thế giới của Bản Tâm thanh tịnh mà đã có sẳn trong tất cả mọi người không phân biệt tại gia hay xuất gia. Ông Duy Ma Cật giúp chúng sinh phá tan các chấp, cho dù là chấp Có, chấp Không hay chấp ngã chấp pháp để lìa Sự Tướng sinh diệt, biến đổi, vô thường mà nhập vào Bản Thể Tự Tánh thanh tịnh sẳn có của mình. Con người có lìa xa vọng tưởng điên đảo và tùy thuận Pháp Tánh Chân Như thì tâm được hoàn toàn thanh tịnh tức là Bồ-đề hiễn lộ và Niết bàn hiện bày. Biết thế thì chúng sinh không cần phải cúng vái cầu xin vì không cần đi tìm kiếm những gì mình đã có sẳn. Trong Phật giáo cúng vái cầu xin là hình tướng bên ngoài vì cầu mà được thì sinh ra kiêu căng, tự phụ, mất tự tin. Còn cầu mà không được thì sanh ra oán Trời trách Phật. Vì thế tư tưởng Đại thừa giúp chúng sinh quay về sống với Tự Tánh thanh tịnh của mình thì cuộc đời sẽ vô cùng an vui tự tại. Dù thuận duyên có đến hay phải đối diện với nghịch duyên thì cũng chẳng có gì quan trọng cả vì vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn thì có gì thật đâu mà phải bận lòng. Có hay không của thế gian cũng chỉ là duyên giả huyễn vì duyên tan thì phải trả lại hết cho thế gian. Có càng nhiều thì khổ càng to thế thôi. Chấp nhận và sống hạnh phúc với những gì mình có thì mới thật là an vui tự tại.

Con người đã có sẳn cái khả năng nhận thức khách quan mà đạo Phật gọi là tự tánh thanh tịnh bản nhiên. Chính cái tự tánh thanh tịnh khách quan sẽ giúp chúng ta có khả năng nhận thức mọi hiện tượng trong thế gian nầy một cách khách quan, đứng đắn đúng với sự thật. Nhưng chúng ta lúc nào cũng chạy theo chủ quan tức là chạy theo tham-sân-si, mạn, nghi, phiền não, vô minh nên đánh mất đi cái nhìn khách quan, cái tự tánh thanh tịnh tức là cái trí tuệ trong sáng của mình nên chúng ta không có Bồ-đề là vậy. Do đó khi ông Duy Ma Cật bảo Bồ-tát Di Lặc đừng dạy các chư Thiên về pháp bất thối chuyển để có Bồ-đề là vì trong tất cả chúng ta đã có sẳn Bồ-đề rồi chớ còn tìm kiếm ở đâu xa. Bồ-đề là giải thoát giác ngộ, là vô vi, là vô hình vô tướng, là Chân Không Diệu Tánh thì làm sao mà tìm thấy được. Chỉ cần con người biết Tịch diệt tức là làm tâm vắng lặng bằng cách loại bỏ tham-sân-si, mạn, nghi, phiền não để không còn giận còn hờn, còn buồn còn khổ, còn tánh tham tật đố hay thực hành Bất quán tức là đừng ngồi đây mà nhớ tới những chuyện viễn vông không đâu bên Tây bên Tàu, mộng tưởng ảo huyền những ước vọng tương lai về giàu sanh phú quý…hay Bất nhập…thì có Bồ-đề ngay.

Nhiều Phật tử thường khoe tháng này tôi ăn chay được 5 ngày, 10 ngày, hay nửa tháng, một tháng…Thật ra ăn chay đậu hủ tương rau là cốt để kiểm soát lại thân tâm của chính mình mà loại bỏ bớt tham-sân-si, mạn, nghi, tà kiến. Nếu ăn chay mà tánh tham chưa bỏ, tật đố vẫn còn, lòng còn buồn giận thì tâm làm sao sáng suốt thanh tịnh được. Ăn chay như vậy thì chỉ là tu theo hình thức bề ngoài mà thôi. Tâm không thanh tịnh thì làm gì có Bồ-đề. Cho nên ca dao Việt Nam cũng có câu:

Sân si nghiệp chướng không chừa
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?

Khi Bồ-tát Di Lặc tin vào lời nói Thọ ký, tin vào văn tự Một đời sẽ thành Phật và tin vào chứng quả Bồ-đề thì ngài tượng trưng cho Sai Biệt Trí, còn cư sĩ Duy Ma Cật dựa vào Bản Thể, Pháp Tánh thì không còn có sự phân biệt mà phải lìa tất cả văn tự, ngôn ngữ để thấy tất cả không Hai tức là Bất Nhị. Đây chính là Căn Bản Trí tức là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẳn nhưng bị vô minh phiền não che lấp nên chưa được phát chiếu cũng như chất vàng còn nằm trong quặng lẫn lộn với đất, cát, sỏi, đá.

Có một cư sĩ mới học thiền, tới hỏi ngài Trí Tạng Tây Đường:

- Bạch Hòa thượng có Phật không?

Ngài trả lời:

- Có.

- Bạch Hòa thượng, có pháp không?

- Có.

- Bạch Hòa thượng, có thiên đường không?

- Có.

- Bạch Hòa thượng, có địa ngục không?

- Có.

Hỏi cái gì ngài cũng đáp có. Ông cư sĩ thắc mắc hỏi lại:

- Hòa thượng trả lời “Có” thì có lầm chăng?

Hòa thượng hỏi:

- Trước khi đến đây ông có hỏi ai những câu nầy không?

Cư sĩ thưa:

- Dạ, con có hỏi Hòa thượng Cảnh Sơn.

- Vậy Hòa thượng đáp như thế nào?

- Câu nào ngài cũng đáp không, còn ở đây câu nào Hòa thượng cũng đáp có. Vậy ai đúng, ai sai?

Ngài liền hỏi ông cư sĩ:

- Ông có vợ không?

- Dạ có.

- Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ không?

- Dạ không.

- Vì Hòa thượng Cảnh Sơn không có vợ nên ngài đáp câu nào cũng không, còn ông có vợ nên câu nào tôi cũng đáp có.

Ngài Cảnh Sơn không vợ là ý muốn nói ngài không còn ái nhiễm, ngài đã ngộ được các Pháp tự tánh là Không, nên ngài mới đáp không. Còn ông cư sĩ mới học đạo, còn đầy ái nhiễm và mê chấp nên ngài Tây Đường đáp “Có” để ông ấy sợ mà lo tu hành. Đây là cách dùng phương tiện khéo léo để giáo hóa chúng sinh mà thôi vì người thông suốt lý đạo thì nói sao cũng được, không chấp trên văn tự ngôn ngữ nên nói là để phá chấp mà phù hợp với lý chân thật. Thật ra “Có” và “Không” đều đúng cả vì nếu dựa theo sự Tướng bên ngoài thì Có. Còn theo Bản Thể Chân Như thanh tịnh bên trong thì tất cả đều là không. Nhưng Sắc tức thị Không cho nên Có tức là Không và Không chính là Có tuy hai nhưng mà một tức là bất nhị.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Di Lặc thưa. Khi trưởng giả Duy Ma Cật thuyết thời pháp ấy, hai trăm Thiên tử được vô sanh pháp nhẫn. Vì vậy, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

Khi các vị Trời đã thấu hiểu rằng Đức Phật không những chỉ thọ ký cho Bồ-tát Di Lặc mà Ngài còn thọ ký cho tất cả chúng sinh vì ai ai cũng sẳn có cái Phật Tánh thanh tịnh bản nhiên. Và một đời sẽ thành Phật là nói theo giáo lý phương tiện chớ thật ra không có cái móc thời gian nào có thể đo được khi nào là một đời cả vì ngay trong đời hiện tại thì chúng ta cũng đã có quá khứ và vị lại hiện diện rồi. Nói một cách khác là về phương diện thời gian không có bất cứ một thời điểm đặc biệt nào làm thời điểm zero để sau đó phân chia cái âm thì thuộc quá khứ hay cái dương thì thuộc về hiện tại như trong toán học. Sau cùng cũng không có cái gì là Bồ-đề hay chứng đắc cả vì nếu con người biết lìa xa vọng thức mê lầm quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì Bồ-đề hiễn hiện. Vì Chân lý huyền diệu như vậy cho nên hai trăm vị Trời khi đã am hiểu liền được vô sanh pháp nhẫn tức là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]