Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Ngũ căn – Ngũ lực

24/02/201116:04(Xem: 9984)
39. Ngũ căn – Ngũ lực

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

39. Ngũ căn – Ngũ lực

Ngũ căn và Ngũ lực là hai pháp môn rất quý báu trong 37 môn trợ đạo của Đạo đế. Chính nó đã đóng một vai trò thật quan trọng để giúp người tu hành từ địa vị phàm phu đến các thánh quả vị trong tam thừa. Chúng là những phương tiện thực tiễn có thể giúp chúng ta thăng tiến trên bước đường tu đạo và chứng quả. Do đó chúng ta phải chuyên tâm học hỏi và tinh tấn thực hành những pháp môn nầy.

Trước hết chúng ta tìm hiểu thế nào là Ngũ căn?

Ngũ căn là năm căn và là cội nguồn để tất cả các thiện pháp phát xuất. Năm căn đó là: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn.

1) Tín căn: là lòng tin tưởng thật vững chắc. Chúng ta tin tưởng ở đây có nghĩa là dùng trí tuệ để xét đoán việc mình làm và không tin tưởng một cách mù quáng. Chúng ta nên tin tưởng vào Giác, Chánh, Tịnh. Giác là giác ngộ bởi vì chỉ có giác thì chúng ta mới đạt đến sự giác ngộ và phá bỏ tất cả si mê vọng tưởng. Chánh là chánh tri, chánh kiến. Có nghĩa là chúng ta phải nhìn sự việc cũng như nghĩ về bất cứ việc gì một cách chính xác để phân biệt đâu là chánh và đâu là tà. Còn Tịnh có nghĩa là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh ở đây là làm cho lục căn thanh tịnh để không còn bị ô nhiễm. Một khi tinh thần không còn ô nhiễm, tâm lý không còn ô nhiễm, tư tưởng không còn ô nhiễm và kiến giải không còn ô nhiễm thì tâm của chúng ta sẽ trở về với thanh tịnh.

2) Tấn căn: là dũng mãnh tinh tấn trên con đường tu tập. Một khi mà chúng ta đã thực sự tin tưởng vào con đường đạo pháp thì chúng ta phải cố gắng bằng mọi giá để thực hiện những điều chúng ta tin tưởng, bằng không thì chúng ta chẳng đạt được gì cả mà chỉ phí thì giờ thôi. Con đường tu đạo không phải là dễ dàng. Nó đòi hỏi ở chúng ta một ý chí kiên trì và một năng lực dũng mảnh để tiến lên con đường đạo pháp. Càng học hỏi thì chúng ta hăng say, càng thêm sức lực và càng phấn chí không bao giờ mệt mỏi. Khi chúng ta càng thấu hiểu sự huyền diệu của giáo lý này thì chúng ta càng cố gắng tu học và đừng an phận ở những quả vị thấp. Vì với sự kiên trì chúng ta có nhiều hy vọng đạt đến những thành quả khá hơn.

3) Niệm căn: là phải ghi nhớ trong ta. Vậy chúng ta phải ghi nhớ những gì? Chúng sinh nên phát tâm từ bi của mình bằng cách áp dụng Bố thí Ba-la-mật trong bất cứ cơ hội nào. Đem tài sản, tiền bạc bố thí cho kẻ bần cùng, khốn khổ. Đem chánh pháp giúp cho người si mê khiến cho họ được thức tỉnh sáng suốt và cuối cùng là đem giáo lý giúp kẻ lo âu hết sợ hãi.

Đối với người tu hành thì trì giới là khuôn vàng thước ngọc để giúp cho họ giữ vững lòng tin mà tu hành để đạt được thánh quả. Trì giới là một điều tối quan trọng cho việc thành công hay thất bại trên con đường tu đạo. Do đó chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ những quy luật nầy.

4) Định căn: định là yên tịnh do đó định căn là lắng tâm yên tịnh để chuyên chú vào chánh pháp mà dụng tâm tu tập. Có ba loại định:

¨ An trụ định: là để tâm an trụ vào định cảnh, đừng cho tán loạn thì phiền não sẽ được tiêu trừ.

¨ Dẫn phát định: Nếu có thể đoạn sạch phiền não thì phát sinh các công đức thù thắng.

¨ Thành sở tác sự định: Khi đã phát khởi các công đức thì nên làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, giúp họ hướng về giải thoát giác ngộ.

5) Huệ căn: là trí tuệ sáng suốt. Trí tuệ nầy không có sự phân biệt bởi vì phân biệt là tác dụng của vọng thức đưa đến sự mê lầm. Phân biệt là do vọng thức tác dụng làm tâm con người bất định mà chạy theo tham-sân-si. Chẳng hạn khi thấy chiếc xe thì tâm liền phân biệt là chiếc xe đẹp, hay xấu…Nếu chỉ biết chiếc xe là chiếc xe như trăm ngàn chiếc xe khác thì tâm an định tức là chúng ta đang sống với chân tâm. Nhưng một khi tâm có sự phân biệt tức là chân tâm biến mất và được thay thế bằng vọng thức làm tâm bất định.

Trí tuệ có ba thứ:

· Vô phân biệt gia hạnh huệ: Mặc dù quán trí nầy không còn thấy có sự phân biệt, nhưng còn có gia hạnh. Vì thế chúng sinh còn phải tu hành để thành tựu hoàn toàn vô phân biệt trí.

· Vô phân biệt huệ: Vì không còn sự phân biệt nên không còn mê vọng. Với thứ trí tuệ nầy sẽ giúp chúng sinh được an vui tự tại và chứng được chân như.

· Vô phân biệt hậ đắc trí: Sau khi chứng được chân như thì trí tuệ nầy hoàn toàn sáng suốt, tỏ ngộ được thật nghĩa của các pháp.

Tóm lại huệ căn là thứ trí tuệ do thiền định đã làm lắng sạch các vọng tưởng, các phân biệt để nhận chân được chân lý của nhân sinh vũ trụ.

Ngũ căn thì như thế còn ngũ lực thì thế nào?

Ngũ lực là năm năng lực vĩ đại và là năm thần lực của ngũ căn. Nói một cách khác chúng ta có thể coi Ngũ căn là năm ngón tay còn Ngũ lực là sức mạnh của năm ngón tay đó. Nếu không có sức mạnh thì năm ngón tay kia không còn hiệu nghiệm nữa. Vậy Ngũ lực thì gồm có:

1) Tín lực: là thần lực của đức tin hay là sức mạnh do lòng tin tưởng phát sinh.

2) Tấn lực: là sức mạnh kiên cố để có thể san bằng mọi trở lực và sức mạnh nầy là do tấn căn phát sinh.

3) Niệm lực: là thần lực của sự ghi nhớ và là sức mạnh vĩ đại bền chắc của niệm căn.

4) Định lực: là thần lực của sự tập trung tư tưởng và là sức mạnh vô song của định căn.

5) Huệ căn: là thần lực của trí tuệ và là sức mạnh vô biên của huệ căn.

Vậy Ngũ lực là sức mạnh tiếp nhận bởi sự kiên trì tu luyện của Ngũ căn. Và nó chính là ngọn lửa bùng lên sau khi chúng ta đã chú tâm hoàn tất năm điều căn bản của thiện pháp.

Cuối cùng chúng ta phải lấy trí tuệ làm nền tảng và tinh tấn để thực hành những chánh pháp nầy. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ phát tâm bố thí để giúp đời và giúp mình, cố gắng tập trung tư tưởng để diệt trừ vô minh vọng tưởng cũng như loại phá mọi phiền não và đạt cho được trí tuệ không phân biệt để sau cùng chứng được chân như.

Với những thần lực vĩ đại do ngũ căn tạo ra thì chúng ta đã có đủ phương tiện cần thiết để đạt đến mục tiêu cuối cùng là chứng được Niết Bàn và thoát ra khỏi vòng sinh tử trầm luân. Hơn thế nữa, một khi đã đến được nơi nầy thì chúng ta sẽ là ánh sáng của chúng sinh và cũng là ruộng phước để chúng sinh gieo mầm an lạc. Cuối cùng, với lòng từ bi vô lượng, chúng ta có đủ cơ năng để giúp chúng sinh trở thành những kẻ hoàn toàn giải thoát và hoàn toàn giác ngộ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]