Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Trì Giới Ba-La-Mật

24/02/201116:04(Xem: 8934)
22. Trì Giới Ba-La-Mật

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

22. Trì Giới Ba-La-Mật

Mục đích của Phật giáo là đưa chúng sinh đến bờ Giác ngộ. Nhưng con đường đưa đến chỗ toàn chân, toàn mỹ nầy đòi hỏi ở chúng sinh một ý chí kiên trì và một lòng sắt đá để giữ mình theo giáo luật. Theo Đức Phật thì giáo luật có một giá trị tuyệt đối bởi vì nó là yếu tố chính để quyết định sự thành công cũng như sự thất bại trong vấn đề tu đạo. Cái khó là chúng ta không nhất tâm và tập trung tư tưởng để theo con đường mà Đức Phật đã vạch ra, mà ngoại cảnh ô hợp đã làm chúng ta chán nản mà chùn bước. Bởi thế trước khi nhập diệt, Đức Phật đã căn dặn nhiều lần về vấn đề giáo luật. Phật dạy:

“Gặp thời không có Phật, hãy lấy giới luật làm thầy”.

Đức Phật đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo luật trong việc tu đạo và đạt được đạo. Dầu chúng ta có thể thông hiểu giáo lý của đạo Phật, nhưng đem nó áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày để chứng được chân như là hai điều khác nhau. Thời nay, người muốn tu hành thì nhiều mà kẻ đạt được kết quả tốt thì rất hiếm. Tại vì sao? Câu trả lời đơn giản là dục vọng ngoài đời đã làm họ mù quáng mà quên đi giới luật. Thật vậy, giáo luật của đạo Phật chính là kim chỉ Nam để giúp chúng ta khỏi bị lầm đường, lạc lối. Một khi đã biết giới luật mà cố tình vi phạm thì tất cả công phu tu tập bao năm cũng đổ theo sông theo biển mà thôi. Chẳng những phàm phu phải giữ giới luật, mà chính cả Bồ-tát cũng phải noi theo. Vì thế trong kinh Phàm Vọng có nói: “Trì giới sáng như mặt trời, quý báu như châu báu, các vị Bồ-tát đều do trì giới thanh tịnh mà thành Chánh giác”.

Vậy thế nào là trì giới?

Trì là giữ chặt chẽ, còn Giới là những điều răn dạy, răn cấm. Đây chính là những quy luật mà Đức Phật đã đặt ra để hướng dẫn đệ tử của Ngài đi vào con đường chánh đạo.

Vậy những ai phải theo giới luật?

Tùy theo căn cơ của chúng sinh và cũng tùy theo phương cách tu hành, Đức Phật đã chế ra rất nhiều giới luật để họ noi theo đó mà tu hành. Trì giới được chia ra làm ba cấp: giới tu tại gia, giới tăng sĩ và Bồ-tát giới.

Giới tu tại gia: là những người chưa xuất gia, cũng có thể gọi là cư sĩ tại gia thì chỉ cần tuân theo ngũ giới là đủ.

Theo Khổng giáo thì có tam cương, ngũ thường còn phía Phật giáo thì có tam quy, ngũ giới. Người theo đạo Nho thì không thể theo tam cương mà bỏ ngũ thường. Còn người Phật tử thì không thể chỉ thọ tam quy mà không trì ngũ giới.

Vậy ngũ giới gồm có những gì?

1) Không được sát sinh: Phật dạy chúng sinh không được giết hại một ai cả, từ loài người đến loài vật. Đây là nghiệp nặng nhất. Tại sao thế? Quý vị thử hình dung khi một người đâm lưỡi dao vào cổ một con bò để thọt huyết nó. Vì phản ứng sinh tồn, nó rống lên, rồi dãy dụa và cố tranh đấu với tử thần để bám víu lấy sự sống. Những hính ảnh ghê rợn kia làm sao có thể xóa bỏ trong giấc ngủ của quý vị được. Khi giết một con vật như thế thì chính mình đã tạo ra một ác nghiệp rồi. Và ác nghiệp thì dẫn chúng ta đi lên đi xuống, lang thang lẫn thẩn trong vòng sinh tử. Giết một con vật to lớn mà để tự vệ hay vô ý thì cái quả còn nhẹ hơn là giết một con chuồn chuồn mà với ác ý là giết nó để cho vui.

2) Không được trộm cướp: Trộm cướp là cưỡng chiếm tài sản của kẻ khác. Khi chúng ta đoạt tài sản của kẻ khác thì chúng ta có thể nhất thời được sung sướng. Nhưng kẻ khác thì lại đau khổ bởi vì đối với họ ”tiền tài là huyết mạch”. Khi trộm cướp tài vật của kẻ khác thì họ sẽ đau khổ vì vậy chúng ta đã tạo ra ác nghiệp nữa rồi. Đó là chưa kể cái quả trước mắt là vào tù ra khám, tương lai tăm tối. Nếu muốn nuôi dưỡng tâm từ bi thì chúng ta nhất định không nghĩ đến việc nầy.

3) Không được tà dâm: tà dâm là muốn nói đến sự dâm dục thị phi hoặc phi pháp. Khi vợ chồng có cưới hỏi đàng hoàng thì gọi là chánh. Ngoài ra mọi sự lén lút, lăng chạ là phi pháp. Thông thường người có ý tà dâm thì lúc nào tâm của họ cũng nghĩ ngợi bất chánh về việc chơi bời lã lơi. Muốn tâm được thanh tịnh thì chúng ta phải tránh xa cái tật xấu nầy và cố gắng tu luyện để loại bỏ những tư tưởng xấu đó đi. Thêm nữa, chúng ta phải loại bỏ tất cả những hình ảnh bất thiện trong tâm tưởng cũng như những cám dỗ trong đời. Tà dâm thì tâm bất tịnh đó là chưa kể đến nhà tan cửa nát, vào tù ra khám.

4) Không được vọng ngữ: Vọng ngữ là nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều và nói lời hung ác. Tôn chỉ của đạo Phật là tôn trọng sự thật. Một khi nói dối là chúng ta đã lấy lòng ích kỷ, ác độc để hại người cho thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Mà đã nói dối thì sau nầy còn ai tin mình nữa. Bởi thế cổ nhân có câu: “Nhân vô tín bất lập”. Nhưng khi vì lời nói mà làm hại người thì chúng ta đã tạo thêm một ác nghiệp nữa rồi. Đó là chưa kể “ác lai ác báo”.

5) Không được uống rượu: Rượu thì có chất men mà chất men thì làm người say. Khi chúng ta tu Phật là mình muốn bài trừ ô nhiễm ở trong tâm để phát sinh trí tuệ. Uống rượu thì làm cho chúng ta say, mà một khi đã say thì trí tuệ của chúng ta bị lu mờ và thân thể càng thêm bịnh hoạn. Tệ hại hơn nữa là khi say thì chúng ta có thể làm bất cứ chuyện tầy trời nào cũng được. Chẳng hạn như giết người, nói năng bậy bạ, tạo tai nạn khi lái xe, không kìm chế được nhân tính và tạo ra ác nghiệp mà chính mình cũng không hay không biết.

Năm thứ nghiệp nói trên đây có ảnh hưởng rất lớn, rất nặng cho việc luân hồi sinh tử của chúng ta. Người giữ được trọn vẹn thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì chịu nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hể mất thân người thì muôn kiếp khó trở lại được.

Vậy tạo nghiệp gì bị đọa làm nghiệp quỷ?

Phật dạy:”Những chúng sinh ăn ở gắt gao, tiền của chẳng thí, tham mến ăn mặc, lường gạt lấy tiền của công đem thọ dụng riêng. Có người nghèo khổ xin ăn, một đồng chẳng thí lại thêm mắng chữi, cứ lo cho mình no ấm không thương người đói lạnh. Đến khi chết rồi sẽ bị đọa trên đường ngã quỷ, chịu đói khổ sở, cái cuống họng nhỏ như cây kim, thức ăn nuốt chẳng xuống, cái bụng lớn như cái trống đồng, như hòn núi, thoáng gặp đồ ăn uống thì đồ ăn uống bỗng hóa thành đồng sôi sắt nóng, đói cho đến khi miệng hóa ra lửa, lỗ mũi ra khói, hình thể ốm đen để đền đủ tội rồi mới hết nghiệp khổ.

Còn những nghiệp gì bị đọa làm súc sanh?

Phật lại dạy tiếp:”Những chúng sanh tham ăn rượu thịt, giết hại cầm thú để bày tiệc ăn chơi đàn ca vui sướng sẽ trả quả làm súc sanh để đền mạng trước. Lại có người mượn vay tiền bạc của người mà cố đoạt chẳng trả, quả báo làm súc vật trả nợ lại cho người và phải trả cho hết cái nghiệp đó mới ra khỏi luân hồi”.

Giới tăng sĩ: là những người đã từ bỏ cảnh trần tục, chán ngán nhân tình thế thái và nguyện noi gương theo Đức Phật để được tự độ và độ tha. Có sự khác biệt giửa chữ tăng sĩ và xuất gia.

Chúng ta thường hiểu là kẻ xuất gia là người từ bỏ gia đình đến nương náo cửa chùa để tu hành. Nhưng theo kinh Phật thì cửa chùa vẫn là điền trạch chi gia, do đó kẻ xuất gia là kẻ phải xuất cho được ba điều: phiền não, sanh tử và tam giới.

Trong phần tiểu sử Đức Phật, chúng tôi đã ghi rất kỹ về sự thành lập tăng đoàn của Ngài. Trong đó thì Ngài chủ trương “Y pháp bất y nhân” có nghĩa là tăng đoàn phải lấy tam bảo làm trung tâm chớ không lấy một cá nhân đặc biệt nào để làm đối tượng cả. Nhưng trên thực tế, sau khi Đức Phật nhập diệt thì khuynh hướng đó được xoay qua thành “trọng người nhẹ pháp”. Điều đó có nghĩa là trọng vị tăng hơn là giáo pháp và như thế tam bảo không còn là trung tâm nữa mà tam bảo được thế bằng tăng bảo.

Vậy có những giới luật nào cho quý vị tăng sĩ?
Dựa theo kinh điển của Phật giáo thì một người ở lứa tuổi từ 14 đến 18 mà muốn xuất gia thì được gọi là Sa di. Chú Sa di nầy phải giữ đúng 10 giới luật. Đến khi được 20 tuổi thì chú Sa di mới được thọ giới Tỳ kheo. Nếu chú Sa di nào chưa đủ điều kiện thì phải học tập thêm vài năm nữa thì lúc đó mới sẵn sàng để thọ giới Tỳ kheo trở lại. Khi đã trở thành Tỳ kheo rồi thì họ phải giữ 250 giới.

Còn về phía nữ giới thì gọi là Sa di ni. Khác với mấy chú Sa di, mấy tiểu Ni cô Sa di ni nầy phải thọ thêm giới “Thức xoa ma ni”. Giới nầy thì gồm có 6 luật căn bản. Đó là: không dâm dục, không trộm cắp, không sát sinh, không nói dối, không uống rượu và không được ăn ngoài giờ ấn định. Những tiểu Ni cô nầy phải thọ giới nầy khoảng 2 năm thì mới được thọ giới Tỳ kheo ni. Một khi đã trở thành Tỳ kheo ni thì họ phải giữ 348 điều giáo luật. Thêm nữa, đối với những thiếu phụ đã có chồng nhưng đã ly dị hay chồng chết và hiện tại còn đang độc thân, nếu muốn đi tu thì phải đợi đến 10 năm mới được thụ giới Thức xoa ma ni.

Lễ truyền giới Tỳ kheo thì được gọi là Giới đàn truyền giới hay truyền hương. Bởi vì khi thọ giới, người Tỳ kheo được đội 3 huyết hương trên đỉnh đầu. Hương thì từ từ cháy còn vị Tỳ kheo cứ tiếp tục tụng kinh cho đến khi hương tàn. Vị nào chịu không nỗi thì thi lại. Đây là thử thách sự trì tâm của họ đối với ngoại cảnh. Một khi đã chú tâm tụng kinh Phật thì tâm chỉ nghĩ về Phật mà thôi, còn cảm thấy bị đau đớn tức là tâm bị ô nhiễm. Khi được trao giới Tỳ kheo thì vị đó được nhận: Y (áo cà sa), bát (dụng cụ để khất thực), tọa cụ (tấm vải để trải trên đất mà ngồi) và một dụng cụ lọc nước uống. Đối với một kẻ tu hành chân chính thì đây là sản nghiệp bất khả ly thân của họ.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật rất quan tâm về trì giới, Ngài dạy: ”Chúng sinh giữ trì giới thì tâm sẽ được thanh tịnh. Nhờ tâm thanh tịnh mới phát sinh ra trí tuệ để phá trừ vô minh. Vô minh hết thì chơn tâm tự hiện bày”. Nhưng kinh nầy lại tiến xa thêm một bước nữa, đó là: ”Trì giới là chỉ cho tâm giới. Có nghĩa là nếu thân đã không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ và tâm cũng không nghĩ tưởng đến việc sát, đạo, dâm, vọng thì cái “biết mình đã đoạn trừ” cũng không còn nữa”. Thật vậy, nếu tâm vẫn còn một chút ít vọng niệm gì thì tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh. Nếu tâm chưa thanh tịnh thì giới thể chưa được viên mãn.

Hơn nữa, trọng tâm của đạo Phật là xây dựng dựa trên triết lý luân hồi nhân quả. Chẳng hạn như trong Tứ Diệu Đế thì tập đế là nhân mà khổ đế là quả của đường sanh tử. Còn đạo đế là nhân và diệt đế là quả của chiều giải thoát. Cũng như trong chúng ta, Phật tánh là nhân mà được thành Phật viên mãn tự tại là quả. Nếu chúng ta trong kiếp nầy bị vô minh, vọng tưởng và ái dục làm mê muội để gây ra lắm nghiệp căn thì cái quả xấu kia ai lãnh cho mình? Một khi nghiệp căn đã tạo rồi thì dầu có Phật hoặc Bồ-tát cũng không thể cứu chúng ta được. Nếu Đức Phật có thể độ cho những người chung quanh được giải thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi thì Ngài đã độ hết cho tất cả thân bằng quyến thuộc của Ngài rồi. Nhưng chính Ngài cũng phải dạy cho họ lo giữ ngũ giới và tu thập thiện để tự giải thoát cho mình. Đó là “ai tu người ấy chứng” vậy.

Người Phật tử phải nhận thức cho rõ ràng là người tu tại gia cũng như hàng tăng sĩ đều cùng nhắm chung một mục đích là cố gắng tu luyện để được thoát khỏi lục đạo luân hồi. Bởi thế kinh Pháp Bảo Đàn có nói:” Nếu muốn tu hành, ở nhà cũng được, không cần phải ở chùa. Người tại gia mà biết tu hành thì như người phương Đông có tâm thiện. Còn kẻ ở chùa lại không tu thì như người ở phương Tây có tâm ác. Chỉ cần tâm thanh tịnh, đó là tự tánh Tây phương”.

Bồ-tát giới: đây là giới mà phật tử tại gia cũng như hàng tăng sĩ phải thọ trì sau khi đã phát tâm Bồ đề để tu Bồ tát hạnh ngõ hầu có cơ hội làm Phật sự và hóa độ chúng sanh. Bồ-tát giới dạy chúng ta không nên làm một việc ác nào, quyết tâm làm tất cả việc lành và cũng quyết tâm tu hành từ, bi, hỷ, xả. để làm các lợi ích cho tất cả chúng sinh cũng như hóa độ cho muôn loài.

Thủa xưa có hai vị Tỳ kheo từ phương xa đến để yết kiến Phật. Trên đường đi, họ phải băng qua một sa mạc. May mắn thay họ tìm thấy một vũng nước nhưng trong nước lại chứa đấy những sinh vật tí hon. Một vị vì sợ phạm giới không dám uống nước nên bị chết khát. Còn vị kia nhờ uống nước nên sống được và tìm đến yết kiến Phật. Thấy ông ta , Phật quở rằng: “Ông tỳ kheo kia giữ giới không uống nước, tuy chết nhưng ông đã thấy ta trước rồi. Còn ông, không giữ giới, tuy sống, đến yết kiến Ta, nhưng ông lại cách Ta nghìn dặm”.

Nói tóm lại, trì giới Ba-la-mật có một hiệu quả lớn lao cho việc tu hành của người Phật tử. Bởi vì làm được như thế thì họ đã biểu hiện sự thực hành bổn phận của họ một cách đứng đắn và sẽ mang vô lượng công đức đến cho họ. Hơn nữa, trì giới có giá trị hơn cả Bố thí giới bởi vì người Phật tử có tài thí, pháp thí mà không có trì giới thì không thể nào đạt thành chánh quả được. Lý do là người nầy vừa tạo phước mà cũng vừa gây tội. Do chỗ không trì giới nên họ gây ra nghiệp thiện ác đủ thứ thì làm sao mà chứng quả Thánh được.

Khi làm những Phật sự truy tiễn cho vong nhân, chúng sinh nên hồi hướng công đức ấy đến mọi loài chúng sinh trong pháp giới. Như thế công đức sẽ càng thêm lớn mà lợi ích của vong nhân đó cũng được tăng thêm nhiều.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]