Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Lịch sử phát triển của Phật giáo

19/02/201105:23(Xem: 9229)
2. Lịch sử phát triển của Phật giáo

PHẬT HỌC CĂN BẢN
Thích Giải Hiền

2. Lịch sử phát triển của Phật giáo

2.1 Phật giáo phát sinh từ Ấn Độ

Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ. Phật giáo Ấn Độ phát triển qua ba thời kỳ.

2.1.1 Thời Phật còn tại thế và sau khi diệt độ khoảng hai trăm (200) năm

Thời kỳ này gọi là thời kỳ nguyên thuỷ của Phật giáo, đây là thời kỳ thuần nhất của Phật giáo. Đức Phật phản đối việc cúng bái mê tín, phản đối việc sùng bái ngẫu tượng, Ngài không chủ trương việc thần thánh hoá cá nhân mà chỉ dạy mọi người thực hiện theo giáo pháp và tuân giữ giới luật. Ngài thường dạy các đệ tử, ta không phải là người lãnh đạo, ta chỉ là một thành viên trong tăng đoàn mà thôi. Đức Phật dùng những quan niệm và phương pháp bình đẳng, thiết thực để giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi những khổ não của thân tâm. Đối tượng của kinh luật là con người, mục đích của kinh Phật là cứu độ con người.

2.1.2 Thời kỳ sau Phật diệt độ khoảng bốn trăm (400) năm

Tư tưởng Phật giáo dần dần có sự biến đổi và mang tính khu vực. Ở Ấn Độ do khí hậu, ngôn ngữ và dân tộc khác nhau nên quá trình truyền bá của Phật giáo trên phương diện hình thái và tư tưởng cũng có nhiều thay đổi. Mỗi một vị thầy khi truyền bá ở mỗi khu vực khác nhau, vì để thích ứng với nhu cầu của đại chúng cùng xã hội đương thời nên sinh ra những khác biệt trên phương diện hình thức cùng tư tưởng nên thời kỳ này còn gọi là thời kỳ bộ phái Phật giáo. Thời kỳ bộ phái Phật giáo chú trọng nhiều đến việc chỉnh lý, lý luận và biện minh của quan niệm có xu hướng coi trọng việc giải thoát của cá nhân. Do vậy mà sau này xu hướng Đại thừa gọi bộ phái Phật giáo này là Tiểu thừa. Nhưng bộ phái Phật giáo có hai bộ phận lớn là:

• Thượng toạ bộ nhiều tư tưởng bảo thủ
• Đại chúng bộ nhiều tư tưởng cởi mở hơn

Theo quan điểm của Tiểu thừa là cổ xe nhỏ chú trọng nhiều đến tư tưởng tự độ hơn độ tha. Ngày nay không nên dùng danh từ này mà nên gọi là Nam truyền hay Nam Tông.

Đại thừa Phật giáo (theo cách gọi trước đây) hình thành sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn từ năm trăm (500) đến một ngàn (1000) năm. Đề xướng tinh thần Bồ-tát-đạo vì lợi ích của quảng đại chúng sinh, vì thành tựu Phật đạo phát Bồ-đề-tâm. Đại bồ đề tâm là tâm nguyện “Nguyện độ chúng sinh đồng ly khổ nạn, không vì sự an lạc của tự thân” đó chính là tinh thần “vì mọi người”. Đại thừa Phật giáo (nay nên gọi là Bắc tông, hay Bắc truyền) ở Ấn Độ chia thành ba phái là:

• Y cứ tư tưởng Bát Nhã gọi là Trung Quán học phái
• Y cứ tư tưởng Duy thức gọi là Du Già học phái
• Y cứ tư tưởng Duy tâm gọi là Như Lai Tạng học phái

Ba học phái này quy thành hai phái chính là:

• Tư tưởng tính không gọi là phái Trung Quán
• Tư tưởng hữu, có Duy thức và Duy tâm, Duy thức là Du Già phái, còn Duy tâm là Như Lai Tạng phái

2.2. Phật giáo từ Ấn Độ truyền lên phương bắc

Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang phương bắc chia làm hai hệ thống đó là: vùng văn hoá dân tộc Hán ở Trung Nguyên Trung Quốc và vùng văn hoá dân tộc Tây Tạng, Mông Cổ vùng biên cương Trung Quốc. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào khoảng năm sáu trăm mười bảy (617) tây lịch. Do hai vị Tăng Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đà và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng chở kinh đến Lạc Dương. Bộ kinh đầu tiên được dịch sang hán văn là bộ kinh “Tứ Thập Nhị Chương”. Kinh điển chữ hán trải qua quá trình phiên dịch trước tác hơn một ngàn năm đã hình thành nên Phật giáo của người Hán Trung Quốc. Rồi từ đó Phật giáo Trung Quốc truyền sang các nước lân cận, đầu tiên hết là Hàn Quốc, rồi từ Hàn Quốc truyền sang Nhật Bản, người Nhật sau khi được Phật giáo truyền từ Hàn Quốc sang đã phái nhiều Du học sinh sang Trung Quốc học đạo cầu pháp. Từ thời Tuỳ Đường cho đến Tống Minh. Nhật Bản là nơi duy nhất đã có đủ tất cả tông phái của Trung Quốc truyền sang. Trung Quốc trong thời kỳ pháp nạn, “Tam Vũ Nhất Tông” nhiều kinh điển sau đó đã không còn nhưng đã được Phật giáo Nhât Bản giữ gìn nguyên vẹn, đây là công đức không nhỏ. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản và Phật giáo Đại thừa Trung Quốc còn được truyền sang Việt Nam.

Phật giáo Trung Quốc có mười tông phái gồm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Tiểu thừa có hai tông phái: Câu xá và Thành Thật tông. Sau này Câu xá tông xác nhập vào Duy thức tông. Thành Thật tông nhập vào Tam Luận tông, nên chỉ còn lại là tám tông phái Đại Thừa là Thiên Thai tông, Tam Luận tông, Hoa Nghiêm tông, Luật tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiền tông và Pháp Tướng tông. Trong tám tông phái này cho đến nay chỉ có Thiền và Tịnh Độ tông là phát triển mạnh nhất. Trên thực tế đa phần các chùa ở Trung Quốc điều thuộc Thiền tông, nhưng chỉ tu Thiền thôi mà không niệm Phật thời rất ít. Do đó đã hình thành nên pháp môn Thiền Tịnh song tu.

Thiên Thai tông, Duy thức tông, Hoa Nghiêm tông chuyên về nghiên cứu học vấn chùa viện và đồ chúng rất ít. Tất cả những người xuất gia điều phải thọ giới, nhưng hiện nay không có quy định là chỉ có chùa thuộc Luật tông mới được phép truyền giới. Những vị xuất gia chỉ chuyên trì luật và học luật còn rất ít. Trước năm 1949 ở Trung Quốc Đại Lục chùa thuộc Luật tông không còn nhiều chỉ có vài chùa mà thôi.

Mật tông truyền vào Trung Quốc vào đời nhà Đường, sau đó từ Trung Quốc truyền sang Nhật và từ đó về sau Mật tông không còn có ở Trung Quốc nữa. Người Trung Quốc vì sao không thích Mật tông? Có thể là do ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia cho những quan niệm chú lực, thần lực gia trì trong Mật tông là những hiện tượng dị thường nên trong khu vực văn hoá Hán ngữ Trung Quốc Mật tông không thể thịnh hành được.

Đến thế kỷ thứ 7 một đợt truyền bá nữa của Phật giáo Đạt thừa từ Ấn Độ truyền sang phương bắc, đầu tiên hết truyền đến Tây Tạng, sau đó truyền sang Mông Cổ. Đây là Phật giáo thuộc khu vực văn hoá Tạng Mông. Vào thời kỳ đó Mật tông đang rất thịnh hành ở Ấn Độ, sau khi truyền vào Tây Tạng từ từ đã phù hợp với nhu cầu của người dân Tây Tạng đồng thời kết hợp với Tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc vùng núi Tây Tạng hình thành nên Mật tông Tây Tạng ngày nay. Mật tông vốn là một nhánh của hệ thống Phật giáo Duy tâm ở Ấn Độ.

2.3 Phật giáo từ Ấn Độ truyền xuống phương nam

Năm hai trăm bốn mươi (240) trước Tây lịch Phật giáo từ Ấn Độ truyền xuống phía nam như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, một số nước Đông Nam Á khác như Lào, Cam Pu Chia, Việt Nam. Phật giáo truyền xuống phương nam thuộc Thượng Toạ Bộ. Vì các nước này vốn không có Tôn giáo cao cấp khác, cũng không có tư tưởng văn hoá triết học lớn, nên khi Phật giáo truyền đến thời không có sự thay đổi lớn, nên mang đậm nét màu sắc Nguyên thuỷ của Phật giáo hơn.

2.4 Phật giáo truyền sang Âu Mỹ và khắp thế giới

Phật giáo đầu tiên được truyền sang Âu Mỹ là hệ thống Phật giáo Nam truyền do các giáo sĩ và học giả phương tây đã theo chân các thế lực chính trị đến các vùng đất thuộc địa ở Tây Nam Á và Đông Nam Á, họ tiếp xúc với Phật giáo ở các nơi đó và đem kinh điển Phật giáo dịch sang tiếng các nước Âu Mỹ như công trình phiên dịch “Thế giới Phật giáo Thánh Điển” dịch từ kinh điển tiếng Pali của Nam Truyền.

Thứ đến là Thiền của Phật Giáo Nhật Bản được truyền sang Âu Mỹ. Phật giáo của Nhật Bản cũng có nhiều tông phái, trong đó Tịnh Độ Chân tông và Nhựt Liên Tông đã trở thành Tôn giáo riêng của Nhật Bản, duy chỉ có Thiền tông của Nhật Bản vẫn còn giữ được phong cách của Phật giáo truyền từ Trung Quốc sang. Do vậy người Âu Mỹ đã tiếp nhận Thiền của Nhật Bản. Người có công lao truyền bá Thiền của Phật giáo Nhật Bản là Thiền Sư Suyuki lúc đầu Thiền Sư Suyuki đã giảng về Thiền ở trường Đại học Co Lum Bia, sau đó tư tưởng Thiền của Ngài đã được truyền bá ở Mỹ và Âu Châu. Dần Dần đã có nhiều vị Thiền Sư Nhật Bản khác đến thành phố San-phan-xi-cô rồi đến miền Đông và hiện nay đã truyền đến miền Trung và Tây nước Mỹ cũng như một số nước ở Âu Châu.

Thứ ba là Phật giáo Mật tông Tây Tạng theo làn sóng di dân tị nạn của dân Tây Tạng sang Ấn Độ. Lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa theo mấy chục nghìn vị Lạt Ma trẻ tuổi đã được giáo dục và đào tạo rất quy củ từ nội điển, pháp tu đến ngoại ngữ, sau đó các vị này đã cùng dân Tây Tạng đến khắp các nước trên thế giới. Những vị Lạt Ma này có năng lực thích ứng và khả năng truyền đạt rất lớn vì họ được đào tạo rất kỷ càng và có hệ thống từ thấp đến cao, cả nội điển, ngoại điển lẫn pháp tu. Rồi cùng với ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma họ đã xây dựng nên những Trung tâm Phật giáo Tây Tạng rất lớn trên khắp các nước Âu Mỹ và đem Phật giáo truyền bá mạnh mẽ khắp các nước Phương Tây.

Một hệ thống truyền bá Phật giáo ở Phương Tây nữa cũng phải đề cập đến là Phật giáo Việt Nam, sau năm 1975 cho đến nay cũng đã có mặt ở hầu khắp các nước Âu Mỹ nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com