Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

10/02/201109:15(Xem: 1638)
Phần 3

Tổ Đình Minh Đăng Quang
ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG TẬP I
Thiện Phúc

Tập 1 - Phần 3

51. TẠI SAO CHÚNG TA TU?

Chúng ta đang lặn hụp trong bể khổ của luân hồi sanh tử vì chấp cái ta, cho nên chúng ta tu là để biết dừng lại đừng chấp nữa, đừng chạy theo ảo ảnh nữa. Tu là tìm cho được cái tâm của ta, tu để nắm cho được bốn chữ "Từ bi hỉ xả" để mang lại niềm vui và làm bớt khổ cho mình cho người.

Phàm phu chúng ta thường lầm tưởng cái khổ với cái vui, chính vì vậy mà chúng ta mãi lặn hụp trong vòng luân hồi sanh tử. Khi khổ thì buồn rầu than trách để rồi đến lúc cái khổ đi qua thì quay ra vui hưởng thụ, chứ làm sao mà hết khổ. Cái khổ nó luôn rình rập chờ đợi hễ có duyên đến là nó hoành hành chúng ta ngay. Đôi khi chúng biến ta thành điên dại, hoặc không còn khả năng chịu đựng được nữa.

Đức Phật chỉ cho chúng ta cách làm vơi đi những đau khổ và lấy sự đau khổ làm cái đà cho việc tu học hầu vĩnh viễn thoát lìa đau khổ. Phật dạy đừng tìm những gì đã mất, mà quan trọng là phải tìm cho được ta. Nhìn lại cuộc đời thì tất cả chúng ta đều mất mát hoặc nhiều hoặc ít, nghĩa là mọi người trong chúng ta đều có khổ. Tuy nhiên, cái khổ lớn nhất của chúng ta là khổ đau từ bỏ chính mình. Như vậy muốn chấm dứt cái khổ, chúng ta phải bỏ cái chấp ta để thấy cho được cái tâm ta trước đã, nắm cho được bốn chữ "từ bi hỉ xả" của nhà Phật để mang lại sự an lạc cho chính ta, rồi sau đó giúp cho người khác cùng tu và cùng giải thoát.

Tóm lại, chúng ta tu để có được cái tâm thanh tịnh, nhìn cảnh đẹp mà không chạy theo những vọng niệm của nó. Không chạy theo vọng niệm của nó thì đâu có muốn thủ, hữu và như vậy thì đâu có đau khổ. Một lần không chạy theo vọng niệm là một lần ta không khổ, cứ như thế cho đến khi rốt ráo, tức là giải thoát vậy.



52. CUỘC ĐỜI THẾ TỤC VUI HAY KHỔ?

Cuộc đời chúng ta cũng có lúc vui vậy, nhưng thường thì ngày vui qua mau để chừa trơ lại cho chúng ta những nổi hằn đau khổ. Sự thật không thể nào chối cải được là cuộc đời của chúng ta khổ nhiều hơn vui. Còn thì chờ mất, vinh thì chờ nhục, vui chờ buồn... Thấm thoát mà thời gian vụt qua đi, mới ngày nào còn son trẻ thanh niên mà bây giờ thì tay run mắt mờ, mới hôm nào còn công hầu khanh tướng mà bây giờ thì tù ngục đọa đày, mới ngày nào ngựa xe như nước áo quần như nêm mà bây giờ thì đói rách lang thang, mới hồi nào nhởn nhơ vui sướng mà bây giờ chỉ còn trơ lại những nếp hằn đau khổ.

Cuộc đời thế tục là thế đấy, nếu chúng ta không sớm tu mà cứ chạy theo cảnh bên ngoài thì càng ngày nghiệp của ta càng nặng trĩu.



53. CÁI "DANH" NÓ SAI KHIẾN TA NHƯ THẾ NÀO?

Chỉ vì một chữ danh thôi mà bao cuộc chiến tranh bộc phát và tàn hại không biết bao nhiêu sanh linh. Thành Cát Tư Hản chỉ vì cái danh làm bá chủ hoàn cầu mà non mười thế kỷ trước đã đưa không biết bao nhiêu dân tộc vào những cuộc chiến khốc liệt.

Chúng ta là những phàm phu cũng vì tiếng tăm mà thương yêu sân hận. Ta làm gì mà ai khen thì n· mũi làm nữa, mà ai chê thì đâm ra thù ghét, sân hận. Chỉ có tu hành mới giúp ta không chạy theo những thứ nầy. Người tu ai khen thì cũng vậy, mà ai chê thì cũng vậy thôi. Tất cả đều như nước chảy qua cầu, như gió thoảng mây bay mà thôi. Thói thường thì cũng có khen chê đó, thí dụ như tăng ni giảng kinh thuyết pháp mà chúng Phật tử khen chê là chuyện thường, nếu là chơn tăng thì sẽ không chạy theo những cái khen chê hư ảo ấy. Chơn tăng lúc nào cũng nghỉ rằng nếu Phật tử khen là khen Tam Bảo, nhược bằng nghe khen chê mà chạy theo mà ôm ấp vào thì quả là đường luân hồi sanh tử vẫn còn trầm mê. Phật tử cũng vậy, hễ sư nào thuyết pháp dễ nghe thì đi nghe, còn sư nào thuyết khó nghe thì ở nhà ngồi thiền hoặc tụng kinh, chứ không nên vướng mắc chi cho thêm nặng nghiệp.



54. LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHIỀU VUI HƠN KHỔ?

Trong cuộc sống hàng ngày lúc nào chúng ta cũng có ba thứ: lạc thọ, khổ thọ và cảm giác trung tính. Trung tính có nghĩa là không khổ không vui. Nếu chúng ta muốn có vui nhiều hơn khổ thì chúng ta chỉ đơn giản biến những cái trung tính thành ra an lạc và trung tính hóa những khổ thọ, thế là ta chỉ có vui và trung tính. Để rồi bước kế tiếp biến những cái trung tính còn lại thành vui, thế là chúng ta được rốt ráo giải thoát. Mà muốn được như vậy chỉ có "tu" mới có thể chuyển những cái không khổ không lạc thành lạc. Thí dụ như lúc ta chưa tu thì ta xem chuyện "không đau răng" là trung tính, không vui không buồn. Nhưng khi đã tu rồi thì chuyện "không đau răng là một điều an lạc." Đừng đi đâu xa để tìm một thí dụ điển hình, hãy xem một người bịnh liệt giường lâu ngày thì sẽ thấy là họ thèm được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cái mà họ không coi ra gì lúc chưa bịnh. Thấy đó, chúng ta hãy trân trọng những gì mà chúng ta đang có, thế là vui, thế là an lạc.

Phật dạy: "Chúng sanh cứ mãi mê đi tìm những lạc thọ mà quên rằng những cái trung tính có thể được chuyển hóa thành an lạc để trước mắt cuộc đời ta nhiều vui hơn khổ." Chúng ta có khi không biến cái trung tính thành vui mà ngược lại biến cả cuộc đời chúng ta thành phiền hà khổ não. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta thường chỉ nhìn bằng cái nhìn của ta chứ không chịu nhìn bằng cái nhìn của kẻ khác. Thí dụ như ta cho rằng ăn ớt là ngon, nhưng người khác có đồng ý là ớt ngon hay không? Chúng ta cho là đạo Phật cao quí tốt đẹp, nhưng người khác có nghỉ giống như vậy không? Như vậy muốn cho người khác vui, chúng ta phải làm sao? Hãy nhìn bằng cái nhìn của người ấy và hãy tập theo hạnh "lắng nghe" của Ngài Quán Thế Âm. Hãy nghe để thấy cái muốn cái thích của người khác hầu đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn. Đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn tức là ban vui dẹp khổ, tức là không phiền não, là giải thoát là rốt ráo vậy.

Hãy tự nguyện mang lại những niềm vui dù nhỏ cho thiên hạ để trả những nghiệp chướng mà mình đã tạo ra. Khi ta mang niềm vui đến cho người, ta cũng đồng thời chuyển hóa tâm hồn ta từ một người tham lam, bỏn xẻn, tàn ác thành một người rộng lượng, vị tha và hiền từ. Chính tâm niệm mang vui cho người sẽ chuyển hóa những tham, sân, si thành từ, bi, hỉ xã. Hãy mang nụ cười và niềm vui đến cho kẻ khác thì tự nhiên cái vui nó sẽ đến với ta.



55. TU CHO AI? TU KHÓ HAY DỄ?

Chúng ta từ vô thỉ đã tạo nhiều nghiệp chướng, muốn cởi bỏ những nghiệp chướng ấy thì chỉ có ta mới làm được. Làm những điều tàn ác rồi cầu trời khẩn Phật cứu vớt cho, làm sao được. Vậy thì chúng ta tu cho chúng ta và chỉ có mình mới tự tu cho mình mà thôi, người được hưởng phước báo tu hành để cởi bỏ những nghiệp chướng là ta chứ có ai khác đâu. Tu mau hay chậm còn tùy ở mức độ thu thập và hành trì ở mỗi người, tu khó hay dễ tùy theo sự tinh tấn của ta. Tu có thể xuất gia hoặc tại gia, xuất gia và tại gia đều có ưu khuyết điểm riêng, những khó khăn riêng. Xuất gia có nghĩa là xuất thế tục gia, cắt ái, từ thân. Tuy nhiên, cái khó của xuất gia là có khi chúng ta không khéo, thay vì lìa hồng trần gia thì chúng ta lại mang những bụi hồng trần vào rải rắc ở trong chùa, trong đạo.

56. TU THEO PHẬT GIÁO CÓ PHẢI XUẤT GIA HAY KHÔNG?

Tu theo Phật giáo không bắt buộc phải xuất gia; tuy nhiên xuất gia là phương pháp tốt nhất để thoát khỏi sanh tử. Thế nhưng, xuất gia mà không thực tu hay là tu không đúng phép thì làm sao mà thoát khỏi vòng sinh tử. Phật tử tu tại gia mà tu theo đúng Phật pháp và hành trì những gì kinh dạy thì bờ bên kia đâu có xa. Như vậy thế nào là xuất gia chơn chánh? Người xuất gia chơn chánh là người đã rũ tất cả những bụi hồng trần lại bên ngoài chùa và bước vào trong chùa với cái tâm thanh tịnh. Khi đã quyết chí xuất gia, tức là xuất nhà thế tục, tức là lìa cái hồng trần, phiền não gia, xin đừng thương, giận, hờn, ghét mà hãy cố gắng đi theo con đường Phật dạy để rốt ráo. Đã nói là đi tu, vào chùa mà vẫn còn tạo ra thương yêu tình nghĩa thì làm sao mà dứt cho được phiền não. Tóm lại, xuất gia là xương tủy của đạo Phật và tại gia là da thịt của Phật giáo. Phật giáo cần cả hai để được trường tồn. Tuy nhiên, người xuất gia có địa vị cao quí trong Phật giáo, người xuất gia phải chủ trì giáo đoàn và hoằng dương Phật pháp.



57. CHỪNG NÀO THÌ MỚI NÊN TU? VÀ TU NHƯ THẾ NÀO?

Tại sao chúng ta cứ mãi nghỉ đến những dục lạc của thế gian khi một ngày trôi qua là một ngày ta bước gần đến nhà mồ? Tại sao ta cứ mãi dong ruổi, để khi buông tay ta vẫn còn mang nghiệp chướng của những đời trước và đôi vai trĩu nặng tội ác của kiếp này? Chúng ta như những chiếc thuyền mành đang đi ra cửa biển, đợi đến lúc bị tống ra gần cửa biển rồi, có đi ngược nước lên thì cũng vô ích mà thôi.

Hãy đem hết nghị lực và tâm trí của mình mà vượt qua bờ sanh tử luân hồi ngay từ bây giờ, hãy nương theo Phật pháp để được giải thoát, đừng đợi đến lúc lâm chung mới nghỉ đến tu thời có Phật nào mà rước cho kịp.

Tu như thế nào? Đi chùa, tụng kinh ư? Cũng tốt đấy, nhưng đi chùa, tụng kinh, thương thầy, lo cho chùa, lo cho đạo... chẳng bằng tu cho chính mình, chẳng bằng trước tiên phải trọn vẹn lo cho gia đình mình, chẳng bằng tự mình cố đứng dậy như hoa sen nở trong đầm lầy. Hãy nở nụ cười, hãy bình thản tự tại cho tâm ta thanh tịnh ấy là ta đã được bước đầu của việc tu học rồi vậy. Muốn được như vậy ta hãy đem thiền vào trong cuộc sống hàng ngày của ta. Từ lúc mở mắt thức dậy, miệng nở nụ cười, đi làm vệ sinh cá nhân với tâm bình thản, ăn sáng và trân trọng những gì mà ta có được bây giờ, lái xe đi làm và niềm chủ tâm mà vào lái xe, đến sở mang đến nụ cười và niềm vui cho mọi người, chiều đến về nhà cũng lại ban cho những người thân ta một nụ cười, những buồn lo của sở làm xin hãy bỏ tại sở đừng mang về... Đó là hạnh phúc của những ai biết tu, lợi lạc chẳng những cho ta mà còn cho những người quanh ta nữa. Nên nhớ: "lấy sân hận trả cho sân hận thì sân hận chất chồng, lấy ái ngữ mà trả cho sân hận thì cho dù kẻ khác có thù ghét ta cách mấy cũng không thể tiếp tục thù ghét khó chịu với ta mãi." Chính ái ngữ đã biến những khó chịu, thù ghét thành ra tình thương.



58. Ý NGHĨA CỦA NIẾT BÀN TRONG ĐẠO PHẬT

Tuy rằng trong quá khứ Đức Thế Tôn đã dùng những phương tiện để khai và thị cho chúng sanh vì cứu cánh của Ngài là muốn cho chúng sanh ở mọi từng lớp, mọi trình độ hiểu thấu đạo pháp và đều trọn thành Phật quả tức là đắc quả Niết Bàn, chúng sanh vẫn si mê làm điều tà dại. Đến lúc sắp nhập diệt, Ngài đã vì chúng sanh mà nói rõ về Niết Bàn nữa. Vậy Niết Bàn là gì? Niết bàn của đạo Phật có nghĩa là sự trống vắng của phiền não. Khi ta không tham, sân si, hận, ghét... tức là ta không có não phiền, tự nó là niềm vui, tự nó là hằng sa nhịn nhục, là giác ngộ. Tỉ như khi ta không đau bịnh đó là cảm giác của an lành của thanh tịnh, là niết bàn vậy. Đừng nghỉ rằng không đau bịnh là sự trống vắng khơi khơi hoặc trung tính mà nên coi đó là sự trống vắng của não phiền, là niết bàn.

Niết Bàn được thực hiện khi nào lửa phiền não đã diệt hết, nghiệp chướng đã tiêu trừ. Niết bàn là rốt ráo, là cảnh giới giải thoát, không sanh, không diệt, bất biến.

Có mấy loại Niết bàn? Thực sự, Niết bàn chỉ có một, nhưng Phật nói có bốn thứ để cho chúng sanh được hiểu rõ về Niết Bàn.

- Bổn lại tự tánh Thanh tịnh Niết bàn nghĩa là căn bản của các pháp vốn thanh tịnh, không sanh không diệt mà vắng lặng trong hư không.

- Hữu dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não chướng, dù còn ít khổ chưa đoạn hết, nhưng nghiệp chướng đã nhẹ nhàng.

- Vô dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não, dứt sanh tử, dư báo cũng diệt, các khổ não hằng dứt.

- Vô trụ xứ Niết Bàn nghĩa là không còn sở tri chướng, lòng đại từ, trí bát nhã xuất hiện hoàn toàn không còn trụ sanh tử.

Đức Thế Tôn đã khẳng định khi nào ta còn vướng mắc tham ái và dục lạc là ta không thể chứng nghiệm được Niết Bàn. Niết Bàn là chân hạnh phúc vĩnh cửu chứ không là thứ hạnh phúc tạm mà ta thường cảm chứng trong cuộc sống hàng ngày.

59. THẾ NÀO LÀ PHẬT TỬ? THẾ NÀO LÀ PHÁP THÂN?

Phật tử có nghĩa là người tin Phật hoặc là con Phật, do từ miệng Phật mà sanh ra bằng cách nghe giảng kinh hoặc đồng học kinh. Những người gần gủi chư tăng để thực hành và hộ trì Phật pháp đều gọi là Phật tử. Phật tử nam thì gọi là Ưu Bà Tắc, trong khi người cận sự nữ thì gọi là Ưu Bà Di.

Ưu bà tắc có thiểu phần là những người chỉ giữ được hai trong năm giới, đa phần từ ba trở lên, và toàn phần là giữ được trọn vẹn năm giới. Cận sự nữ (ưu bà di) cũng phải giữ giới như ưu bà tắc.

Khi ta bước vào đạo giống như ta được sanh ra lần nữa nhưng lần nầy ta được thêm cái pháp thân. Cha mẹ cho chúng ta cái nhục thân và Phật cho ta cái pháp thân, nó quan trọng hơn cái nhục thân, vì sao? Vì tùy theo mức độ tinh tấn tu học mà cái pháp thân sẽ giúp ta được giải thoát. Nói như vậy không có nghĩa là ta bỏ phế nhục thân vì nhục thân còn tồn tại thì ta mới có cơ hội mà tu dưỡng pháp thân.

Phương cách bồi dưỡng cả pháp và nhục thân là giữ trì năm giới, phát tâm làm việc tu phước, giúp đỡ kẻ nghèo, ra tay làm việc nghĩa và an ủi kẻ lâm nạn, không từ nan bất cứ một công việc Phật sự nào, miễn có lợi cho người khác thì sẵn sàng xả thân thực hiện ngay. Người Phật tử cũng nên phát nguyện tụng kinh, ăn chay, niệm Phật để thể hiện được từ tâm. Ngoài ra, người tu theo Phật cũng nên tinh tấn thiền định để rút ngắn con đường giải thoát.

Tóm lại, Phật tử là từ miệng Phật sanh ra và từ pháp của Phật mà hóa sanh. Là con Phật, nếu không từ bỏ Phật (nghĩa là giữ giới, phát tâm từ...) thì đương nhiên cũng có thể hưởng được gia tài của Phật là giải thoát, là an lành.

60. TÌM PHẬT Ở ĐÂU? Ở TÂM HAY Ở CHÙA?

Ở tâm ta ư? Tâm ta quá ư dong ruổi, nó như con vượn chuyền cây. Tâm ta có lúc là Phật mà có lúc cũng là ma, như vậy thì biết được lúc nào ta là Phật mà tìm.

Ở chùa ư? Vô chùa thì ta nhìn thấy tượng Phật đó, nhưng đó chỉ là hình bóng của Ngài thôi. Vậy thì ta tìm Phật ở đâu? Ở "tâm Phật" tức là tâm bồ tát, tâm bất vị biên kiến, tâm không tham, sân, si, hận, ghét, trách hờn mà chỉ có từ bi hỉ xả và thương xót.

Có lắm khi chúng sanh điên đảo, vọng động chấp Phật bên ngoài mà lìa bỏ cái tâm Phật vốn sẵn có của mình. Dù biết rằng bất cứ vật gì để ra ngoài một thời gian là bị bụi đóng che mờ, nhưng ấy là tự nhiên chứ có sao đâu. Bụi đóng thì mình lau cho hết bụi. Tâm cũng vậy, hễ nhuốm những điều ác thì ta tu cho hiền bớt lại. Hiền cho đến độ rốt ráo thanh tịnh ấy là ta đã tìm được tâm Phật vậy.

61. MUỐN ĐƯỢC PHẬT THỌ KÝ PHẢI LÀM SAO?

Thọ ký không có nghĩa là ban cho mà là tiên đoán, nhưng chúng ta đừng lầm với tiên đoán của thầy bói, nói cho đúng hơn thọ ký của Phật giống như một sự bảo nhiệm của giáo sư đối với học trò. Ông thầy có thực tài nhìn thấy khả năng của học trò của mình và tiên đoán trước nó sẽ trình được luận án hay không. Ngài tiên đoán những gì sẽ xãy ra trên bước đường tu học của ta vì Ngài quan sát căn tánh, hành nghiệp, xem thể lực, trí lực, và đức hạnh của ta. Ngài dùng Phật nhãn thấy rõ được việc làm của đệ tử trong vô số kiếp tới.

Muốn được Phật thọ ký, chúng ta phải từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hóa thân. Nhưng cái quan trọng là phải phát tâm, có nghĩa là đang tu và sẽ tiếp tục tu, thì trước sau gì cũng sẽ tới chỗ Phật ngồi. Đức Phật đã dạy: "Chỉ có con đường thể hiện Bồ Tát hạnh mới dẫn đến quả vị Vô Thượng Giác và xây dựng thế giới Phật; đi ngoài lộ trình nầy, chúng ta chỉ là kẻ mù lang thang tìm hoa đốm trong hư không."



62. TIỀN CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CHÚNG TA HAY KHÔNG?

Dẫu biết rằng trên đời nầy muốn thực hiện bất cứ một công trình nào cho đến nơi đến chốn đều phải có đầy đủ tài chánh, nhưng có những thứ dầu cho có tiền đầy kho cũng không mua được. Chẳng hạn như có ai dám nói lấy tiền ra mua sự thanh tịnh cho tâm hồn mình đâu. Tiền chẳng những không mang lại hạnh phúc cho ta, mà đôi khi nó còn sai khiến ta còng lưng làm đầy tớ cho nó. Hãy luôn nhớ câu nói của tiền nhân: "Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền" nghĩa là tiền không mua được con cháu ngoan hiền, mà chỉ có cái đức mới để lại cho con cháu những giá trị tinh thần của cuộc sống. Thấy như vậy để ai trong chúng ta cũng đều nên tu. Tu phước hay tu huệ đều là tu theo Phật.



63. CÁI ĐẸP TÂM HỒN VÀ CÁI ĐẸP BÊN NGOÀI, CÁI ĐẸP NÀO ĐÁNG CHO TA THEO?

Sắc tức là cái nhan sắc bề ngoài thường ập vào mắt chúng ta, nó bắt chúng ta phải chạy theo, phải quỳ lụy, có khi phải bán rẽ chính ta để có được nó. Thói thường ta thích thân cận cái gì đẹp và xa lìa cái xấu, nhưng thế nào là đẹp thật sự và thế nào là xấu ác thật sự? Có những cái đẹp bên ngoài nó đáng sợ lắm, bao nhiêu triều đại vua chúa sụp đổ tan tành cũng chỉ vì ham mê sắc đẹp.

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Mưa nó không kiềm tỏa, nhưng nó có thể giữ chân chúng ta; sắc không có sóng gió bão bùng như biển cả mà nó có khả năng giết chết nhiều người và làm sụp đổ nhiều triều đại. Như vậy đủ thấy sắc đẹp thường là tàn độc.

Ngược lại, cái đẹp của tâm hồn nó không lộ ra, nó thầm thầm, nhưng nó chính là cái đẹp mãi không tàn, không già, và càng ngày thì nó càng thâm thúy.

64. CHÚNG TA CÓ THAM ĂN HAY KHÔNG?

Tham ăn ở đây không có nghĩa là dành ăn như trẻ nít, mà là "tranh" đủ thứ chuyện. Chúng ta hãy bình tâm mà hỏi lại chúng ta xem chúng ta có tranh ăn hay không? Thưa có, chúng ta vẫn hàng ngày tranh ăn trong cuộc sống nầy. Ngay cả chùa chiền cũng vậy, chuà A than phiền chùa B giành mất Phật tử của mình, chùa C lớn, chùa D nhỏ, chùa Đ đẹp chùa E xấu... Hãy tu đi và tu cho đúng nghĩa của nó, đừng ham cầu danh lợi. Tu để biết rằng thà có ít mà có trong chánh pháp chứ đừng có nhiều, có rộng mà không phải trong chánh pháp. Tỉ như có chùa nhỏ mà thực tâm giáo dân dạy chúng; có chùa nhỏ mà không phải móng tâm làm tiền như chùa lớn thì công đức gấp vạn triệu lần cất chùa đồ sộ mà tâm không trong chánh niệm.

Chúng ta có tham ngủ nghỉ không?

Hãy tính tổng cộng thời gian ngủ nghỉ của chúng ta thì chúng ta sẽ thấy rằng nó chiếm quá hơn một phần ba thời gian cuộc sống của chúng ta rồi, như vậy có đủ chưa? Thưa quá đủ rồi. Thế nhưng ta còn muốn thêm nữa và muốn nhiều thứ khác nữa như chăn êm nệm ấm, phòng ốc rộng rãi... Chính cái ngủ nầy nó sanh ra cái trây lười để kiếp lai sanh thành rắn tha hồ mà ngủ nghỉ. Là Phật tử chân chánh, một khi quyết chí tu trì thì phải có quyết tâm, phải sắp xếp thì giờ trong ngày cho hợp lý. Hợp lý từ cái ăn, cái uống, tụng niệm, hành trì và ngủ nghỉ, có được như vậy thì tâm ta mới bớt động, có được như vậy thì ta mới tránh được cái trây lười.



65. HÃY TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ MÀ CHÚNG TA ĐANG CÓ TRONG HIỆN TẠI.

Thói thường chúng ta hay hời hợt với những gì chúng ta đang có trong hiện tại, mà chỉ lo viễn vong về quá khứ hoặc chạy theo những ảo tưởng của tương lai. Chúng ta không biết quí trọng những gì mà chúng ta đang có, để đến lúc mất mát đi rồi chúng ta mới tiếc. Hãy đọc bài thơ sau đây thì ta mới cảm thấy trân trọng những gì chúng ta đang có:

Quân tại Tương giang đầu,

Thiếp tại Tương giang vĩ.

Tương cố bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương giang thủy.

Chàng ở đầu sông thiếp cuối sông, cùng xoay về tìm nhau nhưng chẳng thấy, chỉ được cùng uống nước sông Tương.

Nhiều khi chúng ta sanh chán những gì mà ta đang có vì nó quá nhàm, nhưng một mai mất nó đi rồi mới thấy thiếu thốn. Muốn không bị hối hận, ngay từ bây giờ chúng ta hãy nhìn những người quanh ta bằng gương mặt hoan hỉ, bằng nụ cười hiền từ, bằng quí trọng và yêu thương. Có được như vậy chẳng những ta và người được thanh tịnh mà tất cả những hiềm khích, nghi kỵ và soi mói sẽ tự nhiên tan biến.

66. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT?

Phật giáo bác bỏ quan niệm có một Chúa sáng thế, nhưng vũ trụ tồn tại, sinh mạng tồn tại là không thể hoài nghi. Đức Phật không có địa vị của Chúa Sáng Thế, Ngài không muốn chúng sanh sùng bái Ngài trên hình thức, mà hãy thực hành những điều Ngài dạy. Ngài là bậc giác ngộ trong nhơn gian, thấu rõ mọi nguyên lý của thế gian nầy, tuy ngài không thể thay đổi trạng thái vốn có của thế gian, nhưng Ngài có thể dùng những gì Ngài biết để hóa độ chúng sanh ra khỏi rừng mê bể khổ. Ngài là vị thầy thuốc giỏi nhất, cho thuốc chúng sanh tùy căn cơ tùy bịnh. Nếu chịu uống thuốc của Ngài cho, thế nào chúng sanh cũng khỏi bịnh. Còn nếu như không chịu uống, ngài chỉ thương xót mà bó tay chứ không làm gì khác hơn được.

Mục đích đức Phật sáng lập ra đạo Phật là để giúp chúng sanh thoát khổ, được vui. Ngài dạy cho chúng sanh làm cách nào cho bớt khổ thêm vui, chứ tự Ngài không thể thoát khổ và được vui thay cho chúng sanh. Nói cách khác, Ngài dạy rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm cho bất cứ việc làm nào của mình, nghĩa là "Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu."

Đức Phật dạy chúng ta hãy quí trọng những gì ta đang có, hãy biết rằng ta đang còn sống để mà quí trọng cái hơi th· của ta. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật vạch cho ta thấy những cái quan trọng trong việc tu học nó xuất phát từ cái nói, cái ngồi, cái cười, cái đi, cái đứng, ăn, uống, ngủ, đến cái suy nghĩ... Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy mục đích của đạo Phật là giúp chúng ta thật sự sống như một con người thật chứ không như người máy. Chúng ta nên đặt lại cách sống để đừng bị quay cuồng trong cuộc sống nầy, một cuộc sống không có phẩm chất.

Đức Phật hỏi chúng ta tại sao bứt rứt, tại sao muốn thương mà không thương được? tại sao sợ? Ngài bảo chúng ta đừng bứt rứt, đừng sợ, hãy sống vui, dám vui ngay cả trong những lúc đau khổ. Hãy làm chủ lấy ta và sống thật cho ta. Khi ăn ta biết ta ăn, để mà trân trọng những thức ăn và người nấu ra nó. Khi ngủ ta biết ta ngủ để tâm ta thanh tịnh không dong ruỗi. Khi đi ta biết ta đi để biết trân trọng đôi chân đã giúp ta đi đến nơi về đến chốn... Nếu chúng ta biết chúng ta đang làm gì, nghe gì, cảm gì thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Thí dụ như ta biết đang có gió nhẹ nhẹ thì da ta sẽ cảm thấy mát, nếu ta biết ta đang ăn thì ta sẽ được hương vị và ý nghĩa của cái ăn.

Tóm lại Phật giáo vừa là một tôn giáo, mà vừa là một triết lý mà Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, là bậc đạo sư cho loài người và loài trời. Ngài nêu rõ mục đích của đạo Phật là giúp và hướng dẫn những gì Ngài chỉ thì sẽ được quả vị Phật như Ngài, ai không nghe và không làm theo thì Ngài sẽ thương xót mà tiếp tục dạy dỗ. Thuốc Ngài cho, nếu ai chịu uống thì hết bịnh luân hồi sanh tử để đi đến giải thoát; ai không chịu uống thì Ngài thương xót cho cảnh đày đọa lên xuống của họ, nhưng Ngài vẫn tiếp tục cho thuốc, uống hay không tùy họ.

67. NHỮNG CẢN TRỞ TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TU HỌC?

Sắt thép bên ngoài còn có thể đốt được, luyện được chứ sắt thép bên trong ta như giận, hờn, thương, ghét, cống cao ngã mạn... là những bức tường sắt rất khó tôi luyện. Đó là những cản trở chính cho bước đường tu học của ta. Chính cái ý thức và vô ý thức (mạt na) đã điều khiển những tên lính nhãn, nhĩ, tỉ thiệt, thân cùng với ông quản lý A lại gia đã chất chứa những phiền não, trần lao, khổ lụy, ái dục, si mê mà làm ra muôn việc lành, dữ, tốt, xấu, vui, buồn, thương, ghét, giận hờn... Mà thường thì dữ nhiều hơn lành, xấu nhiều hơn tốt, buồn nhiều hơn vui, ghét nhiều hơn thương, giận hờn nhiều hơn vị tha. Như vậy tu theo đạo Phật là lội ngược dòng đời, là lấy thiểu số thiện lành đè bẹp đa số xấu ác, khó lắm và nhiều cản trở lắm. Tuy nhiên, dù cản trở cách mấy ta cũng cố làm chứ không lẽ để cho nghiệp lực nó dẫn dắt chúng ta trở lên lộn xuống hoài sao? Hãy mở phá những rào cản ấy đi, hãy rũ những tên lính nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý cùng ta tu để không còn lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, tử nữa. Vì không có xúc thì thọ diệt, mà thọ diệt thì đâu có ái, thủ, hữu, để đi đến chỗ không sanh không diệt.



68. LÀM SAO ĐỂ CÓ ĐƯỢC ĐẠO PHẬT TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY?

Trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi chúng ta tự đẩy chúng ta xa rời ngay cả những người thân ta, tại sao vậy? Vì ta chỉ nhìn người bằng cái nhìn của ta hoặc ta đối xử với người quá câu chấp, không biết thương xót, không chịu bỏ qua, không chịu vui theo cái vui của người.. Đó là những yếu tố chính tạo ra hiểu lầm, thù ghét, tranh chấp, buồn giận và đau khổ.

Để khỏa lấp đi những hầm hố nầy, chúng ta chỉ cần làm ngược lại những gì đã xãy ra. Thay vì tàn ác thì ta nhân từ, thay vì tị hiềm ganh ghét thì ta thương xót, thay vì cố chấp ganh tị thì ta vui theo cái vui của người, thay vì khư khư ôm lấy thì ta xả bỏ. Hằng ngày mà ta làm được những điều nầy tức là ta đã có đạo Phật trong đời sống vậy.

Thế nào là "Từ Bi Hỉ Xả"?

Từ Bi là ban vui và làm cho bớt khổ còn Hỉ Xả tức là vui mà bỏ đi đừng ôm lấy để cho tâm ta được thanh tịnh và an lạc. Ta phải coi sự vui khổ của người như sự vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ ấy là lòng từ bi. Ban vui cứu khổ mà không thấy ta là kẻ ban ân, kia là kẻ thọ ân ấy mới thật là từ bi. Cứu giúp để mong được đền đáp là sự đổi chác chứ không phải là lòng từ bi. Hãy tập cảm thông nỗi khổ của người; thấy người khổ cơ hồ như chúng ta chịu khổ. Thấy người vui như cái vui của chính ta. Hãy tập sống như thế ấy chẳng những với người thân thuộc, mà ngay cả với những người xa lạ. Khi lòng từ bi thì mọi sân hận tham lam đều bị tiêu diệt. Người từ bi không sân hận đánh chưởi ai. Người từ bi không tranh giành hơn thua mà trái lại còn mang tài vật và lòng thương ra ban bố cho người. Từ bi không bao giờ chứa chấp đau khổ và tham lam. Một khi từ bi tràn lấn thì tham lam phải rã rời.

69. CHÁNH PHÁP VÀ CUỘC ĐỜI.

Đạo và cuộc sống hằng ngày nếu được hòa hợp tự nhiên và trọn vẹn giữa thân và tâm thì quả thật cuộc đời nầy là niềm vui sướng hạnh phúc. Chúng ta đều biết tâm ta là con vượn chuyền cây, ý ta nó chạy vòng vòng và nhanh như ngựa. Từ vui, buồn thương ghét, oán hận... đến tham lam, bỏn xẻn, tị hiềm, có khi những ý tưởng đó đến và đi trong một sát na. Có khi nào ta mơ ước đầu óc có được chút thảnh thơi, thanh tịnh để cuộc sống ta có được niềm vui hay không? Có chứ, nhưng nhiều khi chúng ta không biết phải làm sao. Đạo Phật dạy chúng ta hãy sống trong chánh pháp đi thì tự nhiên niềm vui suớng hạnh phúc sẽ đến, vì sao? Vì khi sống trong chánh pháp chúng ta sẽ nhìn những thăng trầm của cuộc đời là chuyện dĩ nhiên, chúng ta sẽ thấy không có gì lạ cả, mới cao sang đó rồi bần tiện đó, mới phú quí đó rồi cơ hàn đó, mới vinh hoa đó rồi nhục nhằn đó, mới quan quyền đó rồi tù đày đó, mới vui đó rồi buồn đó, mới độ lượng đó rồi bỏn xẻn đó, mới trẻ đó rồi già đó...

Đạo Phật dạy ta nhìn cuộc đời bằng con mắt "như thực" nghĩa là sự vật thế nào thì ta nhìn nó như thế ấy, có như vậy ta mới không bị vọng niệm nó dẫn dắt ta vào những vùng đau khổ phiền não. Có như thế, cuộc sống của ta là cuộc sống tỉnh thức, tâm ta sẽ trong sáng, thoải mái, linh động. Có như thế, lòng ta sẽ không điên đảo vì những tương tranh của khổ đau và phiền muộn từ bên ngoài. Có như thế, tham, sân, si sẽ không có đất dụng võ trong ta. Như thế cuộc sống trong chánh pháp của ta nếu không phải là Niết Bàn, là giải thoát chứ là gì?

70. TÙY HỈ NGHĨA LÀ GÌ? TẠI SAO KHÔNG TÙY HỈ ĐƯỢC LÀ KHÔNG TỐT?

Tùy hỉ là vui theo, nhưng mà vui theo cái gì? Có khi vui theo cảnh trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... để cho nó mặc tình làm chủ ta, không biết phân biệt chỉ biết vui theo dục vọng, theo thói quen phóng túng của phàm phu. Cũng có khi vui theo ác nghiệp mà tạo thêm nghiệp chướng, và có khi vui theo những việc nhơn từ phước thiện, như khi thấy ai đem của bố thí cho kẻ nghèo ta tán thành giúp theo. Thấy ai vui mình cũng vui theo, những sự vui theo nầy là những bước đi đến con đường thiện nghiệp.

Đúng nghĩa của tùy hỉ là vui theo cái vui của người khác mà không bị bất cứ một vọng niệm nào nó dẫn dắt. Ngược lại, trong cái vui của người khác mà mình cũng muốn dự phần vào thì không phải là tùy hỉ. Tỉ như có một người bạn có con thi đỗ bác sĩ, họ báo tin vui cho mình; mình cũng vui nhưng liền theo đó vọng niệm ganh tị nó dẫn dắt ta đi đến chỗ không còn tùy hỉ nữa. Ờ con chị đỗ bác sĩ, em gái tôi cũng mới đỗ dược sĩ...

Khi ta không tùy hỉ được thì thấy ai vui mình sẽ không vui, thấy ai hơn mình sẽ không vừa ý. Nếu mình có bảo họ mình vui thì cũng chỉ là qua loa bề ngoài chứ thực sự mình không có được trọn vẹn niềm vui của họ. Có đôi khi thấy ai giỏi hơn ta, giàu hơn ta, ta đâm ra sân hận, đố kỵ, thay vì mừng cho họ.

Tóm lại, Đức Phật đã dạy: "hãy vui với cái vui của người cho dù cái vui đó lớn hay nhỏ, hãy tùy hỉ trọn vẹn, đừng móng tâm buồn phiền, ganh tị mà tổn đức." Khi ta biến được cái vui của người thành cái vui của ta thì có phải cuộc sống ta thêm vui bớt phiền và cứ như thế ta dần dà sẽ chỉ có vui mà không có não phiền. Ấy là ta đang đi đến rốt ráo, giải thoát vậy.

Hãy nghe lời Phật dạy, hãy vui vẻ mà tu, tu với cái lòng "Từ Bi Hỉ Xả" thì việc chứng đạo sẽ không xa.

71. NGHĨA CỦA CHỮ "XẢ" TRONG ĐẠO PHẬT?

"Xả" là bỏ, là không chấp kể. Thói thường, ta hay tự hào đắc chí mỗi khi toại nguyện cái gì. Có khi bất bình, khó chịu, cãi vã, xung đột với bạn bè thân thuộc. Ấy là do tánh chấp trước, tự cho ta là quan trọng, tự cho pháp là quan trọng. Thế rồi oang oang tự đắc, đi đến đâu cũng tưởng ta là trung tâm của vũ trụ, chứ nào có biết đâu ta chỉ là một tên khùng điên đang thuyết pháp trước những người trí. Thí dụ như ta lúc nào cũng dương dương tự đắc ấy là chấp ta, tự hào công việc mình đạt được là số một ấy là chấp pháp.

Nói theo nghĩa thông thường, chữ "xả" là bỏ qua, có bỏ qua được mới có vui, mới có thanh tịnh. Như vậy ta thấy hai chữ "Hỉ" và "Xả" nó hổ tương với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Có vui mới có bỏ qua được nghĩa là có "Hỉ" mới có "Xả."

Khi ta ôm mãi thì ta được những gì? Thường thì những thứ ta ôm là những đố kỵ, thù hiềm, ganh ghét, ngã mạn cống cao.. Ôm những thứ đó thì làm sao mà vui cho được, mà không vui với phiền não đâu có xa. Như thế khi ta không xả được tức là phiền não, sân hận, là sanh tử luân hồi. Đức Thế Tôn đã dạy: "Đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới."

Ta ôm cái qua rồi và tưởng cái chưa tới tức là ta đang sống với cái không thực, trong khi cái hiện tại nó đang ở với ta thì ta lại quên mất nó đi. Chúng ta đã ôm cái quá khứ mà sống quá nhiều trong đau khổ, quá khứ đã qua rồi xin hãy bỏ đi. Ai có thù ghét ta trong quá khứ thì xin hãy "Xả," bỏ mà đến với họ với cái tâm "Từ Bi." Ta nào có biết đâu đôi khi họ cũng muốn làm hòa với chúng ta mà chúng ta không cho họ cơ hội. Biết đâu có khi ta cũng sai trái chứ đâu riêng người sai trái.

Tóm lại, học được chữ "Xả" của đạo Phật là được cái tâm quảng đại cao cả. Ở đó kẻ gần người xa đều bình đẳng, kẻ trí người ngu vẫn như nhau, mình và người không khác. Học được cái tâm "Xả" và thành tựu được cái "Xả" một cách hoàn toàn thì chứng quả Bồ Đề đâu có xa.

72. TẠI SAO CHÚNG TA CHƯA SỐNG ĐƯỢC TRONG AN LÀNH?

Sở dĩ chúng ta chưa sống được trong an lành là vì chúng ta định mức cho sự an lành, còn định mức là còn chấp. Còn chấp thì làm sao có được an lành. Ta đặt điều kiện cho "Từ Bi Hỉ Xả," thí dụ như ai đó làm ta bị nhục thì họ phải làm gì đó ta mới bỏ được, nghĩa là có định mức điều kiện nào đó. Đức Phật đã dạy: "Chúng sanh chỉ có hai cái tâm để lựa chọn, thứ nhất là tâm phàm thứ nhì là tâm thánh. Tâm phàm thì sầu não, ganh tị, tham, sân, si... còn tâm thánh thì ngược lại." Tâm thánh chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý để được thanh tịnh và an lành. Có được tâm thánh là có được cái bản thể chơn như thường còn, bất sanh bất diệt, không nhiểm trước, không dính mắc. Nghĩa là ngay trong kiếp nầy ta có cuộc sống an lành. Nhưng làm sao để có được cái tâm thánh ấy? Hãy "Xả" bỏ đi và "Xả" bỏ vô điều kiện, có như vậy thì tự nhiên tâm ta sẽ thơ thới nhẹ nhàng. Mà bỏ được một lần, thì hai lần được, ba lần được để rồi đi tới chỗ lúc nào cũng bỏ được.

Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta không thực hiện được chữ "Xả" thì tự chúng ta sẽ cứ mãi phải đề phòng nhau, ghìm nhau, hoặc giữ mức nhau thì làm gì có an lành? Tuy nhiên "Xả" có dễ không? Không dễ, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Hãy cố gắng thực hiện chữ "Xả" trong mọi hoạt động hằng ngày của ta, hãy trì chí từng bước một thực hiện cho bằng được. Chuyện gì cũng do thói quen mà có, thì tu cũng không vượt ra ngoài định luật ấy. Tu là chuyển hóa những điều xấu thành tốt, sai thành đúng. Tu là học những điều nên làm và không học những điều không nên làm.

Hãy dùng cái "Dũng" của nhà Phật mà hành trì cho bằng được cái "Từ Bi Hỉ Xả" ngay trong cuộc sống hằng ngày của ta, đừng để cho những huyễn ảo tiếp tục lôi cuốn ta vào một cuộc sống không an lành, đầy não phiền của thế tục, và tiếp tục sanh tử luân hồi nữa.

73. TA TRỐN CHẠY CÁI KHỔ HAY TA DIỆT NÓ?

Khổ là những gì làm cho mình đau đớn, khó chịu như ốm đau, đói khát, buồn rầu, sợ hãi... Cái khổ của thế gian là vô cùng. Sinh ra với thân tứ đại đã là khổ, mà hoàn cảnh chung quanh càng làm cho ta khổ hơn. Thời gian làm cho ta héo gầy cũng là khổ; tâm ta biến chuyển từ vui đến buồn, từ thanh tịnh đến náo động cũng là khổ. Theo đạo Phật thì sanh ra là khổ, già và nhan sắc tàn phai là khổ, bịnh hoạn hành hạ thân xác là khổ, chết cũng làm cho con người sợ hãi ấy cũng là khổ, thương nhau mà xa cách chia lìa cũng khổ, mong cầu mà không được toại nguyện cũng khổ, hờn ghét mà phải mỗi ngày gặp nhau cũng là khổ... Cuộc đời là khổ đau như thế ấy, như vậy thì ta phải làm sao? Chạy trốn chúng hay diệt chúng? Chúng ta đang sống trong ba cõi, mà bất cứ cõi nào cũng có cái khổ riêng của nó. Khi ta còn trầm mê trong thế tục hễ khi quá khổ đau thì tìm cách tránh, rồi đến khi qua cơn khổ thì vùi đầu vào những cuộc vui tạm bợ, nhưng ta nào có biết vui để rồi chờ cái khổ khác đến. Thường thì chúng ta trốn chạy cái khổ ở những phòng trà, quán rượu, nhưng sau quán rượu phòng trà là cái gì? có thể là xì ke, ma túy hoặc ngục tù cũng không chừng. Có khi yên thân trở về nhà, nhìn bốn bức tường với bao nhiêu thứ chồng chất trong đầu. Quả thật cái cõi ta đang sống nó giống như căn nhà lửa, hễ mê muội thì bị nó thiêu đốt, còn tỉnh thức thì ta sẽ dập tắt nó.

Phật dạy chúng ta nên biết rõ căn cơ cội nguồn của cái khổ; biết cái khổ không chưa đủ, mà phải biết nguyên nhân phát sanh ra khổ để diệt nó ngay từ đó, để thoát ly cho khỏi nó mà giải thoát. Thấy đạo Phật diệt cái khổ như vậy đó, thì những ai chán đời, nản chí, buông xuôi, than vắn thở dài đều không phải là con Phật.

74. ĐẠO PHẬT ĐẶT QUAN TRỌNG VÀO NIỀM TIN, NHƯNG TIN CÁI GÌ? VÀ TIN NHƯ THẾ NÀO?

Trong đạo Phật, niềm tin phải là chánh tín, chứ không mê tín. Niềm tin phải dựa trên trí tuệ chứ không ai sao tôi vậy. Trước khi tin phải hiểu rõ niềm tin dựa trên sự phân tích và những kinh nghiệm thực tiển. Đức Thế Tôn đã khai mở cho ta thấy được những gì ta đã trải qua như sanh, lão, bịnh, tử ... và Ngài dạy chúng ta những phương cách đi đến rốt ráo, đi dến giải thoát, còn chuyện có ngộ và có nhập những gì Ngài đã nói hay không lại là chuyện khác. Chuyện đó chỉ có chúng ta mới làm được, chứ không ai khác có thể làm được cho ta, ngay cả Đức Phật.

Đức Phật dạy ta về lẽ vô thường của sự vật, không phải Ngài chỉ nói suông mà Ngài chỉ cho chúng ta thấy thực cái vô thường. Nay còn mai mất, sớm nở tối tàn, "mới đó vầng đông vừa ló dạng, quay đầu bóng nguyệt đã tròn xoe." Những khi ta gần gủi người thân, ta cho rằng sự gần gủi ấy là tuyệt đối, nhưng than ôi sự thực đâu phải vậy, mà sự thực là thấy đó rồi mất đó, còn đó rồi tiêu đó, thương đó rồi ghét đó, vui đó rồi buồn đó, có cái gì là tuyệt đối đâu? Đức Thế Tôn đã giác ngộ được lẽ vô thường và muốn chúng sanh cũng thấy được như Ngài, thấy để mà tin, tin để mà tu, và tu để mà chuyển hóa những xấu ác thành thánh thiện để đi đến chỗ giác ngộ rốt ráo như Ngài.

Trong đạo Phật, niềm tin là do sự hiểu biết tuyệt đối mà tin chứ không tin mù quáng, không mê tín và không dựa vào tha lực và quyền năng tối thượng nào cả. Quyền năng tối thượng như xưng ta là con cháu Thượng Đế chẳng hạn, ai chứng minh được chuyện đó? Mà nếu không chứng minh được thì ngay bây giờ ta hãy tự lo lấy cho ta cái đã rồi hẳn nhờ đến người khác.

Tóm lại, hãy hiểu cho rõ giáo lý của Đức Phật để mà tin, một niềm tin có thể biến ta thành học trò của "Tam Bảo." Có là học trò của "Tam Bảo" thì mới có cơ hội được giải thoát, cũng như có học mới có thành vậy.

75. CHÚNG TA CÓ PHẬT TÁNH HAY KHÔNG?

Chúng ta ai vốn cũng có sẵn Phật tánh, nhưng vì dòng đời cứ trôi cứ đẩy ta xa lìa cái Phật tánh sẵn có ấy. Tâm ta vốn sẵn thanh tịnh. Mặc dù cái câu "Nhơn chi sơ tánh bổn thiện," nó không bộc hết được ý nghĩa của cái Phật tánh lúc ban đầu, vốn vắng lặng, vốn tịnh tịch của ta, nhưng nó cũng là một thí dụ điển hình cho cái tấm gương chưa nhuốm bụi trần lúc ban đầu. Nó cho ta thấy là tâm ta vốn bất biến, không sanh không diệt, lúc nào cũng có thể tánh sáng suốt thuần tịnh của chơn như, dù có bụi hay không thì gương vẫn là gương, dù có nhuốm bụi trần hay không thì chơn tâm vẫn là chơn tâm thanh tịnh.

Phật đã dạy rằng chơn tâm vốn thanh tịnh, bao la, rộng rãi như hư không vô tận. Đó là tánh thanh tịnh sẵn có không phải do tu mới có được, nó huân tập ở bên trong. Khi chúng ta biết mà tìm đường trở về với cái chơn tâm ấy tức là trở về với cái Phật tánh vẫn có của ta vậy. Tuy nhiên chúng sanh vì không ngộ được Phật tánh, vì mãi mê vọng tưởng như chàng cùng tử đã bỏ nhà lưu lạc, bốn năm chục năm sau quay về thì thân ta giờ nầy xác xơ quá mà nhà ta thì sang trọng quá. Chàng cùng tử là ai? Là ta đó, còn căn nhà sang trọng là gì? Là chánh pháp giúp đưa ta về với cái Phật tánh của ta.

Tóm lại, chúng ta ai cũng có Phật tính và ai cũng muốn trở về với cái Phật tánh của mình như chàng cùng tử dù bốn năm mươi năm lăn lóc vì miếng cơm manh áo, có khi vì tiền tài danh vọng mà cứ chạy liên tục. Tuy nhiên, có một lúc nào đó ta cũng nghĩ đến, có khi quay về hẳn với cái Phật tánh ấy mà cũng có khi lừng khừng không muốn quay về với nó.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567