Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Nghi thức thính pháp

07/02/201107:45(Xem: 13827)
6. Nghi thức thính pháp

THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn
PL. 2550 - TL. 2006

CHƯƠNG IV

CÁC NGHI THỨC KHÓA LỄ

IV.6. NGHI THỨC THÍNH PHÁP

Thông thường trong các lễs hội Phật giáo được tổ chức ở chùa, hay tại tư gia người cư sĩ, như lễ trai tăng, lễ sám hối, lễ dâng y .v.v... đều có thời thuyết pháp, chư Tăng sẽ cử ra một vị tỳ kheo hay sa di để thuyết pháp cho các cư sĩ nghe.

Nói theo tích xưa khi Đức Thế Tôn vừa đắc quả Phật thì có vị Phạm thiên tên gọi Sahampati hiện xuống thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp độ đời, từ đó Phật pháp được hoằng dương. Bây giờ các cư sĩ muốn nghe pháp cũng thỉnh cầu pháp sư.

Nghi thức thỉnh pháp như sau:

Chư thiện tín tụ họp nơi chánh điện hoặc nơi phòng rộng có thờ Phật, sửa soạn một chỗ ngồi cao và trang trọng gọi là pháp tọa. Khởi đầu là nghi thức tụng kinh lễ bái Tam bảo, sau đó rước pháp sư quang lâm pháp tọa, khi pháp sư đã an tọa, các cư sĩ xin thọ qui giới; vị pháp sư truyền giới xong, hội chúng đồng loạt tác bạch thỉnh cầu thuyết pháp như vầy:

Brahmā ca lokādhipatī sahampatī
Katañjalī andhivaraṃ ayācatha
Santī’dha satāpparajakkhajātikā
Desetu dhammaṃ anukampimaṃ pajaṃ
Saddhammabheriṃ vinayañca kāyaṃ
Suttañca bandhaṃ abhidhammacammaṃ
Ākoṭayanto catusaccadaṇḍaṃ
Pabodhaneyye parisāya majjhe
Evaṃ sahampatī brahmā
Bhagavantaṃ ayācatha
Tuṇhībhāvena taṃ buddho
Kāruññen’ ādhivāsaya
Tamhā vuṭṭhāya pādena
Migadāyaṃ tato gato
Pañcavagyādayo neyye
Amaṃ pāyesi dhammato
Tato pabhūti sambuddho
Anūnā dhammadesaṇaṃ
Māghavassāni desesi
Sattānaṃ atthasiddhakaṃ
Tena sādhu ayyo bhante
Desetu dhammadesanaṃ
Sabbāyidha parisāya
Anukampampi kātave.

Thuở Phật mới đạt thành quả vị
Có Xá-hăm-bá-tí phạm thiên
Cả trong thế giới các miền
Thanh cao quán chúng cần chuyên đạo mầu
Hiện trước Phật đê đầu đảnh lễ
Bạch xin Ngài tế thế độ nhơn
Chúng sanh trong khắp cõi trần
Tối mê điên đảo không phân tội tình
Cầu Phật tổ cao minh ái truất
Hiển oai linh tỉnh thức dắt dìu
Hoằng khai giáo pháp cao siêu
Tu hành theo đặng kết nhiều thiện duyên
Thế-Tôn được mãn viên đạo quí
Con hết lòng hoan hỷ tán dương
Nhưng vì hoàn cảnh đáng thương
Không đành bỏ mặt lạc đường làm thinh
Chúng sanh vốn đa tình lắm bậc
Không hiểu đâu chơn thật giả tà
Chấp thường, chấp lạc, chấp ta
Ngày nay sơ ngộ thiết tha nhờ Ngài
Xin mở lượng cao dày răn dạy
Chuyển pháp luân diễn giải diệu ngôn
Chúng sanh nghe đặng pháp môn
Thoát vòng khổ não dập dồn bấy lâu
Giải thoát những nguồn sầu câu thúc
Diệt tham lam ái dục bao vòng
Tối tăm sẽ được sáng trong
Phát sanh trí tuệ hiểu thông tinh tường
Thông thấu lẽ vô thường biến đổi
Chúng sanh trong ba cõi mỏng manh
Vô minh nhân của quả hành
Cội căn dắt dẫn chúng sanh luân hồi
Biển trần khổ nỗi trôi chìm đắm
Bị ngũ ma dày xéo chuyển di
Vậy nên cầu đấng từ-bi
đưa thuyền bát-nhã trải di vớt người
Đưa qua chốn tốt tươi yên tịnh
Bờ Níp bàn chẳng dính trần ai
Như đèn rọi suốt trong ngoài
Chiếu tia sáng khắp các loài hân hoan
Pháp như trống khải hoàn rầm rộ
Luật ví như đại cổ hoằng dương
Kinh như giây buộc trên rương
Luận như mặt trống phá tường vô minh
Tứ diệu đế ấy hình dùi trống
Gióng khua tan giấc mộng trần gian
Chúng sanh tất cả bốn hàng
Như sen trong nước minh quang luống chờ
Trời lố mọc đặng nhờ ánh sáng
Trải hoa lành rải tản mùi hương
Pháp mầu ánh sáng phi thường
Chiếu khắp ba cõi rõ đường an vui
Phạm thiên vẫn ngậm ngùi khẩn khoản
Phật nhận lời nhưng chẳng dỉ hơi
Quyết lòng mở đạo dạy đời
Nhắm vườn Lộc-giả, ngài dời chân sang
Thuyết pháp độ các hàng đệ tử
Có năm thầy thính dự pháp từ
Đó là nhóm Kiều Trần-Như
Được nếm hương vị hữu dư Níp bàn
Rồi từ đó mở mang giáo pháp
Bốn mươi lăm hạ giáp vẹn toàn
Một lòng chẳng thối, không mòn
Những điều lợi ích hằng còn lâu năm
Cả tam giới thừa ân phổ cập
Đám mưa lành rưới khắp thế gian;
Bởi nhân cớ tích rõ ràng
Thỉnh Ngài thuyết pháp noi đàng từ bi.
Chúng sanh ngồi khắp chốn ni
Tối mê cầu đặng trí tri vẹn toàn. -- (lạy)

Tiếp đến là vị pháp sư bắt đầu thuyết pháp; các cư sĩ ngồi yên lặng chú tâm nghe pháp. Khi pháp sư kết thúc thời pháp; hội chúng đảnh lễ và tụng sám hối Tam bảo, sau đó vị pháp sư phúc chúc phước cho hội chúng.

Các cư sĩ tỏ sự hoan hỷ bằng cách đồng thanh: Sādhu sādhu, lành thay!

Cuối cùng các cư sĩ tụng hồi hướng pháp thí như sau:

Yā devatā santi vihāravāsinī thūpe ghare bodhighare tahiṃ tahiṃ tā dhammadānena bhavantu pūjitā sotthiṃ karonte’ dha vihāramaṇḍale therā ca majjhā navakā ca bhikkhavo sārāmikā dānapatī upā-sakā gāmā ca desā nigamā ca issarā sappāṇabhūtā sukhitā bhavantu te jalābujā ye pi ca aṇḍasambhavā saṃsedajātā athav’ opapātikā niyyānikaṃ dhammavaraṃ paṭicca te sabbe pi dukkhassa karontu saṅkhayaṃ ṭhātu ciraṃ sataṃ dhammo dhammadharā ca puggalā saṅgho hotu samaggo va atthāya ca hitāya ca amhe rakkhatu saddhammo sabbepi dham-macārino vuḍḍhiṃ sampāpuṇeyyāma dhammāriyappavedite.

Ngưỡng cầu các đấng chư thiên
Trong vòng tịnh xá ngự yên hàng ngày
Ngự nơi đền tháp xưa nay
Những nơi biệt thất, nơi cây bồ đề
Chúng tôi xin hội họp về
Sẽ dùng pháp thí tiện bề cúng dâng
Rồi xin hộ độ chư Tăng
Cửa từ ẩn náu phước hằng hà sa
Tỳ khưu chẳng luận trẻ già
Cao hạ, trung hạ hoặc là mới tu
Thiện nam, tín nữ công phu
Đều là thí chủ đồng phù trợ nhân
Những người trong khắp thôn lân
Kiều cư châu quận được phần an khương
Chúng sanh bốn loại thông thường
Noãn, thai, thấp, hóa khi nương pháp lành
Giải thoát pháp bảo nên hành
Đặng mà dứt khổ truyền quanh đọa đày
Cầu cho hưng thạnh lâu dài
Pháp thiện trí thức các Ngài mở mang
Bậc tu xin được bình an
Cầu cho Tăng chúng các hàng hòa nhau
Lại thêm phẩm hạnh thanh cao
Những quả lợi ích kết mau kịp thì
Cầu xin pháp bảo hộ trì
Cho người tu đã qui y Phật rồi
Xin cho cả thảy chúng tôi
Tiến hoá trong pháp Phật roi giáo truyền.

Đến đây hoàn mãn buổi thuyết pháp





I.6. VAI TRÒ CƯ SĨ TRONG PHẬT GIÁO

Đức Phật có tâm đại bi với chúng sanh, Ngài thuyết pháp vừa theo trình độ và hoàn cảnh của mỗi người, để họ có thể thực hành theo giáo pháp hầu được an vui hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ luân hồi như Ngài.

Giáo pháp của Đức Phật ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

Người cư sĩ trong Phật giáo cũng có trách nhiệm nặng nề đối với việc tồn vong của chánh pháp.

Đức Phật có thuyết rằng:

"Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các tỳ kheo, các tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và qui thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và qui thuận giáo pháp, sống tôn trọng và qui thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và qui thuận học giới, sống tôn trọng và qui thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch" (A.III.247).

Người cư sĩ Phật giáo, đúng nghĩa là cận sự nam và cận sự nữ không phải là người chi đến với Phật giáo như một học giả nghiên cứu triết học Đông phương. Mà phải nhận thức rõ vai trò của mình đối với Phật pháp, phải thiết tha sống theo tinh thần lời dạy của Đức Phật để hướng tìm mục đích giải thoát, thành tựu hạnh phúc thật sự.

Người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo có hai vai trò:

1. Vai trò người hộ pháp (Dhammarakkhaka).
2. Vai trò người thừa tự pháp (Dhammadāyadaka).

Vai trò hộ pháp

Hộ pháp tức là hộ trì Tam bảo: hộ trì Phật bảo, hộ trì Pháp bảo, hộ trì Tăng bảo.

Hộ trì Phật bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý, bậc đã tìm ra pháp giải thoát, bậc kính trọng chánh pháp. Do vậy, sự hộ trì Phật bảo cũng gọi là hộ pháp.

Hộ trì Pháp bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng giáo lý của Đức Phật là pháp đem đến sự an vui cho chúng sanh thiết thực hiện tại, lợi ích tương lai, và thoát khỏi luân hồi. Giữ vững giáo pháp cho đúng tinh thần chánh pháp, không để bị mai một, bị sai lệch văn cú ý nghĩa lời dạy của Đức Phật. Đó gọi là hộ pháp.

Hộ trì Tăng bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Tăng chúng là những vị đệ tử thừa hành giáo lý của Đức Phật, truyền thừa Phật pháp tồn tại trong thế gian ngay khi Đức Phật còn tại thế và sau khi Đức Phật níp bàn. Tăng chúng còn là Giáo pháp còn, do đó sự hộ trì Tăng bảo cũng là hộ pháp.

a) Hộ trì Phật Bảo

Người cư sĩ hộ trì Phật bảo bằng bốn hình thức sau đây:

1- Giữ vững niềm tin đối với Đức Phật, không có hoài nghi sự giác ngộ của Ngài.
2- Hằng tán dương Đức Phật và hoan hỷ người khác tán dương Đức Phật.
3- Thường xuyên lễ bái Đức Phật qua hình, tượng, xá lợi.
4- Xây dựng đền tháp, tôn thờ Phật cảnh trang nghiêm để tôn vinh Đức Phật. Nếu không có khả năng tự mình làm thì ủng hộ người khác cùng làm.

Việc thờ phụng Đức Phật, người cư sĩ làm vai trò ấy là hợp lý hơn các vị xuất gia. Khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, tôn giả Ānanda đã bạch hỏi Ngài về việc xử sự đối với thân Xá Lợi của Thế Tôn phải như thế nào? Đức Phật bảo rằng:

"Này Ānanda, các ngươi chớ bận lo việc thờ phượng Xá Lợi của Như Lai; hãy tinh tấn tự lợi, hãy chuyên cần tự lợi, hãy sống nỗ lực nhiệt tâm, không dể duôi. Này Ānanda, có các hiền trí Sát đế lỵ, các hiền trí Bà la môn, các hiền trí gia chủ tín ngưỡng Như Lai, những người ấy sẽ thờ phượng thân xá lợi của Như Lai" (D.II.141).

b) Hộ trì Pháp bảo

Người cư sĩ hộ trì Pháp bảo bằng năm hình thức sau đây:

1- Giữ vững niềm tin đối với giáo pháp, không có hoài nghi về hiệu năng hướng thượng của Giáo pháp.
2- Siêng năng học hỏi giáo pháp, thọ trì đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không xu hướng ngoại đạo.
3- Hoan hỷ cúng dường đến các vị tỳ kheo, sa di là bậc đa văn, những vị học pháp, hành pháp và duy trì giáo pháp.
4- Có sự ưu tư trong việc chấn hưng Phật pháp khi thấy có dấu hiệu bi suy thoái, bị phá hoại.
5- Tùy khả năng của mình, hỗ trợ chư Tăng kết tập kinh điển, in ấn sách kinh, mở trường lớp Phật học v.v...

Từ thời Đức Phật đã có những tấm gương cư sĩ hộ pháp như ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā, vua Pasenadi, sau này có vua Asoka ... chẳng những họ cúng dường vật chất hộ độ Đức Phật và Tăng chúng mà họ còn rất quan tâm để hộ trì chánh pháp, cũng cố Phật pháp, làm sao cho giáo pháp hưng thịnh.

Người cư sĩ hộ trì chánh pháp nổi bậc nhất là đức vua Asoka (A Dục vương). Với quyền hành của mình, nhà vua đã cố gắng học Phật pháp cho thông suốt để sàng lọc ra những vị tu sĩ giả danh gây xáo trộn trong Phật giáo, nhà vua cũng đã nhiệt tâm hộ độ chư Tăng kết tập kinh điển lần thứ ba, nhà vua cũng tận tâm giúp đỡ chư Tăng đi hoằng pháp mở mang Phật giáo đến các nước lân bang ...

c) Hộ trì Tăng bảo

Người cư sĩ hộ trì Tăng bảo bằng năm hình thức sau đây:

1- Có niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng, không vì lý do một vài phần tử cá nhân xấu mà mất niềm tin với Tăng chúng.
2- Thường xuyên hộ độ cúng dường các nhu cầu vật chất đến chư tăng.
3- Luôn luôn bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng.
4- Quan tâm đến sự an nguy thịnh suy của Tăng chúng, đồng vui cộng khổ với chư tăng.
5- Đối xử với Tăng chúng bằng sự kính trọng và nhu thuận.

Các cư sĩ thời Đức Phật như ông Jīvakakomārabhacca, bà Visākhā, vua Pasenadi ... là những người hộ Tăng tiêu biểu, vừa hộ độ thực phẩm, vừa bảo vệ thanh danh chư tăng, vừa khéo góp ý nhắc nhở những vị có hành vi sai trái để chấn chỉnh giáo hội tốt đẹp.

Vai trò thừa tự pháp

Thừa tự (dāyada) là sự kế thừa, thừa hưởng, như là thừa tự tài sản, thừa hưởng gia sản v.v... thừa tự pháp là kế thừa Giáo pháp của Đức Phật.

Trong kinh Trung Bộ, Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các tỳ kheo, các ngươi hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật - Dhamma-dāyādā me bhikkhave bhavatha mā āmisadāyādā" -- (M.I.12).

Ở vai trò thừa tự pháp, người cư sĩ có ba phận sự:

- Học hỏi giáo lý
- Thực hành giáo pháp
- Duy trì Phật giáo

a) Học hỏi giáo lý

Để lãnh hội những tinh hoa Phật pháp và có được chánh kiến, người cư sĩ phải siêng năng học hỏi giáo lý, ưa thích tìm hiểu Phật pháp. Sự học hỏi giáo lý cho thông suốt, gọi là thừa tự pháp. Ví như một người con kế thừa sự nghiệp của ông cha, là phải biết được giá trị những gì mà ông cha đã để lại, cũng vậy, giáo pháp mà đấng từ phụ đã để lại, đệ tử xuất gia hay tại gia phải chuyên cần học tập để biết được giá trị của giáo pháp ấy, như thế mới đáng gọi là đệ tử thừa tự pháp.

Người cư sĩ học hỏi giáo lý bằng nhiều phương tiện, có thể bằng cách nghe chư Tăng thuyết Phật pháp.

Hoặc có thể học hỏi bằng cách nghiên cứu tham khảo kinh sách Phật giáo.

Hoặc có thể học hỏi bằng cách tìm gặp nhau để đàm luận Phật pháp.

Các cư sĩ thời xưa khi đến viếng thăm Đức Phật hay các vị Tỳ kheo, bao giờ họ cũng hoan hỷ nghe pháp, thiết tha học giáo pháp, như vua Pasenadi, ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā v.v... Có vậy mới xứng đáng gọi là cư sĩ thừa tự pháp.

b) Thực hành giáo pháp

Người cư sĩ không phải chỉ đơn thuần là người có tín ngưỡng tôn giáo, là người theo đạo Phật. Người cư sĩ phải sống theo pháp, thực hành giáo pháp, chấp nhận giáo pháp ứng dụng vào đời sống như là một nhu cầu không thể thiếu. Người cư sĩ có thực hành như vậy mới hưởng được hương vị tuyệt vời của giáo pháp, như khi có nếm qua món ăn rồi mới thưởng thức được hương vị của món ăn đó. Gọi là người cư sĩ thừa tự pháp, phải thật sự cảm nhận được sự đặc thù của chánh pháp qua kinh nghiệm tu tập.

Người cư sĩ ngoài việc học hỏi giáo lý thông suốt, còn phải thực hành nữa. Khi nào còn người thực hành theo giáo pháp thì khi đó Phật pháp còn tồn tại, bởi thế vai trò thừa tự pháp của người cư sĩ cũng rất quan trọng.

Sự thực hành giáo pháp, tức là hành theo ba điều căn bản:

"Không làm các điều ác" (Sabbapāpassa akaraṇaṃ). Nghĩa là người cư sĩ sống né tránh không làm điều tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói vô ích, tham lam, sân hận và tà kiến.

"Thực hiện các việc lành" (Kusalassa upasampadā). Nghĩa là người cư sĩ thiết tha làm những điều thiện như bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thính pháp, nói pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh tri kiến.

"Thanh lọc nội tâm" (Sacittapariyodapanaṃ). Nghĩa là người cư sĩ tinh tấn thiền định để rèn luyện nội tâm, làm cho tâm trong sạch không bị ô nhiễm bởi phiền não tham, sân, si.

Sự tu tập của người cư sĩ theo ba điều trên, gọi là người cư sĩ thực hành giáo pháp.

c) Duy trì Phật giáo

Người cư sĩ thừa tự pháp, ngoài hai phận sự là học hỏi giáo lý và thực hành giáo pháp, còn có một phận sự nữa cũng rất quan trọng, đó là duy trì Phật giáo.

Phật giáo được tồn tại lâu dài là nhờ vào tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ hết lòng phụng sự duy trì chánh pháp. Trong tứ chúng ấy, tỳ kheo và tỳ kheo ni là hàng xuất gia; cận sự nam và cận sự nữ thuộc hàng tại gia cư sĩ. Bậc xuất gia đóng vai trò chính trong phận sự duy trì Phật pháp vững bền; còn đối với hàng cư sĩ chỉ là vai trò phụ.

Tuy người cư sĩ đối với phận sự duy trì Phật pháp là vai trò phụ nhưng không phải là không quan trọng. Vì nếu người cư sĩ không xuất gia hoặc cư sĩ cha mẹ không hoan hỷ cho con cháu xuất gia thì làm sao có tỳ kheo, tỳ kheo ni để duy trì Phật pháp? Lại nữa, nếu người cư sĩ không ủng hộ cúng dường hoặc bảo vệ Tăng chúng Phật giáo thì làm sao các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni có điều kiện thuận lợi làm phận sự duy trì Phật pháp?

Bởi thế, người cư sĩ cũng có phận sự duy trì Phật giáo là gián tiếp. Và người cư sĩ duy trì Phật giáo được gọi là người thừa tự giáo pháp.

Một thời, khi đức vua Asoka (A Dục vương) trở thành Phật tử, đức vua đã ra sức xây cất 84.000 chùa tháp để tôn thờ Xá lợi Đức Phật. Đức vua bạch hỏi chư Thánh Tăng: Sự đại thí như vầy, không biết có ai đã từng làm chưa?

Trưởng lão Moggalliputtatissa thay mặt chư Tăng đã trả lời rằng:

"Thưa Đại vương, dù khi Đức Thế Tôn còn hiện tiền và cho đến nay cũng chưa có một ai làm được việc đại thí như thế này. Chỉ có Đại vương là nguời duy nhất làm được việc đại thí này thôi".

Đức vua Asoka lắng nghe trưởng lão Moggalli-puttatissa trả lời, lòng tràn ngập phỉ lạc. Vua đã suy nghĩ, nếu ta là người đã làm được đại thí này chắc hẳn ta là người thừa kế Phật giáo (Dāyādo sāsanassa) chăng? Nghĩ vậy, Đức vua bèn bạch hỏi vị trưởng lão nữa.

"Kính bạch Tôn giả, trẫm đã làm được đại thí như thế, vậy trẫm có phải là người kế thừa của Phật giáo chăng?"

Trưởng lão đáp:

"Thưa đại vương, người chỉ bố thí bốn món vật dụng, dù có là đại thí chăng nữa cũng chỉ gọi là thí chủ vật dụng (paccayadāyaka), chứ chưa phải là người kế thừa Phật giáo (sāsanadāyada).

Đức vua liền hỏi vị trưởng lão, người thế nào mới gọi là kế thừa Phật giáo. Trưởng lão đáp:

"Những người cha mẹ nào hoan hỷ cho phép con của mình xuất gia trở thành tỳ kheo trong Phật giáo, như vậy, người cha mẹ ấy mới được gọi là người kế thừa Phật giáo."

Đức vua Asoka nghe vậy khởi tâm tịnh tín bèn cho phép hai người con là hoàng tử Mahinda và công chúa Saṅghamittā xuất gia làm tỳ kheo và tỳ kheo ni trong Phật giáo. Sau khi xuất gia, cả hai vị đều đắc quả A la hán, và chính Đại Đức Mahinda đã mở đầu công cuộc hoằng hóa giáo pháp tại xứ Tích Lan.

Các bậc xuất gia duy trì Phật pháp bằng cách hoằng pháp, còn đối với người cư sĩ thì duy trì Phật pháp bằng cách hộ độ chư Tăng hoằng pháp, và tạo người nối truyền hoằng pháp, tức là nếu con em có ý muốn xuất gia thì mình khích lệ, động viên, và hoan hỷ cho phép.

DỨT CHƯƠNG I

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]