Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Biện Chứng Pháp Trung Quán (Madhyamaka Dialectic): Khởi Nguyên, Cấu Trúc và Phát Triển

14/01/201110:36(Xem: 9907)
7. Biện Chứng Pháp Trung Quán (Madhyamaka Dialectic): Khởi Nguyên, Cấu Trúc và Phát Triển

ĐẠI CƯƠNG TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN

Tác Giả: Jaidev Singh - Dịch Giả: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới Xuất Bản

CHƯƠNG II
7. BIỆN CHỨNG PHÁP TRUNG QUÁN
(MADHYAMAKA DIALECTIC)
KHỞI NGUYÊN, CẤU TRÚC VÀ PHÁT TRIỂN

Như đã đề cập, mọi yếu nghĩa của triết học Trung Quán, hầu hết đã được nêu ra một cách đại lược trong phần Đại Chúng Bộ và văn bản Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnãparamità). Long Thọ chỉ là người khai triển chúng mà thôi. Vậy thì Long Thọ đã cống hiến được những gì của chính Ngài? Sự cống hiến đặc thù của chính Ngài là biện chứng pháp (dialetic) mà Ngài đã khai triển. Đương nhiên là Ngài đã chiếu rọi những tia sáng mới mẻ lên các chủ thuyết khác nhau của Phật Giáo Đại Thừa, bao hàm trong tư tưởng của Đại Chúng Bộ và trong tác phẩm Bát Nhã Ba La Mật Đa, hơn nữa đối với những lý luận này Ngài đã thuyết minh sâu xa hơn và phê phán nhiều hơn về những chủ thuyết đó; nhưng, sự cống hiến độc đáo nhất của Ngài vẫn là biện chứng pháp.

Sự im lặng bí ẩn của Đức Phật đối với những câu hỏi có tính cách siêu hình căn bản nhất đã thúc đẩy Long Thọ nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao Đức Phật giữ im lặng. Có phải Đức Phật chủ trương “bất khả tri” (agnostic) như một số người Tây Phương nghiên cứu Phật Giáo đã nghĩ? Nếu không thì vì lý do gì mà Ngài giữ thái độ im lặng? Qua một cuộc nghiên cứu đối với sự im lặng này, Long Thọ đã đặt ra biện chứng pháp.

Có một số câu hỏi trứ danh mà Đức Phật đã coi là “vô ký” (avayàkrta), tức là những giải đáp mà Ngài cho rằng không thể diễn đạt. Trong những chú giải của Nguyệt Xứng về Trung Luận (MK, 22, 12) Ngài đã từng nêu ra những vấn đề này.

Ngài mở đầu bằng câu:

“Tha caturdasa avyàkrta-vastùni bhagavatà nirdistàni:
“Đức Thế Tôn tuyên bố rằng có 14 sự việc không
thể thuyết minh được,”

Và sau đó đề cập 14 sự việc trên theo thứ tự:

1) Thế giới phải chăng là (a) vĩnh hằng, (b) hay không vĩnh
hằng, (c) hoặc cả hai đều đúng, (d) hoặc cả hai đều
không đúng.

2) Phải chăng thế giới là (a) hữu biên, (b) vô biên (c)
hoặc cả hai đều đúng (d) hoặc cả hai đều không đúng.

3) Phải chăng sau khi Như Lai nhập diệt (a) vẫn tồn tại,
(b) hoặc không tồn tại, (c) hoặc cả hai đều đúng, (d)
hoặc cả hai đều không đúng.

4) Phải chăng linh hồn và thể xác là đồng nhất hay
không đồng nhất.

Trên đây gồm có 14 vấn đề:

Chúng ta có thể thấy rõ trong ba nhóm câu hỏi chính mỗi một câu hỏi gồm có bốn tuyển loại, và câu hỏi sau cùng cũng có thể có bốn thứ tuyển loại, bốn tuyển loại này đã cấu thành “tứ kết luận” (catuskoti) hoặc bốn mệnh đề cơ sở căn bản (tetra-lemma) vô cùng trọng yếu của Long Thọ Biện Chứng Pháp. Mỗi một vấn đề đều có (1) khẳng định mệnh đề đối phản của nó (2) làm mệnh đề của phủ định tương phản. Hai mệnh đề này là sự tuyển chọn cơ bản. Sau đó (3) kết hợp hai điều khẳng định để cấu thành tuyển loại thứ ba, (4) tuyển ngôn của hai phủ định đã cấu thành tuyển loại thứ tư.

Đối với những tra vấn căn bản này, mà trả lời “phải” hoặc “không phải” thì e rằng không thể nhận thức chân lý một cách trọn vẹn và, Đức Phật dạy rằng loại tư biện này chỉ là một loại “kiến giải luận thuyết” (đitthivàda), cho nên Ngài đã từ chối và không muốn thâm cứu chúng.

Cấu trúc của những câu hỏi đó và sự im lặng của Đức Phật đã được đặt ra trước mặt Long Thọ. Đức Phật đã từ chối trả lời dứt khoát cho những câu hỏi như vậy. Đức Phật vẫn thường dạy là Ngài không tin vào “Thường hằng luận” (Sàsvata-vàda), một loại khẳng định tuyệt đối, mà cũng không tin vào “Đoạn diệt luận” (Ucchedavàda), một phủ định tuyệt đối. Lập trường của Ngài chính là “trung đạo” (madhyamà pratipada).

Long Thọ đã tư duy một cách sâu sắc về thái độ này của Đức Phật và cho rằng lý do mà Đức Phật cố ý giữ im lặng trước những vấn đề này là bởi thực tại đã siêu việt qua mọi tư tưởng. Ngài đã thành lập hệ thống gồm 4 tuyển loại (antas hoặc kotis), và đã vạch rõ sự không hài hòa của mỗi tuyển loại. Ngài đã thấu triệt một cách thông suốt và đã tìm ra được nhị luật bội phản (antinomy) của lý tính (reason), khử trừ mọi sự vật được chúng che đậy, và đã chứng minh rằng việc kiến lập một hệ thống siêu hình học (metaphysis) kiên cố trên cơ sở của chủ nghĩa giáo điều (dogmatism) hoặc chủ nghĩa duy lý (rationalism) là một điều bất khả. Đây chính là biện chứng pháp của Ngài.

Bốn tuyển loại này đã được Đức Phật đề xuất từ rất sớm, nhưng nguyên ý của Long Thọ là ứng dụng luận lý học một cách nghiêm túc để gợi những hàm ý của mỗi tuyển loại, rượt đuổi lý tính đến “ngõ cụt” (cul de sac) và như thế mới chuẩn bị cho tâm thức phải quay ngược lại (paràvrti) để hướng đến bát nhã (prajnà: trí huệ).

Đối với những độc giả thiếu thận trọng, Long Thọ đã được xem như một nhân vật mà nếu không phải là một triết gia khó tính muốn phản bác tất cả học thuyết của các triết gia khác thì cũng là một nhà ngụy biện đã sử dụng những ẩn từ xảo diệu (equivocation) để̀ ép buộc các đối thủ thiếu cảnh giác phải nhượng bộ trong lúc biện luận, và sau đó đã cười thầm trước sự lúng túng của đối phương; nếu không thế thì ít ra cũng là người theo đuổi chủ nghĩa hư vô có tánh phá hoại, phủ định một cách cộc cằn tất cả quan điểm và đã không khẳng định bất cứ một quan điểm nào.

Nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cẩn thận hơn về biện chứng pháp của ngài, thì sẽ thấy rằng những lo lắng trên hoàn toàn không đúng với ngài, vì trong một tâm thức hoàn toàn thanh tịnh ngài chỉ cố gắng chứng tỏ rằng khi lý tính vượt khỏi lãnh vực của những hiện tượng có thể lý giải thì đã tiến vào cảnh địa của bản thể bất khả tri (noumena), lúc đó, tất nhiên sẽ gặp phải sự mâu thuẫn.

1/ Ý NGHĨA CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

Vậy thì biện chứng pháp có nghĩa là gì? Nói một cách đơn giản, biện chứng pháp là một loại vận hành tư tưởng, nhờ vào sự tra khảo về những mặt phải và trái (pros and cons) của vấn đề để có một ý thức rõ ràng về những nhị luật bội phản (antinomies) mà lý tính bị sa lầy vào đó, và ám chỉ con đường ra khỏi sự bế tắc bằng cách thăng tiến lên một giai tầng cao hơn lý tính để ra khỏi “ngõ cụt”.

2/ CẤU TRÚC CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

Chúng ta đã biết khởi nguyên của biện chứng pháp, của Trung Quán nằm trong bốn tuyển loại của mỗi vấn đề “không thể thuyết minh” (avyàkrta) mà Đức Phật đã im lặng một cách bí ẩn. Nhưng Long Thọ thì rõ ràng đã tìm cách thành lập, hệ thống hóa nó và sử dụng “tứ cú lập” (catuskoti: tetralemma hay quadrilemma) – cũng được gọi là “tứ cảnh phủ định” (four-cornered negation) – để biểu minh.

Vậy cấu trúc của biện chứng pháp được xếp như sau: Sự tuyển trạch thứ nhất của tứ cú lập gồm mệnh đề thứ nhất là (i) mệnh đề khẳng định. Thứ hai là (ii) phản đề. Thứ ba là (iii) kết hợp khẳng định của hai mệnh đề trước, và thứ tư là (iv) phủ định của hai mệnh đề trước.

3/ KỸ THUẬT BIỆN CHỨNG PHÁP

Kỹ thuật biện chứng pháp là rút ra những ngụ ý về quan điểm của đối phương đặt trên căn bản của những nguyên tắc mà chính họ thừa nhận, và nhờ đó mà vạch ra sự mâu thuẫn tự thân của quan điểm này. Dùng cách này, đối phương sẽ bị sa vào cạm bẫy của chính họ. Đối phương bị dồn vào vị trí phi lý khi những kết luận tự mâu thuẫn của những giả thuyết của họ bị vạch trần. Như thế, có thể nói rằng biện chứng pháp bác bỏ các quan điểm bằng cách sử dụng “qui mậu luận chứng” (reductio ad absurdum argument). Kỹ thuật này trong thuật ngữ thường được gọi theo Phạn ngữ là “prasanga” (phiên âm sang chữ Hán là “thành phản chất nan”).

R. H. Robinson đã nêu rõ trong “Phái Trung Quán Thời Sơ Khởi ở Ấn Độ và Trung Quốc” (Early Màdhyamika in India and China) của ông rằng những thi cú trong Trung Luận (Màdhyamaka) của Long Thọ có một số lớn những tam đoạn luận (syllogism) có tính cách giả thiết. Trong những thi cú đó, có những thí dụ về hai loại tam đoạn luận giả thiết – đó là hy đoạn luật (modus ponens) và nghịch đoạn luật (modus tollens) – và còn có một cách ngụy biện trong đó tiền đề bị phủ nhận.

Đối với thí dụ “ly đoạn luật” (modusponens) Robinson đã trích dẫn đoạn 3.2 trong Minh Cú Luận ̣(Prasannapadà) và
đối với thí dụ “nghịch đoạn luật” thì ông đã trích dẫn đoạn 19.6 trong Minh Cú Luận.

Ông nói đúng khi bảo rằng trong thi cú có rất nhiều “lưỡng đao luận pháp” (dilemmas) mà hình thức thường thấy nhất là: “nếu p rồi sau đó là q; nếu chẳng phải p rồi sau đó là q,” đây là hình thức đặc thù của “đơn thuần kiến cấu lưỡng đao luận pháp” (simple constructive dilemma) trong luận lý Tây phương.

Ngoài ra, trong thi cú còn có thể trông thấy một hình thức “lưỡng đao luận pháp” khác, đó là: “Nếu p, rồi sau đó q; nếu không phải p, thì sau đó là r”, đây là hình thức đặc thù của “phức tạp kiến cấu lưỡng đao luận pháp” (complex constructive dilemma) trong luận lý Tây phương.

4/ MỤC ĐÍCH CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

Mục đích của biện chứng pháp là bác bỏ, chứng minh sự sai lầm của những quan điểm của những người khác chứ không phải chứng minh bất cứ quan điểm nào của chính chúng ta. Chỉ có kẻ nào đề xướng một quan điểm mới thật sự cần chứng minh nó với đối tượng mà họ muốn thuyết phục, người không có quan điểm để đề xướng thì chẳng cần phải làm như vậy. Trong Hồi Tránh Luận (Vigrahauyàvartanì) của Long Thọ (thi cú 29) ngài đã phát biểu một cách rất rõ ràng, không một ai có thể tìm thấy khuyết điểm của Trung Quán phái (Màdhyamika) bởi vì ngài chưa từng đề ra bất cứ quan điểm nào của chính mình.

Yadi kàcana pratijnà syàn me tata eva me
bhaved dosah.Nàsti ca mama pratijnà tasmàn naivàsti me dosah.

“Nếu tôi đề xướng một luận đề của chính tôi, thì bạn
có thể tìm thấy được khuyết điểm của nó. Nhưng vì
tôi không có luận đề để đề xướng, nên vấn đề
chứng minh sự sai lầm không có lý do để nẩy sanh.”

Biện chứng pháp nhằm đả phá những kẻ giáo điều và những kẻ duy lý chủ trương một quan điểm cố định về thực tại. Bằng cách vạch trần sự rỗng tuếch trong lý luận của họ và những kết quả tự mâu thuẫn của những giả thiết của họ, Long Thọ muốn bác bỏ những xác quyết của Lý Trí rằng nó nắm vững được Thực Tại. Nguyệt Xứng (Candrakìrti) trong đoạn văn dưới đây, đã diễn đạt một cách rất minh xác loại lập trường này:

Nirupapttika – paksàbhyapagamàt
svàtmànam eva ayam kevalam
visamvàdayan na saknoti paresàm
niscayam àdhàtum iti. Idameva asya
spastataram dùsanam yaduta
svapratijnàtàrthasàdhanàsàma-rthyam iti.

“Bằng giả thiết không hợp lý của họ, đối phương chỉ
tự mâu thuẫn với chính mình, và không thể thuyết phục
người khác. Điều gì có tính cách tự cáo buộc rõ ràng
hơn là sự kiện đối thủ không thể chứng minh những
luận cứ trên căn bản mà người đó đã đề xướng lý luận
của mình.”
(Minh Cú Luận p. 6)

Long Thọ đã thẳng tay phá hủy mọi ý kiến triết học trong thời đại của ngài, chẳng phải vì ngài lấy làm thích chí về hành động đó, mà là vì ngài có một mục tiêu thích đáng. Một cách tiêu cực, biện chứng pháp có ý chứng minh rằng Thực Tại không thể được đo lường bằng một cái thước tư tưởng tản mạn. Nhưng, không phải chỉ có vậy. Nó có một số ngụ ý tích cực.

Thứ nhất, hiện tượng hoặc thực tại nghiệm thì thuộc lãnh vực tương đối, trong đó một thực thể là “không” (sùnya) hoặc “vô tự tánh” (nis-svabhàva), nghĩa là thực thể đó không có thực tại độc lập hoặc sự vô điều kiện.

Thứ nhì, người ta có thể hiểu được Thực Tại bằng cách vượt lên một giai tầng cao hơn tư tưởng luận lý, đó là giai tầng của Bát Nhã (prajna).

Thứ ba, không thể diễn tả Thực Tại bằng thứ ngôn ngữ “có”, “không có” theo lối suy tưởng nhị phân.

5/ SỰ ỨNG DỤNG CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

Long Thọ đã nghiên cứu một cách nghiêm túc tất cả những lý thuyết triết học của các nhà tư tưởng cùng thời đại với ngài.

Họng súng Biện chứng pháp của ngài đã nhắm vào những khái niệm như tương quan nhân quả, động và tĩnh, các lãnh vực cảm giác (àyatanas), các uẩn (skandhas), tự ngã (àtman), v.v...

Stcherbatsky đã chỉ đề cập đến lời phê bình của Long Thọ đối với tương quan nhân quả và niết bàn, bởi vì chúng là những điều trọng yếu nhất. Vì thế, chúng ta cũng chỉ quan tâm nghiên cứu hai trọng điểm này. Ở đây, chúng ta sẽ thảo luận trước về sự thâm cứu này của Long Thọ đối với quan niệm nhân quả, và đối với sự nghiên cứu của ngài về niết bàn thì sẽ được thảo luận dưới một tiêu đề khác.

Trước tiên Long Thọ đã phê bình về luật nhân quả, bởi vì nó là vấn đề triết học tối trọng yếu trong thời đại của ngài.

6/ THÂM CỨU VỀ QUAN HỆ NHÂN QUẢ

Long Thọ đã ứng dụng bốn mệnh đề chính yếu của ngài, ngài cho rằng chỉ có thể có 4 loại quan điểm về luật nhân quả, đó là (1) quan điểm sanh ra; (2) parata utpattih, tức là do vật khác sản sanh ra; (3) dvàbhyàm utpattih, tức là do cả hai (chính mình và vật khác) mà sanh ra; (4) ahetuta utpattih, tức là vô nguyên nhân mà sanh ra, ngẫu nhiên mà sanh ra.

1) Svata Utpattih (do tự thân mà sanh)

Có nghĩa nguyên nhân và kết quả là đồng nhất, sự vật được sanh ra bởi tự thân. Khi Long Thọ phê bình về quan điểm của sự quan hệ nhân quả tự sanh, thì rõ ràng trong tâm nghĩ rằng đó là “nhân trung hữu quả luận” (Satkàyavàda) của Số Luận (Sàmkhya).

Sự phê bình của Trung Quán phái đối với lý luận này có thể tóm lược như sau:

i. Nếu trong nhân đã có quả, thì sự sanh sản không có
mục đích. Số Luận có thể cho rằng tuy quả có thể
hiện hữu trong nhân, sự biểu lộ (abhivyakti) của nó là
điều mới mẻ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng
quả là một thực chất mới, mà chỉ có nghĩa nó là một
hình thức hoặc trạng thái mới của thực chất. Nhưng
sự sai biệt trên hình thức hoặc trên trạng thái này đi
ngược lại sư đồng nhất của tầng lớp bên dưới.

ii. Nếu bảo rằng nguyên nhân là một phần hiện thực,
và một phần tiềm tàng, thì chẳng khác nào thừa nhận
rằng trong cùng một sự vật đã có tính chất đối phản.

iii. Nếu nguyên nhân là một cái gì hoàn toàn tiềm tàng, thì
tự nó không thể trở thành hiện thực khi không có sự
trợ giúp của ngoại lực. Dầu không thể tự nó chảy ra từ
hạt giống ngoại trừ được ép bởi một máy ép dầu. Nếu
nó cần phải nhờ đến sự trợ giúp của ngoại lực thế thì
đã không có cái được gọi là “svata utpattih,” hoặc “do
tự thân mà sanh ra”. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ
hẳng thuyết “satkàryavada” (nhân trung hữu quả luận).

iv. Nếu nguyên nhân và kết quả là đồng nhất, thì không thể
phân biệt được cái nào là cái đã tạo sanh cái kia.
Vì thế, quan điểm cho rằng nhân quả đồng nhất (nhân
trung hữu quả luận) có đầy dẫy sự tự mâu thuẫn.

2) Parata Utpattih (do vật khác mà sanh)

Có nghĩa là nguyên nhân và kết quả là khác nhau. Quan điểm này được gọi là “nhân trung vô quả luận” (asatkàryavada), là chủ trương của những người thuộc thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàdins) và Kinh Lượng Bộ (Santràntikas), hoặc của tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy (Hinayanists) nói chung. Khi Long Thọ phê bình về quan điểm của loại nhân quả khác tánh chất này, rõ ràng là ngài đã nhắm đến những bộ phái đó.

Sự phê bình về “nhân trung vô quả luận” của ngài gồm có những trọng điểm dưới đây:

i. Nếu nhân và quả khác nhau thì không một liên hệ nào
giữa nhân và quả có thể tồn tại. Trong trường hợp đó
thì bất cứ thứ gì cũng có thể là sản phẩm của bất cứ
thứ gì khác.

ii. Những người thuộc phái Nguyên Thủy cho rằng nhân
sau khi sanh ra quả thì không còn tồn tại. Nhưng giữa
nhân và quả có một loại quan hệ nhân quả “đương
nhiên” (exhypothesi). Nhân và quả cùng tồn tại
thì chúng mới có thể liên hệ với nhau. Nếu chúng
không có liên hệ thì quan hệ nhân quả trở thành vô
ý nghĩa.

iii. Những người thuộc phái Nguyên Thủy tin rằng quả đã
được sanh ra bởi sự kết hợp của những yếu tố. Bây
giờ sự kết hợp của những yếu tố này lại đòi hỏi phải
có một yếu tố nữa, và kế đó sự kết hợp mới này lại sẽ
đòi hỏi một yếu tố khác. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng
“vô cùng hậu thoái” (regressus infinitum)

3) Dvàbhyàma Upattih (do cả hai mà sanh ra)

Lý luận này tin rằng quả và nhân vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Đây là sự kết hợp của “Nhân trung hữu quả luận” và “Nhân trung vô quả luận”, nên đã bao gồm sự mâu thuẫn của cả hai. Ngoài ra, loại lý luận này đã bao trùm thực tại với hai loại đối lập tánh (đồng nhất và khác nhau) cùng một lúc.

4) Ahetutah Utpattih (vô nguyên nhân mà sanh ra, ngẫu nhiên mà sanh)

Lý luận này cho rằng sự vật đã sản sanh một cách ngẫu nhiên, không có nguyên nhân. Những người tin vào Tự tánh luận (Svabhàvavàdins) – là những người theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalists) hay chủ nghĩa hoài nghi (sceptics) – tin vào lý luận này. Loại lý luận này nếu không nêu ra được lý do thì nó chẳng khác nào một lý luận độc đoán hoàn toàn hoang đường. Và nếu có một lý do được nêu ra thì chẳng khác nào nó đã thừa nhận một nguyên nhân.

Sau khi vạch rõ bản chất mâu thuẫn của các quan điểm trên, Long Thọ đã đi tới kết luận rằng sự quan hệ nhân quả chỉ là một loại kiến tạo tư tưởng được đặt trên trật tự khách thể của sự sinh tồn. Theo cách nói của triết gia Kant thì quan hệ nhân quả chỉ là một thứ phạm trù tư tưởng.

 





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567