Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Ngũ uẩn

14/01/201109:49(Xem: 4903)
Chương 10: Ngũ uẩn
VÔ NGÃ VÔ ƯU
Thiền Quán Về Phật Đạo
Tác Giả: Ni sư Ayya Khema - Người Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Being Nobody, Going Nowhere - Meditations On The Buddhist Path
Wisdom Publications 1987
Chương 10

NGŨ UẨN

Khi mới bắt đầu hành thiền, ai cũng rất phấn khởi. “Tôi sẽ thực tập thiền thật tốt kể từ hôm nay”. Sau vài ngày, khi đã quen quen, thì tâm bắt đầu suy nghĩ: “Không biết tu tập đến chừng nào đây? Biết bao giờ mới chấm dứt?” Nó sẽ chấm dứt, tôi bảo đảm với bạn, vì mọi thứ đều phải chấm dứt. Không có gì vĩnh cữu.

Khi tâm bắt đầu bàn ra, ta cần nhận biết điều đó để tự nhủ: “À, tâm lại sắp dở trò gì đây?” Đừng nghe theo nó. Ta đã không nghe nó khi đang tọa thiền thì tại sao lại phải nghe nó lúc khác. Có toạ thiền hay không, tâm cũng thích đùa cợt ta.

Mỗi khi tâm nói những lời như :”Tôi bỏ cuộc. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể giác ngộ” hay “Tôi tiến bộ quá rồi, tôi có thể nghĩ xã hơi”, thì ta phải trấn an tâm bằng: “Hãy im đi. Tôi đang hành thiền đây”. Vấn đề là ta phải có quyết tâm, kiên định, là một trong mười điều thiện. Không có lòng quyết tâm, ta sẽ chẳng đi tới đâu cả.

Không chỉ vậy, tâm còn biết bao điều khác để nói. Không được hưởng dục lạc tâm muốn được tiêu khiển bằng những trò chơi khác. Nó vẫn thường được giúp vui, bằng bao nhiêu trò hấp dẫn. Nó thường được chuyện trò, đi đó đi đây, xem bao nhiêu cảnh lạ, đi mua sắm, chọn lựa những thứ nó ưa thích. Nó thường được gặp, làm quen với bao nhiêu bạn bè mới. Còn ở đây, toàn những khuôn mặt quen củ. Không có gì mới lạ. Không có gì đáng bàn cải, thảo luận. Nó thường được thưởng thức bao nhiêu thức ăn ngon và có quyền chọn lựa món mình thích. Còn ở đây, chi những gì được dọn lên.

Tất cả những thứ nầy đều làm tâm bực dọc, vì nó vẫn từng được mọi thứ nó muốn. Cái Tôi nói: “Tôi muốn làm theo ý tôi, không theo ý ai cả”. Chúng ta đã quá quen suy nghĩ nhu thế đến nổi ta chẳng bao giờ ngừng lại đề suy xét về thái độ nầy. Nếu biết suy xét ta đã thấy rằng: đó là lòng ham muốn, tham đắm. Chính lòng ham muốn đó sẽ đưa chúng ta đến khổ đau. Không thể khác hơn được.

Khi tâm bắt đầu ‘dở chứng’, ta phải biết cách đối trị tâm. Hãy làm bà mẹ. Để nói với tâm, như một đứa trẻ đang quấy, rằng bạn chỉ muốn điều tốt lành cho tâm, muốn bảo vệ tâm và bạn biết điều gì tốt cho nó. Hãy vừa làm người mẹ, vừa là đứa con. Thông thường ta là năm mươi hay cả trăm con người khác nhau. Nghĩ tốt, nghĩ xấu, thương người nầy, ghét kẻ kia, tạo bao lăng xăng lộn xộn bên trong. Và ở đây cũng vậy, ta là mẹ, mà cũng là con. Đứa con muốn tất cả mọi thứ phải chiều theo ý nó, và người mẹ khuyên lơn: “Không. Ta phải làm cách gì tốt nhất, không hẳn là dễ chịu nhất, nhưng khôn ngoan nhất”.

Lý do tại sao có những khó khăn nầy đã được Đức Phật giải thích do sự bám víu vào ngũ uẩn của chúng ta. Là những gì ta đã được cấu tạo thành. Ngũ uẩn ở trong chúng ta. Nhưng ta vẽ vời thêm cho chúng. Rồi tin vào những điều đó như thật theo như ý muốn của tâm.

1.THÂN (Sắc)

Cơ quan lớn nhất, dễ nhận thấy nhất của ngũ uẩn là Thân (sắc). Không ai không có, và không ai không khổ vì nó, không lúc nầy thì lúc khác. “Tôi không ngồi được. Đầu gối tôi đau. Lưng tôi mỏi. Bụng tôi khó chịu. Tôi chóng mặt. Tôi mệt mỏi”.

Đức Phật nói kẻ không giác ngộ, không tu tập có hai mủi tên làm đau hắn, và người giác ngộ, tu tập thì chỉ có một. Hai mủi tên đó là thân và tâm, và một mủi tên là thân. Đức Phật thỉnh thoảng cũng có bịnh nhưng Ngài vẫn tiếp tục thuyết pháp. Bịnh hoạn không cản trở được Ngài. Cuối đời, Ngài bịnh rất nặng, khi sắp sửa ra đi, Ngài nhập thiền định, rồi tịch.

Các đấng Giác ngộ, có tu tập cũng không thoát ra khỏi cái khổ do thân gây ra. Thân không hoàn toàn và luôn bất như ý. Đối với người không biết tu khi bị bịnh, bị ảnh hưởng bởi căn bịnh, tâm họ phản ứng bằng cách kêu lên: “Tôi không khoẻ. Tôi không thể làm được điều nầy, điều kia vì bịnh; cơ thể tôi đau nhức quá tôi không ngồi, nằm hay đứng được” hoặc bất cứ thứ gì đã làm họ đau đớn. Tệ hại nhất là khi ta phải thay đổi tất cả các sinh hoạt của mình theo sự đòi hỏi của thân. Có sự thay đổi nào rồi làm vừa lòng thân không? Có ai đã tìm ra phương cách gì để thân luôn cảm thấy thoải mái không? Bạn có thể di chuyển nơi nầy, nơi nọ, thay đổi khí hậu, dời từ ghế qua giường, từ giường xuống đất, rồi trở lại ghế. Có gì thay đổi không? Tất nhiên không. Lúc nào cũng có vấn đề. Nên tốt nhất là cứ ngồi yên trên gối thiền.

Thân nầy, một trong năm uẩn, có đặc tính là vô thường, luôn thay đổi. Không ai chối cãi điều nầy. Nhưng tính vô thường mang đến phiền não. Nếu ta có thể ngồi thoải mái thì cũng năm hay mười phút sau là thân thấy khác. Sự khó chịu, đau đớn lại phát sinh. Ngay như tối ngủ, nằm trên giường êm, thân vẫn không chịu yên.

Vì thân mang tính cách vô thường, biến đổi nên luôn có sự va chạm. Sự tuần hoàn của máu, chuyển động của phổi, tim, hơi thở -tất cả để duy trì sự sống, nhưng mỗi chuyển động gây ra cọ xát, va chạm. Đâu có thể nào khác hơn. Sự chuyển động gây ra những khó chịu nhỏ. Càng tỉnh thức, ta càng nhận biết rõ hơn các cảm giác khó chịu đó. Ta càng nhận ra rằng khi nào còn có thân là ta còn có khổ. Dần dần ta phải tập bỏ quên thân, không chạy theo mọi đòi hỏi của nó. Vì thân luôn có những đòi hỏi mới. Khi đã no bụng, nó đòi được bài tiết. Xong lại đòi ăn. Thân luôn đòi hỏi và không bao giờ chịu thỏa mãn. Vì thân luôn thay đổi, nó cần cho vào, cho ra luôn, nếu không nó không thể tồn tại.

Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta là con đường đi đến giải thoát là phải biết quán sát thân với chánh niệm. Ngài nói, ai không biết quán sát thân bằng chánh niệm sẽ không thóat khỏi vòng sanh tử. Điều đó khuyến khích ta buông bỏ không chạy theo mọi đòi hỏi vô lý của thân, cũng như giúp ta soi rọi lại tâm để thấy câu nói ‘Đây là thân tôi’ là vọng tưởng. Nếu thật sự đây là ‘thân tôi’, nếu tôi thật sự là chủ thân nầy thì tại sao thân không làm theo những điều tôi muốn nó làm? Sao nó không luôn trẻ đẹp, mạnh khỏe? Ngay cả khi trẻ đẹp, mạnh khỏe, tại sao thân có những đòi hỏi ta không thể thỏa mãn được như luôn muốn được thoải mái? Tại sao nó chết khi ta còn muốn sống?

Cho nên hoặc là tất cả đều đảo lộn, hai là ta đã có những quan niệm sai lầm trong tâm về thân, Ngã, và sự sống chết. Chúng ta ai cũng tin tưởng mãnh liệt rằng thân nầy là của ta. Nhưng ta chẳng có thể làm được gì với thân ngoài việc luôn phải thỏa mãn các đòi hỏi của nó. Cho nó vào giường khi nó mệt, cho ăn khi nó đói, cho uống khi nó khát vân vân. Ta bám theo các đòi hỏi của thân mà không thật sự làm chủ nó. Chánh niệm giúp ta chú tâm vào các chuyển động của thân, các đặc tính của thân, để dần dần nhận rõ ra rằng thân chỉ là một tổ hợp của nhiều thứ mà khi nào còn có sự sống, chúng còn hợp tác nhau làm việc. Sự hợp tác của các thành phần nầy cũng không phải là luôn ăn khớp, nếu không ta đã không cảm thấy đau nhức chỗ nầy, chỗ nọ, và sự hợp tác đó cũng chỉ kéo dài một khỏang thời gian nào đó thôi.

Ta gọi thân nầy là ‘của tôi’, tạo ra ảo tưởng của Ngã. Chúng ta nghĩ là “Tôi biết tôi ra sao mà. Khi nhìn vào gương, tôi thấy ‘tôi’ và tôi biết ‘tôi’”. Vậy mà nếu ta quan sát kỷ hơn, ta sẽ thấy có cả ngàn ‘cái tôi’, đủ kích cỡ, màu sắc. Đôi khi mập hơn, đôi khi ốm hơn, trước thấp, sau cao, tóc đen rồi tóc trắng, lúc đau khổ, lúc mừng vui. Vậy thì câu hỏi sẽ là “Cái nào là tôi?” Nếu câu trã lời là “Tôi là tất cả những người khác nhau đó”, thì ít nhất ta cũng nhận ra rằng mình không phải là một, mà có thể là hằng trăm ngàn người như đã nói trước đây. Ai trong số cả trăm ngàn người đó thực sự là tôi? Phải có một người nào đó thực sự để duy trì ‘cái tôi’. Không thể một người mà là hằng trăm ngàn người khác có phải không?

Chúng ta có thể nghĩ: “Tôi sẽ chọn ‘tôi’ ở ngay lúc nầy.” Nhưng còn những giây phút sau đó thì sao? Mười năm sau thì thế nào? Luôn luôn ở giây phút hiện tại, đó là tôi. Cuối cùng với cái tôi luôn thay đổi ta trở thành khó nhận diện nổi. Vậy mà ta cứ nghĩ thân nầy là của tôi, và coi nó quan trọng xiết bao. Tất nhiên là ta phải chăm sóc thân nầy. Nếu không ta có khác nào kẻ khờ. Nhưng để thân làm chủ cuộc đời ta thì thật vô vọng, vì thân chẳng bao giờ biết thỏa mãn. Cho tới giờ lâm chung, thân luôn đòi hỏi sự thoải mái. Trong các bài thuyết giảng về nền tảng của Chánh niệm, Đức Phật có nhắc đến một số phương pháp thiền định có thể giúp ta buông bỏ sự bám víu vào thân, ảo tưởng chấp Ngã.

Phải có sự hài hòa giữa sự bình an và trí tuệ. Trí tuệ là điều tiên quyết và có thể đạt được vô điều kiện. Sự bình an sẽ phát sinh khi ta có khả năng chú tâm. Nếu vì lý do gì đó, thân không thể ngồi yên, thì sự bình an, tĩnh lặng cũng biến mất vì trí tuệ đã không phát sinh. Trí tuệ về thân phải là một phần, là trang bị của con đường tâm linh.

Cách quán thân Đức Phật đã dạy chúng ta trong các bài giảng về chánh niệm gọi là quán thây ma hay cách quán về cái chết của chính mình. Ai rồi cũng phải chết, nên tốt nhất là chúng ta nên chấp nhận nó ngay từ bây giờ, chứ đừng đợi đến khi nó xảy ra. Hôm nay có thể ta còn thấy sợ hãi mỗi khi tim ta đập sai nhịp hay khi ta cảm thấy không được khoẻ mạnh như hồi còn trẻ. Một trong những cách quán về sự chết là tự nhìn mình như là một bộ xương. Hãy tưởng tượng ra một bộ xương đang ngồi trong tư thế tọa Thiền. Kế tiếp lấy từ bộ xương ra những mãnh xương nhỏ xếp từng cái bên nhau. Hãy để bộ xương tan rả thành cát bụi. Phép quán nầy làm tan đi những vọng tưởng về ngã và sự bám víu vào thân xác nầy.

Một trong những yếu điểm của ta là lòng ưa thích được thoải mái tấm thân. Chúng ta không dám thức khuya vì sợ nó mệt. Lo bảo vệ nó khỏi muỗi mòng, khỏi thời tiết nóng lạnh, khỏi tất cả những gì có thể gây cho thân sự khó chịu. Chúng ta luôn bận rộn bảo vệ thân và mất quá nhiều thì giờ quý báu cho việc nầy.

Biết về cái chết là một chuyện, những có thể tưởng tượng ra cái chết của chính mình trong đầu và chấp nhận nó với tinh thần xả bỏ là một chuyện khác nữa. Hãy thử phép quán nầy trong lần tọa Thiền tới. Hãy quan sát cái chết của mình, và ghi nhận các phản ứng của mình. Có thể phản ứng đầu tiên sẽ là: “Không, tôi không thể thực hiện được, tôi không muốn làm điều đó”. Hãy cố gắùng lên. Các bài giảng căn bản về chánh niệm nổi tiếng vì nó giúp ta đạt được trạng thái không còn sanh tử, gọi là giải thoát. Phần đông chúng ta thực hành Thiền quán vì ta cần tìm sự an bình, tĩnh lặng. Vì ta muốn trốn chạy những phiền não, tìm niềm vui trong Thiền định. Tốt thôi. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của Pháp. Đức Phật gọi đó là ‘hạnh phúc thường hằng’, do những điều kiện thuận lợi mang tới. Tuy nhiên có nhiều người không thể ngồi Thiền do những điều kiện của thân thể không cho phép. Có người đã bỏ cuộc ra về, vì tâm họ không chịu được sự khó chịu của thân. Tất cả chúng ta đều có thể phản ứng nhưthế. Hãy cẩn thận trước khi nó xảy ra, và sửa đổi bằng cách nhìn thân đúng hơn.

2.THỌ

Kế tiếp là thọ uẩn, gồm các các cảm giác vui buồn của chúng ta. Thọ uẩn cũng góp phần quan trọng vào việc tạo ra ảo tưởng về cái Tôi, vì chúng ta thường nghĩ rằng các cảm giác là Ta. Tôi cảm thấy vui, tôi cảm thấy buồn, thấy bình an, thấy bất an. Tuy nhiên, nếu chúng là của ta, thì sao ta không có quyền hạn gì đối với chúng cả? Sao ta không thể lúc nào cũng được vui, được hạnh phúc? Tại sao không? Ai là người có quyền quyết định sự vui buồn của ta?

Aỏ tưởng về Ngã chấp phát sinh vì ta tin rằng thân nầy, các cảm thọ nầy là của ta. Tuy nhiên, khi thật sự quán xét về chúng, ta thấy rằng ta chẳng có quyền hạn gì với chúng cả. Mọi việc chỉ xảy ra như thế. Thì sao ta lại nghĩ chúng là ta? Khi có cảm giác khó chịu, buồn khổ, bực bội, tuyệt vọng thì ta trở nên khó chịu, buồn bực, chán nản, tuyệt vọng. Chúng ta phản ứng bằng cách đeo bám vào các cảm thọ, thay vì chỉ nhận biết là chúng đã dấy khởi, rồi chúng sẽ qua đi như tất cả mọi cảm thọ khác.

Ngay giây phút ta có thể bỏ qua, không chú tâm đến các cảm thọ vui buồn, chán nản, tưởng chừng không thể chịu đựng được, thì chúng sẽ biến mất, qua đi. Nhưng thay vì thế, ta lại tin rằng những cảm thọ nầy sẽ ở lại với ta, để bị chúng lôi cuốn theo. Khi cảm giác sân giận dấy khởi, ta trở nên sân giận, thay vì chỉ nói: “À, đúng rồi, đó là cảm giác giận hờn. Nó sẽ qua thôi. Tôi sẽ không để ý đến nó”. Sẽ không có gì tạo ra cái Tôi, nếu như không có niềm tin rằng: “Thân nầy là tôi. Các cảm giác nầy là tôi”.

3.TƯỞNG

Kế tiếp là Tưởng, có nhiệm vụ cho ta biết về các sự vật. Khi mắt nhìn thấy vật gì, nó chỉ có thể nhận ra hình dáng, màu sắc. Mắt chỉ có thể thấy là vật đó vuông, trắng ở phía trước, phía sau đen. Nhưng vì ta đã nhìn thấy vật đó nhiều lần trước đây, ta biết đó là cái đồng hồ. Lúc đó trong đầu ta sẽ nói ‘đồng hồ’, rồi nó tiếp theo, “không biết đó là đồng hồ nội hay ngoại. Có thể là ngoại, ở Úc chăng? Không biết bên đó giá bao nhiêu?” Đó là sự đối thọai của tâm. Nhưng nếu đó là một em bé ba tuổi, thì em không thể biết đó là cái đồng hồ, mà tưởng rằng đó chỉ là một món đồ chơi. Là những thứ em bé đã quen thuộc. Đó là cái Tưởng của bé về chiếc đồng hồ.

Thị giác chỉ nhìn thấy hình thể, màu sắc, nhưng chính là cái Tưởng có những điều kiện của ký ức cho ta biết việc nầy, việc nọ. Người không có đồng hồ, sẽ có thể nghĩ: “Tôi muốn có một cái như thế”. Trong khi người có cái tốt hơn, sẽ có thể nghĩ: “Cái của tôi giá trị hơn nhiều”. Ngã chấp lập tức dấy khởi, khẳng định lòng ham muốn, hay cảm giác hơn người. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều thấy một cái hộp vuông, trắng ở phía trước, phía sau đen. Nhưng vì ảo tưởng về cái Tôi, các điều kiện hóa cái Tưởng đã tạo ra một quá trình tư duy làm ta tin rằng thế nầy, thế nọ. Vì chưa bao giờ mổ xẻ, quán sát sự suy tưởng của mình, ta tin vào đó. Sự tin tưởng đó càng nuôi dưỡng thêm lòng chấp Ngã. Lúc nào ta cũng suy nghĩ vì ta cần nuôi dưỡng ảo tưỡng về cái Ngã của mình. Tự Ngã rất mong manh, nó sẽ ngã đổ nếu không có sự tiếp sức của ta. Khi chúng ta luôn thỏa mãn những đòi hỏi của thân, vàø trở thành các cảm thọ để nâng đỡ cho ảo tưởng về Ngã. Nhưng nếu chúng ta có thể quán xét các cảm thọ và nói rằng: “Đó chỉ là một cảm thọ”, thì ngã chấp đã không được tăng trưởng.

Tự Ngã luôn cần được nâng đỡ vì nó không có thật. Ta không cần phải luôn nói: “Đây là cái nhà. Đây là cái nhà to. Đây là cái nhà cũ”. Điều đó quá rõ ràng. Vì cái nhà có thật. Nhưng tự Ngã thì không, do đó nó cần sự khẳng định về nó luôn luôn. Sự ủng hộ nầy do quá trình tư duy, cộng thêm các giác quan, các cảm giác được thương, được yêu, và cái Tưởng của ta mang đến.

4. HÀNH

Hành được coi là nguyên nhân của nghiệp. Hành tạo ra nghiệp. Ngay giây phút ta có tư tưởng, suy nghĩ, ta đang tạo ra nghiệp của mình. Nếu như ai đó thấy chiếc đồng hồ và nói: “Đó là cái đồng hồ, tôi không có, ước chi tôi có một cái”, lúc đó nghiệp đã tạo hình, đó là nghiệp tham ái. Hay có người nói: “Cái đó đẹp quá. Của tôi không đẹp bằng”. Đó là nghiệp ganh tỵ. Ngay khi tư tưởng dấy khởi, thì một nghiệp nào đó liền được tạo hình. Có nghiêp trung tính. Không có ảnh hưởng gì. Như khi người ta nói: “À, đó là cái đồng hồ”, đó là một nhận xét khách quan. Nhưng phần đông chúng ta đều tạo nghiệp lành hay nghiệp ác. Nếu thấy một màu sắc nào đó, ta có thể nói: “Tôi sẽ sơn nhà tôi cũng màu đó”, đó có thể là trung tính, không lành, không ác. Nhưng đằng sau đó, có thể ta đã có một ý muốn có được cái nhà đẹp hơn hàng xóm. Thì đó không phải là nghiệp lành.

Khi ta tin vào tất cả những gì đi qua tâm trí mình, là ta đã vô tình nuôi dưỡng thêm lòng chấp Ngã. Vì lẽ đó khi toạ Thiền, ta khó dẹp bỏ hết mọi suy nghĩ. Vì làm thế thì sự nâng đỡ cho tự Ngã không còn. Ngay như khi ta có thể ngưng suy nghĩ trong chốc lát, và có được sự an bình, tĩnh lặng, lập tức tư tưởng quay trở về: “Cái gì vậy? Ồ, cảm giác dễ chịu quá”. Vậy là sự chú tâm của ta bị gián đoạn, lại phải bắt đầu trở lại. Vì ta suy nghĩ không ngừng, nghiệp của ta cũng được tạo tác liên tục. Nào là phán đoán, quyết định, bám víu, xô đuổi. Chỉ có tâm chánh niệm từng giây phút mới có thể giúp ta quán xét đúng. Lúc đó ta sẽ có thể biết mình đang làm gì, và không cần phải tin vào tất cả những gì trong đầu ta. Trong khi tham Thiền, ta có thể thấy là hầu hết những suy nghĩ của ta đều không chính đáng. Có thể chúng quá xưa cũ, đã qua rồi hay chưa xảy đến. Hay chỉ thuần là tưởng tượng. Phần lớn các tư tưởng đi qua trong đầu thật sự không dính dáng với những gì ở quanh ta. Tâm ta chỉ chờ có chất xúc tác nào đó, là bám lấy để giở trò đùa với chúng ta.

5. THỨC

Uẩn cuối cùng là Thức, tức sự cảm nhận của các giác quan. Là sự xúc chạm của các giác quan. Mắt, vật thể và thị giác, tạo nên cái nhìn. Tai, âm thanh và cảm nhận của tai, tất cả tạo nên cái nghe, v.v... Chúng ta luôn sử dụng các giác quan. Ngay bây giờ, các bạn đang sử dụng thính giác, thị giác, xúc giác và tâm thức. Thị giác giúp bạn quan sát sự vật quanh mình, thính giác giúp bạn nghe được tôi nói, và xúc giác giúp bạn biết được vị trí chỗ ngồi của mình, trong khi tâm giải mả những điều nó đã tiếp thu được. Chúng ta luôn cố gắng tạo ra những điều kiện, trạng thái để các sự xúc chạm sẽ đem đến cho ta sự dễ chịu. Nhưng chỉ hoài công. Khó thể có được những cảm giác xúc chạm hoàn toàn dễ chịu. Qua các giác quan, lúc nào ta cũng gặp phải sự đối kháng từ bên ngoài. Đó là cuộc đời của mọi chúng sanh hữu tình, nhất là ở cõi giới của người. Thí dụ như khi có tiếng động lớn, ta thuòng sợ hãi. Ngay với những thứ âm thanh dễ chịu, nhưng nếu ta phải tiếp tục nghe chúng, ta cũng không thể chịu nổi.

Các giác quan không giống như ta nghĩ. Thực ra ta cũng không để ý đến chúng, coi sự có mặt của chúng như là đương nhiên, và chỉ nghĩ đến các cảm giác khoái lạc. Dĩ nhiên là ta có thể tìm được các cảm giác khoái lạc qua các giác quan, nhưng ít ai nghĩ được rằng chính chúng đem lại đau khổ cho ta. Chúng không ngừng thúc đẩy, áp lực ta từ mọi hướng, để tìm cảm giác thoải mái cho chúng.

Đức Phật đã kể một ẩn dụ về thân, sự đòi hỏi không ngùng của nó và kết quả khổ đau của nó. Một cặp vợ chồng đi qua sa mạc với đứa con nhỏ. Họ không còn thúc ăn, nhưng cứ tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi quá kiệt súc, đói khát, họ không còn thể cất bướùc. Cuối cùng, họ phải giết đứa con để ăn thịt.

Thức thì được so sánh nhu một kẻ tù đày đang bị hai người bạn kéo vào lò lửa. Cũng thế quá trình tư duy của ta, dầu tốt hay xấu, cũng kéo ta vào ngọn lửa luân hồi. Với các câu chuyện nầy, Đức Phật cho ta thấy đau khổ đã gắn với kiếp con người, để ta cố gắng tu sửa để thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta phải hiểu rằng không có ai là chủ của thân, của thọ, tuỏng, hành, và thức. Đó là điều khó nhất trong giáo lý Phật giáo. Khó để hình dung và khó để chứng nghiệm. Không có Thiền quán, điều đó sẽ mãi chỉ là một sự thực tập có tính cách trí tuệ.







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]