Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 25: Đỉnh cao của nghệ thuật

13/01/201110:09(Xem: 10298)
Chương 25: Đỉnh cao của nghệ thuật

Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---


5.

Chương 25

ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT

Con đường này Bụt đã từng đi. Người đi thong thả và ngắm nhìn cảnh vật. Trời gần trưa, người ghé khất thực ở một xóm ven đường, rồi người mang bát đi vào một khu rừng yên tĩnh gần đó để thọ trai. Thọ trai xong, Bụt đi kinh hành trong rừng và sau đó người tìm một gốc cây im mát ngồi xuống để tĩnh tọa. Được sống trở lại một mình trong rừng, Bụt rất hoan hỷ. Người ngồi tĩnh tọa được hồi lâu thì thấy một đám thanh niên đi ngang. Đây chắc là những thanh niên con nhà khá giả, bởi vì người nào cũng ăn mặc tươm tất sạch sẽ. Họ vào khoảng ba mươi người. Nhiều người cầm nhạc cụ trong tay. Thấy Bụt, họ ngưng lại, thanh niên đi đầu cúi chào và hỏi người:

- Sa môn, ông có thấy một cô gái mới chạy ngang qua đây không?

Bụt hỏi lại:

- Các bạn tìm cô gái ấy để làm gì?

Người thanh niên kể lại đầu đuôi câu chuyện. Bọn họ đều là dân thành phố Banarasi. Họ vào rừng này từ sáng để tổ chức một cuộc vui. Họ có đem theo nhiều nhạc cụ và một cô vũ nữ. Sau khi đàn hát, múa nhảy và ăn uống, cả bọn đều tìm chốn ngã lưng để ngủ trưa. Trong khi mọi người ngủ trưa, cô gái đã đánh cắp một số những đồ châu báu trang sức của bọn con trai và bỏ đi mất. Các chàng trai thức dậy thấy thế rủ nhau đi lùng bắt cô gái.

Bụt nhìn các chàng trai và trầm tĩnh nói:

- Này các bạn, trong giờ phút này các bạn nên đi tìm cô gái hay là nên đi tìm chính các bạn?

Các cậu con trai ngạc nhiên. Phong thái của ông thầy tu đã đặc biệt mà câu hỏi của ông ta cũng đặc biệt. Câu hỏi đó làm các cậu giật mình. Họ rủ nhau ngồi xuống, vây quanh Bụt. Chàng trai đầu đàn nói:

- Bạch sa môn, có lẽ chúng con nên đi tìm chúng con trước.

Bụt nói:

- Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, nhưng tâm ta ít khi chịu an trú trong giây phút hiện tại. Tâm ta hay ưa trở về quá khứ hoặc vọng đến tương lai. Ta cứ tưởng ta là ta, nhưng quả thực ta chưa hề thực sự tiếp xúc ta với ta, bởi vì tâm ta cứ rong ruổi chạy theo những ảo ảnh của quá khứ và của vị lai. Chỉ có một phương cách duy nhất để tiếp xúc với sự sống đích thực: đó là trở về với giây phút hiện tại. Nếu các em biết trở về với giây phút hiện tại thì các em trở nên tỉnh thức, và lúc đó các em mới có cơ hội tìm được các em.

Các em hãy nhìn những đọt lá xanh và ánh sáng mặt trời đang lọc qua những đọt lá ấy. Các em đã từng có dịp thật sự ngắm nhìn màu xanh của lá cây trong trạng thái trầm lặng và tỉnh thức của tâm tư chưa.

Màu xanh ấy là một khía cạnh vi diệu của sự sống. Nếu các em chưa bao giờ thực sự nhìn màu xanh ấy thì bây gìờ đây các em hãy thử nhìn đi.

Các chàng thanh niên yên lặng. Theo ngón tay trỏ của Bụt, họ ngước nhìn những ngọn lá xanh đang run nhẹ dưới làn gió thoảng của buổi trưa hè. Một lát sau, Bụt quay lại với chàng trẻ tuổi ngồi gần bên người, và nói:

- Em có ống sáo, vậy em hãy thổi sáo đi.

Chàng thanh niên hơi ngạc nhiên một chút, nhưng cũng lấy sáo ra. Ngồi lại ngay ngắn, anh ta đưa sống sáo lên thổi. Mọi người lắng nghe. Tiếng sáo đượm buồn như tiếng than khóc của một cuộc tình duyên lỡ dỡ. Trong khi anh thổi sáo, mắt Bụt không rời khỏi anh.

Khúc sáo chấm dứt. Rừng trưa đượm buồn. Mọi người im lặng, Bụt cũng im lặng. Bỗng nhiên người thanh niên thổi sáo quay lại, cầm đưa ống sáo cho Bụt:

- Sa môn, ngài thổi sáo đi.

Bụt mỉm cười. Tất cả các chàng trai đều cười rộ. Ai cũng cho anh chàng là ngộ nghĩnh. Đã có ai đưa ống sáo để bảo một vị sa môn thổi bao giờ.

Nhưng Bụt đã đưa hai tay tiếp nhận ống sáo. Mọi người đều nhìn về vị sa môn, sự tò mò trong mỗi người được kích thích.

Bụt thở những hơi thở thật dài và thật nhẹ, rồi người nâng ống sáo lên ngang miệng.

Hình ảnh người con trai thổi sáo năm xưa trong vườn Thượng Uyển thành Kapilavatthu hiện ra trong Bụt. Đó là một đêm trăng. Đó là bà Maha Pajapati ngồi trên ghế đá đang im lặng lắng nghe. Đó là Yasodhara với đỉnh trầm thơm mới đổi. Bụt bắt đầu thổi sáo.

Tiếng sáo nhẹ như một làn khói nhỏ lơ lửng và nhẹ nhàng đi lên từ một mái tranh nghèo nào đó ở ngoại thành Kapilavatthu trong giờ nấu cơm chiều. Rồi làn khói bỗng nhiên tỏa rộng trên không gian như một đám mây. Đột nhiên đám mây bến hình thành một đóa hoa sen ngàn cánh, mỗi cánh hoa một màu sắc khác nhau lấp lánh trong ánh nắng chiều. Đột nhiên một người thổi sáo biến thành một ngàn người thổi sáo, tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ đều được chế biến thành âm thanh, âm thanh muôn màu muôn sắc, âm thanh khi thì nhẹ như gió thoảng, khi thì mau như tiếng mưa rào, khi thì trong như tiếng hạc, khi thì đậm đà như tiếng ru con, khi thì sáng rỡ như ngọc lưu ly, khi thì hùng vĩ như tiếng hải triều, khi thì im lặng như nụ cười của người đã thoát ly được sự hơn thua còn mất. Chim chóc trong rừng đã im hơi lặng tiếng và gió chiều cũng đang thổi rì rào trong lá. Rừng được bao phủ bởi một không gian thanh tịnh, an lạc và nhiệm mầu. Tất cả các chàng thanh niên ngồi bên Bụt đều trở nên tỉnh táo một cách kỳ lạ. Họ hoàn toàn sống giây trong phút hiện tại, tiếng sáo đưa họ về với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Họ có rừng cây, họ có Bụt, họ có tiếng sáo, họ có nhạc, họ có bản thân họ. Tiếng sáo đã chấm dứt, nhưng tiếng sáo vẫn còn, không có chàng thanh niên nào nghĩ tới cô vũ nữ và những châu ngọc bị đánh cắp.

Họ ngồi yên lặng rất lâu. Cuối cùng chàng thanh niên thổi sáo lên tiếng hỏi Bụt:

- Sa môn, thầy thổi sáo thật hay, con chưa bao giờ nghe ai thổi sáo diệu kỳ như vậy. Thầy đã học với ai? Con có thể theo thầy để học thổi sáo được không?

Bụt mỉm cười:

- Hồi nhỏ, tôi đã học thổi sáo, nhưng bảy năm nay tôi không có dịp thổi. Đây là lần thứ nhất tôi thổi sáo trở lại sau bảy năm, nhưng tiếng sáo bây giờ lại có chất liệu hơn tiếng sáo ngày trước.

- Tại sao thế, thưa sa môn? Tại sao sau bảy năm không tập dượt mà tiếng sáo thầy lại hay hơn?

- Thổi sáo hay không phải là chỉ do tập dượt nhiều. Sở dĩ tôi thổi được hay hơn ngày xưa là tại vì tôi đã tìm được chính tôi. Nghĩa là tôi đã tìm ra được đạo giác ngộ. Em không thể đạt được tới chỗ tuyệt vời của nghệ thuật nếu em không lên tới được chỗ tuyệt cùng của tâm linh. Vì vậy nếu em muốn thổi sáo hay thì em phải tu học theo con đường tỉnh thức.

Rồi Bụt bắt đầu giảng cho các chàng thanh niên về đạo giác ngộ, về bốn sự thật và con đường Bát Chánh. Ba mươi người thanh niên nghe người giảng đều được tỏ ngộ. Tất cả đều quỳ xuống tỏ ý xin làm môn đệ xuất gia của người.

Bụt vui lòng làm lễ xuất gia họ ngay tại chỗ, và bảo ba mươi chàng thanh niên tìm ngay về vườn lộc Uyển để gặp đại đức Kondanna, Ngưòi dặn họ trình bày tự sự với thầy Kondanna và xin thầy cho cạo bỏ râu tóc, khoác áo khất sĩ và thọ lãnh những lời chỉ dẫn tu học. Người bảo trong một tương lai gần họ sẽ được gặp lại người.

Đêm ấy, Bụt nghỉ trong rừng. Sáng hôm sau, người vượt sông Hằng, rồi theo bờ sông đi về phương Đông, Người dự định sẽ ghé thăm bọn trẻ tại thôn Uruvela, trước khi đi về Rajagaha gặp vua Bimbisara theo lời hứa cũ.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]