Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II.3- Ngôn ngữ ly niệm-thực tại

13/01/201108:00(Xem: 9674)
II.3- Ngôn ngữ ly niệm-thực tại

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Thích Tâm Thiện

II.3- Ngôn ngữ ly niệm-thực tại

Đây là một loại hình ngôn ngữ độc nhất vô nhị, chỉ có trong kinh tạng Phật giáo, một loại ngôn ngữ xa rời và buông bỏ mọi ý niệm, một loại ngôn ngữ đang mải miết nói như một cảnh chiều thinh không, lặng lẽ và không tiếng động. Ngôn ngữ đó siêu việt mọi hình thức cấu trúc lê thê của ngôn từ; vì nó vốn đã thoát ly mọi ý niệm phân biệt. Do đó, đặc trưng của ngôn ngữ ly niệm, thực tại là không tư duy, không lý luận, không miêu tả, không phân tích, không so sánh, không thí dụ, không ẩn dụ, không biểu tượng..., mà trái lại, tự thân của nó luôn luôn được hiển thị trong dòng thực tại, bất tuyệt và vô biên.

Như tiếng nói đích thực của tình yêu, không bao giờ được nói ra ở bất kỳ nơi đâu ngoài hành động yêu thương và trong thể cách trực diện, hiển thị từ nụ cười, ánh mắt. Cũng vậy, ngôn ngữ ly niệm - thực tại là ngôn ngữ không lời, là tiếng nói không lời, là tên gọi không tên v.v... Nó vượt lên trên tất cả và để lại đằng sau một nguồn sống năng động và nhiệm mầu vô tận.

Và tất nhiên, trong tương quan Duyên khởi, chỉ có con người không chủ thể (ngã tưởng) mới có đầy đủ năng lực để trực nhận nguồn sống thực tại chân như này. Đó chính là một lối nói nhiệm mầu và u huyền như: "... Niết bàn là sự thật, nhưng không có kẻ đi vào; đường Thánh đạo mênh mông nhưng không thấy được hành giả" (Nirvana is but not the man that enters it, the Path is, but no traveller on it is seen) (21).

Hoặc: "Này các Tỳ kheo, có xứ này (ayatana), tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô biên xứ, không có thức vô biên xứ, không có vô sở hữu xứ, không có phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng, mặt trời. Này các Tỳ kheo, do vậy, ta tuyên bố: không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sinh, không có an trú, không có chuyển vận..." (22).

Để đi vào cụ thể, xin giới thiệu một trích đoạn về ngôn ngữ ly niệm thực tại (23). Trích đoạn này được lấy ra từ phần vào đề của kinh Kim Cương (Diamond sùtra):

"Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Phật ở thành Xá Vệ, tại Thắng Lâm, vườn của ông Anathapindika, cùng với 1.250 thầy Tỳ kheo và nhiều vị Bồ Tát".

"Vào buỗi sáng sớm, Đức Phật mặc y, cầm bát rồi đi vào thành phố lớn ở Xá Vệ để khất thực. Sau khi dùng cơm xong, Ngài trở về chỗ ở, cất y bát, rửa chân và ngồi xuống sàng tòa đã soạn sẵn, ngồi chéo hai chân, lưng thẳng, chánh niệm tỉnh giác và để tâm trước mặt (Ngài vào thiền định)...".

"Lúc bấy giờ, Tôn giả Subhuti đến chúng hội (đang ngồi quanh Đức Phật) và ngồi xuống. Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, gác tà áo sang một bên vai, quỳ gối bên phải, chắp tay hướng về Đức Phật và thưa rằng:

"Thật là tuyệt vời! Bạch Đức Thế Tôn!

Thật là vô cùng tuyệt vời! Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thiện Thệ, Đức Như Lai, bậc Toàn giác. Ngài đã giúp đỡ các vị Bồ Tát bằng sự giúp đỡ kỳ diệu".

"Thật là vô cùng tuyệt vời! Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thiện Thệ, Đức Như Lai, bậc Toàn giác. Ngài đã giúp đỡ các vị Bồ Tát bằng sự giúp đỡ cao quý nhất. Vậy, bạch Đức Thế Tôn, một người (thiện nam/nữ) phát tâm Bồ Tát đến cầu quả vị Phật, thì làm thế nào để an trụ, để phát triển và để hàng phục tâm?".

Đọc qua đoạn kinh trên, hẳn độc giả thấy rằng, nếu căn cứ trên ngôn ngữ thì đoạn kinh dường như không có một nội dung nào, ngoại trừ câu chuyện Đức Phật đi khất thực, thọ thực và thiền định. Rồi đến lời ca ngợi của ông Subhuti dường như quả là điều gì đó quá bất chợt, vô nghĩa và không logic, không liên hệ gì đến thực tế.

Lại càng vô lý hơn, khi ông Subhuti nói "Đức Phật đã giúp đỡ các vị Bồ Tát bằng sự giúp đỡ kỳ diệu nhất, cao quý nhất". Và lời ca ngợi lại được nói đến hai lần. Rồi sau đó, ông Subhuti đặt câu hỏi làm thế nào để an trú, phát triển và hàng phục tâm đối với những người mong muốn đi vào cửa Phật. Điều này dường như phá vỡ kết cấu của nội dung câu chuyện.

Ở đây, quả tình nếu lấy kinh văn làm tâm để phân tích thì hoàn toàn bất lực. Vấn đề còn lại là gác qua một bên mọi lý luận để đi vào dòng ngôn ngữ ly niệm. Và chắc chắn rằng, độc giả sẽ hoàn toàn bất ngờ khi một đoạn kinh trông có vẻ không logic và không kết cấu lại chuyên chở đằng sau nó một thế giới nhiệm mầu vô thượng.

Trước hết, như chúng ta biết, trong kinh Kim Cương, Bát Nhã hay toàn bộ hệ thống Bát nhã nói chung, điểm đặc biệt của nó là khái niệm Ba la mật (paramittà) (24), nghĩa là một trạng thái tâm thức hay một cảnh giới ở bên kia bến bờ của nhị nguyên. Và các Ba la mật thường được nhắc đến, đó là trì giới, tinh tấn, thiền định, trí tuệ v.v... (25).

Ở đây, ngay phần mở đầu của đoạn kinh, Đức Phật đã hiển thị trong thể cách đặc biệt của các Ba la mật. Khất thực là trì giới; làm điều đó một cách siêng năng, tỉnh thức là nhẫn nhục và tinh tấn; ngồi tréo hai chân, để tâm trước mặt là thiền định; tâm thức chánh niệm và tỉnh giác là trí tuệ; sự biểu hiện bằng thân hình một cách thường trực đó để dẫn dắt chúng sinh v.v... là bố thí.

Như thế rõ ràng không hề phi lý và phi logic khi ông Subhuti ca ngợi rằng Đức Phật đã giúp đỡ các vị Bồ Tát bằng sự giúp đỡ tuyệt diệu nhất và cao quý nhất. Vì lẽ, sự giúp đỡ đó bao hàm trong nó cả nguồn mạch của đời sống tâm linh và được biểu hiện qua cách thế của Ba la mật mà Đức Phật chấp trì mỗi ngày. Sự dạy bảo bằng cả thân và tâm như thế quả thực là vô cùng cao quý.

Và sự giúp đỡ như thế là kỳ diệu vì ai cũng có thể tiếp nhận và hành theo cách sống của Phật mà không cần phải dùng đến bất kỳ một từ ngữ nào. Sự lặng lẽ và im lặng kỳ vĩ đó của Đức Phật chính là bài pháp thoại được Đức Phật dùng ngôn ngữ ly niệm, ngôn ngữ của thực tại sống động. Và ngôn ngữ đó hiện lên từ "Phật thân thuyết", và giá trị vĩ đại nhất của nó cũng chính là giá trị "Phật thân thuyết".

Và nữa, ở đây phải xét đến nhân vật Subhuti - tức Tôn giả Tu Bồ Đề. Vì chỉ có ông, ở giữa ngàn thính chúng, nhận được giá trị "Phật thân thuyết" này. Chính Subhuti là người hai lần tán dương và thỉnh cầu Đức Phật chỉ rõ con đường thể nhập thực tại tính Không (Paramitta hay Sunyàta) cho các vị Bồ Tát. Và lời tán dương của ông đã đánh thức các vị Bồ Tát trong chúng hội lúc bấy giờ.

Thế rồi, từ thế giới thực tại đó, Subhuti đã đặt câu hỏi mở đường cho thính chúng. Điều đó có nghĩa là chính Subhuti đã chuyển thể ngôn ngữ, qua cầu nối - câu hỏi của mình, từ thế giới của ngôn ngữ ly niệm sang ngôn ngữ hiện thực: "Làm thế nào để an trú tâm, phát triển tâm và hàng phục tâm ?". Và thế là, từ đó, bộ kinh đã được chuyển thể, hay nói đúng hơn, là bắt đầu từ một ngôn ngữ mới - ngôn ngữ tâm thức.

Một thí dụ khác về ngôn ngữ ly niệm, đó là câu linh ngữ (thần chú) của Bát Nhã Tâm kinh (26):

"Gaté, gaté paragaté, parasamgaté Bodhi Svaha!" - "Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia, ôi... Vô thượng Chánh giác!". Câu linh ngữ ngắn gọn và vĩ đại này là nguồn cảm hứng vô tận cho các dòng tư tưởng triết học. Mặc dầu tự thân nó dường như là vô nghĩa, song trong đó đã hàm chứa cả một suối nguồn uyên nguyên vô tận. Tất nhiên, khi đã gọi là linh ngữ hay thần chú, người ta mặc nhiên đọc tụng mà không cần phải hiểu biết về nghĩa lý của nó. Và phần lớn các thần chú thuộc Kim cương thừa đều như vậy.

Tuy nhiên, trong trường hợp của linh ngữ Bát nhã này, nó vốn là mục đích cứu kính tối hậu của toàn bộ hệ thống Bát nhã trên cả hai mặt hình thức và nội dung, lý tưởng và thực tại. Do đó, câu linh ngữ là hơi thở cuối cùng của bên này bờ sinh tử, cũng như là hơi thở đầu tiên ở bên kia bờ sinh tử - cảnh giới của Niết bàn, thực tại. Nó dẫn truyền một sức sống thâm hậu, một mãnh lực phi thường của con người khát vọng Vô thượng chánh giác tâm; đi qua tất cả mọi chướng ngại và lụy phiền thế gian; đi qua tất cả mọi sự đối đãi của thế giới nhị nguyên hữu vô, sinh diệt, minh và vô minh, chúng sinh và Phật.

Hẳn như chúng ta thấy, khái niệm gaté (đi qua) xuất hiện trong câu linh ngữ là một biểu thức đặc biệt của tâm thức hướng đến xả ly và vô niệm. Tự thân của câu thần chú không nói lên một ý niệm nào và cũng không dùng bất kỳ một lý luận nào. Cấu trúc của nó là những động từ nối tiếp nhau: "đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia". Như thế, rõ ràng sự đi qua ở đây là đi qua tất cả, đi qua mọi luận lý logic, mọi biểu tượng của tư duy logic, mọi hình thù kết cấu của ngôn ngữ văn tự, đi qua thế giới ý niệm và đi qua luôn cả các ý niệm về thế giới ý niệm.

Như vậy, mệnh đề mà linh ngữ phát biểu và mục đích tối hậu của nó không gì khác hơn ngoài hai "chữ": Xả Ly và Vô Niệm . Cái độc đáo và kỳ vĩ nhất của nó là ở chỗ, dùng ngôn ngữ để phủ định ngôn ngữ và phủ định luôn cái được phủ định; dùng ý niệm để phủ định ý niệm và phủ định luôn cả các ý niệm về ý niệm. Do đó, từ điểm "đi" tới điểm "đến" của linh ngữ chân tâm này trong suốt tiến trình đó, nó vượt qua tất cả chướng ngại.

Đây là nội dung của phần giải minh: "Cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu kính Niết bàn" như được nói ở Tâm kinh. Từ đó cho thấy rằng, ngôn ngữ của câu thần chú này có một giá trị đặc biệt - có một không hai. Đến với nó để xây dựng niềm tin kiên cố mà không hiểu nghĩa (như quan niệm truyền thống về các loại thần chú của Mật tông) là điều tốt. Nhưng nếu quan niệm như thế thì đã biến ngôn ngữ của linh ngữ trở thành tử ngữ (ngôn ngữ chết).

Điều này không giúp ích được gì cho việc sinh khởi và vận dụng chánh kiến và chánh tư duy - hay nói khác hơn là hiện thân của một cái nhìn như thực (yathabistam). Tất nhiên, nói như thế là chỉ nói trong trường hợp của linh ngữ này, mà không phải là phát động một phong trào tìm hiểu ý nghĩa của linh ngữ và của tất cả linh ngữ. Còn bàn về vấn đề phương tiện, mục đích cũng như công năng hành trì tụng đọc thần chú trong quan niệm của Phật giáo Mật tông là một chuyện khác, ở đây không đề cập đến.

Trở lại vấn đề, như chúng ta biết, ngôn ngữ dù là hữu niệm hay vô niệm, ẩn dụ hay thí dụ, biểu tượng hay không biểu tượng v.v..., thì chức năng cơ bản của nó vẫn là "dấu chỉ truyền thông". Và mỗi ngôn ngữ khác nhau chỉ khác nhau ở những "dấu chỉ", tức hình thức của ngôn ngữ; còn đặc tính của tất cả các ngôn ngữ là truyền thông. Do đó, ngôn ngữ của thần chú hay linh ngữ cũng vậy, dù nó được hiểu hay là không, nó vẫn mang chức năng truyền thông theo một thể cách đặc biệt nào đó.

Vì thế, không thể nói linh ngữ là một loại ngôn ngữ không có ý nghĩa. Trái lại, tất cả các linh ngữ đều/hoặc là mang danh hiệu của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên thần..., hoặc là mang một thông điệp đặc biệt ngắn gọn mà chỉ khi nào được đồ giải (map out) mới có thể hiểu được. Chẳng hạn như câu linh ngữ "Om mani padme hum" (27) (Án ma ni bát nhi hồng).

Chữ om tượng trưng cho thân khẩu ý thanh tịnh của chư Phật và hành giả. Mani tượng trưng cho viên ngọc quý có thể loại trừ tất cả sự nghèo nàn, khỗ hãi, bất an. Padme tượng trưng cho hoa sen, sự thanh tịnh, ly cấu và vô nhiễm. Hum tượng trưng cho trí tuệ tối thượng.

Như thế, rõ ràng mỗi câu linh ngữ đều mang theo trong nó một thông điệp siêu thế gian. Có một điều, tuy nhiên, cần ghi nhận ở đây là ngôn ngữ của mantra (hay linh ngữ, thần chú) là ngôn ngữ không lệ thuộc vào tư duy lý luận; do đó, nó được gọi là ngôn ngữ ly niệm. Và cũng nên lưu ý rằng, mặc dầu nó là phi lý luận; song, không vì vậy mà nó không có một kết cấu văn pháp. Có điều là kết cấu văn pháp của nó có một thể cách riêng biệt mà chúng ta sẽ bàn đến trong một nơi khác. Ở đây chỉ đề cập đến một chi tiết rất nhỏ có liên quan, đó là sự mở đầu và kết thúc của một câu hoặc một bài mantra.

Thông thường, cấu trúc của linh ngữ, dù ngắn nhất (chỉ có hai chữ) cho đến dài nhất (hàng trăm chữ) đều được bắt đầu bằng tiếng "OM" và kết thúc bằng tiếng "SVAHA" (28). Tiếng OM như vừa trình bày, là biểu tượng cho nguồn năng lượng thanh tịnh của thân, miệng và ý của tất cả chư Phật, Bồ Tát và hành giả (người tụng, đọc).

Khi thân, miệng và ý thanh tịnh và phát ra tiếng OM, có nghĩa là hành giả bắt đầu tiếp xúc với nguồn năng lực vô hình của chư Phật, Bồ Tát, thiên thần trong bầu không gian bao la, mênh mông, vô tận. Và khi được tiếp xúc, tâm thức của hành giả sẽ được chuyển sang một trạng thái mới tùy theo mức độ hành trì.

Tiếng SVAHA, theo Phạn âm, là một thán từ như... ôi...! biểu thị một sự đạt đến hoàn thiện cao nhất. Tỉ dụ: Bodhi Svaha!, có nghĩa là Ôi...! trái tim, Ôi...! Bồ đề, Ôi...! Vô thượng v.v..., đại khái là như vậy. Và trong tiếng Việt, chữ Ôi...! diễn tả một trạng thái hoan hỷ, hoan lạc, vui vẻ, reo vui (theo nghĩa tích cực) khi thành tựu một điều gì đó.

Như thế cũng đủ cho thấy sự nối kết của các linh ngữ chính là bức thông điệp tâm thức được bắt đầu từ tâm thanh tịnh-an lạc đến tâm xả ly-vô niệm. Và nội dung của thông điệp mantra không gì khác hơn là dắt dẫn hành giả đi qua tất cả chướng ngại mà Tâm kinh nói là "viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết bàn". Đây là một dẫn dụ khác về ngôn ngữ ly niệm - thực tại.

Một số biểu hiện của ngôn ngữ ly niệm - thực tại

Một trong những biểu hiện độc nhất vô nhị trong truyền thống của những biểu hiện của ngôn ngữ ly niệm là sự Im Lặng. Im lặng trong giao tiếp và giao tiếp trong im lặng. Ở đây, cả người "nói" và người "nghe" đều không dùng đến ngôn ngữ trong giao tiếp, đó là một sự giao tiếp tâm truyền.

Câu chuyện Linh Sơn vi tiếu (29) có thể nói là một biểu hiện đặc thù của ngôn ngữ ly niệm. Chuyện kể rằng: Một thời, Đức Phật ở núi Linh Thứu cùng với chúng hội đông đảo. Ở giữa chúng hội, Đức Phật một tay cầm chiếc hoa sen đưa lên cao trong sự im lặng. Cả chúng hội đều ngạc nhiên không biết điều gì. Lúc đó, chỉ có ngài Ca Diếp lặng lẽ mỉm cười.

Đức Phật giơ hoa sen lên và Ca Diếp mỉm cười, sự kiện này, trong truyền thống, được xem như là một sự ấn chứng tối hậu và truyền tâm pháp của Đức Phật cho ngài Ca Diếp. Và từ đó, tức sau khi Phật nhập diệt, ông là người chịu trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo Giáo hội Tăng già.

Một số những biểu hiện khác cũng được tìm thấy trong cuộc sống thiền của chư vị Tỗ sư, đặc biệt là Thiền tông Trung Hoa. Đó là những cái đấm, tiếng hét, những câu nói "khô cằn" tưởng chừng như vô nghĩa v.v...

Và cuối cùng, chúng ta thấy rằng, thực ra ngôn ngữ ly niệm không phải là một điều gì xa xôi, mà trái lại, nó luôn luôn được hiển thị trong các hành (30) thanh tịnh, thông qua thân, khẩu, ý trong một thể cách tròn đầy của tâm thức xả ly. Và, với một tâm thức như thế, sự sống chính là dòng trôi chảy của thực tại như thực.

Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng: "Như đất, người giữ tâm quân bình, có nếp sống kỷ cương, không còn nghe xúc động. Người ấy như trụ đồng, như ao hồ phẳng lặng, không còn bị bùn đất làm nhơ bẩn. Với người có tâm quân bình như thế, cuộc lang thang bất định của đời sống không còn lặp lại nữa" (PC 95).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]