Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14: Sự tiến bộ và đổi mới

10/01/201115:47(Xem: 5770)
Chương 14: Sự tiến bộ và đổi mới

TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
ĐỐI THỌAI GIỮA
TRIẾT HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Jean Francois Revel & Matthieu Ricard - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất Bản Văn Hóa Thông Tin 2010

Chương 14: Sự tiến bộ và đổi mới

Jean Francois: Lại có một khác biệt nữa giữa Phật giáo và văn minh Tây phương không những trong thái độ của cá nhân trong đời sống, mà còn trong định hướng tinh thần. Vì lẽ văn minh Tây phương hoàn toàn quay về lịch sử. Nó tin tưởng vào sự phát triển của lịch sử, vào sự phồn vinh của xã hội với thời gian. Theo một danh từ thường dùng vào thế kỷ l9, nó tin vào sự tiến bộ. Người ta thường cho rằng tin tưởng như vậy là ngây ngô. Thật vậy, tin chắc vào sự tiến bộ là tin rằng lịch sử chỉ đem đến sự cải thiện đời sống con người nhờ vào các kỹ thuật mới, vào khoa học, vào sự tiếp tục đổi mới các tập tục và sự phổ biến dân chủ. Pascal đã so sánh nhân loại như một con người sống mãi và học hỏi liên tục trải qua dòng thời gian. Chúng ta biết rằng sự tin tưởng không phải vào tiến bộ, mà là vào sự tự vận hành của tiến bộ, đã bị cải chính bởi các sự kiện như lịch sử khá ảm đạm của thế kỷ 20. Dù sao thì Tây phương cũng luôn luôn chú ý đến sự đổi mới. Khi người Tây phương ca ngợi một điều gì họ nói: “Đây là một tư tưởng mới.'' Trong khoa học hiển nhiên là một sự phát minh. Trong nghệ thuật, trong văn chương phải luôn luôn sáng tạo để tồn tại. Cách mà người ta chê một quyển sách, một bức tranh, một nhạc phẩm là nói: ''Cái này cũ rồi, không còn hợp thời, là hàn lâm, là đã có người làm rồi.” Về chính trị cũng vậy, phải luôn có tư tưởng mới và phải đổi mới tư tưởng. Xã hội Tây phương quí thời gian, sử dụng thời gian như một điều kiện để cải thiện cuộc sống con người. Lòng mong muốn vươn tới một sự hoàn thiện được xem như tùy thuộc vào sự diễn tiến lịch sử, vào khả năng tạo nên những thực tế mới, những giá trị mới. Với một sự trình bày tổng quát như vậy về cảm nghĩ của xã hội Tây phương theo con có thích hợp với Phật giáo và Phật giáo sẽ tham gia như thế nào vào xã hội Tây phương?

Matthieu:Nếu nghĩ rằng một sự thật không còn đáng để ta chú ý đến nữa vì lẽ nó đã cũ, đúng là vô nghĩa. Luôn luôn khao khát cái mới thường dẫn ta bỏ quên những chân lý căn bản để thoát khỏi đau khổ, khỏi sự ràng buộc của tự ngã, cần phải đến tận đầu nguồn tư tưởng và giác ngộ bổn tâm. Một sự thật như vậy làm sao có thể cũ được. Cái mới nào lại có thể làm cho một lời dạy về cách lột trần các cơ chế tâm linh không còn hợp thời nữa. Nếu chúng ta bỏ qua sự thật đó để chạy theo vô số những đổi mới tinh thần tạm bợ, chúng ta càng xa rời mục tiêu của chúng ta. Sự hấp dẫn của cái mới có một khía cạnh tích cực, đó là ý muốn chính đáng muốn khám phá những sự thật căn bản thăm dò phần thâm sâu của tâm thức, những nét đẹp của thế gian. Nhưng trong tuyệt đối, cái mới luôn luôn mới, là sự tươi mát của hiện tại, là một tâm thức sáng suốt không bao giờ nhìn lại quá khứ cũng không ngóng trông tương lai. Khía cạnh tiêu cực của sự thích thú cái mới, là ước muốn được luôn thay đổi bằng mọi giá. Thường thì sự mê say cái mới, cái khác người phản ánh một sự nghèo nàn trong tâm hồn. Không thể tìm được hạnh phúc nội tại, chúng ta cố tìm một cách vô vọng hạnh phúc bên ngoài bằng những đồ vật, bằng kinh nghiệm, bằng suy tư và chúng ta xử sự đôi khi kỳ quặc. Tóm lại chúng ta xa rời hạnh phúc khi chúng ta cố tìm nó ở nơi mà nó không hiện diện. Làm như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn mất dấu nó. Ở mức độ tầm thường nhất, sự khao khát cái mới đến từ một sự thèm muốn luôn có sự thừa thãi, điều này thường ám ảnh tâm trí và làm mất đi sự an lạc. Người ta luôn gia tăng những nhu cầu đôi khi không cần thiết thay vì phải học từ bỏ chúng.

Nếu Đức Phật và các đệ tử của ngài đã đạt đến giác ngộ thì còn gì đẹp và mới hơn điều này? Điều mới lạ với con tằm là con bướm, và mục đích của mỗi chúng sinh là phát triển cái Phật tính tiềm tàng ở nó. Để đạt mục tiêu đó, nhất thiết phải biết sử dụng kinh nghiệm của các bậc đã giác ngộ. Kinh nghiệm đó còn quí hơn nhiều cái mớ tư tưởng mới.

Jean Francois: Phải, nhưng dù sao cũng có một nghịch lý. Trong văn minh Tây phương thật ra người ta thấy có hai xu hướng. Một mặt ta thấy một số các nhà tư tưởng cố gắng dựng lên một sự minh triết để cho mỗi cá nhân ở bất cứ thời điểm nào, có thể dùng làm mẫu mực ngõ hầu có một cuộc sống đàng hoàng thường là ít bị ràng buộc bởi những đam mê, ghen ghét, kiêu căng mà các vị thánh hiền cũng chống đối. Cùng một lúc người ta thấy rõ rằng con đường cải thiện toàn diện cuộc sống của nhân loại tùy thuộc một số phát minh khoa học kỹ thuật cũng như tùy thuộc vào sự thiết lập các cơ chế chánh trị về quyền con người v.v... Chúng ta đã chứng kiến điều này cũng như hiện nay chúng ta đang sống trong một thế hệ máy tính có khả năng chi phối toàn bộhoạt động đời sống cá nhân cũng như tập thể xã hội,điều mà không ai có thể hình dung được 30 năm về trước. Đó là vấn đề về kỹ thuật. Nhưng trong những lãnh vực khác, chính trị chẳng hạn, sự cải tổ xã hội, sự thích nghi các nhu cầu vật chất cho một số con người càng ngày càng gia tăng đều diễn tiến liên tục theo dòng thời gian. Lấy ví dụ về văn hóa chẳng hạn. Người ta cho rằng người nghệ sĩ đích thực là kẻ đem lại một tác phẩm nghệ thuật mới. Người ta sẽ cười nhạo ý tưởng sao chép các tác phẩm thời trung cổ. Nhưng chưa hết, từ 50 năm nay, nhất là trong các nước đang phát triển, những chính sách về văn hóa giúp cho càng ngày càng có đông người tham dự vào những niềm vui văn chương, nghệ thuật, âm nhạc đã ra đời. Trong quá khứ điều này chỉ dành riêng cho một tầng lớp ưu việt rất hạn hẹp. Ba nhớ lại thời thiếu niên, Ba đã từng tham quan các viện bảo tàng hay đi xem triển lãm tranh. Người ta không phải chen lấn nhau, ai vào lúc nào cũng được không hề bị người khác án ngữ khi xem tranh. Còn bây giờ thì phải xếp hàng hàng giờ vì có rất nhiều kẻ ưa thích triển lãm. Ởvài nơi như Paris hay New York phải đặt chỗ trước như đi xem hát vậy. Vậy là cái ýniệm một mặt cho văn hóa là một sự đổi mới bất tận, và mặt khác nó phải nhắm vào càng lúc càng đông người, thái độ đó rất đặc biệt của phương Tây. Thời gian được dùng để thực hiện những tiến bộ và càng ngày càng có nhiều người được hưởng lợi nhờ vào sự tiến bộ đó. Nói cách khác giải phóng con người nằm trong thời gian chớ không ngoài thời gian.

Matthieu:Giải thoát trong thời gian là ước nguyện của vị Bồ tát, ước nguyện đó là làm cho chúng sinh thoát khỏi vô minh và đau khổ. Bồ tát không bao giờ mất can đảm, không chối bỏ trách nhiệm đối với chúng sinh cho đến khi nào chúng sinh chịu đi trên con đường dẫn đến giác ngộ. Mặt khác, Phật giáo hoàn toàn chấp nhận những sự giáo dục riêng biệt vào những thời kỳ khác nhau của nhân loại, từ những xã hội cổ xưa đến những xã hội hiện đại đang hướng về duy vật. Tùy theo những xã hội đó có hướng về tâm linh hay không thì giáo hóa của Phật giáo cũng đi theo chiều hướng đó. Tuy nhiên sự giác ngộ thì ở ngoài thời gian. Làm sao mà bản thể của việc hoàn thiện tâm linh lại có thể thay đổi được? Hơn nữa ý niệm về cái mới, cái ý muốn luôn sáng tạo những điều mới lạ vì engại phải sao chép lại quá khứ, theo con nghĩ là một sự quan trọng gia tăng cho cái ngã, cho cá nhân muốn khẳng định bằng mọi giá. Trong bối cảnh người ta cố gắng tìm mọi cách để dứt bỏ cái ngã, thì cái việc muốn tự khẳng định mình là một điều quá nông cạn. Ý niệm một nghệ sĩ luôn luôn muốn buông thả mình cho trí tưởng tượng là rất xa lạ với nghệ thuật truyền thống, vì lẽ nghệ thuật này dựa trên sự trầm tư và suy tưởng. Nghệ thuật Tây phương tìm cách tạo nên một thế giới tưởng tượng, trong khi nghệ thuật thiêng liêng thì giúp con người đi tìm bản chất của thực tại. Nghệ thuật Tây phương gợi lên những đam mê còn nghệ thuật thiêng liêng thì làm giảm thiểu những đam mê đó. Khiêu vũ, hội họa, âm nhạc là để thiết lập một tương quan với hình dáng với âm thanh trong thế gian, cũng còn để chúng ta tìm hiểu, nhận thức và đi vào con đường tâm linh. Người nghệ sĩ truyền thống đem tất cả khả năng của mình ra phục vụ nghệ thuật, nhưng anh ta không nên quá buông thả trong tưởng tượng để tạo ra những hình dáng hay biểu tượng hoàn toàn mới.

Jean Francois: Đó thật ra là một quan niệm hoàn toàn trái ngược với quan niệm Tây phương, ít ra là từ thời Phục hưng.

Matthieu:Nghệ thuật đó không nhất thiết là đã cứng nhắc trong quá khứ. Những bậc đạo sư đã làm phong phú thêm nghệ thuật với các yếu tố mới có từ những kinh nghiệm thiền định. Có rất nhiều biểu tượng huy hoàng của nghệ thuật thiêng liêng ở Tây Tạng. Các nghệ sĩ đã đưa hết tấm lòng và tài năng cho nghệ thuật, nhưng ta không tìm thấy dấu tích cái ngã của họ trong các tác phẩm. Vì thế hội họa Tây Tạng căn bản là vô danh. Nghệ thuật cũng là cầu nối giữa cộng đồng tu sĩ và người phàm tục. Nhiều lần trong năm, những tu sĩ tổ chức trên sân trước giáo đường những cuộc nhảy múa rất ngoạn mục có liên quan đến nhiều giai đoạn trong khi thiền định. Và dân chúng địa phương không bao giờ bỏ qua những lễ hội đó. Cùng thế ấy, nghệ thuật Tây Tạng có mặt trong các gia đình vì lẽ các gia đình đặt hàng ở các họa sĩ, các điêu khắc gia những tượng thánh mẫu, mạn đà la, cùng các tượng khác. Dân chúng không hề bỏ qua nghệ thuật nhưng một nghệ sĩ nếu vẽ theo sở thích mà bỏ qua truyền thống thì sẽ không được hoan nghênh.

Không chạy theo cái mới, không có nghĩa là không có thái độ mềm dẻo sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống. Thật ra, nếu luôn luôn giữ trong tâm những chân lý căn bản của Phật giáo, người ta sẽ được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những thay đổi của xã hội và của thế giới. Việc cần thiết là nhận ra những chân lý đó tìm hiểu thật sâu xa về chúng, và hiện thực chúng trong tâm. Nếu không làm như vậy thì có ích gì phát minh ra cái mới. Tóm lại con muốn nói là thay vì chạy theo cái mới chúng ta đã quên mất sự đơn giản và chúng ta bị dằn vặt để có được những gì mà thật sự chúng ta không cần đến. Chúng ta nên sống giản dị, không nhìn lại quá khứ và không cần bận tâm đến tương lai.

Jean Francois: Ba nghĩ cũng không cần phải là Phật tử mới có thể có những tư tưởng như vậy. Rất nhiều người ở Tây phương, cả những người rất chú tâm về sự phát triển nghệ thuật, cũng như về những sáng tạo mới nhất cũng biết rằng một khía cạnh của nghệ thuật Tây phương là lừa bịp và lòe mắt thiên hạ. Tuy nhiên đó chỉ là thiểu số, dù sao sự sáng tạo thật sự cũng vượt trội. Nếu Ba muốn nhấn mạnh về cái xu hướng sâu xa đó trong xã hội Tây phương là vì một vài thành phần xã hội có vẻ như ít chịu ảnh hưởng về sự thay đổi, sau rốt lại cũng bị khuất phục. Ví dụ như những tôn giáo trên nguyên tắc đều bị buộc chặt vào giáo điều. Một tôn giáo thật sự dựa trên một giáo điều rõ ràng và những tín đồ theo tôn giáo đó là vì nó cung cấp một yếu tố bất biến để diễn tả sự vĩnh cửu cõi bên kia hay thần linh. Như vậy khía cạnh lịch sử về tâm linh con người đáng lý ra không chịu ảnh hưởng của các cuộc thay đổi hay canh tân là đặc tính của hành động con người trong bối cảnh thời gian và không gian. Nhưng thật ra không phải vậy. Hãy lấy ví dụ về Công giáo. Ba nói một cách vô tư vì Ba không phải là tín đồ. Nhà thờ không ngớt bị những kẻ duy tân công kích: "Các ông không chịu đổi mới, chúng tôi cần những nhà thần học sáng tạo. Nhà thờ cần phải thích nghi theo thời đại. Như vậy, trong trường hợp này, cần gì có tôn giáo nữa. Nếu tôn giáo không biểu trưng cho tâm linh con người và tránh cho họ mọi thăng trầm, mọi sự cần thiết phải thay đổi theo dòng thời gian thì tôn giáo còn dùng vào việc gì. Cái khát vọng đổi mới của con người đã đến mức họ mong cả Thượng đế cũng phải luôn thay đổi. Đã có những cuộc tranh cãi liên tục giữa tòa thánh và các nhà thần học đi tiên phong đã đề nghị những cải cách thần học cũng giống như những đề nghị cải cách trong hội họa, âm nhạc hay thời trang. Ý niệm về các nhà thần học đi tiên phong khá buồn cười. Làm sao vĩnh cửu có thể đi tiên phong hay đi giật lùi? Và tòa thánh lâm vào một tình trạng khó xử. Nếu tòa thánh chấp nhận những cải cách mới, ắt phải sửa đổi vài nguyên tắc căn bản về giáo điều. Nếu không chấp nhận thì bị chê là cổ hủ, là phản động, là bảo thủ muốn ôm chặt lấy những hình thức lỗi thời về thần linh. Vậy thì Phật giáo đang có ảnh hưởng với Tây phương, sẽ đi theo trào lưu càng ngày càng gia tăng về sự thay đổi hay ngược lại sẽ là chỗ dựa cho những người đau lòng vì cái khao khát thay đổi đó.

Matthieu:Chắc chắn là con chọn con đường thứ hai. Nguyên tắc không bao giờ thay đổi vì nó thuộc về bản thể sự vật. Nếu ta chịu khó phân tích trước khi khao khát cái mới thì rõ ràng sự khao khát này là do sự lãng quên đời sống nội tâm. Người ta tưởng rằng khi có được những cái mới người ta sẽ lấp đầy những trống trải của tâm hồn.

Jean Francois: Ba sẽ nói rằng điều mà con người luôn luôn thắc mắc là sự cổ hủ. Nếu tham vọng không bằng lòng với những tư tưởng sẵn có, xem xét lại cẩn thận những điều mà tiền nhân ta truyền lại, không xem đó là khuôn vàng thước ngọc để rồi dưới ánh sáng của lý luận, của kinh nghiệm ta giữ lại cái gì nên giữ và loại bỏ cái gì nên bỏ, thì nếu không có tham vọng đó, tư tưởng con người chỉ là một giấc ngủ dài lười biếng mà thôi.

Matthieu:Đúng thế, nhưng dành cả cuộc đời cho việc khám phá tâm linh không hề là một sự chai cứng, đó là một cố gắng bền bĩ để có thể làm vỡ tan cái vỏ ảo tưởng vốn sẵn có ở mỗi chúng ta. Thiền định đặt căn bản trên kinh nghiệm, một cuộc khám phá nội tâm cũng sâu sắc như khoa học khám phá thế giới bên ngoài. Kinh nghiệm đó luôn tươi mát, mới mẻ. Nó cũng đầy dẫy phiêu lưu và chướng ngại. Không phải là việc dựa vào những lời thuyết pháp có sẵn mà chúng ta phải kinh qua các lời dạy trong giây phút hiện tại, biết sử dụng mọi hoàn cảnh tốt xấu trong cuộc đời, đối mặt với bao nhiêu là tư tưởng xuất hiện trong trí óc ta, tìm hiểu cách thế mà chúng trói buộc ta, cũng như cách thoát ly khỏi chúng. Cái mới thật sự là biết sử dụng mỗi giây phút trong cuộc đời vào mục tiêu mà ta đã đề ra.

Jean Francois: Riêng cá nhân Ba, Ba có khuynh hướng chấp nhận một khía cạnh điều con vừa nói. Nhưng dưới một góc cạnh khác, làm sao phủ nhận nó được. Một số vấn đế đặt ra cho nhân loại trong bối cảnh đời sống, lịch sử, những hiện tượng vây quanh chúng ta thuộc về cái mà Ba tạm gọi là công cuộc sáng tạo của thời gian. Tuy nhiên, đúng là Tây phương từ thế kỷ 18 luôn tìm cách giải quyết các vấn đề nhân sinh dựa vào sự tiến bộ lịch sử, vào khả năng sáng tạo. Tây phương nghĩ rằng tất cả các vấn đề nhân sinh kể cả hạnh phúc cá nhân, sự thăng hoa tâm hồn, sự minh triết cũng như khả năng chịu đựng hoặc loại bỏ đau khổ, nói tóm lại những vấn đề đó đều có thể được giải quyết bằng duy vật sử quan như Hegel và Marx đã chủ trương. Còn những vấn đề về đời sống nội tâm về thành tựu tâm linh đều là những ý tưởng viễn vông, những cặn bã ảo tưởng làm cho người ta tin tưởng vào hạnh phúc của chính bản thân mà thôi. Và sự bỏ qua nếp sống minh triết cá nhân để thay vào đó sự cải tổ toàn diện xã hội đã đạt đến đỉnh cao với thuyết Mác-xít. Nhưng nếu ta không tái tạo được điều gì mà không cần đến thời gian, thì thời gian tự nó cũng không tạo ra được gì. Từ hai thế kỷ nay, Tây phương chờ đợi sự giải phóng con người bằng những giải pháp do lịch sử và tập thể dựng nên. Và có thể cũng vì sự thiếu thốn trong tâm hồn, sự vắng bóng của đạo đức và minh triết cá nhân đã khiến Phật giáo mau chóng thâm nhập vào xã hội Tây phương.

Matthieu:Để những cuộc giao tiếp giữa đồng loại không bị thúc đẩy bởi các động cơ vị ngã chỉ tạo nên những va chạm và bất mãn, mỗi con người cần tìm cho mình một ý nghĩa cho cuộc đời cũng như một sự cởi mở trong tâm hồn. Mỗi giây phút chuyển hóa tâm linh ấy, phải gợi lên hình ảnh là với những đức tính mới, ta sẽ có thể giúp đỡ người khác hữu hiệu hơn.

Jean Francois: Điều kiện để Phật giáo thành công dài lâu ở Tây phương tùy thuộc vào hai yếu tố. Trước tiên Phật giáo không phải là một tôn giáo đòi hỏi một đức tin mù quáng. Nó không hề muốn chối bỏ hay lên án những học thuyết khác. Đó là một sự minh triết, một triết lý đầy khoan dung. Điều kiện này đã được thực hiện từ lâu.

Thứ hai là Phật giáo chưa hội nhập đầy đủ vào sự đầu tư khổng lồ từ 2500 năm nay của Tây phương vào khoa học, vào tư duy và hành động chánh trị nghĩa là vào sự cải thiện đời sống xã hội, và vào sự giao tiếp trong lòng xã hội. Ba nghĩ rằng nếu Phật giáo không thích nghi được với điều kiện thứ hai này, nó sẽ không tồn tại lâu dài ở Tây phương. Cái tư tưởng khoa học, chính trị xã hội và lịch sự đã tác động quá sâu vào xã hội Tây phương không tạo ra được gì. Từ hai thế kỷ nay Tây phương chờ đợi sự giải phóng con người bằng những giải pháp do lịch sử và tập thể dựng nên. Và có thể cũng vì sự thiếu thốn trong tâm hồn, sự vắng bóng của đạo đức và minh triết cá nhân đã khiến Phật giáo mau chóng thâm nhập vào xã hội Tây phương.

Matthieu:Một lần nữa Phật giáo không hề chống lại khoa học, vì Phật giáo tôn trọng chân lý trên mọi bình diện bên trong cũng như bên ngoài. Đơn giản là nó muốn thiết lập một thang ưu tiên cho những nhu cầu trên đời. Sự phát triển vật chất mà không đi kèm theo phát triển tinh thần chỉ đưa đến bất an mà ta đã biết. Trong một xã hội mà giáo dục đặt nền tảng trên sự minh triết có hai xu hướng khác nhau. Nói đơn giản, một là tập trung vào con người, hai là tập trung vào tài sản đồng thời sự tản mác về nhận thức làm chúng ta xa rời sự chuyển biến nội tâm. Vì lẽ ta không thể cải tạo thế giới nếu không tự cải tạo chính mình trước, ta không cần phải có cho thật nhiều. Một hành giả Phật giáo biết rằng kẻ nào bằng lòng với cái mình đang có, hắn có cả một kho báu trong lòng bàn tay. Sự bất an đến từ thói quen xem những thứ thừa thải như là cần thiết. Nhận xét này áp dụng không những cho tài sản mà còn cho cả những tiện nghi, những thú vui và những sự hiểu biết vô ích khác. Điều mà ta không bao giờ chán là sự hiểu biết, và cố gắng duy nhất không mệt mỏi là dành cho sự tiến bộ tâm linh và việc làm lợi ích cho mọi người.

Jean Francois: Ba muốn kết luận bằng cách nhắc lại Cioran, tác giả mà Ba rất ưa thích vì ông luôn luôn tham khảo Phật giáo. Trong lời nói đầu của quyển “Văn tập về chân dung trong văn chương Pháp” ông đã lược qua những nhà đạo đức học từ La Rochefoucauld, Chamfort v.v… và dĩ nhiên là những chân dung của những nhân vật nổi tiếng để diễn tả những khúc mắc trong bản chất con người. Cioran đặt Pascal ra ngoài và để trên những nhà đạo đức đã nói một câu rất hay và rất đúng là: "Những nhà đạo đức diễn tả những đau khổ của con người, chỉ có Pascal là nói về nỗi bất hạnh của chính chúng ta." Và ngay sau đó Cioran đã tham khảo Phật giáo bằng vài dòng trong bài viết về văn chương cổ điển Pháp: "Khi ma vương, tức là thần chết, bằng những cám dỗ và hăm dọa Đức Phật khi ngài sắp đạt đến giác ngộ và ngự trị thế gian, Đức Phật muốn ngăn trở kỳ vọng của hắn và làm hắn xấu hổ đã nói rằng: "Mi có bao giờ đau khổ vì sự hiểu biết hay không?" Câu hỏi đó Ma vương không trả lời được và ta luôn phải dùng để làm thước đo giá trị đích thực của tinh thần. Con nghĩ thế nào về lời phẩm bình đó?

Matthieu: Ma vương là biểu trưng của tự ngã vì lẽ cái ác chỉ là sự ràng buộc vào cái "tôi". Khi Đức Phật ngồi dưới cầy bồ đề vào lúc hoàng hôn, và khi ngài sắp đạt đến Chính đẳng chính giác, ngài đã nguyện sẽ không đứng dậy cho đến khi nào không xé tan được bức màn vô minh. Ma vương tức là tự ngã cố làm cho ngài nghi ngờ bằng cách hỏi: “Ngài lấy quyền gì để đạt đến sự giác ngộ?" Và Đức Phật đã trả lời: ''Cái quyền mà ta dựa trên sự hiểu biết ta có được qua nhiều kiếp sống. Địa cầu sẽ làm chứng cho ta.'' Khi ấy người ta đã kể rằng trái đất đã rung chuyển. Sau đó Ma vương gửi những người con gái rất đẹp tượng trưng cho sự ham muốn đến để cám dỗ Đức Phật. Nhưng Đức Phật đã dứt bỏ được tham ái, và các con gái Ma vương biến thành những bà già xấu xí Ma vương cố gắng tạo nên lòng thù hận nơi Đức Phật bằng cách hóa ra những ma quỷ, những đạo quân bắn ra những tên lửa và chửi rủa Đức Phật thậm tệ. Người ta nói rằng nếu có một chút căm ghét nào đó nảy sinh trong lòng Đức Phật thì ngài đã bị những vũ khí đó sát hại. Nhưng Đức Phật chỉ tràn đầy tình yêu và nhân ái cho nên các vũ khí biến thành mưa hoa và lời nguyền rủa thành những bài ca chúc mừng. Khi rạng đông, thì những tấm màn vô minh cuối cùng rơi xuống và Đức Phật hoàn toàn nhận biết thế gian là hư ảo. Ngài hiểu rằng thế giới hiện tượng chỉ có do sự tương thuộc và không có một vật gì có thể do tự thân mà có, và không thể thường hằng được.

Jean Francois: Còn Ba, điều làm Ba ngạc nhiên nhất về câu nói của Cioran là nó nhắc ta rằng cái biết là nguồn gốc của đau khổ hay nói cách khác, chỉ có đau khổ thì ta mới hiểu biết được. Và qua sự kiện này người ta đánh giá tinh thần của con người. Điều này cũng bổ ích cho người Tây phương khi nghĩ rằng người ta có thể loại trừ đau khổ và mọi việc có thể diễn ra trong niềm vui, trong đối thoại, trong thông cảm và riêng giáo dục và sự học hỏi có thể được thực hiện không một chút cố gắng và không đau khổ.

Matthieu:Đó đúng là con đường đạo. Những lạc thú ở đời rất quyến rũ nhất thời. Nó đem đến sự khoái lạc sự thỏa thích và người ta dễ dàng sa ngã. Nhưng mọi khoái lạc đều rất phù du và rốt cuộc chỉ mang đến thất vọng. Nhưng Đạo thì ngược lại. Khởi đầu nó có vẻ khắc nghiệt, ta phải cố gắng để chiến thắng bản thân, ta phải đương đầu với cái mà Cioran gọi là "sự đau khổ của cái hiểu biết" hay là những khắc nghiệt của sự khổ hạnh. Nhưng dần dần, khi ta kiên nhẫn đi trên con đường Đạo thì một sự minh triết nội tâm bắt đầu ló dạng và theo sau là một sự thanh thản và một niềm phúc lạc tràn đầy trái hẳn những lạc thú trần gian, là không hề bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Trong ngôn pháp Phật giáo có câu: "Trong việc học Đạo ta luôn gặp khó khăn lúc ban đầu, còn trong việc đời các khó khăn đến vào lúc cuối." Hay một câu nói khác: ''Ban đầu không có gì đến, khoảng giữa không có gì còn lại và sau cùng không có gì đi". Thật ra theo con sự nhiệt thành trong cuộc mưu tìm giác ngộ không hẳn là một sự đau khổ mà phải nói là niềm vui trong cố gắng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567