Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Không có điều bất thiện nào không thể tịnh hóa hoàn toàn

08/01/201111:54(Xem: 10285)
10. Không có điều bất thiện nào không thể tịnh hóa hoàn toàn

CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.
Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999
none
none
PHẦN 3
NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP

10
KHÔNG CÓ ĐIỀU BẤT THIỆN NÀO

KHÔNG THỂ TỊNH HÓA HOÀN TOÀN

Ngay giây phút mặt trời mọc lên, bóng đêm tự động biến mất, tương tự như vậy, khi ánh sáng trí huệ xuất hiện trong tâm bạn thì tự nhiên bóng tối vô minh sẽ biến mất.

Bất cứ khi nào bạn thất vọng, lo lắng, sợ sệt thì cái nhìn của bạn với thế giới sẽ trở nên méo mó hơn bao giờ và các ý niệm sai lệch của bạn tăng trưởng nhanh lên. Khi cái tâm hoang mang, bất mãn của bạn nổi lên, bạn trở nên mơ hồ như đám sương mù. Lúc đó tâm bạn thật đen tối cho dù bạn đang ở ngoài nắng hay trong ánh sáng đèn pha.

Cho nên việc thực hành một pháp yoga Kim Cương thừa có sức mãnh liệt như pháp yoga Heruka Vajrasattva là rất ư lợi lạc vì nó tạo thuận lợi làm nảy nở trí huệ trong tâm bạn.

Đa số các hành giả tâm linh đã phát những lời thệ nguyện, và các lời cam kết đó coi như một phần của việc thực hành tín ngưỡng của họ. Những người thiếu trí huệ, cảm thấy rằng khi họ không còn giữ được sự cam kết thọ giới, họ tưởng như mình đã làm một việc bất thiện không thể thay đổi được nữa và cảm thấy như bị phạm tội vĩnh viễn : “Ồ ! Tôi đã hứa không làm việc đó và bây giờ tôi đã phạm, đã thất hứa. Tôi sẽ không bao giờ được cứu vãn.” Đó là một vọng tưởng lớn lao. Tất cả các hiện tượng tương đối trong thế giới giác quan này đều vô thường, thay đổi luôn. Và bởi bản chất vô thường đó, các hiện tượng sẽ tự chúng kết thúc.
Một vọng tưởng khác nữa là bạn có ý nghĩ thất vọng rằng bạn sẽ không còn hy vọng nữa. “Tôi đã cố gắng như thế, nhưng tôi luôn luôn phạm lỗi lầm.” Điều này không đúng. Không có ai hoàn toàn sai trái. Tất cả chúng ta đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Trong giáo lý Kim Cương thừa, Đức Phật dạy rằng những thất bại căn bản trong Kim Cương thừa là từ những thệ nguyện cao nhất, nhưng các giới nguyện đó vẫn lập lại được khi bị phá bỏ. Những sự phạm tội như thế rất là bất thiện, tệ hại nhưng vì nó là các hiện tượng tâm lý nên nó có thể được tịnh hóa.

Trong giới luật tăng ni (Vinaya), một phần của kinh giáo, Đức Phật dạy rằng những hành vi rõ ràng là xấu xa như giết người chẳng hạn, không thể nào được tịnh hóa trong một kiếp được. Do đó, nếu bạn đã không giữ được một trong năm giới, bạn có thể cảm thấy rằng bạn trở nên thường xuyên bị bất tịnh và rất lo lắng. Nhưng bạn phải nhớ rằng Đức Bổn sư đã dạy nhiều giáo lý khác nhau tùy theo những nhu cầu tâm lý khác biệt của rất nhiều đệ tử. Kinh giáo đã được giảng dạy cho các đệ tử đã có được mức độ hiểu biết nhất định.

Trong Kim Cương thừa Đức Phật dạy rằng không có những hành vi bất thiện nào không thể được tịnh hóa trọn vẹn bởi các pháp yoga Kim Cương thừa rất mãnh liệt. Do đó bạn đừng bao giờ cảm thấy rằng vì bạn đã bỏ phá giới luật, hay chẳng hạn, đã dính líu vào một trong năm tội lỗi được coi là không thể chuộc lại được, nên bạn sẽ trở thành kẻ phạm tội vô hy vọng được chuộc lại lỗi lầm.(16)

Ngược lại, bạn không thể suy diễn thuần lý luận rằng vì các hành vi bất thiện đều có thể được tịnh hóa nên bạn tha hồ muốn làm cái gì bạn thích. Một cái ly bị vỡ có thể hàn gắn lại được nhưng sẽ không bao giờ giống y như cái mới. Do đó, mặc dầu các giới nguyện, cam kết của bạn có thể chuộc lại khi bị phạm, nhưng bạn cố giữ trong sạch thì vẫn tốt hơn.

Cách tốt nhất để tu tập sự tịnh hóa theo Heruka Vajra-sattva là tham dự ba tháng ẩn tu, trong thời gian đó bạn sẽ trì chú một trăm ngàn lần. Tôi thường yêu cầu các người tu tập tham dự một kỳ ẩn tu ba tháng khi họ muốn được nhận sự quán đảnh theo Heruka Vajrasattva. Và họ nhập thất ẩn tu ở phương Đông dễ hơn ở phương Tây, nơi khó tìm được thời giờ.

Việc ẩn tu phải được xúc tiến trong những điều kiện đúng đắn, như đã giải thích trong chương ẩn tu của sách này. Rất ít người tu hành đã có khả năng tuân theo những sự hướng dẫn này sát theo từng chữ. Việc theo sát chặt chẽ các kỷ luật ẩn tu lý tưởng thì thật là rất khó được. Tuy nhiên rất nhiều hành giả Tây phương rất tận tâm và chân thành, đã cố làm được như vậy và mặc dù sự tập trung tâm linh của họ chưa thể mãnh liệt thế, nhưng đợt ẩn tu ba tháng của họ nhất định đã làm thay đổi tâm thức họ được tốt hơn.

Do đó, việc thực hành việc ẩn tu này rất có lợi lạc, nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn đã tạo được những điều kiện dẫn tới thành công. Nếu tôi đang ngồi đây, rồi có người lấy kim đâm vào da tôi và nói : “Thầy ơi ! hãy thiền định đi !” Thì như vậy không thể nào thiền được. Cũng y như vậy, thật là rất khó để ẩn tu giữa một thành phố đang có những rung động của các năng lực gây hấn và ham muốn. Đó là lý do tại sao các lama Tây Tạng luôn cố tìm chỗ cô độc hoang vắng yên tĩnh để tu ẩn. Những rung động tốt tự nhiên sẽ giúp bạn tu tập.

Nếu bạn có thể thực hành phương pháp yoga Vajrasattva tương ưng với bài giảng này thì không nghi ngờ gì bạn sẽ nhận được sự tịnh hóa mạnh nhất. Tại sao bạn thiếu trí huệ-hiểu biết và các chứng ngộ ? Bởi vì tâm bạn bị che lấp dày đặc bởi các rung động hư dối bất thiện. Chướng ngại nặng nề của những ý niệm của cái ngã của bạn và một sự bất lực mang nhiều xúc cảm khi đương đầu với các khó khăn đã che lấp tâm thức bạn. Trí huệ không thể nảy sanh trong bầu không khí mù mịt đó.

Truyền thống Đại thừa đặt trọng tâm vào sự phối hợp giữa sự tịnh hóa và thiền định phát sanh trí huệ, hơn là đặt nặng một bên này mà nhẹ bên kia. Khi bạn tịnh hóa được các chướng ngại che ám, trí huệ vỗn sẵn có đó sẽ có cơ hội khai triển. Như vậy, đã không phải đối kháng nhau, mà việc thiền định về con đường có thứ bậc (lam-rim) và sự tịnh hóa theo Vajrasattva còn có tính tương đồng hỗ trợ nhau, và nếu bạn thực hành hai việc này chung với nhau bạn sẽ nhanh chóng đạt những chứng ngộ.

Tôi cũng biết dĩ nhiên không phải ai ai cũng có khả năng tìm ra được hoàn cảnh thích hợp để thực hành ẩn tu ba tháng vào lúc này. Mỗi một chúng ta đều có những trách nhiệm, những ràng buộc quan trọng hơn tùy theo nghiệp lực riêng của mình. Nếu bạn không thể thu xếp để tham dự ẩn tu được thì cũng đừng nên nhận sự quán đảnh rồi sau đó cảm thấy như thể – bằng cách nào đó – bạn là một tù nhân của Pháp. Giáo Pháp của Đức Thế Tôn là để cho sự giải thoát, sự tự do chứ không phải sự nô lệ ! Và những ai trong số các bạn hiện giờ không thể dành thời giờ cho việc tu tập miên mật thì cũng đừng cảm thấy thua sút so với những người có thể tham dự. Bạn phải chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của bạn. Sẽ đến một lúc nào đó, bạn có khả năng thu xếp được thời giờ cho điều kiện ẩn tu lý tưởng. Và vào lúc đó bạn sẽ nhận sự quán đảnh nhập môn Vajrasattva kết hợp với việc tham dự ba tháng ẩn tu. Đừng cảm thấy là bạn kém may mắn hay tồi tệ. Điều này không đúng, không có thật. Bạn vẫn rất may mắn. Hàng ngày, bạn có thể tu tập theo “con đường có thứ bậc đưa tới giải thoát” (lam-rim) và thực hiện các đợt ẩn tu ngắn hơn, khi thời gian cho phép.

Để phát triển lòng từ bi của bạn, bạn có thể tham dự đợt ẩn tu theo Avalokiteshvara (Quán Thế Âm). Để có trí huệ, bạn có thể ẩn tu theo Manjushri (Văn Thù Sư Lợi). Để vượt qua sự yếu kém và cảm giác thiếu sót, bạn có thể ẩn tu theo Vajrapani. Có nhiều cách ẩn tu khác nhau để phù hợp với sự cần thiết của bạn. Ẩn tu cũng giống như phép chữa bệnh. Ở Tây phương khi bạn ốm bạn cần một cách chữa bệnh để giúp chữa lành bệnh của bạn. Việc ẩn tu cũng vậy : bạn tự đặt bản thân mình vào trong một tình huống, hoàn cảnh nhất định nào đó tùy theo điều trở ngại đặc biệt của bạn là điều gì. Đó là lý do tại sao tôi nói sự ẩn tu cũng giống như dược phẩm, thuốc giải độc cho cả hai : bệnh và triệu chứng.

Tại sao việc tịnh hóa rất mạnh ? Bởi vì trí huệ và phương tiện đều rất mạnh. Không có một lực siêu nhiên nào trên trời rửa sạch được tội lỗi của bạn. Lực này phải đến từ sự tiếp cận tâm linh của bạn, đó là chiều khóa tâm lý của pháp yoga.

Như tôi đã nói, phương pháp yoga Kim cương Heruka Vajrasattva có thể tịnh hóa những bất thiện tồi tệ nhất bạn có thể tưởng tượng được, bao gồm việc phá hư các giới Kim Cương thừa, Bồ tát và biệt giải thoát. Nó cũng tịnh hóa các triệu chứng của sự bất toại nguyện như tâm thần quá lo lắng, những mặc cảm tự ti, những sự tự kiêu tự đại. Do đó, khi nào bạn thấy bạn đã bỏ lời nguyện, bạn đừng quá xúc động bối rối lo ngại rồi cảm thấy suy sụp tuyệt vọng. Như vậy không khôn ngoan. Thay vì vậy, bạn hãy nhận biết cái gì đã xảy ra, bạn nên hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau (duyên sanh) giữa tâm bất thiện và không kiềm chế của bạn với các điều kiện (duyên) đã khiến bạn bỏ lời nguyện và rồi bạn hãy khéo léo áp dụng các phương pháp tịnh hóa.

Bạn có thể học rất nhiều từ các kinh nghiệm như vậy. Hãy phân tích tâm của bạn ! Về phương diện lý trí, bạn đâu có muốn phạm vào những tội lỗi mà bạn đã hứa không phạm, nhưng tâm không kiềm chế của bạn đã tương tác với các điều kiện và đã ép buộc bạn phạm vào. Do đó, bạn sẽ hiểu được nghiệp lực của bạn và biết xem nó mạnh như thế nào. Từ sự nghiên cứu giáo lý của “con đường có thứ bậc” (lam-rim), bạn biết rằng việc tái sanh làm người rất quý báu này sẽ cho bạn một tiềm năng để làm bất cứ điều gì. Vậy thì làm sao bạn lại cảm thấy tuyệt vọng suy sụp ?

Đừng hạ thấp giá trị các giáo huấn của “con đường có thứ bậc,” nghĩ rằng các giáo huấn đó quá đơn giản đối với bạn, một hành giả vĩ đại của Kim Cương thừa. Các giáo huấn đó không đơn giản tí nào cả mà trái lại, thực sự sâu sắc nhất. Đây không phải là sự phóng đại của một tín đồ chân chính mà là một sự kiện rất khoa học mà bạn có thể tự mình chứng minh bằng cách thấu hiểu và thực hành “con đường thứ bậc” (lam-rim). Bằng cách này bạn có thể rút ra được cái cốt lõi từ đời người quý báu của bạn và thay vì lui sụt, bạn có thể có được sự tinh tấn. Việc này hoàn toàn trong tầm tay bạn.

Một khi bạn hiểu “con đường thứ bậc” một cách thấu đáo, rõ ràng, bạn có thể thấy được những lợi lạc của việc ẩn tu tịnh hóa. Đến lúc đó bạn coi như đã sẵn sàng, thỏa mãn các tiêu chuẩn cho một đợt ẩn tu tịnh hóa. Nếu bạn không biết bạn là ai, là gì, thậm chí bạn không thể tu tập “con đường có thứ bậc” một cách thỏa đáng thì hãy bỏ mặc các phương pháp thâm mật của yoga Kim Cương thừa.

Một khi bạn hiểu được bản chất của cuộc đời bạn và những khả năng mà sự tu tập Pháp đưa đến cho bạn, với trí huệ bạn có thể chọn lựa phương hướng của bạn thay vì bạn mù quáng đi theo những vọng niệm mê muội của bạn như trong vô số kiếp trước đây. Bạn có thể chọn tương lai cho bạn bởi vì bạn biết cách tạo nhân cho tương lai đó. Quá khứ đã chấm dứt, mọi chuyện cũng đã làm rồi. Tại sao lại phải cứ xúc động hoảng hốt với những sự phá giới đã làm, và những hành vi phi đạo đức khác ? Bạn không chỉ làm lãng phí thời gian mà còn chồng chất điều bất thiện này lên trên điều bất thiện khác mà thôi. Nếu, thay vì dùng thuốc giải độc khi bạn nhận thức một điều phi đạo đức, bạn lại xúc động hoảng hốt, như vậy bạn nhân đôi nghiệp ác xấu của bạn. Bạn phải nên tịnh hóa các điều bất thiện đó, chứ đừng trở nên bệnh hoạn hơn nữa.

Mới đây tôi đọc được một tin chủ nhà băng đã tự tử vì ông ta bị bắt tội đã biển thủ tiền quỹ. Đó có phải là lối thoát không ? Ông ta ăn cắp tiền, cảm thấy có tội, xúc động đến mức rối trí hoảng hốt, rồi tự sát. Đó là một ví dụ cho điều tôi đang nói ở đây : ông ta đã tạo nghiệp xấu là ăn cắp, nhưng họ sắp sửa làm gì với ông ta ? Có lẽ họ bỏ tù ông ta. Cũng có lẽ họ tịch thu tài sản ông ta. Nhưng họ không định giết ông ta, phải không ? Tuy nhiên, ông ta không thể chịu đựng nổi việc ông ta mất uy tín nên ông ta tự sát. Chúng ta cũng thế. Chúng ta tạo nên điều bất thiện rồi thì gần như tự giết mình bằng tội lỗi và phiền muộn. Như vậy có đáng để làm không ? Chỉ là hoàn toàn tự hủy hoại mình.

Giờ đây những kinh nghiệm mới đang chờ ở tương lai, và bạn có thể thay đổi hướng đi để gặp hay để tránh những kinh nghiệm đó theo như ý bạn. Tôi không muốn nói bạn có được một sức mạnh tâm linh để thấy theo kiểu thần giao cách cảm các chi tiết của tương lai bạn, nhưng tôi ngụ ý rằng bằng việc phân tích các kinh nghiệm quá khứ và dựa theo sự hiểu biết luật nhân quả (nghiệp) bạn có thể rút ra kết luận về những gì bạn nên làm và không nên làm. Bằng cách này thì việc kiểm điểm phân tích sẽ rất có lợi, còn việc lo âu bối rối thì vô ích, kỳ cục.

Nếu cảm thấy buồn rầu và muốn tịnh hóa các việc ghê tởm đã làm thì cũng chưa đủ. Bạn cũng nên nghĩ rằng nếu bạn tiếp tục làm những việc như vậy nữa bạn nhất định sẽ kinh qua những khổ đau to tát hơn trong tương lai. Do đó ngoài việc tịnh hóa nghiệp bất thiện trong quá khứ, bạn còn phải tránh tạo ra các hành vi được phát sanh từ sự ngu si, tham lam, sân hận. Nếu bạn tịnh hóa các hành vi không đạo đức đã tạo ra trong quá khứ và kìm hãm, không tạo thêm nữa trong tương lai thì bạn có thể tránh được quả khổ đau. Yếu tố chính để xác định loại nghiệp đã tạo ra bởi hành động của bạn chính là động cơ của bạn. Nó tùy thuộc vào việc bạn có động cơ thiện hay bất thiện. Mặc dầu tôi đã đề cập ở trước về sự tồi tệ của việc phá giới, bạn chớ nên cảm thấy rằng bằng cách giữ giới bạn đã tự bỏ tù mình. Điều này hoàn toàn ngược lại. Giới luật làm cho bạn tự do. Vài người có cảm giác mất mát sau khi họ thọ giới. Họ cảm thấy như một gánh nặng đè trên vai họ. Nếu bạn hiểu giới luật một cách đúng đắn thì bạn sẽ cảm thấy vui sướng khi bạn thọ giới vì bạn biết rằng bạn sẽ rất khoan khoái, khỏe mạnh trên con đường đi tới bến bờ phúc lạc.

Nếu tâm bạn bị trói buộc giới hạn, bạn rất có thể sẽ cảm thấy tội lỗi tuyệt vọng khi bạn phạm giới. Chẳng hạn trong một ngày bạn hứa thọ tám giới Đại thừa. Trong lễ buổi sáng bạn phát Bồ đề tâm và tha thiết kiên định giữ lời thề giới luật và lợi ích chúng sanh hữu tình. Nhưng chiều tối hôm đó, có người đến cho bạn miếng chô-cô-la. Bạn ăn miếng chô-cô-la theo thói quen, hoàn toàn vô ý thức. Rồi bạn trực nhớ, hoảng sợ nói : “Ôi trời ơi ! Sáng nay tôi đã hứa sau bữa cơm trưa sẽ không ăn gì nữa mà bây giờ tôi bỏ lời hứa. Nhưng nó đã đi qua mất rồi.” Nhiều người phản ứng như vậy. Nhưng cái gì mất rồi ? Không có một cái gì “hoàn toàn mất rồi” như vậy. Bạn đã giữ giới trọn vẹn từ lúc bạn phát lời hứa cho đến khi bạn đã bỏ lời hứa nhưng không chủ định làm vậy. Bạn đã không cố ý bỏ lời hứa. Và, không có một năng lực thiện nào bị mất.

Thay vì tự dằn vặt mình một khi bạn phá giới, thì bạn nên thoải mái tự nói : “Không thể tin được ! Tôi thực sự không có ý định ăn, nhưng thói quen cũ của tôi đã lẻn vào và đánh lừa tôi khi tôi không canh chừng đó.” Hãy cảm thấy vui về thời gian bạn đã giữ giới trọn vẹn trong sạch, và cũng cảm thấy vui khi biết được cách thức tâm bất thiện của bạn nảy sanh và hoạt động. Bằng cách này kinh nghiệm của bạn trở nên trí huệ. Việc giữ giới tăng cường sự tỉnh giác của bạn : nó giúp bạn hiểu được nghiệp ở mức độ sâu nhất bằng cách đem lại cho bạn sự ghi nhận đường lối tinh vi nó tự thể hiện. Nếu bạn không giữ giới bạn sẽ không tỉnh biết những hành vi bất thiện của bạn, cũng như bạn không bao giờ biết rằng chúng nằm sâu trong tiềm thức của bạn.

Không có sự hiểu biết này bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc thực sự. Bạn có thể đã hứa giữ giới rồi sau đó lại hối tiếc. “Ồ ! Tôi đã làm một điều sai. Khi về nhà ở Tây phương, tôi mới nhận ra điều sai lầm đó. Chắc chắn ông lama ở Kopan đã thôi miên tôi.” Tôi đã nói đùa. Nhưng chắc vài người có những ý nghĩ tương đồng như vậy. Thực sự, việc hứa giữ giới đáng cần phải làm cho dù bạn có thể thỉnh thoảng bị phạm. Nếu bạn khôn ngoan kiểm điểm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn thực sự may mắn đã phát thệ giữ giới. Bạn không chủ đích phạm giới và bạn sẽ thấy cách thức mà thói quen cũ đẩy bạn đến chỗ phạm giới một cách bất ngờ, không cố ý. Đó là một phát hiện rất có ích. Đó là cách thức bạn triển khai trí huệ của bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]