Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)

25/12/201006:47(Xem: 5953)
Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN BỐN:
THỜI ÐẠI BÃO TÁP (1945-1968)


Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)

Ðạo Dụ 10 được tu chính bởi Dụ số 24 ngày 19-11-1952 và dụ số 7 ngày 3-4-1954 ấn định qui chế Hiệp Hội.

Phật Giáo bị đàn áp nhiều nơi.

Ngày 20-7-1954: Hiệp Ước Genève được ký kết. Nước Việt Nam bị tạm thời chia đôi tại vĩ tuyến 17. Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, Quảng Trị là ranh giới giữa hai miền Bắc Nam.

Ngày 7-7-1954 trước khi Hội Ðàm Genève kết thúc, cựu hoàng Bảo Ðại chỉ định ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng, một tín đồ Cơ Ðốc, như Tổng Thống Tôn Dật Tiên, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Quốc, Tổng Thống Lý Thừa Vãng của Ðại Hàn, nói lên ảnh hưởng lớn mạnh của Cơ Ðốc Giáo tại các nước Á Châu.

Ngày 8-11 tháng 10, 1954: Quân đội Pháp bắt đầu triệt thoái khỏi Bắc Việt, giúp gần một triệu dân di cư từ bắc vào Nam, phần nhiều là tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Tháng 1, 1955: Chính phủ Hoa Kỳ hứa tăng viện trợ quân sự cho chính phủ Việt Nam.

Tháng 3, 1955: Ðụng độ giữa quân đội chính phủ và quân đội các giáo phái, các phe nhóm đối lập.

Ngày 16 tháng 7, 1955: Ngô Ðình Diệm tuyên bố không tham gia tổ chức bầu cử theo Hiệp Ðịnh Genève qui định, vì chính phủ của ông không ký vào bản Hiệp Ðịnh ấy.

Ngày 9-10-55: Ðại Hội Tăng Già Trung Việt kỳ III mời Hòa Thượng làm Giám Luật kiêm Nghi Lễ.

Ngày 24 tháng 11, 1955: Hòa Thượng được mời làm Chủ Nhiệm Liên Hoa Văn Tập.

Ngày 26 tháng 10, 1955: Ngô Ðình Diệm cho tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Ðại, thành lập nền Ðệ Nhất Cọng Hòa mà ông là Tổng Thống.

Ngày 28 tháng 4, 1956: Quân đội Pháp hoàn toàn triệt thoái khỏi Việt Nam, phái bộ Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ (USMAAG: US Military Assistance Advisory Group) thay thế quân Pháp huấn luyện quân đội Việt Nam Cọng Hòa.

Ngày 27 tháng 10 đến ngày 11 tháng 11, 1956: Tháng 10 Hồ Chí Minh thú nhận sai lầm về chính sách cải cách điền địa tại Bắc Việt. Trong việc thi hành chính sách này, chính quyền Bắc Việt đã giết hại hơn 15,000 nông dân vô tội. Dân chúng đứng dậy phản đối bị đàn áp nặng nề.

Năm 1957: Trùng tu chùa Linh Mụ lần III.

Từ năm 1957- đến 1959: Chính quyền Ngô Ðình Diệm đàn áp mọi thành phần đối lập, buộc tội cho họ là Cọng Sản hay thân cọng, đặc biệt là những phần tử trước đó theo kháng chiến chống Pháp, làm mất đi phần nào tính cách “chính nghĩa”. Chính phủ cũng đưa ra chính sách cải cách điền địa, nhưng thực sự chỉ giúp đỡ chủ điền và sung công đất đai của nông dân làm cho dân chúng bất mãn, chống đối. Chính phủ Hà Nội vào tháng 10, ra lệnh tổ chức kháng chiến chống chính quyền Ngô Ðình Diệm tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngày 3 đến 19 tháng 5, 1957: Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nói với Tổng Thống Eisenhower là cọng sản tại Nam Việt Nam đã bị hủy diệt. Tổng Thống Eisenhower cam kết với Tổng Thống Diệm sẽ tiếp tục yểm trợ.

Ngày 30-3-1959: Ðại Hội Giáo Hội Tăng Già VN kỳ II họp tại chùa Ấn Quang, Hòa Thượng được mời làm Giám Luật.

Từ 1959 đến 1962: Hòa Thượng sáng tác nhiều tác phẩm.

Năm 1959: Cọng sản tăng cường hoạt động tại Nam Việt Nam. Tháng 5, Bắc Việt tổ chức Nhóm 559 chuyển cán bộ, quân đội, vũ khí vào Nam Việt Nam qua Ðường Mòn Hồ Chí Minh. Tháng 7, Nhóm 959 tăng cường quân lực hoạt động tại Lào. Bắc Việt bắt đầu tăng cường không lực và hải quân. “Cố vấn” Hoa Kỳ bắt đầu hành quân với quân đội Việt Nam Cọng Hòa. Ngày 8 tháng 7, 2 binh sĩ Hoa Kỳ đầu tiên bị tử nạn trong vụ pháo kích phi trường quân sự Biên Hòa.

Ngày 11 và 12 tháng 11, 1960: Ðơn vị Nhảy Dù do đại tá Nguyễn Chánh thi cầm đầu đứng lên đảo chánh. Vì tin lời hứa hẹn cải tổ chính phủ, quân đảo chánh ngưng bắn, quân cứu viện từ Vùng IV Chiến Thuật có thì giờ đến cứu giá. Nguyễn Chánh Thi chạy sang Nam Vang lánh nạn.

Ngày 20 tháng 12, 1960: Hà Nội công bố việc thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Tháng 10, 1961: Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tuyên bố tình trạng khẩn trương, có thẩm quyền bắt tất cả thành phần đối lập không cần xét xử.

Ngày 8 tháng 2, 1962: Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAGV: The US Military Assistance Command) được thành hình tại Sài Gòn vì Hoa Kỳ nhận thấy chiến tranh đến thời kỳ nghiêm trọng.

Ngày 2 tháng 2, 1963: Khoảng 300 quân cọng sản tấn công Ấp Bắc ở đồng bằng Sông Cửu Long, khoảng 2,500 binh sĩ Việt Nam Cọng Hòa được pháo binh và trực thăng yểm trợ phản công, quân Việt Nam Cọng Hòa bị tử thương khoảng 160 người, 3 phi công Mỹ tử trận, phía Việt Cọng rút lui không bị tổn hại mấy, mở màn cho những cuộc tấn công của Việt Cọng sau này.

Năm 1963: Lễ Phật Ðản năm 1963 và lệnh hạ cờ Phật Giáo.

* Hòa Thượng nhận Giáo Chỉ của Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội PGVN ra Quảng Trị hướng dẫn vận động đấu tranh.

* Trung tá Trương Khuê Quan và Thượng Tọa Ðức Tâm thăm viếng Quảng Trị ngày 6-6-63 cho biết chính phủ sẽ gặp đại diện PG để giải quyết vấn đề.

Ngày 7-6-63: Tỉnh Trưởng Quảng Trị cho loa phóng thanh nói

Trung Tá Trương Khuê Quan chỉ đến thăm viếng với tư cách cá nhân

Ngày 11-6-63: Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại Sài Gòn.

Ngày 16-6-63: Bản Thông Cáo Chung được ký kết.

Ngày 26-6-63: Hòa Thượng Hội Chủ gửi thư cho TT Ngô Ðình Diệm về việc chính phủ không thực thi Bản Thông Cáo Chung, Tổng Thống không trả lời thơ.

Ðêm 20-8-1963: Cảnh sát dã chiến tấn công chùa chiền khắp toàn quốc, bắt tăng ni Phật tử giam giữ, phản bội Thông Cáo Chung, vu khống Phật Giáo làm tay sai cho Cọng sản.

Khoảng 12 giờ đêm rạng ngày 21-8-63: Chùa Diệu Ðế bị lực lượng quân đội, cảnh sát tấn công. Hòa Thượng Ðôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện, Thiện Siêu, Thiện Minh, Chánh Trực bị bắt.

* Chính phủ thành lập Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy để chống lại Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

* Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy do Thượng Tọa Nhật Minh hướng dẫn viếng thăm Huế, Quảng Trị.

* Hòa Thượng tiếp phái đoàn Liên Hiệp Quốc.

* Ngày 1-11-63: Ðảo chánh.

* Hòa Thượng cho quảng bá Lời Kêu Gọi, khuyên Phật Tử nêu cao đức Từ Bi, Hỷ Xả, tuyệt đối không hận thù, phát huy tinh thần khoan dung, từ hòa của người Phật tử chân chính.

*

* *

Trước Cách Mạng Tháng Tám vài ngày, tư ø Sài Gòn ông Ngô Ðình Diệm theo một toán quân Nhật ra Huế. Khi đến Tuy Hòa, quân Nhật bị các lực lượng cách mạng tấn công, Ngô đình Diệm bị bắt, được giải ra Bắc, bị giam tại Thái Nguyên cho đến tháng 6, 1946 thì được Việt Minh thả nhờ sự can thiệp của Giám Mục Lê Hữu Từ, cố vấn tôn giáo cho chính phủ Hồ Chí Minh. Ông trở về Huế sống với mẹ cho đến năm 1949 thì lên Ðà Lạt ở với em là Ngô Ðình Nhu, trong khi tại

Pháp, cựu hoàng Bảo Ðại ký hiệp định với tổng thống Pháp Vincent Auriol thừa nhận quyền độc lập Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp.

Qua sự vận động của giám mục Ngô Ðình Thục, tháng 8 năm 1950 ông Ngô Ðình Diệm theo anh đi La Mã dự lễ năm Thánh, được Giáo Hoàng tiếp kiến, sau đó bay qua Hoa Kỳ, được hồng y Spellman và một số nhân viên cao cấp CIA ủng hộ. Người Mỹ tưởng họ đã tìm được một nhà lãnh đạo như Magsaysay của Phi Luật Tân. Mặc dầu ông được tô son là người chống Pháp, nhưng gia đình của ông từng phục vụ cho đế quốc Pháp. Ông Ngô Ðình Khả, thân phụ của ông Diệm, từng làm thông dịch viên cho Pháp, được thăng cấp một cách mau chóng, trở thành quan đại thần trong triều Nguyễn dưới thời vua Thành Thái.

Ông Ngô Ðình Diệm lúc đầu muốn đi tu, nhưng sau ghi tên vào Trường Hậu Bổ, học làm quan địa phương trong nền hành chánh Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm Tri Huyên, và giống như phụ thân, được thăng chức một cách nhanh chóng. Năm 1933 Pháp đề nghị triều đình Nguyễn mời ông làm Thượng Thư Bộ Lại. Ông làm một thời gian rồi từ chức vì những đề nghị cải tổ hành chánh của ông không được chấp thuận. Sau khi từ quan ông về sống trong gia đình tại Huế. Khi quân đội Nhật chiếm Việt Nam, ông hoạt động thân Nhật hy vọng được làm Thủ Tướng, nhưng vua Bảo Ðại lại chọn ông Trần Trọng Kim.

Tháng 5, 1953 ông Ngô Ðình Diệm từ Mỹ bay sang Pháp, rồi qua Bỉ trú ngụ tại một tu viện lớn. Tháng 5, 1954 ông trở lại Paris sống tại nhà ông Tôn Thất Cẩn. Tại đây với sự vận động của bào đệ Ngô Ðình Luyện ông sinh hoạt với một số chính trị gia lưu vong. Qua sự can thiệp của người Mỹ, ngày 16-6-1954 ông được Quốc Trưởng Bảo Ðại ủy nhiệm về làm Thủ Tướng ở Miền Nam, thay thế nội các Bửu Lộc vừa từ chức. Ông Ngô Ðình Diệm trong nghi lễ quân thần, đã quì lạy nhận sắc chỉ.

Ngày 7-7-1954 nội các Ngô Ðình Diệm ra mắt dân chúng tại Sài Gòn, gồm 14 nhân vật sáng giá. Một năm sau trong số 14 vị chỉ còn 2 vị là không chống đối ông Ngô Ðình Diệm.

Ngày 30 tháng 6, ông Diệm ra Hà Nội thăm viếng đồng bào và quan sát tình hình miền Bắc, đồng thời thăm dò nhân sự hầu thành lập nội các. Thành phố Hà Nội tràn đầy dân di cư, phần nhiều là tín đồ Thiên Chúa Giáo, tìm đường chạy vào Nam.

Ðược tin ông Diệm ra Hà Thành, trên một ngàn dân chúng do nhóm các ông Lê Quang Luật, Hoàng Bá Vinh, nhân sĩ Thiên Chúa Giáo tại Bắc Việt tổ chức, cầm quốc kỳ, trương biểu ngữ diễn hành trước dinh Thủ Hiến để chào mừng tân Thủ Tướng. Số người tham gia biểu tình mừng tân Thủ Tướng thật quá ít so với dân số Hà Nội, đặc biệt với dân tị nạn từ các tỉnh đến.

Trong khi đó từ tháng 6 năm 1954, trước khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, trước khi ông Ngô Ðình Diệm được bổ nhiệm làm Thủ Tướng, đại tá Edward G. Lansdale đã có mặt tại Việt Nam với một nhóm chuyên viên tình báo dọn đường cho ông Diệm về Việt Nam cai trị.

Vào mùa hè năm 1955 Ngô Ðịnh Diệm mở chiến dịch tố cọng, từ 60,000 đến 80,000 người bị bắt, phần nhiều là những phần tử đối nghịch với Diệm. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức. Bảo Ðại mất ngôi vị Quốc Trưởng, Ngô Ðình Diệm lên làm Tổng Thống. Vị đại thần thề trung quân ái quốc đã đứng lên làm phản, thay đổi thể chế Quân Chủ Lập Hiến thành chế độ Cọng Hòa. Tuy mệnh danh là chế độ Cọng Hòa, nhưng những nghi lễ chào cờ, lại biến chế độ thành quân chủ. Tại Nhật Bản, khi quân đội Ðồng Minh đến chiếm Nhật Bản sau Ðệ Nhị Thế Chiến, bài hát tôn vinh Nhật Hoàng vạn tuế vạn vạn tuế không được hát sau khi chào quốc kỳ, thì tại Việt Nam trong chế độ Cọng Hòa, bài hát tôn vinh Ngô Tổng Thống muôn năm muôn năm lại được quân, cán, chính, học sinh hát sau bài hát quốc ca!

HỘI PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT TẠI MIỀN BẮC (1958) VÀ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT TẠI MIỀN NAM (1964).

Sau Hiệp Ðịnh Genève, đất nước Việt Việt Nam bị chia làm đôi tại vĩ tuyến 17, Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam cũng bị chia làm đôi, chịu ảnh hưởng phong thổ của hai miền nên được sơn bằng những màu sắc khác nhau.

Tại miền Bắc, số lượng Tăng Ni xuống rất thấp vì đa số đã cởi cà sa khoác chiến bào, theo tiếng gọi của non sông. Số người xuất gia rất ít và đa số không được huấn luyện.. Trước nhu cầu cấp bách, nhiều khóa huấn luyện tăng ni ngắn hạn từ ba đến năm tháng được tổ chức để đào tạo giảng sư. Nỗ lực thống nhất Phật Giáo Miền Bắc được xúc tiến. Tháng 8 năm 1958 một Ðại Hội Phật Giáo Thống Nhất được tổ chức, Hội Phật Giáo Thống Nhất được thành lập. Hòa Thượng Thích Trí Ðộ (1894-1979) được bầu làm Hội Trưởng, Hòa Thượng Thích Ðức Nhuận (1897-1993) được bầu làm Phó Hội Trưởng, Hòa Thượng Thích Thế Long được bầu làm Phó Hội Trưởng kiêm Hội Trưởng Phật Giáo tỉnh Hà Nam. Những vị Hòa Thượng khác như Hòa Thượng Tuệ Tạng, Trí Hải, Tố Liên tuy có tham gia nhưng không giữ chức vụ gì vì tuổi già, sức yếu.

“Ngô Ðình Diệm lên chấp chính ngày 7-7-1954, hai tuần lễ trước khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, chia đôi đất nước, mở đầu một cuộc di cư vĩ đại gần một triệu dân. Trong cuộc di cư này, tín đồ Thiên Chúa Giáo được mọi ưu đãi, trong khi Phật Giáo đồ chịu nhiều nỗi đắng cay.

“Một khi đặt chân lên đến Miền Nam, trong sinh hoạt kinh tế và xã hội, Phật Giáo đồ cũng gặp nhiều cản trở, khó khăn trong các chương trình dinh điền, khu trù mật hay quốc sách ấp chiến lược của chính phủ. Muốn vượt qua các trở ngại ấy, chỉ có một giải pháp duy nhất: rửa tội theo Thiên Chúa Giáo.” (Minh Không Vũ Văn Mẫu: Sáu Tháng Pháp Nạn, tr. 56).

“Tôi vẫn còn nhớ như in một vài kỷ niệm về những chuyến Phật sự tôi được Phật Giáo Trung Phần phái đến điều tra tình hình sinh hoạt của các Phật tử các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Phan Thiết và vùng cao nguyên Trung Phần.

“Hồi đó là năm 1957, phong trào dinh điền đang được xúc tiến mạnh. Theo như luật lệ qui định, dinh điền là một quốc sách tự nguyện. Muốn được nhận cho lên cao nguyên lập nghiệp thì đương sự phải là nghèo, không ruộng vườn nhà cửa. Thế nhưng khi thực hiện chính sách này thì những người nghèo xin đi không được, trái lại có những người không xin đi, không muốn đi nhưng vẫn bị khủng bố, bức ép ra đi. Ðó là những Phật tử có nhà cửa, ruộng vườn, những P{hật tử nhiệt thành với các Phật sự địa phương, những Phật tử không chịu bỏ đạo để theo Ki Tô Giáo. Chương trình dinh điền đã bị lợi dụng như một công cụ để phát triển Ki Tô Giáo, đập tan tiềm lực Phật Giáo địa phương xa xôi... Trên khu dinh điền, họ chỉ được trồng một thứ cây là cây đay. Một người được phát hai lon tấm hay gạo lức một ngày. Ai chịu theo Ki Tô Giáo thì được phát ba lon gạo. Nhà nào có thiết bàn thờ Phật, thờ ông bà, đều bị đập phá đạp đổ và cấm không được tái thiết.

“Trong một chuyến công tác, tôi được chỉ định vào phái đoàn lên cao nguyên thăm đồng bào Phật tử tại các khu dinh điền. Phái đoàn do Hòa Thượng Trí Thủ hướng dẫn và cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền phụ tá... Chỉ huy quân sự địa phương cao cấp thời đó chẳng ai khác hơn là tướng Tôn Thất Ðính sau này... Sự thật bày ra trước mắt chúng tôi. Bàn thờ bị đạp đổ, không được thiết tượng Phật, không được đốt hương, không được tụng kinh. Có một gia đình hai vợ chồng và năm người con mời phái đoàn vào nhà, đóng cửa lại, rồi chỉ nhãn hiệu bao hương có hình Phật Bà Quan Âm dán nơi cột nhà làm bàn thờ. Ðêm đến cả nhà xúm quanh cột nhà niệm Nam Mô Ðại Từ Bại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Cụ Mai Thọ Truyền đã không cầm được nước mắt. Thấy một người khô

khan nghiêm nghị như cụ Truyền mà cũng phải động lòng nên cả phái đoàn đều khóc theo...” Sa Môn Thích Mãn Giác: Bão Qua Cổng Chùa, 1991. Trần Văn Kha & Trần Thiên Thanh: Yoga, Tập II, tr. 964-965)

“Những ngày lễ của Thiên Chúa Giáo như Lễ Phục Sinh, Lễ Thăng Thiên, Lễ Giáng Sinh... được coi như là những ngày lễ chính thức như trong thời Pháp thuộc. Trái lại các ngày lễ của Phật Giáo thì không được chú trọng. Trong các ngày lễ của Thiên Chúa Giáo, Tổng Thống đi dự lễ tại giáo đường Sài Gòn không phải với một tư cách cá nhân, mà với danh nghĩa của một vị nguyên thủ quốc gia, tiền hô hậu ủng, có đủ quân hộ vệ mặc lễ phục đi xe mô tô kèm theo... Người ta có cảm tưởng Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo của chính phủ và quân đội đã xây dựng khán đài duyệt binh trong ngày Quốc Khánh”. (Minh Không Vũ Văn Mẫu: Sáu Tháng Pháp Nạn, tr. 44).

Tại miền Nam sau khi diệt trừ quân đội Bình Xuyên, quân đội các giáo phái, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm hứa khoan hồng đối với những người chống đối nhưng sau khi họ buông súng đầu hàng thì họ bị đưa ra pháp trường. Sau khi quyền lực được củng cố, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm cho tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Ðại. Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Sài Gòn số phiếu ủng hộ Thủ Tướng nhiều hơn số cử tri. Thủ Tướng được 605,000 trong khi số cử tri tại Sài Gòn chỉ 450,000 người.

Hiến Pháp của nền Ðệ Nhất Cọng Hòa do chuyên viên Johnny Orendine người Phi Luật Tân và luật sư Việt Nam soạn thảo thiết lập phân quyền Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, không được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chấp thuận, ngược lại ông chủ trương Lập Pháp, Tư Pháp chỉ là bộ phận của Hành Pháp. Không những thế, Hiến Pháp còn muốn Việt Nam trở thành nước chúa. Trong phần Mở Ðầu của Hiến Pháp năm 1956 có đoạn viết: “Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Ðấng Tạo Hóa vàtrước nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản và phát triển con người toàn diện.” Ðoạn văn này tạo cho Thiên Chúa Giáo một địa vị đặc biệt tại Việt Nam và mục đích của Hiến Pháp là nhắm hoàn thành sứ mạng trước Chúa, Ðấng Tạo Hóa dựng ra trời đất vạn vật theo Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo.

Ông Ngô Ðình Diệm khi nhận lệnh của cựu hoàng Bảo Ðại về nước chấp chính năm 1954, ông thừa hưởng một gia tài không mấy sáng chói. Miền Nam Việt Nam do Pháp để lại, sau những năm tháng liên tiếp từ 1945 cho đến 1954 dưới quyền của những chính phủ chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp. Thủ tướng Xuân nói tiếng Việt Nam không thành thạo, không cùng nhịp thở với dân, với đại đa số quần chúng Việt Nam. Hình ảnh những người lính Pháp về thôn quê bố ráp hãy còn rõ rảng trong tâm trí họ và những người lính này giúp chính quyền mới chở hàng nghìn hàng vạn dân di cư từ Bắc vào Nam. Danh từ “chính nghĩa” tuy có vẻ mơ hồ nhưng không thấy hòa quyện trong không khí chính quyền miền nam, nhất là sau những chiến dịch tiêu diệt cựu chiến sĩ kháng chiến chống Pháp. Chính quyền mới chỉ dựa vào thành phần thiểu số, với quá trình tiếp tay với Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam sau Ðệ Nhị Thế Chiến, nên đối với họ không có giây liên hệ khắng khít, mật thiết.

Họ thấy Cố vấn Ngô Ðình Nhu, chiến lược gia của nền Ðệ Nhất Cọng Hòa xây dựng chế độ theo mô hình cọng sản. Cọng Sản lấy chủ nghĩa Mác Lê làm nền tảng, Ðệ Nhất Cọng Hòa lấy chủ thuyết Nhân Vị rút từ tư tưởng của nhà triết học Pháp Emmanuel Mounier xa lạ. Cọng Sản lấy đảng cọng sản làm nòng cốt, Ðệ Nhất Cọng Hòa lấy Cần Lao Nhân Vị và đồng bào di cư Công Giáo. Cọng sản hát bài Ai Yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn Thiếu Niên Nhi Ðồng, thì Ðệ Nhất Cọng Hòa có Toàn dân Việt Nam Nhớ Ơn Ngô Tổng Thống, cọng sản có Soviet Nghệ Tịnh, thì Ðệ Nhất Cọng Hòa có Khu Trù Mật, Khu Dinh Ðiền, Ấp Chiến Lược, lấy từ Kibbutz của Do Thái và Strategic Hamlet Programme của Thomas được áp dụng tại Mã Lai Á. Cọng Sản có đảng trị thì Ðệ Nhất Cọng Hòa có gia đình trị.

Cọng sản được Stalin, Mao Trạch Ðông yểm trợ, thì Ðệ Nhất Cọng Hòa có Eisenhower và v.v... Có điều là ngay những người Công Giáo Bắc di cư chống cọng hết mình cũng chẳng hiểu thuyết Cần Lao Nhân Vị là cái gì. Dầu sao đi nữa, thẻ đảng Cần Lao Nhân Vị là phương tiện thăng quan tiến chức. Mục tiêu của Ðảng dần dần không phải để tiêu diệt Cọng Sản - vì rất khó khăn đòi hỏi nhiều công sức, nhiệt tâm-, mà để tiêu diệt những đảng phái, phe nhóm quốc gia có khả năng chống lại chế độ. Ngay cả Lansdale, người có công giúp Tổng Thống Magsaysay của Phi Luật Tân, người ra sức xây đắp nền tảng cho Ngô Triều cũng tiên đoán không sớm thì muộn Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu sẽ biến Việt Nam thành một nước cảnh sát trị. (George Kahin: Intervention, tr. 97)

Chủ nghĩa Nhân Vị của Ðảng Cần Lao với Trung Tâm Huấn Luyện tại Vĩnh Long dành cho các viên chức cao cấp chính phủ, cũng như Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Thanh Niên Cọng Hòa, Liên Ðới Phụ Nữ, Khu Trù Mật, Khu Dinh Ðiền, Ấp Chiến Lược đã được sử dụng để bắt dân cải đạo. Vào đầu năm 1963 hầu hết các Tỉnh Trưởng được bổ nhiệm tại miền Nam đều là thuộc hạ của Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục hay của cố vấn chính trị Ngô Ðình Nhu hoặc của Ngô Ðình Cẩn, cố vấn chỉ đạo các đoàn thể chính trị tại Trung Việt, Cao Nguyên và Hải ngoại. Ngay cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cũng là những tín đồ Công Giáo tân tòng.

Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam dưới chính quyền Ngô Ðình Diệm gặp nhiều trở ngại trong công tác trùng tu:

Mặc dầu Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế năm 1955 nhưng Ðạo Dụ số 10 do ông ký ngày 6-8-1950 vẫn được chính quyền Ngô Ðình Diệm thi hành. Ðạo Dụ này xem Phật Giáo như là một hiệp hội không khác Hội đá banh, trong khi Giáo Hội Công Giáo không nằm trong Ðạo Dụ này. Phật Giáo nhiều lần bày tỏ nguyện vọng mong Ðạo Dụ này được hủy bỏ nhưng không được đáp ứng.

Tăng Ni bị hạn chế hoạt động Phật sự tại địa phương. Nhiều Phật tử bị bắt, bị ép cải đạo. Nhiều gia đình Phật tử ở vùng Dinh Ðiền, khu Trù Mật không dám thờ Phật ở giữa nhà, không dám đánh chuông đánh mõ khi tụng kinh. Nhiều Phật tử, nhất là Phật tử có máu mặt, bị vu khống là thiên cọng hay theo cọng, nhưng nếu rửa tội thì được tha!

Trong thời điểm này Hòa Thượng Ðôn Hậu thường đến các tỉnh Miền Trung tìm hiểu tình hình, viếng thăm chư tôn thiền đức, thăm và đảnh lễ bảo tháp Quốc Sư Phước Huệ, tổ đình Thập Tháp, nơi Hòa Thượng được quốc sư cưu mang dạy dỗ từ năm 1927 đến 1932.

Ngoài việc giáo dục Tăng Ni tại các Phật Học Viện, Hòa Thượng Ðôn Hậu đã cùng Thượng Tọa Ðức Tâm và một số cư sĩ nòng cốt đứng ra thành lập Liên Hoa Văn Tập làm cơ quan văn hóa Phật Giáo mang bản sắc dân tộc trong nhiệm vụ hoằng dương Phật Pháp và hướng dẫn Phật Tử trong nhiệm vụ hộ Ðạo, hộ Ðời.

Trong bài Ðịnh Hướng đăng ở số 2 tháng 2 năm Bính Thân, tháng 3, 1956 của tạp chí Liên Hoa, Hòa Thượng khai triển vị trí của con người trong xã hội và vai trò của Phật Giáo đối với con người ấy. Và vai trò ấy là cải tạo, là chuyển hóa: bỏ mê mờ, giận dữ, tham lam. Trau dồi trí tuệ, rèn luyện ý chí để sống một đời sống lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

35

Hòa Thượng chiêm bái bảo tháp tổ Phước Huệ tháng Hai năm Bính Thân, 1956 (Tiểu Sử, tr. 49)

ÐỊNH HƯỚNG


Với con người, Phật Giáo quan niệm là trung tâm điểm của xã hội. Tất cả đều phụ thuộc. Nói rõ hơn là xã hội tốt hay xấu đều do con người mà ra cả, cho nên muốn cải tạo xã hội phải cải tạo con người trước đã.

Con người được cải tạo, tất cả cái gì chung quanh con người đều trở nên thiện mỹ. Con người ở đây là con người của thế giới ô trược, ngang trái này, chứ không phải con người ở một thế giới nào xa lạ.

Con người phải được cải tạo và cải tạo theo Chánh Pháp. Ðức Phật ra đời vì mục đích ấy. Ngài đã dạy rõ ràng trong Kinh Vô Thường: “Nếu chúng sanh không đau khổ, cuộc đời không tang thương, đen tối, thì Như Lai chẳng ra đời làm gì!” và câu nói thứ hai trong Kinh Pháp Hoa. Ngài dạy: “Như Lai ra đời là vì đại sự. Ðại sự ấy là làm cho chúng sanh thể nhập được tri giác của Ðấng Giác Ngộ.”

Ðức Phật đã thế, thì những người gánh vác cái sứ mạng của Ngài cũng phải quan niệm minh xác công việc của mình là kiến tạo Cực Lạc ngay ở Ta Bà và làm tròn bổn phận cho đến khi không còn một chúng sinh nào mê mờ, đau khổ, như đức Ðịa Tạng đã nói: “Tôi thề không chứng đạo Bồ Ðề khi độ chúng sanh chưa hết và chưa thành Phật khi khổ ở địa ngục hãy còn...”

Người Phật Tử phải biết khổ cái khổ của chúng sanh và chỉ được vui khi chúng sanh vui. Hãy nghe lời của cư sĩ Tịnh Danh Duy Ma Cật trả lời với đức Văn Thù: “Bệnh tôi phát sanh là vì chúng sanh đau và bệnh tôi sẽ lành khi chúng sanh được bình phục.”

Phật tử là những người học theo tâm hạnh của Phật thì lại không xa đời, ly khai chúng sanh mà phải gần đời, lăn lộn trong cuộc sống của chúng sanh để cải tạo, hướng dẫn họ quay về Chánh Ðạo. Phật Pháp ở giữa thế gian và phải nhận rõ rằng không thể tìm sự giác ngộ ngoài thế gian. Nếu tìm sự giác ngộ ngoài thế gian thì chẳng khác nào bắt thỏ tìm sừng (Kinh Pháp Bảo Ðàn).

Căn cứ vào những điểm đã trình bày trên, chúng ta thấy bao giờ cũng như bao giờ, Phật Giáo vẫn chủ trương:

– Giáo dục cho con người biết cải tạo. Bỏ những gì mê mờ, giận dữ và tham lam. Biết chuyển hướng tình thương, trau dồi Trí Tuệ, rèn luyện ý chí để sống một đời sống ích lợi cho bản thân, gia đình và xã hội.

– Ðào tạo cho những người có sứ mạng trong công việc phục vụ chúng sanh có một ý chí vĩ đại, kiên cố, khả năng đầy đủ, tinh thần vị tha, biết thiết thực và sáng suốt trong công việc chuyển hóa mọi người.

Ấy cũng là mục tiêu của Liên Hoa, cơ quan hoằng pháp của Giáo Hội Tăng Già đang nhắm đến và tiến theo.

Chủ nhiệm Liên Hoa Văn Tập

Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu

Năm 1957 chính quyền ra lệnh bãi bỏ ngày Phật Ðản ra khỏi ngày lễ chính thức trong năm, sau nhờ Tổng Hội Phật Giáo vận động, kêu gọi mới được phục hồi vào năm 1958, trong khi đó những ngày lễ của Thiên Chúa giáo như Lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Giáng Sinh... đều được xem như những ngày lễ chính thức giống trong thời kỳ Pháp thuộc. Không những thế trong các ngày lễ của Thiên Chúa Giáo, Tổng Thống đi dự lễ tại giáo đường Sài Gòn không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách Tổng Thống, có quân hộ vệ mặc lễ phục đi mô tô kèm theo. Trong các lễ có rước kiệu. Binh chủng công binh phải lập các khán đài danh dự. Người ta có cảm tưởng Thiên Chúa Giáo là quốc giáo, quân đội xây dựng khán đài rước kiệu như xây dựng khán đài duyệt binh ngày Quốc Khánh.

Hòa Thượng Ðôn Hậu trong công tác hoằng truyền thường tự kiểm điểm xem mình đã hoạt động như thế nào, ưu khuyết điểm ra làm sao. Hòa Thượng đã áp dụng phương thức ấy khi làm Chủ Nhiệm Văn Tập Liên Hoa, và đã trình bày trong bài Kiểm Ðiểm, đăng trong Liên Hoa Nguyệt San số 1, tháng Giêng năm Mậu Tuất, tháng 2-1958

36

Thầy Chơn Trí và soạn giả - năm 2009 trước chùa Phước Ðiền, Huế

KIỂM ÐIỂM

“Ôn cố tri tân”.

Một năm nữa lại qua. Liên Hoa dừng chân lại nhìn tổng quát những thành quả đã đạt được trên đoạn đường đã qua, để vạch đường cho năm mới.

Một thành quả quan trọng nhất là mối tình giữa Liên Hoa và độc giả càng thêm gắn bó cả hai chiều sâu và rộng.

Thật vậy, số độc giả càng ngày càng tăng, thư từ gửi về tòa soạn Liên Hoa của nhiều từng lớp dân chúng càng ngày càng nhiều. Trong những thư từ ấy khen có, chê có... Dù sao đi nữa Liên Hoa cũng xin ghi nhận và tỏ lòng biết ơn chân thành những vị đã lưu tâm đến Liên Hoa.

Phật pháp là nhu cầu của mọi người. Cuộc sinh hoạt vật chất dù có cấp thiết đến đâu cũng không khỏi gây trong lòng người một sự chán ngán, ê ẩm. Dù có miệt mài truy hoan đến thế nào chăng nữa, con người cũng không khỏi bàng hoàng suy gẫm về cuộc sinh hoạt của người và của mình, để rồi: “Giật mình, mình lại thương mình xót xa.”

Ai lại không mong cầu một sự an lạc giải thoát, một phút yên lặng trong tâm tư. Thử hỏi người ta còn tìm đâu hơn ngoài Phật Pháp?

Liên Hoa cung cấp nhu cầu ấy. Tờ Liên Hoa không trình bày những nghĩa lý quá cao sâu, những áng văn quá hoa mỹ. Vì nó là tờ báo của đại chúng, của những người mới biết đạo, hoặc bắt đầu vào đạo. Giáo lý trong đó có tính cách phổ thông. Nó là tờ báo khai tâm. Nó không phải của những nhà học Phật chuyên môn. Nó chỉ thỏa mãn được phần nào khát vọng của những người mà vì sự sống hàng ngày không có thì giờ chuyên môn nghiên cứu đạo Phật. Hơn nữa nó chỉ nhắm vào những điều mà mọi người đều có thể thực hiện trong đời sống hàng ngày. Ðối tượng của nó là thế, nhưng nó vẫn giải quyết được bế tắc của một số đông người trong sự sinh hoạt đầy khuyết điểm hiện tại.

Tờ Liên Hoa đã gây nên một tiếng vang đáng kể. Ðối với độc giả trong đạo, Liên Hoa đã giúp cho họ bồi bổ kiến thức về Phật Giáo, để rồi một ngày kia thiện duyên đầy đủ họ sẽ bước vào đạo.

Tuy thế, Liên Hoa tự nhận, ngoài những ưu điểm trên còn nhiều khuyết điểm đáng bổ cứu và còn nhiều điểm đáng nói nhưng chưa nói được. Hoài bão của Liên Hoa: “Nhật niên chi kế tại ư Xuân”. Ngày Xuân không phải chỉ là ngày hưởng lạc, mà trong ngày Xuân chúng ta cần phải vạch một chương trình hành động mới mẻ cho một năm.

Vì thế qua năm này, chúng tôi nguyện cố gắng cải tiến Liên Hoa cho thêm hoàn hảo, gọi là đáp lại thịnh tình của quí độc giả, cũng như để hoàn thành sứ mạng mình trong muôn một. Cũng từ số này chúng tôi xin đổi hai chữ Văn Tập thành chữ Nguyệt San cho nó có tính cách thường xuyên hơn.

Trông mong quí vị hãy tích cực hợp tác cùng chúng tôi để xây dựng một “Mùa Xuân Bất Diệt.”

Chủ nhiệm Liên Hoa Nguyệt San

Hòa thượng Thích Ðôn Hậu

Phật Giáo có khi phải gặp những chuyện bất ngờ. Thầy Chơn Trí, tọa chủ chùa Phước Ðiền, Huế kể chuyện: Năm 1960-1961 trong mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Báo Quốc, chúng tôi sau giờ Tịnh Ðộ vào khoảng 9 giờ tối, đang đứng ngoài sân chùa, thì nghe loa từ Phú Cam phóng ra, trong đó linh mục Vàng, địa phận Ðà Nẵng, trên chuyến viếng thăm Huế, dõng dạc nói với giáo dân: Tất cả con chiên nghe đây: Chúng ta bấy lâu chịu đau buồn nhìn thấy sự khổ đau của Ðức Mẹ kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Ðức Mẹ khổ đau vì thấy ngôi nhà của Ðức Mẹ bị người ta chiếm đoạt. Ðau buồn vì thấy nơi Ðức Mẹ xuất hiện bị người ta cưỡng đoạt. Ðức Mẹ người đời

37Thầy Trí Tựu, trú trì chùa Linh Mụ và soạn giả (thứ hai từ trái) đứng cạnh thầy Trí Tựu trong buổi lễ nhập tháp của Thầy Giới Hương, trú trì chùa Diệu Ðế

gọi là Thiên Mụ. Thiên là gì? là Trời. Mụ là gì? Là Ðức Mẹ. Thiên Mụ là Ðức Mẹ, là nơi Ðức Mẹ giáng trần. Thế mà người ta dựa vào thế này, thế khác, dựa vào Nam Triều, biến nơi ấy làm Chùa Linh Mụ. Chúng ta phải làm gì đây để có thể chấm dứt sự khổ đau của Ðức Mẹ?

Chúng ta không thể để cho Ðức Mẹ chịu khổ dài dài. Chúng ta phải lấy lại. Không những linh mục Vàng muốn cổ võ giáo dân tiến chiếm chùa Linh Mụ mà cũng muốn lấy luôn quốc tự Túy Vân, chiếm luôn Ngũ Hoành Sơn tại Ðà Nẵng. Linh mục muốn xây dựng thánh tích Thiên Chúa tại chùa Túy Vân, tại Ngũ Hoành Sơn.

Thầy Chơn Trí cho biết Linh mục Vàng cho người chở vật liệu đến chùa Túy Vân định thực hiện việc xây cất thánh tích. Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên cử Hòa Thượng Trúc Lâm và thầy Chơn Trí về Túy Vân gặp đại úy quận trưởng Tôn Thất Chi, gặp một số Phật tử trong quận yêu cầu bảo vệ chùa Túy Vân... Thầy Chơn Trí cho biết trong gia đình cụ Diệm ý kiến không thống nhất về việc này, về việc tiến chiếm chùa Linh Mụ, Túy Vân, Ngũ Hoàng Sơn.

Linh mục Vàng đến chùa Từ Ðàm muốn gặp quí thầy về vấn đề chùa Linh Mụ v. v... Nhưng không gặp ai cả. Sau đó ông đến Chùa Báo Quốc gặp Hòa Thượng Trí Thủ và thầy Chơn Trí đang đứng trước sân chùa. Linh mục hỏi: Quí thầy có phải là các nhà lãnh đạo Phật Giáo không?

Hòa Thượng Trí Thủ hỏi:

– Linh mục muốn gặp quí vị lãnh đạo Phật Giáo có việc gì cần?

– Ðể nói về chuyện chùa Thiên Mụ, chùa Túy Vân và Ngũ Hoành Sơn. Chùa Thiên Mụ hay Linh Mụ do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng năm 1601, chùa Túy Vân do chúa Nguyễn Phúc Chu kiến thiết vào cuối thế kỷ 17...

– Chùa chiền thuộc Nam Triều giao cho Giáo Hội quản trị. Giáo Hội không khác ông từ giữ chùa, không có quyền hành gì cả. Nếu muốn nói về quyền sở hữu, linh mục nên liên hệ với Tòa Ðại Biểu, đại diện của chính quyền để thảo luận. Có điều chúng tôi ở đây cũng muốn nói cho linh mục rõ là dân chúng ở đây bấy lâu đinh ninh quyền sở hữu những cơ sở trên là của Giáo Hội Phật Giáo, do đó linh mục nên tập họp dân chúng lại, giải thích cho họ biết, nói cho họ hay ý định của linh mục và hỏi ý kiến của dân, hòng tránh những hiểu lầm và tai họa có thể xảy ra sau này.

Thầy Chơn Trí lúc ấy chen vào:

– Khi nãy giờ Hòa Thượng chúng tôi đã có ý kiến, không biết tôi có được phép bày tỏ quan điểm của mình?

Linh mục Vàng trả lời:

– Tốt lắm. Rất tốt.

Thầy Chơn Trí nói:

Linh mục nên cho tập họp dân chúng lại, nói ý định của mỉnh, kẻo không ban ngày linh mục cho xây cất thánh tích, ban đêm có người phá hoại mà không phải Phật Giáo rồi lại nghi là Phật Giáo hay do Phật Giáo xúi dục, gây hiểu lầm đáng tiếc. Hai tôn giáo Thiên Chúa và Phật Giáo bấy lâu sống chung vui vẻ không khéo gây bất hòa thì thật tai hại...

Sau khi từ giã ra về linh mục Vàng đến gặp đại diện chính phủ tại Tòa Ðại Biểu để nói về quyền sở hưu chùa Linh Mụ, Túy Vân, Ngũ Hoành Sơn. Ðại diện chính phủ đề nghị linh mục nên hỏi ý kiến Văn Phòng Cố Vấn. Theo thầy Chơn Trí cho biết dựa vào lời thuật lại của bà Hồ Xuân Bào thì khi linh mục vào Văn Phòng Cố Vấn, gặp cụ Ngô Ðình Diệm đang ngồi uống nước trà một mình. Nghe linh mục Vàng nói, cụ nổi giận, lùa mấy chén trà xuống đất nói: Gia đình tôi đã báo hại tôi rồi, bây giờ đến lượt các cha!

Trong khi đó Giáo Hội cử Hòa Thượng Trí Quang và thầy Chơn Trí đến gặp cụ Ưng Thuyên, thân phụ của ông Nguyễn Văn Hai làm học chánh, xin tài liệu về các cơ sở Phật Giáo. Cụ Ưng Thuyên vui vẻ cung cấp...

Thầy Trí Tựu kể: Vào năm 1956 hay 1957 (không nhớ rõ lắm) linh mục Nguyễn văn Vàng và một số linh mục khác lên chùa Linh Mụ, gặp thầy Trí Thủ, thầy Chơn Trí có sự hiện diện của Ôn. Cha Vàng hỏi quí thầy có biết tại sao chùa Linh Mụ lại gọi là chùa Thiên Mụ không. Quí thầy nói nhờ linh mục giải thích hộ. Linh mục Vàng nói vì đó là đền thờ Ðức Mẹ Maria. Linh mục nói tiếp vì vậy chùa Linh Mụ nên phải giao lại cho Giáo Hội Công Giáo. Nên nhớ chính quyền Ngô Ðình Diệm là do Giáo Hội xây dựng... Quí thầy trả lời quí thầy không có thẩm quyền, đề nghị linh mục đến Tòa Ðại Biểu, đặc biệt là đến Văn Phòng Ông Cố Vấn để bàn việc. Tuy nhiên cần để ý đừng làm mất lòng dân chúng.

Sau đó Hòa Thượng Ðôn Hậu nhờ vợ của ông Phan Xuân Sanh theo dõi chuyện này.

Tháng 5 năm 1957 khi Tổng Thống Diệm viếng thăm Tổng Thống Eisenhower ở Hoa Kỳ, ông cho TT Eisenhower thấy thành quả quan trọng ông đã đạt được trong vòng 3 năm: ông đã mang lại trật tự cho Miền Nam sau khi dẹp xong các giáo phái, phe nhóm như Hòa Hảo, Cao Ðài và Bình Xuyên và đã định cư được gần một triệu dân tị nạn. Tổng Thống Diệm cương quyết chống cọng, Tổng Thống Eisenhower hứa tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Tổng Thống Eisenhower ca ngợi Tổng Thống Diệm như là người của phép lạ tại Á Châu và Phó Tổng Thống Mỹ còn so sánh Tổng Thống Diệm như là Churchill của Á Châu. Hoa Kỳ cần có người như Tổng Thống Diệm để ngăn ngừa ảnh hưởng domino tại Châu Á.

Tháng 9 năm 1959 trong cuộc bầu cử Quốc Hội, phe thân chính chiếm 78 trên 123 số ghế. TT Diệm loại bỏ hệ thống thôn xã tự trị có truyền thống hàng nghìn năm và thay thế bằng hệ thống do chính phủ chỉ định gồm hoàn toàn những phần tử thân chính, đặc biệt là tín đồ Thiên Chúa Giáo. TT Diệm không thi hành điều khoản ghi trong Hiệp Ðịnh Genève là tổ chức bầu cử hai miền năm 1956 lấy cớ là chính phủ Miền Nam không ký vào Hiệp Ðịnh ấy.

Ðể đối phó với tình thế mới, chính quyền Miền Bắc gửi cán bộ di cư từ Miền Nam năm 1954 trở lại Miền Nam hoạt động và những người cán bộ này được sự tiếp tay của những phần tử bất mãn với chế độ: dân làng bị mất đất, bị mất quyền tự trị, các giáo phái bị ngược đãi. Cán bộ cọng sản bắt đầu quấy phá từ cuối năm 1958, chúng giết những phần tử bị dân oán ghét hoặc tỏ ra đắc lực. Ngày 8 tháng 6 năm 1959 lực lượng quân sự CS lần đầu tiên tấn công và pháo kích phi trường Biên Hòa, hai binh sĩ Hoa Kỳ bị tử thương. Tình trạng an ninh từ năm 1955 đến 1958 không còn nữa.

Những cuộc bầu cử tại các vùng bất an lại là nơi cử tri đi bầu nhiều nhất và phiếu bỏ cho các ứng cử viên thân chính nhiều nhất. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm được 99% số phiếu tại Kiến Tường, được 102,031 phiếu tại Pleiku trong khi các ứng cử viên khác chỉ có 7 phiếu! Tại Sài Gòn những người đắc cử không phải là ứng cử viên của chính quyền thì bị vô hiệu hóa như trường hợp bác sĩ Phan Quang Ðán được 63% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 30 tháng 8, 1959.

Mặc dầu 80 hay 90 phần trăm binh sĩ là Phật tử, nhưng các sĩ quan trong quân đội phần nhiều là người Thiên Chúa và nếu ai muốn được thăng chức nhanh đều phải gia nhập Thiên Chúa Giáo. Tại nhiều khu vực các giáo sĩ Thiên Chúa giáo có quân đội riêng mệnh danh là đoàn quân giám mục.

Hai trường Ðại Học mới tại Nam Việt Nam là của Thiên Chúa Giáo nhờ viện trợ thực phẩm của Mỹ gửi qua cơ quan cứu trợ Thiên Chúa. Một nhà truyền giáo Tin Lành 15 năm tại Bình Ðịnh nói tất cả các nhà thờ Thiên Chúa ở tỉnh đều được xây dựng bằng tiền xổ số và tiền bán thực phẩm cứu trợ.

Tháng 3 năm 1961 chính phủ cho phép một linh mục xây nhà thờ Ðức Bà trên núi Thiên Bút nơi đã có cảnh chùa và nghĩa trang Phật Giáo...

Những dữ kiện trên mang lại một số hậu quả:

– Ngày 21 tháng 5, 1957 Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị ám sát hụt tại Ban Me Thuột.

– Ngày 26 tháng 4, 1960 Nhóm Caravelle công bố lập trường và nguyện vọng. Trong số 18 người ký tên vào Bản Thông Cáo, 11 người đã từng hợp tác với TT Ngô Ðình Diệm.

– Ngày 11 tháng 11, 1960 Lực Lượng Nhảy Dù do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu đứng lên đảo chánh.

– Ngày 27 tháng 2, 1962 hai sĩ quan không quân Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom dinh Ðộc Lập.

– Cuối năm 1962 chỉ trong 15 ngày, 50 Ấp Chiến Lược tại Vùng IV bị phá hủy.

– Ngày 3 tháng 1, 1963 trận đánh Ấp Bắc bắt đầu, gây thiệt hại nặng nề cho quân lực Việt Nam Cọng Hòa.

– Tại Hoa Kỳ những nhân vật chính trị Hoa Kỳ có tầm cỡ lần lượt không ủng hộ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vì chính sách và hành động mất lòng dân, phản dân chủ.

– Ngày 1 tháng 11, 1963 cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm do tướng Dương Văn Minh cầm đầu.

*

* *

Tại miền bắc vương quốc Lào, đặc biệt tại hai tỉnh Phongsaly và Sam Neua, quân Pathet Lao dưới sự chỉ đạo của hoàng thân Souphanou Vong bắt đầu hoạt động năm 1950.

Năm 1956 hoàng thân Souvana Phouma lên làm thủ tướng, chủ trương trung lập, thành lập chính phủ liên hiệp, mời hoàng thân Souphanou Vong, người em cùng cha khác mẹ tham gia chính phủ. Trong kỳ tổng tuyển cử năm 1958, phe CS chiếm 21 trong số 59 ghế tại Quốc Hội. Hoa Kỳ cắt viện trợ. Chính phủ trung lập sụp đổ, chính phủ hữu khuynh ra đời tháng 8 năm 1958. Hoa Kỳ tái và tăng viện.

Tháng 11, 1958 Bắc Việt phản đối Lào vi phạm biên giới. Tháng 7, 1959 một toán quân cán chính Bắc Việt - Pathet Lao được gửi đến Lào, hợp lực cùng quân Pathet Lao tiến chiếm hai tỉnh Phongsaly và Sam Nuea. Tướng Nosavan của quân đội hoàng gia Lào hành quân vây bắt cán bộ CS, gồm hoàng thân Souphanou Vong nhưng đến tháng 4, 1960 hoàng thân và những người canh tù theo hoàng thân trốn lên núi.

Ðêm 8 tháng 8, 1960 một cánh quân nhảy dù do đại úy Kong Le chỉ huy đứng lên làm đảo chánh, chiếm Vientiane trong khi nhân viên chính phủ đến Louang Prabang dự lễ tang vua Sisavang Vong qua đời tháng 11 năm 1959. Khong Le mời hoàng thân Phouma trở về thành lập chính phủ trung lập. Ngày 22 tháng 9 Khong Le tấn chiếm Pakse khiến cho tướng Nosavan của quân đội hoàng gia phải rút về Savannakhet. Tại miền bắc, quân Pathet Lao chiếm Sam Nuea ngày 28 tháng 9.

Tại Lào có ba lực lượng chống đối nhau: Chính phủ hoàng gia Lào, Pathet Lao và lực lượng trung lập. Hoa Kỳ yểm trợ quân đội hoàng gia, Liên Bang Soviet tiếp tế cho Khong Le trong khi Bắc Việt yểm trợ Pathet Lao.

Ngoại trưởng Anh và Liên Bang Soviet, đồng chủ tịch hôi đàm Genève kêu gọi ngưng chiến tại Lào. Ngày 16 tháng 5, 1961, hội nghị quốc tề được triệu tập tại Genève, kết quả là một chính phủ liên hiệp được thành lập tại Lào. Ngày 12 tháng 6, 1962 một chính phủ liên hiệp dưới quyền lãnh đạo của hoàng thân Phouma được thành lập. Thỏa hiệp quốc tế gồm 14 quốc gia chấp nhận chính phủ liên hiệp Lào. Quân đội ngoại quốc phải rút khỏi lãnh thổ Lào, trong khi quân đội Bắc Việt không những không rút lui mà còn tăng cường.

Tại Cao Mên, Sihanouk lên làm vua tháng 4 năm 1941. Ðến năm 1955 khi tổ phụ (ông nội) của Sihanouk băng hà, Sihanouk nhường ngôi lại cho phụ vương. Khi phụ vương qua đời, ông trở thành Quốc Trưởng Cao Mên năm 1960. Giống như vương quốc Lào, Cao Mên dưới quyền kiểm soát của Pháp năm 1863, được độc lập sau hiệp định Genève năm 1954. Sihanouk muốn Cao Mên trung lập, nhận được sự giúp đỡ của hai phe Tây Ðông. Mặc dầu không chấp nhận viện trợ quân sự của Trung Cọng, nhưng bang giao giữa hai nước Cao Mên Trung Cọng thân thiện khiến cho Nam Việt Nam không mấy hài lòng. Sahanouk phải viếng thăm Sài Gòn tháng 7 năm 1958 trước khi bay sang Bắc Kinh. Tháng 11 Chu Ân Lai viếng thăm Cao Mên.

Tại Cao Mên có trên nửa triệu người Việt sinh sống, phần nhiều ở những tỉnh miền đông. Những người Việt này có liên hệ mật thiết với Hà Nội hay Sài Gòn. Sihanouk không kiểm soát hoàn toàn tổng số dân trên 8 triệu người, vì nhiều vùng nằm dưới quyền kiểm soát của Khmer Ðỏ hay Khmer Serai (Cao Mên Tự Do) được Việt Minh huấn luyện và yểm trợ. Chính sách trung lập của Sihanouk làm cho Hoa Kỳ không mấy thiện cảm. Cao Mên nói CIA liên hệ đến hai vụ đảo chánh tháng 1 và tháng 2 năm 1959.

*

* *

Tại Việt Nam vĩ tuyến 17 là vùng phi quân sự, ngăn cách hai miền Bắc Nam. Ðường Mòn Hồ Chính Minh băng qua biên giới Lào, Cao Mên dài 1,200 km. Khi Pathet Lao chiếm một phần đất ở Bắc Lào năm 1959, Ðường Mòn Hồ Chí Minh trở thành con đường huyết mạch, vận chuyển lương thực, khí giới và quân đội Bắc Việt vào Nam Việt Nam.

Pháp thất trận tại Ðiện Biên Phủ không chỉ là thua một cuộc chiến mà còn cả đế quốc Pháp. Việt Minh thắng trận nhưng để lại cho Miền Bắc một khu vực bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Pháp và những thành phần Việt Nam thân Pháp tháo gỡ máy móc, dụng cụ kỹ nghệ di chuyển xuống Miền Nam. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa phải đương đầu với việc tái thiết hết sức nặng nề. Trong Bộ Chính Trị có hai khuynh hướng khá rõ rệt. Khuynh hướng thứ nhất do Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh chủ trương, được sự ủng hộ phần nào của Phạm văn Ðồng, dồn mọi nỗ lực xây dựng Miền Bắc làm nền tảng cho công cuộc thống nhất đất nước tương lai, còn Miền Nam chỉ lo đấu tranh chính trị và do người Miền Nam phụ trách. Khuynh hướng thứ hai do Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh và Lê Ðức Thọ chủ trương thống nhất đất nước bằng mọi phương tiện kể cả quân sự.

Khuynh hướng thứ nhất được Hồ Chí Minh đồng ý vì muốn có thì giờ xây dựng Miền Bắc, đồng thời muốn chứng tỏ Bắc Việt tôn trọng Hiệp Ðịnh Genève. Nhờ vậy mà trong những năm đầu sau Hiệp Ðịnh Gevève Miền Nam được yên ổn, không phải vì tài an bang tế thế của TT Diệm, được TT Eisenhower khen ngợi mà vì Bắc Việt không quấy phá. TT Ngô Ðịnh Diệm lợi dụng tình thế này để củng cố quyền lực, dẹp các giáo phái, các đảng phái đối lập.

Tại Miền Bắc đến năm 1959 phe Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Lê Ðức Thọ thắng thế. Hồ Chí Minh sau khi dàn xếp nội bộ, để tâm đến Miền Nam, đặc biệt là sau năm 1956 chính phủ Ngô Ðình Diệm không thi hành tổ chức tuyển cử hai Miền để thống nhất đất nước như được ghi trong Hiệp Ðịnh Genève. Hồ Chí Minh bật đèn xanh cho khuynh hướng Lê Duẩn được thực hiện. Bắc Việt gửi Toán 559 thành lập căn cứ tại Lào. Cũng vào năm 1959 cọng sản thiết lập nhiều căn cứ huấn luyện tại Nam Việt Nam, trên 4900 quân cán chính Bắc Việt xâm nhập Nam Việt Nam theo Ðường Mòn Hồ Chí Minh. Con số này đến năm 1962 tăng lên gần 6,000 người. Trong khoảng thời gian này, cán binh CS bị chính quyền Miền Nam bắt đều là người gốc Miền Nam ngoại trừ 1 cán bộ gốc Bắc.

Những đụng độ quân sự giữa quân Bắc Việt và Nam Việt ngày càng gia tăng. Nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long và Cao Nguyên Trung Phần nằm dưới quyền kiểm soát của cọng sản. Ngày 11 tháng 11, 1960 quân Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi tấn công dinh Ðộc Lập. Bộ Chính Trị Bắc Việt vào tháng 12, 1960 quyết định cho thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam gồm 60 nhân vật lãnh đạo các đoàn thể, đảng phái, tôn giáo, là cánh tay mặt của Ðảng Lao Ðộng (CS) Việt Nam. Nguyễn Hữu thọ, một luật sư từng bị chính phủ Diệm cầm tù được bầu làm Chủ Tịch tháng 2, 1962. Ông ta không phải là đảng viên CS. Tổng Thư Ký của Mặt Trận thay phiên nhau đến năm 1964 Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Tổng Thư Ký. Tổng Hành Dinh của Mặt Trận đặt tại Chiến Khu D, ở Long Khánh, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn 60 km.

Mặt Trận Giải Phóng Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960 trong phiên họp tại mật khu trong tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Cao Mên:

Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch.

Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ Tịch.

Ủy Ban Trung Ương gồm 52 người trong đó có:

Võ văn Kiệt.

Dương Quỳnh Hoa.

Phùng Văn Cung.

Ưng Ngọc Kỳ.

Nguyễn Văn Hiếu.

Nguyễn Long.

Trần Bửu Kiếm.

Trịnh Ðình Thảo.

Phạm Xuân Thái.

Nguyễn Hữu Thế.

Nguyễn Cơ Tâm.

Nguyễn Thị Ðịnh.

Trương như Tảng.

Năm 1959 Hồ Chí Minh thăm viếng Liên Bang Soviet, tham dự Ðại Hội Ðảng Cọng Sản, được Liên Bang Soviet hứa giúp đỡ chương trình 5 năm, bắt đầu từ năm 1961. Chuyên viên Soviet đổ đến Hà Nội ngày càng đông, ảnh hưởng Soviet ngày càng mạnh. Tại Hoa Kỳ Tổng Thống Kennedy vừa đắc cử năm 1960. Khi nhậm chức vào tháng Giêng năm 1961, Tổng Thống Kennedy thừa hưởng gánh nặng về chiến tranh Việt Nam, trong khi tại Liên Bang Soviet Nikita Khrushchev tuyên bố vào dịp Kennedy nhậm chức ngày 6 tháng 1, 1961 là chiến tranh giải phóng quốc gia là chiến tranh hợp lý, thế giới cọng sản hoàn toàn yểm trợ.

Qua kinh nghiệm chiến tranh Ðại Hàn, chính sách của Kennedy về chiến tranh Việt Nam có thể tóm tắt: Không để mất Việt Nam, không đưa quân tham chiến, không sử dụng hỏa lực quá mức (không ném bom xuống hệ thống đê điều Bắc Việt, không đổ bộ tấn công Bắc Việt). Vào những năm đầu của thập niên 1960 Hoa Kỳ viện trợ tài chánh, vũ khí, gửi cố vấn quân sự nhưng không gửi quân sang chiến đấu tại Việt Nam. Nhưng trước áp lực quân sự của quân đội Bắc Việt vào tháng 8, 1961 Hoa Kỳ gửi 200,000 quân đến Việt Nam.

Từ năm 1959 đến năm 1961 nhiều đơn vị quân đội Việt Nam Cọng Hòa bị tấn công, nhiều viên chức chính quyền, đặc biệt viên chức cấp thôn xã bị giết hại, từ con số 239 năm 1959 đến trên 1,400 năm 1961. Tháng 9 năm 1961 quân cọng sản đánh chiếm Bình Phước cách Sài Gòn 60km. Cán bộ cọng sản trước đây tập kết tại Bắc Việt bắt đầu trở về ngày càng đông: 5,500 đầu năm 1961 đến 25,000 vào cuối năm 1961. (Adm. US Grant Sharp and Gen. William C. Westmoreland: Report on the War in Vietnam. Washington DC. US Government Printing Office).

Năm 1962 Hoa Kỳ tăng viện trợ cho Nam Việt Nam, nhiều đơn vị trực thăng được đưa tới Việt Nam, hình thức và cường độ chiến tranh VN thay đổi. Lúc đầu máy bay trực thăng chỉ dùng làm phương tiện chuyên chở quân đội VN Cọng Hòa đến chiến trường, dần dần máy bay trực thăng được sử dụng vào lực lượng chiến đấu và đưa Hoa Kỳ trực tiếp vào vòng chiến. Quân đội Hoa Kỳ tại VN tăng dần, từ 900 vào tháng 11, 1961 đến 11,326 vào cuối năm 1962 và tuần tự tăng lên mãi. Mặc dầu vậy vẫn không thay đổi được tình thế.

Về việc ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh năm 1954, Trên Những Chặng Ðường ghi: “Tôi nhớ vào trung tuần tháng6 năm 1954, có một cuộc biểu tình của khoảng gần 500 người được tổ chức tại công viên Thương Bạc, Huế với mục đích là “yêu cầu chí sĩ Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh để cứu nguy tổ quốc.”... Thế là ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Ngô Ðình Diệm từ nước ngoài về chấp chánh làm Thủ Tướng quốc gia Việt Nam.”

Trên Những Chặng Ðường cho biết kể từ ngày Thủ Tướng rồi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh cho đến năm 1963 bị quân đội đảo chánh, ông đã dùng chiêu bài chống cọng làm đảo lộn đạo nghĩa quân thần bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Ðại, người mà ông đã quì tuyên thệ trung quân ái quốc. Ông đã lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ Mỹ để thiết lập chế độ độc tài gia đình trị. Ðức Cha Ngô Ðình Thục muốn dùng quyền uy của em để biến nước Việt Nam thành nước Chúa. Ông Ngô Ðình Cẩn dùng uy quyền của anh để làm lãnh tụ Miền Trung, Cao Nguyên Trung Phần. Ông em Ngô Ðình Luyện không những là đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc mà còn có quyền với các tòa đại sứ khắp châu Âu. Ông Trần Văn Chương nhạc phụ là Ðại Sứ Hoa Kỳ, Bà Trần Văn Chương làm Ðại Diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Ngô Ðình Nhu làm Cố Vấn Chính Trị, đảng trưởng Ðảng Cần Lao Nhân Vị, thủ lãnh Thanh Niên Cọng Hòa, Bà Ngô Ðình Nhu làm Dân Biểu Quốc Hội, thủ lãnh Liên Ðới Phụ Nữ, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, các tín hữu Công Giáo lãnh các vai trò điều khiển quốc gia, các linh mục giám mục không những có quyền hành tôn giáo mà còn cả thế quyền.

Ông đã sử dụng chương trình Khu Trù Mật, Khu Dinh Ðiền, Ấp Chiến Lược để đảo lộn truyền thống “phép vua thua lệ làng” trong kế hoạch biến Việt Nam thành nước Chúa. Ông lợi dụng chiêu bài chống cọng để tiêu diệt các giáo phái, đảng phái đối lập. Ông không bao giờ giữ thành tín với bất kỳ ai: không giữ lời hứa với các giáo phái Hòa Hảo, Cao Ðài, không giữ lời hứa với Ðại tá Nguyễn Chánh Thi, không giữ lời hứa với Phật Giáo khi ký bản Thông Cáo Chung năm 1963. Ông không thi hành Vương Ðạo, Bá Ðạo mà chỉ áp dụng Vong Quốc Chi Ðạo.

Sau khi lên nắm chính quyền, Trên Những Chặng Ðường cho thấy ông Ngô Ðình Diệm và gia đình đã cho thi hành chính sách tiêu diệt Phật Giáo. Vào những năm 1954 đến 1957, nhiều cuộc khủng bố Phật giáo đồ liên tiếp xảy ra. Theo báo cáo của Hội Phật Giáo Trung Phần thì đã có nhiều Phật Giáo đồ ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên bị chôn sống, bị thủ tiêu, bị áp bức đủ điều. Ngay tại cố đô Huế cũng xảy ra nhiều chuyện thương tâm. Chẳng hạn như vào ngày 8 tháng 6, 1955 tức là ngày 18 tháng Tư năm Ất Mùi tại làng Kim Long, xã Hương Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Phật tử Tâm Khiết Phan duy Trinh, huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Kim An, An Hòa và Phú Thạnh đã bị nhiều kẻ lạ mặt vào nhà bắt ra cánh đồng cách nhà khoảng 300m rồi dùng dao đâm chết. Tang chứng cho thấy huynh trưởng Phan duy Trinh là nạn nhân của kỳ thị tôn giáo. Nhiều cuộc khủng bố khủng khiếp liên tiếp xảy ra cho tín đồ Phật Giáo tại các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Trước cảnh người Phật tử chịu nhiều nỗi oan khiên, Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu gửi gắm ưu tư của mình, san sẻ nỗi vui buồn của Phật Tử trong tạp chí Liên Hoa mà Hòa Thượng đã đứng ra thành lập và làm Chủ Nhiệm năm 1956.

Tạp chí Liên Hoa vừa có nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp vừa là một cơ quan văn hóa mang bản sắc dân tộc. Tạp Chí Liên Hoa đã đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp hoằng dương Chánh Pháp của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt và Giáo Hội Tăng Già Việt Nam.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Thế rồi vào ngày 7 tháng 5, 1963 tức là ngày 14 tháng 4 Âm Lịch, dân chúng, chùa chiền tại Huế treo cờ, kết hoa, chuẩn bị ngày đại lễ Phật Ðản, thì vào lúc 5 giờ chiều, lực lượng cảnh sát thành phố Huế, theo lệnh khẩn từ Sài Gòn đánh ra, đã đi khắp thành phố bắt dân chúng tháo bỏ tất cả những lá cờ Phật Giáo đã treo. Tại khu vực gần chùa Linh Quang, thầy Chơn Trí cho biết một số linh mục đã cùng cảnh sát đi hạ cờ Phật Giáo. Dân chúng phản đối mạnh mẽ. Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Ðẳng, muốn trấn an dân chúng, nói cảnh sát Huế thi hành sai thượng lệnh, cho Phật tử treo cờ lại.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Vào khoảng 18 giờ ngày 14 tháng Tư năm Quí Mão tức là ngày 7 tháng 5 năm 1963, một phái đoàn Phật Giáo do Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Thích Tịnh Khiết dẫn đầu cùng với Hòa Thượng Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Trung Phần Thích Giác Nhiên và Ban Tổ Chức Ðại Lễ Phật Ðản gồm có Thượng Tọa Thích Trí Quang, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần, Thượng Tọa Thích Mật Hiển, Trưởng Ban, Thượng Tọa Thích Thanh Trí, Phó Ban. Tháp tùng đoàn còn có quí vị Tăng Già thuộc Hội Phật Học Việt Nam và Hội Phật Giáo Nguyên Thủy đã đến tại tòa Tỉnh Trưởng để tỏ bày ý kiến với ông Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng thành phố Huế.

“Trong khi phái đoàn đang bày tỏ ý kiến thì có khoảng hơn 500 Phật Giáo đồ tụ họp trước tỉnh đường để chờ đợi sự giải quyết của chính quyền. Sau đó một hồi lâu, thì ông Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng ra giải thích trước đông đảo Phật Giáo đồ đang đứng chờ trước tỉnh đường rằng: Nhân viên công lực của thành phố Huế đã thi hành không đúng lệnh của thượng cấp! Bây giờ nhân danh Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng thành phố Huế, tôi chấp thuận cho tín đồ Phật Giáo được treo giáo kỳ và thể theo lời yêu cầu của Phật Giáo đồ, tôi sẽ ra lệnh cho Ty Thông Tin cho xe phát thanh đi loan báo quyết định này của tôi trước 20 giờ 30 đêm nay.”

Sống trong một chế độ mệnh danh là dân chủ mà việc treo cờ kỷ niệm ngày đản sinh của vị khai sáng nền đạo đã có hàng nghìn năm trên đất nước Việt Nam mà cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ, của ông tỉnh trưởng. Là thành phần thuộc đa số trong cọng đồng dân tộc mà làm gì cũng phải xin phép phe thiểu số. Không biết nền dân chủ được xây dựng theo thể thức nào. Dầu vậy người Phật Tử vẫn chấp nhận số phận của mình, âm thầm chịu đựng, chỉ mong được an thân hành đạo. Nhưng ước vọng nhỏ bé đó cũng không dễ thực hiện.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Ngày Rằm tháng Tư năm Quí Mão tức ngày 8 tháng 5, 1963. Vào lúc 4 giờ 30 sáng Ðoàn cung nghinh kim thân Phật Ðản Sinh khởi hành từ chùa Diệu Ðế lên chùa Từ Ðàm, khi đi qua nhà hàng Morin thì trong đơn vị Gia Ðình Phật Tử có nhiều tấm biểu ngữ được căng thẳng và giương cao lên, nên nhị vị Thượng Tọa Trưởng Ban và Phó Ban Tổ Chức Ðại Lễ Thích Mật Hiển và Thích Thanh Trí ra lệnh dừng lại và buộc phải cuốn tất cả tấm biểu ngữ, lúc ấy vào khoảng gần 6 giờ sáng, chỉ trừ câu biểu ngữ Cờ Phật Giáo Quốc Tế Không Thể Bị Triệt Hạ là được giương cao lên. Ðoàn cung nghinh Phật lại được lệnh khởi hành. Nhưng khi lên đến ngang Bệnh Viện Trung Ương Huế thì Ðoàn phải dừng lại vì trong đơn vị Gia Ðình Phật Tử, ngoài tấm biểu ngữ nói trên lại có thêm nhiều tấm biểu ngữ nữa xuất hiện.”

Tám tấm biểu ngữ với nội dung như sau được thấy trong buổi lễ Phật Ðản tại chùa Từ Ðàm:

Kính Mừng Phật Ðản.

Cờ Phật Giáo Quốc Tế không thể bị triệt hạ.

Phật Giáo Ðồ nhất trí bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh.

Phật Giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách tôn giáo bình đẳng.

Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.

Chúng tôi đến lúc bắt buộc phải tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo.

Chúng tôi không từ chối bất kỳ hy sinh nào.

Phản đối chính sách bất công kỳ thị tôn giáo.

Chùa Từ Ðàm là nơi thiết trí lễ đài chính. Sau khi các đơn vị Giáo Hội đã đứng vào vị trí phân định trong sân chùa, Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, Trưởng Ban Ðiều Khiển Chương Trình Lễ lên lễ đài, dùng máy phóng thanh mời Thượng Tọa Thích Trí Quang, Hội Trưởng Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần lên máy phóng thanh để trình bày và giải thích những dữ kiện đã xảy ra trong cuộc cung nghinh kim thân Phật Ðản Sinh từ chùa Diệu Ðế đến chùa Từ Ðàm.

Thượng Tọa Trí Quang cho biết là đoàn kiệu và đoàn rước đã diễn hành trong trật tự và kỷ luật. Những tấm biểu ngữ trương lên phản ảnh trung thực nguyện vọng của Tăng Ni Tín Ðồ Phật Giáo, có tính cách xây dựng và việc thực hiện những nguyện vọng này không những có lợi cho Phật Giáo, cho các tôn giáo khác mà cũng có lợi cho chính quyền, vì tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phù hợp với Hiến Pháp quốc gia, với chính nghĩa mà chính quyền muốn bảo vệ, duy trì. Thượng Tọa nói sẽ đạo đạt nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni Phật Tử Việt Nam lên chính quyền địa phương và lên Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

Sau lời giải thích của Thượng Tọa Trí Quang, Hòa Thượng Ðôn Hậu bắt đầu điều khiển chương trình Ðại Lễ Phật Ðản. Chương trình được thu thanh và như thường lệ vào những năm trước, sẽ được phát thanh vào lúc 20 giờ trên Ðài Phát Thanh Huế.

Dân chúng thành phố Huế tối đến kéo nhau đi như sóng cuộn, hết lớp này đến lớp khác, qui tụ tại Ðài Phát Thanh Huế, phía hữu ngạn sông Hương để nghe chương trình phát thanh Phật Giáo vào ngày Phật Ðản.

Thế nhưng, Trên Những Chặng Ðường ghi: “Ðã quá giờ ấn định mà chương trình vẫn chưa phát. Mọi người chỉ nghe phát những bản nhạc không liên quan gì đến Ðại Lễ Phật Ðản cả. Không rõ lý do gì nên mọi người đều nôn nóng. Ðông đảo quần chúng Phật Tử ở nhà không nghe được chương trình phát thanh Phật Giáo, nên cũng lần lượt kéo nhau đến đài phát thanh để tìm hiểu nguyên nhân. Càng lúc càng đông, đứng chật ních cả sân đài phát thanh, trên cầu Trường Tiền, trên đường Lê Lợi, Duy Tân... ước khoảng hơn một vạn người.

“Thượng Tọa Trí Quang từ chùa Từ Ðàm xuống. Không ai bảo ai tất cả các Phật Tử đều chấp tay bái chào và rẽ lối cho Thượng Tọa vào Ðài Phát Thanh. Sau đó Thượng Tọa cho biết lúc đầu nhân viên của Ðài đều nói là máy phát thanh bị trục trặc kỹ thuật, nhưng sau cùng thì nói là chính quyền ra lệnh cấm không cho phát thanh chương trình Phật Giáo.

“Ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên đến. Thượng Tọa Trí Quang thấy ông Tỉnh Trưởng đến, liền yêu cầu Phật Tử đứng rẽ hai bên làm hàng rào danh dự đón ông Tỉnh Trưởng vào. Sau khi ông Tỉnh Trưởng đến, chương trình phát thanh của Phật Giáo cũng không được phát.

“Trong khi đó, theo các quân nhân Phật Tử cho biết, Quân Vụ Thị Trấn Huế ra lệnh quân nhân phải cắm trại 100% và thiếu tá Ðặng Sỹ, Phó Tỉnh Trưởng Nội An kiêm Tiểu Khu Phó Tiểu Khu Thừa Thiên lại ra lệnh cho các đơn vị Bảo An, Thiết Giáp, Xe Tăng gắn súng máy, đại bác, các đơn vị Cảnh Sát của Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và các xe cứu hỏa thành phố Huế bao vây tất cả các ngả đường chung quanh đài phát thanh. Thượng Tọa Trí Quang và ông Tỉnh Trưởng đang đứng trước bao lơn đài phát thanh. Quần chúng Phật Tử bắt đầu bàn tán xôn xao, rồi có tiếng la ó, ồn ào náo động... Thình lình xe cứu hỏa xịt nước vào đám đông. Dân chúng chen nhau chạy trốn nhưng với biển người dày đặc làm sao chen chân được.

“Bỗng có nhiều tiếng nổ lớn từ các khẩu súng đại bác bắn ra. Lúc ấy vào khoảng 21 giờ 30. Người ta thấy viên thiếu tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An Ðặng Sỹ đang đứng trên xe chỉ huy. Rồi tiếng súng trường, lựu đạn. Quang cảnh hỗn loạn. Ông Tỉnh Trưởng đứng trên lầu dùng loa phóng thanh ra lệnh: “Hãy ngưng bắn, hãy ngưng bắn!” nhưng các lực lượng bao vây vẫn tiếp tục bắn. Nhiều chiếc xe tăng tiến tới đè lên thân xác của một số người đang đứng giữa sân đài phát thanh.”

Mười lăm phút sau Thượng Tọa Trí Quang và ông Tỉnh Trưởng từ trên sân thượng đi xuống, vào đài phát thanh, được nghe báo cáo có ba chiếc xe hồng thập tự chở đầy người chết, người bị thương chạy lên Bệnh Viện Trung Ương Huế.

Ban Tổ Chức Ðại Lễ Phật Ðản sau khi kiểm điểm tin tức cho biết trên 50 Phật Tử bị thương, 8 Phật Tử chết không toàn thây, có người đầu lìa khỏi mình, có người thân thể nát nhàu, trông vô cùng khủng khiếp. Chính quyền nói đó là do lựu đạn của cọng sản, của CIA cốt gây chia rẽ hận thù giữa Phật tử và chính quyền, nhưng theo lời trình bày của giáo sư bác sĩ người Ðức Erich Wulff trước Ủy Ban Ðiều Tra của Liên Hiệp Quốc được ghi trong cuốn Vietnamesische Lehrjahre (Những Năm Dạy Học tại Việt Nam) cho thấy 5 xác chết không đầu, một phụ nữ có vết đạn bắn vào tay và cổ. Giáo sư Wulff là người chứng kiến vụ thảm sát và giáo sư Krainick là người chụp những tấm hình thê thảm ấy. Lựu đạn của CS hay của CIA làm sao cắt đứt hay đè bẹp đầu những em bé nạn nhân?

Dù trong cơn hỗn loạn máu chảy, thịt rơi ghê rợn, quần chúng Phật Tử không hề nao núng. Họ bao vây đài phát thanh để xem Thượng Tọa Trí Quang có bị nguy khốn hay không và cũng để tìm hiểu thêm tình trạng của những Phật Tử thương vong.

Thượng Tọa Trí Quang lúc bấy giờ đang đứng trong đài phát thanh, chứng kiến cảnh thương tâm xảy ra trước mắt. Nhận thấy với số lượng Phật Tử đông đảo như vậy nếu bị ai khuấy động sẽ có thể san bằng đài phát thanh trong giây lát. Hòa Thượng vội vã dùng máy phóng thanh kêu gọi tín đồ giữ bình tĩnh và trở về nhà để cho cấp lãnh đạo Tổng Hội định liệu công việc. Phật tử tỏ ra rất kỷ luật, không có một hành động bạo động nào, mặc dầu một số đồng đạo bị thương, bị chết. Họ lần lượt ra về trong trật tự.

Gần 3 giờ sáng ngày 16 tháng 4 năm Quí Mão tức là ngày 9 tháng 5 năm 1963, Ðài Phát Thanh Huế trở lại tình trạng yên tĩnh, không một bóng người ngoại trừ những vũng máu đã đông đặc của những em Phật Tử vô tội đã bị giết hại chỉ vì đức tin của họ bị chà đạp, vì màu cờ sắc áo của họ không được tôn trọng.

Có người bênh vực cho lệnh cấm treo cờ Phật Giáo nói rằng đấy là lệnh chung cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam không được treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo. Nhưng người ta thường thấy cờ Công Giáo tràn ngập thành phố từ dinh Ðộc Lập đến sở thú, tràn ngập các doanh trại quân đội chứ đừng nói tư gia tín đồ Thiên Chúa Giáo. Người ta thấy cờ tòa thánh, ảnh tượng đức Mẹ treo khắp nơi từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 2 năm 1959 nhân Ðại Hội Thánh Mẫu và lễ nâng nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn lên hàng Vương Cung Thánh Ðường dưới quyền chủ tọa của Hồng Y Agagianan, đại diện Tòa Thánh La Mã. Không những thế, khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đón rước Hồng Y Agagianan trong dinh Ðộc Lập, các bộ trưởng trong chính phủ cũng phải đến nghênh tiếp. Bộ trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Ðình Thuần quì hôn nhẫn Hồng Y.

Ngày 17 tháng 8 năm 1961 nhân lễ khánh thành Vương Cung Thánh Ðường La Vang, không những cờ Thiên Chúa kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị mà còn khải hoàn môn, ảnh tượng Ðức Mẹ. Cờ Thiên Chúa Giáo tràn ngập thành phố Huế trong dịp lễ khánh thành ngôi nhà thờ do đức cha Ngô Ðình Thục xây cất tại Huế, lễ Ngân Khánh của đức cha vài tuần lễ trước ngày lễ Phật Ðản...

Sau biến cố đẫm máu tại đài phát thanh Huế, các em thiếu nhi Phật tử thiệt mang, chính quyền địa phương cũng như trung ương không những không có hành động an ủi nạn nhân mà cũng không có lời chia buồn với thân nhân kẻ xấu số. Sáng ngày 9 tháng 5, 1963 Tổng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Trung Phần triệu tập phiên họp khẩn cấp gồm đại diện các giáo phái, hệ phái, các ban Trị Sự tại chùa Từ Ðàm, Huế để thảo luận vấn đề, thành lập Ban Lãnh Ðạo soạn thảo Bản Tuyên Ngôn, mở đầu cho cuộc vận động đòi tự do và bình đẳng tôn giáo.

Ban Lãnh Ðạo bắt tay vào việc, ra lệnh triệu tập Phật Giáo đồ tại thành phố Huế và các vùng lân cận đến chùa Từ Ðàm ngày hôm sau, ngày 10 tháng 5, 1963.

Lệnh triệu tập phát xuất, Phật tử tức khắc đáp ứng. Sáng ngày 10 tháng 5, 1963, hàng nghìn hàng vạn Phật tử từ nhiều nơi kéo về chùa Từ Ðàm, ào ạt như sóng triều dâng, háo hức trông chờ giờ phút quan trọng.

Ðúng 8 giờ sáng, Thượng Tọa Trí Quang, Chánh Hội Trưởng Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban Lãnh Ðạo cuộc đấu tranh, lên máy phóng thanh kêu gọi Phật Tử đồng tâm nhất trí, dù phải hy sinh tính mạng, để bảo vệ chánh pháp, bảo vệ mạng mạch của nền Phật Giáo Việt Nam. Thượng Tọa long trọng đọc Bản Tuyên Ngôn được Ban Lãnh Ðạo thông qua vào khuya đêm 9 tháng 5, 1963 gồm 5 nguyện vọng như sau:

1/ Yêu cầu chính quyền cho Phật tử được treo cờ Phật Giáo.

2/ Yêu cầu Phật Giáo được chính phủ đối xử bình đẳng như Công Giáo.

3/ Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật Giáo.

4/ Yêu cầu cho tăng ni Phật tử được tự do hành đạo và truyền đạo.

5/ Yêu cầu chính phủ bồi thường cho những nạn nhân bị thảm sát trước đài phát thanh Huế và trừng trị những người gây tai họa.

Bản Tuyên Ngôn và 5 nguyện vọng đề ngày 10-5-1963 Phật lịch 2507, làm tại Huế mang chữ ký của:

* Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam: Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết.

* Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Trung Phần: Hòa Thượng Thích Mật Nguyện.

* Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần: Thượng Tọa Thích Trí Quang.

* Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên: Thích Mật Hiển.

* Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên: Thích Thiện Siêu.

Ngày 15-5-1963 Bản Phụ Ðính Tuyên Ngôn được công bố tại chùa Từ Ðàm, giải thích rõ ràng 5 nguyện vọng nói trên, đồng thời nêu rõ đường lối bất bạo động và mục tiêu của cuộc tranh đấu:

1. Phật Giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự thay đổi chính sách của chính phủ.

2. Phật Giáo Việt Nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù cả. Ðối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên Chúa Giáo mà là chính sách bất công tôn giáo. Chúng tôi tranh đấu cho lý tưởng công bình chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo.

3. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.

4. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng Phật Giáo ngay trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì lý do đó chúng tôi chấp nhận mọi sự hy sinh đến tột độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi.

5. Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội. Phật tử từ chối sự lợi dụng của những người cọng sản và của những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.

Về Ðạo Dụ số 10, Bản Phụ Ðính đề nghị chính quyền rút tất cả các tôn giáo ra khỏi phạm vi ràng buộc của Ðạo Dụ này và ban hành một chế độ chung cho các tôn giáo trong đó có Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Bản Phụ Ðính kết luận nếu các nguyện vọng của Phật Giáo được thực hiện thì quần chúng Phật Giáo sẽ hoan nghênh Tổng Thống và chính phủ như đã có công bảo vệ và phát triển tự do dân chủ, bình đẳng tôn giáo.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Bản Tuyên Ngôn ngày 10 tháng 5, 1963 của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã thực sự mở màn cho cuộc đấu tranh đầy gian khổ của Phật Giáo đồ Việt Nam với chính quyền.... Một cuộc đấu tranh bất đắc dĩ chỉ vì lý tưởng và sự tồn vong của Chính Pháp. Một cuộc đấu tranh không cân bằng sức mạnh. Phật Giáo chỉ có hai bàn tay không và tấm lòng khao khát cho tôn giáo được bình đẳng, còn bên kia thì súng đạn, lưỡi lê, xe tăng thiết giáp... và mưu mô hủy diệt... “

“Tại Sài Gòn, ngày 15 tháng 5, 1963”, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III viết: “một phái đoàn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam phối hợp với đại diện của các tổ chức Phật Giáo khác đã đến dinh Gia Long để yết kiến Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và trao cho ông bản Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963, đồng thời giải thích cho ông rõ 5 nguyện vọng của Phật Giáo đồ. Ba đồng hồ thảo luận chỉ đưa đến một vài hứa hẹn mơ hồ của vị nguyên thủ quốc gia. Tổng Thống còn đổ trách nhiệm vụ tàn sát ở Huế cho những người cọng sản.”

Ngày 16 tháng 5, phái đoàn mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, công bố bản Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963 của Tổng Hội, Bản Phụ Ðính và Phụ Trương, đồng thời trưng bày trước dư luận những vụ đàn áp, giam cầm, giết chóc mà Phật Tử phải chịu đựng trong nhiều năm qua ghi trong hai tập tài liệu, tập đầu dày 49 trang, tập thứ hai dày 98 trang gồm những biên bản về các vụ kỳ thị, bắt ép và đàn áp có đủ tên họ, chữ ký, con dấu của các tổ chức Phật Giáo địa phương.

Ngày 25 tháng 5 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập. Thượng tọa Thích Tâm Châu làm chủ tịch, lãnh đạo cuộc vận động đòi hỏi bình đẳng và tự do tôn giáo. Tại Huế ngày 27 tháng 5, Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu được giáo lệnh của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ủy thác lãnh đạo phong trào vận động tự do, bình đẳng tôn giáo tại Quảng Trị và Ðồng Hà.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Lúc này thì quí Hòa Thượng, Thượng Tọa đều lưu trú tại chùa Từ Ðàm, Huế để lãnh đạo phong trào. Riêng tôi ngày 27 tháng 5, 1963 được giáo lệnh của Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ủy nhiệm ra lãnh đạo phong trào đấu tranh tại tỉnh Quảng Trị với hai đại đức phụ tá là đại đức Quán Tâm và đại đức Minh Ðàm.”

Khi ra đến Quảng Trị, Hòa Thượng đến cư trú tại chùa Tỉnh Hội. Sáng hôm sau, vào lúc 8 giờ, Hòa Thượng cho triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hai ban trị sự Giáo Hội Tăng Già và Tỉnh Giáo Hội để thành lập Ban Chỉ Ðạo phong trào đấu tranh Tỉnh.

Ban Chỉ Ðạo được thành lập:

* Trưởng ban: Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu, Ðại diện Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

* Phụ tá Trưởng ban: Ðại đức Thích Quán Tâm và đại đức Thích Minh Ðàm.

* Thư ký: Ðại đức Thích Tuệ Hải.

* Ủy viên ngoại giao: Ðạo hữu Nguyễn Văn Triển, Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo Quảng Trị.

* Ủy viên tài chánh: Ðạo hữu Hoàng Trọng Thuần, Phó Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo Quảng Trị.

* Ủy viên an ninh trật tự: Ðạo hữu Nguyễn Khắc Ủy, Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử tỉnh Quảng Trị.

Mọi người bắt tay vào công việc. Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử giao một số tài liệu đấu tranh của Ban Chỉ Ðạo như Tuyên Ngôn, 5 Nguyện Vọng Phật Giáo, Bản Phụ Ðính... cho một số huynh trưởng, đoàn sinh đi đến các quận phân phối. Ngày 28-5-1963 một số huynh trưởng và đoàn sinh GÐPT mang tài liệu từ Quảng Trị ra Gio Linh bị Chi Cảnh Sát Ðông Hà bắt giữ, dẫn về Chi Cảnh Sát Ðông Hà. Ðược tin Hòa Thượng Trưởng Ban lập tức viết văn thư can thiệp. Vào khoảng 2 giờ chiều ngày hôm ấy ông Chánh Văn Phòng Tỉnh đến gặp Hòa Thượng, sau thời gian thương thảo ông đồng ý thả các huynh trưởng, đoàn viên GÐPT với hai điều kiện:

– Thứ nhất Hòa Thượng phải viết thư thông báo cho Tòa Tỉnh biết ngày giờ Ban Chỉ Ðạo tổ chức lễ cầu nguyện để Tòa Tỉnh hợp thức hóa, bảo vệ an ninh, trật tự.

– Thứ hai: Hòa Thượng cử người đến Tòa Tỉnh xin lãnh các Phật tử bị bắt về.

Hòa Thượng đồng ý để giữ thể diện của vị Chánh Văn Phòng và Tòa Tỉnh Trưởng mặc dầu Hòa Thượng biết rõ dụng ý của họ đây chỉ là kế hoãn binh, đợi chỉ thị trung ương để có những biện pháp cụ thể hơn.

Lễ cầu nguyện cho những nạn nhân Phật Tử bị thảm sát tại đài phát thanh Huế, được tổ chức tại chùa Tỉnh Hội đêm 31-5-1963. Trên 5000 Phật Tử tụ họp tại chùa để nghe Ban Chỉ Ðạo trình bày những gì đã xảy ra tại đài phát thanh Huế đêm 8-5-1963, giải thích 5 nguyện vọng của Phật Giáo gửi chính quyền, mục tiêu và phương thức đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam. Hơn 5000 Phật tử im lặng lắng nghe và sẵn sàng tuân theo mọi chỉ thị, mọi mệnh lệnh của Ban Chỉ Ðạo. Sau đó toàn thể Phật tử đã ra về trong trật tự.

Tại chùa Tỉnh Hội một lễ đài để hai thượng tọa Thích Lương Bậc và Thích An Căn ngồi tuyệt thực được thiết lập. Ban Chỉ Ðạo định tổ chức buổi tuyệt thực cầu nguyện cho các thánh tử đạo, cho nguyện vọng của Phật Giáo Việt Nam vào sáng ngày 1-6-1963, nên sáng hôm ấy Phật tử thuộc các Khuôn Hội, Chi Hội, các Gia Ðình Phật Tử đã đến tập trung đông đảo tại khuôn viên chùa. Sau lễ cầu nguyện, vị đại diện Phật Giáo Quảng Trị, hướng dẫn một phái đoàn đem bản kiến nghị đến tòa tỉnh nhờ ông Tỉnh Trưởng chuyển đạt lên chính phủ. Ði theo phái đoàn là hàng nghìn Phật Tử mang theo một biểu ngữ duy nhất với lời lẽ: Yêu Cầu Chính Phủ Giải Quyết Thỏa Ðáng 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo. Họ tụ tập trước Tòa Tỉnh, rồi sau đó đi tuần hành trên các con đường chính và cuối cùng giải tán trong trật tự.

Ðến 2 giờ chiều ngày 1-6-1963 Ban Chỉ Ðạo cho xe chở hai vị tuyệt thực đến công trường Quảng Trị, cốt quảng bá 5 nguyện vọng đấu tranh của Phật Giáo. Ðêm hôm ấy các lực lượng võ trang của chính quyền đến vây quanh, nội bất xuất ngoại bất nhập. Các Phật tử có bổn phận săn sóc sức khỏe của quí thầy cũng không được phép ra vào. Sáng sớm ngày 2-6-1963 Phật tử đến thăm quí Thầy đều bị ngăn cản. Ðám võ trang canh gác dùng những từ ngữ có tính cách xúc phạm nói với Phật Tử đến thăm:

– Tuyệt thực! Cho bây chết.

– Tuyệt thực chết như chó chết.

– Mấy đứa Phật tử cha mẹ chết không khóc mà đi khóc mấy thằng chưa chết.

– Tuyệt thực gì mà đánh nước cam.

– Cho nó tranh đấu. Ðói nó sẽ về nhà. Còn mấy thằng trong này cho chúng chết.

– Tranh đấu cho lắm, rồi đâu cũng chỉ một đạo mà thôi

Những câu xúc phạm ấy làm cho quần chúng tức giận. Thế rồi vào khoảng 8, 9 giờ tối, xô xát giữa quân lính võ trang và quần chúng xảy ra. Ðồng bào ném đá vào những nhiếp ảnh viên đang trà trộn trong đám võ trang chụp hình những người hăng say đấu tranh. Ðám lính võ trang bắn súng, ném lựu đạn cay giải tán dân chúng tụ tập quanh hàng rào kẽm gai. Vào khoảng 11 giờ khuya, một chiếc xe Wagon màu xanh chở cây ngắn phân phát cho binh sĩ giữ trật tự, bảo dân chúng yên tâm, sẽ lần lượt cho vào thăm, mỗi lượt đi vào 20 người. Họ dẹp giây kẽm gai, mở lối cho dân chúng vào. Dân chúng kéo nhau vào thăm 2 thầy ngồi tuyệt thực. Thình lình vòng vây bao chặt lại. Tên đại úy Nguyễn Huỳnh Bảo ra lệnh cho đánh. Thế là đồng bào bị ăn đòn chí tử, nhiều người bị thương.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Họ vì quá chất phác nên đã bị lường gạt, vì nhẹ dạ mà sa vào cạm bẫy để bị hành hung, trong lúc những phần tử phá rối, gây hấn, lại nằm ngoài pháp luật, không bị một tai hại nào!...

“Bất ngờ vào ngày 6-6-1963 tôi được tin có Thượng Tọa Ðức Tâm ra thăm chùa Tỉnh Hội. Tôi chắc có chuyện gì hệ trọng nên Tổng Trị Sự mới phái Thượng Tọa ra đây. Ðến khi Thượng Tọa đi vào thì có thêm một viên trung tá cùng đi nữa... Khi đến chùa viên trung tá đi ngay vào chánh điện đứng nghiêm trang lễ Phật rồi vào hậu liêu bái yết tôi. Nhìn cử chỉ và cách xưng hô cung kính của viên trung tá tôi ngạc nhiên hết sức. Ðến khi tôi mời hai vị ngồi uống nước, thì Thượng Tọa Ðức Tâm mới giới thiệu cho biết trung tá Trương Khuê Quan, đặc phái viên của chính phủ ra để thông báo với Ban Chỉ Ðạo biết là chính phủ đã chấp nhận tiếp kiến phái đoàn Phật Giáo để giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo. Ðại diện chính phủ và Phật Giáo sẽ thương thảo tại Hội Trường Diên Hồng và sẽ có Một Thông Cáo Chung...”

Sau khi Thượng Tọa Ðức Tâm và Trung Tá Trương Khuê Quan trở về Huế, Hòa Thượng cho triệu tập hội viên các Khuôn Hội, Chi Hội và Gia Ðình Phật Tử để thông báo những gì Hòa thượng thâu hoạch được trong buổi gặp gỡ Thượng Tọa Ðức Tâm và Trung Tá Trương Khuê Quan.

Phật tử lắng nghe, lòng dạ phấn khởi, thì bất ngờ sáng ngày 7-6-1963 xe Ty Thông Tin đến chỉa loa vào chùa Tỉnh Hội đọc một bản thông cáo bằng những lời lẽ hoàn toàn trái ngược với những gì đặc phái viên của chính phủ Trung Tá Trương Khuê Quan nói ngày hôm qua. Bản Thông Cáo cho biết Trung Tá Trương Khuê Quan chỉ đến thăm chùa với tư cách cá nhân, không có thẩm quyền gì để có thể tiết lộ về sự thương thảo của chính phủ với Phật Giáo.

Phật Giáo biết tin vào ai bây giờ. Người nói ngã này, người nói ngã khác. Một chính phủ coi thường lời nói của mình! Nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ tán bang. Lời người xưa đối với chính quyền này không có một giá trị gì cả!

Ngày 11 tháng 6, Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại ngã ba đường Lê Văn Duyệt và Phan Ðình Phùng lúc 10 giờ sáng. Trước khi tự thiêu Hòa Thượng để lại bức thư gửi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cầu mong Tổng Thống lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân, giữ vững nước nhà muôn thuở. Hòa Thượng cũng kêu gọi Tăng Ni Phật Tử đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp.

Sự hy sinh dâng hiến của Hòa Thượng cho tự do và bình đẳng tôn giáo được diễn đạt trong lời thơ thắm thiết của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen

Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện

Thành thơ, quỳ cả xuống

Hai vầng sáng rưng rưng

Ðông tây nhòa lệ ngọc

Chấp tay đón một mặt trời mới mọc

Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên

dâng lên.

Ôi đích thực hôm nay trời có mặt

Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

nhìn nhau: tình huynh đệ bao la

Nam Mô Ðức Phật Di Ðà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

bước ra ngồi nhập định hướng về Tây

gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ

Phật pháp chẳng rời tay.

Sáu ngả luân hồi đâu đó

mang mang cùng nín thở

tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay.

Không khí vận mình theo, khóc òa lên nổi gió

Người siêu thăng... giông bão lắng từ đây

bóng người vượt chín từng mây

nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Ðề

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

Rồi đây... rồi mai sau... còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với thời gian, lê vết máu qua đi

– Còn mãi chứ, còn trái tim bồ tát

dội hào quang xuống tận chốn A Tỳ

Ôi ngọn lửa huyền vi

Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác

Từ cõi vô minh

Hướng về cực lạc

Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác

và cũng chỉ nguyện được là rơm rác

thơ cháy lên theo với lời kinh

Tụng cho nhân loại hòa bình

Trước sau bền vững tình huynh đệ này...

Thổn thức nghe lòng trái đất

Mong thành quả phúc về Cây

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật

Ðồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

Ngày 16 tháng 6 Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ký Thông Cáo Chung chấp thuận 5 nguyện vọng của Phật Giáo. Năm nguyện vọng rất khiêm tốn. Thế mà:

Ngày 26 tháng 6, cố vấn chính trị Ngô Ðình Nhu, thủ lãnh Thanh Niên Cọng Hòa, gửi tài liệu cho tổ chức Thanh Niên Cọng Hòa chống Thông Cáo Chung. Bà Ngô Ðình Nhu, dân biểu quốc hội, thủ lãnh Liên Ðới Phụ Nữ cũng gửi tài liệu cho tổ chức Liên Ðới Phụ Nữ chống Thông Cáo Chung.

Ngày 23 tháng 7 một cuộc biểu tình của khoảng 100 thương phế binh do chính phủ tổ chức trước chùa Xá Lợi chống Thông Cáo Chung, trong khi Bộ Trưởng Công Dân Vụ Ngô trọng Hiếu cho 300 cán bộ cạo trọc đầu giả làm tăng sĩ đi quyên tiền, đặt may cờ Giải Phóng Miền Nam để vu cáo Phật Giáo bị cọng sản xâm nhập, tiếp tay với cọng sản!

Tăng Ni và tín đồ Phật Tử quá thất vọng, không ngờ chính quyền lại có thể làm những điều như vậy. Họ không biết làm gì hơn ngoài việc đem thân xác mình để cảnh tỉnh chính quyền. Nhiều vụ tự thiêu khắp nơi xảy ra: tại Sài Gòn, Nha Trang, Huế.

Quần chúng, trí thức, sinh viên, chính khách, nhân sĩ... không thể chấp nhận những hành động vu khống, mạ lị, đàn áp bất công nên:

– Ngày 16 tháng 8, 1963, chợ búa, trường học, xí nghiệp, công tư sở đều bãi công. Giới chức Ðại Học Huế đồng loạt từ chức.

– Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Trần Văn Chương từ chức.

– Phu nhân đại sứ Trần Văn Chương, Ðại Diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc từ chức.

– Ngày 14 tháng Tám, 15,000 giáo sĩ của các Giáo Hội Cơ Ðốc tại Hoa Kỳ, mỗi người đã gửi thư đến Tổng Thống Kennedy yêu cầu chấm dứt viện trợ cho chính phủ Ngô Ðình Diệm.

– Tờ New York Times ngày 19-7-1963 đã so sánh tình trạng chính phủ Ngô Ðình Diệm với tình trạng chính phủ Lý Thừa Vãn tại Hán Thành trong những ngày suy tàn với lời bình luận: Nhưng “có lẽ khác với Lý Thừa Vãn, ông Diệm có thể vượt qua cơn sóng gió, nhưng cách giải quyết vấn đề của ông bằng lối đàn áp hơn là làm dịu nỗi đau khổ của Phật Giáo đồ khiến người ta phải nghi ngờ không biết ông có thể vượt qua được không?”

Linh Mục Lê Quang Oánh đã gửi bức thư cho Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và Thượng Tọa Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Việt Nam với lời lẽ sau:

Kính thưa quí vị,

Chúng tôi, linh mục Lê Quang Oánh, nhân danh khối giáo sĩ Ðồng Tâm, cùng đại diện các đoàn thể khác của chúng tôi, kính gửi đôi lời huyết lệ như sau:

Rất đau buồn cho thế đạo nhân tâm. Xin kính cẩn phân ưu cùng quí vị và các quí Phật Tử trong cuộc tang thương vào dịp lễ Phật Ðản năm nay ở cố đô Huế, tán đồng quan điểm tranh đấu cho “tín ngưỡng tự do”.

Không đào ngũ, chẳng yếu hèn, kìa dưới quốc kỳ Việt Nam bao chiến sĩ anh hùng ta hy sinh trên khắp ngả đường đất nước. Tinh thần ái quốc ấy từ lâu đã được hun đúc bởi tinh hoa của các tôn giáo tự nhiên và siêu nhiên.

Xin nghiêng mình mặc niệm các linh hồn tử sĩ, chia buồn với gia đình họ và an ủi các nạn nhân trong cược đổ máu này.

Chúng tôi lên án “tội bất công” đã giết hại đồng bào vô tội. Thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục cho quốc thể Việt Nam, một nước văn hiến trên bốn nghìn năm lịch sử.

Dám cả quyết rằng “nhân nghĩa” sẽ thắng. Những màu cờ tượng trưng cho công bằng, bác ái, nhân đạo và hòa bình như quốc kỳ Vatican, hội kỳ Hồng Thập Tự, đạo kỳ Phật Giáo, thánh kỳ Maria vẫn còn mãi mãi tung bay trên đất Việt thân yêu và khắp toàn cầu, mặc dù có xàm ngôn xuẩn động xúc phạm tinh thần phúc âm mà đức Giáo Hoàng đã diễn đạt trong thông điệp Hòa Bình Thế Giới, một văn kiện rất thời danh.

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, khi tiếp phái đoàn Phật Giáo Nhật Bản, ngài đã nói với 19 vị Thượng tọa rằng Công Giáo và Phật Giáo chúng ta đều phụng sự cho Hòa Bình”.

Trên Hồ Than Thở Ðà Lạt ngày 12-5-1963

Ðại diện ký tên:

Linh mục G.M. Lê Quang Oánh, Linh mục T. Võ Quang Thiêng, nữ sinh M. Ngọc Lan Hương, lao công A. Hùng Trí Siêu, thân hào Thanh Lục, tu sĩ P. Viên Tô Tư, giáo hữu B. Huỳnh Phú Sỹ, thanh niên V. Leo Kim Chi, nhân sĩ Ðèo Văn Hộ.

Nơi nhận:

– Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

– Thượng Tọa Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Việt Nam.

– Sao kính gửi: Ðức Khâm Sứ và các Linh mục Công Giáo.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng ấy, Tổng Trị Sự Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo nhận định rất rõ điều bội ước đó nên ngày 26 tháng 6, 1963 Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã gửi cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm một bức thư mang số 109 THPG/HC để trình bày mối nguy cơ trong việc chính phủ đã không thực thi đứng đắn Bản Thông Cáo Chung.

“Thế nhưng chính quyền Ngô Ðình Diệm không những làm ngơ mà còn còn có những hành động bội ước nhiều hơn nữa”:

– Ngày 20-8-1963 Lực Lượng Cảnh Sát Ðặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi tại Sài Gòn và các chùa khác trên toàn quốc.

– Ngày 21 tháng 8 chính phủ ban bố lệnh thiết quân luật khắp nước.

– Chính phủ thành lập Phật Giáo Cổ Sơn Môn, Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy chống lại Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, gửi thư sang Tích Lan buộc tội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam làm chính trị muốn lật đổ chính quyền hợp pháp.

Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng Y Khoa Sài Gòn từ chức. Sinh viên, học sinh toàn quốc đứng lên biểu tình chống đối hành động ngoan cố của chính phủ. Chư tăng ni tiếp tục tự thiêu bảo vệ chánh pháp.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Do đó mà Tổng Trị Sự và Ủy Ban Liên Phái đã phát động cuộc tranh đấu lần thứ hai nhằm yêu cầu chính phủ thực thi đứng đắn Bản Thông Cáo Chung.

“Lần này, tôi được Ban Lãnh Ðạo cử về chùa Diệu Ðế để tiếp tục lãnh đạo cuộc tranh đấu ở đây... Tôi về chùa Diệu Ðế với bao nhiêu công việc cấp bách phải làm: Tổ chức các buổi nói chuyện của Thượng Tọa Thiện Minh, của Ðại Ðức Chánh Lạc v.v... nhằm giải thích cho Phật Giáo đồ hiểu rõ đường lối đấu tranh của Phật Giáo trong giai đoạn hai này.”

Chùa Diệu Ðế cả ngày lẫn đêm tấp nập đầy người. Không khí đấu tranh sôi sùng sục. Ðoàn viên Gia Ðình Phật Tử ngoài công tác giữ gìn trật tự, còn có bổn phận thường xuyên túc trực bên cạnh Hòa Thượng. Họ lo bảo vệ tính mạng Hòa Thượng còn hơn tánh mạng của họ. Tinh thần hộ trì Tam Bảo của anh em trong Gia Ðình Phật Tử đáng được đề cao. Nhưng rồi vẫn không tránh được tai họa:

Vào khoảng 12 giờ đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chùa Diệu Ðế cũng như những chùa lớn khác trên toàn quốc đã bị lực lượng quân đội và cảnh sát của chính quyền Ngô Ðình Diệm tấn công. Họ ném lựu đạn cay, bắn nhiều loại súng để xua đuổi đồng bào Phật Tử đang bao vây bên trong và bên ngoài chùa. Họ tiến đến đâu thì ở đó ngổn ngang như bãi chiến trường.

Hòa Thượng Ðôn Hậu sợ Phật Tử phản ứng bạo động, nên bước ra giữa chánh điện, không quản nguy hiểm, nói với Phật Tử, với anh em trong Gia Ðình Phật Tử: “Tất cả Phật Tử nghe tôi. Hãy chấp tay cầu nguyện. Không được bạo động. Hãy ghi nhớ lời dặn dò của Hòa Thượng Hội Chủ là luôn luôn bất bạo động. Tôi sẽ thay mặt Giáo Hội nói chuyện với nhân viên chính quyền.”

Chính quyền dùng nhiều mưu mô, thủ đoạn, không chính nhân quân tử một tí nào. Trên Những Chặng Ðường ghi: “Một viên trung tá bước tới gần tôi, ngỏ lời mời tôi vào Sài Gòn để tiếp kiến Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Tôi biết họ muốn bắt tôi. Dầu có cưỡng lại cũng không đi đến đâu. Tôi để ông trung tá đưa tôi ra xe. Thế là tôi bị bắt, bị giải đi. Họ không ngần ngại nói những lời phỉnh gạt.

“Tôi bị đưa về Ty Công An Huế, bị biệt giam hai ngày trong một ngôi nhà vắng người. Ðến ngày thứ ba họ dẫn tôi đến giam chung với quí vị Thượng Tọa Lãnh Ðạo cuộc tranh đấu như Thượng Tọa Trí Thủ, Thượng Tọa Mật Hiển, Thượng Tọa Mật Nguyện, Thượng Tọa Thiện Siêu, Thượng Tọa Thiện Minh, Thượng Tọa Chánh Trực, nhưng vẫn giam mỗi người trong một căn phòng nhỏ để thẩm vấn.

“Tôi bị gọi đi thẩm vấn vào đêm khuya, vì chung quanh hoàn toàn im lặng, Viên thẩm vấn suốt trong hai giờ đồng hồ cố gài tôi, muốn tôi thú nhận là Phật Giáo đấu tranh trong giai đoạn hai là cố lật đổ chính phủ chứ không phải vì tự do, bình đẳng tôn giáo. Tôi nói với viên thẩm vấn là Phật Giáo tiếp tục đấu tranh sau Thông Cáo Chung vì chính quyền không tôn trọng những lời cam kết, không tôn trọng Thông Cáo Chung chứ không vì muốn lật đổ chính quyền. Mục tiêu của chúng tôi trước sau như một. Những điều chúng tôi đòi hỏi hết sức khiêm nhường, không biết tại sao chính phủ không thỏa mãn được. Tại sao hứa rồi thay đổi ý kiến. Tại sao ký rồi không thi hành?

“Ba ngày đêm tôi bị thẩm vấn liên tục. Tôi bắt đầu thấy mệt mỏi. Ðến ngày thứ tư, có một anh khác, trông mặt mày có vẻ thiện cảm hơn, ăn nói lịch sự hơn đến mời tôi ra khỏi phòng giam, nói tôi được nghỉ một hôm và nói muốn hỏi tôi vài điều về giáo lý Phật.

“Tôi nói điều gì thì tôi không biết chứ giáo lý Phật tôi có học một ít và thỉnh thoảng cũng hay đi giảng.

“Anh ấy nói: Tôi nghe trong đạo Phật thường nói đến thuyết luân hồi. Con người chết đi rồi dầu thai thành con trâu, con chó... sao khó tin quá. Thượng Tọa có thể giải thích cho tôi nghe được không?

– Anh có tin con người chết là hết, hoàn toàn mất hẳn?

– Tôi không tin con người chết đi là mất hẳn, nhưng cũng không tin sẽ thành trâu, thành chó.

Tôi cảm thấy như mình đang đi giảng trả lời câu hỏi của thính chúng thay vì kẻ đang bị giam trong tù, nên nói: Chà, nói chuyện này thì hơi dài dòng đó. Ðể cho dễ hiểu, tôi xin kể cho anh nghe một câu chuyện rồi sẽ giải thích sau: Có gia đình ông A nọ đang quay quần vui vẻ với vợ con trong ngày Tết thì có người khách đến chơi mời ông đi đến quán nhậu và sòng cờ bạc ăn thua lớn ở bên phố Trần Hưng Ðạo. Anh B con ông A nghe vậy nghĩ mình có thể qua đó thử thời vận, kiếm năm ba nghìn về ăn Tết. Anh vội vàng mở tủ lấy ít tiền, phóng xe đến sòng bạc. Ðến xế chiều, ăn thua thế nào không biết chỉ thấy anh B say mèm, nằm trên hè phố trước sòng bạc, mặc cho người qua kẻ lại. Tôi xin chấm dứt câu chuyện ngang đó, để chiêm nghiệm một số dữ kiện. Ðộng cơ nào thúc đẩy anh B để anh phải chịu thảm cảnh ấy? Có phải vì lòng dạ tham lam, ưa ăn nhậu và bài bạc của anh gây nên nông nỗi? Trong khi đó, với người ngoan đạo như anh, anh đi đến nhà thờ, xin rửa tội, học hỏi các hạnh lành, cầu nguyện cho mọi người sống trong yêu thương và thánh thiện. Ðộng lực nào thúc đẩy anh như vậy? Phải chăng do tư tưởng tốt lành mà anh đã học được từ lời dạy của Chúa? Ðạo Phật chúng tôi quan niệm trong đời sống con người, mọi sự khổ, vui, thăng trầm, thanh cao, nhục nhã... đều do tư tưởng, ý niệm hướng dẫn. Cho nên người nào hàng ngày sống với tâm hồn lang thú, hành động độc ác, ích kỷ tham lam, thì chắc chắn sau khi chết, sẽ không hoàn toàn mất hẳn như anh thừa nhận, họ sẽ đồng hóa với súc sinh, ngạ quỉ. Cho dù hiện tại họ đang mang thân người, nhưng họ lại sống và hành động theo thú tính, thì chẳng qua họ là loài lang thú đang đội lốt người không hơn không kém. Còn ngược lại, người nào mà hàng ngày họ sợ điều ác, sợ tội lỗi, sống với tâm hồn thanh cao, thánh thiện thì chắc chắn cuộc đời của họ được thăng hoa. Tuy mang thân người mà họ đã sống đời tiên giới. Do đó con người có thể lên Thiên Ðường hay làm thân trâu chó, không có gì khó hiểu.

Anh ta im lặng ngồi nghe, không nói một lời”.

Tại Sài Gòn cũng như trên toàn Miền Nam Việt Nam dưới quyền cai trị của chính quyền Ngô Ðình Diệm, các ngôi chùa làm căn cứ cho cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo đều bị chung số phận như các chùa tại Huế và quí thầy, quí Phật Tử ở các nơi khác cũng bị bắt bớ, giam cầm.

Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III, tr. 404-406 viết: “Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tại chùa Xá Lợi được mật báo về cuộc tấn công chùa chiền vào lúc 5 giờ chiều ngày 20-8-1963. Một buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Liên Phái được tổ chức ngay sau đó để bàn định kế hoạch đối phó với cuộc tấn công này mà các vị lãnh đạo cho là lá bài chót của chế độ. Sau buổi lễ Phật vào 8:30 tối, các Phật Tử đến hành lễ tại chùa Xá Lợi, được yêu cầu ra về vào lúc 9 giờ thay vì 11:00 giờ như thường lệ. Vào khoảng 10 giờ đêm thì cảnh chùa đã trở lại yên tĩnh. Tam quan chùa và các cửa hông chùa đều được đóng lại kỹ lưỡng. Ðèn ngoài sân chùa đều được để sáng chứ không tắt như mọi hôm. Các Tiểu Ban của Ủy Ban Liên Phái vẫn im lặng làm việc. Một số thanh niên tăng ngồi canh gác sau các cổng chùa. Vào lúc 15 phút sau nửa đêm, Ủy Ban Liên Phái nhận được một tin nữa bằng điện thoại, do một người không xưng danh tin cho biết chùa Xá Lợi sắp bị tấn công và các vị lãnh đạo Phật Giáo sẽ bị bắt cóc. Tất cả Tăng Ni trong chùa đều im lặng niệm Phật để chờ đợi.

Ðúng ba mươi phút sau nửa đêm, một hồi còi rú lên phía ngoài và xe cảnh sát đổ đến vây quanh chùa. Khoảng 200 người của Lực Lượng Ðặc Biệt ào tới tấn công chùa. Giây điện thoại và giây đèn bị cắt đứt. Các vị lãnh đạo cao cấp của Phật Giáo lúc này đã rút lên chánh điện, bao bọc bởi chư tăng ni. Một số thanh niên tăng trấn ở cầu thang để ngăn không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các bậc trưởng thượng của họ. Những cuộc đập phá đã bắt đầu. Bàn thờ thiền sư Quảng Ðức bị lật đổ, các cánh cửa và hương đài bị đập phá. Một số chư tăng đánh trống và dộng chuông để báo hiệu nguy cấp cho dân cư trong khu phố. Nhiều vị sư khác gõ vào bất cứ thứ gì có thể tạo nên âm thanh để góp phần vào việc báo hiệu.

Sau khi phá phách bên dưới xong xuôi những người tấn công bắt đầu leo lên thượng điện. Tại đây, thanh niên tăng đã chất ghế và bàn đầy cầu thang khiến họ không tiến lên ngay được. Những người tấn công tung lựu đạn cay lên. Bị khói cay, các tăng ni ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Họ dùng khăn ướt bịt mặt lại và tiếp tục liệng thêm bàn ghế xuống để chận đường cầu thang. Thanh niên tăng cầm cự được khoảng gần một giờ rưỡi thì kiệt sức. Nhiều vị ngã lăn bất tỉnh. Lựu đạn cay ném lên chánh điện nhiều quá khiến họ không còn không khí để thở. Áo quần họ cháy xém. Những người tấn công đã lên tới chánh điện, dùng súng và lưỡi lê dồn tất cả tăng ni vào một góc. Họ còng tay từng người rồi dẫn ra trước sân thượng điện. Những ai kháng cự đều bị đánh đập không nương tay. Những người mệt mỏi không đi nhanh đều bị họ tống bằng súng vào lưng. Nhiều tăng ni mặt mày bị dập, máu tuôn ướt áo.

Trong khi đó, một số trong những người tấn công đi lục soát các phòng ốc khác trong chùa. Họ phá cửa một căn phòng khóa kín trên tăng xá và tìm thấy gần mười vị thiền sư đang tĩnh tọa. Ðại lão thiền sư Tịnh Khiết có mặt trong số người này. Ông bị những người tấn công xô ngã sấp và bị một vết thương nơi mắt trái.

Trong lúc cuộc đàn áp đang diễn ra trên thượng điện, một số tăng sĩ ở bên dưới tìm cách leo lên bức tường sau chùa Xá Lợi để thoát ra ngoài. Bốn vị trong số đó bị bắn rơi trở lại dưới chân tường. Hai vị trèo thoát được sang địa phận của cơ quan USOM của Hoa Kỳ và xin tị nạn ở đấy.

Ngót hai trăm năm mươi vị tăng ni bị bắt. Những người tấn công được lệnh áp giải các thiền sư Tịnh Khiết, Tâm Châu, Thiện Minh, Quảng Ðộ, Giác Ðức và các vị quan trọng khác trong Ủy Ban Liên Phái đi trước. Các tăng ni khác được lần lượt áp giải ra xe. Năm chiếc xe cam nhông lớn chất đầy các vị tăng ni, người thì bị thương, người còn bất tỉnh, rời chùa Xá Lợi. Cuộc tấn công chùa chấm dứt vào lúc 2 giờ 15 sáng ngày 21-8-1963.

Chùa Xá Lợi bị tàn phá tan hoang. Tượng Phật Thích Ca tại chánh điện cũng bị xâm phạm. Những người tấn công đã móc mắt tượng Phật để chiếm lấy hai hạt kim cương trong hai mắt tượng.

... Số lượng tăng ni và các cư sĩ toàn quốc bị bắt nhốt đêm đó, theo tài liệu của chính quyền là 1,400 vị nhưng có thể cao hơn”.

Tối hôm 25-8-1963 tại Huế, sau khi chùa Diệu Ðế bị tấn công đêm 20 rạng 21-8-1963, Hòa Thượng Ðôn Hậu bị bắt giam, bị tiếp tục kêu lên thẩm vấn hết đêm này đến đêm khác. Thân thể bạc nhược, đầu óc căng thẳng. Trong lần thẩm vấn kế tiếp, viên thẩm vấn nói nếu Hòa Thượng chịu nhận Phật Giáo đấu tranh đợt hai với mục đích lật đổ chính phủ và nếu Hòa Thượng đồng ý tham gia vào tổ chức Phật Giáo Thuần Túy do Hòa Thượng Nhật Minh vừa mới thành lập tại Sài Gòn để chỉnh đốn lại Phật Giáo thì Hòa Thượng được trả tự do ngay.

Nghe vậy trong đầu Hòa Thượng nảy ra ý nghĩ: Với tình trạng Phật Giáo như thế này, chùa chiền bị phong tỏa, chư tăng ni Phật tử bị bắt bớ giam cầm, nếu ngồi yên trong tù thì không giải quyết được việc gì cả. Tại sao không noi gương Hòa Thượng Quảng Ðức, hiến nhục thân cho Ðạo Pháp, làm cây đuốc soi đường cho những tâm hồn đen tối. Nhưng muốn thực hiện đại nguyện này thì phải kiếm cách ra khỏi nhà giam. Suy nghĩ cặn kẽ, Hòa Thượng quyết tâm chấp nhận hai điều kiện viên thẩm vấn đưa ra.

Từ đó Hòa Thượng được chính quyền ưu đãi, ưa gì được nấy. Hòa Thượng được đi thăm các chùa Diệu Ðế nơi Hòa Thượng bị bắt. Rồi lần lượt đi thăm chùa Linh Mụ, Báo Quốc, Từ Ðàm... Hòa Thượng đi thăm để xem xét tình hình.

Ngày 2 tháng 8 Âm Lịch tức ngày 19-9-1963 Hòa Thượng được ông Tỉnh Trưởng mời đến Tỉnh Ðường để gặp. Ông Tỉnh Trưởng cho biết ông ta cũng như quí vị trong chính phủ bấy lâu biết Hòa Thượng là nhà tu hành chân chính, được Phật Giáo đồ toàn quốc hâm mộ. Chính phủ muốn mời Hòa Thượng giúp chính phủ một việc.

Hòa Thượng tỏ vẻ ngạc nhiên, mở to mắt nhìn ông Tỉnh Trưởng. Trên Những Chặng Ðường ghi: “Thưa ông Tỉnh Trưởng, lời nói vừa rồi của ông Tỉnh Trưởng làm cho tôi khó nghĩ vì tôi là người tu hành, suốt đời ngoài việc tu học và giảng đạo tôi không biết gì về chính trị thì làm sao có thể giúp chính phủ được điều gì?

“Ông Tỉnh Trưởng nói: Thầy có tài diễn giảng. Chính phủ chỉ nhờ thầy làm công việc diễn giảng không mà thôi.

“Diễn giảng như thế nào? tôi hỏi

“Dễ thôi, ông Tỉnh Trưởng trả lời. Chính phủ nhờ thầy lên diễn đàng nói cho quần chúng Phật Tử hay là chủ trương, đường lối của chính phủ đối với Phật Giáo là hoàn toàn xây dựng. Những lời tuyên truyền xuyên tạc của một số người bất hảo cho chính phủ kỳ thị, đàn áp Phật Giáo là hoàn toàn sai lầm, có ác ý.

“Thưa ông Tỉnh Trưởng, như trong biên bản tôi đã ký, tôi hứa từ rày về sau tôi sẽ không tham gia bất cứ một công việc gì có mang tính chính trị. Bây giờ ông Tỉnh Trưởng lại bảo tôi giải thích đường lối, chính sách của chính phủ, một lãnh vực chính trị tôi không mấy am tường và đi ngược lời cam kết của tôi. Xin ông Tỉnh Trưởng miễn cho.

“Ông Tỉnh Trưởng đổi giọng, lớn tiếng: Tốt lắm, tốt lắm! Thầy nói thầy không hề tham gia vào việc chính trị, nhưng thầy lại cho đặt 7 cái loa phóng thanh tại chùa Diệu Ðế liên tục chưởi bới chính phủ. Giờ đây tôi chỉ nhờ thầy giải thích đường lối chính phủ thầy lại từ chối cho là làm chính trị.

“Thấy ông Tỉnh Trưởng to tiếng có vẻ giận dữ, tôi nhớ ý định của mình là mong sớm được ra khỏi nhà giam để noi theo gương ngài Quảng Ðức nên tôi chấp thuận, mạnh dạn trả lời: Thôi được, tôi sẽ làm theo lời yêu cầu của ông Tỉnh Trưởng.

“Ông Tỉnh Trưởng thay đổi sắc mặt, vui vẻ nói: Ừ, có thế chứ! Người ta nói thầy là bậc chân tu, chẳng sai chút nào. Ðể xem thử hôm nay là ngày mồng hai... Ngày mồng bốn là ngày tốt. Thôi thầy hãy trở về phòng, làm hai tờ cam kết theo sự chỉ dẫn của người tôi gửi đến, sáng mồng bốn tức là ngày 21 tháng 9, 1963, sau khi nộp xong hai tờ cam kết tôi sẽ cho xe đưa thầy về chùa.

“Thưa ông Tỉnh Trưởng, tôi quên thưa với ông Tỉnh Trưởng một điều. Theo giới luật nhà Phật, chúng tôi, hàng tu sĩ, muốn làm việc gì cũng phải tuân theo qui luật nhà Phật, theo ý kiến của Tăng Già. Do đó tôi mong ông Tỉnh Trưởng cho phóng thích quí thầy để tôi trình bày công việc xin quyết định của họ Tôi tin rằng họ sẽ hoan hỷ cho tôi trình bày quan điểm của chính quyền trong những buổi giảng công cọng của tôi.

“Ông Tỉnh Trưởng gật đầu. Thế là sáng hôm sau, ngày 22 tháng 9, 1963 tôi và các Thượng Tọa Thiện Siêu, Chánh Trực cùng được thả ra một ngày. Quí Thượng Tọa Mật Hiển, Mật Nguyện bị đưa vào Sài Gòn, ép tham gia vào Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy. Riêng hai Thượng Tọa Trí Thủ và Thiện Minh còn bị giữ lại, đến hôm sau cũng bị đưa đi Sài Gòn.

“Sau khi được thả, tôi về Từ Ðàm. Chính quyền địa phương không cho tôi ở Từ Ðàm lấy cớ thẻ kiểm tra của tôi ghi địa chỉ chùa Linh Quang, nên tôi phải đến cư trú tại chùa Linh Quang. Hôm sau tôi cho người về chùa Linh Mụ lấy mấy tấm phim dạ dày do bác sĩ Lý Hồng Chương chụp tại Sài Gòn cách đây mấy năm, đồng thời tôi cho người xuống bệnh viện Ngô Quyền xin một phòng cho tôi đến nằm chữa bệnh. Nằm được một hôm, tôi liền xúc tiến ý định tự thiêu. Tôi cho người mời Ni Sư Thể Quán và Ni Sư Cát Tường về để tôi bàn công chuyện. Khi hai ni sư đến, tôi nói ngay ý định của mình:

“Chắc hai ni sư biết từ khi tôi được đi học ở chùa Thập Tháp, Bình Ðịnh cho đến nay đã trên 30 năm. Trước sau tôi chỉ một lòng chăm lo đạo pháp. Bây giờ đạo pháp ở trong vòng nguy khốn, tôi thấy cần phải làm việc gì để thức tỉnh nhân tâm, cứu nguy đạo pháp. Tôi muốn theo gương Hòa Thượng Thích Quảng Ðức, cúng dường nhục thân cầu Phật Pháp trường tồn.

“Nghe tôi nói như thế, sắc mặt hai ni sư đổi sắc. Nhưng tôi vẫn nói tiếp: Nhưng muốn thực hiện ý nguyện đó, trước khi châm lửa tự thiêu, tôi phải viết bốn bức thư. Bức thư thứ nhất gửi cho Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam để xin phép cho tôi được toại nguyện, Bức thư thứ hai gửi cám ơn Tăng Ni Phật Tử, các bậc thiện hữu tri thức, đàn na thí chủ đã giúp đỡ tôi trong đời tu học. Bức thư thứ ba gửi cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật Giáo, đồng thời yêu cầu Tổng Thống trả tự do cho Tăng Ni, Phật Tử hiện đang bị giam giữ. Bức thư thứ tư gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu can thiệp với chính phủ Ngô Ðình Diệm chấm dứt chính sách kỳ thị, ngược đãi Phật Giáo.

“Về việc viết bốn bức thư này, tôi thấy tuy hiện nay tinh thần tôi vẫn còn minh mẫn, nhưng sức khỏe quá yếu, nên tôi nhờ ni sư Thể Quán viết giúp và tìm mọi cách gửi đến những nơi tôi muốn gửi.

Ni sư Thể Quán với nét mặt buồn bã, thưa: Bạch Thượng Tọa, trong khi Thượng Tọa bị giam giữ, chúng con nghe Thượng Tọa đã cấu kết, hứa hẹn gì với công an, chúng con rất buồn, không ngờ Thượng Tọa lại có hành động như vậy. Nhưng giờ đây nghe ý nguyện cao cả của Thượng Tọa, chúng con mới bừng tỉnh. Chúng con xin thành tâm đảnh lễ sám hối, mong Thượng Tọa tha thứ cho ý niệm sai lầm về Thượng Tọa. Chúng con xin thành tâm đảnh lễ tán thán đức hy sinh cao cả của Thượng Tọa đối với đạo pháp, nhưng thành khẩn mong Thượng Tọa xét lại. Tương lai Phật Giáo còn mờ mịt quá. Công cuộc đấu tranh chưa biết khi nào chấm dứt. Nếu quí Thượng Tọa Trí Quang, Thiện Minh, Trí Thủ, Thiện Hoa, Tâm Châu có mệnh hệ nào thì ai đứng ra gánh vác trọng trách hướng dẫn trong khi Thượng Tọa theo gương hy sinh của Hòa Thượng Quảng Ðức? Tâm nguyện của Thượng Tọa thật cao cả, chúng con vô vàn bái phục, nhưng con thuyền Phật Giáo cần những tay lái vững vàng. Vài ngày lại đây Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy sẽ ra Huế và các nơi khác. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng sẽ đến Việt Nam điều tra sự việc. Sự có mặt của Thượng Tọa rất cần thiết. Cần thiết hơn sự ra đi của Thượng Tọa. Mong Thượng Tọa suy xét lại cho”.

Lời trình bày của Ni Sư Thể Quán rất tha thiết, chí tình, chí lý. Hòa Thượng không có cách nào hơn, đành chấp nhận lời thỉnh cầu của Ni Sư. Sau khi hai Ni Sư ra về, Hòa Thượng nhờ ông Giám Ðốc Bệnh Viện Ngô Quyền gọi điện thoại báo tin cho ông Tỉnh Trưởng biết Hòa Thượng đang nằm tại bệnh viện chữa trị bệnh đau dạ dày.

Ngày 6 tháng 9 Âm Lịch, tức là ngày 22 tháng 10, 1963, theo lời Hòa Thượng cho biết ông Chánh Văn Phòng tòa Tỉnh Trưởng Thừa Thiên đến bệnh viện thăm Hòa Thượng. Gọi là thăm nhưng thực ra là đến xem thực hư như thế nào. Hòa Thượng đưa 10 tấm phim chụp về dạ dày của Hòa Thượng cho ông Chánh Văn Phòng xem, nhờ ông Chánh Văn Phòng thưa lại với ông Tỉnh Trưởng là Hòa Thượng với bệnh tình như vậy chưa có thể thực hiện lời cam kết đi diễn thuyết trình bày đường lối của chính phủ đối với Phật Giáo, đợi sau khi chữa trị xong sẽ hay.

Vài hôm sau Hòa Thượng nhận được thư của ông Tỉnh Trưởng mời đến chùa Diệu Ðế để đón tiếp phái đoàn Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy từ Sài Gòn ra thăm, đồng thời dự bữa cơm chay do Tòa Tỉnh tổ chức. Hòa Thượng gọi điện thoại cám ơn ông Tỉnh Trưởng xin phép vắng mặt vì bệnh tình chưa cho phép.

Hòa Thượng dầu nằm tại bệnh viện cũng được biết phái đoàn Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy sẽ làm lễ ra mắt tại chùa từ Ðàm, nên Hòa Thượng viết thư cho Ni Sư Thể Quán và Cát Tường đến hầu quí Ôn Thuyền Tôn, Tây Thiên, Vạn Phước xin quí Ôn không nên đến dự lễ ra mắt của Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy và cũng không nên ký tên vào tờ hiệu triệu của Ủy Ban này.

Thượng Tọa Thiện Siêu cho biết phái đoàn Phật Giáo Thuần Túy đến chùa Từ Ðàm, sân chùa không ai quét dọn, cỏ dại từ sau đêm chùa bị tấn công, đã mọc um tùm, lấp cả lối đi. Trong giảng đường, bàn ghế đổ ngổn ngang không ai buồn dọn dẹp. Trên phương trượng thì chỉ có một mình Thượng Tọa Thiện Siêu, dưới bếp thì chỉ có chú Phong, một người đàn ông chậm chạp, lờ đờ, được thuê đến để phụ giúp cơm nước trong mấy ngày phái đoàn ở lại chùa.

Phái đoàn được Thượng Tọa Thiện Siêu tiếp ở Nhà Thiền, ngồi trên bộ bàn ghế đã bị hư hỏng, xiêu vẹo vì cái đêm lịch sử 20-8-1963 vừa qua. Sau khi phân ngôi chủ khách, Thượng Tọa Thiện Siêu gọi pha nước, thì người đàn ông dưới bếp bưng lên một khay nước mà ai thấy chắc cũng phải mủi lòng, vì cái khay đã không còn nguyên vẹn là cái khay nữa, nó đã bị méo mó, sức mẻ nhiều chỗ. Cái bình trà thì đã sứt mất cái vòi, ba chén nước thì hai cái sứt quai, một cái mẻ miệng. Hai chiếc chiếu, cái mền, hai chiếc gối không biết chú Phong mượn ở đâu về cho phái đoàn ngủ, không mấy tươm tất. Ðến bữa cơm trưa, chú Phong cũng dọn cơm nước đàng hoàng, nhưng trên mâm cơm chỉ có một đĩa rau khoai luộc và một chén tương. Thật quá đạm bạc nhưng không biết làm sao. Mọi sự đều thiếu thốn. Không có Phật Tử đến giúp việc sợ bị công an tình nghi, theo dõi.

Thượng Tọa Thiện Siêu lúc bấy giờ là Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên. Thượng Tọa phải ký tên vào tờ hiệu triệu của Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy. Còn Thượng Tọa Chánh Trực thì có nhiệm vụ đi đến các Khuôn Hội, Chi Hội mời Phật Tử đến chùa Từ Ðàm tham dự lễ ra mắt của Ủy Ban Phật Giáo Thuần Túy. Tuy nhiên mỗi lần đến Chi Hội, Khuôn Hội nào Thượng Tọa cũng khuyên họ không nên đến tham dự lễ ra mắt. Thế nhưng đến ngày lễ ra mắt vẫn đông Phật tử tham dự vì chính quyền đã bắt những Phật Tử bị nhốt trong lao đến chùa dự lễ. Xong lễ họ lại được dẫn về trả lại cho nhà lao.

Sau lễ ra mắt tại Thừa Thiên, phái đoàn ra Quảng Trị dự lễ ra mắt tại chùa Tỉnh Hội Quảng Trị. Trước khi phái đoàn ra Quảng Trị, ông Hội Trưởng Hội Phật Giáo Tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Triển đã vào Huế gặp Hòa Thượng Ðôn Hậu đang điều trị tại bệnh viện Ngô Quyền để xin chỉ thị. Hòa Thượng đề nghị ông Hội Trưởng nên gặp Thượng Tọa Chánh Trực để xin ý kiến.

Sau hai buổi lễ ra mắt tại Thừa Thiên và Quảng Trị, Trưởng phái đoàn Phật Giáo Thuần Tùy, Thượng Tọa Thích Nhật Minh trở về chùa Từ Ðàm than vãn với Thượng Tọa Thiện Siêu về tình hình Phật Giáo tại miền Trung.

Trong khi phái đoàn còn lưu trú tại chùa Từ Ðàm, Hòa Thượng nhờ người lên mời phái đoàn về bệnh viện để Hòa Thượng được thăm viếng. Khi phái đoàn đến bệnh viện, vào phòng thăm Hòa Thượng, vì phòng chật nên anh mật vụ đi theo phải ở ngoài phòng. Anh đi lui đi tới quan sát tình hình.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Sau khi mời phái đoàn ngồi xong, tôi tỏ lời lấy làm tiếc không đến dự lễ ra mắt của phái đoàn và cám ơn quí Thượng Tọa đã nhận lời đến thăm tôi tại bệnh viện... Nghỉ một hồi, tôi nói tiếp:

“Nhưng thưa quí Thượng Tọa, trong khi Phật Giáo chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh vô vàn điêu đứng như thế này mà có một tổ chức Phật Giáo ra đời để duy trì và phát triển đạo pháp thì rất may mắn cho Phật Giáo. Nếu công việc của tổ chức là kế thừa tổ đạo thì được Phật Giáo đồ đảnh lễ, tán dương, nếu đi ngược lại truyền thống thì sẽ đắc tội với Phật Giáo.

“Thượng Tọa Nhật Minh nói: Thượng Tọa nói gì tôi không hiểu. Tại sao trong lúc Phật Giáo lâm nguy, chúng tôi đứng ra xây dựng lại thì Thượng Tọa lại bảo đắc tội với Phật Giáo?

“Tôi cắt nghĩa: Nếu tổ chức lập ra để tiếp tay cho chính phủ âm mưu tiêu diệt Phật Giáo là có tội với Phật Giáo...”

Trong khi Hòa Thượng đang nói chuyện với Hòa Thượng Nhật Minh thì thấy bên ngoài cửa anh mật vụ đi lui đi tới có vẻ nóng ruột. Hòa Thượng ra dấu cho Hòa Thượng Nhật Minh... Hòa Thượng Nhật Minh cho biết Ủy Ban Phật Giáo Liên Hiệp Thuần Túy ra đời với mục đích duy nhất là cứu tăng ni Phật tử ra khỏi tù đày..”.

Ở trong tù đôi khi cũng gặp những trường hợp cảm động khó quên. Hòa Thượng cho biết có một hôm Hòa Thượng như thường lệ, được phép ra khỏi phòng nửa giờ để tập thể dục, làm vệ sinh... Hòa thượng đang đi lui đi tới trước cửa phòng giam thì gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi, nét mặt hiền hậu, đi ngang qua và vội vàng nhét vào tay Hòa thượng một mảnh giấy nhỏ. Hoa Thượng ngạc nhiên nhưng không nói gì, vội vào phòng đóng cửa lại rồi mở ra xem, thấy có nội dung như sau: “Thưa Thượng Tọa, con là Phật Tử Nguyên Thanh, đệ tử của Ôn Vạn Phước. Hiện con cũng đang bị giam như Thượng Tọa. Hôm 20-8-1963 con được lệnh chỉ huy một đại đội Cảnh Sát Dã Chiến đến bao vây chùa Diệu Ðế, tấn công chùa, bắt quí thầy, quí Phật Tử, đặc biệt là bắt Thượng Tọa, nhưng sau khi ra lệnh bao vây, con đã không thực hành nhiệm vụ tấn công, bắt bớ mà ngồi ngoài gốc cây nhãn ôm mặt khóc. Vì không làm tròn nhiệm vụ, con bị bắt và bị đưa đến Quảng Tín. Con bị đau nặng nên được đưa về đây chữa bệnh và cũng bị canh gác nghiêm nhặt. Con nói cho Thượng Tọa biết con rất kính trọng Thượng Tọa, hết lòng ủng hộ Thượng Tọa. Ðồng thời con cũng cho Thượng Tọa hay là hai bên phòng Thượng Tọa, ở phòng số 2 và số 4 có hai tên mật vụ được lệnh giả đau để theo dõi Thượng Tọa. Riêng về con, Thượng Tọa nếu muốn hiểu thêm về con, xin Thượng Tọa cho người gặp thầy Tâm Hướng để hỏi Nguyên Thanh là người thế nào.”

Sáng ngày 7-10-1963 tại Nữu Ước, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc mở phiên họp bàn về tình hình Việt Nam. Cũng sáng hôm ấy tại Trung Tâm Tôn Giáo trong Carnegie Hall gần trụ sở Liên Hiệp Quốc, thầy Nhất Hạnh, nhân danh Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo họp báo trình bày tình trạng nhân quyền bị vi phạm tại Việt Nam. Sau cuộc họp báo, thầy Nhất Hạnh bắt đầu tuyệt thực cho đến ngày 12-10-1963.

Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn gồm 7 người do đại sứ A Phú Hãn, ông Abdul Rahman Pazhwak cầm đầu qua Việt Nam điều tra. Phái đoàn rời Nữu Ước ngày 21-10-1963, đến phi cảng Tân Sơn Nhất vào nửa đêm rạng ngày 24-10-1963.

Nghe tin phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ đến Việt Nam điều tra sự việc. Hòa Thượng Ðôn Hậu lên chùa Từ Ðàm gặp Hòa Thượng Mật Nguyện, Thiện Siêu và sư bà Diệu Không để bàn công việc. Hòa Thượng đề nghị nên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, đúc kết thành bản báo cáo và kiến nghị gửi cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc trước khi họ đến thăm Huế. Ý kiến này được quí Hòa Thượng và sư bà Diệu Không đồng ý. Trách nhiệm soạn thảo được giao cho Hòa Thượng Thiện Siêu. Hòa Thượng Ðôn Hậu cung cấp cho Hòa Thượng Thiên Siêu các dữ kiện quan trọng được Ni Sư Thanh Quang, đệ tử của Hòa Thượng Ðôn Hậu, bấy lâu thu thập, đồng thời Hòa Thượng Ðôn Hậu có trách nhiệm tìm cách gửi bản báo cáo và kiến nghị cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc trước khi phái đoàn đến Huế.

Hòa Thượng Ðôn Hậu có quen một Phật Tử chùa Thiên Minh, bà C.T. Bà này có người con gái tên là C hiện đang làm việc cho Hội Việt Mỹ tại Huế. Hòa Thượng nghĩ cô này có thể giúp Hòa Thượng gửi bản báo cáo cho phái đoàn. Hòa Thượng cho người mời bà C.T. đến chùa Thiên Minh. Sau khi nghe Hòa Thượng trình bày ý định, bà C.T. hoan hỷ nhận trách nhiệm giao phó. Trở về nhà bà bảo người con gái, cô C nên tìm gặp cô giáo sư người Mỹ theo đạo Tin Lành đang dạy học tại Huế. Nếu cô giáo sư này mà giúp đỡ, công việc sẽ dễ dàng mang lại kết quả mong muốn. Cô C liền tiếp xúc với cô giáo sư Mỹ. Cô giáo sư hứa giúp đỡ.

Bản Báo Cáo và Kiến Nghị do Hòa Thượng Thiện Siêu soạn thảo, được quí Hòa Thượng xem qua, đồng ý, giao cho Hòa Thượng để nhờ dịch ra tiếng Anh. Hòa Thượng nhờ cô C giúp đỡ, đồng thời cũng nhờ cô dịch lá thư đính kèm. Hòa Thượng giao những tài liệu trên cho bà C.T. Bà C.T. muốn công việc được trôi chảy nên đi kiếm tấm hình của Hòa Thượng và viết một lá thư đính kèm, nhờ cô giáo sư Mỹ chuyển cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc, trong đó nói khi đến Huế nên gặp Hòa Thượng (như trong tấm hình) để biết rõ tình hình Phật Giáo tại Miền Trung nói chung và tại Thừa Thiên, Quảng Trị nói riêng.

Cô giáo sư Hoa Kỳ mang bản báo cáo, kiến nghị và những thư từ, tranh ảnh liên hệ đáp máy bay vào Sài Gòn. Hai ngày sau cô trở ra Huế cho Hòa Thượng biết đã trao tận tay tất cả tài liệu cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đoan chắc khi phái đoàn đến Huế sẽ gặp Hòa Thượng.

Tại Sài Gòn ngày 27-10-1963 vào lúc 10:30 sáng ngày Chủ Nhật, trước nhà thờ Ðức Bà, Ðại Ðức Thiện Mỹ sinh năm 1940 tại Bình Ðịnh, xuất gia từ thuở nhỏ, thọ Sa Di năm 16 tuổi, thọ Tỳ Kheo năm 20 tuổi, từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm 1963 và cư trú tại chùa Vạn Thọ. Ðại đức định tự thiêu tại chùa Ấn Quang trước đó nhưng bị mật vụ biết nên không thực hiện được. Ngọn lửa tự thiêu của Ðại Ðức 23 tuổi là ngọn lửa cuối cùng trước khi chính quyền Ngô Ðình Diệm bị quân đội của ông lật đổ.

Vào thời điểm đó tại Huế khi Hòa Thượng Ðôn Hậu đang nằm tại bệnh viện Ngô Quyền, tảng sáng có người vội vã đến mời Hòa Thượng lên chùa Từ Ðàm gấp vì phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã đến Huế sáng nay và vào 2 giờ chiều sẽ lên chùa Từ Ðàm. Hòa Thượng cho kêu xe lên chùa Từ Ðàm ngay. Vừa đến Nhà Thiền, Hòa Thượng thấy Hòa Thượng Mật Hiển, Mật Nguyện, Thiên Siêu, sư bà Diệu Không đang ngồi bàn việc.

Khi Hòa Thượng đến quí Hòa Thượng và sư bà Diệu Không đề nghị là Hòa Thượng nên lên Linh Mụ để khi phái đoàn đến đó thì Hòa Thượng có thể gặp họ nói chuyện. Nhưng theo Hòa Thượng tốt hơn hết là Hòa Thượng nên nằm tại bệnh viện vì chắc chắn chính quyền họ sẽ lo liệu muốn phái đoàn gặp Hòa Thượng.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “... Tôi cho xe đạp về bệnh viện để nằm, coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn ngủ trưa như thường lệ. Ðến khoảng 2 giờ chiều thức dậy, đang ngồi uống nước thì có anh T, Phó Trưởng Ty Công An Thừa Thiên đến gặp tôi, mời tôi đến khách sạn Thuận Hóa để phái đoàn Liên Hiệp Quốc gặp.”

Hòa Thượng nói tại sao chính quyền không nói với phái đoàn là Hòa Thượng đau, đang nằm điều trị tại bệnh viện. Anh T cho biết, cơ quan cũng đã nói như vậy, nhưng phái đoàn nói nếu Hòa Thượng đi không được họ sẽ đến bệnh viện gặp Hòa Thượng, vì vậy nên cơ quan mời Hòa Thượng đi gặp họ cho tiện.

Hòa Thượng phân vân, nói với anh T không biết khi gặp phái đoàn phải trả lời những câu hỏi của họ về tình trạng Phật Giáo như thế nào. Nếu nói dối không những phạm tội vọng ngữ mà cũng khó thuyết phục được phái đoàn, nếu nói sự thật thì chính quyền nghĩ như thế nào? Anh T có vẻ khó trả lời, chỉ yêu cầu Hòa Thượng liệu cách trả lời thế nào cho êm đẹp!

Anh T mời Hòa Thượng ra xe. Hòa Thượng từ chối, nói đi xe xanh của cảnh sát làm cho dân chúng lo ngại không biết cảnh sát bắt Hòa Thượng đi đâu. Do vậy tốt hơn để Hòa Thượng đi xe xích lô.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “... Tôi ra đường thuê một chiếc xe xích lô. Lúc này trời đang đổ cơn mưa lất phất, nên lúc ngồi trên xe, tôi cho kéo trần kín lại. Khi chiếc xe xích lô chở tôi đến khách sạn, anh phu xe và tôi đều không biết khách sạn Thuận Hóa ở góc đường Duy Tân và Trần Cao Vân đã dời đi nơi khác, nên anh chở tôi đến đó, tôi xuống xe đi vào cổng thì mấy anh lính gác cho biết chúng tôi đã đi nhầm đường vì khách sạn Thuận Hóa bây giờ đã dời về múi Ðập Ðá. Tôi vội trở lại lên xe xích lô đi về Ðập Ðá”.

Chiếc xe chở Hòa Thượng đến tận cổng khách sạn, nhưng vì xe che kín trần nên những người đứng đón không thấy Hòa Thượng cho đến khi Hòa Thượng bước xuống xe. Khi thấy Hòa Thượng đến, ông Ðại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên Trung Phần, ông Giám Ðốc Công An Trung Nguyên Trung Phần, ông Trưởng Ty Công An Tỉnh Thừa Thiên, ông Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên đều đến chào đón, che dù, cầm tay dẫn Hòa Thượng vào khách sạn. Quang cảnh hoàn toàn trái ngược trước đây. Thế thái nhân tình khó mà hiểu được!

Vừa vào phòng khách, ông Ðại Biểu Chính Phủ cho biết phái đoàn Liên Hiệp Quốc vừa đến, họ muốn gặp Hòa Thượng, rồi dẫn Hòa thượng qua phòng kế cạnh. Thấy Hòa Thượng bước vào, mọi người trong phòng đứng dậy chào hỏi. Trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc có người nói tiếng Việt thông thạo. Ông cho biết phái đoàn gồm có 7 người, chia làm hai toán, một toán đi nơi khác, toán còn lại 4 người, trong đó có Trưởng Phái Ðoàn. Họ muốn gặp Hòa Thượng. Còn ông ta là thông dịch viên, người Lào, trước đây có theo học tại trường Ðại Học Hà Nội, sau khi tốt nghiệp được đi ngoại quốc du học, nên thạo cả ba thứ tiếng: Anh, Lào, Việt. Anh giới thiệu từng người trong phái đoàn:

– Trưởng phái đoàn: đại sứ A Phú Hãn, ông Pazhawak.

– Thành viên, Ðại sứ Ba Tây ông Sergic Correa Costa.

– Thành viên, Ðại sứ Ma Rốc ông Mahomed Amor.

– Thành viên, Ðại sứ Tích Lan ông Senegat Gunawune.

Hòa Thượng tỏ lời cám ơn phái đoàn đến thăm Việt Nam. Vị Trưởng Phái Ðoàn cho biết vì thì giờ quá eo hẹp nên mong Hòa Thượng cho biết thêm những gì cần thiết ngoài những điều đã ghi trong bản báo cáo và kiến nghị mà phái đoàn đã nhận được trước khi đến Huế. Hòa Thượng cho phái đoàn biết đêm 19-8-1963 vào 12 giờ khuya, một toán cảnh sát dã chiến đã nhảy vào thành chùa Diệu Ðế, nhưng khi nghe tiếng động, hệ thống điện bố trí chung quanh chùa bật sáng, tiếng còi báo động của anh em Gia Ðình Phật Tử thổi vang lên, các em có trách nhiệm giữ an ninh, trật tư đi khắp nơi quan sát, lính cảnh sát dã chiến đi quanh một vòng rồi nhảy ra thành, vừa đi họ vừa vỗ tay lên trán nói là chẳng làm ăn gì được cả.

Họ nói chẳng làm ăn gì được cả về sau mới biết là họ định bỏ truyền đơn, chất nổ, vũ khí trong vườn chùa Diệu Ðế để ngày mai tấn công chùa, họ nói tịch thu được truyền đơn, vũ khí cọng sản như họ đã tuyên bố trên đài sau vụ tấn công chùa chiền khắp nước đêm 20-8-1963, là họ “đã khám phá” được một thùng lựu đạn tại khuôn viên chùa Từ Ðàm, một số lựu đạn súng ống trong chùa Bình Quang ở Phan Thiết v.v... nhưng chẳng may bị báo động nên chẳng làm ăn gì được... Phái đoàn chăm chú lắng nghe. Họ hỏi Hòa Thượng và các vị khác khi bị bắt, bị giam có bị đánh đập gì không. Hòa Thượng cho biết Hòa Thượng không bị đánh đập nhưng bị thẩm vấn liên tục, đêm nào cũng vậy.

Sau khi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc, Hòa Thượng trở về bệnh viện, ghé thăm Hòa Thượng Diệu Hoằng, trú trì chùa Kim Quang, cũng bị bắt, bị bệnh đang nằm điều trị gần phòng Hòa Thượng, cho Hòa Thượng Diệu Hoằng biết cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Liên Hiệp Quốc và Hòa Thượng.

Chiều hôm ấy ông Lê Hữu Trí, viên mật vụ thường thẩm vấn Hòa Thượng đến “thăm” Hòa Thượng hỏi tin tức gặp gỡ giữa phái đoàn và Hòa Thượng. Ðêm hôm ấy Hòa Thượng ngủ một giấc an lành. Ðó là đêm 28 tháng 10 năm 1963.

Tại Sài Gòn đêm 31 tháng 10, 1963 trong tình trạng thiết quân luật, tướng Tôn Thất Ðính, tư lệnh quân đoàn III và Biệt Khu Thủ Ðô hạ lệnh cắm trại toàn vùng, ủy đại tá Nguyễn Hữu Có làm quyền tư lệnh sư đoàn 7, đem một đơn vị trấn đóng tại bắc Mỹ Thuận. Thiếu tướng Mai Hữu Xuân với binh sĩ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung có trách nhiệm an ninh từ miền Tây về Thủ Ðô. Ðại tá Vĩnh Lộc với chiến đoàn Vạn Kiếp đặc trách an ninh miền Cao Nguyên xuống Thủ Ðô. Tướng Tôn Thất Ðính có trách nhiệm kiểm soát Vùng III Chiến Thuật và Thủ Ðô Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 1-11-1963 sáng 10:00 giờ đại sứ Cabot Lodge dẫn đô đốc Harry Felt vào dinh Ðộc Lập từ biệt Tổng Thống Ngô Ðịnh Diệm. Trưa hôm ấy tướng Trần Văn Ðôn mời các tướng lãnh đến Tổng Tham Mưu tham dự việc lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm. Mọi người đồng ý vỗ tay, chỉ trừ đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt. Ðại tá Tung bị bắt sau khi ra khỏi phòng họp.

Vào lúc 1:30 chiều hôm ấy, tiếng súng Cách Mạng đầu tiên nổ. Lực Lượng Ðặc Biệt đóng tại Tân Sơn Nhất bị chế ngự ngay giây phút đầu. Các đơn vị của chiến đoàn Vạn Kiếp và Thủy Quân Lục Chiến dọc theo xa lộ Biên Hòa tiến về Thủ Ðô, chiếm đài phát thanh, Tổng Nha Cảnh Sát, Ty Cảnh Sát Ðô Thành và Nha Viễn Thông của Bộ Nội Vụ. Thành Cọng Hòa, nơi đồn trú của Lữ Ðoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống cũng bị vây hãm. Ðài Phát Thanh được quân Cách Mạng chiếm lúc 1:45 chiều. Hồi 4:45 đài bắt đầu phát thanh tiếng nói của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng. Lực Lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống tại thành Cọng Hòa đầu hàng lúc 7:00 giờ chiều.

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông cố vấn Ngô Ðình Nhu được tin đảo chánh, xuống hầm bí mật trong dinh Gia Long. Hầm có phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, hệ thống truyền tin và địa đạo ra khỏi dinh. Khi thấy các tướng lãnh không có người nào đáp ứng lời kêu gọi cứu giá, Tổng Thống và ông cố vấn theo đường hầm ra khỏi Dinh Gia Long, trốn về nhà một người Hoa Kiều ở Chợ Lớn tên là Mã Tuyên, rồi từ đó sang ẩn ở ngôi nhà thờ Cha Tam, nơi có linh mục lai Pháp tên là Jean chủ trì. Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 2 tháng 11, 1963 một chiếc thiết vận xa M113 đến nhà thờ Cha Tam đón Tổng Thống và ông Cố Vấn về bộ Tổng Tham Mưu. Giữa đường Tổng Thống và ông Cố Vấn bị hạ sát.

Tại Huế vào khoảng 6 giờ tối ngày 1 tháng 11, 1963 trong khi Hòa Thượng Ðôn Hậu đang nằm trong bệnh viện, thấy mọi người lăng xăng, tụm năm tụm ba nói chuyện có vẻ bí mật, không biết có chuyện gì xảy ra. Ðộ nửa giờ sau, Nguyên Thanh người đã viết thư mật cho Hòa Thượng mấy ngày trước, đến trước cửa phòng Hòa Thượng, nhìn lui nhìn tới không thấy ai, liền lẻn vào phòng, vội vàng báo tin cho Hòa Thượng: Quân đội Cách Mạng đã chiếm đài phát thanh. Nói xong anh vội vàng đi ra. Khoảng 7:30 tối anh Nguyên Thanh lại đến phòng Hòa Thượng.

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Lần này anh không rụt rè e ngại như trước. Anh nói: Thưa Thượng Tọa, ngay từ bây giờ cho đến sáng, con xin Thượng Tọa không nên ra khỏi phòng, e có nhiều điều nguy hiểm. Ai gõ cửa Thượng Tọa cũng đừng mở. Nếu cần đi vệ sinh thì kiếm cái bô, để trong phòng. Con xin Thượng Tọa nhớ cho. Con nói ít, Thượng Tọa hiểu nhiều. Tình hình bây giờ rất hỗn loạn.

“Nguyên Thanh đi ra rồi, tôi đóng chặt cửa phòng lại. Nằm thao thức không sao ngủ được. Bao nhiêu suy nghĩ, vui có, buồn có, thương có, lo có... bao nhiêu tư tưởng liên tiếp hiện ra trong trí óc tôi. Lâu lâu có thiếp đi được một chút, rồi lại giật mình thức dậy, suy nghĩ liên miên...

“Trời vừa rạng sáng thì Nguyên Thanh lại xô cửa phòng tôi bước vào, có vẻ phấn khởi nói: Thưa Thượng Tọa, quân đội Cách Mạng đã chiếm dinh Gia Long rồi. Hai tên mật vụ ở phòng số 2, số 4 để theo dõi Thượng Tọa đã biến mất lúc 3 giờ khuya rồi.”

Nghe Nguyên Thanh nói, Hòa Thượng cố giữ bình tĩnh, không lộ vẻ vui mừng hay lo lắng. Hòa Thượng tự nhủ là một nhà tu trong lúc này phải hết sức trầm tĩnh. Bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu lo âu đang bao trùm ở phe này, phe khác.

Ðể tiện theo dõi tình hình, Hòa Thượng sai chú Long, tức cố Thượng Tọa Giới Hương sau này, đi đến nhà Phật Tử mượn chiếc radio, mặc dầu lúc ấy bên cạnh phòng có nhiều radio đang mở nghe, nhưng Hòa Thượng với thân phận một nhà sư không thể chạy qua nghe ké, trông chướng kỳ lắm.

Sáng sớm ngày 2 tháng 11, 1963 vào khoảng 10 giờ, Hòa Thượng nghe đài phát thanh Sài Gòn loan báo ông Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông cố vấn Ngô Ðình Nhu đã tự tử trên đường từ Chợ Lớn đến bộ Tổng Tham Mưu. Về sau Hòa Thượng mới biết hai vị này bị hạ sát.

Nhận thấy trước biến động này, không khéo một số Phật Tử có phản ứng mạnh đối với những người của chế độ cũ, đã từng có hành động sinh sát với họ, ngài lập tức viết lời kêu gọi nhờ quảng bá trên các đài phát thanh, các phương tiện truyền thông, với nội dung như sau:

LỜI KÊU GỌI KHẨN THIẾT

kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật Tử:

Nhân danh Giám Luật Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc, tôi khẩn thiết kêu gọi Tăng Ni Phật Tử, không lúc nào bằng lúc này, phải luôn luôn bình tĩnh, tỏ rõ thái độ của người Phật Tử, nêu cao đức Từ Bi, Hỷ Xả. Tuyệt đối không gây hấn hoặc trả thù bất cứ ai. Phải luôn luôn phát huy đức tính khoan dung, từ hòa của người Phật Tử chân chính.

Làm tại Huế ngày 3 tháng 11, 1963

Thay mặt chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa,

Giám Luật Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc

Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu

Trên Những Chặng Ðường ghi: “Tôi vẫn ở bệnh viện suốt 3 ngày sau khi đảo chánh, rồi mới lên chùa Từ Ðàm. Ra đường tôi ngồi trên chiếc xe xích lô và nhờ anh đạp xe kéo trần che kín lại, mặc dù bên ngoài trời đang nắng. Xe tôi đi giữa thác người xuôi ngược, hàng hàng, lớp lớp, đông vô số kể.

“Vừa bước vào cổng chùa Từ Ðàm, tôi liền bị một rừng người vây kín. Phải mất 30 phút tôi mới bước được vào Tăng Phòng. Phật tử bao vây chung quanh, mặt mày hớn hở.

“Vào đến Tăng Phòng tôi yêu cầu cho phóng thanh Lời Kêu Gọi Khẩn Thiết liên tục để ngăn ngừa những chuyện không may có thể xảy ra.”

Tại Sài Gòn tin Cách Mạng Thành Công được loan truyền trên đài phát thanh ngày 2 tháng 11, 1963, dân chúng mừng rỡ kéo ra ngoài đường. Họ đổ xô ra các con đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Gia Long, Công Lý, Pasteur. Họ đổ xô về phía dinh Gia Long. Họ leo tường vào dinh. Họ leo lên xe thiết giáp, ôm lấy các quân nhân...

Nguồn cảm hứng rạt rào phản ảnh trong các sáng tác văn nghệ. Nhà thơ Trụ Vũ trong bài Tình Sông Nghĩa Biển tượng trưng cho nỗi cảm hứng rạt rào ấy:

Tình Sông Nghĩa Biển

Việt Nam và Phật Giáo

Phật Giáo và Việt Nam

Ngàn năm xương thịt kết liền

Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng.

Cây đa bến cũ

Hình bóng con đò

Thiết tha còn nhớ câu hò

Cây da bến cũ con đò năm xưa

Trang sử Việt Nam yêu dấu

Thơm ướp hương trầm

Nghe trong tim Lý Lê Trần

Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga

Suối xanh ra biển

Ngát ngát hoa vàng

Suối thơm lòng đất Việt Nam

Chim xanh nhả ngọc, lúa vàng trĩu bông.

Nắng reo trên lúa

Gió bay trên cờ

Lũy tre vững hiện mái chùa

Ấm tay đại thụ mát bờ quê hương.

Tóc cài hoa bưởi trắng

Hồn ướp nhị sen vàng

Ðời đời cô gái Việt Nam

Tăng lên ngôi vị nữ hoàng tình yêu

Phượng hoàng châu Á

Bay vượt nghìn trùng

Thái Sơn, Hy Mã hào hùng

Kết tinh châu ngọc trong lòng Trường Sơn.

Mẹ ơi nhớ nước nhớ nguồn

Thương quê thương đạo con còn làm thơ.

Những người trung thành với chế độ ông Diệm thường cho rằng sở dĩ Miền Nam bị sụp đổ là vì chế độ ông Diệm không còn nữa. Joseph Buttinger, một học giả Tây Phương đã nói như sau về chế độ: “Bị giới trí thức chống đối, bị tuổi trẻ và các nhà chính trị ái quốc ghét bỏ, chính phủ Ngô Ðình Diệm thiếu hẳn sự ủng hộ của quần chúng và chỉ còn cách dùng đến bộ máy kềm kẹp.” (Joseph Buttinger: Vietnam a dragon embattled, tập II, Pall Mail Press, London 1967, tr. 952).

Nhờ sự tàn ác độc tài của ông mà Miền Bắc đã xây dựng được cơ sở chống đối võ trang ở Miền Nam. Ký giả Robert Guillain của báo Le Monde viết về chế độ này như sau: “Tại Hà Nội người ta rất bằng lòng ông Diệm. Ông Diệm đã trở thành người tiếp tay hay nhất cho Cọng Sản. Tại Sài Gòn, cán bộ Việt Cọng thường rỉ tai nhau theo kiểu Voltaire: nếu không có Diệm thì phải tạo ra cho được Diệm. Ngày 1 tháng 11 vừa qua, chính Việt Cọng sợ ông Diệm bị lật đổ hơn ai hết. Họ mong cho ông Diệm ngồi trong Dinh Ðộc Lập thêm một thời gian nữa sau đám vệ binh, trong khi đất nước đang từ từ sụp đổ chung quanh. Họ tính toán rằng chỉ trong một hai năm thì Miền Nam sẽ từ tay ông Diệm qua tay Bác Hồ.” (Robert Guillain: Le Monde, Paris 5-5-1961)

Dở lại những trang sử từ năm 1954 khi ông Ngô Ðình Diệm từ Pháp về chấp chính cho đến ngày 1-11-1963. Trong 3 năm đầu nhờ sự yểm trợ tích cực của Hoa Kỳ và sau Hiệp Ðịnh Genève Bắc Việt lo kiến thiết miền Bắc và lo chuẩn bị chính trị cho kỳ Tổng Tuyển Cử dự định vào năm 1956 và vì phe Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng trong chính trị bộ chủ trương thống nhất đất nước không bằng vũ lực, nên Nam Việt Nam được yên ổn. Nhưng sau khi đã dẹp yên quân đội Bình Xuyên và các giáo phái, đáng lẽ phải nỗ lực xây dựng đoàn kết quốc gia, ông Ngô Ðình Diệm chỉ dựa vào gia đình và tôn giáo thuộc thành phần thiểu số để cai trị đất nước, để rồi 6 năm sau, trong số 18 nhân sĩ ký tên trong Bản Thông Cáo yêu cầu thay đổi đường lối, chấm dứt chế độ gia đình trị, 11 người đã từng cọng tác với ông. Ông đã bị ám sát hụt trên Ban Me Thuột, bị đảo chánh, bị ném bom dinh Ðộc Lập... Ðáng lẽ ông phải xem đó là những cảnh cáo nghiêm trọng, nhưng ông vẫn nhắm mắt làm ngơ, càng ngày càng lún sâu vào vũng lầy không thể thoát được. Ông đã tự mình đào hầm chôn sống mình và chôn sống Miền Nam Việt Nam. Ông Diệm không có công đấu tranh cho nền độc lập Việt Nam. “Ông không tham dự kháng chiến nên đã có sẵn mặc cảm. Nay ông lại càng thêm mặc cảm khi ông không thấy quần chúng Nam Bộ xưng tụng mình trong buổi đầu lên cầm quyền” (Hồ Sĩ Khuê: Hồ Chí Minh, Ngô Ðình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng, Văn Nghệ 1992, tr. 257)...” Từ đó ông Diệm lãnh đạo miền Nam trên một tư thế hoàn toàn siêu thực” (tr. 267) ... Chín năm cầm quyền cho thấy ông Diệm không thuộc hạng lãnh đạo xuất chúng. Ở con người ông, cái thực không gánh nổi cái danh. Ông không đủ tài lương đống.” (tr. 270).

Khi Phật Giáo tranh đấu đòi tự do, bình đẳng tôn giáo, đòi hủy bỏ Ðạo Dụ số 10 “Người Thiên Chúa không thờ ơ được. Người Bắc, di cư để chống cọng, trở nên thù nghịch Phật Giáo. Ðối với cái nhìn thiển cận của họ, đã chống ông Diệm là làm tay sai cho cộng sản, nếu không phải cộng sản thì cũng là người thân cộng. Loại “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, nói theo giọng cực đoan thời bấy giờ...” (Hồ Sĩ Khuê: Hồ Chí Minh, Ngô Ðình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng, Văn Nghệ 1992, tr. 394).

... “Chân lý chỉ có một: Thiên Chúa! Ngoài ra đều là tà ma. Tố cáo Phật Giáo là thân cộng hay thẳng thừng là cộng sản, họ thực ra cũng biết là quá đáng, nhưng lợi cho chính quyền trong mưu đồ đánh đổ Phật Giáo để dành chỗ cho Thiên Chúa Giáo trở thành quốc giáo.” (nt, tr. 394)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567