Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Thành Thật Tôn

24/12/201018:16(Xem: 8171)
3. Thành Thật Tôn

THÀNH THẬT TÔN

I.- DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

Lý nghĩa tôn này hoàn toàn y cứ vào bộ Thành thật luận, nên gọi là Thành thật tôn.

Sauk hi Phật Niết-bàn chừng 900 năm, ngài Cưu-ma-la-đà (Kumàralabdha) về phái Tát-bà-đa Tiểu thừa, có người học trò rất giỏi tên là Ha-la-bạt-ma (Harivarman - Trung Hoa dịch là Sư tử khả), ngài này dùng nghĩa lý tinh túy trong các bộ về phái Tiểu thừa, làm ra bộ Thành thật luận, chủ yếu là giải rõ lý nhơn không và pháp không. Sở dĩ gọi là Thành thật luận, ý tứ là giải thành lý nghĩa chơn thật trong ba tạng kinh điển của Phật. Đời Dao Tần ngài Cưu-ma-la-thập Pháp sư dịch ra văn Trung Hoa, tất cả 16 cuốn, chia làm 202 phẩm; về thời Nam Bắc triều có người chuyên hoằng về luận này mới thành một tôn.

II.- KHÔNG QUÁN VÀ VÔ NGÃ QUÁN

Tôn này lập ra hai pháp quán để giải rõ hai lý không: 1. Không quán, như quán trong cái bình không có nước, thì gọi là không; trong thân ngũ uẩn này là do năm uẩn hòa hiệp chỉ là một pháp, sự hư giả không có cái gì đáng gọi là ta chơn thật; ấy là phép quán về chơn không. 2. Vô ngã quán, như quán cái bình không có thể chất chơn thật thì gọi là không; các pháp trong năm uẩn đều là giả danh, không có thể chất chơn thật, chẳng thấy có thật pháp; ấy là quán này là để đoạn trừ cái lòng chấp trước và các phiền não, cầu được thân tâm thanh tịnh chứng quả Niết-bàn.

III.- TAM TÂM VÀ DIỆT ĐẾ

Tam tâm : Một là giả danh tâm, tức là cái tâm chấp những giả danh, như là người, ta, mà cho là thật có; nay dùng trí huệ mà quán sát biết nó đều là nhơn duyên hòa hợp mà sanh, tức chứng được lý nhơn không. Hai là pháp tâm, là cái tâm chấp pháp thể năm uẩn thật có; nay dùng trí chơn không mà trừ bỏ cái lòng chấp ấy đi, thì thay được lý pháp không. Ba là không tâm, nghĩa là đã biết được nhơn ngã, pháp ngã đều không mà lại đem lòng chấp cái không là thiệt; bây giờ dứt bỏ cái lòng chấp không ấy đi, thì ngã, pháp đều không, mà cái không ấy cũng không - không tướng nắm được - tức gọi là diệt đế.

IV.- THẾ GIỚI MÔN VÀ ĐỆ NHẤT NGHĨA MÔN

Tôn này lại lập ra hai môn, là: Thế giới môn (Tục đế) và đệ nhất nghĩa môn (chơn đế). Đứng về thế giới môn mà nói, thì có người có ta như thường, như trong kinh nói: Ta thường tự ngăn ngừa và gìn giữ lấy ta, làm lành tự mình được điều lành v.v... ấy là chỉ mượn danh từ mà nói đó thôi, khi năm uẩn hòa hiệp lại gọi là ta, chứ không phải là thật có ta. Vả lại năm uẩn ấy, đứng về thế tục mà nói thì là có, chứ cũng không thật có, vì Phật dạy: Các hạnh pháp đều là như huyễn như hóa vậy. Còn như trong kinh nói đệ nhất nghĩa không, là đối lý chơn thật đệ nhất nghĩa mà không, chứ không hải như cái không thế tục. Đệ nhất nghĩa, tức như có chỗ nói rằng: Sắc vốn và không, cho đến thức cũng là không; vì vậy nên quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm uẩn đều không, thời chứng được cái lý đệ nhất nghĩa không. Ở về thế giới môn, vì thuận theo thế tục, nên nói có ngã có pháp; năm uẩn hòa hiệp tạm gọi là người, nhơn duyên sanh thành mới có các pháp, ấy chỉ là giả tạm như tuồng có, chứ không thật có, vì khi nhơn duyên tan rã, thì thảy đều tiêu diệt; đến như đệ nhất nghĩa đế, thì tức nơi các pháp, cứu kính là chơn không.

V.- HAI KHÔNG VÀ HAI MÓN CHƯỚNG

Muốn chứng quả Phật, thì phải đoàn trừ hai moon chướng :

1.- Phiền não chướng, tức là các nghiệp chướng về kiến hoặc và tư hoặc; chướng này vì chấp cái ta là thiệt có làm gốc, mới sanh các phiền não, rối loan thân tâm, chướng ngại đạo Niết-bàn tịch tịnh, tức như trong Cu-xá luận gọi là “tánh nhiễm ô vô tri”.

2- Sở tri chướng, cũng gọi là trí chướng: căn bản chướng này là vì chấp các pháp là thật có, khiến nỗi che lấp cái tánh vô điên đão đối với các cảnh mình hay biết, làm chướng ngại đạo Bồ-đề, tức như trong Cu-xá luận gọi là “bất nhiễm ô vô tri” vậy.

Phiền não chướng vì chấp có ta mà sanh ra, nay dùng quán nhơn không mà dứt trừ; còn sở tri chướng là vì chấp các pháp thiệt có mà sanh ra, nay dùng quán không đặng trừ diệt.

Chỗ chứng quả tột bực bên Tiểu thừa là chỉ dứt được phiền não chướng mà thôi, trong Bát tôn cương yếu nói rằng: Thành thật tôn tuy có nói đến nhơn không và pháp không, nhưng trên con đường tu chứng chỉ đoạn được kiến hoặc tư hoặc (phiền não chướng) mà không đoạn được sở tri chướng, nhưng về phần trí giải cũng cao xa mầu nhiệm lắm.

VI.- 84 PHÁP

Trong kinh Duy-ma-cật sớ yêm-la kỳ (trước giả một nhà sư Nhật Bản tên là (Ngưng Nhiên) gọi rằng : Tôn Thành thật lập ra 84 pháp để thuyết minh những hiện tượng của nhơn sanh và vũ trụ, tức là sắc pháp có 14, tâm pháp có 50, phi sắc phi tâm pháp có 17, vô vi pháp có 3.

14 loại trong sắc pháp là: Ngũ căn, ngũ trần và tứ đại; 50 loại về tâm pháp là: Tâm vương có 1, tâm sở có 49, tức là bên Cu-xá 46 tâm sở, ở tôn này thêm vào 2 là hân (tánh hớn hở) và yểm (tánh nhàm chán) ; còn thụy miên tôn này lại chia ra làm hai : thụy và miên hai tâm sở, cọng lại là 49 ; 17 loại về phi sắc phi tâm pháp, tức là 14 bất tương ưng hạnh bên Cu-xá, chẳng qua tôn này hiệp mạng căn và đồng phận lại làm một, mà thêm lão, tử, phàm phu, vô tác vào, cọng lại là 17 pháp, 3 pháp về vô vi cùng với Cu-xá vẫn đồng.

VII.- 27 VỊ HIỀN THÁNH

Tôn này đốn với chỗ tu nhơn chứng quả, lập ra 37 từng bậc, phần nhiều là đồng với tôn Cu-xá.

27 vị hiền thánh :

1.- Tùy tín hành, bậc này ở bậc văn, tư (cùng với bậc tam hiền trong 7 phương tiện, tôn Cu-xá giống nhau). Tùy tín là nghe lời dạy bảo của các bậc đã chứng quả, rồi tín và tu tập theo. Trong Thành thật luận nói rõ văn, tư, tu, ba huệ: văn huệ, nghĩa là nhờ sự nghe người giảng đạo lý mà mình được sanh ra trí huệ; tư huệ nghĩa là sau khi nghe, nhờ sự suy nghĩ của mình mà sanh trí huệ; tu huệ, nghĩa là nhờ công tu tập thiền định mà sanh ra trí tuệ - Tu huệ thường tương ưng với văn huệ, tư huệ.

2.- Tùy pháp hành, bậc này ngang với bậc tứ thiện căn trong Cu-xá tôn. Khi tu hành đến bậc này thời không còn đợi có những lời dạy bảo của các bậc hiền thánh - nghĩa là chỉ thuận theo chánh pháp mà tu hành thôi.

3.- Vô tướng hành, tức là bậc kiến đạo, do hai bậc trên mà tu tới. Kiến nghĩa là sau khi đến bực Thế độ nhất pháp, trí vô lậu phát sanh, thấy được chơn lý của Tứ đế, nên gọi là kiến đạo. Ba bậc kể trên gồm lại đều gọi là Dự lưu hướng : hướng nghĩa là tới, Dự lưu hướng là đi tới quả Dự lưu.

4.- Dự lưu quả, tức là quả Tu-đà-hoàn, bậc này đã dứt hết những kiến hoặc trong ba cõi, dự vào giòng pháp Thánh đạo vậy.

5.- Nhất lai hướng, nghĩa là bậc này đã dứt được năm phẩm tư hoặc trước ở cõi dục giới.

6.- Nhất lai quả, bậc này đã dứt được hai phẩm tư hoặc thứ sáu ở cõi dục giới.

7.- Bất hoàn hướng, bậc này đã dứt được hai phần tư hoặc thứ bảy thứ tám ở cõi dục giới. Còn từ bậc thứ 8 cho đến bậc thứ 18 kể sau cọng lại là 11 bậc, gọi là Bất-hoàn quả; bậc này đã hoàn toàn dứt được 9 phẩm tư hoặc nơi cõi dục giới. Quả Bất hoàn này, sở dĩ chia ra làm 11 bậc, là vì căn cơ của người có nhanh có chậm, chỗ tu hành có siêng có trễ, chứng quả A-la-hán vào Niết-bàn có kẻ trước người sau không giận nhau vậy. 11 bậc: một là Trung ban, trung tức là trung ấm, cũng gọi là trung hữu, tức chỉ cho cái thân vào khoảng sau khi chết chưa đi đầu thai vào cõi nào, còn chữ ban tức là vào Niết-bàn; ý nghĩa là nói bậc này trong khi ở cõi dục giới vừa chết, sắp sanh lên cõi sắc giới cái thân trung ấm ở vào khoảng trung gian đã dứt trừ các mê lầm phiền não cõi trên sắc giới mà vào Niết-bàn. Hai là Sanh ban, nghĩa là sai khi sanh lên cõi sắc giới, chẳng bao lâu thời vào Niết-bàn; ấy là nhờ sự siêng năng về đường tu đạo mà mau tới vậy. Ba là Hữu hành ban, nghĩa là sau khi sanh về cõi sắc giới, đoạn khôn lớn, tu hành tới mãi không nghỉ, nhờ có công phu, nên mới vào được Niết-bàn. Bậc này chỉ cò siêng năng tu tập mà chỗ tấn đạo không được mau chóng. Bốn là Vô hành ban, nghĩa là sau khi sanh về cõi sắc giới, trễ nãi đường tu hành, chỗ dụng công không nhiều lắm, mà vào Niết-bàn. Năm là Lạc huệ, là nói sau khi sanh về cõi sắc giới lại lần lượt sanh lên cõi sắc cứu kính là cõi cao nhất ở cõi sắc giới, mới vào Niết-bàn. Cõi trời sắc giới có định có huệ, bậc này dùng huệ làm vui, cho nên gọi là lạc huệ. Say là Lạc định, là nói bậc này không chịu vào Niết-bàn nơi cõi sắc giới, còn muốn chuyển sanh lên cõi hữu đảnh là cõi rất cao ở cõi Vô sắc giới, khi ấy mới vào Niết-bàn, cõi vô sắc giới chỉ có định mà không dùng huệ, cho nên gọi là Lạc định. Bảy la Chuyển thể, là nói sau khi ở cõi dục giới chứng được quả Dự lưu và Nhất lai, không sanh về cõi sắc giới hay vô sắc giới, cứ chuyển sanh lại cõi dục giới mà tu chứng được quả Bất-hoàn, rồi vào Niết-bàn. Tám là Hiện ban, là nói bậc này không cần chuyển sanh, chỉ tu tập trong một thời kỳ mà chứng được ba quả, hiện thân ở cõi dục giới mà vào Niết-bàn. Chín là Tín giới, là nói bậc Bất hoàn quả mà người căn cơ có hơi chậm lụt, chỉ tin theo lời dạy bảo của kẻ khác mà tu hành. Mười là Kiến đắc, là nói khi chứng được quả Bất-hoàn, nhờ có căn cơ lanh lợi, nương theo sức trí huệ của mình mà chứng được. Mười một là Thân chứng, là nói bậc Bất-hoàn quả tu chứng được Diệt tận định; ấy là bậc lợi căn thứ nhất. Từ bậc này Tùy tín hành đến đây cọng là 18 bậc đều gọi là bậc hữu học; trong các bậc này từ quả Bất hoàn đoạn phẩm tư hoặc thứ nhất nơi cõi sơ thiền thuộc về sắc giới, cho đến khi đoạn được phẩm tư hoặc thứ tám nơi cõi hữu đảnh thuộc về vô sắc giới, cọng cả thảy là 71 phẩm tư hoặc, đều gọi là A-la-hán hướng; chin bậc sau đây tức A-la-hán quả, cũng gọi là bậc vô học.

9.- Bậc :

Một là Thối pháp tướng. Thối nghĩa là thối lui, thối pháp có hai thuyết: Bên Cu-xá tôn nói: trong khi chứng sơ quả (Dự lưu) thời không thối, sau khi chứng được quả thứ ba (Bất-hoàn) mới có thối (chữ thối đây không phải là thối lui về sanh tử, mà chỉ thối lui về sự tu tập ở các quả ấy mà thơi) ; bên Thành thật tôn nói cả bốn quả đều không thối lui, có thối chăng, chỉ thối lui cảnh thiền định mà thôi, tức là nói bậc độn căn La Hán chỉ thối lui cảnh thiền định đã đặng, chớ không phải nói thối lui làm chúng sinh vậy.

Hai là Thủ hộ tướng, là nói bậc La Hán hay giữ gìn được cảnh thiền định không mất; trái lại, nếu hkông giữ gìn thì cũng thối lui.

Ba là Tử tướng, là nói bậc La Hán rất nhàm chán thế gian, lại sợ thối mất chỗ chứng ngộ của mình, nên muốn vào liền cõi Niết-bàn.

Bốn là Trú tướng, là nói bậc La-hán căn cơ không thể tu tới mà cũng không đến nỗi thối lui, chỉ giữ về bậc trung mà thôi.

Năm là Khả tấn tướng, là nói bậc La-hán đã chứng được bậc thiền định mà còn tu tới mãi.

Sáu là Bất hoại tướng, là nói bậc La-hán mà căn cơ chậm chap, tuy gặp phải nhơn duyên trở ngại, nhưng vẫn giữ được không thối lui.

Bảy là Huệ giải thoát, là nói bậc La-hán chứng được Diệt tận định; bậc này đã được chơn trí vô lậu, đã giải thoát các phiền não, mà chưa ly được sự chướng ngại về cảnh thiền định, cho nên chỉ gọi là huệ giải thoát.

Tám là Câu giải thoát, là nói bậc La-hán đã giải thoát được cả huệ chướng và định chướng, nghĩa là không còn bị trí huệ hay thiền định làm chướng ngại nữa.

Chín là Bất thối tướng, là nói bậc La-hán có căn cơ lanh lợi, bao nhiêu công đức trí huệ đã tu tập đều không thối lui hay là tiêu mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]