Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Câu Xá Tôn

24/12/201018:15(Xem: 9825)
2. Câu Xá Tôn

CÂU XÁ TÔN

I. Duyên khởi lập tôn

Ngài Thế Thân Bồ-tát làm luận Cu-xá; ngài Trần Chơn Đế dịch thành văn Trung Hoa và chú giải thêm, sau đều thất truyền. Đến đời Đường ngài Huyền Trang pháp sư mới dịch lại, học trò là ngài Phổ Quang làm bộ “Cau-xá thật ký”, ngài Pháp Bảo làm “Câu-xá luận sớ”, thạnh hành trong đời mới thành lập một tôn. Đến cuối đời Ngũ Đại, tôn này lại suy lần.

Cu-xá là từ gọi vắn tắt của mấy chữ “A-tỳ-đạt-ma Cu-xá luận”. A-tỳ Trung Hoa dịch là đối, Đạt ma dịch là pháp, Cu-xá dịch là tạng; vì vậy, nên có chỗ gọi luận Cu-xá là luận “Đối pháp tạng”. Đối có hai nghĩa : 1.- Đối hướng[1] quả Niết-bàn ; 2.- Đối quán[2] pháp Tứ đế. Pháp cũng có hai nghĩa: 1. Lý pháp, tức là Niết-bàn. 2. Pháp tướng, tức là Tứ đế. Đối pháp nghĩa là dùng tâm linh sáng suốt, trí huệ vô lậu[3], đối quán pháp Tứ đế, mà xu hướng về Niết-bàn - chứng quả Niết-bàn.

II.- Ngã Không, Pháp Hữu

Tôn này chủ trương thuyết “Ngã không pháp hữu”, tức là nhận thân này không thực có, mà các nguyên liệu như ngũ uẩn, tứ đại làm ra nó đều là thiệt có - chúng sinh nhơn năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hòa hiệp lại mà thành, trong năm uẩn ấy thật không có cái gì đáng gọi là ngã (độc lập, duy nhất), chỉ có năm uẩn hòa hiệp tại rồi mượn tên gọi là ngã (ta) đó thôi, người tu hành quán sát như vậy, thì không còn tham đắm cái thân giả dối, cảnh vật vô thường này nữa, nhơn thế tâm được thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt và chứng được lý ngã không chơn như.

Nhưng năm uẩn, tuy không ngã thể (không có bản thể thật tại), mà pháp thể (bản thể thật tại của các pháp, tức là nguyên liệu sanh ra các sự tướng trong vũ trụ) là thường có, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, pháp thể khi nào cũng thật có cả. Ấy tức có chỗ gọi là thuyết “ba đời thật có, pháp thể hằng có”, mà cũng là chỗ lập giáo của tôn này vậy.

III.- 75 Pháp

Tôn này chia vạn hữu trong vũ trụ ra 75 pháp để giải thích, như bản đồ chia ra dươi này.

Sắc pháp :nghĩa chữ sắc pháp nói đây, phạm vi rất rộng. Phàm cái gì có thể hư nát và có tánh cách chướng ngại đều thuộc về sắc pháp.

1.- Thế nào gọi là căn ? Vì nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) làm chỗ căn cứ cho năm thức trong khi đối cảnh, nghĩa là các thức nhờ có nương vào năm căn ấy rồi mới có tác dụng phân biệt, nhận thức các cảnh vật ở ngoài.



2.- Còn sắc, thanh, hương, vị, xúc năm cảnh ở ngoài, là đối tượng của năm căn vậy. Lại còn có vô biểu sắc là cái sắc pháp không biểu hiện ra ngoài, tức là sức chướng ngại của sự tưởng nhớ các nghiệp lành dữ đã làm, đối với các việc dữ lành sắp làm, như về thiện thì nó có cái công năng ngăn trở các điều ác, như về ác thì nó lại có cái công năng ngăn trở các điều thiện, cái công năng ấy tuy không có biểu hiện ra ngoài, nhưng vẫn có chướng ngại, nên gọi là vô biểu sắc.

Tâm pháp : Thế nào gọi là tâm pháp. Là ý niệm tưởng tượng phân biệt của hết thảy chúng sinh; cũng gọi là tâm vương. Tâm vương có ba tên là; tâm, ý, thức. Cu-xá luận nói : “Nhóm góp các tập quán mà khởi ra gọi là tâm, nghỉ ngơi gọi là ý, phân biệt gọi là thức”. Trong thất thập ngũ (75) pháp có lời giải rằng : “Tiếng Phạn là Citta (Trung Hoa dịch âm là chất-đa), đây nói là tâm, tâm có nghĩa là tập khởi, nghĩa là nó có cái công năng thâu góp các duyên, và dẫn khởi các tâm sở tùy chỗ huân tập và tùy trường hợp. Tiếng Phạn gọi mạt-na (manas), đây nói là ý, là nghĩa tư lự, tức là tâm nghĩ lường. Tiếng Phạn là Parijnana, Trung Hoa dịch âm Tỳ-nhả-nam, đây nói là thức là nghĩa rõ biết hay tỏ rõ phân biệt những sự vật, tức là tâm đối với cảnh hay phân biệt nhận thức vậy. Thức nương theo 6 căn (mắt, tại, mũi, lưỡi, thân, ý) cũng chia làm 6 thức, hiệp lại gọi là tâm vương, trong 74 pháp cũng kể là một pháp thôi”.

Tâm sở pháp:Là cái pháp sở hữu phụ thuộc của tâm vương, gọi vắn tắt là tâm sở. Tâm sở chia ra làm 6 loại.

Một là đại địa pháp, pháp này có 10 : 1.- Xúc, là sự cảm xúc căn đối với cảnh ; 2.- Thọ, là lãnh thọ những cảnh vui, cảnh khổ và cảnh trung bình không vui không khổ ; 3.- Tưởng, là tư tưởng phát khởi các tướng trong khi đối vớI cảnh ; 4.- Tư, là sự suy nghĩ phát động trong tâm niệm ; 5.- Dục, là lòng ưng muốn trông cầu ; 6.- Huệ, là trí huệ lựa chọn lành dữ ; 7.- Niệm, là tánh ghi nhớ những cảnh mình đã nghe, thấy ; 8.- Tác ý, là cái sức phát khởi của tâm niệm, nếu tâm mình chưa mống lên thì nó phát động để mống lên, còn tâm mình đã mống lên rồi, thì nó lại hay dẫn dắt mình đến nơi hoàn cảnh ; 9.- Thắng giải; là nhận những điều mình đã suy nghĩ là phải, là đúng ; 10.- Tam-ma-địa, Trung Hoa dịch là đẳng trì. Đẳng nghĩa là tâm phẳng lặng định tỉnh, không rối loạn, không mờ tối, không trầm trệ; Trì, nghĩa là tâm ấy tiếp tục, chuyên chú vào một tánh một cảnh, không hề xao lãng. Mười pháp ấy thông cả lành dữ, dùng về việc dữ thì 10 tâm ấy là dữ, khắp cả các tâm niệm đều có, cho nên gọi là đại địa. Đại nghĩa là trùm khắp rộng lớn; địa, là tức nơi tâm vương làm chỗ y cứ, nghĩa là khi nào tâm vương khởi lên thì 10 tâm sở ấy đều theo mà khởi ra một lần; lại vì các tâm sở nó nương nơi tâm vương mà phát khởi, nhơn mới có cái tâm là địa pháp.

Hai là đại thiện địa pháp, pháp này cũng có 10 : 1.- Tín, là tâm tín ngưỡng chắc chắn không nghi ngờ, hay khiến tâm được thanh tịnh ; 2.- Bất phóng dật, là tâm không buông lung ; 3.- Khinh an, là tâm được nhẹ nhàng khoan khoái ; 4.- Xả, là tâm bỏ những sự có thể làm cho lòng rối loạn mà khiến được bình tĩnh luôn ; 5.- Tâm, là tâm tự hổ với mình, vì mình đã làm ra tội lỗi ; 6.- Quý, là tâm then thùa với người khác vì mình đã làm điều bậy ; 7.- Vô tham, là tâm mình đối với sự vật, đều không chấp trước, tham đắm ; 8.- Vô sân, là tâm mình gặp hoàn cảnh gì dù là trái ngược vẫn giữ được tâm điềm tĩnh, không giận ghét ; 9.- Bất hai, là tâm mình không nghĩ, làm những điều lại người hại vật ; 10.- Cần, là tâm đối với những việc hay có ích, thường hăng hái làm, không nhút nhát ngã long. Mười tâm sở ấy, toàn là tâm sở lành cả, cho nên thường cùng với hết thảy thiện tâm mà mống ra một lần, nên gọi là đại thiện địa pháp.

Ba là đại phiền não địa pháp, pháp này có 6 : 1.- Si, là ngây dại, tâm không sáng suốt, đối với sự lý trong vũ trụ thảy đều tối tăm mờ mịt ; 2.- Phóng dật, là tâm không muốn làm điều lành, buông lung tự đắc ; 3.- Giải đải, là tánh biếng nhác ; 4.- Bất tín, là bản tâm rối loạn, hay nghi ngờ không chủ định ; 5.- Hôn trầm, là tánh tối tăm trầm trệ ; 6.- Điệu cử (hay trạo cử), là tánh hay xao động, làm cho bản tâm không được thanh tịnh. Sáu điều này hay làm cho tâm ý người lăng xăng không tự chủ; nó thường cùng với các tâm ô nhiễm mà mống lên, nên gọi là đại phiền não địa pháp.

Bốn là đại bất thiện địa pháp, pháp này có 2 : 1.- Vô tàm, là mình làm nhưng điều tội lỗi mà không biết tự then ; 2.- Vô quý, là mình làm những điều bậy mà đối với người biết xấu hổ. Hai pháp này thường cùng với các tâm dữ mống ra một lần, cho nên gọi là đại bất thiện địa pháp.

Năm là tiểu phiền não địa pháp. Pháp này có 10 : 1.- Phẩn, là tánh hay giận dữ, gặp hoàn cảnh hơi trái là nổi lên ngay ; 2.- Phú, là tánh hay che lấp những điều lỗi của mình ; 3.- Xan, là tánh bỏn xẻn chật hẹp, từ của cải cho đến lời nói đều bo bo không hề giúp ích cho người ; 4.- Tật, là tánh hay ghen ghét ; 5.- Não, là tánh hay chất trước, tự cho mình là phải, không chịu nghe lời can gián, khiến phải não loạn tự tâm ; 6.- Hại, là lòng độc ác, thường kiếm chuyện để hại người ; 7.- Hận, là thường đem lòng giận hờn người, cừu hận không chịu hỉ xả ; 8.- Siểm, là tánh hay nịnh, xu phụ theo người, cũng là tánh dèm xiểm ; 9.- Cuống, là tánh hay giả dối lừa gạt người ; 10.- Kiêu, là cái tánh hay khoe mình khinh người. Mười điều này đều là tánh xấu, thường khởi ra một mình mà không theo với các nhiễm tâm khác, cho nên gọi là tiểu phiền não địa pháp.

Sáu là bất định địa pháp. Pháp này có 8 : 1.- Tâm, là cái tâm tìm kiếm, so với nghĩa chữ từ có phần thô thiển hơn ; 2.- Từ, là cái tánh chăm coi kỹ lưỡng, trong khi tìm xét ý gì, việc gì, có phần vi tế nhỏ nhiệm hơn ; 3.- Thụy miên, là tánh ưa ngủ li bì, không kể đến thì giờ khiến cho tâm trí tối tăm mờ mịt ; 4.- Tác, là tánh hay ăn năn đối với các việc lành dữ mình đã làm hay chưa làm ; 5.- Tham, là tánh chấp trước tham đắm sự vật trong vũ trụ ; 6.- Sân, là tánh hay giận dữ ; 7.- Mạn, là tánh hay kiêu mạn, tự phụ; 8.- Nghi, là tánh hay nghi ngờ không quyết định. Tám pháp này thông cả ba tánh lành, dữ và vô ký không lành không dữ không nhập vào năm địa pháp đã kể trên, cho nên gọi là bất định địa pháp.

Hành pháp bất tương ứng : Pháp này cũng có thể gọi vắn tắt là pháp bất tương ứng, tức là các pháp sanh diệt không thuộc về sắc mà cũng không phải thuộc về tâm; không phải sắc vì nó không phải là tánh chướng ngại không phải tâm vì nó không có tánh lo nghĩ phân biệt, nhưng các pháp ấy tuy không tương ứng với tâm, mà ở trong năm uẩn nhiếp thuộc về hành uẩn, cho nên cũng gọi là tâm bất tương ứng hạnh. Bất tương ứng hạnh có 14 pháp : 1.- Đắt, nghĩa là đặng hay là thành tựu ; 2.- Phi đắc, nghĩa là không đặng hay không thành tựu ; 3.- Đồng phận, cũng gọi là chúng đồng phận. Đồng nghĩa là giống nhau, phận tức là phần tụ dụng; nghĩa là, do nghiệp nhơn giống nhau nên các loài lãnh thọ nghiệp quả về ăn thân và khi giới như nhau ; 4.- Vô tưởng quả, nghĩa là chứng được quả báo vô tưởng ở cõi trời sắc giới đệ tứ thiền ; 5.- Vô tưởng định, la người tu ngoại đạo chứng được thiền định, xả ly các tưởng niệm, như cây đa ; 6.- Diệt tận định hay là diệt thọ tưởng định, cùng với định vô tưởng nói trên đều thuộc về định vô tâm; tâm vương đã vắng lặng; ý thức không hiện hạnh; lại phá trừ cái ý nhiễm ô, chấp ngã, chấp cọng tướng nên thiền định này là thiền định của các bậc hiền thánh tu chứng đạo tịch tịnh Niết-bàn, như là bậc Thanh văn, Duyên giác ; 7.- Mạng căn, tức là cái duy trì sự sống trong một đời ; 8.- Sanh ; 9.- Trú ; 10.- Dị ; 11.- Diệt ; Bốn pháp Sanh, trú, dị, diệt này là bốn tướng của các pháp hữu vi. Các pháp ở vào thời kỳ sanh thành gọi là sanh tướng ; các pháp ở vào thời kỳ tồn tại gọi là trú tướng ; các pháp ở vào thời kỳ thay đổi biến khác gọi là dị tướng; các pháp đến thời kỳ tiêu diệt gọi là diệt tướng ; 12.- Danh thân ; 13.- Cú thân ; 14.- Văn thân ; Danh là một tiếng đơn, cú là từng câu, văn là từng chữ cái, thân là nghĩa nhóm họp. Một tiếng đơn gọi là danh, hai tiếng gọi là danh thân, ba tiếng trở lên gọi là đa danh thân; cú thân là văn thân, ý nghĩa cũng như vậy, chiếu theo đây thì biết.

Vô vi pháp. Pháp vô vi tức là pháp không sanh diệt. Pháp vô vi có ba : 1.- Trạch diệt vô vi ; 2.- Phi trạch diệv vô vi ; 3.- Hư không vô vi. Trạch diệt vô vi, nghĩa là nhờ sức lực chọn mà dứt được ác phiền não, chứng tánh tịch diệt. Trạch nghĩa là lựa chọn, là chỉ về tác dụng sai biệt của trí huệ mà nói, vì trí huệ hay mỗi mỗi lựa chọn nguyên nhơn của sự sanh tử, của pháp hữu vi mà diệt trừ; Diệt, nghĩa là tịch diệt, là chỉ cái lý tịch diệt của các tướng mà nói. Trạch diệt vô vi lấy sự xa lìa ràng buộc làm thể tánh, tức là khi xa lìa các phiền não ràng buộc, mà chứng đạo giải thoát. Phi trạch diệt vô vi, là tánh tịch diệt không còn phải nhờ sức lựa chọn mà thành, nên gọi là phi. Phàm các pháp hữu vi sanh diệt, đều phải đủ có nhơn duyên mới sanh, trái lại, các pháp sẽ sanh sau này nếu nhơn duyên sanh khởi của nó, thường bị cái khác làm chướng ngại thì quyết không bao giờ mà nó sanh ra được nữa. Người tu hành sau khi đoạn trừ phiền não chướng, được tánh tịch diệt rồi, thì không đủ nhơn duyên sanh ra các pháp hữu vi phiền não; khi ấy thể tánh tịch diệt hiện tiền, không còn phải dùng sức lựa chọn mà đặng, nên gọi là phi trạch diệt vô vi. Hư không vô vi, là chỉ ngay cái tánh tịch diệt mà nói; tánh tịch diệt ví như hư không, thường vắng lặng không ngăn ngại; đã không ngăn ngại cái khác, thời cũng không bị cái khác làm ngăn ngại, cho nên gọi là hư không vô vi. Hư không nói đây, đối với hư không mà người phàm tục thường thấy, có phần không giống nhau ; Hư không mà người thường thấy, trong Cu-xá luận gọi là không giới, nó chẳng qua là cái sắc đối với nhãn căn đó thôi. Trong Luận Đại-tỳ-bà-sa nói : “Hư không, không phải là sắc, không giới thì mới gọi là sắc, hư không, không thấy được, không giới có thấy được, hư không không phải là vật đối, không giới thuộc về đối tượng, hư không là vô lậu, không giới là hữu lậu, hư không là vô vi, không giới là hữu vi”
.

IV.- NĂM UẨN

Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc tức là tứ đại cùng là các màu xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...; Thọ là sự lãnh thọ hoàn cảnh ; Tưởng là tư tưởng hoặc tưởng tượng; Hành là hành nghiệp tức là các tâm niệm sanh diệt ; Thức là nhận thức, tức là tánh phân biệt nhận thức các hoàn cảnh.

Tiếng Phạn gọi là Skandha Tắc-kiện-đà, Trung Hoa dịch là uẩn. Chữ uẩn nghĩa là chừa nhóm, là nói chúng sinh nhơn có năm uẩn chứa nhóm lại mà thành ra thân thể, lại nhơn có thân thể mới nhóm các pháp hữu vi phiền não v.v... nên gọi là uẩn.

Sắc tức là sắc pháp trong 75 pháp, thọ và tưởng cũng là hai tâm sở trong 75 pháp, mà nay đặc biệt chia làm hai phần, là vì chúng sinh hay chấp trước tham muốn, lấy sự lãnh thọ hoàn cảnh làm chủ; hay chấp trước về các là kiến, vấy tư tưởng làm chủ - bởi chúng sinh chấp trước về sự buồn vui sướng khổ, nên hay mống ra những điều tư tưởng điên đảo không chánh đáng, vì vậy, mà phải xoay vần trong vòng sống chết mãi. Hành nghĩa là thay đổi hay là tạo tác hành động. Trừ sắc pháp, tâm vương và thọ, tưởng hai tâm sở, còn bao nhiêu pháp hữu vi đều nhiếp vào hành uẩn cả. Còn thức tức là tâm vương.

Năm uẩn cũng gọi là năm ấm, chữ ấm nghĩa là che lấp, là nói chúng sinh thường bị năm ấm hay là năm uẩn che lấp chơn tánh sáng suốt vậy.

12.- span style="mso-spacerun:yes"> XXỨ

Chữ xứ cũng có thể gọi là nhập, ý nghĩa là chung họp hay sanh khởi. Luận Cu-xá giải là chỗ sanh trưởng ra tâm pháp tâm vương và tâm sở pháp, cho nên gọi là xứ.

Xứ có 12, là lục căn - nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân ý; và lục cảnh - sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; 10 xứ trong đây trừ ý và pháp, tức là ngũ căn và ngũ cảnh về sắc pháp. Xứ tức là tâm vương; còn pháp xứ thời nhiếp hết thảy các pháp khác, vì không luận là pháp hữu vi hay vô vi, đều là cảnh sở duyên của ý thức vậy.

VI. - 18 GIỚI

Chữ giới có nghĩa là chủng tội hay chủng loại; vì trong 18 giới, mỗi mỗi đều có chủng loại, tự tánh sai khác, cho nên gọi là giới. Giới có 18 pháp; 6 căn, 6 cảnh và 6 thức.

Trong 18 giới ấy, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, gọi là 10 pháp về sắc giới, tức là ngũ căn và ngũ cảnh trong sắc pháp; ý giới ý căn và lục thức giới, hiệp lại gọi là 7 pháp về tâm giới, phần thuộc về tâm vương, nó tương đương với ý xứ trong 12 xứ nói trên. Cu-xá gọi rằng tâm vương, có chia ra quá khứ và hiện tại khác nhau; Tâm vương về quá khứ làm căn cho ý; tác dụng của lục thức tâm vương về quá khứ vẫn không sai khác nhau, nên đều thống nhiếp vào ý căn giới, còn các tâm vương vê hiện tại duyên vào cảnh lục trần mỗi mỗi đều có công năng tác dụng sai khác, và sở y vào sáu căn, cũng không phải một, cho nên chia một tâm vương ra làm lục thúc giới. Pháp tướng ton gọi rằng : “Ý căn giới là nhiếp cả thức thứ bảy và thức thứ tám, lục thức giới nhiếp cả sáu thức trước”. Pháp giới cùng với pháp xứ trong 12 xứ vẫn đồng, nhiếp hết thảy các pháp trong vũ trụ.

VII.- NGHIỆP

Nghiệp; Tiếng Phạn gọi là Karma Yết-ma, Trung Hoa dịch là nghiệp, ý nghĩa là tạo tác hành động, trong luận Cu xá gọi nghiệp là ỀtưỂ và Ềsở tác của tưỂ. Tư tức là ý nghiệp sự suy nghĩ hành động về ý niệm, sở tác là chỉ cho thân nghiệp sự làm long về thân xác, và ngữ nghiệp nói năng hiệp lại gọi là thân, ngữ, ý, ba nghiệp.

Trong thân nghiệp và ngữ nghiệp lại có hai giống : 1.- Biểu nghiệp ; 2.- Vô biểu nghiệp. Hai nghiệp này cùng với ba nghiệp thân, ngữ, ý, hiệp thành năm nghiệp. Biểu nghiệp là nó có biểu hiện ra nơi thân, ngữ, hai nghiệp khiến người trông thấy đều nhận biết; vô biểu nghiệp là do sức mạnh của thân, ngữ, hai biểu nghiệp mà dẫn đây ra, tuy rằng nó không biểu hiện cho người thấy, nhưng nó có cái năng lực hay ngăn ngừa điều lành hoặc điều dữ vậy. Nghiệp có ba tánh, là; lành, dữ và vô ký Trung bình, không lành, không dữ; lành và dữ là hai nghiệp có cảm quả báo về sau; còn nghiệp vô ký là không có cảm quả báo.

VIII.- 10 NGHIỆP LÀNH VÀ 10 NGHIỆP DỮ

Lành và dữ hai nghiệp, nói về chỗ thô thiển cho dễ hiểu, thì đều có 10 món, thông thường gọi là thập nghiệp đạo ; tức là 10 ác nghiệp và 10 thiện nghiệp vậy. Nói về 10 nghiệp ác, thì trong thân nghiệp có ba; giết hại, trộm cắp, tà dâm; ngữ nghiệp có bốn; nói lời nói dối gạt, lời thêu dệt, lời chia rẽ hai lưỡi, lời mắng chửi độc ác; ý nghiệp cũng có ba; tham lam, giận dữ, si mê. Mười điều ấy là thuộc về 10 nghiệp dữ. Trái lại, không giết hại, không trộm cắp, không là dâm, không nói lừa dối, không lời thêu dệt, dua nịnh, không nói lời chia rẽ, không nói lời ác tợn, không tham lam, không giận dữ, không si mê, tức là 10 nghiệp lành.

IX.- ĐỊNH NGHIỆP VÀ BẤT ĐỊNH NGHIỆP

Sự quả báo của lành và dữ có mau chậm, hoặc ở ngay trong đời này, hoặc qua đời sau chẳng hạn như đời này tạo nghiệp, hiện trong đời này cảm quả chịu báo, gọi là thuận hiện pháp thọ; đời này tạo nghiệp mà đời kế đời này mới chịu quả báo, gọi là thuận thứ sanh thọ; còn đời này tạo nghiệp mà đến đời thứ ba thứ tư về sau mới chịu quả báo, gọi là thuận hậu thứ thọ. Ba lẽ ấy là nói về cái thời kỳ cảm quả chịu báo đã xác định nên gọi là định nghiệp. Còn như đời này thọ nghiệp mà thời kỳ chịu quả báo chưa định, thì gọi là bất định nghiệp. Bất định nghiệp có hai thứ; một là báo đã định mà thời kỳ chịu quả báo chưa định; hai là cả quả báo và thời kỳ để chịu quả báo, đều chưa định. Vì những đạo lý ấy, nên sự quả báo của người, không thể lấy trong một đời này mà xèt đoán được.

X.- THẾ GIỚI

Thế giới cũng gọi là thế gian; chia làm hai loại, là hữu tình thế gian và khí thế gian. Hữu tình thế gian, là chỉ về thân thể của các loài chúng sinh mà nói; chúng sinh vì nghiệp nhơn mà cảm chịu quả báo chánh thức về thân thể ấy; nên gọi là chánh báo. Còn khí thế gian là chỉ về núi, sông, nhà cửa, áo mặc, cơm ăn mà nói; vì những vật ấy là quả báo sở y của các loài hữu tình chúng sinh nương vào đó mà sống, cho nên gọi là y báo.

Trong vũ trụ không biết bao nhiêu là thế giới, hiệp mỗt ngàn thế giới thành ra một tiểu thiên thế giới; hiệp một ngàn tiểu thiên thế giới, gọi là một trung thiên thế giới; hiệp một ngàn trung thiên thế giới, gọi là một đại thiên thế giới. Một đại thiên thế giới, thông thường gọi là tam thiên đại thiên thế giới, nói rằng tam thiên, là chỉ con số do tiểu thiên, trung thiên và đại thiên, lá chỉ con số do tiểu thiên, trung thiên và đại thiên mà cấu thành, chứ không phải nói bà ngàn cái đại thiên thế giới vậy. Mỗi một đại thiên thế giới, kế có mười vạn vạn thế giới; ấy là một cảnh sở hóa của một đức Phật. Trong vũ trụ có vô lượng vô số đại thiên thế giới, gọi là thập phương vi trần thế giới mười phương thế giới nhiều như vi trần, hay là thập phương thế giới nhiều như vi trần, hay là thập phương hằng sa thế giới thế giới rất nhiều như số cát song Hằng. Thế giới mà chúng ta hiện ở đây, thuộc về thế giới Ta-bà; Ta-bà nghĩa là kham nhẫn, là nói chúng sinh ở cõi này hay nhẫn chịu những điều thống khổ vậy.

XI.- KIẾP

Sự thành hoại củathế giới xoay vần không ngớt; mỗi một thế giới đều có thành, trú, hoại, không, bốn thời kỳ; tức là thời kỳ sanh thành, thời kỳ tồn tại, thời kỳ phá hoại và thời kỳ tiêu diệt. Mỗi thời đều có 20 trung kiếp, mỗi trung kiếp độ chừng 14.000.000 năm. Chữ kiếp, tiếng Phạn gọi là Calpa kiếp-ba, dịch nghĩa là thời phận, có đại thời, trường thời v.v... Có thuyết nói; Mỗi một đại kiếp chia làm thành, trụ, hoại, không, bốn trung kiếp; mỗi một trung kiếp chia làm 20 tiểu kiếp thời gian tiểu kiếp nói đây cùng với thời gian trung kiếp ở trên như nhau. Thành kiếp là thời kỳ thế giới thành lập; trụ kiếp là thời kỳ sau khi thế giới thành lập, các loài hữu tình ăn ở; hoại kiếp là thời kỳ phá hoại; không kiếp là thời kỳ khi thế giới đã tiêu diệt không còng gì nữa. Các bậc về Bồ-tát tu hành phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật. A-tăng-kỳ ý nghĩa là vô số kiếp vậy.

Đại kiếp : 4 thời kỳ tức là 4 trung kiếp; thời kỳ; 20 tiểu kiếp; Tiểu kiếp : 16.000.000 năm. Đại kiếp : 20 x 4, = 80 x 16.000.000 = 1.280.000.000 năm 1 ngàn 2 trăm 80 triệu năm.

XII.- TAM GIỚI

Tam giới là ba cõi, là cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới là cõi của loài hữu tình ở mà chưa xa lìa sự dâm dục và thực dục. Y theo bản Ềthế giới an lập đềỂ của nhà Phật, thì trên từ cõi trời lục dục, chặng giữa thời bốn châu thuộc về cõi người ở dưới đến cõi địa ngục vô gián, đều thuộc về dục giới. Sắc giới là cõi loài hữu tình mà đã rời bỏ được sự dâm dục và thực dục, hình sắc tốt đẹp cõi này do thiền định cao thấp mà chia ra bốn bực, gọi là tứ thiền sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cũng gọi là tứ tịnh lự, nghĩa là nói người sanh lên cõi ấy, tâm ý được yên tịnh, không còn tán loạn như chúng sinh ở cõi này nữa. Vô sắc giới, là cõi không có hình sắc như cõi này, các loài hữu tình sanh vào đó chỉ có tâm thức mà thôi. Cõi này chia ra làm bốn cõi, thông thường gọi là tứ không thiên cõi Không vô biên xứ, cõi Thức vô biên xứ, cõi Vô sở hữu xứ, cõi Phi tưởng Phi phi tưởng xứ.

Tam giới cũng gọi là tam hữu, nghĩa là nói chúng sinh ở trong ba cõi gây nhơn gì thì chịu quả nấy, nhơn quả không mất, sanh tử nối luôn vậy.

XIII.- CỬU ĐỊA

Ba cõi lại chia ra làm cữu địa, cũng gọi là cữu hữu : 1.- Dục giới ngũ thú địa, cũng gọi là ngũ thú tạp cư địa, tức là toàn bộ của cõi dục giới từ thiên, nhơn, cho đến súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, năm loài lẫn lộn chung ở đều có dâm dục, nên hiệp làm một cõi gọi là dục giới ; 2.- Ly sanh hỷ lạc địa, tức là bậc sơ thiền nơi cõi sắc giới, cõi này tương ưng với tầm, tứ hai tâm sở, đã dứt được sự khổ não ở dục giới mà sanh ra vui mừng, nên gọi là ly sanh hỷ lạc ; 3.- Định sanh hỷ lạc địa, tức là bực nhị thiền nơi cõi sắc giới, cõi này không cần phải tầm, tứ, chỉ tùy theo sức định mà sanh ra vui mừng, nên gọi là định sanh hỷ lạc ; 4.- Ly hỷ diệu lạc địa, tức là đệ tam thiền nơi cõi trời sắc giới, bực này đã xa lìa sự vui mừng ở hai cõi kia, mà tự có cảnh vui mầu nhiệm hơn, nên gọi là ly hỷ diệu lạc ; 5.- Xả niệm thanh tịnh địa, cũng là bực đệ tử thiền nơi cõi sắc giới, bực này lại dứt bỏ các tâm niệm, chỉ một tự tánh thanh tịnh bình đẳng, an trụ vào chánh niệm xả thọ, nên gọi là xả niệm thanh tịnh ; 6.- Không vô biên xứ, tức là cõi trời thứ nhất về vô sắc giới, chúng sinh ở cõi này chán nản và tiêu diệt hình sắc, an trụ nơi cảnh định gọi là không vô biên ; 7.- Thức vô biên xứ, tức là cõi trời thứ hai về vô sắc giới, chúng sinh ở cõi này thường thường an trú vào cảnh định thức vô biên ; 8.- Vô sở hữu xứ, tức là cõi trời thứ ba về vô sắc giới, chúng sinh ở cõi này, an trú nơi cảnh định vô sở hữu xứ ; 9.- Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, tức là cõi trời thứ tư về vô sắc giới, chúng sinh ở cõi này, tâm ý an trú với cảnh định phi tưởng phi tưởng.

Dục giới gọi là tang địa, nghĩa là nói chúng sinh ở cõi ấy, dù làm việc lành, chẳng qua là đem tâm tán loạn mà làm đó thôi, không như chúng sinh ở hai cõi trên - Sắc giới - có tu tập thiền định mà gọi là định địa - do thiền định mà cảm được quả báo tốt vậy.

XIV.- NGŨ THÚ VÀ LỤC ĐẠO

Ngũ thú cũng gọi là ngũ đạo, là : trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục ; thêm loài A-tu-la vào thì gọi là lục thú, hay là lục đạo. A-tu-la giống người mà tài trí như cõi trời, nhưng không có đức hạnh cõi trời; có thiên tu la, quỉ tu la, và súc tu la khác nhau, có thể nhiếp vào trong các loài kia, nên các kinh luận Tiển thừa, phần nhiều chỉ nói ngũ thú mà thôi.

Chữ thú nghĩa là nói chúng sinh ở trong ba cõi, gây nhơn chịu quả, đầu thai vào các loài vậy; còn như gọi rằng đạo, ý nghĩa là nói chúng sinh lần lữa xoay vần theo con đường sanh tử luân hồi vậy.

XV.- BỔN HOẶC VÀ TÙY HOẶC

Nghiệp là các nhơn thân sanh ra các quả báo sanh tử, còn cái giúp cho có nghiệp mà cảm chịu quả báo, gọi là hoặc mê lầm. Chúng sinh nhơn hoặc - mê lầm - mà gây ra nghiệp, vì nghiệp mà chịu báo. Các hoặc có cái công dụng khiến thân tâm các loài hữu tình phiền não rối loạn, cho nên hoặc cũng gọi là phiền não; nó lại hay đeo đuổi loài hữu tình, khiến sự tối tăm ngu độn tiếp tục tăng trưởng, nên cũng gọi là tùy miên. Công dụng của nó có mạnh có yếu khác nhau, nên chia ra căn bổn và chi mạt hai loại;

Bổn hoặc là sự mê lầm cội gốc, nên cũng gọi là căn bổn phiền não, nghĩa là nói do phiền não ấy mà sanh ra các phiền não khác.

Có sáu căn bản phiền não là; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Ác kiến lại chia ra làm thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, cùng năm hoặc trước, hiệp lại gọi là mười hoặc, cũng gọi là mười tùy miên.

Thân kiến cũng kêu là hữu thân kiến, là đối với cái thân thể do năm uẩn hòa hiệp lại mà thành, cái thân ấy không có chủ tể, mà chúng sinh nhận lầm là thật có ngã, nhơn đó mới sanh ra tính chấp ngã; cho thân này là ta, sự vật là của ta v.v... Nhơn có chấp ngã, mới sanh ra lối chấp; thân này chết rồi thì tiêu diệt, hẳn không còn gì cả đoạn kiết thân này chết rồi linh hồn vẫn còn mãi mãi thường kiến; những sự chấy ấy, làm mất hẳn lý trung đạo, nên gọi là biên kiến, tức là thiên chấp; tà kiến nghĩa là chấp những đạo lý mơ hồ, và bài bác những lý nhơn quả chơn chánh; kiến thủ là chấp chặt lấy kiến giải sai lầm chật hẹp của mìn, rồi cho là chơn chánh và hơn hết, mà không chịu theo đòi các bực hiền thánh; giới cấm thủ là sự giữ giới sai lầm, không phải chơn chánh mà chấp là chơn chánh, không phải đạo mà chấp là đạo, như lối giới cấm khổ hạnh của các ngoại đạo, cho sự tu như vậy là cái nhơn tốt về cõi trời, ấy là không phải nhơn mà chấp là nhơn; như dùng sự giữ theo các giới thế gian mà cho là một đạo lý tu hành ra khỏi phiền não, chứng được giải thoát, ấy là không phải đạo mà chấp là đạo.

Ngũ độn sử và ngũ lợi sử : Cội gốc của sự phiền não có năm : tham, sân, si, mạn, nghi; tánh chất của năm điều này rất là chậm lụt, khó mà dứt trừ, cho nên gọi là ngũ độn sử. Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, năm điều này tánh chất lanh lợi dễ trừ bỏ, nên gọi là ngũ lợi sử. Sử nghĩa là nói nó hay sai khiến loài hữu tình cứ lẩn quẩn trong chỗ mê lầm vậy.

Kiến hoặc và tư hoặc : Ngũ độn sử và ngũ lợi sử có chia ra mê sự và mê lý khác nhau; cái mê lầm về lý, là vì tự mình không rõ chánh lý hoặc do tà sư tà giáo cùng sự suy nghĩ tà vạy của mình mà sanh ra, cho nên gọi là sự mê lầm về phân biệt; vả lại khi tu hành kiến đạo, đã đoạn trừ được mê lầm ấy, cho nên gọi là kiến hoặc. Cái mê lầm về sự, là vì mê muội nơi sự vật mà sanh ra, như chúng ta đối với sự ăn, mặc, ở sanh rất ham trước, mấy điều ấy cùng với thân này đồng sanh một lần cho nên gọi là sự mê lầm về câu sanh; sự mê lầm ấy rất khó diệt trừ; muốn diệt trừ thì phải gắng sức tu trì, ở trong khi tu đạo lần lần dứt bỏ, nên gọi tư hoặc. Trong mười điều mê lầm ấy, thì ngũ lợi sử và nghi, bởi vì mê lý nên thuộc về kiến hoặc; tham, sân, si, mạn, gồm cả mê lý và mê sự, nên thông cả kiến hoặc và tư hoặc.

Số mục của kiến hoặc và tư hoặc : Những hoặc mê lý và mê sự, phối hiệp với ba cõi, thời thành ra 88 món kiến hoặc cùng 81 phẩm tư hoặc 88 món 2iến hoặc, là 10 hoặc về khổ đế ở cõi dục giới, 7 hoặc về tập đế và 7 hoặc về diệt đế hai cái này đều trừ thân kiến, biên kiến, giới cấm, 8 hoặc về đạo đế trừ thân kiến và biên kiến, cả bốn đế, hiệp lại thành 32 hoặc. Bốn đế ở cõi trời sắc giới và vô sắc giới đều trừ sân hoặc, hiệp lại thành 26 hoặc; hai cõi sắc, vô sắc cọng thành 56 hoặc, thêm 32 hoặc về dục giới, thì thành ra 88 sử. Tham, sân, si, mạn về tư hoặc, tánh chất đần độn, khó mà phân biệt, nhơn tác dụng của nó có mạnh yếu chia làm thượng, trung, hạ, ba phẩm; trong bà phẩm ấy, lại đều chia làm thượng, trung, hạ mà thành ra 9 phẩm, phối hợp với tam giới cữu địa, thời thành ra 81 phẩm. Nhưng cõi trời sắc giới và vô sắc giới tuyệt không có sân vậy. Nay muốn cho dễ nhớ xin làm bản đồ như dưới này (xem trang kế).

Tùy hoặc; Nghĩa là những phiền não tùy theo các phiền não cội gốc mà sanh ra, nên gọi là tùy hoặc, cũng gọi là tùy phiền não. Cả thảy có 19; Phóng dật, giải đải, bất tín, hôn trầm, điệu cử, vô tàm, vô quý, phận, phú, xan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu, thụy miên và ác tác. So sánh về tam giới thời tánh dối gạt và dèm siểm cuống và siểm chỉ thuộc về dục giới và bậc sơ thiền ở cõi sắc giới; phóng dật, giải đải, bất tín, hôn trầm, điệu cử, kiêu, sáu điều ấy thông cả ba cõi; còn bao nhiêu đều là tánh không lành, những tánh ấy chỉ cõi dục giới có mà thôi, cho nên cõi dục giới cả thảy có 19 tùy phiền não, cõi sắc giới có 8, cõi vô sắc giới chỉ có 6. Lại so với kiến hoặc và tư hoặc; phóng dật, giải đải, bất tín, hôn tầm, điện cử, vô tàm, vô quý, thụy miện, tám điều ấy tùy tương ưng với bổn hoặc, thông cả kiến hoặc và tư hoặc.

Còn như phận, phú v.v... 11 điều thì gọi là tự tại khi chỉ tương ứng với vô minh, nên gọi là tư hoặc.

XVI.- TỨ ĐẾ

Tôn này chủ trương người ta vì nghiệp lành nghiệp dữ làm nhơn, phiền não làm duyên, mà phát khởi có năm uẩn hòa hiệp, nhơn thế mới có thân tâm và thế giới, để chịu các khổ não, sống chết luân hồi; như tu theo giới, định, huệ, thời dứt được các nghiệp chướng và các sự mê lầm mà chứng quả Niết-bàn giải thoát. Năm uẩn nhóm họp lại gọi là Tập đế ; quả báo khổ não về tâm, thân, thế giới là Khổ đế; tu trì theo chánh đạo là Đạo đế; chứng được quả Niết-bàn là Diệt-đế; ấy là khổ khổ quả ở thế gian, tập nhơn khổ ở thế gian, diệt quả vui Niết-bàn, đạo nhơn vui xuất thế, bốn đế. Chữ đế nghĩa là chắc thật, tức là chơn lý vậy.

XVII.- 12 NHƠN DUYÊN

Các sự mê lầm và các nghiệp chướng gây ra sự sống chết, nếu nói cho rõ thì có 12 nhơn duyên, cũng gọi là 12 chi, tức là; vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. 12 nhơn duyên nương theo thứ lớp mà sanh ra. 1.- Vô minh duyên hành, vô minh là nói những điều mê lầm đời trước của người, duyên là nói sự mê lầm ấy nó làm nhơn duyên mà sanh khởi ra; hành là nói các hạnh nghiệp lưu chuyển trong tự tâm mình bởi sự mê lầm mà gây ra các nghiệp, cho nên gọi là vô minh duyên hành. 2.- Hành duyên thức, tức là cái thức do các nghiệp lực nó dẫn dắt đi đầu thai vào các loài. 3.- Thức duyên danh sắc, danh là chỉ cho bốn uẩn ; thọ, tưởng, hành, thức; sắc tức là sắc uẩn; danh sắc tức là nói cái thời kỳ phôi thai đương tổ chức của thân tâm trước khi chưa đủ cáu căn vậy. 4.- Danh sắc duyên lục nhập, nghĩa là nói cái thời kỳ sau khi do danh sắc tổ chức gần hoàn bị, tức là khi say căn đã đầy đủ. 5.- Lục nhập duyên xúc, nghĩa là nói khi sanh ra, sáu căn đối với sáu trần, sanh ra sự cảm xúc trong khi đối cảnh. 6.- Xúc duyên thọ, nghĩa là nói do khi cám xúc đối cảnh mà sanh ra sự lãnh thọ các cảnh vui hay khổ. 7.- Thọ duyên ái, là nói bởi những sự vui mà sanh ra lòng ưa muốn say đắm. 8.- Ái duyên thủ, là nói bởi có ưa muốn mà sanh ra lòng chấp trước, tham cầu. 9.- Thủ duyên hữu, là nói vì lòng chấp trước tham cầu mà gây ra nhơn quả đời sau. 10.- Hữu duyên sanh, là nói đã gây ra cái nhơn đời sau thời phải chịu cái quả chuyển sanh. 11.- Sanh duyên lão tử, là nói đã có sanh ra thì có già chết. Vô minh và hành nghiệp, hai điều ấy, là nhơn thuộc về đời quá khứ, trong Tứ đế thì thuộc về Tập đế; từ thức cho đến thọ, năm điều ấy là cái quả đương chịu đời bấy giờ, thuộc về Khổ đế ; ái, thủ, hữu, ba điều ấy là cái nhơn đương gây ra trong đời này, cũng thuộc về Tập đế; sanh và lão tử, hai điều ấy là cái quả đời sau phải chịu, thuộc về Khổ đế. Nếu phối hiệp với nghiệp, hoặc, khổ, thời vô minh là hoặc, thành là nghiệp, từ thức cho đến thọ là khổ. Ái, thủ là hoặc ; hữu là nghiệp, sanh và lão tử, là khổ.

XVIII.- NIẾT BÀN

Niết-bàn, tiếng Phạn gọi là Nirvana, Trung Hoa có khi dịch là Nê-hoàn. Nê nghĩa là dứt, cũng dịch có nhiều nghĩa khác, như là; diệt độ, tịch diệt, giải thoát, vô vi v.v... ý nghĩa là dứt hết điều phiền não, ra khỏi vòng sống chết, lìa bỏ sự ràng buộc mà đặng cảnh vắng lặng, gọi là Niết-bàn có hai; Một là hữu dư y Niết-bàn, là nói người tu hành, các phiền não tuy đã đoạn trừ hết sạnh, nhưng thọ mạng hãy còn sống ở đời, nên gọi là hữu dư y; hai là vô dư y Niết-bàn, là nói ngườI tu hành phiền não đã dứt sạch, thọ mạng cũng không sống còn ở đời, thân tâm đều vắng lặng, cho nên gọi là vô dư y.

XIX.PHÁP HỮU LẬU VÀ VÔ LẬU

Lậu là cái tên tiếng của sự phiền não. Lậu có ba nghĩa; an trú, lưu chuyển, tiết lậu. Vì phiền não hay khiến chúng sinh ở mãi trong ba cõi, lưu chuyển trong vòng chết sống luân hồi, như cái nhà bị dột, giọt rơi những sự dơ bẩn, nên gọI là lậu. Trong luận Cu-xá nói rằng; trừ đạo đế, còn bao nhiêu pháp hữu vi đều là hữu lậu. Đạo đế và ba pháp vô vi là pháp vô lậu.

XX.- NHƠN QUẢ CỦA TAM THỪA

Tam thừa là; Thanh văn, Duyên Giác và Bồ-tát. Chỗ tu hành và chứng quả của ba bực ấy không giống nhau. Tôn ngày nói bực Thanh văn tu về phép quán tứ đế, mau thời ba đời, mà chậm thời phải trải qua 60 kiếp, mới chứng được quả A-la-hán; nhưng từng bực về chỗ tu chứng thì có bảy phương tiện và các bậc trong tứ quả.

Bảy phương tiện là; Tam hiền và tứ thiện căn, ấy là vị thứ khi tu nhơn trên con đường tu hành của bực Thanh văn.

Tam Hiền : 1.- Bực tu về pháp quán ngũ định tâm, nhờ tu pháp quán tưởng khiến tâm mình dễ an tịnh :

a.- Quán cái thân này là nhơ bẩn, để đối lòng tham muốn ;
b.- Quán cái lòng từ bi để trừ tánh giận dữ ;
c.- Quán nhơn duyên - 12 nhơn duyên - để trị tánh ngu si ;

d.- Quán giới phân biệt, pháp quán này cũng gọi là giới phương tiện quán, tích giới quán và vô ngã quán, tức là quán địa, thủy, hỏa, phong, không, thức, sáu giới ấy đều nhơn duyên hòa hiệp mà thành ra thân, không có gì đáng gọi là ta cả, pháp quán này mục đích để trị cái lòng ngã chấp ;

e.- Quán sổ tức, cũng kêu là niệm sổ tức, nghĩa là quán hơi thở vô thở ra để dứt sự rối loạn trong tâm trí.

2.- Bậc tu về pháp Biệt tướng niệm xứ, là pháp quán về tứ niệm xứ : a.- Quán cái thân này đây, những sự nhơ bẩn ; b.- Quán sự lãnh thọ toàn là khổ ; c.- Quán tâm người không thường ; d.- Quán các pháp không tự chủ (không có bãn ngã chơn thật). Quán như vậy, để trừ bỏ cái lòng chấp “thường” (vọng tâm của chúng sinh không thường mà chấp là thường), “lạc” (cuộc đời là khổ mà chúng sinh chấp và vui), “ngã” (thân này và các pháp không có tự chủ mà chúng sinh chấp là có tự chủ), “tịnh” (thân này là nhơ bẩn mà chúng sinh cho là sạch sẽ), là bốn cái chấp điên đảo của chúng sinh vậy. Niệm là cái tâm sở thường cùng với trí huệ quán tưởng mà khởi ra ; xứ là cái cảnh của sự quán tưởng tức là thân, thọ, tâm, pháp, bốn cái ấy, làm cảnh cho tâm niệm người tu hành an trú, cho nên gọi là tứ niệm xứ.

3.- Bậc tu về pháp tổng tướng niệm xứ, tức là pháp quán tổng tu về tứ niệm xứ, đồng thời quán thân này là không thường, là nhơ bẩn, là khổ não, là không có ngã, cho đến thọ, tâm, pháp, đều tu tập một cách như vậy.

Tứ thiện căn (bốn căn lành) là : noãn pháp, đảnh pháp, nhẫn pháp và thế độ nhất pháp :

a.- Noãn pháp, là theo lời ví dụ và đặt ra, như mình cưa cây lấy lửa, lửa tuy chưa ra, nhưng trước khi lửa ra đã có hơi nóng; nay người tu hành muốn dùng lửa trí huệ đốt các phiền não, tuy rằng chưa được trí huệ sáng suốt vô lậu, nhưng trước khi lửa trì sanh ra, thời đã có tướng lửa phát hiện, nên gọi là noãn pháp.

b.- Đảnh pháp, sở dĩ gọi là đảnh pháp, là đối với các căn lành đương còn xao động, pháp này là mầu nhiệm hơn cả, như cái đảnh của người; vả bực này còn ở trong thời kỳ tấn, thối, như cái đảnh núi, nên gọi là đảnh. Căn lành xao động ; tức là nói noãn pháp và đảnh pháp, hai bực ấy còn có tấn có thối, tấn thời khởi ra căn lành bất động về nhẫn pháp và thế độ nhấp pháp; như thối thời sanh phiền não tạo ác nghiệp mà đọa vào ác thú.

c.- Nhẫn pháp có hai nghĩa: ấn khả và quyết định, nghĩa là bậc này nhận thật lý tứ đế đặng rốt rát hơn cả, quyết không bao giờ sa đọa.

d.- Thế độ nhất pháp, thế là thế gian, bậc này còn là hữu lậu nên gọi là thế độ nhất; người tu hành đến bậc này tuy chưa chứng được Thánh đạo, nhưng ở trong hữu lậu thế gian dã được phần tôn trọng thứ nhất. Bậc tứ thiện căn này, tu pháp quán tứ đế, thường gia công dụng hành, giúp thêm định huệ, nên cũng gọi là tứ gia hạnh.

Tứ quả là: Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất hàm quả và A-la-hán quả. Tiếng Phạn gọi la Srota apanna (Tu-đà-hoàn). Trung Hoa dịch là Nhập lưu hay Dư lưu, tức là quả đầu tiên về chỗ tu chứng. Quả Dự lưu là sau khi đến bậc Thế độ nhấp pháp đã diệt bỏ phiền não, trí huệ sanh ra, trừ hẳn kiến hoặc trong ba cõi, dự vào giòng pháp Thánh đạo, cho nên gọi là Dự lưu. Tiếng Phạn gọi là Skrdagami (Tư-đà-hàm), Trung Hoa dịch là Nhất lai, tức là quả thứ hai. Bậc này đối với chin phẩm tư hoặc trong dục giới đã dứt bỏ đước sáu phẩm trước, ba phẩm sau hãy còn, nên còn phải đầu thai nơi cõi dục giới một lần, đặng mà tu hành thêm tới, nên gọi là Nhất lai. Tiếng Phạn gọi là A-na-hàm (angâmi), Trung Hoa dịch là Bất lai, tức là quả thứ ba. Bậc này dứt bỏ được ba phẩm tư hoặc sau ở cõi dục giới, không phải đầu thai vào cõi ấy nữa, cho nên gọi là Bất lai. Tiếng Phạn gọi là A-la-hán (arhat), Trung Hoa dịch là Ứng cúng hay Vô sanh, ấy là quả thứ tư. Bậc này dứt bỏ được các điều mê lầm trong cõi sắc giới và vô sắc giới, không sanh ra phiền não, không còn sanh tử luân hồi, vượt ra khỏi ba cõi, hưởng sự cúng dường của thiên, nhân. Tu hành đến quả này là quả cực điểm về Tiểu thừa, không còn phải học pháp gì nữa, nên cũng gọi là vô học.

Bậc Duyên giác quán ly 12 nhơn duyên, mau thời phải bốn đời, mà chậm thời phải trải qua 100 kiếp rồi mới chứng được quả Bích Chi Phật. Bậc này chứa nhóm các công đức tu hành, thẳng lên quả vô học không phiền phải trải qua nhiều tầng bậc, nên theo lối tu Duyên giác không phải lập ra nhiều quả vị, chẳng qua khi đương tu hành thì gọi là hướng, nghĩa là đi tới, là do sự tu hành mà đi tới chỗ chứng quả, trong khoảng thời gian ấy, tất phải trải qua bốn đời hay 100 kiếp mà chứng bậc Duyên giác ; khi ấy là chỗ tu hành được đầy đủ, dứt mối mê lầm, chứng được chơn lý, thường hưởng pháp lạc trong cảnh Niết-bàn.

Bậc Bồ-tát tu về pháp Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, sau hết lại phải 100 kiếp tu các nhơn về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật, đến thân kiếp sau cùng, hoàn toàn dứt bỏ các kiến, các hoặc, thành tựu quả Phật, chứng đạo Đại Bồ-đề.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]