Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phẩm Phật quốc

13/12/201004:39(Xem: 6918)
1. Phẩm Phật quốc

 

Phật Lịch 2514
KINH DUY-MA-CẬT

Đời Diêu Tần, ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
vưng chiếu dịch ra chữ Trung Hoa
Dịch giả: Thích Huệ Hưng
Dương Lịch 1970

KINH (1) DUY MA CẬT (2) SỞ THUYẾT
CŨNG GỌI

Kinh “BẤT KHẢ TƯ NGHỊ GIẢI THOÁT” (3)

I. PHẨM PHẬT QUỐC(4)

Chính tôi được nghe, một thuở kia, đức Phật Thích Ca ở thành Tỳ Da Ly (5) nơi vườn cây Am La (6) cùng tám nghìn chúng Đại Tỳ Kheo, hai vạn hai nghìn Bồ Tát, là những vị có tiếng tăm, đều đã thành tựu trí hạnh đại thừa, do nhờ oai thần của chư Phật lập nên. Các Ngài làm bức thành hộ pháp, giữ gìn chánh pháp, diễn nói pháp âm rất oai hùng, tự tại vô úy như sư tử rống (7) danh đồn xa khắp mười phương. Người đời không cầu thỉnh mà các Ngài sẵn sàng làm bạn giúp cho an vui. Các Ngài xương minh Tam bảo không dể dứt mất, hàng phục tất cả ma oán, ngăn dẹp các ngoại đạo ; sáu căn (8) ba nghiệp (9) đều đã thanh tịnh ; trọn lìa năm món che ngăn (10) và mười điều ràng buộc (11). Tâm thường an trụ nơi lý vô ngại giải thoát ; niệm định tổng trì (12) bình đẳng, biện tài thông suốt như suối tuôn không dứt. Các hạnh Bồ thí, trì giớí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và sức phương tiện lợi mình lợì người thảy đều đầy đủ. Đã được đến bực vô sở đắc (13) mà không khởi pháp nhẫn (vô sinh pháp nhẫn)(14), hay tùy thuận dìễn nói pháp luân bất thối (15), khéo hiểu rõ chân tướng các pháp, thấu biết căn cơ chúng sanh, oai đức bao trùm đại chúng(16), không còn sợ sệt chi cả.

Các Ngài dùng công đức trí tuệ trau sửa lòng mình, lấy tướng tốt trang nghiêm thân hình, sắc tượng dung nhan bực nhứt, bỏ hẳn tất cả trang sức tốt đẹp trong đời, danh tiếng cao xa vượt hẳn núi Tu di (17), lòng tin bền chắc như kim cương, đem Pháp bảo soi khắp, mưa nước cam lố, phát ra tiếng tăm đều là vi diệu bực nhứt.

Các Ngài đã thâm nhập lý duyên khởi (18), dứt hết các tập khí kiến chấp sai lầm bên có bên không, diễn nói các pháp không sợ sệt như sư tử rống, những lời giảng nói như sấm nổ, không có hạn lượng và đã quá hạn lượng.

Các Ngài tự mình nhóm góp rất nhiều Pháp bảo như Hải đạo sư (19), rõ nghĩa lý sâu mầu của các pháp, biết rành hiện trạng qua lại trong các cảnh thú và hành vi tốt xấu trong tâm niệm chúng sanh. Gần kề bực Phật tối tôn là đấng đầy đủ trí tuệ, tự tại, thập lực (20), vô úy (21), thập bát bất cộng(22). Ngăn đóng tất cả cửa nẻo ác thú, hiện thân trong năm đường(23) hóa độ chúng sanh. Làm vị Đại Y Vương (24) khéo trị lành các bịnh, đúng theo bịnh cho thuốc đều được công hiệu. Đã thành tựu vô lượng công đức, trang nghiêm thanh tịnh vô lượng cõi Phật. Người nào được nghe danh thấy hình đều được lợi ích. Những hành động của các Ngài đều không uổng phí, các công đức như thế, đã hoàn toàn viên mãn.

Danh hiệu các Ngài là Đẳng Quán Bồ Tát, Bất Đẳng Quán Bồ Tát, Đẳng Bất Đẳng Quán Bồ Tát, Định Tự Tại Vương Bồ Tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát, Pháp Tướng Bồ Tát, Quang Tướng Bồ Tát, Quang Nghiêm Bồ Tát, Đại Nghiêm Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Biện Tích Bồ Tát, Bảo Thu Bồ Tát, Bảo Ấn Bồ Tát, Thường Cử Thủ Bồ Tát, Thường Hạ Thủ Bồ Tát, Thường Thảm Bồ Tát, Hỷ Căn Bồ Tát, Hỷ Vương Bồ Tát, Biện âm Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Chấp Bảo Cự Bồ Tát, Bảo Dõng Bồ Tát, Bảo Kiến Bồ Tát, Đế Võng Bồ Tát, Minh Võng Bồ Tát, Vô Duyên Quán Bồ Tát, Huệ Tích Bồ Tát, Bảo Thắng Bồ Tát, Thiên Vương Bồ Tát, Hoại Ma Bồ Tát, Điễn Đức Bồ Tát, Tự Tại Vương Bồ Tát, Công Đức Tướng Nghiêm Bồ Tát, Sư Tử Hống Bồ Tát, Lôi âm Bồ Tát, Sơn Tướng Kích Âm Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Bạch Hương Tượng Bồ Tát, Thuờng Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Diệu Sanh Bồ Tát, Hoa Nghiêm Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, Phạm Võng Bồ Tát, Bảo Trượng Bồ Tát, Vô Thắng Bồ Tát, Nghiêm Độ Bồ Tát, Kim Kế Bồ Tát, Châu Kế Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát, cả thay như thế ba vạn hai nghìn Ngài.

Lại có một vạn vị Thi Khi (25), Phạm Thiên Vương từ Tứ thiên hạ (26) khác đến chỗ Phật nghe Pháp. Lại có một vạn hai nghìn vị Thiên đế cũng từ Tứ thiên hạ khác đến trong pháp hội. Các hàng chư Thiên có oai lực lớn, cùng Long thần, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Khẩn na la, Ma hầu la đà (27) v.v. . . đều đến trong pháp hội. Lại có các vị Tỳ kheo (28) , Tỳ kheo ni, ưu bà tắc (29), ưu bà di (30) cũng đến trong Pháp hội.
Bấy gỉờ đức Phật nói Pháp cho vô lượng trăm nghìn đại chúng đông đảo cung kính vây quanh đấy, ví như núi chúa Tu di hiển bày nơi bể cả. Ngài ngồi yên trên tòa Sư tử (31) trang nghiêm bằng các thứ báu, oai đức che trùm tất cả đại chúng. Khi ấy trong thành Tỳ Da Ly có Trưỏng giả tử(32) tên là Bảo Tích với 500 vị Trưởng giả tử đồng cầm lọng bảy báu(33) đi đến chỗ Phật cung kính đảnh lễ đầu mặt tiếp chơn, rối mỗi vị đều đem lọng báu của mình hợp nhau cúng dường Phật. Do oai đức của Phật nên khiến các lọng báu ấv hiệp thành một cây trùm khắp cõi Tam thiên đại thiên thế thế giới (34), mà tướng rộng dài của thế giới đều hiện đủ trong đó.

Lại nữa, các núi Tu di, Mục chơn lân dà , Đại mục chơn lân đà, Tuyết sơn, Hương sơn, Bảo sơn, Kim sơn, Hắc sơn, Thiết vi, Đại thiết vi bể lớn, sông, rạch, dòng ngòi, nguốn suối, cũng với mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, thiên cung, long cung và cùng các vị tôn thần, nơi cõi Tam thiên đại thiên thế giỡi này đều hiện trong lọng bảy báu, và chư Phật trong 10 phương, chư Phật đang nói pháp, cũng hiện trong lọng bảy báu ấy.

Khi đó tất cả Đại chúng thấy thần lực của Phật đều khen ngợi chưa từng có, chấp tay làm lễ, ngắm nhìn dung nhan Phật mắt không hề nháy. Trưởng giả tử Bảo Tích liền ở trước Phật đọc bài kệ khen rằng :

Mắt trong, dài rộng như sen xanh,
Tâm sạch đã tột các thiền định,
Lâu chứa tịnh nghiệp nói không cùng,
Dùng tịch độ chúng (35) nên cúi lạy.
Đã thấy Đại thánh dùng thần biến,
Khắp híện mười phương không lường cõi,
Trong đấy các Phật diễn nói pháp,
Nơi đây tất cả đều thấy nghe.
Pháp lực của Phật vượt quần sanh
Thường dùng Pháp tài thí tất cả,
Hay khéo phân biệt các Pháp tướng,
Đối đệ nhứt nghĩa (36) mà không động.
Đã được tự tại cùng các Pháp
Cho nên cúi đầu lễ Pháp vương.
Nói Pháp chẳng có cũng chẳng không
Vì do nhân duyên các Pháp sanh,
Không ta, không tạo, không thọ giả,
Những việc lành dữ cũng chẳng mất.
Trước tiên hàng ma nơi Phật thọ (37)
Đặng Cam lồ diệt (38) thành đạo giác,
Đã không tâm ý, không thọ hành (39)
Mà xô dẹp hết các ngoại đạo.
Ba lần chuyển Pháp (40) cõi đại thiên,
Pháp ấy lâu nay thường thanh tịnh,
Trời người đắc đạo đó là chứng,
Tam bảo vì thế hiện trong đời.
Dùng Pháp mầu này độ chúng sanh
Thọ rồi không lui, thường vắng lặng,
Khỏi già bịnh chết đấng Y Vương,
Lạy ngôi Pháp hải (41) đức không lường.
Khen chê chẳng động như Tu di
Đồng bực thương xót kẻ lành dữ,
Tâm hạnh bình dầng như hư không,
Nghe đấng Nhơn bảo (42) ai chẳng kính.
Nay dâng Thế Tôn lọng mọn này
Cõi Tam thiên tôi hiện trong đó,
Thiên cung, Long thần kia nương ở,
Càn thát cả thảy với Dạ xoa.
Mọi vật trong đời đều thấy rõ,
Vì thương Phật hiện tướng biến này,
Thấy việc ít có chúng khen ngợi,
Nay con lạy đấng Tam giới tôn (43)
Đại thánh chỗ nương của mọi loài,
Lòng sạch trong đó thảy vui vẻ,
Đều thấy Thế Tôn ở trước mình,
Đó là thần lực Pháp bất cộng. (44)
Phật dùng một tiếng diễn nói Pháp,
Chúng sanh tùy loại thảy đặng hiểu,
Đều cho rằng Phật đồng tiếng mình,
Đó là thần lực Pháp bất cộng.
Phật dùng một tiếng diễn nói Pháp,
Chúng sanh chỗ hiểu tùy mỗi hạng,
Khắp được thọ hành đều lợi ích,
Đó là thần lực Pháp bất cộng.
Phật dùng một tiếng diễn nói Pháp,
Có người kinh sợ hoặc vui mừng,
Có kẻ dứt nghi hoặc nhàm chán,
Đó là thần lực Pháp bất cộng.
Lạy đấng Thập lực đại tinh tấn,
Lạy đấng đã đặng không chỗ sợ,
Lạy đấng trụ nơi Pháp bất cộng,
Lạy đấng Đạo sư (45) của muôn loài.
Lạy đấng hay dứt mọi kiết phược(46)
Lạy đấng đã đến nơi bờ kia,
Lạy đấng hay vượt các thế gian,
Lạy đấng trọn lìa đường sanh tử.
Biết hết chúng sanh tướng đến lui
Khéo nói các Pháp được giải thoát,
Như hoa sen trong đời chẩng nhiễm,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch.(47)

Lúc đó Trưởng giả tử Bảo Tích đọc bài kệ tán thán xong, bạch Phật rằng : “'Bạch Thế Tôn ! Năm trăm vị Trưởng giả tử nầy đều đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác nguyện nghe cõi Phật thanh tịnh, cúi mong Thế Tôn dạy cho những hạnh của Bồ Tát được Tịnh độ (quốc độ thanh tịnh).”

Phật bảo : “Hay thay Bảo Tích ! Ông lại vì các vị Bồ Tát mà hỏi Như Lai những hạnh được Tịnh độ, vậy hãy lắng nghe chín chắn, suy nghĩ kỹ nhớ lấy, ta sẽ nói cho ông rõ”.

Lúc ấy Bảo Tích cũng 500 vị Trưởng giả tử vâng lời Phật dạy, cung kính lóng nghe.

Phật dạy rằng : “Này Bảo Tich ! Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ Tát. Vì sao ? – Bồ Tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật (Tịnh độ); tùy chỗ điều phục chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật ; tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào trí tuệ của Phật mà lãnh lấy cõi Phật ; tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà lãnh lấy cõi Phật. Vì sao thế ? – Vì Bồ Tãt lãnh lấy cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn lợi ích chúng sanh. Ví như : Có người muốn xây dựng cung nhà nơi khoảng đất trống, tùy ý được thành công, nếu xây dựng giữa hư khỏng quyết không thành tựu được ; Bồ Tát cũng thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện lãnh lấy cõi Phật – Nguyện lãnh lấy cõi Phật chẳng phải ở nơi rỗng không vậy.

Bảo Tích, ông nên biết ! - Trực tâm (49) là Tịnh dộ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không dua vạy, sanh sang nước dó. Thâm tâm (50) là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước đó. Bồ Đề tâm (51) là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có tâm đại thừa sanh sang nước đó. Bố thí là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh hay thí xả tất cả mọi vật sanh sang nước đó. Trì giớí là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu mười điều lành (52), hạnh nguyện đầy đủ, sanh sang nước đó. Nhẫn nhục là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đủ 32 tướng tốt (53) trang nghiêm sanh sang nước đó. Tinh tiến là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh siêng tu mọi công đức sanh sang nước đó. Thiền định là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh biết thu nhiếp tâm chẳng loạn sanh sang nước đó. Trí tuệ là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh được chánh định sanh sang nước đó. Tứ vô lượng tâm(54) là Tịnh độ của Bồ Tát ; Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thành tựu từ, bi, hỷ, xả sanh sang nước đó. Tứ nhiếp Pháp (55) là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh được giải thoát sanh sang nước đó. Phương tiện là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh khéo dùng đặng phương tiện không bị ngăn ngại ở các pháp, sanh sang nước dó. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (56) là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật chúng sanh đầy đủ niệm xứ, chánh cần, thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, sanh sang nước đó. Hồi hướng tâm (57) là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, được cõi nước đầy đủ tất cả công đức. Nói Pháp trừ tám nạn là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước không có ba đường ác (58) và tám nạn (59) . Tự mình giữ giới hạnh không chê chỗ kém khuyết của người khác là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, cõi nưỡc không có tên phạm giới cấm. Mười điều lành là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh sống lâu, giàu to, phạm hạnh (60), lời nói chắc thật, thường dùng lời dịu dàng, quyến thuộc không chia rẻ, khéo giải hòa việc đua tranh kiện cáo, lời nói có lợi ich, không ghét không giận, thấy biết chân chánh sanh sang nước đó.

Như thế, Bảo Tích ! Bồ Tát tùy chỗ trực tâm mà hay phát hạnh, tùy chỗ phát hạnh mà được thâm tâm, tùy chỗ thâm tâm mà ý được điều phục, tùy chỗ ý được điều phục mà làm được như lời nói, tùy chỗ làm được như lời nói mà hay hồi hướng, tùy chỗ hồi hướng mà có phương tiện, tùy chỗ có phương tiện mà thành tựu chúng sanh, tùy chỗ thành tựu chúng sanh mà cõi Phật được thanh tịnh, tùy chỗ cõi Phật thanh tịnh mà nói Pháp được thanh tịnh, tùy chỗ nói Pháp thanh tịnh mà trí tuệ được thanh tịnh, tùy chỗ trí tuệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, tùy chỗ tâm thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh. Cho nên, Bảo Tích này !
Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm thanh tịnh; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh.

Lúc ấy, ông Xá Lợi Phất nương oai thần của Phật mà nghĩ rằng : “Nếu tâm Bồ Tát thanh tịnh chắc cõi Phật phải được thanh tịnh, vậy Thế Tôn ta khi trước làm Bồ Tát tâm ý lẽ nào không thanh tịnh, sao cõi Phật này không thanh tịnh như thế ?”.

Phật biết ông suy nghĩ vậy liền bảo rằng :
– Ý ông nghĩ sao ? Mặt trời, mặt trăng há không thanh tịnh sáng suốt ư, sao người mù không thấy ?

– Bạch Thế Tôn ! Chẳng phải thế. Đó là tại người mù, không phảỉ lỗi ở mặt trời và mặt trăng.

– Xá Lợí Phất ! Cũng thế, bởi chúng sanh do tội chướng nên không thấy được cõi nước của Như Lai thanh tịnh trang nghiêm, chớ không phải lỗi ở Như Lai – Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước của ta đây vẫn thanh tịnh mà tại ông không thấy đó thôi.

Bấy giờ ông Loa Kế Phạm Vương thưa với ông Xá Lợi Phất rằng :
– Ngài chớ nghĩ như thế, mà cho cõi Phật đây là không thanh tịnh. Vì sao ? – Vì tôi thấy cõi nước của Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh, ví như cung trời Tự Tại (61).

Ông Xá Lợí Phất nói :
– Sao tôi thấy cõi này toàn gò nỗng, hám hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non, nhơ nhớp dẫy đầy như thế ?

Ông Loa Kế Phạm Vương thưa rằng :
– Đấy là do tâm của Ngài có cao thấp không nương theo trí tuệ của Phật nên thấy cõi này không thanh tịnh đó thôi – Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh y theo trí tuệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh.

Khi ấy Phật lấy ngón chơn nhấn xuống đất, tức thì cõi Tam thiên đại thiên thế giới liền hiện ra bao nhiêu trăm nghìn thứ trân bảo trang nghiêm rực rỡ, như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả Đại chúng ngợi khen chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

Phật bảo Xá Lợi Phất :
– Ông hãy xem cõi Phật, đây trang nghiêm thanh tịnh.

Ông Xá Lợi Phất thưa :
– Dạ, bạch Thế Tôn ! Từ trước dến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe. Nay cõi nước của Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

Phật bảo :
– Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế ! Nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như Chư Thiên đồng dùng một thứ bát bằng ngọc báu để ăn, nhưng tùy phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có khác. Như thế, Xá Lợi Phất ! Nếu tâm người thanh tịnh, sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

Trong khi Phật hiện ra cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, 500 vị Trưởng giả tử do ông Bảo Tích dắt đến đều chứng được vô sanh Pháp nhẫn, tám vạn bốn nghìn người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ Phật thâu nhiếp thần túc (62) lại, cõi nước trở thành như xưa. Ba vạn hai nghìn người và Trời cầu Thanh văn thừa đều nhận rõ các Pháp hữu vi (63) là vô thường, xa lìa trần cấu (64) đặng pháp nhãn thanh tịnh (65), tám nghìn vị Tỳ kheo không còn chấp thọ các pháp, kiết lậu (66) đã hết, tâm ý được giải thoát.

Chú thích của phẩm I

1. Kinh: Nói đủ là “Khế kinh”, nghĩa là “pháp thường” khế hiệp chơn lý cùng khế hiệp căn cơ chúng sanh.

2. Duy Ma Cật: Tên một vị Trưởng giả ở thành Tỳ Da Ly, tàu dịch là “Tịnh Danh”.

3. Bất khả tư nghị giải thoát: Là pháp môn giải thoát tự tại vô ngại không thể nghĩ bàn. Hai chữ “Giải thoát” đây là xa lìa tất cả phiền não nghiệp chướng khổ lụy, cứu cánh viên mãn tự tại vô ngại, không phải như hàng Nhị thừa giải thoát sanh tử mà còn chướng ngại với cảnh pháp... Xem phẩm Bất khả tư nghị sau thời rõ.

4. Phật quốc: Cõi nước của Phật. Như Tây phương Tịnh độ là cõi nước của Phật A Di Đà, Ta bà là cõi nước của Phật Thích Ca.

5. Tỳ Da Ly: Tàu dịch là Quảng Nghiêm, nghĩa là thành này châu vi rộng lớn rất trang nghiêm, tốt đẹp, ở về Trung Ấn Độ.

6. Am La : Tàu dịch là “nan phân biệt” nghĩa là thứ trái cây này từ khi còn sống đến khi chín chỉ có một màu xanh nên khó phân biệt được trái nào sống trái nào chín.

7. Sư tử rống: dụ Phật, Bồ Tát thuyết pháp tự tại không sợ sệt, lại làm cho tất cả phiền não mê tánh của chúng sanh đều tiêu trừ, ví như sư tử rống lên một tiếng thì tất cả các thú đều khiếp sợ chạy trốn .

8. Sáu căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

9. Ba nghiệp: 1)Thân nghiệp, 2) Khẩu nghiệp, 3) Ý nghiệp.

10. Năm món che ngăn:
1) Tham dục ;
2) Sân nhuế ;
3) Thùy miên: Tâm hôn trầm không làm chi được;
4) Trạo hối: Trong tâm có sự ăn năn xao động ;
5) Nghi pháp : Đối với việc gì cũng mờ ám dụ dự không quyết đoán.
Năm món này hay che đậy chơn tánh và làm cho các pháp lành không phát khởi hiển lộ được.

11. Mười điều ràng buộc:
1) Vô tàm : có tội lỗi mà không biết hổ :
2) Vô quý : có tội lỗi người khác biết được mà không thẹn.
3) Tật : thấy người hiền đức giàu sang sanh lòng ghen ghét;
4) Xan : bỏn sẻn không Bố thí;
5) Hối: ăn năn những tội lỗi đã làm;
6) Thùy miên: hôn mê không tỉnh sát được thâm tâm;
7) Điệu cử : Tâm niệm xao động;
8) Hôn trầm : thần thức hôn mê không rõ biết chi cả;
9) Sân hận : đối trước nghịch cảnh sanh tâm giận dũi;
10) Phú : che dấu tội ác.

12. Niệm định tổng trì: Niệm tức là Tuệ; Tổng Trì: gồm nhiếp tất cả các pháp. Trong định gồm có tuệ, trong tuệ gồm có định gọi là niệm định tổng trì.

13. Vô sở đắc: Là đối với hữu sở đắc mà nối. Nghĩa là không còn trụ trước một pháp nào cả, dầu trí chứng và cảnh chứng cũng không thấy có.

14. Vô sanh pháp nhẫn: Vô sanh tức là không sanh không diệt. Nhẫn có nghĩa là tin nhận giữ gìn; là nói dùng trí vô lậu an trú trong thể chơn lý bất sanh bất diệt, tâm không lay động. Trong “Đại Trí Độ luận”, quyển 50 nói : “Đối thật tướng vô sanh diệt của các pháp, tin nhận thông suốt, không ngăn ngại, không thối lui, gọi là Vô sanh nhẫn”.

15. Pháp luân bất thối : Phật Bồ Tát thuyết pháp gọi là chuyển pháp luân. Các bậc Bồ Tát nghe pháp Phật dạy, đạo niệm càng thêm tăng tấn gọi là bất thối (không lui). Lại các bậc Bồ Tát đã chứng được “bất thối” rồi, đem pháp ấy dạy cho chúng sanh để cho được bất thối, nên gọi là chuyển pháp luân bất thối .

16. Đại chúng: là một nhóm người đông. Trong những thời thuyết pháp của Phật, trừ Phật ra còn bao nhiêu bậc Hiền Thánh đều gọi là đại chúng. Chúng Tăng theo Phật tu học cũng gọi là Đại chúng.

17. Tu Di: Tàu dịch là Diệu Cao, núi này thuần bằng bốn chất báu: vàng: bạc, lưu ly, pha lê rất xinh đẹp nên gọi là Diệu, Cao hơn tất cả núi khác nên gọi rằng Cao.

18. Lý Duyên khởi: Tất cả các pháp đều từ nơi các duyên nhóm họp mà sanh khởi. Vì tỏ ngộ lý duyên khởi, nhận rõ các pháp không thật có, như huyễn hóa nên chẳng chấp có, nhưng các pháp là do duyên sanh, không phải hẳn là không, nên chẳng chấp không. Có không đều lìa, mới là thâm nhập lý duyên khởi.

19. Hải đạo sư: Là nguời rất rành giỏi đường biển, làm thầy hướng đạo dắt dẫn các kẻ thương nhân vào biển để tìm ngọc báu không sợ lạc đàng. Dụ cho Phật và Bồ Tát là bực dắt dẫn chúng sanh đi vào chánh đạo không sai lạc.

20. Thập lực: Mười trí lực của Phật. Trí lực của Phật
1) Biết rõ những điều hợp lý và trái lý.

2) Biết rõ nhơn quả nghiệp báo của chúng sanh trongng ba đời.

3) Biết rõ các pháp thiền định giải thoát tam muội.

4) Biết rõ tùng bực cao thấp các căn tánh của chúng sanh.

5) Biết rõ những ưa muốn sai khác của chúng sanh.

6) Biết rõ tất cả những cảnh giới sai khác của chúng sanh trong thế gian.

7) Biết rõ chỗ đi đến của tất cả phàm phu, Hiền Thánh thế gian và xuất thế gian.

8) Biết rõ tánh danh khổ, vui, thọ, yễu của tất cả chúng sanh.

9) Biết rõ sự sống chết qua lại các kiếp trước của tất cả chúng sanh, và vô lậu Niết bàn của các Hiền Thánh.

10) Tự biết mình đã dứt hết nghiệp hoặc tập khí, không còn sanh tử triền phược nữa.

21. Vô úy: Bốn món vô úy :
1) Nhứt thế trí: hiểu biết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian;
2) Lậu tận: hoặc nghiệp sanh tử đều biết hết;
3) Thuyết chướng đạo: nói pháp ma ngoại là chướng thánh đạo;
4) Thuyết tận khổ đạo: nói những đạo pháp có thế diệt hết các khổ.
Bốn điều này Phật đối giữa Đại chúng các hàng Thiên ma, Phạm thiên, Sa môn, Bà la môn, nói một cách tự tại không sợ ai, không ai nói đuợc nên gọi là “Vô úy”.

22. Thập bát bất cọng: Mười tám (18) Pháp bất cọng này chỉ có Phật chứng đặng mà chẳng chung đồng với hàng Nhị thừa và Bồ Tát.
1) Thân không lỗi.
2) Miệng không lỗi.
3) Niệm không lỗi.
4) Không có tâm tuởng khác.
5) Không có tâm bất định.
6) Không có tâm không biết.
7) Sự muốn không giảm.
8) Tinh tấn không giảm.
9) Niệm không giảm.
10) Huệ không giảm.
11) Giải thoát không giảm.
12) Giải thoát tri kiến không giảm.
13) Tất cả thân nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
14) Tất cả khẩu nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
15) Tất cả ý nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
16) Trí tuệ biết đời vị lai không ngại.
17) Trí tuệ biết đời quá khứ không ngại.
18) Trí tuệ biết đời hiện tại không ngại.

23. Năm đường : Trời, người, ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục.

24. Đại y vương: Thầy thuốc trị bịnh giỏi hơn các Thầy thuốc khác. Đức Phật hay tùy thuận căn cơ chúng sanh, khéo hóa độ, khiến xa lìa tất cả khổ não, như ông Thầy thuốc hay khéo tịi lành các bịnh nhơn nên gọi Phật là “Đại y vương”.

25. Thi khí : Tên vị vua cõi trời Đại Phạm Thiên, ở từng trời thứ ba cõi sơ thiên của Sắc giới.

26. Tứ thiên hạ: Bốn châu thiên hạ.
1) Đông thắng thần châu;
2) Nam thiệm bộ châu;
3) Tây ngưu hóa châu;
4) Bắc cu lô châu.

27. Thiên, long thẩn v.v... : Tục gọi là Thiên, Long Bát bộ.
1) Thiên : chư Thiên ;
2) Long : là rồng ;
3) Dạ xoa : loài quỉ bay đi rất mau ;
4) Càn thát bà : thần âm nhạc ;
5) A tu la : thần chiến đấu. Tàu dịch là Phi thiên ; có phước như Trời mà đức kém hơn Trời ;
6) Ca lâu na : chim đại bàng ;
7) Khẩn na la : thần pháp nhạc;.
8) Ma hầu la dà : thần mãng xà.

28. Tỳ kheo : Tiếng Phạn “Bhiksu”, các thầy xuất gia thọ giới cụ túc (thọ 250 giới của Phật). Đàn ông gọi là Tỳ kheo, còn đàn bà gọi là Tỳ kheo ni (Thọ 350 giới).

29. Ưu bà tắc : Tàu dịch là cận sự nam. Cận sự : nghĩa là thường thân cận cúng dường ủng hộ các bực xuất gia tu hành, tức là chỉ những người tại gia cư sĩ bên nam giới.

30. Ưu bà di : Tàu dịch là cận sự nữ tức là nữ cư sĩ.

31. Tòa sư tử : Pháp tòa của Phật ; Phật ngồi chỗ nào thuyết pháp, thời chỗ ấy gọi là “tòa sư tử”; vì Phật tự tại vô úy hàng phục được tất cả các ngoại đạo nên lấy sư tử làm ví dụ .

32. Trưởng giả tử : con ông Trưởng giả. Trưởng giả là người vừa có của cải, vừa có đức hạnh đầy đủ. Kinh Pháp Hoa Huyền Tán quyển 10 nói : “Tâm tánh ngay thẳng, lời lẽ chơn thật, hành vi thuần cẩn, tuổi tác già cả, của cải giàu có gọi là Trưởng giả.”

33. Bảy báu : Vàng, Bạc, Lưu ly, Pha lê, Xa cừ, Xích châu, Mã não.

34. Tam thiên Đại thiên thế giới : Một thái dương hệ tương đương với một tiểu thế giới; một ngàn tiểu thế giớì, là một tiểu thiên thế giới; một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới; một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Vậy đại thiên thế glới là một thế giới trải qua ba lần nhơn cho số ngàn, nên gọi là “Tam thiên Đại thiên thế giới”.

35. Dùng tích độ chúng : Tức dùng đạo lý Niết bàn tịch diệt dứt trừ tất cả nghiệp chướng khổ lụy để độ chúng sanh.

36. Đệ nhứt nghĩa : Tượng trưng chơn lý cứu cánh, thật tánh các pháp; trên hết tất cả là “đệ nhứt”, có lý do như thật gọi là “nghĩa”. Cảnh giới của bậc tự giác thánh trí chứng đặng. Chẳng phải hạng dùng ngôn thuyết vọng tưởng so lường biết được. Trong kinh Pháp Hoa nghĩa sớ quyển 4 nói : “Cái đạo nhứt thật, lý cùng tột không chi hơn là “đệ nhứt””. Có nguyên do như thật gọi là “Nghĩa”.

37. Phật thọ : Tức là cội bồ đề; chỗ Phật thành đạo ở dưới cội cây này gọi là Phật thọ, Đạo thọ hay là Bồ đề thọ.

38. Cam lồ diệt : Cam lồ dụ cho Niết bàn; chứng đặng Niết bàn, dứt dòng sanh tử, gọi là “Cam lồ diệt”.

39. Không tâm ý, không thọ hành: Là không còn tâm niệm vọng tưởng phân biệt và tâm cảm giác xúc thọ, thi vi động tác.

40. Ba lần chuyển pháp : Tức tam chuyển pháp luân. Khi đức Phật Thích Ca mới thành đạo, nói pháp tứ đế cho 5 thấy Tỳ Kheo ở vườn Lộc Uyển, ba phen nói thành mười hai hành... Pháp của Phật dạy hay dẹp trừ phiền não của chúng sanh, như bánh xe hay cán dẹp cỏ rác, cát, sạn, nên gọi là Pháp luân. Người nói giáo pháp để chuyển tâm ô nhiểm của chúng sanh thành tâm thanh tịnh gọi là “Chuyển pháp luân”. Lại có nghĩa là chuyển ba món : hoặc, nghiệp, khổ trở thành ba đức: Bát nhã, Giải thoát, Pháp thân gọi là ba lần chuyển pháp.

41. Pháp hải: Biển pháp. Phật pháp rộng lớn khó lường ví như bể cả.

42. Nhơn bảo : Phật là đấng báu quí hơn hết trong cõi trời và cõi người .

43. Tam giới tôn : Đức Phật là đấng cao cả đầy đủ phước đức hơn hết trong 3 cõi, tất cả nhơn thiên đều cung kính tôn trọng nên gọi là “Tam giới tôn”.

44. Pháp bát cộng : cũng như thập bát bất cộng, có giải ở số 22.

45. Đạo sư : Bậc dắt dẫn chúng sanh đi vào chánh đạo; tên chung của Phật và Bồ Tát.

46. Kiết phược : Các phiền não ràng buộc thân tâm làm cho không được tự tại giải thoát, nên phiền não cũng gọi là “kiết phược”.

47. Không tịch: Không các tướng là “Không”. Không khởi diệt là “tịch”. Rổng rang xa lìa tất cả tướng, không tâm niệm khởi diệt gọi là hạnh “không tịch”.

48. Pháp tướng : Tướng trạng sai khác của các pháp trong vũ trụ. Sách Đại Thừa nghĩa chương quyển 2 nói : “Tất cả pháp hữu vi, vô vi trong thế gian đều gọi là pháp tướng”.

49. Trực tâm : Tâm chơn thật, không dua dối tà vạy; tâm chánh niệm chơn như.

50. Thâm tâm : Tâm mong cầu Phật quả cao thâm; tâm ưa muốn nhóm góp gieo trồng tất cả công đức cao dày, bền chắc, không thể dứt mất.

51. Bồ đề tâm : Tâm cầu đạo lý chơn chánh, tâm mong đạo quả chánh giác.

52. Mười điều lành : Thuận lý khởi tâm đối với cảnh không phạm 10 điều dữ :
1) Sát sanh; 2) Trộm cắp; 3) Tà dâm; 4) Nói dối; 5) Nói lời thêu dệt;
6) Nói hai lưỡi; 7) Nói lờỉ độc ác; 8) Tham; 9) Sân; 10) Si
mà thật hành những điều: phóng sanh, Bố thí, phạm hạnh, nói chắc thật, nói lời chơn chánh, nói lời hòa hiệp, nói lời dịu dàng, chẳng ghét, chẳng giận, chẳng tà kiến.

53. Ba mươi hai tướng tốt :
1) Trên đỉnh đầu thịt nổi cao lên;
2) Lông trắng chặn giữa hai chơn mày (bạch hào);
3) Tròng mắt đen trắng phân minh;
4) Lông nheo dài đẹp như của Long vưong;
5) Gương mặt tròn trịa như mặt trăng rằm;
6) Răng đủ 40 cái;
7) Răng nhỏ đều khít khao;
8) Răng trắng trong tinh sạch;
9) Luỡi rộng dài khi le ra đến chơn tóc;
10) Tiếng nói thanh tao nghe rất xa;
11) Trong cổ hầu thường có chất nước cam lồ rịn ra;
12) Thân mình nở nang tròn suông;
13) Nam căn ẩn kín;
14) Hai bên hông đầy đặn;
15) Hal tay dài quá gối;
16) Cánh tay và bàn tay da thịt mềm dịu như bông;
17) Ngón tay dài và vót;
18) Vế như vế của Lộc vương;
19) Lưng hai bàn chân no tròn;
20) Lòng bàn chân bằng phẳng;
21) Gót chân tròn trịa;
22) Lòng bàn chân có chỉ xoáy tròn rõ ràng như bánh xe nghìn cọng; 23) Kẻ ngón tay và ngón chân có da mỏng mịn như giăng lưới;
24) Bảy chỗ trong thân đều đầy đặn: (hai lòng bàn tay, hai lưng bàn chân, hai vai và yết hầu);
25) Tất cả lỗ chơn lông đều có lông đẹp;
26) Lông và tóc đều xoáỵ tròn về phía hữu;
27) Da mịn màng trơn láng;
28) Màu da như màu vàng ròng tử kim;
29) Thân hình cao lớn hơn mọi người;
30) Hình tướng đoan nghiêm;
31) Thân hinh ngay thẳng vững vàng;
32) Thường có ánh sáng sắc vàng ròng chiếu ra một tầm.

54. Tứ vô lương tâm : Cũng gọi là tứ đẳng tâm.
1) Từ : lòng ban vui cho chúng sanh ;
2) Bi : lòng cứu khổ chúng sanh ;
3) Hỷ : lòng vui mừng khi thấy người khỏi khổ được vui ;
4) Xả : lòng không chấp trước chỗ thật hành của ba tâm trên.
Từ nơi cảnh sở duyên (chúng sanh) nói là vô lượng; từ nơi tâm năng duyên (Bồ Tát) mà khởi bình đẳng nên gọl là đẳng.

55. Tứ nhiếp pháp :
1) Bố thí nhiếp : Bồ Tát dùng tài pháp bố thí nhiếp dẫn chúng sanh trụ nơi chơn lý;
2) Ái ngữ nhiếp : Bồ tát hay tùy thuận căn tánh của chúng sanh và dùng lời nói hay ho ủy dụ họ trụ nơi chơn lý ;
3) Lợi hành nhiếp : Bồ Tát khởi hạnh từ thiện nơl thân, khẩu, ý làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, nhơn đó họ được trụ nơi chơn lý.
4) Đồng sự nhiếp : Bồ Tát dùng pháp nhãn thấy rõ căn tánh của chúng sanh, tùy theo chỗ ưa muốn của họ mà phân hình thị hiện, khiến họ được thắm nhuần lợi ích, nhơn đó họ được an trụ nơi chơn lý.

56. 37 phẩm trợ đạo: 4 pháp niệm xứ ; 4 pháp chánh cần ; 4 pháp như ý túc ; 5 căn ; 5 lục ; 7 pháp giác chi ; 8 pháp đạo phần . 37 pháp này giúp cho người tu hành thành tựu được đạo quả, nên gọi là trợ đạo, có giải rõ ở sau.

57. Hồi hướng tâm: Hồi: Hồi chuyển; Hướng: thu hướng. Hồi hướng là khởi lòng đại bi cứu độ chúng sanh, xoay chuyển công đức, căn lành hướng về ba chỗ: 1) Chỗ sở chúng chơn như thật tế; 2) Chỗ sở cấu vô thượng Bồ đề; 3) Chỗ sở độ tất cả chúng sanh.

58. Ba đường ác: 1) Địa ngục, 2) Ngạ quỉ, 3) Súc sanh.

59. Tám nạn :
1) Địa ngục ;
2) Ngạ quỉ ;
3) Súc sanh ;
4) Trường thọ thiên ;
5) Bắc cu lô châu ;
6) Đui, điếc, ngọng, liệu ;
7) Thế trí biện thông,
8) Sanh trước Phật hay sau Phật.
Sở dĩ gọi là tám nạn là vì ở tám chỗ này dù cảm thọ quả khổ vui có khác, nhưng đều không được thấy Phật, không được nghe chánh pháp.

60. Phạm hạnh : Giới hạnh thanh tịnh, hạnh đoạn dâm dục.

61. Cung trời Tự tại : Cung điện của trời Tự Tại Thiên Vương ở trên chót từng tứ thiền cõi sắc giới.

62. Thần túc : Pháp thần thông biến hóa tự tại vô ngại của Phật tu chứng.

63. Hữu vi : các pháp có tạo tác, sanh diệt, tức là chỉ tất cả hiện tượng biến thiên trong vũ trụ .

64. Trần cấu : Nghĩa là bụi nhớp, tức là những sự mê lầm làm cho tâm phải mờ tối. Xa lìa trần cấu tức dứt hết 88 phẩm kiến hoặc trong ba cõi.

65. Pháp nhãn thanh tịnh: Thấy rõ được lý chơn thật của các pháp ; tiểu thừa chứng đưọc sơ quả, do đã xa lìa trần cấu kiến hoặc, thấy rõ thật lý pháp tứ đế. Đại thừa chứng được Vô sanh pháp nhẫn vào bậc Sơ địa.

66. Kiết lậu : Các phiền não kết dệt trong tự tâm, nên phiền năo cũng gọi là “kiết lậư”. Kiết lậu đã hết, vì dứt trừ lòng ái nhiễm mê đắm không còn chấp thọ các pháp nên tâm ý được giải thoát, chứng đến bực vô học (A la hán).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]