Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

41. Bàn Về "Sáu Căn Thanh Tịnh"

06/12/201017:02(Xem: 9395)
41. Bàn Về "Sáu Căn Thanh Tịnh"

41. BÀN VỀ "SÁU CĂN THANH TỊNH"

Danh từ "6 căn thanh tịnh", đối với người không biết Phật pháp, thì xem ra rất nông cạn dễ hiểu, thậm chí cho rằng đáng buồn cười nữa. Họ cho rằng, đã là Tăng, Ni xuất gia thì sáu căn phải thanh tịnh. Nếu có Tăng Ni nào vì thời gian mà "mắc" ít chút nữ sắc và tiền tài thì báo chí làm rùm beng một cách ác ý "vị Tăng hay Ni này sáu căn không được thanh tịnh !". Nhưng sáu căn là gì ? Thế nào là sáu căn thanh tịnh thì các nhà báo cũng không biết nữa.

Thực ra từ ngữ "sáu căn thanh tịnh" rất có đạo lý. Sáu căn là toàn bộ phạm vi của sinh lý học. Đối với vũ trụ và nhân sinh, Phật giáo không phải là duy vật luận cũng không phải là duy tâm luận, mà chủ trương duyên sinh luận, tức vạn vật do nhân duyên hòa hợp mà có. Phật giáo xem con người là sự cấu thành của ba bộ phân tâm lý, sinh lý và vật lý. Sáu căn nói trên đây thuộc về bộ phận sinh lý học, cộng thêm sáu trần thuộc phạm vi vật lý học, và sáu thức thuộc phạm vi tâm lý học, tổng hợp cả ba bộ phận ấy tạo thành cá nhân một con người. Sáu căn, sáu trần, sáu thức tổng hợp lại thành 18 giới. Căn trần thức giống như cái vạc ba chân, nương tựa vào nhau mà tồn tại, khuyết một không được. Khuyết một thì hai bộ phận kia không tồn tại được. Vì rằng, sáu trần và sáu thức phải dựa vào môi giới sáu căn mới có tác dụng. Sáu trần và sáu căn, phải dựa vào sự phân biệt của sáu thức mới có giá trị. Sáu thức và sáu căn phải dựa vào bóng dáng phản ánh của sáu trần mới có công dụng.

Hãy dùng một ví dụ : Sáu căn như cái gương, sáu trần là bóng dáng phản chiếu trong gương. Thức là con người phân biệt bóng dáng phản chiếu trong gương.

Sáu căn, sáu trần và sáu thức là gì ? Mới nói ra thì rất giản đơn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Do tác dụng môi giới giữa 2 bộ phận tâm lý và vật lý mà nói thì gọi chúng là sáu căn. Chúng là những quan năng thần kinh về mặt sinh lý học. Mắt có thần kinh thấy, tai có thần kinh nghe, mũi có thần kinh ngửi, lưỡi có thần kinh nếm, thân có thần kinh xúc và ý có thần kinh não. Chúng là cơ sở của môi giới giữa tâm lý và vật lý, cho nên gọi chúng là 6 căn.

Đối tượng tiếp xúc của 6 căn là 6 trần, tức là các loại vật chất thuộc phạm vi vật lý học. Là màu sắc và hình sắc được con mắt thấy, âm thanh được lỗ tai nghe, mùi hương được mũi ngửi, vị được lưỡi nếm, cảm giác trơn nháp, mềm hay cứng của thân tiếp xúc, và "pháp" là đối tượng nắm bắt của ý căn. Đó là 6 trần. Do 6 căn tiếp xúc với 6 trần mà sản sinh ra 6 thức có công năng phân biệt và ghi nhớ. Nếu chỉ có 6 căn, 6 trần mà không có thức thì đó là cái thây ma, không phải là người sống nữa. Vì vậy, 6 thức là những ông chủ sử dụng 6 căn; 6 căn là công cụ tiếp xúc của sáu thức với 6 trần.

Nếu vậy thì vì sao nói "sáu căn thanh tịnh ?". Bởi vì sáu căn là công cụ của sáu thức. Sáng tạo ra hành vi thiện ác lại do tác dụng của 6 căn. Người ta sở dĩ quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử là do 6 căn không được thanh tịnh. Mọi tội ác làm ra từ thời vô thủy đến nay, đều do 6 căn tạo ra. Như, con mắt tham sắc, tai tham âm thanh, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân căn tham tiếp xúc với cái êm dịu và ý căn tham cảnh vui. Đã có tham thì có sân. Tham và sân là do phiền não, vô minh mà có. Hợp cả ba loại thành tham, sân, si, ba món độc kết hợp nhau, ác nhiều thiện ít, khiến cho càng xa vời ngày thoát ly sinh tử.

Công phu tu trì đạo giải thoát khỏi sinh tử không ở ngoài ba môn học : "giới, định, tuệ". Nhưng, gốc chủ yếu của trí tuệ là giới và định. Do đó, công phu nhập môn phải bắt đầu từ thân và tâm, tu thân và tu tâm. Loại bỏ hết niệm ác gọi là tu tâm. Công phu chủ yếu tu tâm là tập thiền định. Loại bỏ mọi hành vi bất thiện gọi là tu thân; công phu tu thân chủ yếu là giữ giới. Mục đích giữ giới là hộ trì các căn, không để cho các chuyện xấu, lọt qua các căn, vào tới nội tâm, gieo rắc hạt giống sinh tử luân hồi.

Bởi vì, một người bình thường, trừ các giờ nhập thiền thì không thể tránh khỏi vọng tưởng. Vọng tưởng giống như cái dây dẫn lửa, thúc đẩy các căn tạo nghiệp. Giới luật nhà Phật giống như cái thắt lưng bảo hộ, hay là dụng cụ dập tắt lửa, đặt giữa vọng tưởng và sáu căn. Nhờ có giới luật phòng vệ, sáu căn mới dần dần trở nên thanh tịnh. Một khi sáu căn đã được thanh tịnh, thì người tu hành đạt gần tới chỗ siêu phàm nhập thánh.

Do vậy, đối với những Tăng Ni bình thường, thì chỉ có thể dựa vào giới luật để phòng vệ 6 căn, chứ không thể nói sáu căn đã được thanh tịnh. Quan niệm thông thường là, một Tăng hay Ni không phạm giới thứ 5, không tham của không cho, không xen vào chuyện thị phi của người khác, thì tức là sáu căn thanh tịnh. Trên sự thực, còn tham và theo đuổi thụ dụng vật chất thì đã không thanh tịnh trong 6 căn, dù là xem, nghe, ngửi, nếm, mặc, chơi chỉ cần tham thích không bỏ thì đã là sáu căn không thanh tịnh. Vì vấn đề thanh tịnh hay không thanh tịnh là vấn đề nhỏ nhiệm khó nhìn thấy (không kể quan hệ nam nữ và tiền tài v.v…) cho nên người ta ít chú ý.

Theo sự phán đoán của tông Thiên Thai, cấp vị sáu căn thanh tịnh là thập tín vị, thuộc 10 cấp đầu trong 52 cấp vị của Bồ Tát; phải đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, tương đương với đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng của tông Duy Thức; và với bước chuyển từ địa vị phàm phu phổ thông (gọi là ngoại phàm phu) lên địa vị phàm phu hiền trí (gọi là nội phàm phu hay hiền vị phàm phu).

Theo kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn, nếu thành tựu được 6 căn thanh tịnh thì tác dụng của sáu căn có thể thay nhau. Nghĩa là bất cứ căn nào cũng có đầy đủ tác dụng của 5 căn kia : Mắt, không những thấy, mà còn có thể nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, v.v… tai cho đến mũi, lưỡi, thân, ý đều cũng như vậy.

Sáu căn thanh tịnh, có tác dụng thay thế nhau, là chuyện thần kỳ, quái lạ đối với độc giả bình thường. Trên sự thực, 6 căn chúng ta sở dĩ không có được tác dụng như vậy, là chính vì do tự chúng ta hạn chế tác dụng của 6 căn. Nghĩa là chúng ta dùng 6 căn để nắm bắt 6 trần, chấp thủ 6 trần, trở thành nô lệ của 6 trần, bị sáu trần chiếm lĩnh. Sắc trần xuất hiện thì con mắt ứng phó ngay. Âm thanh đối với tai, mùi đối với mũi, vị đối với lưỡi v.v… cũng đều như vậy.

Nếu 6 căn không bị 6 trần chi phối, mê hoặc thì 6 căn được giải thoát, được tự do. Sáu căn được tự do thì có thể được sử dụng thay thế nhau không khó, không có giới hạn. Đó là sáu căn thanh tịnh. Sáu căn tuy vẫn tiếp xúc với 6 trần nhưng đã không bị 6 trần chi phối, mê hoặc, dám tới tạo nghiệp nữa. Vì vậy mà gọi là sáu căn thanh tịnh.

Nói rõ ràng hơn, 6 căn thanh tịnh không có nghĩa là không còn có 6 căn, mà có nghĩa là các quan năng sinh lý của chúng ta không còn chuyển theo cảnh hư huyễn của 6 trần nữa, không còn bị ngoại trần làm cho nhiễm ô nữa - Một kết quả không thể tự nhiên nhàn hạ mà có được.

Để dễ ghi nhớ, chúng tôi ghi lại 6 căn, 6 trần, 6 thức như sau :

Sáu thức : nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn.

Sáu trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần.

Sáu thức phát động sáu căn tiếp xúc với 6 trần, 6 trần phản ánh trong 6 căn và được 6 thức phân biệt, ghi nhớ lưu lại. Rồi lại từ trong cái "kho" ghi nhớ, bảo lưu ấy hiển hiện ra, phát động 6 căn tiếp xúc lại với 6 trần, chấp thủ sáu trần. Đó chính là nguyên do của cuộc vận động sinh tử luân hồi. Mục đích của tu tập 6 căn thanh tịnh là để đoạn tuyệt và siêu việt lên trên dòng chảy sinh tử luân hồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]