Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Sự Tu Đạo của Tín Đồ

02/12/201016:30(Xem: 9370)
Chương 3: Sự Tu Đạo của Tín Đồ

 

NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN
Tác Giả: Kimura Taiken
Hán Dịch: Âu Dương Hãn Tồn - Việt Dịch: Thích Quảng Độ
Xuất Bản: Viện Đại Học Vạn Hạnh Việt Nam 1969 - Chùa Khánh Anh, France

THIÊN THỨ BA:
LÝ TƯỞNG VÀ SỰ THỰC HIỆN

(Luận về Diệt và Đạo Đế)

CHƯƠNG III
SỰ TU ĐẠO CỦA TÍN ĐỒ

I- SỰ TẤT YẾU CỦA MỘT TÍN ĐỒ

Phàm đã là tín đồ của Phật thì đều phải thực hành theo những lời dạy cũng như lý tưởng được tường thuật ở chương trên để hướng tới đạo giải thoát. Tuy nhiên, nếu muốn tìm cầu lý tưởng chân chính tối cao thì không thể chỉ thực hành những điều kể trên mà cho là đã hoàn toàn, bởi vì, những điều ấy mới chỉ là sự biểu hiện bên ngoài chứ về phương diện tính linh bên trong thì vẫn còn khiếm khuyết. Trong khi thực sự tu luyện những giáo điều và lý tưởng kể trên, nếu không có tâm cầu pháp bên trong thì chưa phải hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chỉ đứng về hình thức mà nói thì dẫu không tin những giáo điều Phật dạy trên đây cũng không sao. Do đó, mà các nhà phán giáo Trung Quốc cho các giáo điều trên là “nhân thiên giáo” và nó ngoài chân đế của Phật giáo. Riêng phần tôi tuy không tán thành việc đặt những giáo điều ấy ra ngoài giáo lý Phật giáo, nhưng cũng không thừa nhận rằng chỉ thực hành những giáo điều và lý tưởng ấy không thôi mà bảo rắng đó là sự tu dưỡng chân chính của Phật giáo. Vì, nếu muốn hướng tới giải thoát, người ta còn cần phải đặt cơ sở ở sự sinh hoạt tâm linh, tức lấy việc tu dưỡng luân lý “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các điều ác, làm tất cả việc thiện) làm căn đề và lấy việc “tự tịnh kỳ ý” (làm cho tâm mình trong sạch) làm sự tu dưỡng cho chính mình. Cứ theo hướng ấy mà đi lên tức là sự tu đạo của những tín nam (upasaka – Ưu-Bà-Tắc), và tín nữ (upàsika – Ưu-Bà-Di), những đệ tử của ba ngôi báu (Tam bảo) vậy.

2- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH TÍN ĐỒ.

Cái điều kiện thứ nhất để trở thành một tín đồ tu đạo dĩ nhiên là quy y Tam Bảo, tức quy y vị giáo chủ là đức Phật, quy y giáo pháp của Phật truyền cho và quy y theo những người tu hành theo đúng giáo pháp ấy là Tăng-Già (giáo đoàn).

“Thế Tôn, ngài là bậc A-La-Hán, đẳng chính giác, minh hạnh cụ túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, Phật, Bạc-già-phạm.

Y vào pháp Thế Tôn nói, pháp ấy là hiện thấy (Sanditthika), thường hằng (akalika), thực chứng (ehi-passaka), đạo dẫn (opanayika), y vào tri tuệ có thể hiểu được hết (paccatam veditabbo vinnùhi). Nỗ lực biết bao, thánh chúng của Như Lai! Chân trực biết bao thánh chúng của Như Lai! Chính hạnh biết bao, thánh chúng của Như Lai! Đó chính là các bậc tứ song bát bối của Như Lai, là những người đáng được cúng dàng, tôn kính, là phúc điền vô thượng của thế gian” (1).

Trên đây là lý do của sự quy y, cũng tức là tâm tín ngưỡng, được mệnh danh là tín cự túc (saddàasampanna) là điều kiện tiên khởi của tín đồ. Do đó, có lời văn phát thệ như sau:

“Quy y Phật (Buddham saranam gacchami).
Quy y Pháp (Dhamm saranam gacchami)
Quy y Tăng (Sangham saranam gacchami).”

Đó là văn quy y Tam Bảo. Tuy trước hết có phật, thứ đến có pháp rồi do đó mới có sự thành lập Tăng-Già, nhưng sở dĩ có hình thức trên là vì cả ba Phật, Pháp, Tăng hợp làm một thì các cơ quan cứu độ chân chính của Phật giáo mới được coi là hoàn thành. Sự quy y của tín đồ tức là quay về với Tam Bảo. Duy theo tinh thần của Phật thì Tam Bảo rốt cùng cũng chỉ là nhất thể, do đó, dĩ nhiên bất cứ xuất phát từ một phần nào trong ba để đi đến tín ngưỡng thì kết quả cũng đều cùng như Tam quy.

(1) A. 111, p. 212; Trang 30, Ưu-Bà-Tắc kinh; cáp bản. p. 144.

Tại sao con đường đi đến giải thoát lại phải cần có Tam Quy? Vấn đề này nói theo tinh thần của Phật, đạo giải thoát vốn là pháp tự nhiên như thế (Pháp nhĩ như thị), nhưng duy chỉ có phật là người có thể nhận thức và thể nghiệm nó một cách chân chính, và cũng chỉ có đệ tự Phật mới là những người tu hành theo pháp ấy một cách đúng như thực, bởi vậy ngoài sự quy y Tam Bảo ra không có giáo pháp giải thoát chân chính nào khác. Cái lý do cắt nghĩa tại sao Phật một mặt đề cao Tam quy, mặt khác, đồng thời lại cấm chỉ sự quy y những giáo pháp và thần miếu (Cetiya) khác cũng là ở đó. Do đó, dĩ nhiên cái gọi là Tam Quy và chí tâm quy y là niềm tin không phải tiếp thụ một cách mù quáng mà là niềm tin do đã hiểu rõ giáo pháp mà có. Tức những thiện nam, tín nữ, sau khi lãnh thụ sự cảm hóa của Phật và các đệ tử Phật, nhờ hiểu rõ giáo pháp mà tin chắc rằng, ngoài giáo pháp ấy ra không có một con đường giải thoát chân chính nào khác, và lấy nó làm pháp nhập môn: đó là một sự thật lịch sử. Phật bảo là trí tuệ cụ túc (pannàsampanna)và tín cụ túc, cũng như nhau đều cho đó là điều kiện của một tín đồ lý tưởng. Hiểu giáo pháp ở đây không có nghĩa là đối với pháp Tứ Đế tin chắc rằng thế gian là vô thường, là khổ mà nguyên nhân của khổ là hoàn toàn do dục vọng, và phương pháp diệt khổ là ở sự tu hành chính đạo, nhờ kết quả ấy đi đến giải thoát: đó là con đường giải thoát chân chính. Tức dựa vào niềm tin chắc chắn ấy, một tín đồ tại gia có thể chế ngự được nguyên nhân gây ra khổ đau là dục vọng, và những phiền não do dục phát động để ngăn ngừa việc ác, tu theo lẽ thiện và luôn luôn làm cho tự tâm thanh tịnh, đó là điểm then chốt trong việc tu đạo của tín đồ. Còn về nghĩa vụ đối với giáo đoàn thì chính mình đã là một phần tử trong bốn chúng (Tỷ khưu, Tỷ-Khưu-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di gọi là bốn chúng) cho nên cũng có trách nhiệm, và trách nhiệm chủ yếu là tài trợ, tức tùy hỷ cúng dường các Tỷ-Khưu, Tỷ-Khưu-Ni và được gọi là thí cụ túc (Agasampanna), cũng như tín cụ túc và tuệ cụ túc đều là một trong những điều kiện của tín đồ.

Nếu nói một cách chặt chẽ thì ngay trong sự quy y Tam bảo cũng đã có ý nghĩa thực hành tu đạo rồi, bởi vì trong Tứ-Đế đã bao hàm sự thực hành tám con đường chân chính vậy. Duy đứng về phương diện thực tế mà nói, ở cõi Dục mà tu đạo thì cái gọi là ngăn ngừa dục vọng và làm cho tâm thanh tịnh chủ yếu là vấn đề trình độ, khi ứng dụng vào thực tế thì tất nhiên phải thiết lập các quy định thực hành làm tiêu chuẩn: đó tức là điều kiện giới cụ túc (silasampanna) mà, nếu nói theo nghĩa rộng, bao hàm trong các vấn đề đạo đức đã được trình bày ở chương trước, nhưng nếu chỉ nói theo nghĩa hẹp thì đó chính là sự giữ năm giới (pancasila) và trì trai (mah’uposatha).

Như đã nói ở chương trên, năm giới là sự thề nguyện trọn đời giữ năm điều răn sau đây:

1- Không giết hại (Pànàtipatà pativirato hoti)
2- Không trộm cắp (Adinnadà pativirato hoti)
3- Không gian dâm (Kamesu micchachacàrapativirato hoti)
4- Không nói dối (Musàvàda pativirato hoti)
5- Không uống rượu (Susa-meraya-majja panàdatthàvàpativirato hoti)

Trong năm điều này, bốn điều trên là những điều mục xa lánh chính những hành vi tội ác (tính ác), còn điều thứ năm là vật cám dỗ, là điều mục xa lánh cái gọi là gia tội. Đứng về phương diện lịch sử mà nói thì, như đã trình bày ở trên, dĩ nhiên, năm giới không phải Phật đã đặt ra đầu tiên mà ít ra, có thể nói, bốn giới trước đã bắt nguồn từ Pháp Kinh, hơn nữa, chúng đã là những quy định của tôn giáo nhất ban thời bấy giờ. Tuy nhiên, cái đặc sắc của Phật giáo, mà các tôn giáo khác cũng vậy, thay vì là vật quy định thì lại là cái tinh thần và thái độ khi thực hành. Có lẽ Bà-La-Môn đương thời chỉ có quy định mà thiếu tinh thần. Nói cách khác, tuy cho việc không giết hại là quý, nhưng tế lễ thì lại tàn sát thú vật một cách nhẫn tâm và như thế thật là mâu thuẫn và buông thả. Ngược lại, Kỳ-nàng-giáo thì lại giữ gìn một cách quá nghiêm khắc đến nỗi chỉ rước lấy khổ vào thân, như vậy không tránh khỏi sự thiên chấp, duy có pHật là giữ thái độ trung đạo trong việc xử lý năm giới, nghĩa là không quá buông thả mà cũng không đi đến cực đoan, hễ điều gì không được làm thì tránh, nhưng cốt lấy tinh thần làm chủ. Chẳng hạn như giới thứ năm không uống rượu chỉ là điều mục tu dưỡng của Bà-La-Môn trong kỳ Phạm Chí mà thôi, nhưng phật lại biến cho tinh thần kiện kháng là điều quan trọng biết chừng nào đối với việc tu dưỡng đạo đức và tôn giáo: có thể nói, đó là một đặc sắc lớn của giới luận Phật giáo. Tuy nhiên, các cuộc vận động cấm rượu không phát khởi ở các nước Phật giáo mà lại được phát động tại các quốc gia theo Cơ-đốc-giáo mới thật là điều bất khả tư nghị.

Năm giới tuy là những điều thề nguyện trọn đời nhưng trừ giới uống rượu, còn bốn giới kia là chỉ đối với tha nhân.

Đến việc trì trai (mah’uposatha) thì mới chính là pháp tu dưỡng khắc kỷ đối với bản thân. Tức hàng tháng vào những ngày nhất định như nửa tháng (rakkha) ngày mùng 1, mùng 8 và ngày 15, phụng hành ngay Bá-Tát (uposatha), hoặc một tháng sáu kỳ mà người ta thường gọi là Lục trai (sáu ngày trai). Tín đồ Cơ-Đốc lấy ngày chủ nhật, tín đồ Do-Thái giáo lấy ngày thứ bảy làm ngày khắc kỷ, và Phật Giáo đồ thì lấy những ngày kể trên làm ngày trai giới. Những điều kiện mục trọng yếu của trai giới như sau:

1- Ngoài giờ ăn nhất định ra, không được ăn vặt (vikà-labhojà pativirato = không ăn phi thời)
2- Không coi múa hát, không thoa son phấn, nước hoa v.v… (Naccagitavadita visuka dassana pativirato mela-gandha-vilepana dhàrana mandana vibhusanatthàna pativirato)
3- Không nằm giường cao chiếu rộng (uccayana-maho-sayana pativirato)

Thông lệ, cộng thêm vào với năm giới trên gọi là Bát trai giới (atthangika mah’ uposatha). Đứng về mặt lịch sử mà khảo sát thì, như đã nói ở trên, phần lớn pháp trì trai cũng bắt nguồn từ những điều mục tu dưỡng của Phạm Chí, nhưng Phật đã biến nó thành phổ thông cho mọi tín đồ và lại định vào những ngày giờ nhất định cho việc thi hành thì thật là phương pháp điệu dụng vậy. Tóm lại, trì trai hoàn toàn đối với chính mình, tuy còn ở thế gian nhưng cũng thực hành đúng như La-Hán để dưỡng thành sự sinh hoạt tâm linh siêu thế gian cho bản thân, đó chính là sự sinh hoạt đôn giáo “làm cho tự tâm thanh tịnh” và là một chế độ rất được tôn trọng.

Ba điều mục thụ Tam Quy, giữ năm giới và trì trai, vì người làm việc thiện, đồng thời, làm cho tự tâm thanh tịnh là tiêu chuẩn tu đạo của tín đồ tại gia (1). Phật gọi những người tu hành các pháp ấy là Thánh Thanh Văn (Ariyasavaka). Tóm lại, những giới điều trên đây là tiêu chuẩn quy định sự sinh hoạt của các tín đồ mà trong cái gọi là “luân lý nhất ban” trình bày ở chương trước cũng phải có mới có thể hướng tới đạo giải thoát chân chính.

(1) Xin tham khảo các kinh: Ba-Li, Tăng-Nhất, Bộ = Upósakavagga, tức III, pp 203-217. Trung Hàm 30. Ưu-Bà-Tắc-Kinh. S. V, p. 395. Tạp 33, cáp bản, p. 662 Trung-Hàm, 55, Trì Trai Kinh, Ấn-Độ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, IV, 255-258.

3- CẢNH GIỚI CỦA TÍN ĐỒ
(đặc biệt lấy Ma-ha-nam họ Thích làm thí dụ)

Như vậy, kết quả cùa sự tu dưỡng ấy sẽ đưa tín đồ đến một cảnh giới như thế nào? Đứng về mặt pháp tướng mà nói thì đó là Sơ Quả Dự Lưu (sotapanna) tức được dự vào ngôi vị thánh nhân để rồi dần dần tiến lên đến quả thứ ba là Bất-Hoàn, Giáo đoàn đã quy định như vậy. Những người xuất gia thì sẽ đạt đến quả vị cao nhất là quả vị thứ tư, còn các đệ tử tại gia thì chỉ đạt đến kết quả thứ ba mà thôi. Bất-Hoàn quả sau khi chết sinh lên cõi trời và ở đó mà được giải thoát; loại giải thoát này cũng giống như tiệm-giải-thoát (kramamukti) trong Phệ-đàn-bà (1). Trong A-Hàm Hán dịch hiện nay gọi nó là Hữu dư niết bàn mà, trên thực tế, cũng hệt như cảnh giới của quả vị tối cao. (2) Không những thế mà thôi, về sau Bắc-đạo-phái (Witarapathka) còn chủ trương tuy là người thế tục đi nữa cũng thành được bậc La-Hán (3) vì người tại gia nếu tu hành tinh tiến cũng có thể đạt đến địa vị ngang hàng với người xuất gia chuyên môn.

Vấn đề pháp tướng chủ yếu là lấy việc giải thích sự thật làm chủ, và trên thực tế, người tại gia cũng không kém gì bậc La-Hán về phương diện pháp duyệt (vui với giáo pháp) và an tâm, bởi thế rất nhiều người đã tỏ ra có sức diệu dụng, nhất là khi đau ốm dựa vào pháp lực để trị liệu, khi sắp chết thì lòng thanh thản, thung dung, không sợ hãi.

(1) Sáu phái Triết-Học-Ấn-Độ, trang 601.
(2) Tăng-Nhất-A-Hàm 7, Cáp bản, p. 306: “Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỷ-Khưu rằng có hai cảnh giới Niết-Bàn là Hữu dư niết bàn và Vô dư niết bàn. Thế nào gọi là Hữu dư niết bàn? Những ai diệt được năm hạ phận kết thì niết bàn của họ không trở lại thế giới này, như thế gọi là Hữu dư niết bàn.

(3) Katthavatthu IV, 1-2.

Hãy lấy thí dụ của nhà trưởng giả từ thiện nổi tiếng là Tu-Đạt (Sudatta). Khi ông này đau nặng muốn được sự an úy cuối cùng nên thỉnh Xá-Lợi-Phất đến nói pháp cho nghe. Sau khi nói pháp xong, Xá-Lợi-Phất bèn an úy ông trưởng giả mà bảo rằng ông đã được quả Dự-Lưu (Sơ Quả), sau khi chết không phải sợ hãi, nhờ thế mà ông hết bệnh (1), đó là bằng cứ cho thấy là bệnh nặng cũng có thể trị liệu nếu dựa vào pháp lực và lòng tin tưởng. Sơ quả mà có được năng lực như thế thì cảnh giới của tín đồ ở Nhị-quả (Nhất-lai-quả) và tam-quả (Bất-Hoàn-quả) còn tinh tiến biết chừng nào, điều đó thiết tưởng cứ suy ra cũng thấy rõ. Mà điều này không phải chỉ giới hạn cho tín đồ phái nam mà ngay cả tín đồ phái nữ cũng vậy. Từ Tỳ-Xá-Khư-Lộc-Mẫu (Visakha Migaramata) nổi tiếng cho đến đa số tín nữ (Ưu-Bà-Di) nhiệt thành khác đều đã được đạo quả và có những lực dụng khác nhau và đức Phật thường lấy nó làm gương để tưởng lệ những người khác (2). Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi thấy không đủ thì giờ để dẫn chứng sự thật, vả lại, trên thật tế, vì thiếu tư liệu nên phần nhiều những sự thật ấy vẫn chưa được rõ. Bây giờ chỉ xin đơn cử một trường hợp của một nam tín đồ, dòng họ Thích, đã tự đón nhận lấy cái chết rất hùng tráng để biết qua cái nội lực của một Ưu-Bà-Tắc nhờ công tu đưỡng, đã đạt đến một trình độ cao như thế nào. Đó là trường hợp của Ma-Hà-Nam (Mahanama).

(1) Trung 6, Giáo-Hóa Bệnh Kinh Ma-Ha-Đà, 143 Anatthapindikovaha.
(2) A. I. p, 26.

Ma-Hà-Nam là người đồng chủng tộc với Phật, là anh ruột của Ma-Na-Luật (Anuruddha) (1); ông là người rất nhiệt thành cầu pháp sau khi đã quy y Phật. Trong các kinh điển, người ta thấy có nhiều chỗ Phật đã lấy ông làm trung tâm để nói pháp (2), như thế ta đủ thấy cái nhiệt tâm của ông như thế nào rồi. Nhất là trong một bộ kinh nọ (3) đã chép ông là người đã hỏi rất nhiều về các tiêu chuẩn tu đạo của Ưu-Bà-Tắc và đã từng được Phật giải đáp những thắc mắc của ông. Xem thế thì biết ông là người nhiệt tâm cầu pháp.

Khi ông là một tín đồ tu đạo thì tại thành Ca-Tỳ-La có xảy ra một biến sự lớn, tức là, như đã nói ở trên, vua Tỳ-Lưu-Đà (Vid dabha) của Xà-Vệ lại đánh phá một lần nữa, vì trong lần chinh phục trước có Phật can thiệp Tỳ-Lưu-Đà phải rút quân. Nhưng, sau đó, vì muốn tranh hùng tranh bá với Ma-Hà-Đà cũng có truyền thuyết cho rằng vì thành Ca-Tỳ-La là nơi mà lúc nhỏ, vua Tỳ-Lưu-Đà đã bị làm nhục, nên lợi dụng cơ hội khi Phật ở xa mà kéo quân đến đánh phá để rửa mối nhục lúc thiếu thời.

(1) Theragatha 892-919
(2) Tạp-Hàm 33, có măm Kinh S. V. pp, 369-374 ba kinh

(3) Tạp-Hàm 33, Cáp bản p, 662 S. V, 465

(1) Cuộc đánh phá này rất tàn bạo. Lúc đó Ma-Ha-Nam cũng có mặt trong thành. Vì không nỡ ngồi nhìn nổi khổ thảm của người đồng tộc nên Ma-Ha-Nam đã đến chỗ vua Tỳ-Lưu-Đà xin chết thay cho mọi người để nhà vua chấm dứt sự tàn bạo. Vua Tỳ-Lưu-Đà bằng lòng và Ma-Ha-Nam chịu chết bằng cách trầm mình. Nhà vua và những kẻ tả hữu đều cho rằng xác Ma-Ha-Nam sẽ nổi lên sau đó, nhưng chờ mãi không thấy, nhà vua bèn sai người lặn xuống để mò lên. Khi lặn xuống lòng nước thì người ta mới phát giác Ma-Ha-Nam đã dùng tóc cột mình vào gốc cây dưới nước. Tuy bạo ngược, nhưng khi thấy thế thì Tỳ-Lưu-Đà cũng xúc động và mủi lòng, do đó, ông đã hạ lệnh cho quân sĩ nới tay và nhờ thế mà đa số dân chúng trong thành Ca-Tỳ-La đã thoát chết. Sự kiện này đã ghi lại rất rõ ràng trong Ngũ-Phần-Luật 21, và Tăng-Nhất-A-Hàm 26 (2). Cái tinh thần hy sinh mạnh mẽ này khiến người ta, khi đọa đến, phải thán phục. Nhưng tinh thần ấy lại hoàn toàn nhờ ở sự tu dưỡng khi còn là Ưu-Bà-Tắc mà có, nhất là Ma-Ha-Nam lại tự tin vào cái vận mệnh sau khi chết, cho nên mới có được nghĩa cử thung dung, không sợ hãi như thế.

(1) Về việc vua Tỳ-Lưu-Đà làm nhục tại thành Ca-Tỳ-La lúc còn nhỏ có thể xem trong kinh Tăng-Nhất, Các Bản, p, 386
(2) Ngũ-Phần-Luật 21, trang 2; Tăng-Nhất 26, Các Bản, p 387.

Trước kia đã có lúc ông từng hỏi Phật về cái vận mệnh của mình sau khi chết và được Phật trả lời như sau:

“Này Ma-Ha-Nam, ông cứ cố gắng mà tu tín, tu giới, tu văn, tư, tuệ, đừng sợ hãi. Ma-ha-nam, cái chết của ông sau này quyết không phải là cái chết xấu mà sẽ là cái chết tốt lành” (1)

Cái nguyên nhân của sự không sợ chết là khi người ta chết vì đại nghĩa, vì lợi ích của đa số. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu v.v… chủ yếu tuy là sự tu dưỡng có tính cách tiêu cực, nhưng đã đến chỗ cùng cực của sự tu dưỡng thì cho dù là tiêu cực đi nữa nó cũng biểu hiện thành sự ứng dụng tích cực như trong trường hợp của Ma-ha-Nam trên đây, như vậy người ta không thể coi thường sự ứng dụng của một tín đồ tu đạo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]