Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát Tâm

01/12/201017:25(Xem: 9104)
Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát Tâm

 

PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN
Thích Nguyên Ngôn dịch

Phẩm Thứ Nhất Khuyến Phát Tâm


Xưng tán Tam Bảo: Kính lễ Vô biên tế,

Khứ lai, hiện tại Phật,

Đẳng không bất động trí

Cứu thế Đại-bi-tôn.

Tạm dịch :Cung kính đảnh lễ khắp tất cả chư Phật trong ba đời. Là bậc Trí tuệ cao tột, tâm Đại bi cứu khổ muôn loài.

Luận nói :Có Pháp Đại Phương đẳng tối thượng diệu: Ma-đắc-lặc-già-tạng (tức Khế Kinh, cũng gọi là Luật tạng, cũng gọi là Luận tạng, cũng gọi là bốn Mẫu tạng), là chỗ (PHÁP)tu hành của hàng Đại Bồ Tát. Pháp này khuyến khích cho người tu học Đạo Vô thượng Bồ đề, khiến cho chúng sanh phát tâm sâu rộng, và kiến lập thệ nguyện nhứt định trang nghiêm, bằng cách bỏ thân mạng, tài bảo để nhiếp phục tham lam keo bõn, tu tập “ngũ tụ giới” dẫn dắt cho kẻ phạm cấm hạnh. Sau rốt lấy Nhẫn nhục mà điều phục kẻ sân hận, si mê.

Lại phát tâm dõng mãnh tinh tiến, an chỉ cho chúng sinh, tu tập thiền định, biết rõ tâm chúng sanh. Do tu hành Trí huệ để diệt trừ vô minh, chứng đắc Như thật-pháp-môn, xa lìa chấp trước, lại giải rõ nghĩa thậm thâm, vô-tướng-hạnh, xưng tán công đức khiến cho Phật-chủng không đoạn dứt. Như vậy, có vô lượng phương tiện pháp môn thanh tịnh, phù-trợ tâm Bồ đề. Những pháp thượng thiền trên đây, phải phân biệt khai thị rõ ràng, khiến cho chúng sanh rốt ráo đạt đến quả vị A-nậu-da-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.

Này chư Phật tử, nếu là đệ tử của Phật, đã thọ trì Phật ngữ (giới pháp) thường vì chúng sanh mà rộng nói chánh pháp, thì trước hết phải xưng tán công đức chư Phật, chúng sanh nghe được công đức của chư Phật, mới có khả năng phát tâm cầu trí huệ của Phật. Do phát tâm như vậy, nên Phật tánh không đoạn diệt. Nếu có hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hàng Ưu bà tắc, Ưu bà di, niệm Phật, niệm pháp và niệm công hạnh của Đức Như Lai khi còn tu hạnh Bồ tát, vì cầu pháp rộng lớn, trải qua A tăng kỳ kiếp thọ các cần khổ. Nghĩ nhớ công hạnh như vậy để tu tập Bồ Tát hạnh, vì chúng sanh thuyết pháp, nhẫn đến một bài kệ tán thán hạnh Bồ Tát. Chúng sanh được nghe pháp, thấy rõ, vâng làm, được lợi ích vui vẻ. Lại phải khéo trồng thiện căn, tu học Phật pháp để chứng đắc quả Vô thượng chánh giác, đoạn trừ vô lượng khổ não cho chúng sanh trong vô lượng sinh tử. Hàng Bồ Tát muốn thành tựu vô lượng thân tâm, thì cần tu Tinh tấn, thâm phát đại nguyện, thực hành Đại phương tiện, khởi Đại từ bi, cầu Đại Trí huệ, đắc Vô-kiến-đảnh-tướng. Cầu đắc các pháp lớn của chư Phật như vậy, lại phải biết Đại pháp ấy vô lượng vô biên; pháp đã vô lượng thì phước đức quả báo cũng lại vô lượng.

Đức Như Lai dạy rằng: « Hàng Bồ Tát khi sơ phát tâm, dù chỉ trong một niệm hạ liệt (trong chốc lát), thì phước đức quả báo của họ trăm ngàn vạn kiếp nói cũng không hết. Huống chi trong một ngày, một tháng, một năm, cho đến trăm năm. Chỗ huân tập tâm niệm, thì phước đức quả báo không thể nói hết. Vì sao vậy? Vì sở hành của Bồ Tát không cùng tận. Vì muốn cho tất cả chúng sanh đều trụ vào quả « Vô sanh pháp nhẫn », cho đến thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác vậy ».

Chư Phật tử, hàng Bồ Tát khi sơ phát tâm Bồ đề, thí như đại hải khởi sự khô cạn, phải biết rằng sự khô cạn phải từ từ theo thời gian: hạ, trung, thượng (từ cao xuống thấp), cho đến lúc hoàn toàn. Bây giờ thấy được Ngọc như ý bảo châu ở biển cả, ngọc bảo châu này từ nơi biển cả mà sanh. Hàng Bồ Tát khi phát tâm bồ đề cũng như vậy. Lúc ban đầu phát tâm phải biết rõ đó là phương tiện làm Nhơn, Thiên, cho đến đạo quả Thanh văn, Duyên giác, cho đến tất cả thiện pháp của chư Phật Bồ Tát, Pháp thiền định, Trí huệ cũng từ đó mà phát sanh.

Lại nữa, cũng như tam thiên đại thiên thế giới từ khi mới hình thành, phải biết rằng, đây là sanh xứ của 25 cõi. Ở nơi đó, chỗ có tất cả chúng sanh đều nương gá, y chỉ làm trú xứ, Bồ Tát phát Bồ đề tâm cũng lại như vậy. Từ khi sơ phát tâm, khắp vì lợi ích của tất cả vô lượng chúng sanh, như: lục thú, tứ sanh, chánh kiến, tà kiến, tu thiện, làm ác, hộ trì tịnh giới, hay phạm tứ trọng giới cấm, tôn kính Tam Bảo, hay huỷ báng chánh pháp, cho đến chư ma ngoại đạo, Sa môn Phạm chí, Sát Đế lợi, Bà la môn, Tỳ-xá-già, Thủ đà la v.v... tất cả đều nương nhờ ý chỉ nơi đó.

Lại nữa, Bồ Tát phát tâm Bồ đề, lấy Từ bi làm đầu. Tâm đại Từ bi của Bồ Tát vô lượng vô biên, chonên khi phát tâm không có ngằn mé, rộng khắpchúng sanh giới. Ví như hư không trùm khắp tấtcả, Bồ Tát phát tâm cũng lại như vậy; tất cả chúng sanh, khắp cùng tất cả, như chúng sanh giới vô lượng vô biên bất khả cùng tận, Bồ Tát phát tâm cũng lại như vậy. Nghĩa là cũng vô lượng vô biên không có cùng tận, hư không vô tận, cho nên chúng sanh cũng vô tận, chúng sanh cũng vô tận cho nên

Bồ Tát phát tâm khắp tất cả chúng sanh giới vậy. Nghĩa chúng sanh giới, tức là không có hạn lượng.

Ta nay thừa Thánh chỉ, nói lên phần nào: Như đông phương có thiên ức hằng hà sa A tăng kỳ chư Phật thế giới, cho đến nam, tây, bắc phương tứ duy thượng hạ, mỗi mỗi đều có thiên ức hằng hà sa A tăng kỳ thế giới chư Phật, đem tán nhỏ thành vi trần. Số vi trần tán nhỏ này, cho đến nhục nhãn cũng không thấy được (tác đối). Cho đến bách vạn ức hằng hà sa A tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới chỗ có chúng sanh, tất cọng tụ tập, đều ở nơi một bụi trần. Cho đến nhị bách hằng hà A tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có chúng sanh, đều chung ở nơi hai hạt bụi trần. Như vậy tiếp nối nhau (triển chuyển) đều ở khắp mười phương, tất cả thiên ức hằng hà A tăng kỳ chư Phật thế giới, nơi nào có địa chủng có vi trần, đều là chỗ ở của chúng sanh giới, cũng không trọn khắp.

Lại như có người khéo tay, chỉ một sợi lông mà chia chẻ thành trăm phần, rồi lấy một phần của sợi lông kia chấm vào nước đại hải (đến khi nào biển cả khô cạn?) - Nay đây ta cũng chi nói nghĩa thiểu phần đối với chúng sanh kia, cũng lại như vậy việc ấy không thể nói hết, cũng như việc làm đối với đại hải. Giả sử chư Phật ở nơi vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, rộng nói các thí dụ, thì sự thuyết dụ ấy cũng không hết ý nghĩa phát tâm bồ đề của hàng Bồ Tát.

Cho nên, Bồ Tát phát tâm có khả năng biến khắp tất cả chúng sanh. Vì sao vậy? -Chư Phật tử - Bởi Bồ đề tâm vô tận đó vậy. Nếu có Bồ Tát nghe lời như vây mà chẳng lo âu sợ sệt, không thối chí, không quên lãng, thì phải biết người đó quyết có khả năng phát tâm Bồ đề, và thành tựu Bồ đề tâm vậy.

Dẫu cho hiện nay có vô lượng tất cả chư Phật, ở nơi vô lượng A tăng kỳ kiếp tán thán công đức (phát tâm) kia, cũng không nói hết. Vì cớ sao? – Vì Bồ đề tâm không có ngằn mé, nói không hết lời vậy. Giá trị lợi ích rất là vô lượng. Cho nên hôm nay ta tuyên bày, là vì khiến cho khắp cả chúng sanh được nghe biết, và được phát tâm Bồ đề vậy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]