Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 23: Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự

14/11/201017:58(Xem: 9633)
Phẩm 23: Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 23
DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ

Chúng ta đã hoàn tất cấp độ thứ nhất của Phật pháp trong kinh Pháp Hoa bằng phẩm 22, “Chúc Lụy” (sự giao phó, ủy thác cuối cùng). Nói đúng hơn, với phẩm 22, chúng ta đã kết thúc việc nghiên cứu khái quát về kinh Pháp Hoa. Chúng ta có thể lấy làm lạ rằng thế thì tại sao đức Phật còn giảng thêm sáu phẩm nữa.

Với phẩm 22, quả thực chúng ta đã có thể hiểu được những ý tưởng cơ bản của các giáo lý của đức Phật để khẳng định niềm tin của chúng ta vào các giáo lý ấy và để có quyết định sẽ thực hành. Đối với những người bình thường, nói về giáo lý của đức Phật thì dễ nhưng thực hành giáo lý thì lại rất khó.
Chúng ta đã xác lập một thái độ căn bản đối với việc thực hành. Nhưng khi ta thực sự thực hành thì ta cần xác nhận thái độ của ta một lần nữa. Ta nên làm điều này như thế nào ? Ta phải tìm kiếm cái sức mạnh để được khích lệ và được gây hứng khởi khiến ta sẽ không bao giờ ngã lòng hay quên đi cái thái độ căn bản của ta đối với thực hành. Tóm lại, ta cần một cái gì đó được dùng như một sức đẩy có hiệu quả cho việc thực hành của ta.

Sức đẩy có hiệu quả nhất là gì ? Không có gì gây cảm hứng hơn các gương tu tập trong quá khứ của những vị đã thực hành con đường của Phật pháp theo những cách riêng biệt và theo đó đạt được những công đức riêng biệt. Ta có thể nói như thế về những hành vi đạo đức trong đời sống hàng ngày của ta. Ví dụ, khi ai đó dạy con cái mình về lý thuyết tại sao người ta phải tử tế với người già cả, thì cũng đáng nghi rằng chúng có sẽ chuyển lý thuyết sang thực hành hay không. Nhưng nếu bậc cha mẹ nêu một ví dụ cụ thể cho các con - chẳng hạn như bảo “Hôm nay trên xe buýt, ba (hay má...) thấy một cậu bé nhường chỗ ngồi cho một bà lão. Sự tử tế và tôn kính của cậu bé thực sự khiến ta cảm thấy hài lòng” - bọn trẻ sẽ lưu ý và muốn theo gương cậu bé ấy.

Người bình thường cần có những mẫu thức thực sự để giúp họ thực hành những gì là tốt. Họ cần lấy ai làm mẫu thức cho họ trong việc thực hiện con đường Phật pháp? Không cần phải nói, họ cần theo mẫu thức của chính đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Điều thứ nhất họ phải làm là bước đi trên con đường mà đức Phật đã chỉ cho họ. Nhưng họ không biết làm sao để khởi sự theo gương đức Phật vì Ngài thì toàn hảo, toàn thiện và đã thành tựu mọi đức hạnh. Người bình thường có thể dễ dàng hơn nhiều khi nhằm noi theo một đức hạnh mà một vị Bồ-tát có được hay một hành tác mà một vị Bồ-tát thực hiện.

Các phẩm cuối kinh Pháp Hoa cung cấp cho chúng ta một loạt mẫu thức Bồ-tát như vậy. Trong các phẩm này, mỗi đức hạnh của vị Bồ-tát đều được miêu tả là cao nhất, là trạng thái lý tưởng của tâm; do miêu tả những đức hạnh như thế và do thúc đẩy ta đạt tới trạng thái lý tưởng như thế, đức Phật cảnh giác ta rằng ta có thể trở nên kiêu mạn. Cuộc đời tu hành của ta là một quá trình tương tục của thử thách và sai lầm, của sự tiến lên hai bước và lùi một bước. Mỗi khi đọc sáu phẩm cuối kinh Pháp Hoa, ta lại được khích lệ và được gây cảm hứng mới để đừng xao lãng hay kiêu mạn. Ở đây chứa phần quan trọng của các phẩm này. Vì vậy, ta chớ xem thường việc nghiên cứu các phẩm cuối, đơn giản là vì ta đã hoàn tất phần khái quát của kinh Pháp Hoa ở phẩm 22.

Có một điểm mà chúng ta cần phải thật thận trọng: nhiều biểu lộ thần bí trong các phẩm này so với phần trước của kinh. Chúng ta không nên hiểu lầm các biểu lộ này. Chúng ta cần đặc biệt chú ý tới các điểm sau đây. Trước hết, chúng ta phải nắm vững tinh thần của những biểu lộ thần bí này và hiểu chúng thực sự nghĩa là gì. Ví dụ, phẩm 23 bảo rằng Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến châm lửa vào hai cánh tay mà đốt. Ở Ấn Độ cổ, có nhiều ẩn sĩ đã thực sự làm những việc như thế. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, đó là chưa kể ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp các tu sĩ Phật giáo tự thiêu và chết mà vẫn ngồi an nhiên trong lửa rực. Tuy nhiên, những thực hành như thế là trái với giáo lý Trung Đạo mà đức Phật đã dạy và những thực hành này tự thân không đáng được ca ngợi(1). Thế thì tại sao ở phẩm 23 Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến lại được ca ngợi ? Đấy là vì chúng ta ngày nay phải theo mẫu thức của cái tinh thần nhiệt tâm của ngài như được nếu tỏ trong tu tập của ngài. Đốt đôi cánh tay mình tượng trưng cái tinh thần bất khuất của mình trong việc thực hành giáo lý. Đúng hơn, đấy là sự biểu hiện của tinh thần mình trong việc thực hành Pháp dù phải hy sinh mạng sống của mình. Ta phải hiểu ý nghĩa sâu xa của những biểu từ như đốt đôi cánh tay mình và chớ bị lệch lạc vì những ý nghĩa bề ngoài của từ ngữ.

Thứ hai, chúng ta sẽ bị sai lầm nếu chúng ta hiểu hình thức của cứu độ một cách hời hợt. Ví dụ, ở phẩm 25, “Quán Thế Âm Bồ-tát” có nói rằng hễ ai niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ được thoát khỏi những khổ đau. Nếu chúng ta hiểu lời khẳng định này theo nghĩa đen thì có vẻ như chúng ta khỏi phải nhọc công thực hành các giáo lý của đức Phật; nhưng với một thái độ như thế thì chẳng có giáo lý nào trong kinh Pháp Hoa có kết quả. Ai cũng có thể dễ dàng hiểu rằng trong sáu phẩm cuối, không thể nào đức Phật lại quá phi lý và mâu thuẫn mà từ chối tất cả những giáo lý đã được tuyên thuyết suốt phẩm 22. Kể cũng đáng ngạc nhiên khi thấy rằng suốt nhiều thế kỷ, nhiều người đã có một diễn dịch nông cạn về những gì cần được hiểu một cách thật dễ dàng và quay sang một niềm tin dễ dãi, lười biếng mà họ nghĩ rằng sẽ cho phép họ được thoát khỏi khổ đau chỉ bằng cách tưởng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Khi ta đọc phẩm 25 một cách cẩn thận và thâm trầm, ta hiểu rằng các thần lực của Bồ-tát này về cơ bản, cũng như thần lực của Pháp mà đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni giảng. Ta cũng hiểu rằng về mặt tâm linh, ta phải dựa vào Pháp của đức Thích-ca, nhưng về mặt học và hành thì ta nên lấy gương mẫu của Bồ-tát Quán Thế Âm làm mục đích trực tiếp của ta. Đáng tiếc nhất là sự hiểu lầm và những diễn dịch dễ dãi về các kinh Phật đã chìm sâu trong trí óc của quần chúng suốt một thời kỳ nhiều thế kỷ, làm suy yếu cái tinh thần thực sự của Phật giáo. Chúng tôi tha thiết hy vọng độc giả của cuốn sách này sẽ không phạm sai lầm như thế.

Chúng ta hãy đi vào nội dung của phẩm 23.

Khi tất cả đều rất hoan hỷ nghe được thuyết giảng của đức Phật ở phẩm 22, “Chúc Lụy”, Bồ-tát Túc Vương Hoa bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn ! Tại sao Bồ-tát Dược Vương du hành ở thế giới Ta-bà ? Bạch Thế Tôn ! Bồ-tát Dược Vương đã phải chịu đến trăm ngàn vạn ức na-do-tha khổ nhọc !

Tốt lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài giải thích đôi chút, để cho chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Câu-na-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Người, Không phải người và Bồ-tát từ các quốc độ khác đến, cũng như chư Thanh văn này nghe và được hoan hỷ” (Cú ngữ “du hành ở thế giới Ta-bà” nghĩa là Bồ-tát Dược Vương xuất hiện tự tại ở bất cứ nơi nào trong cõi Ta-bà để khai ngộ và cứu độ tất cả chúng sanh ở đấy).

Bấy giờ đức Phật nói với Bồ-tát Túc Vương Hoa: “Xưa kia, trong thời quá khứ vô lượng như cát sông Hằng, có một vị Phật hiệu là Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị Phật này có tám mươi ức Đại Bồ-tát Ma-ha-tát và một đại chúng Thanh văn nhiều như bảy mươi hai lần cát của sông Hằng. Thọ mạng của đức Phật này là bốn vạn hai ngàn kiếp và thọ mạng của chư Bồ-tát của Ngài cũng như thế. Quốc độ của Ngài không có nữ giới, địa ngục, quỷ đói, súc sanh, a-tu-la và không có các khổ nạn. Địa hình như bàn tay, đất do lưu ly tạo thành, cây báu trang nghiêm, trướng báu che bên trên, phan bằng hoa báu treo rũ, khắp xứ đều có bình báu, hương thơm. Các đài bằng bảy báu, mỗi đài có cây. Cây cách đài một khoảng bằng một tầm tên bắn. Dưới mỗi cây báu này có chư Bồ-tát và Thanh văn ngồi. Trên mỗi bảo đài đều có một trăm ức vị Thiên tấu nhạc trời và hát ca ngợi đức Phật để cúng dường”.

Như đã được giải thích ở phần bàn luận về phẩm 12, “Đề-bà-đạt-đa”, lý do nữ giới được nêu ở đây cùng với địa ngục, quỷ đói, súc sanh và A-tu-la phát xuất từ ý niệm được chấp nhận khá phổ biến tại Ấn Độ cổ cho rằng nữ giới là hiện thân của tội lỗi và là một trở ngại cho việc tu hành của nam giới. Do đó, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen chỗ nêu dẫn về phụ nữ trong văn mạch như thế. Chúng ta chớ quên rằng giáo lý của đức Phật phá bỏ ý niệm được chấp nhận phổ biến vào thời Ngài.

“Thế rồi đức Phật giảng kinh Pháp Hoa cho Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến cùng tất cả chư Bồ-tát và đại chúng Thanh văn. Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến này đã hoan hỷ tu theo khổ hạnh và trong Pháp của đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, đã tinh tấn tu hành, nhất tâm cầu Phật trong suốt một vạn hai ngàn năm, sau đó, đạt Hiện Nhứt thiết Sắc thân Tam - muội (loại Thiền định về sự thể hiện mọi cái thân sắc tướng).

Hiện Nhứt thiết Sắc thân Tam-muội là loại Thiền định nhờ đó một vị Bồ-tát xuất hiện tự tại trong một cái thân thể hay hình tướng thích hợp và có sự giáo hóa thích hợp để đưa người ta đến giáo lý. Nếu người ta là những người có thể được dẫn đắt một cách hiền hòa thì vị Bồ-tát sẽ mang một biểu hiện hiền hòa và dùng những lời lẽ dịu dàng. Nếu họ là những người cần phải được giáo hóa nghiêm khắc thì ngài dùng một biểu hiện dữ tợn như Bất Động Minh Vương (Fudò Myò-ò)(1) và nói ra những lời khắc nghiệt. Vị Bồ-tát có thể thực hiện những biến hóa như thế một cách hoàn toàn tự tại và chắc chắn. Một người chưa đạt được cái trạng thái tâm thức của Tam-muội (định) này có thể phán đoán sai lầm khả năng của những người khác về sự lĩnh hội giáo lý và do đó thất bại trong việc dẫn dắt họ đến giáo lý. Đây là sự lưu ý rất quan trọng cho chúng ta, những tín giả của kinh Pháp Hoa, thực hành kinh trong thời mạt pháp.

“Đạt được Tam-muội này, Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến rất hoan hỷ và suy nghĩ rằng: "Ta đạt được Tam-muội Hiện Nhứt thiết Sắc thân là do năng lực phát xuất từ việc nghe kinh Pháp Hoa. Nay ta nên cúng dường đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức và kinh Pháp Hoa". Liền đó, Bồ-tát nhập vào định này, từ trên hư không, rải hoa mạn-đà-la, hoa đại mạn-đà-la và rải bụi chiên-đàn nhỏ và đen đầy cả hư không rơi xuống như mây, ngài cũng rải hương chiên đàn hải thử ngạn(2), cứ sáu thù(1) hương này tương ứng với một thế giới Ta-bà để cúng dường đức Phật.

“Sau khi đã cúng dường như thế, Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến từ Tam-muội đứng lên, nghĩ rằng: "Tuy ta đã dùng thần lực mà cúng dường đức Phật, vẫn không bằng lấy thân ta mà cúng dường". Bấy giờ ngài thưởng thức nhiều loại hương chiên-đàn, huân-lục(2), đâu-lâu-bà(3), tất-lực-ca(4), trầm thủy giao(5) - và ngài uống dầu tinh của cây chiêm-bặc (campaka) và của các loài hoa khác. Sau trọn một ngàn hai trăm năm, ngài dùng dầu thơm thoa thân thể, và trước đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, ngài lấy y báu cõi trời mà quấn thân mình, tắm dầu thơm, rồi dùng nguyện thần thông mà tự thiêu nhân; ánh sáng chiếu các cõi thế giới nhiều như số cát của tám mươi ức sông Hằng”.

Thưởng thức nhiều loại hương và uống tinh dầu của các loại hoa tượng trưng cho sự thanh tịnh của thân thể mình. Hành động tượng trưng này dạy ta rằng trước hết ta phải tanh tịnh hành xử của ta trước khi ta cúng dường đức Phật. Trong cú ngữ <133> “dùng nguyện thần thông mà tự thiêu thân”, từ “nguyện thần thông” nghĩa là năng lực siêu nhiên (thần lực) của ngài, cái năng lực được thể hiện không phải nhằm vì riêng ngài mà nhằm vì sự truyền bá Phật pháp. Đạt được sức thần thông và tự tại tuyên thuyết, quảng bá các giáo lý của đức Phật là sự cúng dường lớn lao nhất dành cho đức Phật.

“Chư Phật đồng thời khen ngài rằng: "Lành thay, lành thay ! Thiện nam tử ! Đây là sự tinh tấn thật sự. Đây gọi là sự cúng dường đức Như Lai đúng theo chân pháp, những vật cúng dường như hoa, hương, vòng cổ, các thứ hương đốt, hương bột trầm, cờ, lọng bằng lụa cõi trời và hương chiên-đàn hải thử ngạn, nhiều thứ vật cúng dường như thế vẫn không bằng, dù có bố thí quốc độ, thành trì, thê tử cũng không sánh được. Này Thiện nam tử ! Đây gọi là sự bố thí đệ nhất, tối tôn, tối thượng trong các bố thí, vì đây là sự cúng dường đức Như Lai đúng theo Chân pháp". Sau khi nói như thế, tất cả chư vị đều giữ im lặng.

“Thân thể của ngài vẫn tiếp tục cháy suốt một ngàn hai trăm năm. Sau đó, thân ngài mới tiêu tận”.

SỰ BỐ THÍ ĐỆ NHẤT:

Ở đây đức Phật dạy rõ rằng sự cúng dường thực sự dành cho đức Như Lai và một sự bố thí thật sự là thực hành Pháp. Tự thiêu đốt thân mình nghĩa là tận tụy với Pháp, dù cho có phải chịu khổ nhọc hay phải hy sinh thân mạng.

“Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi cúng dường Pháp như thế, khi mạng chung lại sanh vào quốc độ đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, liền hóa thân, ngồi kiết-già trong vương điện của vua Tịnh Đức. Bồ-tát dùng kệ nói với vua, bấy giờ là thân phụ ngài:

"Đại vương ! Nay nên biết
Con từng trú nơi kia,
Ngay liền đạt Tam-muội
Hiện Nhứt thiết Sắc thân,
Chuyên hạnh đại tinh tấn
Xả ái thân của con".

“Sau khi nói kệ này, ngài thưa với phụ thân rằng: "Nay đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức vẫn hiện hữu như xưa. Sau khi trước tiên cúng dường đức Phật ấy, con đạt được Đà-la-ni (Dhàrani) hiểu được lời nói của tất cả chúng sanh; lại được nghe kinh Pháp Hoa này trong tám trăm ngàn vạn ức na-do-tha, nhơn-ca-la, tần-bà-la, a-súc-bà(1) kệ. Tâu Đại vương, nay con phải trở về cúng dường đức Phật ấy". Nói thế xong, ngài liền ngồi trên một ngôi tháp bảy báu, bay lên hư không, cao bảy cây ta-la và khi đến chỗ đức Phật ấy, ngài cúi mình xuống tới bàn chân Phật chắp mười ngón tay, ca ngợi Phật bằng kệ:

"Dung nhan thật diệu kỳ
Quang minh chiếu mười phương.
Xưa, con từng cúng Phật
Nay lại về gần gũi".

“Thế rồi Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi nói kệ, bạch với đức Phật ấy rằng: "Bạch Thế Tôn ! Thế Tôn vẫn còn hiện diện trong đời"“.

Lời tác bạch ngắn ngủi này của Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, tỏ rõ lòng mong mỏi khát khao của chư đệ tử của đức Phật đối với Ngài. Đây là một sự phấn kích tôn giáo trong đó niềm mong mỏi của chư đệ tử đối với đức Phật và lòng từ bi của đức Phật đối với họ được hòa lẫn một cách tuyệt hảo. Chúng ta cũng nên sẵn sàng nói như lời của Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến hễ khi nào chúng ta nhìn thấy đức Phật.

“Bấy giờ đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nói với Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến: "Thiện nam tử ! Đã đến lúc Ta nhập Niết-bàn. Đã đến lúc Ta diệt độ. Ông hãy sắp đặt chỗ nằm cho Ta. Đêm nay Ta sẽ Bát-niết-bàn". Ngài lại truyền lệnh cho Bồ-tát Nhứt Thích Chúng Sanh Hỷ Kiến:

"Thiện nam tử ! Ta phó thác Phật pháp cho Ông. Và Ta giao cho Ông chư Bồ-tát và các đại đệ tử của Ta, cùng Pháp chứng ngộ Vô thượng, tam thiên đại thiên thế giới làm bằng bảy thứ báu cùng với các cây báu, đài báu, chư Thiên tùy tùng. Ta cũng giao cho Ông mọi xá-lợi còn lại sau khi ta diệt độ.
Hãy để cho xá-lợi ấy được phân phát và được cúng dường cùng khắp. Hãy dựng lên vài ngàn tháp"“.

Tại sao Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Kiến lại được đức Phật phó thác như thế? Đơn giản là vì vị Bồ-tát này dốc lòng tự mình thực hành Pháp và vì đức Phật biết rõ sự thực hành của Bồ-tát. Ở đây chúng ta thấy rõ rằng việc thực hành Pháp của chúng ta là điều quan trọng nhất đối với chúng ta, những tín đồ của Phật giáo.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC DỰNG THÁP:

Đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức bảo Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến hãy để cho xá-lợi của Ngài được phân phát và được cúng dường cùng khắp. Nhưng Ngài không có ý bảo hãy để cho xá-lợi Ngài được cúng dường cùng khắp mà thôi, Ngài còn có ý bảo rằng qua việc cúng dường này, hãy khiến tất cả các chúng sanh khởi lòng mong mỏi, khát khao đức Phật. Đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức cũng bảo Bồ-tát hãy cho dựng hàng ngàn ngôi tháp. Qua đó, đức Phật muốn khiến tất cả chúng sanh ghi nhớ giáo lý trong tâm qua việc dựng tháp như thế. Tháp được dựng lên là nhằm mục đích ca ngợi công hạnh của đức Phật. Nếu ta dựng tháp mà chỉ lưu tâm đến hình thức, daùng vẻ của tháp và quên cái tinh thần xây dựng giáo pháp trong tâm ta thì tâm ta không thể phù hợp với tâm của đức Phật. Điều Ngài muốn không phải là cái bên ngoài mà là cái căn bản, không phải là lý thuyết trống rỗng mà là sự thực hành.

“Đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức truyền dạy Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến như thế xong, đến cuối đêm thì nhập Niết-bàn.

“Bấy giờ Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thấy đức Phật diệt độ thì vô cùng xúc động, áo não, thâm thiết nhớ thương. Ngài lấy chiên-đàn hải thử ngạn chất lên làm củi, cúng dường và thiêu đốt thân Phật. Sau khi lửa tắt, Bồ-tát thâu nhặt xá-lợi, làm tám vạn bốn ngàn bình quý để đựng và dựng tám vạn bốn ngàntháp”.

Vì người ta bảo rằng đức Phật Thích-ca-mâu-ni giảng tám vạn bốn ngàn bài giảng, nên biểu ngữ “Sau khi lửa tắt, Bồ-tát thâu nhặt xá-lợi, làm tám vạn bốn ngàn bình quý để đựng và dựng tám vạn bốn ngàn tháp” tượng trưng ý nghĩa rằng Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến nỗ lực duy trì mãi mãi tất cả giáo lý của đức Phật, ghi nhớ và ca ngợi các giáo lý ấy.

“Thế rồi Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến lại tự suy niệm rằng: "Tuy ta đã cúng dường thế này, tâm ta cũng chưa phỉ. Nay ta nên cúng dường xá-lợi nhiều hơn nữa". Ngài bèn nói với chư Bồ-tát, chư đại đệ tử cùng với Trời, Rồng, Dạ-xoa và tất cả đại chúng: "Chư vị nên toàn tâm lưu ý, nay tôi sắp cúng dường xá-lợi đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức”. Nói thế xong, trước tám vạn bốn ngàn tháp, ngài đốt đôi cánh tay có trang nghiêm trăm thứ phước của ngài, suốt bảy vạn hai ngàn năm cúng dường đức Phật, khiến vô số những người cầu tìm quả vị Thanh văn và vô lượng a-tăng-kỳ người phát tâm Vô thượng Bồ-đề đều được an trú trong Tam-muội Hiện Nhứt thiết Sắc thân.”

CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT:

Sự cúng dường lớn lao nhất của Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến dành cho đức Phật là tận lực duy trì mãi mãi giáo lý của đức Phật và ghi nhớ, ca ngợi các giáo lý ấy. Tuy nhiên, là một tín giả thực hành kinh Pháp Hoa, Bồ-tát không thỏa mãn với những thực hành như thế vì ngài hiểu rằng sự cúng dường lớn lao nhất dành cho đức Phật là tự mình thực hành các giáo lý của Ngài. Do đó mà Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thiêu đốt đôi cánh tay mình. Nói một cách khác, ngài tận tụy thực hành Pháp mà không kể gì tới những rối rắm, đau đớn và khó khăn có thể xảy ra theo. Những thực hành của ngài tự chúng trở thành một nguồn sáng lớn khiến mọi người xua tan sự tối tăm trong tâm, làm cho họ sẵn lòng tìm Đạo. Từ sự miêu tả này, chúng ta có thể hiểu được việc thực hành Pháp của chúng ta mang lại cho chúng ta công đức lớn lao thế nào.

“Bấy giờ tất cả chư Bồ-tát, Trời, Người, A-tu-la và các chúng sanh khác thấy ngài không còn tay thì buồn rầu khổ đau mà bảo: "Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến nay quả là thầy, là người giáo hóa chúng ta, nhưng tay ngài đã bị đốt cháy hết và thân thể ngài không còn đầy đủ nữa." Bấy giờ tại đại chúng, Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến phát nguyện rằng: "Sau khi xả bỏ đôi cánh tay, tôi sẽ được cái thân sắc vàng của một vị Phật.
Nếu đấy là thực, không hư thì xin khiến đôi cánh tay tôi được phục hồi như trước." Ngay khi ngài vừa phát nguyện này xong, đôi cánh tay ngài liền được phục hồi, đấy là do phúc đức và trí tuệ thuần hậu của vị Bồ-tát này. Vào lúc ấy, thế giới tam thiên đại thiên rung động theo sáu cách, bầu trời rải mưa hoa, hết thảy Trời, Người đạt được điều mà trước đây họ chưa bao giờ kinh qua”.

Sự phục hồi hai cánh tay của Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến tượng trưng cái trạng thái lý tưởng của tâm mà những ai tu tập hạnh Bồ-tát phải duy trì. Hành động đốt đôi cánh tay mình đối với những người khác sẽ tạo cảm giác đau đớn không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, với một hành động như thế, một người đã đạt được trạng thái tâm thức của một vị Đại Bồ-tát sẽ không cảm thấy đau đớn. Huống chi vị ấy có thể hy sinh mạng sống của mình vì Pháp, vị ấy không cảm thấy đau đớn. Kinh miêu tả trạng thái tâm thức này như sau: “Bồ-tát luôn hoan hỷ và tự tại nói Pháp. Như vẫn thường được nêu trong cuốn sách này, đây là trạng thái tâm thức lý tưởng của chúng ta.

Thế rồi đức Phật nói với Bồ-tát Túc Vương Hoa: “Ý Ông thế nào? Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến là ai khác chăng ? Chính là Bồ-tát Dược Vương nay đó vậy. Bồ-tát đã xả thân, bố thí vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha số như thế. Túc Vương Hoa ! Nếu có ai phát tâm nhằm đạt Tối thượng Bồ-đề mà có thể đốt những ngón tay hay thậm chí một ngón chân của mình để cúng dường một tháp Phật thì người ấy sẽ vượt hơn người cúng dường quốc độ, thành trì, vợ con và cả tam thiên đại thiên thế giới của mình gồm núi, rừng, sông, hồ và tất cả các thứ trân bảo.

“Lại nữa, nếu có ai dâng cúng một tam thiên đại thiên thế giới đầy cả bảy báu mà cúng dường chư Phật, Đại Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán thì công đức mà người ấy đạt được không bằng phước lạc thắng vượt của người thọ trì kinh Pháp Hoa, thậm chí chỉ một bài kệ bốn câu của kinh”.

MƯỜI VÍ DỤ CA NGỢI KINH PHÁP HOA:

Đức Phật dạy tiếp: “Này Túc Vương Hoa ! Ví như trong tất cả suối, lạch, sông nhỏ, sông lớn... biển là đệ nhất, kinh Pháp Hoa này cũng như thế; trong tất cả các kinh mà chư Như Lai thuyết giảng, kinh này là sâu nhất, lớn nhất. Lại nữa, như trong tất cả các núi, núi đất, núi Đen, núi Tiểu Thiết vi, núi Đại Thiết vi, núi mười báu... núi Tu-di (Sumeru) là đệ nhất, kinh Pháp Hoa cũng vậy; trong tất cả các kinh, kinh này là cao nhất. Lại nữa, như trong tất cả các tinh tú, Nguyệt thiên tử là đệ nhất, kinh Pháp Hoa cũng vậy; trong ngàn vạn ức loại kinh, kinh này sáng chói nhất. Lại nữa, cũng như Nhựt thiên tử có thể xua tan tất cả các bóng tối, kinh này cũng vậy, có thể phá tan mọi u ám bất thiện. Lại nữa, cũng như trong tất cả các tiểu vương, Chuyển luân Thánh vương là đệ nhất, kinh này cũng vậy; trong tất cả các kinh, kinh này là tối tôn. Lại nữa, cũng như Đế Thích trong chư Thiên của ba mươi ba cõi trời, kinh này cũng vậy, là vua của tất cả các kinh. Lại nữa, cũng như Đại Phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sanh, kinh này cũng vậy, là cha của tất cả Hiền, Thánh, Hữu học, Vô học và của những người phát tâm Bồ-tát. Lại nữa, cũng như trong tất cả những người phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật là đệ nhất, kinh này cũng vậy; trong tất cả các kinh mà chư Như Lai thuyết giảng, chư Bồ-tát thuyết giảng, chư Thanh văn thuyết giảng, kinh này là đệ nhất. Những người thọ trì kinh này cũng vậy, trong tất cả chúng sanh, họ là đệ nhất. Trong tất cả Thanh văn và Bích-chi Phật, chư Bồ-tát là đệ nhất, kinh này cũng vậy; trong tất cả các kinh, kinh này là đệ nhất. Cũng như đức Phật là vua của các pháp, kinh này cũng vậy, là vua trong các kinh”.

Trong mười ví dụ ca ngợi kinh Pháp Hoa nêu trên, kinh này được khẳng định nhiều lần là tối thượng và tối vi diệu trong tất cả các kinh. Điều này minh họa ý định của đức Phật muốn chúng ta ghi khắc trong tâm rằng việc thực hành Pháp của chúng ta là thiết yếu nhất để thành tựu Phật đạo.

Đáng chú ý nhất trong các ví dụ này là: “Cũng như Đại Phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sanh, kinh này cũng vậy, là cha của tất cả Hiền, Thánh, Hữu học, Vô học và của những người phát tâm Bồ-tát”. Ở Ấn Độ, trong một thời gian dài trước khi đức Phật Thích-ca-mâu-ni xuất hiện trên đời này, người ta tin rằng Đại Phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sanh và rằng vị vua trời này cai quản mọi chúng sanh. Trong ví dụ nêu trên, đức Phật không đặc biệt nói rằng đây là một ý niệm sai lầm, nhưng Ngài dạy: “Cũng như tất cả chúng sanh xem Đại Phạm thiên vương là cha mình, cũng thế, kinh này là cha của tất cả chúng sanh”. Đây là một đặc điểm của Phật giáo để dẫn dắt người bình thường đến con đường chân lý bằng thể cách nhu hòa đức Phật nêu ra ở đây. Ngài thuyết giảng một cách nhu hòa mà xác quyết, “Chân lý là cha của tất cả chúng sanh”.

Đức Phật dạy tiếp: “Túc Vương Hoa ! Kinh này là kinh có thể cứu độ tất cả chúng sanh; kinh này có thể giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau; kinh này có thể gây lợi lạc lớn cho tất cả chúng sanh và làm thỏa mãn mong muốn của họ”.

Ở đây đức Phật giảng rõ ràng hơn, rằng tự kinh Pháp Hoa khiến cho tất cả chúng sanh được cứu độ, được giải thoát khỏi khổ đau, được lợi lạc và được thỏa mãn mong muốn của họ. Từ “mong muốn” không có nghĩa là mong muốn ngay liền được thỏa mãn vật chất hay được một cuộc sống thuận lợi. Nó trỏ cái lý tưởng vốn là mục tiêu thực sự của đời người ta. Dù mỗi người đều có sự mong muốn, hay mục tiêu riêng của mình, mong muốn hay mục tiêu ấy phải là cái gây lợi lạc cho những người khác. Đối với các Phật tử, đây là điều quan trọng có tính quyết định. Sự diễn dịch sai về kinh Pháp Hoa phát sanh khi người ta hiểu lầm từ “mong muốn” theo nghĩa mong muốn ngay liền vốn có căn bản là lòng tham của con người. Không có gì nguy hiểm và đáng sợ bằng sự ngộ nhận Pháp. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng để hiểu Pháp cho đúng.

MƯỜI HAI VÍ DỤ VỀ ƠN ĐỨC THIÊNG LIÊNG MÀ KINH PHÁP HOA MANG LẠI:

Đức Phật dạy tiếp: “Như một hồ nước trong mát có thể thỏa mãn tất cả những ai đang khát, như người lạnh được gặp lửa thì vui sướng, như người khỏa thân được quần áo, như đoàn thương nhơn được người lãnh đạo, như con cái tìm thấy mẹ hiền, như người qua sông gặp được thuyền, như người bệnh gặp được thầy thuốc, như người trong tối gặp được đèn, như kẻ nghèo gặp được vật báu, như dân được vua, như khách buôn gặp biển, và như ngọn đuốc xua tan bóng tối, kinh Pháp Hoa này cũng vậy, có thể giải thoát tất cả chúng sanh khỏi mọi khổ đau, mọi bệnh tật và có thể tháo mở mọi ràng buộc của sanh tử”.
Ở đây, đức Phật nêu ra mười hai ví dụ về ơn đức mà kinh Pháp Hoa mang lại. Khi cẩn thận xét từng ví dụ, ta nhận ra rằng mỗi ví dụ không chỉ tán dương ơn đức của kinh. Biểu ngữ cuối “có thể tháo mở mọi ràng buộc của sinh tử” có một ý nghĩa rất quan trọng. “Những ràng buộc của sinh tử” nghĩa là cái trạng thái tâm trong đó ta ngạc nhiên và hoảng hốt vì những thay đổi tức khắc trong hoàn cảnh của ta và cảm thấy bất an. Tại sao ta có thể không cảm thấy an toàn ? Đấy là vì ta bị dao động và bị ảnh hưởng bởi những thay đổi tức khắc trong hoàn cảnh của ta. Khi ta hiểu được ba Pháp ấn (ba yếu tính) của Phật giáo - tất cả mọi sự vật đều vô thường, không có gì có một tự ngã, và Niết-bàn là tịch lặng - thì ta có thể thoát khỏi tất cả những ràng buộc của sinh tử và có thể đạt được sự an bình thật sự của tâm, không bị dao động bởi bất cứ thay đổi nào có thể xảy ra chung quanh ta.

Thế rồi, đức Phật dạy: “Nếu có ai, nghe kinh Pháp Hoa này, hoặc tự mình chép hoặc khiến những người khác chép kinh này thì những công đức người ấy đạt được dù có dùng Phật tuệ mà tính cũng không tính tới giới hạn của chúng được. Nếu có ai chép kinh này và cúng dường bằng hoa, hương, vòng cổ, hương đốt, hương bột, hương thoa, cờ, lọng, y phục và các thứ đèn, đèn bơ, đèn dầu, đèn dầu thơm, đèn dầu chiêm-bặc (campaka), đèn dầu tu-man-na (sumana), đèn dầu ba-la-la (pàtala), đèn dầu bà-lỡ-sư-ca (vàrshika) và đèn dầu na-bà-ma-lỡ (navamàlikà), thì công đức mà người ấy đạt được cũng vôlượng”.

Cúng dường kinh bằng các phẩm vật vật chất là biểu lộ lòng biết ơn của ta đối với kinh. Trong cuốn sách này thường có nêu rằng khi người ta biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với Pháp thì trước hết phải thực hành tuyên thuyết và quảng bá Pháp. Ở đây cúng dường kinh bằng hoa, hương, chất thơm, các loại đèn là tượng trưng cho sự cúng dường Pháp bằng cách thực hành Bồ-tát hạnh.

Phần đầu của phẩm này đã bàn về kinh Pháp Hoa theo toàn bộ, theo đó, nó trỏ đến những công đức được đặc biệt thảo luận trong phẩm này, tức là những công đức do hành động của Bồ-tát Dược Vương. Lý do khiến phẩm này trước hết nhấn mạnh những công đức thọ trì kinh Pháp Hoa là Pháp không thể được đưa vào đời nếu Pháp không được thực hành, và phẩm này chủ yếu ca ngợi sự cao cả mà người ta thể hiện khi tự cá nhân mình thực hành kinh Pháp Hoa. Do đó, chớ vì bất kỳ lý do nào mà hiểu rằng phẩm này xúi chúng ta chỉ thọ trì riêng nó mà thôi. Sự diễn dịch hẹp hòi như thế tạo ra một tôn giáo cấp thấp. Ta không thể lầm lẫn như thế nếu ta đọc kinh này một cách cẩn thận và thâm trầm.

Ví dụ, chư Phật nói như sau: “Hay thay, hay thay ! Thiện nam tử ! Ông đã có thể thọ trì, đọc tụng và suy nghĩ kinh này trong Pháp của đức Phật Thích-ca-mâu-ni và thuyết giảng kinh này cho những người khác”.

Chư Phật nhắc nhở chúng ta lưu ý đến sự quan trọng của việc thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ kinh này, kinh của Pháp của đức Phật Thích-ca-mâu-ni và thuyết giảng cho những người khác. Điều mà ta phải thọ trì luôn luôn là toàn bộ kinh Pháp Hoa. Ta đặc biệt cần phải nhớ điểm này khi đọc phẩm 25, “Quán Thế Âm Bồ-tát”.

NĂM THỜI KỲ NĂM TRĂM NĂM:

Trước hết, cần có một sự lưu ý cơ bản về phần còn lại của phẩm này. Như đã nêu trước đây, người đọc không nên hiểu theo nghĩa đen của những lời nói có vẻ như coi thường phụ nữ như sau đây: “Nữ nhân ấy, sau khi chấm dứt cái thân nữ nhân hiện tại, về sau sẽ không mang thân nữ nữa” và “Nếu có nữ nhân nào nghe kinh này và tu hành theo giáo lý của kinh...”.

Kế đến, về cú ngữ “sau khi đức Phật diệt độ, trong năm trăm năm cuối”, chúng ta phải xác quyết mà hiểu cho đúng nhóm từ “năm trăm năm”. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thấy trước rằng sau khi Ngài nhập diệt, Phật giáo sẽ trải qua năm thời kỳ, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Theo kinh Đại Tập (Mahàsamnipàta), sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, sẽ có năm thời kỳ, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Trong thời kỳ thứ nhất, tâm người ta gắn vào và tận tụy với sự giải thoát, trong khi trong thời kỳ thứ hai, họ chuyên chú vào Thiền định. Hai thời kỳ này là hai thời kỳ mà Chánh pháp (Shòbò) được duy trì tinh thuần. Thời kỳ thứ ba có đặc điểm là người ta chuyên chú vào việc đọc, tụng và chép Pháp, và thời kỳ thứ tư là thời kỳ người ta dựng tháp, xây điện thờ, tức là tưởng niệm các Đạo sư và tiên tri. Hai thời kỳ này là hai thời kỳ Tượng pháp (Zòbò). Thời kỳ thứ năm là thời kỳ không còn Bạch pháp hay Chân pháp, người ta chuyên xung đột, chia rẽ, đây là năm trăm năm cuối, cũng là khởi đầu thời kỳ Mạt pháp (Mappò).

Thời kỳ năm trăm năm đầu được gọi là thời kỳ mà người ta sẽ thực hành giáo lý của đức Phật một cách chắc chắn và sẽ thoát khỏi mọi trói buộc của ảo tưởng và khổ đau. Trong thời gian này, phẩm tính vĩ đại của đức Phật vẫn còn tồn tại sâu đậm trong tâm người ta, khiến cho họ trở nên tốt hơn, và họ sẽ sống cuộc sống tâm linh thiện lành, an lạc nếu họ chỉ thực hành giáo lý. Đây là một thời kỳ dễ dàng, trong đó người ta không cần phải tự mình đạt ngộ mà chỉ cần thực hành giáo lý đúng như mình đã thọ nhận. Người ta mang ơn những đức hạnh của chính đức Phật vì họ đã thực hành dễ dàng trong thời kỳ này. Đây là thời kỳ sẽ chấm dứt sau năm trăm năm, dù giáo lý của đức Phật vẫn tồn tại mãi mãi.

Thời kỳ năm trăm năm thứ hai sẽ là thời kỳ mà những người thọ trì giáo lý của đức Phật sẽ tận tụy với Thiền định và sẽ suy nghĩ cách áp dụng giáo lý trong một thời đại mới. Xã hội sẽ thay đổi lớn khi năm trăm năm đầu chấm dứt kể từ khi đức Phật nhập diệt. Người ta sẽ phải suy nghĩ xem phải hiểu giáo lý như thế nào, áp dụng giáo lý vào xã hội như thế nào để sử dụng giáo lý cho đúng. Thời kỳ này là thời kỳ người ta gặp nhiều khó khăn khi thực hành giáo lý hơn thời kỳ trước, dù giáo lý vẫn không bị xuyên tạc. Do đó, trong thời kỳ thứ hai, Thiền định sẽ nẩy nở.

Thời kỳ năm trăm năm thứ ba sẽ là thời kỳ mà việc nghiên cứu Pháp sẽ tiếp tục nẩy nở. Trong thời kỳ này, khi mà hơn một ngàn năm kể từ khi đức Phật nhập diệt đã trôi qua, người ta sẽ xem đức Phật như là một vĩ nhân lịch sử hơn là một vị Đạo sư trong đời sống thực sự của con người. Ngài sẽ bị tách xa cuộc sống hàng ngày của người ta, và do đó người ta sẽ tôn thờ Ngài nhưng sẽ ít mong mỏi khát khao Ngài hơn. Vào lúc ấy, vì văn minh vật chất tiến bộ và xã hội trở nên phức tạp hơn, Phật giáo cho đến lúc ấy, vốn là một giáo lý sinh động trong đời sống hàng ngày của người ta, sẽ trở thành một đối tượng nghiên cứu nào đấy, theo quan điểm kinh viện.

Thời kỳ năm trăm năm thứ tư sẽ là thời kỳ mà việc dựng đền thờ và tháp tiếp tục phát triển. Trong thời kỳ này, người ta sẽ xem thường việc nghiên cứu Pháp và sẽ mong được thọ nhận ơn đức thiêng liêng của đức Phật bằng cách chỉ xây dựng tháp và đền thờ. Trong thời kỳ này, Phật giáo sẽ tiếp tục phát triển về hình thức mà tinh thần Phật giáo sẽ hoàn toàn mất đi. Những người quyền quý và có uy tín sẽ tin rằng nếu họ xây dựng những đền thờ tráng lệ thì tài sản gia đình họ sẽ được bảo đảm. Tu sĩ Phật giáo sẽ sống xa hoa dưới sự che chở của những người quyền quý và có uy tín và khối quần chúng sẽ nghĩ rằng họ sẽ được cứu độ chỉ bằng cách viếng các đền thờ và chắp tay trước các tượng Phật.

Thời kỳ năm trăm năm thứ năm sẽ là thời kỳ mà giáo hội Phật giáo bị phân rả do xung đột và dị giáo sẽ phát triển. Trong thời kỳ này, ngay cả tôn giáo thuần túy nghi thức cũng không được để ý tới một cách rộng rãi. Người ta sẽ trở nên ích kỷ và sẽ chạy theo lợi nhuận cho riêng mình và gia đình mình, đoàn thể, xứ sở và giai cấp xã hội mình. Kết quả là, họ sẽ ganh đua vì lợi nhuận và luôn luôn tranh cãi nhau. Họ sẽ đối nghịch nhau trong việc tự khẳng định lẫn nhau, điều này cuối cùng sẽ đưa đến xung đột lớn và đổ máu. Dù có ở trong những hoàn cảnh bình thường, vẫn liên tục xảy ra những mâu thuẫn lớn hay nhỏ trong xã hội, và người ta sẽ không thể sống an bình được. Thời hiện nay tương ứng với thời kỳ này.

Trong năm thời kỳ năm trăm năm, một ngàn năm đầu được gọi là xây dựng thời kỳ Chánh pháp vì giáo lý của đức Phật được duy trì và thực hành một cách đúng đắn trong thời gian này. Một ngàn năm kế tiếp được gọi là thời kỳ Tượng pháp vì giáo lý vẫn còn tồn tại nhưng chỉ ở hình thức mà thôi. Thời kỳ cuối cùng được gọi là thời kỳ Mạt pháp vì giáo lý sẽ biến mất. Trong thời kỳ này, người ta sẽ mất giáo lý vốn bất diệt và vĩnh cửu. Đây chính là thời kỳ mà giáo lý của đức Phật là cần thiết nhất. Đấy là lý do tại sao đức Phật cứ giảng đi giảng lại sự cao cả của những người thọ trì, thực hành, thuyết giảng, quảng bá kinh Pháp Hoa trong thời Mạt pháp.

Kế đến, đức Phật dạy: “Nếu sau khi Như Lai diệt độ, trong năm trăm năm cuối cùng, có nữ nhân nào nghe kinh này và làm theo giáo lý của kinh, thì đến khi mạng chung, nữ nhân ấy sẽ đến cõi An Lạc, trú xứ của đức Phật A-di-đà, có hội chúng Đại Bồ-tát của Ngài vây quanh, sẽ được sanh trong hoa sen, trên một bảo tòa”.

Khoảng năm trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, một tín ngưỡng tập trung vào đức A-di-đà (Amitàbha hay Amitàyus) bắt đầu lan rộng từ Tây Ấn Độ. Các tín đồ mong được tái sanh trong cõi Tịnh Độ, thiên đàng của đức A-di-đà, bằng cách hoàn toàn tin vào năng lực của đức Phật này. Dù đức Phật này được xem là có lòng đại từ bi và có năng lực đưa tất cả chúng sanh đến cõi Tịnh Độ, niềm tin này cũng không được toàn hảo khi mà nó còn gợi lên cái ý niệm về giải thoát nhờ tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của Ngài. Không thể nào các chúng sanh tái sinh được ở quốc độ của đức Phật A-di-đà nếu như họ không hiểu cái chân lý phổ quát và nỗ lực thực sự để sống theo chân lý ấy. Sự cứu độ của đức Phật này sẽ được hiểu ra khi người ta theo đuổi trí tuệ và thực hiện con đường dẫn đến sự toàn hảo về tính cách của mình. Để cho tất cả chúng sanh khỏi phải ngộ nhận điều này, đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã thêm mệnh đề điều kiện cách “Nếu có nữ nhân nào nghe kinh này và làm theo giáo lý của kinh”. Niềm tin đức Phật A-di-đà sẽ hiển bày năng lực thực sự của nó nhờ đức tính của cái chân lý mà kinh Pháp Hoa dạy.

BA ĐỘC:

Đức Phật dạy tiếp: “Người ấy (vốn là người phụ nữ được hóa thân) sẽ mãi mãi không còn bị phiền não vì tham dục, không còn bị phiền não vì sân hận, không còn bị phiền não vì si muội...” Ba sự ô nhiễm tham, sân và si được xem là ba thứ độc căn bản đưa con người đến thoái hóa. Nếu họ gỡ bỏ được ba độc này khỏi tâm mình thì họ sẽ thọ nhận những công đức lớn lao. Do ba độc trong tâm, họ bị phiền não vì kiêu mạn, đố kỡ và ô uế. Khuyết điểm ô uế là chung cả nam giới lẫn nữ giới nhưng lại đặc biệt cần được phụ nữ xét đến. Điều này được biểu lộ trong cú ngữ “Nếu có nữ nhân nào...”.

Kế đến đức Phật dạy: “Nếu có người nào nghe được phẩm này về hành trạng xưa kia của Bồ-tát Dược Vương thì người ấy có thể hoan hỷ thọ nhận và tán thán phẩm này, người ấy trong đời hiện tại bao giờ cũng thở ra hương thơm của hoa sen xanh và từ các lỗ chân lông trên thân thể người ấy bao giờ cũng tỏa ra hương thơm của gỗ chiên-đàn đầu bò”. Lời dạy này có nghĩa là một người nghe được phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn sự này, hoan hỷ thọ nhận và tán thán phẩm này thì sẽ tạo ra một ảnh hưởng tốt đến những người chung quanh người ấy. Hương thơm của người ấy không những chỉ được giữ trên y phục của người ấy mà sẽ còn truyền đến những ai chạm vào quần áo người ấy. Cú ngữ “thở ra hương thơm của hoa sen xanh” nghĩa là những lời được nói ra bởi người hoan hỷ thọ nhận và tán thán kinh Pháp Hoa tự nhiên sẽ làm cho tâm những người chung quanh trở thành tốt đẹp. Cú ngữ “từ các lỗ chân lông trên thân thể người ấy tỏa ra hương thơm của gỗ chiên-đàn đầu bò” trỏ ý rằng những người chung quanh tự nhiên sẽ được ảnh hưởng bởi các thiện hạnh của người ấy. Đây là một trạng thái lý tưởng của tâm mà những ai thực hành Phật pháp phải đạt được cho mình.

Đức Phật dạy tiếp: “Túc Vương Hoa ! Ông hãy dùng sức Thần thông mà giữ gìn, bảo hộ kinh này. Tại sao ? Vì kinh này là lương dược đối với các bệnh tật của con người trong cõi Diêm-phù-đề”. Từ “bệnh tật” chỉ sự lệch loạn tâm thức của tất cả chúng sanh. Như đã được giải thích trước đây, tự nhiên là một người được hồi phục khỏi những rối loạn tinh thần thì người ấy cũng được chữa lành những căn bệnh thể chất. Hiểu “bệnh tật” theo nghĩa đơn giản là các bệnh tật thể chất thì sẽ gây hiểu lầm. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng về điềunày.

Trong lời kế tiếp của đức Phật “người ấy sẽ cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi già, bệnh và chết”, các từ “già, bệnh và chế t” nghĩa là đời sống sinh tử của con người. Các từ này có nghĩa là những biến đổi lớn của đời người. Nếu con người có thể tháo gỡ mọi trói buộc của cuộc đời sinh tử thì con người sẽ không ngạc nhiên trước những biến đổi của đời người, cũng sẽ không rối rắm vì chúng.

Như được biểu lộ qua danh hiệu của ngài, Bồ-tát Dược Vương ban lương dược cho tất cả chúng sanh khiến họ lành các bệnh tinh thần. Khi các bệnh tinh thần của họ được vị Bồ-tát này chữa lành, thì các bệnh thể chất của họ cũng sẽ được cải thiện. Vị Bồ-tát này có sức thần thông chữa bệnh nhờ ngài đốt đôi cánh tay mình để cúng dường khi trong một tiền thân, ngài là Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến. Nói một cách khác, đây là do sự thực hành cá nhân của ngài về kinh Pháp Hoa. Vì Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến tự mình thực hành kinh Pháp Hoa, ngài tái sanh làm Bồ-tát Dược Vương có sức thần thông chữa lành các bệnh tinh thần của mọi chúng sanh. Việc ngài chữa lành các bệnh tinh thần cải thiện rất nhiều các bệnh thể chất.

Do đó, chúng ta đi đến kết luận: sự dốc lòng thọ trì và thực hành kinh Pháp Hoa của chúng ta trở thành một động lực trong việc chúng ta chữa lành nhiều loại rối loạn tâm thức của những người khác. Phẩm 23 dạy ta cái nguyên lý này và khích lệ chúng ta quảng bá nó.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]