Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 14: An lạc hạnh

14/11/201017:47(Xem: 9140)
Phẩm 14: An lạc hạnh

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 14
AN LẠC HẠNH

Trong phẩm 13, tất cả chư Bồ-tát đều phát đại nguyện rằng sẽ quảng bá giáo lý kinh Pháp Hoa, dù có bị ngược đãi thế nào họ cũng sẽ chịu đựng. Tán đồng lời cam kết của họ và xúc động sâu sắc vì lời cam kết ấy, Bồ-tát Văn-thù thay mặt cho chư Bồ-tát, hỏi đức Phật:

“Bạch đức Thế Tôn ! Trong đời uế trược sau này, chư Bồ-tát sẽ có thể hộ trì và thuyết giảng Pháp này như thế nào ?” Phẩm An Lạc Hạnh sẽ nêu rõ khi đáp lại câu hỏi của Bồ-tát Văn-thù, đức Phật đã ân cần giảng dạy các tín đồ của kinh Pháp Hoa như thế nào.

“An Lạc Hạnh” nghĩa là luôn luôn duy trì một cái tâm bình an, hạnh phúc và hoan hỷ tu tập. Hễ chừng nào một người còn oán hận khi đối mặt với sự ngược đãi tôn giáo thì thái độ tâm thức của người ấy còn chưa hàm chứa thể cách lý tưởng của một tín đồ thực sự của kinh Pháp Hoa; dù bất hạnh nào có thể đổ đến cho người ấy, người ấy vẫn phải giữ một cái tâm bình an tĩnh lặng vì Pháp và phải hoan hỷ tu đạo, giảng Pháp.

Sức mạnh tâm lý của con người kể cũng khá kỳ diệu. Chẳng hạn, trong một phim chiếu bóng, ta thấy một người đàn ông mang trên lưng một cái bao nặng ba hay bốn chục ký và đang leo lên một ngọn núi, đang ướt đẫm mồ hôi. Những người xem một phim như thế hẳn cảm thấy việc leo núi gian khổ biết dường nào. Đôi khi phải mất ba hay bốn giờ chỉ để tiến lên hai hay ba chục mét. Hơn nữa, theo từng bước, người leo có thể mất mạng. Nếu trời tối trong lúc người ấy đang trèo giữa một vách đá thì anh ta phải ở lưng chừng vách đá và ngủ tại nơi ấy ở nhiệt độ dưới không độ. Nếu một người bị buộc phải trải qua một thử thách như thế theo lệnh của người chủ thì quả thực anh ta có thể phàn nàn rằng người chủ đã vi phạm nhân quyền của anh ta. Thế nhưng người leo núi thì làm việc này một cách tự nguyện. Dù hiển nhiên anh ta cảm thấy khổ nhọc, nhưng tâm anh thanh thản, và nổi khổ nhọc của anh cũng đóng góp vào niềm vui sướng củaanh.

Khi tu tập giáo lý kinh Pháp Hoa, hễ chừng nào một người còn ép mình chịu đựng sự ngược đãi và khinh miệt của người ngoài, dù rất sân hận, người ấy vẫn là một người mới nhập môn trong tu tập Phật giáo. Một người đã đạt Đạo có thể giữ tâm mình bình an tĩnh lặng ngay cả khi đang khổ đau và cảm thấy hoan hỷ trong chính sự thực hành. Cho đến khi một người đạt đến cái trạng thái tâm như thế, người ấy cũng phải hết sức cẩn thận để khỏi bị cám dỗ hay dao động vì những thối thất trong đời sống hằng ngày. Phẩm “An Lạc Hạnh” dạy ta điều ấy. Ở phẩm “Tr ì”, chư Bồ-tát hăng hái tuyên bố quyết định chịu đựng sự ngược đãi từ bên ngoài, trong khi ở phẩm “An Lạc Hạnh”, đức Phật như một người cha, ân cần khuyên nhủ chư Bồ-tát đừng nhượng bộ sự cám dỗ bên trong. Trong một nghĩa nào đó, hai chương này nêu lên sự trái ngược giữa một người cha từ ái biết rõ cuộc đời và một người con còn trẻ và hăng hái.

Trước khi tiến đến chủ đề trung tâm của phẩm này, chúng tôi phải lưu ý người đọc chớ hiểu nhầm các từ “chớ giao thiệp với” người này người nọ thường gặp thấy trong phẩm này. Những từ này không có nghĩa là đến gần hay hợp tác với ai. Đức Phật đã phát đại nguyện cứu hết thảy mọi chúng sanh, không thể nào Ngài lại nói như thế. Ý nghĩa thực sự của “chớ giao thiệp với” người này người nọ là chúng ta đừng nịnh bợ những người khác hay tự làm hại mình khi đối xử với họ qua sự thân mật quá đáng hay do những động cơ thầm kín nào đó. Nếu phải đối đãi với một quốc vương hay đại thần, chúng ta đừng dựa vào chức vụ của họ trong đời để mưu cầu ân huệ, vì chỉ có một chân lý và chân lý thì áp dụng vào những quốc vương cũng giống hệt như vào những công dân bình thường. Mặt khác, nếu chúng ta quá thân mật với người khác thì có thể chúng ta sẽ quên vạch sự nhận định giữa đời chung và đời tư. Đức Phật lưu ý chúng ta về mối nguy hiểm này.

Đức Phật cũng lưu ý chúng ta đừng giao thiệp với những người làm nghề giết hại các chúng sanh, như săn bắn, chài lưới; hoặc đừng giao thiệp với đĩ điếm. Tuy nhiên, sự lưu ý này phát xuất từ tình thương của bậc cha mẹ và có nghĩa rằng, dù đấy là những người mà ta phải giáo hóa, chúng ta đừng để bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh của họ. Nếu chúng ta không đọc phẩm này bằng sự hiểu biết cơ bản như thế thì chúng ta sẽ có nguy cơ nuôi dưỡng những nghi ngờ vì chương này gồm nhiều biểu thức dễ đưa đến ngộ nhận.

BỐN HẠNH AN LẠC:

Trả lời câu hỏi của ngài Văn-thù, đức Phật dạy rằng nếu vị Bồ-tát nào muốn giảng kinh này trong đời ác trược sau này, vị ấy cần phải kiên định trong “bốn hạnh an lạc” (shi anraku-gyò, tứ an lạc hạnh); thứ nhất, hạnh an lạc về thân (shin anraku-gyò, thân an lạc hạnh); thứ hai, hạnh an lạc về miệng (ku anraku-gyò, khẩu an lạc hạnh); thứ ba, hạnh an lạc về ý (i anraku-gyò, ý an lạc hạnh); và thứ tư, hạnh an lạc về nguyện (seigan anraku-gyò). Như thế, đức Phật dạy chúng ta đối xử thế nào, nói năng thế nào, giữ thái độ tâm thức nào và nỗ lực thực hiện lý tưởng của chúng ta như thếnào.

Đức Phật dạy hạnh an lạc về thân bằng cách chia hạnh này làm hai phần, phạm vi hoạt động (hành xứ) và phạm vi gần gũi (thân cận xứ). Phạm vi hoạt động của một Bồ-tát nghĩa là thái độ căn bản của vị ấy, như là nền tảng của sự ứng xử riêng của vị ấy. Một vị Bồ-tát thì kiên nhẫn, tử tế, nhu hòa và không nóng nảy, hách dịch; không giống như người bình thường, vị ấy không kiêu mạn hay khoe khoang về những việc tốt của riêng mình. (“Ư pháp vô sở hành”), nhưng nhìn thấy đúng như thực tính của tất cả các sự vật. Vị ấy không có cái nhìn phiến diện về các sự vật nhưng vị ấy hành động nhằm đến tất cả mọi người với cùng một lòng từ bi mà không bao giờ tỏ lộ nó ra (“diệc bất hành bất phân biệt”). Ở đây đức Phật giảng rằng đấy là thái độ căn bản của vị Bồ-tát.

Kế đến, đức Phật dạy về phạm vi gần gũi của một vị Bồ-tát bằng cách chia phạm vi ấy thành mười phần sau đây: Thứ nhất, một vị Bồ-tát không gần gũi với những người có chức vị cao và có uy thế nhằm đạt lợi dưỡng, cũng không chịu giảng Pháp cho họ bằng sự thân mật thái quá với họ.

Thứ hai, vị ấy không gần gũi các ngoại đạo, các nhà làm văn thơ thế tục, không gần gũi các nhà Thuận thế(1) hay các nhà “Phi Thuận thế”. Do đó, vị ấy không bị ảnh hưởng ngược lại do bởi cái môi trường bất tịnh, vị ấy cũng không giảng Pháp cho họ.

Thứ ba, vị ấy không tham dự các môn thể thao hung bạo như quyền Anh, đô vật hay những cuộc trình diễn múa men của các na-ra(3) hay của những người khác.

Thứ tư, vị ấy không lui tới thân cận với những người làm nghề sát sanh, như những người bán thịt, đánh cá, săn bắn, và vị ấy không bày tỏ thái độ dửng dưng đối với việc làmác.

Thứ năm, vị ấy không thân cận với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mong cầu giáo lý Tiểu thừa và bằng lòng với sự sống tách biệt riêng khỏi cuộc sống trần tục. Hơn nữa, vị ấy không bị tiêm nhiễm bởi những ý tưởng ích kỷ, cũng không chịu nghe pháp mà họ giảng, vì chẳng lợi lạc gì.

Thứ sáu, khi giảng Pháp cho phụ nữ, vị ấy không để lộ vẻ bên ngoài có thể gây những ý tưởng đam mê, và vị ấy giữ một thái độ tâm lý đúng đắn và rất nghiêm túc. Vị ấy không thích nhìn thấy phụ nữ. cho một người dị dạng như thế.

Thứ tám, vị ấy không vào nhà người khác một mình. nếu vì lý do gì mà phải làm như thế thì vị ấy chỉ chú tâm nghĩ đến đức Phật. Đây là lời khuyên dạy của đức Phật cho vị Bồ-tá khi vị này đi mọi nơi cùng với đức Phật.

Thứ chín, nếu vị ấy giảng Pháp cho phụ nữ, vị ấy không để lộ răng khi cười, cũng không để lộ ngực mình ra.

Thứ mười, vị ấy không thích giữ các Sa-di, trẻ em bên cạnh mình.

Ngoài mười điểm chính trên, đức Phật khuyên vị Bồ-tát phải luôn ưa thích Thiền định, độc cư, học tập và kiểm soát tâm mình.

Những điều nêu trên là phạm vi gần gũi của một vị Bồ-tát. Nếu vị ấy giữ được phạm vi hành động và phạm vi gần gũi của một vị Bồ-tát, sự cư xử theo tư cách Bồ-tát của vị ấy thì toàn hảo và vị ấy có thể giảng Pháp bằng cái tâm an tịnh. Phần trên đây nói về hạnh an lạc về thân.

HẠNH AN LẠC VỀ MIỆNG:

Sau đây là những lời khuyên dạy của đức Phật về việc nói năng. Thứ nhất, vị Bồ-tát không ưa thích kể những sai lầm của người khác hay của các kinh; thứ hai, vị ấy không khinh thường những người thuyết giảng khác; thứ ba, vị ấy không nói về cái tốt, cái xấu, ưu điểm, khuyết điểm của người khác, không nêu tên các Thanh văn và nêu truyền những sai lầm và tội lỗi của họ; thứ tư, cũng vậy, vị ấy không ca ngợi đức hạnh của họ và không sinh lòng ghen tỡ.

Nếu vị ấy giữ được cái tâm hoan hỷ và rộng mở theo cách như thế thì những người nghe giáo lý sẽ không phản đối. Để đáp lại những người đặt những câu hỏi khó, vị ấy không bao giờ dùng Pháp của Tiểu thừa mà chỉ dùng Đại thừa, và vị ấy giảng Pháp cho họ khiến họ có thể đạt Trí tuệ toàn hảo. Đây là hạnh an lạc về miệng.

HẠNH AN LẠC VỀ Ý:

Sau đây là tám lời khuyên dạy của đức Phật về thái độ tâm thức của vị Bồ-tát.

Thứ nhất, vị ấy không nuôi dưỡng lòng đố kỡ, lừa dối. Thứ hai, vị ấy không khinh thường, nhục mạ những người học Phật đạo khác, dù những người này là những kẻ sơ học, vị ấy cũng không vạch ra những thứ dư thừa hay thiếu sót của họ. Thứ ba, nếu có những người cầu tìm Bồ-tát đạo, vị ấy không làm họ chán nản khi khiến họ nghi ngờ, tiếc nuối; vị ấy cũng không nói những điều làm họ nhụt chí. Thứ tư, vị ấy không nên ưa thích bàn luận về các pháp hoặc tranh cãi mà nên nỗ lực bàn về tu tập để cứu độ tất cả chúng sanh. Thứ năm, vị ấy nên nghĩ đến việc cứu độ tất cả chúng sanh khỏi các khổ đau bằng lòng đại từ bi của mình. Thứ sáu, vị ấy nên nghĩ đến chư Phật như nghĩ đến những đấng từ phụ. Thứ bảy, vị ấy nên nghĩ đến những vị thầy vĩ đại của mình. Thứ tám, vị ấy nên giảng Pháp đồng đều cho tất cả các chúng sanh. Đây là hạnh hoan hỷ về ý.

HẠNH HOAN HỶ VỀ NGUYỆN:

Vào các đời cuối cùng trong tương lai, khi Pháp sắp tàn diệt, chư Bồ-tát thủ trì kinh Pháp Hoa này nên phát sinh một tinh thần từ thiện lớn lao đối với những người chưa là Bồ-tát, nhưng lại thỏa mãn với ý tưởng ích kỷ là chỉ cứu lấy riêng mình. Vị ấy cũng cần quyết định rằng dù người ta chưa cầu, chưa tin, chưa hiểu kinh này, khi vị ấy đã đạt Toàn Giác thì với năng lực thần thông và năng lực trí tuệ, vị ấy sẽ dẫn họ vào an trú trong Pháp này. Hạnh hoan hỷ về nguyện nghĩa là có một lòng đại từ bi và khởi tâm nguyện dẫn dắt mọi người đến kinh Pháp Hoa và nguyện tu tập tinh thần của kinh.

Vị Bồ-tát có thể thành tựu hoàn toàn hạnh hoan hỷ này thì sẽ thoát khỏi sai lầm khi vị ấy giảng Pháp. Vị ấy sẽ luôn luôn được mọi người tôn thờ. Chư Thiên sẽ mãi hộ trì vị ấy suốt đêm ngày vì Pháp này, khiến vị ấy có thể làm cho người nghe hoan hỷ.

ẨN DỤ VỀ VIÊN NGỌC Ở ĐỈNH ĐẦU:

Sau khi giảng về bốn hạnh hoan hỷ, đức Thế Tôn nhấn mạnh về sự tối thượng của giáo lý kinh Pháp Hoa qua Ẩn đụ về Viên ngọc trên Đỉnh đầu sau đây, Ẩn dụ thứ sáu trong bảy Ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa.

“Cũng như một vị Chuyển luân Thánh vương hùng mạnh muốn dùng sức để chinh phục các quốc độ khác.
Khi các tiểu vương không tuân lệnh Chuyển luân vương, vua bèn triệu tập các đạo quân của mình lại mà đi chinh phạt họ. Thấy các chiến sĩ của mình giỏi về chiến trận, vua rất toại ý và tùy theo công trạng của họ, ngài ban thưởng, cho ruộng đất, nhà cửa, làng mạc, thành trì hoặc cho quần áo, đồ trang sức cá nhân hoặc cho đủ thứ của báu. Chỉ có viên ngọc vương miện trên đỉnh đầu là ngài không ban cho ai vì viên ngọc này chỉ có thể được gắn trên đầu một vị vua mà thôi, và nếu ngài cho đi thì tất cả tùy tùng của ngài sẽ rất kinh ngạc. Này Văn-thù, sự việc trước đây Như Lai đã không giảng kinh Pháp Hoa cũng giống nhưvậy.

“Bằng năng lực Thiền định và trí tuệ, Ngài đã chiếm hữu quốc độ của Pháp và làm vua ba cõi. Nhưng các Ma vương không chịu tuân phục. Các tướng Hiền Thánh của đức Như Lai chống lại chúng. Đối với những người xuất sắc thì Ngài cũng vậy, rất toại ý; và giữa bốn chúng, Ngài giảng kinh này cho họ, khiến họ hoan hỷ và ban cho họ Thiền định, giải thoát, căn gốc toàn hảo (vô lậu căn), năng lực và tài sản Pháp. Hơn nữa, Ngài cho họ thành trì Niết-bàn, bảo rằng họ đã được diệt độ, thu hút tâm họ khiến tất cả đều hoan hỷ; tuy vậy Ngài vẫn chưa giảng kinh Pháp Hoa cho họ.

“Này Văn-thù, giống như vị Chuyển luân vương thấy các chiến sĩ của mình giỏi dang thì vô cùng vui sướng đến nỗi giờ đây, rốt lại, cho họ viên ngọc kỳ diệu mà từ lâu lắm ngài vẫn mang trên đỉnh đầu, viên ngọc mà phải cẩn trọng khi cho ai; đức Như Lai cũng như thế. Là vị Đại Pháp Vương của ba cõi, giảng dạy và cải hóa tất cả các chúng sanh bằng Pháp, khi đức Phật thấy đạo quân Hiền Thánh của Ngài chiến đấu chống các loại Ma và chiến đấu với thành tích và công lao to lớn, tiêu diệt tam độc(1), thoát khỏi ba cõi, phá thủng lưới của Ma, thế rồi đức Như Lai cũng rất vui mừng và giờ đây, rốt cục Ngài giảng kinh Pháp Hoa này mà trước kia chưa từng được giảng và có thể khiến tất cả các chúng sanh đạt Toàn Giác, dù rằng cả thế gian còn phật ý và khó tin ở kinh. Này Văn-thù ! Kinh Pháp Hoa này là giáo lý tối thượng của chư Như Lai và thâm sâu nhất trong tất cả mọi giáo lý. Cuối cùng, Ta ban kinh này cho các ông, như vị vua hùng mạnh cuối cùng đã ban hạt minh châu mà đã từ rất lâu ngài vẫn giữ”.

(1) Tam độc: tham, sân, si.

Thế rồi đức Thế Tôn trùng tuyên giáo pháp này bằng kệ. Những ai đọc kinh này thì được nhiều công đức mà phần giữa của đoạn kệ nêu ra:

“Người nào đọc kinh này
Mãi thoát khỏi ưu tư
Và thoát khỏi khổ bệnh;
Sắc mặt được mát, trắng;
Không sinh chốn nghèo nàn,
Thấp hèn hay xấu xí.
Chúng sanh mừng được thấy
Như thấy bậc tôn Thánh;
Đồng tử của chư Thiên
Đến làm người giúp việc.
Đao gậy không gây tổn;
Thuốc độc không hại được.
Nếu ai mắng vị này,
Miệng sẽ bị tắt nín.
Du hành không sợ hãi
Như một sư tử vua.
Trí vị ấy quang minh
Soi sáng như mặt trời”.

Đức Phật đi thẳng vào vấn đề bằng cách so sánh trí tuệ của con người với ánh mặt trời. Không có chất liệu gì trong bóng tối; chỉ có một sự thiếu vắng ánh mặt trời. Nếu mặt trời chiếu vào bóng tối, bóng tối sẽ biến mất. Nếu một người chứng nghiệm trí tuệ của đức Phật thì bóng tối tâm thức của người ấy tự nhiên sẽ biến mất. Chúng ta phải hiểu rõ rằng trí tuệ của đức Phật thì tuyệt đối và rằng đấy là một quy luật, khi đối mặt với bóng tối, sẽ xua tan bóng tối.

Cuối cùng, phẩm này xác định rằng một người thành tựu viên mãn bốn hạnh hoan hỷ và giảng kinh Pháp Hoa sẽ mơ nhiều giấc mơ. Chúng ta không nên xem thường lời xác nhận này vì nó liên hệ đến những giấc mơ. Khoa tâm lý học hiện đại rõ ràng đã công nhận sự quan trọng của những giấc mơ.

Một cách vắn tắt, một giấc mơ được gọi là một “ký ức của ban ngày”. Người ta bảo rằng những kinh nghiệm của chúng ta trong những giờ thức chất chứa trong tiềm thức của chúng ta và tái xuất hiện thành những giấc mơ khi chúng ta ngủ. Khi một người nằm mơ thấy rằng anh ta thấy một hình ảnh thiêng liêng của đức Phật, thì điều ấy chứng tỏ rằng anh ta đã thanh tịnh tận đáy lòng, đã trở nên từ bi và luôn luôn niệm Phật.

Ngay cả một người được tôn kính cũng có thể trở thành mê sảng do bị sốt hay do ác mộng. Hiển nhiên rằng tiềm thức của người ấy chưa được thanh tịnh. Mong rằng chúng ta sẽ đạt được một trạng thái tâm thức mà ngay cả trong những giấc mơ, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy chư Phật với kim thân và thấy chúng ta đang ở giữa chư vị mà chắp tay ca ngợi đức Phật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]