Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 3: Thập công đức

14/11/201017:29(Xem: 8902)
Phẩm 3: Thập công đức

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA
Phẩm 3
THẬP CÔNG ĐỨC


Phẩm này trình bày công đức mà một người có thể đạt, những hành vi đạo đức mà người ấy có thể thành tựu và những phục vụ mà người ấy có thể thực hiện cho xã hội nếu người ấy hiểu giáo lý được giảng trong kinh này. Nhiều người bảo rằng tôn giáo không nên ban công đức cho tín đồ, nhưng đây chỉ là một ý kiến nghe ra có vẻ hay ho. Nếu một người không được công đức khi người ấy thực sự am hiểu một tôn giáo đúng đắn, tin tưởng sâu xa và tu tập theo tôn giáo ấy, thì điều này kể cũng lạ. Không cần phải nói, có nhiều mức độ khác nhau về công đức tùy theo mức độ am hiểu của người ta và tốc độ thể hiện thực sự về công đức. Trong mọi trường hợp, khi một người tin tưởng vào tôn giáo của mình, thông qua tôn giáo ấy mà đạt công đức thì đấy là điều tự nhiên.

Như trước đây đã nêu, giáo lý của đức Phật là chân lý về vũ trụ, dĩ nhiên nó bao gồm con người. Chẳng có gì lạ, và chắc chắn chẳng có gì vi diệu khi nếu một người sống theo chân lý thì cuộc sống của người ấy được tốt đẹp. Điều này cũng như nếu chúng ta mở máy truyền hình và vặn đúng độ dài sóng được một trạm phát hình riêng phát đi thì một hình ảnh sống động hiện ra trên màn hình và một âm thanh rõ ràng phát ra.

Nếu không có hình ảnh hiện lên trên màn hình dù chúng ta vẫn thường cố chỉnh kênh thì máy truyền hình ấy là không dùng được. Nó sẽ bị vứt vào một phòng kho nào đó, tại đấy, nó sẽ bị bụi bặm bao phủ. Trong suốt lịch sử, nhiều tôn giáo đã xuất hiện, nhưng một số đã mất dần năng lực và cuối cùng trở nên xa vời với người ta. Sở dĩ như thế là vì các tôn giáo ấy đã quên thứ công đức mà tín đồ đạt, hoặc vì chỉ giảng về thứ công đức đạt được sau khi chết, rằng người ta sẽ lên trời hay tái sinh ở thiên đường.

Giáo lý thật sự của đức Phật dù sao cũng không thuyết giảng về một công đức mơ hồ mà người ta chỉ có thể hiểu được sau khi chết. Công đức mà đức Phật thuyết giảng thể hiện rõ ràng trong đời sống của chúng ta trên thế giới này. Ngoài chính chúng ta, đây là một công đức gây một ảnh hưởng vào tất cả xã hội, tất cả mọi người. Nếu chúng ta không để ý tới và coi thường công đức này thì cũng như chúng ta cố ý che kín ánh sáng giáo lý của đức Phật bằng một tấm màn đen. Thái độ như thế là do sự hiểu biết nông cạn đặc biệt của con người ngày nay.

Chúng ta cần phải lìa bỏ lối suy nghĩ nông cạn ấy và tắm mình trong ánh sáng của đức Phật bằng cách vén bức màn kia sang một bên. Đây là niềm hy vọng thực sự của đức Phật và là mục đích duy nhất khiến Ngài xuất hiện trên cõi đời này.

Bồ-tát Ma-ha-tát Đại Trang Nghiêm xúc động mạnh mẽ vì kinh Vô Lượng Nghĩa, bạch với Phật ngài có thể hiểu rằng kinh này là vi diệu, sâu xa và có năng lực lớn lao. Rồi Bồ-tát Ma-ha-tát hỏi đức Phật: “Bạch Thế Tôn, kinh này là bất khả tư nghì. Bạch Thế Tôn, vì lòng từ mẫn đối với hết thảy mọi người, xin Ngài giảng giải vấn đề sâu xa và bất khả tư nghì của kinh này. Bạch Thế Tôn, kinh này từ chỗ nào đến ? Kinh này đi đến chỗ nào? Kinh này trụ ở chỗ nào ?”

Đức Phật trả lời Bồ-tát Ma-ha-tát Đại Trang Nghiêm: “Này Thiện nam tử ! Kinh này vốn từ trú xứ của hết thảy chư Phật mà đến, đi đến chỗ mong cầu Phật quả của hết thảy chúng sanh và trụ tại chỗ mà hết thảy Bồ-tát tu tập”.

Những từ này rất quan trọng. Biểu ngữ “Kinh này vốn từ trú xứ của hết thảy chư Phật mà đến” nghĩa là kinh phát xuất từ tâm của đức Phật. Ở đây đức Phật nhấn mạnh rằng kinh này như là một cỗ xe lớn (Đại thừa), thực sự là một giáo pháp sâu xa phát xuất từ tâm từ bi của đức Phật, khiến Ngài không thể không giảng nó. Chỗ mà kinh đi đến, tức mục đích của kinh, là khiến cho tất cả các chúng sanh mong cầu Phật quả. Chỗ mà kinh trụ là sự tu tập của chư Bồ-tát, là rất nhiều pháp môn tu tập khác nhau đưa đến sự chứng ngộ của đức Phật. Điều này cũng khẳng định rằng mọi người đều có thể đạt đại công đức là có thể đạt sự chứng ngộ của đức Phật nếu người ta tu tập theo kinhnày.

Thế rồi đức Phật giảng rõ về mười năng lực công đức của kinh. Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào năng lực công đức thứ nhất vốn được xem là năng lực căn bản nhất.

Đức Phật dạy: “Này các Thiện nam tử ! Trước hết, kinh này có các công đức sau đây: nó khiến cho chư Bồ-tát chưa được giác ngộ mong cầu Phật quả và khiến cho người không có lòng thương xót không lưu tâm tạo hạnh phúc cho những người khác, sẽ khởi lòng thương xót. Nó cũng làm cho người thích gây hại những người khác hay giết chóc chúng sanh, sẽ khởi lòng đại từ bi. Nó làm cho một người có tính ganh ghét khởi lòng hỷ xả. Ai tham lam và kiêu mạn thì nên đọc kinh này, họ sẽ lĩnh hội được giáo lý của đức Phật, họ có thể hiểu rằng một người có vẻ không ngang bằng họ lại cũng bằng như họ trước đức Phật, họ sẽ đầy lòng hoan hỷ và muốn được tối thượng như đức Phật. Do đó, sự tham lam và ganh ghét bị tiêu trừ.

“Thật là tự nhiên khi một người cảm thấy bị ràng buộc vào những thứ chung quanh - tài sản, địa vị, danh dự, gia đình v.v... Tuy nhiên, nếu người ấy chấp chặt những thứ này thì người ấy sẽ mang lấy nhiều khổ đau về tinh thần. Nếu anh ta đạt đến một trạng thái tâm thức xả bỏ các thứ ấy vào bất cứ lúc nào thì tâm anh ta sẽ trở thành tự tại đối với chúng. Vì không bị ràng buộc vào một thứ gì cả, anh ta sống một cuộc sống bình an với gia đình, có thể sử dụng tài sản một cách hữu ích và có thể tạo ra một trú xứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Kinh này có công đức làm cho một người bị ràng buộc khởi tâm xả ly.

“Kinh này khiến người keo kiệt khởi tâm bố thí. Những ai keo kiệt về những thứ riêng của mình và ham muốn những thứ của người khác mà có thể hiểu Phật tâm, tận tụy chỉ vì chúng sanh; thì tự nhiên những người ấy sẽ có tâm bố thí và tử tế với những người khác. Họ sẽ có ích cho những người khác.

“Kinh này khiến người kiêu mạn khởi tâm giữ giới. Nếu những ai tự hào về sự thù thắng, về trí khôn hay về phẩm hạnh của mình thì cần phải đọc tụng kinh này và hiểu sự hiện hữu của đức Phật, những người ấy sẽ lưu tâm đến lối suy nghĩ và xử sự sai lầm và khởi tâm giữ gìn kiên cố những giới luật mà đức Phật đã thiết lập.

“Kinh này khiến người nóng nảy khởi tâm nhẫn nhục. Những ai thường giận dữ vì những điều nhỏ nhặt thì cần phải noi theo gương tâm của đức Phật, họ sẽ không còn nóng giận, oán ghét về những gì mà những người khác có thể nói hay làm. Trái lại, họ thông cảm với những người khác và từ bi mong mỏi sửa chữa lối suy nghĩ sai lầm của những người ấy. Đây là tâm nhẫn nhục vốn có thể chịu đựng những gì không thể chịu đựng và làm cái không thể tha thứ thành cái có thể tha thứ.

“Kinh này khiến người lười biếng khởi tâm tinh tấn. Người lười biếng là người không hướng hoạt động của mình cho tương lai, là người bỏ qua bổn phận và cứ bận bịu theo những việc không đâu. Tuy vậy, anh ta không thể không nỗ lực hướng dẫn đời mình nếu anh ta hiểu lời đức Phật dạy rằng mọi cuộc đời đều có thể được sống một cách đúng đắn theo từng cách riêng và đây là cách làm cho toàn bộ thế giới vận hành cho cái đúng. Chớ làm điều gì ác, hãy làm hết thảy những gì thiện, hãy thanh tịnh tâm mình.

“Kinh này khiến cho người bị dao động khởi tâm Thiền định. Ngay cả những ai bị dao động, chao đảo do mọi thay đổi về hoàn cảnh cũng tiếp tục duy trì cái tâm tĩnh lặng, an bình khi họ hiểu ra rằng có một chân lý thường hằng bên dưới mọi hiện tượng thay đổi.

“Kinh này khiến cho người si muội khởi tâm trí tuệ. Người si muội là người chỉ nghĩ đến hiện tại mà không thể suy tưởng đến hậu quả của những hành động của mình. Do đó, người ấy có thể bị dao động vì hoàn cảnh trực tiếp và thường trở nên giận dữ hay lo lắng về những thứ như thế. Nếu người ấy nghiên cứu giáo lý Đại thừa và có tâm trí tuệ, anh ta sẽ dần dà thấy được các sự việc trong văn mạch và không cảm thấy chán nản về mọi sự, tâm anh ta sẽ trở nên sáng suốt hơn.

“Kinh này khiến cho người không lưu tâm cứu giúp người khác khởi tâm cứu giúp người khác. Nếu một người hiểu rằng những người khác cũng như chính mình cần phải được cứu giúp vì anh ta không sống trong đời này đơn độc, tách biệt với những người khác thì tự nhiên anh ta sẽ khởi tâm giúp đỡ những người khác.

“Kinh này khiến người phạm mười điều ác khởi tâm về mười điều thiện. Mười điều ác là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời nhơ nhớp, nói lời hai lưỡi, ác khẩu, tham lam, sân hận, và si muội. Khi một người thủ đắc giáo lý chân thật của Đại thừa, người ấy sẽ dần dà không còn nuôi dưỡng những điều ác ấy.

“Kinh này khiến người tìm cầu hữu (sự hiện hữu) mong mỏi cái tâm phi hữu. Ngay cả những ai chấp chặt quy ngã trong mọi sự mà họ làm thì tự nhiên họ sẽ khởi tâm vô vị kỷ khi họ nhờ kinh này mà đến gần Phật, tâm xem tất cả các chúng sanh đều bình đẳng.

“Kinh này khiến người có xu hướng bỏ đạo khởi tâm bất thối chuyển. Những ai có thể bị thối thất trong sự tiến bộ tâm linh sẽ có quyết tâm khiến họ nhằm đạt đến Phật quả, kiên trì trong giới luật tu tập không bao giờ thối thất một chút nào khi họ hiểu được giáo lý Đại thừa nhờ kinh này. Điều này là hoàn toàn tự nhiên, vì họ có thể thấy được con đường đang chiếu sáng và mở ra trước mắt họ và họ không thể không được cảm ứng bởi con đường ấy.

“Kinh này khiến cho người phạm các hành động cấu uế do bởi ảo tưởng khởi tâm vô lậu vượt khỏi ảo tưởng và khiến cho người khổ đau vì lậu hoặc khởi tâm viễn ly”.

Sau khi giảng giải như thế, đức Phật dạy: “Này các Thiện nam tử, đấy gọi là năng lực công đức bất khả tư nghì thứ nhất của kinh này”.

Các năng lực công đức đã nêu trên thì rất rộng lớn. Dù cho chúng ta chỉ hoàn tất một trong các năng lực ấy thì đấy cũng là một thành tựu tuyệt vời đối với chúng ta vốn là những người đang sống trong thời đại mới này. Khi đọc về nhiều công đức nêu ra đây, chúng ta chớ lo sợ mà nghĩ rằng các công đức ấy vượt khỏi sức lực của chúng ta, vì nếu chúng ta có thể hoàn thành chỉ một công đức thì chúng ta có thể hoàn thành các công đức khác. Hãy cứ hoàn thành một công đức - nghĩ như thế là rất quan trọng, nhằm để ra sức học tập và để kiên trì trong kỷ luật như thế.

Thứ hai, đức Phật khẳng định rằng nếu một chúng sanh nghe được kinh này chỉ một lần, hay dù chỉ một câu hay một phần câu, người ấy cũng thâm nhập vô số ý nghĩa vì kinh này hàm chứa vô lượng nghĩa.

Năng lực công đức bất khả tư nghì thứ hai của kinh được nêu như sau: Từ một hạt giống, một trăm ngàn vạn hạt giống nảy sinh, từ mỗi hạt giống của một trăm ngàn vạn hạt giống này, một trăm ngàn vạn hạt giống khác nẩy sinh, và cứ theo một quá trình như thế, các hạt giống gia tăng đến vô cùng.
Kinh này cũng như thế. Từ một pháp, một trăm ngàn vạn ý nghĩa nẩy sinh, từ mỗi ý nghĩa của một trăm ngàn vạn ý nghĩa này, một trăm ngàn vạn ý nghĩa khác nẩy sinh, và bằng một quá trình như thế, các ý nghĩa gia tăng đến vô hạn.

Năng lực công đức bất khả tư nghì thứ ba của kinh là như sau: Nếu một chúng sanh nghe được kinh này chỉ một lần, hay dù chỉ một câu hay một phần câu, người ấy cũng thâm nhập vô số ý nghĩa. Sau đó, những si muội của người ấy, dù còn hiện hữu, vẫn trở thành như không hiện hữu; người ấy sẽ không sợi hãi dù người ấy chuyển dịch giữa sinh và tử; và người ấy sẽ khởi tâm từ bi đối với mọi chúng sinh, đạt được sự quả quyết tuân theo mọi pháp.
Giống như một người chở thuyền, dù người ấy ở bờ bên này, đang mắc bệnh nặng, cũng có thể được sang bờ bên kia nhờ một chiếc thuyền tốt và chắc chắn chở được bất cứ ai một cách an toàn; đối với người trì kinh này cũng như thế. Dù người ấy ở bờ bên này thuộc vô minh, già và chết, với một trăm lẻ tám loại bệnh nặng mà thân thể người ấy mắc phải theo năm trạng thái (ngũ đạo), người ấy cũng có thể được giải thoát khỏi sinh tử nhờ tu tập kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa kiên cố này là kinh thực hiện giải thoát chúng sanh.

Năng lực công đức bất khả tư nghì thứ tư của kinh này là như sau: Nếu một chúng sanh nghe được kinh này chỉ một lần, hay chỉ một câu hay một phần câu, người ấy sẽ đạt được tinh thần quả cảm, và sẽ cứu giúp những người khác dù người ấy chưa thể tự cứu mình. Người ấy sẽ trở thành người theo hầu chư Phật cùng với hết thảy chư Bồ-tát và hết thảy chư Phật Như Lai sẽ luôn luôn giảng Pháp cho người ấy. Biểu ngữ “hết thảy chư Phật Như Lai sẽ luôn luôn giảng Pháp cho người ấy” có ý nghĩa rất thâm sâu, trỏ rằng mặc dù mãi cho đến nay người ấy đã không biết hoặc cố ý lẩn tránh đức Phật, giờ đây người ấy lại trực tiếp diện kiến đức Phật. Dù muốn hay không, người ấy cũng được trực tiếp đưa ra trước ánh sáng của đức Phật. Đây là một công đức rất quan trọng mà người ấy có thể đạt được từ đức Phật. Người ấy càng thường xuyên nhận giáo lý của đức Phật thì càng có nhiều người có thể được người ấy thuyết giảng giáo lý ấy tùy theo những phương pháp thích hợp nhất cho nhiều người khác nhau.

Năng lực công đức bất khả tư nghì thứ tư dạy rằng nếu một Bồ-tát nghe được một phần câu hay một câu kệ của kinh này một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần hay vô số lần, vị ấy sẽ có thể thâm nhập vào Mật pháp của chư Phật và sẽ diễn giải Mật pháp ấy không lầm lẫn sai sót dù cho chính vị ấy chưa thể nghiệm chân lý tối hậu. Vị ấy sẽ luôn luôn được hết thảy chư Phật hộ trì và đối xử từ ái vì vị ấy là kẻ sơ học.

Năng lực công đức bất khả tư nghì thứ năm và thứ sáu của kinh này là như sau: Nếu Thiện nam tử hay Thiện nữ nhân nào thọ trì, tụng đọc hay chép kinh này hoặc trong thời đức Phật tại thế hoặc sau khi Ngài nhập diệt thì dù cho họ còn bị vô minh hạn chế, lời nói và các cư xử của họ cũng sẽ có ích cho xã hội. Họ sẽ giải thoát các chúng sanh khỏi sinh tử của vô minh và khiến các chúng sanh thắng vượt mọi khổ đau bằng cách giảng pháp cho các chúng sinh. Đây là sự tu tập quan trọng nhất của chư Bồ-tát và chứng tỏ rằng người ta có thể thuyết pháp cho những người khác ngay cả khi người ta chưa thành tựu pháp một cách viên mãn; người ta phải chia xẻ cái biết của chính mình dù cái biết ấy còn ít ỏi, để mình tiến xa hơn. Ẩn dụ sau đây sẽ minh họa năng lực công đức thứ sáu: Giả thử một vị vua đang tuần du hay đang bị bệnh mà phải giao sự cai quản việc nước cho thái tử dù thái tử chỉ là một đứa trẻ. Thái tử do lệnh vua mà lãnh đạo toàn bộ các quần thần theo luật và phổ biến các chính sách đúng đắn, khiến cho mọi công dân trong nước theo lệnh của thái tử chính xác như chính nhà vua đang trị vì. Các Thiện nam tử hay Thiện nữ nhân thọ trì kinh này cũng giống như thái tử ấy vậy.

Các năng lực công đức thứ bảy, thứ tám, thứ chín, và thứ mười của kinh diễn tả một cấp độ tâm thức rất khó khăn để tiến lên từ mỗi tầng bậc. Xin vắn tắt trình bày chung về các năng lực công đức này: khi người ta hiểu kinh này sâu hơn, tu tập và truyền bá kinh này cho người khác, thì người ta có thể chính tự mình thành tựu kinh và đồng thời có thể cứu độ kẻ khác; và cuối cùng, có thể đạt được một trạng thái tâm như của đức Phật.

Khi đức Phật giảng xong các năng lực công đức bất khả tư nghì của kinh này, đất rung chuyển và hoa, hương, áo, tràng hoa và báu vật vô giá của trời từ trên trời mưa xuống. Các thứ này được dâng cúng đức Phật, chư Bồ-tát, Thanh văn và đại chúng. Bấy giờ cùng với nhiều Bồ-tát Ma-ha-tát khác, Bồ-tát Ma-ha-tát Đại Trang Nghiêm nguyện với đức Phật rằng chư vị sẽ truyền giảng rộng rãi kinh này sau khi đức Như Lai diệt độ, vâng theo lời Phật dạy và khiến mọi người quyết thọ trì, đọc tụng, sao chép và tôn sùng kinh này.

Đức Phật rất hoan hỷ nghe các lời nguyện của chư vị ấy và khen rằng: “Hay thay ! Hay thay ! Này các Thiện nam tử, các vị quả thực là con của Phật. Các vị là những người cứu tất cả chúng sanh khỏi khổ đau. Hãy luôn luôn ban phước lạc của Chánh pháp rộng khắp hết thảy“.

Kinh Vô Lượng Nghĩa chấm dứt bằng những biểu từ sau: “Bấy giờ, mọi người trong đại chúng đều hết sức vui mừng, đảnh lễ đức Phật, thọ nhận kinh mà rút lui“.

Tóm lại, điểm thiết yếu của kinh này là mọi pháp đều phát sinh từ một pháp, tức là, cái thực tướng của hết thảy mọi sự vật. Tất cả các hiện tượng của vũ trụ, bao gồm cả đời sống con người, thể hiện bằng muôn ngàn cách khác nhau và xuất hiện, biến diệt, biến chuyển, đổi thay. Tâm con người có thể bị dẫn dắt sai lạc trong khổ đau và lo lắng vì sự dị biệt và biến dịch. Nếu chúng ta không lưu tâm đến sự dị biệt và biến dịch có tính chất ngoại tướng như thế, và nếu chúng ta có thể nhìn thấy sâu suốt cái thực tướng của tất cả các sự vật vốn vượt khỏi sự dị biệt bên ngoài, cái
thực tướng mãi mãi không thay đổi thì chúng ta có thể đạt được trạng thái tâm thức tự tại với mọi sự vật trong khi sống đời sống thường nhật

Tuy nhiên, kinh Vô Lượng Nghĩa không giải thích rõ “thực tướng của mọi sự vật” là gì và chúng ta phải làm gì để thấy rõ thực tướng ấy. Điểm quan trọng này sẽ được làm sáng tỏ trong kinh Pháp Hoa sau đây.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]